XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Lời giải 20. VỀ CÁI CHẾT CỦA LÝ LIÊN ANH

Cuối triều Thanh, người để lại ấn tượng sâu sắc nhất với mọi người ngoài “Lão Phật gia” Từ Hy sợ không còn ai khác là Đại Thái giám Lý Liên Anh. Con người này ban đầu là một tiểu Thái giám xuất thân nghèo khổ, nhưng nhờ “thiện sớ tân kế” (học được cách chải đầu để làm Từ Hy hài lòng) lại thêm có công lớn với Từ Hy và tám vị đại thần nắm giữ quyền hành nên từ đó nhanh chóng trở thành Thái giám được Từ Hy tin cậy, là Đại Tổng quản Thái giám cả hai triều vua Đồng Trị và Quang Tự.

Sau khi Từ Hy mất, Lý Liên Anh không còn chỗ dựa nên mượn cớ tuổi già xuất cung. Ngày 4 tháng 3 năm 1911, Lý Liên Anh chết, thọ 64 tuổi. Để làm nên những ngày may mắn của Lý Liên Anh, những năm tháng có thế lực rất lớn, không biết có bao nhiêu oan hồn đã chết dưới bàn tay ông ta. Cuối cùng số phận ông ta như thế nào? Chết già theo lẽ tự nhiên hay chết oan?

Về hoàn cảnh cái chết của Lý Liên Anh trong lịch sử được ghi chép tương đối chính xác trong cuốn sách “Thanh bại loại sao. Yêm thị loại”. Sách này ghi rõ, Lý Liên Anh sau khi Hiếu Khâm hậu (tức Từ Hy) chết, lại được Long Dụ Thái hậu tin cậy cho tới khi bị bệnh. Ông được Long Dụ thưởng hai nghìn lạng bạc.” Người đời sau của Lý Liên Anh cũng ghi lại: “Tổ phụ ta là Lý Liên Anh, chết già, hưởng thọ 64 tuổi.” Lại nói: Tổ phụ tôi bị mắc bệnh cấp tính, đã điều trị rất nhiều nhưng đã mất. Từ khi bị bệnh tới khi mất chỉ có 4 ngày.” Trong “Lý Liên Anh mộ táng bi văn” cũng có viết:  Lý Liên Anh “sau khi về nhà, ngày càng già yếu, tạ thế vào ngày 4 tháng 3 năm Tuyên Thống thứ 3”. Chính dựa vào ghi chép này, người ta nói Lý Liên Anh chết vào năm Tuyên Thống thứ 3 (1911).

Nhưng với sự việc này, nhiều người vẫn có thái độ hoài nghi, có phải Lý Liên Anh đã chết vì bệnh già? Muốn xác định nguyên nhân cái chết của ông ta cần xác định hoàn cảnh khi chôn cất, phải tìm tới mộ của Lý Liên Anh mới có thể kết luận được chính xác.

Vậy thì, mộ của Lý Liên Anh ở đâu? Có người nói mộ của ông ta ở Ân Tế trang, Hải Điện, Bắc Kinh. Đây vốn là nơi để mộ của các Thái giám đời Thanh. Trước khi Từ Hy Thái hậu qua đời đã chọn cho Lý Liên Anh một khu đất cao. Vì thế, khi chết Lý Liên Anh được chôn cất ở đây. Dân gian còn truyền nhau một giả thiết Lý Liên Anh được chôn cất ở Thanh Đông lăng, bên cạnh mộ của Từ Hy Thái hậu. Nhưng có người đã phủ nhận khả năng này vì Thanh Đông lăng là nơi an táng các tần phi của triều Thanh. Lý Liên Anh dù có may mắn thế nào cũng vẫn chỉ là một nô tài, không thể nào được chôn cất ở đây.

Ngoài ra, cũng có người cho rằng mộ của Lý Liên Anh được đặt ở nghĩa địa họ Lý bên ngoài cửa Vĩnh Định Đại Hồng môn.

Năm 1966, thời kỳ “văn cách” (cách mạng văn hóa), trong lúc “phá tứ cựu”, trường học 1.6 ở Ân Tế trang khu Hải Điện Bắc Kinh, Hiệu trưởng, Bí thư cùng một nhóm giáo viên  bị quy thành “ma quỷ rắn rết” đưa đi lao cải, một hôm họ cùng với mấy Hồng vệ binh phát hiện một ngôi mộ cổ, tương truyền đây là ngôi mộ của Lý Liên Anh. Khai quật ngôi mộ, người ta phát hiện những bí mật to lớn. Sau khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng, người ta phát hiện trong đó có rất nhiều vật bồi táng, tất cả đều là những châu ngọc quý hiếm. Quan tài còn hoàn toàn nguyên vẹn, nhưng khi mở ra, chỉ thấy xương sọ cùng một bím tóc dài và đôi giày, ngoài ra hoàn toàn không có xương cốt nào khác. Người ta cho rằng, mọi châu ngọc quý giá vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị trộm cắp, nhưng ông chết từ năm 1911, đến năm 1966, sau 55 năm, xương cốt làm sao còn nguyên vẹn, dẫn tới cảnh “khỏa lạp vô tồn”.

Về nguyên nhân dẫn tới cái chết của Lý Liên Anh cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Trong dân gian, có người cho rằng Lý Liên Anh đã bị ám sát ở khu vực giữa Hà Bắc và Sơn Đông. Nhưng những người nói thế này cũng có nhiều ý kiến không giống nhau. Có người cho rằng Lý Liên Anh có một khối lượng tài sản rất lớn, bản thân ông ta cũng biết “ của càng lớn thì họa cũng càng lớn”, cũng đã có dự cảm về những tai họa mình phải gánh chịu. Quả nhiên là cuối cùng, chính do tài sản khổng lồ mà ông ta bị giết. Cũng có người cho rằng, Lý Liên Anh có một người cháu gái, gả cho một người ở huyện Vô Đệ, Sơn Đông. Ông ta ngẫu nhiên gặp nạn khi tới thăm cháu.

Trên đường đi, tới ranh giới giữa Sơn Đông và Hà Bắc thì bị giết. Lúc đó hai tên hầu đi theo hoảng sợ, bỏ chạy, chỉ mang theo được cái đầu đầm đìa những máu để trong một cái túi vải. Ngựa chạy một mạch, về tới Bắc Kinh mới dừng lại. Sau đó có trở lại tìm thi thể của Lý Liên Anh nhưng không tìm thấy.

Cũng có người cho rằng, Lý Liên Anh khi trở về ở Nam Hoa viên bị ám sát. Sau khi Từ Hy chết, Lý Liên Anh ở tại Nam Hoa viên. Ông ta biết không còn thế lực nâng đỡ, sống những ngày cuối cùng trong cô độc. Hàng ngày, ông ta chỉ biết nhớ về chủ cũ, nên thường tới Đông lăng thăm mộ Từ Hy, kết quả trên đường đi bị người ta giết.

Nói Lý Liên Anh bị ám sát, dù vì tài sản hay vì nguyên nhân nào khác cũng đều có thể xảy ra.  Khi còn sống, trong triều quyền hành của ông ta rất lớn, lại dựa vào Từ Hy đã hãm hại rất nhiều người, đương nhiên có rất nhiều kẻ thù.

Sau khi Từ Hy chết, Lý Liên Anh được Long Tụ Thái hậu nâng đỡ, lui về dưỡng lão ở Nam Hoa viên, không tránh khỏi bị người đời oán hận đến xương cốt. Cho nên một khi không còn chỗ dựa thì gặp tai họa cũng là điều tất nhiên.

Cũng có ý kiến cho rằng Lý Liên Anh bị Tiểu Đức Trương hãm hại. Tiểu Đức Trương là người thân tín của Long Tụ, từng đồng tình với việc Long Tụ giám sát Lý Liên Anh. Lý Liên Anh vội tìm đến Giang Triều Tông, một người thân tín của Viên Thế Khải cầu cứu. Trong vòng tay của Giang Triều Tông, Lý Liên Anh được sống an toàn. Tiểu Tâm Trương không cam chịu, đã kết giao với Giang Triều Tông. Thấy người này là thân tín của Thái hậu, tất nhiên Giang Triều Tông không thể cự tuyệt. Một lần, Giang Triều Tông mời Lý Liên Anh tới ăn cơm tối. Lý Liên Anh khinh suất cảm ơn và nhận lời. Trên đường về đã bị kẻ gian sát hại.

Tóm lại, người ta có thể có rất nhiều kiến giải khác nhau về cái chết của Lý Liên Anh, một cái chết không toàn thây. Vì sao ông ta bị giết, ai giết, và giết như thế nào, … Đó còn là những câu hỏi chưa có lời đáp.

Bởi
  Dương Đình Giao
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét