XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

YÊU CHO ROI CHO VỌT

Câu ngạn ngữ đầy đủ có hai vế đăng đối theo lối kết cấu thông thường của những câu tục ngữ: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Ý nói cho roi cho vọt chính là biểu hiện sự thương yêu để lo cho tương lai, còn nuông chiều chính là làm hại, chẳng khác gì sự ghét bỏ.
Lời dạy của người xưa thể hiện một quan niệm giáo dục của cha ông ta trong suốt một thời gian dài kể cả giáo dục gia đình và giáo dục học đường. Với những người nay đã khoảng 60, 70 tuổi  trở lên, có mấy ai thuở còn thơ dại, trong tuổi cắp sách đến trường không có những lần chịu đòn roi của cha mẹ, của thầy giáo? Tôi nhớ năm học lớp 1, học cùng các bạn ở nơi gia đình tản cư. Học sinh trong lớp toàn lớn hơn tôi năm bảy tuổi, thậm chí một anh đã có vợ vẫn còn học lớp 1. (Vì có thể học dốt, bị lưu ban, hoặc do ốm đau, do hoàn cảnh gia đình mà phải nghỉ học giữa chừng, vài ba năm sau, khi có điều kiện lại đi học tiếp). Hầu như ngày nào cũng có đứa bị thầy đánh, chỉ vì tội không thuộc bài. Lớp học trong rừng, quanh lớp có những bụi cây sặt (cây họ tre, nhỏ gần bằng ngón tay út người lớn), khi nào cần trừng phạt ai, thầy lại “sai” một đứa ra chặt một cây để thầy làm “vũ khí”.  Nhưng cũng chẳng mấy ai, trừ những trường hợp quá cá biệt, còn oán hận hay trách móc, những người đã cho mình không ít trận đòn thời thơ ấu, thậm chí không ít người nay vẫn thầm biết ơn, nhờ những trận đòn ấy mà mình nên người. Quạn niệm này thường được các bậc làm cha mẹ, những người thầy (trong nghề “gõ đầu trẻ”) tâm niệm.
      Nhưng không nên chỉ hiểu “roi vọt” theo nghĩa đen, là vũ lực,  là sự thô bạo, xúc phạm tới thân thể, vừa có thể gây thương tích vừa làm tổn thương tới lòng tự trọng của đứa trẻ. “Roi vọt” theo tôi hiểu còn hàm chứa thái độ phê phán, sự nghiệm khắc, không chấp nhận, không thỏa hiệp với những đòi hỏi, những hành vi, những thói quen hay lời nói theo bản năng, không phù hợp với chuẩn đạo đức thông thường,  có ảnh hưởng xấu tới sự hình thành nhân cách và ảnh hưởng không tốt tới  những người xung quanh. Ca dao, tục ngữ còn nhiều câu mang chủ đề này thường nhắc nhở chúng ta: “Uốn cây từ thuở còn non, Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”, “Cá không ăm muối cá ươn”, “Thuốc đắng dã tật”, …
      Muốn tránh được sự thô bạo, gây những “hiệu ứng phụ” không đáng có, thậm chí có thể gây hại, theo tôi, nên chú ý tới mấy điều.
    1. Trước hết, các bậc cha mẹ, những người thầy mỗi khi đưa ra một yêu cầu hay khi nhìn con trẻ chơi đùa nghịch ngợm, cảm thấy “chướng tai gai mắt”  nên nhớ lại những gì trong tuổi thơ của mình. Mình đã làm những gì, hay và dở, tốt và xấu, …Cha mẹ, thầy cô đã nhắc nhở, bảo ban thậm chí trừng phạt ra sao và nhất là khi nào mình đã “tâm phục khẩu phục” và điều gì khiến mình phải chịu ấm ức?… Luôn không quên đặt mình vào vị trí của những kẻ “thấp cổ bé họng” người phải  thực hiện những quy định, chịu nhắc nhở, phê phán sẽ khiến người lớn thêm bao dung, có thể thông cảm với con cháu hay học trò hơn khiến “cơn lôi đình” được tiết giảm. Lời Khổng Tử nói với người học trò của ngài là Trọng Cung “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác) không chỉ dạy ta cách hành xử với bè bạn vẫn luôn là một lời nhắc nhở không nên quên.
     2. Cách đây độ chục năm, nhiều người làm cha mẹ, cứ thấy con nói tới máy tính, tới “chát” là rụng rời tay chân, tưởng như con mình sắp nổi loạn, thầy nghe trò nói chuyện vào mạng là lập tức nghĩ đến những chuyện không lành mạnh nên ra sức cấm đoán. Nhưng sao mà cấm được! Làm cha mẹ, là thầy cũng phải luôn chú ý cập nhật những tri thức, những phương tiện sử dụng công nghệ mới, có như vậy mới không bị lạc hậu với “đối tượng” của mình. Từ đó, sẽ dễ dàng hiểu con, hiểu học trò hơn,  những lời nhắc nhở, những yêu cầu sẽ không bị coi là của các “ông già Khốt-ta-bít”. Quá khứ của ta dù có hiển hách, quang vinh, vẻ vang đến đâu thì đối với lớp trẻ cũng chỉ là những hoài niệm, chẳng thể thuyết phục được họ, thậm chí có khi còn bị đem ra nhạo báng. Nhưng nếu nói với họ bằng những “cái” của hôm nay thì khác. Thay vì phải gặp gỡ cuối giờ học để trao đổi, thầy có thể gửi cho trò một cái “meo” (email), thầy đưa trò mượn một cái CD nhạc cổ điển cũng nhận lại từ tay trò một CD nhạc “roc” hay “pop”, thầy và trò cùng được làm quen thêm với một đối tượng  còn nhiều xa lạ với bản thân, thỉnh thoảng, giới thiệu với cả lớp một địa chỉ trang mạng có nhiều điều bổ ích, … chắc chắn những điều cha mẹ nói với con hay thầy nói với trò sẽ “vào” hơn, có sức thuyết phục hơn.
     3. Nghiêm khắc nhưng luôn phải có lý có lẽ, nghĩa là cần giải thích vì sao đó là hành vi không được làm, lời không được nói…Tùy theo lứa tuổi của đối tượng mà có cách nói sao cho phù hợp. Cần hết sức hạn chế sự áp đặt, cưỡng bức nếu không muốn những người mình hết lòng quý mến sau này trở thành lũ cừu luôn luôn chỉ biết cúi đầu gặm cỏ dưới sự quản lý của một con chó. Cũng không vì thế mà sa vào những cuộc thuyết lý dài dòng (học trò thường nói thầy cô ca cải lương”). Nhân đây cũng xin nói tới một hiện tượng không hiếm trong nhà trường: khi có một sự cố bất thường, nhiều thầy cô giáo thường dừng bài giảng và chấn chỉnh bằng những bài ca bất tận để trút bao nỗi niềm không phải chỉ do chuyện vừa xảy ra. Việc này khiến cho cả lớp chịu oan ức (vì cái sai chỉ do một vài học sinh gây nên) cộng thêm là việc mất thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc hàng đầu là dạy và học. Những bài ca được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khiến người nghe vô cùng chán nản như phải nghe đi nghe lại một cuốn băng ghi âm đã nát bét,  khiến những ý tưởng dù là rất hay của cha mẹ hay thầy cô bị khuất lấp sau những lời thuyết lý đơn điệu và nhàm chán. Lời giáo huấn khi ấy chỉ mang lại hiệu số âm. Tốt nhất là tìm cách chấm dứt sai phạm để mọi việc trở lại bình thường để quay lại công việc chính. Chờ tới lúc thích hợp, cha mẹ sẽ giải thích cho con cái và thầy cô chỉ cần nói riêng với học sinh vi phạm.
     4. Nghiêm khắc phê phán, thậm chí có thể “cho vài roi vào đít” (khi trẻ chưa đến tuổi tới trường) khi cha mẹ thấy con cái nghịch ngợm hư hỗn, thầy cô thấy học trò lười biếng, phạm nội quy…là điều dễ hiểu, thờ ơ với những lầm lỗi của con, dửng dưng với những sai phạm của học trò, mới là điều lạ. Đó là bổn phận của người làm cha mẹ hay làm thầy. Nhưng những phản ứng, thái độ không chấp nhận, thậm chí phẫn nộ  ấy phải được kiểm soát bằng  lý trí để tránh tình trạng “giận mất khôn”. Những chuyện đáng tiếc xảy ra như cha mẹ đánh con đến mức “thừa sống thiếu chết”, thầy tát học trò đến thâm tím mặt mày, cô điều khiển học trò trừng phạt lẫn nhau tới mức gây thương tích, … đều là do người thầy mất bình tĩnh, không còn kiểm soát được hành vi của mình. Không chỉ vi phạm pháp luật, bị dư luận lên án,  cha mẹ hay người thầy còn tỏ ra non kém, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp. Sự nóng giận bột phát không những chẳng có tác dụng tích cực mà thậm chí còn phản tác dụng.
       Rất tiếc từ khi cuộc sống có những thay đổi, có điều kiện hơn để chăm sóc con cái, các bậc làm cha mẹ không ít người đã chuyển từ cực này sang cực khác. Nhiều người do ít thời gian dành cho con nên mỗi khi được gần con, luôn chiều chuộng như để bù đắp cho cái phần thiếu hụt của tình thương yêu. Thời gian còn lại, đứa trẻ chủ yếu sống với người giúp việc, chiều chuộng chúng hình như là “sở trường” của  người giúp việc vì như vậy, họ luôn được đứa trẻ “cộng thêm điểm” khi cha mẹ hỏi tới. Đó là đảm bảo bằng vàng cho sự ổn định và khoản tiền thưởng trong công việc. Không ít đứa trẻ được đáp ứng mọi yêu cầu, được bao bọc đủ mọi thứ khiến chúng lớn lên như một cái cây thiếu ánh sáng, ngờ nghệch trước rất nhiều những kỹ năng sống tối thiểu và hơn hết là tính ích kỷ không ai bằng. Còn ở trường, bỏ qua một trong những nguyên tắc rất quan trọng là phải có yêu cầu cao với học sinh, để tránh những rắc rối, nhìn thấy trò làm những điều hoàn toàn không phù hợp với tư cách của người đang ngồi trên ghế nhà trường, thầy cô cũng quay mặt đi chỗ khác. Thế là người đi học, thậm chí học tới những bậc học cao nhưng vẫn tỏ ra vô giáo dục.
     Nhớ lần mới có đứa con đầu lòng, Ông ngoại tôi dặn dò, đại ý: muốn dạy được con trong nhà phải có ông Ác, ông Thiện, bản thân người bố, người mẹ cũng có khi phải làm ông Ác, có khi cần làm ông Thiện. Nghĩa là chăm sóc, thương yêu nhưng đừng quên nghiêm khắc theo những nguyên tắc nhất định. Nó là hai mặt không thể thiếu trong việc dạy.  Cụ dù không làm nghề dạy học, nhưng có cả Nho học và Tây học, lại đã tự tay chăm sóc cả một đàn vừa con vừa cháu đến ba chục người khiến kinh nghiệm Cụ đúc kết thật quý như vàng. Yêu cầu cao với con (dĩ nhiên phù hợp với lứa tuổi) là chăm lo tới tương lai của nó; yêu cầu cao với học trò chính là tôn trọng họ luôn tin rằng họ rất giàu khả năng để vươn tới.
Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét