Thống nhất và chia rẽ từ trước đến nay luôn là vấn đề lớn trong xã hội Trung Quốc, sự thịnh suy của triều Đường luôn gắn liền với sự cha rẽ trên phạm vi cả nước. Đó chính là cát cứ phiên trấn. Phiên là bảo vệ, trấn là chỉ quân trấn. Triều đình phong kiến thực hiện quân trấn để bảo vệ sự an toàn của trung ương, nhưng kết quả là đã hình thành một thế lực cát cứ đối kháng với chế độ trung ương tập quyền, đây chính là kết quả của bản chất luôn tranh quyền đoạt lợi của tầng lớp thống trị phong kiến.
Hoàn cảnh
Thời kỳ Đường Huyền Tông ở ngôi (712 – 756), để phòng ngừa sự xâm phạm của các bộ tộc vùng biên cương triều đình đã ra sức mở rộng các phòng thú quân trấn, thiết lập chức tiết độ sứ, ban cho quyền lực thống lĩnh quân sự, tài chính cho đến việc giám sát, quản lý các châu huyện, tất cả có đến 9 tiết độ sứ và kinh lược sứ. Trong đó, đặc biệt là ở phương bắc, việc tập trung quyền lực càng rõ ràng, thường xuyên một người kiêm tiết độ sứ 2, 3 trấn, An Lộc Sơn đã nhờ việc làm tiết độ sứ kiêm cả 3 trấn Phạm Dương, Bình Lô, Hà Đông để phát động cuộc phản loạn. Sau sự bùng nổ của “An Sử chi loạn”, để đề phòng quân phiến loạn tiến công, chế độ quân trấn phát triển vào trong nội địa, những châu quan trọng nhất được thiết lập tiết độ sứ, chỉ huy quân sự của mấy châu; những châu ít quan trọng hơn thì thiết lập phòng ngự sứ hoặc đoàn luyện sứ để phòng thủ những nơi hiểm yếu. Vì thế vào lúc này ở Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam, An Huy, Sơn Đông, Giang Tô, Hồ Bắc, … xuất hiện rất nhiều các tiết độ sứ, phòng ngự sứ hoặc đoàn luyện sứ ở các quân trấn lớn nhỏ. Về sau việc này lại mở rộng ra toàn quốc. Những người này là quan chức quân sự, nhưng tiết độ sứ lại thường kiêm luôn tên quan sát sử thự sứ (đổi tên thái phòng sứ), quan sát sử thự sứ cũng kiêm phòng ngự sứ hoặc đoàn luyện sứ, đều trở thành một quan chức hành chính và quân sự ở địa phương, là một cấp trong bộ máy quyền lực ở châu, lớn là tiết độ, nhỏ là quan sát, đó chính là cái gọi là phiên trấn ở cuối đời Đường, cũng có khi gọi là phương trấn. Không phải tất cả các phương trấn đều là cát cứ, các phương trấn ở Thiểm Tây, Tứ Xuyên cho đến phía nam Giang Hoài tuyệt đại đa số đều phục tùng sự chỉ huy của triều đình, cống nạp đầy đủ cho trung ương, quan chức nhậm hoặc miễn chức theo lệnh của triều đình. Nhưng cũng lúc này ở khu vực Hà Bắc có “Hà Bắc tam trấn” chỉ tồn tại trên danh nghĩa là quan địa phương của triều Đường nhưng trên thực tế lại là cát cứ một phương, không nhận triều mệnh; ở Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Sơn Tây, … trong một thời gian dài cũng ngày càng nhiều những phiên trấn giống như “Hà Bắc tam trấn”; còn có một số ỷ vào thực lực của mình, không quy phục triều đình trung ương, thậm chí những kẻ cát cứ trong thời gian ngắn còn có những hành vi phản loạn.
Cát cứ phiên trấn
Tình hình cát cứ phiên trấn dưới triều Đường có thể chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ đầu đời Đường Đại Tông đến năm cuối đời Đức Tông (762 – 805), là thời kỳ cát cứ hình thành và phát triển. Năm 763, Sử Triều Nghĩa tự sát sau “An Sử chi loạn”, đồng đảng đua nhau quy hàng triều Đường. Nhưng triều Đường không đủ sức tiêu diệt triệt để thế lực này, bèn nhận họ làm tiết độ sứ, từ đó, một số phần tử nguyên là những kẻ cầm đầu trong loạn An Sử được chia một vùng đất. Tất cả có 4 trấn: Lý Hoài Tiên tiết độ sứ Lô Long (còn gọi là U Châu hoặc Phạm Dương, nay là Bắc Kinh), thống trị vùng đông bắc Hà Bắc ngày nay, Lý Bảo Thần tiết độ sứ Thành Đức (còn gọi là Trấn Ký hoặc Hằng Ký, nay là Chính Định, Hà Bắc), thống trị vùng trung bộ Hà Bắc hiện nay; Điền Thừa Tự, tiết độ sứ Nguỵ Bá (nay là Hà Bắc) thống trị vùng phía nam Hà Bắc, bắc Sơn Đông hiện nay; Tiết Hao, tiết độ sứ Tương Vệ (nay là Nam Dương, Hà Nam) thống trị vùng nay là tây nam Hà Bắc đến Sơn Tây, và một phần Hà Nam. Về sau, Tương Vệ của Điền Thừa Tự hợp lại, còn 3 trấn, tức là “Hà Bắc tam trấn”. Ba trấn này tuy trên danh nghĩa phục tùng triều đình, nhưng thực chất là độc lập. Trong quân có tướng, hoặc cha truyền con nối, hoặc do đại tướng cử ra, triều đình không có cách gì hỏi tới. Cùng lúc này, trấn Truy Thanh (còn có tên là Bình Lô, nay là Ích Đô, Sơn Đông), Sơn Nam Đông đạo (nay là Tương Dương, Tương Phàn Hồ Bắc) cũng thực hiện độc lập trên thực tế. Hoài Tây (nay là Nhữ Nam, Hà Nam) tiết độ sứ Lý Hy Liệt làm phản, tự xưng là Kiến Hưng vương, lại liên hợp với 4 trấn đã xưng vương: Truy Thanh, Nguỵ Bá, Thành Đức, Lô Long để chống lại triều đình trung ương. Đường Đức Tông điều lực lượng ở gần đó đánh Lý Hy Liệt, các đạo binh đều chỉ đứng nhìn. Năm 783, lại điều lính ở Kinh Nguyên (nay là bắc Kinh Xuyên, Cam Túc), đến tháng 10, trong quân phát sinh phản loạn, phải cử tiết độ sứ Lô Long trước đây là Chu Xế đang ở Trường An làm Tần đế. Đức Tông đi Phụng Thiên (nay là huyện Can, Thiểm Tây). Tháng 1 năm 784, Lý Hy Liệt xưng Sở đế, đổi niên hiệu Nguyên Võ Thành; tháng 2, tiết độ sứ Sóc Phương (nay là Long Võ, Ninh Hạ) là Lý Hoài Quang cũng làm phản, Đức Tông lại chạy về Lương Châu (nay là Hán Trung, Thiểm Tây), chính quyền triều Đường trong hoàn cảnh vô cùng nguy ngập. Tháng 6 cùng năm, dẹp được Chu Thử, tháng 8 năm 785, dẹp được Lý Hoài Quang, tháng 4 năm 786, Lý Hy Liệt bị bộ tướng giết, Hà Bắc, Sơn Đông tứ trấn đã có dấu hiệu thay đổi, phục tùng trung ương ngoài mặt muốn thống nhất. Nhưng Đức Tông sau những khủng hoảng này chuyển sang chính sách mềm dẻo, chỉ mong sao tình hình tạm ổn định.
Từ Đường Hiến Tông Vĩnh Trinh nguyên niên đến năm cuối đời Nguyên Hoà (805 – 820) là thời kỳ đánh dẹp các trấn làm phản. Tháng 8 năm Vĩnh Trinh nguyên niên Đường Hiến Tông lên ngôi, ông bắt đầu thi hành chính sách diệt phiên. Năm 806, Lưu Tích Cầu, tiết độ sứ Tây Xuyên Kiếm Nam (nay là Thành Đô, Tứ Xuyên) kiêm lãnh 3 xuyên nhân triều đình không giữ lời hứa đem quân đánh chiếm trị sở của tiết độ sứ Tử Châu (nay là Tam Đài, Tứ Xuyên). Hiến Tông lập tức cử Cao Sùng Văn đem quân rất nhanh chóng đã dẹp được. Cùng năm ấy, còn đánh dẹp được cuộc phản loạn của Dương Huệ Lâm, tiết độ sứ Hạ Tuy. Năm sau lại có nổi loạn của tiết độ sứ ở Trấn Hải (còn gọi là Triết Tây, nay là Trấn Giang, Giang Tô), Hiến Tông lại điều quân lính ở gần đó chinh phạt, giành được thắng lợi. Thắng lợi của mấy cuộc đánh dẹp này đã làm cho Hiến Tông và phe chủ chiến thêm vững tâm. Năm 809, tiết độ sứ Thành Đức là Vương Sĩ Chân chết, con là Thừa Tông tự ý thay chức, Hiến Tông cử hoạn quan Thổ Đột Thừa Thôi đem quân đánh dẹp, chưa giành được thắng lợi, đành phải tạm thoả hiệp thừa nhận Thừa Tông kế vị. Năm 812, tiết độ sứ Nguỵ Bá là Điền Lý An chết, con là Tùng Gián tuổi còn nhỏ kế vị, trong quân lập đại tướng Điền Hưng (sau đổi tên là Hoằng Chính), Điền Hưng tỏ ý phục tùng trung ương, tôn trọng pháp lệnh, tự thân báo hộ tịch, tự coi là quan địa phương nhận mệnh của triều đình tới, đưa Tùng Gián về kinh. Nạn tam trấn ở Hà Bắc cát cứ lâu dài đã xuất hiện một đột phá khẩu. Ở Hoài Tây, Lý Hy Liệt bị một đô tướng là Trần Tiên Kỳ giết chết, Ngô Thiếu Thành lại giết Trần Tiên Kỳ, tiếp tục xưng hùng, Ngô Thiếu Dương kế vị. Năm Nguyên Hoà thứ 9 (năm 814), Ngô Thiếu Dương chết, con là Ngô Nguyên Tề tự ý kế vị. Với các trấn ở Hoài Tây, triều đình chia ra hai phe chủ chiến và chủ dụ. Hiến Tông thuộc phe chủ chiến, tập trung quân ở gần đó đánh Hoài Tây. Hai trấn Truy Thanh và Thành Đức ngấm ngầm ủng hộ Hoài Tây, cho người đi đốt thuyền vận chuyển ở Hà Âm, giết tể tướng Võ Nguyên Hoành, làm bị thương ngự sử trung thừa Bùi Độ, hòng ngăn chặn cuộc tiến công của triều đình, nhưng Hiến Tông không dao động, lại để Bùi Độ làm tể tướng, kiên trì đánh dẹp. Đây là cuộc đại quyết chiến giữa thế lực phiên trấn và triều đình trung ương. Do quân triều dình có một số tướng lĩnh lần lữa, lại thiếu sức chiến đấu nên cuộc đánh dẹp kéo dài đến 4 năm. Tể tướng Bùi Độ thân chinh ra tiền tuyến đốc quân, tháng 10 năm 817, tiết độ sứ Đường Quách là Lý Như Lôi đang đêm tập kích vào Thái Châu, bắt được Ngô Nguyên Tề, giành được thắng lợi cuối cùng. Năm sau, HIến Tông lại cho quân đánh Truy Thanh, tháng 2 năm 819 tướng của Truy Thanh là Lưu Ngô giết tiết độ sứ Lý Sư rồi đầu hàng triều Đường. Vì thế, Thành Đức Vương Thừa Tông, Lô Long Lưu nối nhau về triều, triều đình lại cho làm tiết độ sứ, vấn đề trường kỳ cát cứ về cơ bản được giải quyết.
Phiên trấn tái phát
Từ những năm đầu đời Đường Mục Tông đến năm cuối Đường Ý Tông (821 – 872) là thời kỳ phiên trấn ngóc đầu dậy. Vua HIến Tông chinh phạt đem lại tình hình mới chưa được bao lâu, do chiến tranh kéo dài, kho quỹ của triều đình đã cạn, Hiến Tông nhiều năm đã phải tăng các khoản đóng góp, trăm họ đều oán hận, trong tình hình mới, tư tưởng các sứ đại thần cũng mệt mỏi. Sau khi Hiến Tông chết, Mục Tông nối ngôi, “tiêu binh” (tức là giảm quân số) là một chủ trương thịnh hành một thời. “Tiêu binh” tuy có thể cắt giảm được chi phí tài chính nhưng lại không thể đảm bảo sinh kế cho binh lính, ngược lại, đó chính là một nguyên nhân gây loạn. Tướng sĩ thuộc “Hà Bắc tam trấn” bao nhiêu năm không biết đến quan sứ của chính quyền trung ương cử đến, nay lại thấy mấy nhân vật nghênh ngang kiêu ngạo coi thường binh lính Hà Bắc làm sao chịu nổi. Năm 821, đầu tiên là Lô Long khởi loạn, tướng sĩ giam tiết độ sứ mới Trương Hoằng Tĩnh do triều đình cử đến, giết hết quan chức. Tiếp đó, Thành Đức lại giết tiết độ sứ Nguỵ Bá là Điền Hoằng Chính (tức Điền Hưng), triều đình lệnh cho Bùi Độ mang quân đánh dẹp, lại lệnh cho tiết độ sứ Nguỵ Bá là Điền Bố (con của Điền Hoằng Chính) mang quân di giúp đánh Thành Đức, nhưng tướng sĩ không ra tay, yêu cầu Điền Bố phải làm “Hà Sóc cố sự” (tức khôi phục trạng thái độc lập), sau Điền Bố tự sát. Vì thế, “Hà Bắc tam trấn” lại thoát khỏi sự kiểm soát của trung ương, quân lính bị giảm nô nức trở lại. Những kẻ cát cứ mới Chu Khắc Nhung, Vương Đình Tấu, Sử Hiến Thành lại theo truyền thống cũ. Cuộc đánh dẹp của Bùi Độ thất bại. Triều đình nhân quân phí tăng cao, không có cách nào để đánh lâu dài, đành phải thừa nhận thực tế. Từ đó, chính quyền trung ương triều Đường lại vẫn chưa khôi phục được Hà Bắc. Những khu vực mà triều Đường kiểm soát được cũng xuất hiện những kẻ cát cứ như Từ Châu (nay thuộc Giang Tô), đại tướng Vương Trí Hưng bị đuổi, tiết độ sứ Thôi Quần tự lãnh quân vụ, triều đình đành phải làm ngơ. Tiết độ sứ Trạch Lộ là Lưu Ngô giam Giám quân sứ Lưu Thừa Giai, triều đình không biết làm thế nào, tuyên bố đày Lưu Thừa Giai, Lưu Ngô mới thả. Sau đó, 3 đời con cháu của của Lưu Ngô vẫn ở Trạch Lộ. Năm Hội Xương thứ 4 Đường Võ Tông (năm 844), Lý Đức Du cầm đầu quân dẹp loạn ở Trạch Lộ. Thắng lợi lần này được gọi là “Hội Xương phạt bản” có tác dụng tích cực với việc ổn định những khu vực do triều đình kiểm soát. Tóm lại, trong giai đoạn thứ ba, phiên trấn ngóc đầu dậy phát triển, chỉ có mức độ không bằng giai đoạn thứ nhất. Trong thời gian này, không nói đến những khu vực mà triều Đường kiểm soát được, còn ở những khu vực cát cứ phiên trấn đều thường xuyên nảy sinh những việc nha tướng đuổi quan chức. Đây là một hình thái biểu hiện khác của nạn cát cứ phiên trấn, nó tượng trưng cho sự thay đổi quyền lực.
Từ năm Càn Trù thứ 2 đời Đường Hy Tông đến khi triều Đường diệt vong (875 – 907) là thời kỳ phiên trấn cùng nhau thôn tính. Năm Càn Phù thứ 2 (năm 875), cuộc khởi nghĩa nông dân do Vương Tiên Chi, Hoàng Sào lãnh đạo bùng nổ, triều Đường tuy có triệu tập quân lính các phiên trấn đi đánh dẹp, cử đô thống, phó đô thống làm thống sư, nhưng thực tế chỉ huy không thống nhất, nhiều tiết độ sứ ở các trấn lợi dụng thời cơ bành trướng thế lực của bản thân.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét