XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2025

HÀNH TRÌNH TÓM TẮT TU HẠNH ĐẦU ĐÀ CỦA TU SỸ LÊ ANH TÚ (THÍCH MINH TUỆ)


I/ PHÁP TU

Pháp hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não cấu trần.

Nguồn gốc

Khi Thái Tử Tất Đạt Đa (sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đi qua bốn cửa thành, thấy rõ bốn sự thật của cuộc đời: Sinh, lão, bệnh, tử thì Ngài đã giác ngộ và phát tâm dũng mãnh dứt bỏ cung thành điện ngọc, vợ đẹp, con yêu, trút bỏ áo Hoàng bào của một vị Thái tử để mặc lên chiếc áo của một vị tu sĩ và bắt đầu cuộc hành trình đi tầm sư học đạo.

Theo quan niệm lúc bấy giờ là phải thật khổ thì mới đắc đạo. Vì vậy, ngài đã bỏ ra năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, thực tập tất cả các phương pháp tu khổ hạnh: Hành thân hoại thể, phơi nắng, phơi sương, ngày ăn một hạt đỗ hoặc một hạt mè, có khi nhịn đói,... đến mức thân thể tiều tụy, thậm chí suýt chết.

Lúc ấy, Ngài giác ngộ ra rằng, tu khổ hạnh cực đoan không đem lại lợi ích và từ bỏ lối tu khổ hạnh cực đoan, quay trở về tu tập theo con đường trung đạo, tức là nuôi dưỡng thân này có đủ sức khỏe để hành các Pháp.

Cuối cùng, Ngài thành tựu đạo quả nhờ Pháp tu trung đạo này. Đó là pháp tu hạnh đầu đà; Từ đó, Đức Phật đã hướng dẫn Tăng đoàn thực hành 13 hạnh đầu đà:

1. Mặc y phấn tảo: Đây là loại y được làm từ những miếng vải vụn, rách, không dùng đến được lấy từ nghĩa địa, bệnh viện, ở ngoài đường hay ở rừng,…Sau đó được giặt sạch và vá lại thành y để mặc. Vị hành giả tu tập không nhận sự cúng dường y áo của thí chủ mà đi nhặt những vải này. Cho nên không bị lệ thuộc vào thí chủ.

2. Chỉ mặc ba y: Vị tu sĩ tu hạnh đầu đà chỉ có ba y, bao gồm: thượng y, trung y và hạ y. Chư Tăng dùng y đó đến khi rách, thậm chí là không còn chỗ vá mới được may mới.

3. Phải khất thực để sống: Ở hạnh này, chư Tăng tu hành hạnh đầu đà mang bình bát đi khất thực để nuôi sống bản thân mình. Chư Tăng không đợi tín chủ mời đến nhà để cúng mà phải mang bình bát khất thực.

4. Khất thực theo thứ lớp: Đây là việc đi khất thực theo từng nhà, không vì chọn gia chủ giàu sang mà bỏ những gia đình nghèo khổ, không tới nơi có nhiều đồ ăn ngon mà phải khất thực tuần tự. Đó là một hạnh của người tu hành Pháp đầu đà.

5. Ngồi ăn một lần: Đó là khi ăn, nếu đã đứng dậy thì vị tu sĩ đó không ăn nữa, có người đến cúng thêm cũng sẽ không ăn.

6. Ăn bằng bình bát

7. Không để dành đồ ăn: Vị hành giả khi thọ thực không để dành đồ ăn còn dư (hoặc đồ tín chủ cúng dường) cho ngày hôm sau.

8. Sống ở trong rừng

9. Ở dưới gốc cây

10. Ngoài trời

11. Nghĩa địa

12. Nghỉ ở đâu cũng được: Tu sĩ tu hành hạnh đầu đà không chọn chỗ nghỉ, mà tùy thuận nghỉ ở đống rơm, gốc cây,...

13. Ngồi ngủ, không được nằm ngủ

Lợi ích của 13 Pháp tu:

Thực hành 13 pháp đầu đà không chỉ là khổ hạnh mà còn mang lại những lợi ích to lớn cho người tu tập, cụ thể:

1. Phát triển 28 đức tính siêu việt:

Đại Đức Na Tiên từng nhấn mạnh trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp rằng, một Tỳ kheo thọ trì 13 pháp đầu đà sẽ đạt đến cảnh giới gần với Niết bàn, đồng thời mang lại lợi ích vô lượng cho chúng sinh. Thậm chí, 100 hay 1000 cư sĩ đắc đạo cũng không thể sánh bằng một Tỳ kheo thực hành 13 pháp đầu đà.

28 đức tính siêu việt này bao gồm: nuôi mạng trong sạch, sống an lạc hạnh phúc, không tạo tội lỗi, giảm khổ cho người khác, không sợ hãi, không tổn hại ai, tinh tấn trên lộ trình tiến hóa, xa lìa khoe khoang, si mê, giữ gìn bản thân, được mọi người yêu mến, giáo hóa bản thân, buông bỏ tranh đấu, rèn luyện thu thúc, thực hành đúng đắn, đạt được sự vắng lặng, thoát khỏi phiền não, từ bỏ luyến ái, sân hận, si mê, diệt trừ ngã chấp, tư duy xấu xa, vượt qua hoài nghi, lười biếng, tương tư, rèn luyện nhẫn nhục, độ lượng vô biên và diệt trừ khổ đau.

Ngoài ra, nếu chưa đạt được 28 đức tính trên, người tu tập vẫn có thể đạt được 18 đức tính khác như: hạnh kiểm thuần khiết, bảo vệ thân khẩu ý, tâm trong sạch, tinh tấn không ngừng, dứt trừ lo sợ, ngã kiến, oán kết, trú vững trong từ bi, biết đủ trong vật thực, thương yêu bình đẳng, tiết độ, tỉnh thức, không lưu luyến, an lạc ở mọi nơi, ghét bỏ điều ác, yêu thích thanh vắng và không dễ buông xuôi.

2. Sinh ra nhiều thiện pháp:

13 pháp đầu đà được ví như đất, nước, lửa, gió, thuốc và nước trường sinh, có khả năng nuôi dưỡng thiện pháp, rửa sạch cấu uế, thiêu đốt phiền não, thổi bay khí vị trần tục, chữa lành tâm bệnh và mang đến sự bất tử.

Không chỉ vậy, pháp đầu đà còn giúp hoàn thiện nhân cách, mang đến tình thương yêu, sự trong sạch, đức hạnh viên mãn, tâm thái cao thượng, dứt trừ ưu phiền và ngăn chặn tái sinh luân hồi.

Chính vì những lợi ích to lớn này, ngay cả Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng đã thọ trì 13 pháp đầu đà ngay khi xuất gia. Việc thực hành pháp đầu đà giúp kiểm soát tâm ý, hạn chế tham đắm vật chất và dễ dàng nhận diện những ham muốn bất thiện.

3. Ai đủ khả năng thực hành Pháp hạnh đầu đà?

Thực hành pháp đầu đà không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi người tu tập phải hội tụ nhiều yếu tố cả về tâm linh lẫn thể chất:

4. Đức tin lớn: Niềm tin vững chắc vào Phật pháp là nền tảng để vượt qua khó khăn, thử thách trong quá trình tu tập.

5. Tâm hổ thẹn: Sự hổ thẹn với những lỗi lầm, sai trái của bản thân là động lực để thay đổi và hoàn thiện mình.

6. Sức khỏe tốt: Thể chất khỏe mạnh là điều kiện cần thiết để thực hiện những hạnh đầu đà khắc nghiệt.

7. Thuần thục tìm kiếm chân lý: Khả năng phân biệt đúng sai, thiện ác và luôn hướng tới chân lý là yếu tố quan trọng để không bị lạc lối trên con đường tu tập.

8. Nhiệt tình và chín chắn: Sự nhiệt huyết và chín chắn giúp người tu tập duy trì sự tinh tấn, không nản lòng trước khó khăn.

9. Trí tuệ: Trí tuệ giúp thấu hiểu giáo lý, phân tích và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.

10. Ham học hỏi và có kiến thức: Sự ham học hỏi và tích lũy kiến thức giúp người tu tập hiểu rõ hơn về Phật pháp và áp dụng vào thực hành.

11. Thọ trì kiên định: Sự kiên định, không dao động trước những cám dỗ, thử thách là yếu tố quyết định để đi đến thành công trên con đường tu tập.

12. Ít tìm lỗi người khác: Thay vì tập trung vào lỗi lầm của người khác, người tu tập nên tập trung vào việc hoàn thiện bản thân.

13. An trú trong tâm từ bi: Tâm từ bi là nền tảng của mọi hành động thiện lành, giúp người tu tập đối xử với mọi người và vạn vật bằng tình yêu thương, không phân biệt.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cần phải thực hành hạnh đầu đà mới có thể đắc đạo. Có những người nhờ phước báu tu tập từ nhiều đời trước, đã tích lũy đủ phẩm chất tốt đẹp, không còn tham đắm ngũ dục nên có thể dễ dàng giác ngộ chỉ qua việc nghe pháp và thực hành theo.

Điều này cho thấy, thành tựu trong hiện tại không phải là kết quả của một đời mà là sự tích lũy, rèn luyện qua nhiều kiếp sống.

Việt Hoàng (tổng hợp)

 

II/ LÊ ANH TÚ (SƯ THÍCH MINH TUỆ) LÀ AI

THỜI THƠ ẤU CỦA MINH TUỆ THEO LỜI KỂ CỦA NGƯỜI CHA...

   (Tiêu đề của VKS)

     Ngày 17-5 vừa qua, ông Lê Xuân (84 tuổi, trú xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã có những chia sẻ về thời thơ ấu và quá trình đi tu của con trai là ông Lê Anh Tú - 43 tuổi, người được gọi là "sư Thích Minh Tuệ".

Theo ông Xuân, từ năm 1994, gia đình ông từ quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào nơi ở hiện tại để lập nghiệp. Hiện gia đình đang ở trong ngôi nhà hai tầng khang trang.

Gia đình ông Xuân có 4 người con, ông Tú là con thứ 2 trong gia đình.

Trong nhà, ông Tú là người con ngoan, học thuộc dạng khá. Học xong phổ thông, ông Tú đi bộ đội. Sau đó, ông Tú theo học Trường Trung cấp lâm nghiệp Tây Nguyên (tại tỉnh Gia Lai).

Ra trường, ông Tú làm đo đạc cho một công ty tư nhân. Từ trước tới giờ, gia đình không thấy ông Tú có bạn gái, tư tưởng không muốn lấy vợ.

Đến năm 2015, ông Tú bất ngờ xin gia đình đi tu. "Con xin thì tôi cũng nói đi tu là một việc rất là khó khăn. Đã quyết tâm đi tu thì tu cho đạt. Tu không đạt mà phá giới, bỏ về là không được" – ông Xuân kể lại.

Sau một đêm suy nghĩ, sáng hôm sau, ông Xuân hỏi lại thì thấy con trai vẫn quyết tâm xuất gia nên vợ chồng ông Xuân đồng ý cho con đi tu. Trước khi đi tu, ông Tú đã tặng cho người cha 1 chiếc đồng hồ, một điện thoại, một tủ lạnh và tặng thêm cho cha mẹ mỗi người 8 m vải vàng. Từ khi đi tu, ông Tú không liên lạc gì với gia đình.

"Vợ chồng tôi mong con đi tu thì mong cho con chân cứng đá mềm, tu luyện thành đạt, đừng tham sân si gì hết. Đến chết cũng đừng lấy đồng nào của ai" – ông Xuân gửi gắm.

Theo ông Xuân, mấy hôm trước hai vợ chồng khi xem được video về con mình trên mạng xã hội, thấy con gầy, đen hai vợ chồng rất thương. Thậm chí, thấy con ngày chỉ một bữa ăn chay, vợ ông Xuân thấy điều này là rất khổ. Tuy nhiên, ông Xuân thì thấy đó là rèn luyện bình thường.

Theo: Người lao động

III/ DÂN VIỆT BIẾT ĐẾN LÊ ANH TÚ KHI NÀO

Trưa 17/5/2024, trên hành trình từ Bắc trở vào Nam, sư Thích Minh Tuệ, dừng chân nghỉ ngơi tại bãi đất trống ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng trăm người đã vây quanh ông nghe trò chuyện. Nhà sư cho biết ông tên khai sinh là Lê Anh Tú, quê Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, 43 tuổi. Năm 1994, gia đình chuyển vào tỉnh Gia Lai sinh sống. Sư từng có thời gian ngắn tu tại một ngôi chùa, được đặt pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sau này khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, nên sư ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này.

Nhà sư cho biết ông không phải là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông chỉ thực hành theo lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tu hạnh đầu đà. Tu hạnh có 13 pháp khổ hạnh, trong đó hạnh đầu đà là một trong những pháp môn cao nhất và kinh điển nhất của Phật pháp. Người tu hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở (mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi...). Theo giáo lý nhà Phật, gọi ông Lê Anh Tú là sư, hay đầu đà, hay tu sỹ, hay hành giả đều không có gì sai. 

Để theo tu hạnh đầu đà, sư Minh Tuệ bắt đầu đi bộ tới nhiều tỉnh thành từ năm 2017. Thời gian đầu, đôi lúc ông di chuyển bằng xe khách. Năm 2020 đến nay, sư luôn bộ hành tuyệt đối, chỉ đôi lúc di chuyển bằng đường thủy thì phải dùng thuyền hoặc đò qua sông. Đến nay, nhà sư đã đặt chân đến gần như khắp mọi miền đất nước, chỉ còn ba tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre là chưa đến vì không thuận đường. 

"Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình", nhà sư chia sẻ và luôn tự xưng mình là con. Nhà sư cũng cho biết trước đây từng nghi ngờ những lời dạy của đức Phật, nay chín chắn hơn nên muốn học tập, làm theo những lời dạy đó để xem có được hạnh phúc, an lạc không. Khi quyết định bỏ nhà, bỏ việc để bộ hành, bản thân ông đã suy nghĩ rất kỹ, sau đó mới xin phép bố mẹ lên đường.

Vì quyết tâm theo khổ hạnh đầu đà nên quá trình đi bộ của nhà sư luôn tự nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho ông sẽ không nhận. Mỗi ngày ông chỉ ăn một bữa. Khi đi trên đường, nếu gặp người có tâm, có duyên gửi cơm chay hoặc nước thì ông dùng vừa đủ. Qua các con sông, suối ông dừng lại tắm rửa. Buổi tối, ông thường nghỉ ngơi bên đường, những lúc muốn đi vệ sinh thì ghé vào các cây xăng.

"Đối với con thì tất cả hành trình đi bộ đều không khó khăn. Khi di chuyển, nếu tâm mình an lạc, hạnh phúc và vượt qua được những trắc trở thì sẽ cảm thấy không còn bất cứ trở ngại gì ở phía trước nữa", nhà sư nói.

Quá trình đi bộ, có nhiều người mang áo giống nhà sư đi theo, nhà sư nói họ không phải đệ tử của mình, nhưng nếu ai muốn đi cùng thì cũng không cản. Thỉnh thoảng nghỉ ngơi trò chuyện, ông luôn khuyên họ nhớ xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà.

"Còn nếu ai đó phát tờ rơi hay nhận tiền bạc rồi nói con chung với họ là không đúng. Đồ đạc con tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ hay nhận tiền thay. Họ nhận thì họ tự chịu, ai làm tự nhận lấy hậu quả và bị xử lý", nhà sư nói.

Về việc những ngày gần đây, khi đi bộ qua các tỉnh thành được nhiều người dân vây quanh chụp ảnh, quay phim, nhà sư cho hay nếu mọi người đi theo mình để tập bộ hành, rèn luyện sức khỏe, bước thẳng hàng, giữ yên lặng trật tự thì tốt. Còn tập trung chen nhau xô đẩy để ghi hình, phát trực tiếp, la ó lộn xộn thì không nên, bởi việc tạo ra ồn ào sẽ gây ra sự khó chịu cho những người xung quanh.

Dù không liên lạc với gia đình suốt 6 năm qua bởi không dùng điện thoại, mạng xã hội, song nhà sư chia sẻ lúc nào cũng nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ. Bản thân luôn tâm niệm làm theo lời Phật dạy để đền ơn, cầu nguyện cho người thân, gia đình được may mắn, bình an. Không có tài sản, vật chất, nhưng ông cho người thân niềm tin là không bao giờ làm khổ họ, ví dụ như để xảy ra vi phạm pháp luật hay làm ảnh hưởng tới các tổ chức Phật giáo.

(lược thuật từ VNexpress)

IV/ TU SỸ LÊ ANH TÚ HAY SƯ THÍCH MINH TUỆ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU GÌ QUA 6 NĂM TU HÀNH - XEM TỰ SỰ 44 CÂU TRẢ LỜI VỀ VIỆC HỌC TU CỦA TU SỸ LÊ ANH TÚ

Thích Minh Tuệ trả lời các YouTuber, TikToker được đăng tải trên mạng, được  ghi chép lại rõ, gọn, sát với ngôn phong, nhất là bảo đảm trung thực ngôn ý của tu sỹ Lê Anh Tú.

1. Giữa tháng 7/2015, con đi làm vô tình nghe được Phật pháp. Con phát nguyện ăn chay ngày một bữa, tìm đọc kinh sách Phật và giữ giới trong 6 tháng.

2. Con thấy mục đích Phật dạy rất cao cả, nên con muốn đi tu và quyết định xuất gia.

3. Cha mẹ con lúc đầu không cho. Sau đó, thì cũng chấp thuận. Con được cha mẹ chia phần tài sản như các anh em trong nhà, nhưng con từ chối, con chỉ xin cha mẹ ký giấy cho con xuất gia thôi.

4. Lúc đầu tu học thì con không hiểu được gì nhiều. Con như người học lớp 1, rồi học lớp 2, từ từ học lên nữa, người ta cũng chỉ cho con, con mới hiểu nhiều hơn.

5. Con học tu ở chùa một thời gian, có pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sau đó, con thấy không hợp, nên con rời bỏ chùa, lên núi ẩn cư một mình trong hốc đá, hàng ngày đi khất thực.

Dù Phật không có nói, nhưng con chọn ngủ ngồi 3 năm rồi, không có nằm. Con ngủ ngồi là con muốn bỏ cái ngủ đi. Khi nào mệt quá thì ngồi dựa vào gốc cây hay bờ tường cũng được.

6. Sau thời gian ở một chỗ con thấy mình không có cơ hội xúc chạm để thử thách tham-sân-si, nên con quyết định bộ hành từ Nam ra Bắc, rồi ngược lại. Con không dám nói trước cho đến lúc nào thì con dừng.

7. Con muốn giữ lại pháp danh cũ, nên con nói tên con là Thích Minh Tuệ, thay vì nói tục danh con (là Lê Anh Tú).

Bình thường như con khi chưa phát tâm tu hành chánh đẳng, chánh giác thì không sao, nhưng khi phát tâm tu hành rồi thì đầy đủ các thứ đánh đập, chửi bới bệnh đau nó đến để thử thách lòng mình có vượt qua được không, có chiến thắng với 4 nổi khổ: sinh, già, bệnh, chết không. Ví dụ bệnh đau là cái đầu tiên vẫn đến để xem mình có sợ nó không.

8. Trước khi đi tu, con cũng có việc làm như bao người, nhưng con không hạnh phúc, bởi con tư duy thấy rằng cho dù ai có việc làm, có công chức, cuộc sống ổn định nhưng rồi cũng bệnh, cũng già và chết như nhau. Con sẽ giống họ.

9. Con muốn học những điều Phật dạy cao siêu, vi diệu, tối ưu, thiền định, trí tuệ, thoát được khổ đau, và an lạc hạnh phúc.

10. Phật bày như thế nào, con làm theo thế ấy, để có an lạc hạnh phúc, chứ không phải tự mình mà biết. Con chưa vào định được. Con còn đang học.

11. Con đi tu là để cầu giải thoát. Khi đắc đạo chánh đẳng, chánh giác, con mới đền đáp được công ơn cha mẹ.

12. Ngày nào con cũng xin ăn không quá một bữa cơm mỗi ngày để nuôi thân tu hành. Con không tích chứa để dành, hoặc xin thêm.

13. Con tuyệt đối không nhận tiền, vàng và vật phẩm của ai, dưới bất cứ hình thức nào.

14. Y áo con mặc được may từ vải con nhặt ở nghĩa địa, hay thùng rác ven đường.

15. Con không sử dụng y áo có màu giống với các tu sĩ, và nói mình ở chùa nào, vì con không muốn mượn hình ảnh để xúc phạm đến sư thầy và các nhà chùa. Người ta có thể nói con lợi dụng để lừa đảo, hay làm điều sai trái, làm ảnh hưởng đến họ.

16. “Bình bát” để nhận thức ăn là do con sửa chế từ nồi cơm điện người ta cho con. Đó không phải là “y bát” của quý sư thầy.

17. Đời là vô thường, sống nay chết mai đâu ai biết, nên con phải sớm đi tu, lỡ mai chết mất thân này thì con đâu còn cơ hội.

18. Có người hỏi con ngủ ở nghĩa địa có thấy gì không? (ma). Con nói không thấy cũng không đúng. Có khi con thấy bóng đen nào đó đi qua, nhưng không ảnh hưởng gì đến con thì con nói thấy hay không thấy cũng vậy.

19. Giờ đây con coi mọi người đều là anh em, cha mẹ con.

20. Trong lòng con không còn ích kỷ, thù hận. Con coi tất cả mọi người trong thế gian đều bình đẳng.

21. Giờ nếu anh có chửi con, con vẫn coi anh là bạn.

22. Người ta có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ.

23. Con nguyện ước chúc cho mọi người được hạnh phúc.

24. Mọi người không nên học bói toán, vì có cái đúng, cái không đúng. Đức Phật không có dạy xem bói. Hơn nữa, nếu họ tài giỏi thì họ đã bói cho họ rồi.

25. Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật. Cố gắng giữ 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu sẽ được hạnh phúc.

26. Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới-Định-Tuệ. Không giữ giới thì không tu được thành Phật.

27. Ăn chay mà giữ giới thì cũng thành đạt trong việc tu Phật được.

28. Người ta cho con chay, mặn có đủ. Khi ăn, con chọn thức ăn chay.

29. Mọi người đừng lạy con mà hãy lạy Phật - Pháp - Tăng.

30. Con không kêu gọi hay lập ê kíp đi theo quay phim con. Nhưng con cũng không xua đuổi họ.

31. Nếu họ vì quay phim con mà được lợi ích, thì con cũng chúc họ hạnh phúc.

32. Đối với con, ở đâu cũng là chùa. Nên con không quan trọng lý do vì sao chùa này mở cửa, chùa kia đóng cửa.

33. Con đi bộ, không đi xe, là để rèn luyện sức khoẻ.

34. Con đi chân trần là để cảm nhận được những gì ở phía dưới chân, mình có dẫm đạp lên các côn trùng, sinh vật không? Hơn nữa giày, dép mau hư hơn chân con.

35. Ai không có thứ gì đáng giá trên người, mới là hạnh phúc, vì họ không phải lo giữ gì cả.

36. Con không có gì hết nên con không sợ bị ai đánh đập hay giết mình để lấy của. Con không sợ chết, bởi con đâu có thứ gì tiếc uống, cần phải sống để giữ nó.

37. Có người hỏi con ngủ trong chòi lá, rừng cây lạnh lẽo, rét buốt làm sao ngủ ngon bằng ở phòng kín, chăn ấm, nệm êm? Con nói vẫn ngon, vì theo lời Đức Phật dạy ngủ ở đâu cũng ngon, nếu không có khởi tâm dâm dục.

38. Đọc chú đại bi phải có mục đích nào đó. Nếu vì muốn mình an ổn, cần phải đọc chú đại bi, ví dụ xua đuổi con quỷ chẳng hạn, thì mình cư xử ác với nó rồi. Con không muốn giành lấy chỗ ở hay sự an ổn của ai, (ví dụ của con quỷ) nên con không học chú đại bi.

39. Ai nói xấu con hay chửi mắng con thì con không giận họ và chúc họ may mắn. Ai nói tốt con hay khen tặng con thì con bình tâm, không để mình bị dính mắc vào ngã mạn, và con cũng chúc họ được hạnh phúc.

40, Nói tốt, nói xấu hoặc khen, chê con thì rồi cũng vậy. Nhưng con phát hiện ra 2 tâm trạng: người cho con thức ăn thì con thấy họ rất vui và hạnh phúc, còn người chửi con thì con thấy họ đỏ mặt không tự nhiên.

41.Con không phải là sư, là thầy gì cả. Con là công dân VN giống như mọi người thôi . Con chỉ muốn học tu. Con không có mục đích tuyên truyền hay rao giảng gì cả. Tất cả lời Phật dạy đều có trên mạng.

42. Khi nào con thành tựu được chánh đẳng chánh giác con mới giảng pháp cho mọi người được. Bây giờ người nào muốn học thì cứ lên mạng nghe giảng của các sư thầy. Kinh sách nào của Phật cũng đều có cả.

43. Những người tu hành, già cả hay nghèo khổ mình nên bố thí cho họ cơm ăn, y áo vật thực hay cái gì đó.

Những người sa ngã, ăn chơi, hư hỏng, mình bày cho họ đừng sát sanh, trộm cắp, sống lương thiện, giữ trọn 5 giới , đó là bố thí pháp.

44. Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. Con không là Nam tông hay Bắc tông, cũng không phải là tu sĩ của GHPGVN, bởi con tự thấy đạo đức của con chưa đạt đến cảnh giới đó. (Ngộ Trí Tâm, 19/5/2024-12/4 âl).

V/ TẠI SAO NHIỀU TU SĨ PHẬT GIÁO CHÍNH THỐNG PHẢN ĐỐI CÁCH TU HÀNH CỦA THẦY THÍCH MINH TUỆ ?

1. Vì Thích Minh Tuệ đã làm thay đổi cách nhìn một chiều đối với Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Tại sao một chiều? Bởi không ít vị tu sĩ cho rằng tu sĩ: phải đầu tròn, áo vuông, phải được giáo hội công nhận... Mới được gọi là tu sĩ. Nhưng đằng sau những hình tướng này ra sao, ít người cho đó là quan trọng.

2. Hình ảnh đầu đội trời, chân đạp đất trên khắp mọi nẻo đường đã làm lung lay những bước chân quen bước lên xe máy, xe hơi, phi cơ sang trọng của nhiều vị tu sĩ.

3. Hình ảnh ba Y phấn tảo được chắp, vá từ những mảnh vải lượm từ bãi rác, bãi tha ma, khiến cho những bộ hoàng y của nhiều tu sĩ bị lu mờ.

4. Hình ảnh chiếc "bình bát" được chế từ lõi nồi cơm điện vì sợ làm hoen ố hình ảnh bình bát của Phật - những bình bát mà rất nhiều tu sĩ dùng để nạp đầy những món đồ phi pháp.

5. Hình ảnh từng bước chân an lạc đi khắp mọi nẻo đường của tổ quốc, dưới trời mưa, giá lạnh hay nắng nóng 30-40 độ C chỉ để rèn luyện sức khỏe và học hỏi lối sống tàm quý, tri túc, biết đủ khiến cho vô số các tu sĩ quen hành cước trong các đạo tràng cao sang phải nhột nhạt.

6. Hình ảnh một ngày ăn một bữa trước ngọ, sau ngọ ai cho, ai tặng, ai cúng dường bất cứ thứ gì đều nhất quyết không nhận, cho dù một vật nhỏ đã khiến nhiều tu sĩ ngày ăn ba bữa, nhận đồ cúng dường phi thời, cảm thấy bị thương tổn vì quyền lợi đang bị thu nhỏ và đe dọa.

7. Hình ảnh ai cho tiền, nhét tiền, ép nhận tiền vào tay nhưng nhất quyết không nhận, vì nhận tiền là phạm giới, khiến cho không ít tu sĩ quen, thường nhận tiền, tìm mọi cách để nhận tiền của chúng sanh phải đổ mồ hôi hột.

8. Hình ảnh đắp y phấn tảo, an nhiên tự tại giữa bốn mùa nóng lạnh, kiết già qua đêm trong hang núi sâu, dưới rừng lá rậm, trong căn nhà hoang hay giữa bãi tha ma...khiến cho nhiều tu sĩ quen nằm giường cao, nệm đẹp, có máy điều hòa phải cảm thấy bất an.

9. Hình ảnh nụ cười an lạc luôn nở trên môi, từ bi cầu nguyện an lạc cho những chúng sanh ngay cả khi bị chúng sanh chửi bới, đánh đập, xua đuổi... Khiến không ít tu sĩ đã quen cảnh được chúng sanh khúm núm, xu nịnh, cung phụng... cảm thấy nhức nhối.

10. Luôn xưng con với tất cả chúng sanh - tự tại, vô ngại, vô ngã khiến không ít tu sĩ quen núp trong ảo tướng giả tạm đứng ngồi không yên.

11. Luôn phủ nhận mình là tu sĩ - vì không muốn làm mất đi hay làm ảnh hưởng tới hình ảnh tôn nghiêm, cao quý của bổn Sư, bổn tự nơi mình xuất gia, mà chỉ khiêm hạ nhận mình là một công dân Việt Nam đang học thực hành theo hạnh nguyện của Phật khiến không ít tu sĩ và các cư sĩ cuồng tín tức tối.

12. Luôn pháp, lấy giới của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật làm Thầy, trang nghiêm trong từng bước chân, khiêm cung, lễ kính trước hết thảy chúng sanh khiến cho nhiều tu sĩ, cư sĩ lơ mơ về pháp, sao nhãng, khinh khi giới luật của Phật phải tức tối, hoảng sợ.

13. Luôn lấy Giới - Định - Huệ làm Thầy, làm nền tảng tu học, làm hành trang khuyến tấn hành giả, tùy duyên hóa độ chúng sanh khiến cho nhiều tu sĩ, cư sĩ quen tu giới định huệ trên sa lon, phòng lạnh đứng ngồi không yên, ăn ngủ không ngon, không yên giấc.

14. Sự xuất hiện hiện của Thích Minh Tuệ đang làm sống lại hình ảnh của chư cổ Phật, của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nhắc nhở, khuyến tấn chúng sanh đi theo con đường Bát Chánh Đạo để cùng nhau hướng về bến bờ giải thoát.

15. Người dân trên đất Việt khi nhìn thấy hiện tượng Thích Minh Tuệ đều vào mạng đọc tài liệu tìm hiểu về đạo phật, về triết học thực chứng không suy luận của nhà phật, về Phật giáo Đại Thừa, Tiểu thừa, về Bắc Tông, Nam Tông, về cúng dường, về thế nào gọi là đạo phật đồng thời so sánh lại những hiểu biết và nhầm lẫn trước đây, soi sáng nhận ra ma tăng đã đang tâm lừa dối mình trước đây và hiện tại; Phân biệt được đâu là chùa thật, đâu là công ty chùa, đâu là sư thật và đâu là sư giả đội lốt khoác áo nhà tu và cạo trọc đầu;

16. Mọi hành vi, phương tiện nói xấu, dèm pha, chửi bới, nhục mạ, bức hại Thích Minh Tuệ càng chứng tỏ một điều đạo từ bi trí tuệ của Phật đang không ngừng tỏa sáng trên đất Việt.

VI/ TU SỸ LÊ ANH TÚ VÀ CỘNG ĐỒNG MẠNG ĐÃ GIÚP NGƯỜI DÂN VIỆT NAM NHẬN RA THẾ NÀO LÀ ĐẠO PHẬT KHAI MỞ NHỮNG HIỂU LẦM VỀ ĐẠO PHẬT TRONG MẤY CHỤC NĂM QUA

Hoà thượng Giới Đức

Đạo Phật ngày càng suy đồi, tha hoá, “mạt pháp”, nguyên nhân thì nhiều, nhưng đôi khi vì trong giới tu sĩ và cư sĩ không trang bị đủ kiến thức của giáo pháp như thực - tức là giáo pháp cội rễ - mà chỉ chạy theo cành, nhánh, ngọn lắm hoa và nhiều trái.

Từ đấy, khó phân biệt đâu là đạo Phật chơn chánh, đâu là đạo Phật đã bị biến chất, chạy theo thị hiếu dung thường của thế gian. Đôi nơi đạo Phật còn bị trộn lẫn với tín ngưỡng duy linh và cả tín ngưỡng nhân gian nữa... Nhiều lắm, không kể xiết đâu.

Với cái nhìn “chủ quan” của một tu sĩ Thēravāda, tôi xin mạo muội liệt kê ra đây những hiểu lầm tai hại và rất phổ biến của Phật giáo trong và ngoài nước để chư vị thức giả cùng thấy rõ như thực:

1. Tôn giáo: Đạo Phật có những sinh hoạt về tôn giáo nhưng đạo Phật không phải là tôn giáo, vì đạo Phật không có một vị thượng đế tối cao hoá sinh muôn loài và có quyền ban thưởng, phạt ác...

2. Tín ngưỡng: Đạo Phật có những sinh hoạt tín ngưỡng nhưng đạo Phật không phải là tín ngưỡng để mọi người đến van vái, cầu xin những ước mơ dung tục của đời thường.

3. Triết học: Đạo Phật có một hệ thống tư tưởng được rút ra từ Kinh, Luật và Abhidhamma, được gọi là “như thực, như thị thuyết” chứ không phải là một bộ môn triết học “chia” rồi “chẻ”, “phán” rồi “đoán” như của Tây phương.

4. Triết luận: Đạo Phật có tuệ giác để thấy rõ Cái Thực chứ không sử dụng lý trí phân tích, lý luận. Còn triết, còn luận là vì chưa thấy rõ Cái Thực. Đạo Phật là đạo như chơn, như thực. Kinh giáo của đức Phật luôn đi từ cái thực cụ thể để hướng dẫn mọi người tu tập, nó không có triết, có luận đâu. Ngay “thiền” mà còn “luận” (thiền luận) là đã đánh mất thiền rồi.

5. Từ thiện xã hội: Đạo Phật có những sinh hoạt từ thiện xã hội nhưng không coi từ thiện xã hội là tất cả, để hy sinh cuộc đời đầu tròn, áo vuông một cách uổng phí. Đạo Phật còn có những sinh hoạt cao cả hơn: Đó là giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, tu tập thiền định và thiền tuệ nữa. Từ thiện xã hội thì ai cũng làm được, thậm chí người ta còn làm tốt hơn cả Phật giáo, ví dụ như Bill Gates. Còn giáo dục, văn hoá, nghệ thuật của đạo Phật là nền tảng Mỹ Học viết hoa (nội hàm các giá trị nhân văn, nhân bản) mà không một tôn giáo, môt chủ nghĩa, một học thuyết nào trên thế gian có thể so sánh được. Và đây mới là sự phụng hiến cao đẹp của đạo Phật cho thế gian. Còn nữa, nếu không có tu tập thiền định và thiền tuệ thì mọi hình thái sinh hoạt của đạo Phật, xem ra không phải là của đạo Phật đâu!

6. Cực lạc, cực hạnh phúc: Đạo Phật có nói đến hỷ, lạc trong các tầng thiền; có nói đến hạnh phúc siêu thế khi ly thoát tham sân, khổ lạc (dukkha), phiền não của thế gian - chứ không có một nơi chốn cực lạc, cực hạnh phúc được phóng đại như thế.

7. 8 vạn 4 ngàn pháp môn: Đạo Phật có nói đến 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn (dhammakhandha) chứ không nói đến 8 van 4 ngàn pháp môn (dhammadvāra). Uẩn (khandha) ngoài nghĩa che lấp, che mờ và nghĩa chồng lên, chồng chất, còn có nghĩa là nhóm, liên kết, tập hợp ví như Giới uẩn (nhóm giới), Định uẩn (nhóm định), Tuệ uẩn (nhóm tuệ). Do từ uẩn (khandha) lại dịch lệch ra môn - cửa (dvāra), pháp môn nên ai cũng tưởng là có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, tu theo pháp môn nào cũng được! Ai là người có thể đếm đủ 8 vạn, 4 ngàn cửa pháp này? Còn nữa, xin lưu ý, 8 vạn 4 ngàn chỉ là con số tượng trưng, có nghĩa là nhiều lắm, đếm không kể xiết theo truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng Ấn Độ cổ thời. Ví dụ 84 ngàn lỗ chân lông, 84 ngàn vi trùng trong một bát nước, 84 ngàn phiền não, 84 ngàn cách tu..

8. Xin xăm, bói quẻ, cầu sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu: Những hình thức này không phải của đạo Phật. Trong kinh tụng Pāḷi có đoạn: “Sunakkhataṃ sumaṅgalaṃ supabhātaṃ suhuṭṭhitaṃ, sukhno ca suyiṭṭaṃ brahmacārisu. Padakkhinaṃ kāyakammaṃ vācākammaṃ padakkhinaṃ padakkhinaṃ manokammaṃ paṇidhī te padakkhinā...”

Có nghĩa là: Giờ nào (chúng ta) thực hành thân, khẩu, ý trong sạch; giờ đó được gọi là vận mệnh tốt, là giờ tốt, là khắc tốt, là canh tốt... Ngày đó gọi là có nghiệp thân phát đạt, nghiệp khẩu phát đạt, nghiệp ý phát đạt. Và nguyện vọng theo đó được gọi là nguyện vọng phát đạt.

Người tạo nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý phát đạt như thế rồi sẽ được những lợi ích phát đạt (chữ phát đạt có thể có thêm nghĩa nhiêu ích).

9. Định mệnh: Đạo Phật có nói đến nghiệp, đến nhân quả nghiệp báo chứ không hề nói đến định mệnh. Theo đó, gây nhân xấu ác thì gặt quả đau khổ, gây nhân lành tốt thì gặt quả an vui - chứ không phải “cái tơ cái tóc cũng do trời định” như định mệnh thuyết của Khổng Nho hoặc định mệnh 4 giai cấp của Bà-la-môn giáo.

10. Siêu độ, siêu thoát: Không có bài kinh nào, không có uy lực của bất kỳ ông sư, ông thầy nào có thể tụng kinh siêu độ, siêu thoát cho hương linh, vong linh, chân linh cả. Thời Phật tại thế, nếu có đến nơi người mất, chư tăng chỉ đọc những bài kệ vô thường, khổ và vô ngã để thức tỉnh người sống; và hiện nay các nước Phật giáo Thēravāda còn duy trì.

Có thể có hai trường hợp:

- Nếu vừa chết lâm sàng thì thần thức người chết vẫn còn. Vậy có thể đọc kinh, mở băng kinh, chuông mõ, hương trầm... để “thần thức người chết” hướng về điều lành... để thần thức tự tạo “cận tử nghiệp” tốt cho mình.

- Nếu thần thức đã lìa khỏi thân rồi – thì họ đã tái sanh vào cõi khác rồi, ngay tức khắc. Khi ấy thì gia đình làm phước để chư tăng tụng kinh hồi hướng phước ấy cho người đã mất.

Cả hai trường hợp trên đều không hề mang ý nghĩa siêu độ, siêu thoát mà chỉ có ý nghĩa gia hộ, gia niệm, gia lực mà thôi. Tu dựa vào tha lực cũng tương tự như vậy, nhưng cuối cùng cũng phải tự lực: “Tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình là hòn đảo của chính mình”. Chư thiên chỉ có khả năng hoan hỷ phước và báo truyền thông tin ấy cho người quá vãng mà thôi. Họ không có uy lực ban phước lành cho ai cả.

11. Huyền bí, bí mật: Giáo pháp của đức Phật không có cái gì được gọi là huyền bí, bí mật cả. Đức Phật luôn tuyên bố là “Như Lai thuyết pháp với bàn tay mở ra”; có nghĩa là ngài không có pháp nào bí mật để giấu kín cả!

12. Tâm linh: Ngày nay, người ta tràn lan lễ hội, tràn lan mọi loại điện thờ với những hình thức mê tín, dị đoan, sa đoạ văn hoá... mà ở đâu cũng rêu rao các giá trị tâm linh. Đạo Phật không hề có các kiểu tâm linh như vậy. Thuật ngữ tâm linh này được du nhập từ Trung Quốc. Và rất tiếc, tôi không hề tìm ra nguồn Phật học Pāli hay Sanskrit có từ nào tương thích với chữ “linh” này cả!

13. Niết-bàn: Nhiều người tưởng lầm Niết-bàn là ở một cõi nào đó, một nơi chốn nào đó; thậm chí là ở một thế giới ở ngoài thế gian này. Người nào tìm kiếm Niết-bàn kiểu ấy, thuật ngữ thiền tông có cụm từ “lông rùa, sừng thỏ” như ngài Huệ Năng đã nói rõ: “Phật pháp tại thế gian. Bất lý thế gian giác. Ly thế mịch bồ-đề. Cáp như tầm thố giác”. Thố giác là sừng thỏ. Và giác ngộ cũng vậy, chính ở trong khổ đau, phiền não mới giác ngộ bài học được.

14. Bỏ khổ, tìm lạc: Tu Phật không phải là bỏ khổ, tìm lạc. Xin lưu ý cho: Khổ và Lạc chính là căn bản của phiền não!

15. Tu để được cái gì? Có nhiều người nghĩ rằng, tu là để được cái gì đó. Xin thưa, được cái gì là sở đắc. Ai sở đắc? Chính là bản ngã sở đắc. Đạo Phật là vô ngã. Hãy xin đọc lại Bát-nhã tâm kinh.

16. Tu là sửa: Nếu tu là sửa thì mình đã từ “cái ta này” biến thành “cái ta khác”. Nếu tu là không sửa thì cứ để nguyên trạng tham, sân, si như vậy hay sao? Xin thưa, sửa hay không sửa đều trật. Đạo Phật quan trọng ở Cái Thấy! Có Cái Thấy mới nói đến giác ngộ và giải thoát. Không có Cái Thấy này thì tu kiểu gì cũng chệch hướng hoặc rơi vào phước báu nhân thiên.

17. Vía: Đạo Phật không có vía nào cả. Vía, hồn, phách là quan niệm của nhân gian. Ví dụ, ba hồn bảy vía. Ví dụ, nam thất, nữ cửu – nam bảy vía, nữ chín vía. Nếu là nam thất, nữ cửu thì nó trùng với nam 7 khiếu, nữ 9 khiếu.

Vía là phần hồn. Không có cái hồn, cái linh hồn tự tồn tại nếu không có chỗ nương gá. Vía không độc lập được. Như danh - phần tâm, sắc - phần thân – luôn nương tựa vào nhau. Chỉ có năng lực thiền định mới tạm thời tách lìa danh ra khỏi sắc, như Cõi trời Vô tưởng của tứ thiền.

Tuy nhiên, cõi trời Vô tưởng hữu tình này không phải là không có danh tâm mà chúng ở dạng tiềm miên. Còn các Cõi trời Vô sắc thì sắc không phải là không có, chúng cũng ở dạng tiềm miên.

Thật đáng phàn nàn, Phật và Bồ-tát đều có “vía” cả! Và cũng thật là “đau khổ” khi trong lễ an vị Phật, người ta còn hô “Thần nhập tượng” nữa chứ!

18. Bồ-tát: Bồ-tát là âm của chữ Bodhisatta: Chúng sanh có trí tuệ. Vậy, chúng ta tạm thời bỏ quên “khái niệm Bồ-tát” quen thuộc trong kinh điển mà trở về với nghĩa gốc là “chúng sanh có trí tuệ”.

Và như vậy, sẽ có hạng chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Thanh Văn; chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Độc Giác; chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Chánh Đẳng Giác. Ngoài 3 loại chúng sanh có trí tuệ trên – không có loại chúng sanh có trí tuệ nào khác.

19. Phật: Phật là âm của chữ Buddha, nghĩa là người Giác ngộ. Vậy chúng ta nên tạm thời bỏ quên “khái niệm Phật” từ lâu đã mọc rễ trong tâm thức mà trở về nghĩa gốc là bậc Giác ngộ.

Vậy, có người Giác ngộ do nghe pháp từ bậc Chánh Đẳng Giác, được gọi là Thanh Văn Giác. Có người Giác ngộ do tự mình tu tập vào thời không có đức Chánh Đẳng Giác, được gọi là Độc Giác. Có vị Giác ngộ do trọn vẹn 30 ba-la-mật, trọn vẹn minh và hạnh nên gọi là Chánh Đẳng Giác.

Không có vị Giác ngộ (Phật) nào ngoài 3 loại Giác ngộ trên.

20. Thể nhập: Tu là không thể nhập vào cái gì cả. Thể nhập là bỏ cái ngã này để nhập vào cái ngã khác. Cái ngã khác ấy có thể là dòng sông, có thể là ngọn núi, có thể là một cội cây, có thể là một thần linh, thượng đế.

Cái cụm từ “thể nhập pháp giới” rất dễ bị hiểu lầm. Khi đi, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái đi; khi nói, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái nói; khi ăn, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái ăn – thì đấy mới đúng nghĩa “thể nhập pháp giới”, ngay giây khắc ấy, mọi tham, sân, phiền não không có chỗ để phan duyên, sanh khởi.

•Hòa thượng Giới Đức

 Ngọa Tùng Am, Huế.

————

* Lời pháp của Đức Dalai Lama: Phật giáo không chấp nhận một lý thuyết về Thượng đế, hay một đấng sáng tạo. Theo Phật giáo, hành động của chính mình suy cho cùng là người tạo tác (nghiệp của mình).

Một số người nói rằng, từ một góc độ nhất định, Phật giáo không phải là một tôn giáo mà là một khoa học về tâm thức hay Triết học thực chứng không suy luận.

St

VII/ HẠNH TU CỦA TU SỸ LÊ ANH TÚ (HAY SƯ THÍCH MINH TUỆ) ĐÃ SOI RỌI KHẮP VIỆT NAM VÀ ĐÃ TRỞ THÀNH KÍNH CHIẾU YÊU.

1. Chùa thật – Chùa giả - Chùa là trường giảng pháp tu – Công ty chùa đều hiện nguyên hình.

2. Sư thật, sư giả, sư là Ma tăng cũng hiện nguyên hình và rũ áo rời chùa

3. Quy y tam bảo cho phật tử tại gia giả, kinh kệ không đúng với nguyên bản của nhà phật đều bị lật tẩy.

4. Thủ đoạn thao túng tâm lý phật tử nghe pháp, định nghĩa cúng dường sai, giảng pháp sai lệch về nghiệp và luật nhân quả gây sợ hãi để phật tử cúng Dường cho sư trụ trì cũng được phơi bày.

5. Thủ đoạn mua bán bằng giả của sư Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang, của các phần tử xấu đều được soi chiếu phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ.

6. Các công ty chùa người dân bỏ không đến bái lạy cúng dường như trước đây

7. Các sư Trong chùa Việt ngày nay đã bắt đầu giảng pháp không còn bắt phật tử đọc kinh và ngồi thiền như trước đây nữa. Các khoá tu đông người cũng ít tổ chức hơn trước đây và nội dung cũng được cải tiến nhiều;

8. Ma Tăng, Quan Tham, Tâm ma đụng đến Minh Tuệ đều được kính chiếu yêu phát hiện lộ rõ nguyên hình về bản chất và đạo đức;

VIII/ HÀNH TRÌNH TU HẠNH ĐẦU ĐÀ CỦA MINH TUỆ TỪ KHI ĐƯỢC NGƯỜI DÂN PHÁT HIỆN VÀ ĐƯỢC CÁC YOUTUBER, TIKTOKER VÀ MẠNG XÃ HỘI FACEBOOK TUNG HÔ VÀ TÁN THÁN TỪNG NGÀY.

          Ngày 03/6/2024 Thích Minh Tuệ tu tại Huế do quá đông sư khoá áo ba y 1 bát đi theo và hàng ngàn người dân tụ tập đảnh lễ diện kiến gây ách tắc giao thông và trật tự an toàn xã hội; Đoàn MT và 72 khất sỹ bị công an kiểm tra giấy tờ các khất sỹ giải tán, riêng Minh Tuệ đề Nghị Về Gia Lai; 8/6/2024 làm căn cước; 10/6 công an Gia Lai phát tin, sau nhiều lộn xộn hàng ngàn người đổ về Gia Lai ông phải ẩn tu một thời gian ở Gia Lai, rồi ở Nha Trang sau đó lại về Gia Lai 04/10/2024;

          Đến ngày 17 tháng 11, ông thông báo tạm dừng đi khất thực do việc tụ tập đông người gây mất trật tự, không phù hợp với việc tu tập. ngày 25/11/2024 Minh Tuệ Viết thư cầu xin mọi người cộng đồng Mạng giúp đỡ trợ duyên đi Ấn Độ không ai trả lời duy có Đoàn Văn Báu đến nhận xin đưa tu sỹ Lê Anh Tú (sư Minh Tuệ) đi Ấn Độ. Hành trình tu tập theo hạnh đầu đà của sư Minh Tuệ ra nước ngoài qua Lào từ 12/12/2024 đến nay chẳng khác gì một bộ phim hành động pha chút hài hước: đầy gian nan, áp lực chồng chất, lại thiếu "quân sư" đủ tầm. Thế nên, nếu thấy sư có chút "xuống sắc", đừng vội phán xét. Ai trong chúng ta mà chẳng có lúc "mặt mày héo úa" khi đời không như là mơ? 18 ngày hành trình trên đất Lào thì ngày 01/01/2025 Tăng đoàn sang Thái Lan, Tăng đoàn đi đến vùng đất thiêng mọi người trong đoàn xấu tốt đều hiện nguyên hình, Anh Báu Quản lý đoàn chặt sư Minh tuệ không đồng ý và Báu rời đoàn ba ngày khi quay về thì Minh Tuệ không nhận lại…Thay vì chỉ trích, hãy gửi đến sư những lời động viên chân thành. Một câu chúc, một lời hỏi thăm cũng đủ tiếp thêm năng lượng cho sư trên con đường tu tập. Hãy nhớ, "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", và sự ủng hộ của chúng ta chính là "thang thuốc" quý giá nhất. Ngày 14/2/2025 Đoàn Văn Báu rời đoàn sau khi hoàn thành giấy tờ cho Minh Tuệ và 2 sư Minh Trí và Tuệ Minh đi Ấn độ ….Từ 15/02/2024 dẫn đoàn và kiêm tình nguyện viên trợ duyên cho đoàn là Phước Nghiêm. (từ ngày sang Thái Lan nội bộ Tăng đoàn có dấu hiệu mất đoàn kết, nghi kỵ nói xâu lẫn nhau, nhiều đối tượng trợ duyên, trợ tiền khác nhau, các thế lực đen, các YOUTUBER, tiktoker tranh giành ảnh hưởng của tu sỹ xem tu sỹ như cây ATM của mình; Hiện đoàn vẫn đi trên đất Thái đoàn tăng quân số lên 18 sư chưa kể tình nguyện viên đi kèm trong khi chỉ có 3 người có giấy tờ đi Ấn còn lại không ai có giấy...Phước Nghiêm hứa làm cho họ nhưng chưa thấy kết quả gì...chờ...


TÌM HIỂU MỘT SỐ QUAN NIỆM CỦA SƯ MINH TUỆ 

GSTS- Mạc Văn Trang

Quan sát việc TU HÀNH, cách ỨNG XỬ, LỜI NÓI của sư Minh Tuệ, tôi hiểu ra một số quan niệm của Ông được biểu hiện rất cụ thể. Những quan niệm và cách ứng xử ấy khác hẳn với người thế gian chúng ta. Cho nên đem quan niệm của người Phàm vào phán xét Ông là trật hết. Không biết những điều tôi viết dưới đây có đúng chưa, nhưng cứ xin chia sẻ, có gì các bạn chỉnh sửa, bổ sung tiếp.

1. Lý tưởng

Ông Minh Tuệ luôn công khai nói: Ước nguyện của con là tu thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ai không tin có Phật A di đà, con phát nguyện tu thành A di đà… Thần tượng của con là Đức Phật Thích ca mâu ni, ngoài ra không có ai là thần tượng của con. Con chỉ tập học theo những lời đức Phật dạy…

Ông đã nung nấu, chọn lựa và nguyện hiến cả cuộc sống cho Lý tưởng đó.

2. Con đường đến Lý tưởng là TU 13 Hạnh đầu đà.

Ông Minh Tuệ TU theo 13 Hạnh đầu đà từ 7 năm trước, chỉ một mình mình biết, một mình mình hay, không ai theo dõi, kiểm tra, đánh giá… Nhưng ông giữ GIỚI cực kỳ nghiêm ngặt: Một mình đầu trần, chân đất, khất thực ngày một bữa, ba y, một bát, không nhận tiền, tối ngủ nghĩa địa, gốc cây…; nghĩa là sống tối giản, “vô sở hữu”, cứ như vậy bộ hành 3 lần rưỡi từ Nam ra Bắc và quay lại, qua 60 tỉnh, có mấy ai để ý đâu.

Đến giữa cuộc hành trình thứ 4 từ Thanh Hoá vào Nam mới rộ tin và hàng nghìn người bám theo, gây nên chuyện bất ổn cho đường tu của ông. Từ tháng 6/2024 ông bị lực lượng an ninh đưa về Gia Lai và từ đó đường tu liên tục trắc trở. Nhiều người khuyên ông ẩn tu; có người nguyện xây cho ông Chùa to… Ông từ chối hết. Ông bảo, nếu ẩn tu thì chỉ tu cho một mình mình siêu thoát thôi. Ông kiên quyết, kiên định tu theo hạnh đầu đà như đã phát nguyện.

(Có người phàm bảo, bao nhiêu người tu sung sướng, mà sao ông tu khổ cực vây?)

3. Giữ giới

Ông coi giữ Giới là quan trọng nhất. Có giữ Giới mới có Định, Tuệ. Khi hỏi ông về vị sư này, sư khác, ông bảo có biết, nhưng không dám nhận xét, vì muốn đánh giá ai, phải ở cùng họ ít nhất 6 tháng, xem người ấy có giữ giới không. Ông khuyên người thường, giữ Giới bớt tham, sân, si, không sát, đạo, tà dâm, không nói láo là tốt đẹp rồi. Còn ông phải kham nhẫn, giữ 250 giới. Nhưng ông cũng nói con đang tập học đến đó. Ông cũng cho biết, có lúc sân, si, ái luyến… khởi lên thì phải giải thoát đi để tâm an định.

Giữ giới phải Kham nhẫn vô cùng, người ta đánh mắng mình, làm nhục mình, không sân hận; nắng mưa, giá rét, muỗi đốt, răng đau, nhịn đói… phải bình thản vượt qua. Người ta bố thí cái gì, ăn cái đó, không chọn lựa…

Vì thế khi sư Vô Sanh chân đau, không đi bộ được, muốn về, sư Minh Tuệ bảo, tu phải xả bỏ áo quần đang mặc, khoác y phấn tảo, bỏ giày, đi chân đất… Không giữ giới được thì nên tự về đi, không phải tiễn, không ái luyến, sầu bi… (Anh Báu nói rất buồn, thương sư Vô Sanh, có ý nói sư Minh Tuệ thế đó!)

Khi anh Báu trở lại gặp sư Minh Tuệ, muốn đi theo đoàn, ông nói, hỗ trợ đã có người khác thay rồi; bây giờ Thầy Báu muốn đi cũng phải xuất gia tu hành, tập học giữ 250 giới; nếu không, đi theo đoàn với tư cách người quan sát, hay Youtuber thì tốt đẹp. (Chắc vì thế nên anh Báu mới hỏi xoáy về 250 giới…).

4. Khiêm tốn xưng CON

Ông khiêm tốn tột cùng, xưng Con với mọi người, già trẻ, lớn bé. Ông không nhận là sư, mặc áo vàng, mang bình bát như các sư, vì chưa xứng với cảnh giới đó (mặc dù vậy, cứ gọi ông là sư cho tiện xưng hô); ông không nhận mình là sư phụ, mà gọi các “sư nhỏ” là “sư phụ”. Con có phải là sư phụ của họ đâu, họ có là học trò của con đâu, chỉ là bạn đồng tu, có duyên thì cùng đi tập học với nhau, hết duyên thì tự ra đi… Thậm chí ông còn tự nhận, mình hèn mạt, thấp kém nhất xã hội, ngày ngày đi ăn xin, chịu sỉ nhục… Ông còn coi mình như con gà, con chó, con bò, con nai…Ông bảo đàn bò đi lại có con trâu vào không hợp; đàn hươu đi lại có con sói vào thì sao ổn…

5. Tự do

Bản chất của Tu 13 Hạnh đầu đà là Tự do: Không ở một nơi quá ba ngày, không ngủ ở một nơi quá ba đêm; đi lang thang khất thực, ai cho gì ăn nấy, không ai cho thì nhịn, ăn lá cây, uống nước sông, suối; không xác định thời gian phải đi đến nơi; có duyên gặp ai là hoan hỉ trò chuyện, ai hỏi gì cũng nói thật, biết thì nói, không biết thì bảo không biết; không chịu sự chỉ đạo, tổ chức, sắp xếp của ai cả; không thuộc về bất kỳ một tổ chức nào; ai thấy vui, có duyên thì cùng đi tu tập cùng nhau; không mời gọi ai, không xua đuổi ai cả. Có người hỏi, người ta muốn Thầy nhập quốc tịch Mỹ thì tự do đi được nhiều nước, thầy nghĩ sao? Ông nói, con không muốn quốc tịch nào cả, con chỉ muốn được tự do đi lại, tu tập, không vi phạm pháp luật của nước sở tại là được. Quốc tịch mà không được tự do thì quốc tịch làm gì! Ông cũng bày tỏ đến Ấn Độ rồi có duyên thì đi châu Âu, châu Phi, châu Úc…

Ông quan niệm để mọi người gặp gỡ, tự do trò chuyện, phỏng vấn, không phân biệt họ là ai cả; Ông bảo, ai muốn chụp hình, live stream là quyền của họ, họ thấy việc đó hạnh phúc thì họ cứ làm, chỉ tránh quay những lúc sinh hoạt riêng tư.

Cứ để mọi người tự nhiên, tự do làm gì tốt đẹp, không vi phạm pháp luật là được. Ai vi phạm thì người đó chịu trách nhiệm. Không cần ai bảo vệ mình cả, mình tự bảo vệ mình bằng Giới luật.

Anh báu bảo, để tự do thì như cái chợ à? Ông bảo, còn hơn cái chợ ấy chứ. Anh Báu bảo, phải bảo vệ Thầy. Ông bảo, không cần ai bảo vệ. Anh Báu bảo vệ anh Báu có được không? Anh Báu bảo, có một nữ Phật tử cứ “đeo bám”, xử lý thế nào, ông bảo, không xử lý người ta, mình chỉ tự xử lý mình thôi…

(Đó chính là điểm trái ngược với tư duy Công an của anh Báu và rất nhiều người ủng hộ anh Báu…).

Từ khi anh Báu đi, quả là không khí rất tự do, thoải mái, tự nhiên, đúng là “còn hơn cái chợ”. Cảnh sát Thái Lan phải hai lần kiểm tra giấy tờ và uốn nắn đám youtubers… Nhưng cảnh sát Thái khác Việt Nam, họ chỉ chấn chỉnh ai bám theo sư, vi phạm trật tự thì xử lý, còn đoàn sư 16 người vẫn tu hành như thường.

Anh Hà có mời một Công ty Luật sư bảo trợ cho đoàn, ai cũng thấy hay quá, nhưng sư Minh Tuệ từ chối. Sư chỉ hỏi rất kỹ về pháp luật Thái Lan để mình thực hiện cho đúng, chứ không cần bảo trợ… Rồi mọi chuyện vẫn tốt đẹp.

6. Từ bi

Lòng Từ bi của sư Minh Tuệ là vô lượng. Ông cố gắng không giẫm lên cỏ cây, con sâu, cái kiến; ông không đọc chú Đại bi khi ngủ ở nhà hoang, gốc cây, nghĩa địa để xua đuổi tà ma cho mình an ổn, vì mình ở nhờ người ta sao lai làm người ta kinh động; trái lại ông còn niệm cho những linh hồn ẩn khuất đâu đó được siêu thoát…

Nhiều sư đi theo Ông thành một “Tăng đoàn”, có người bảo tu gì mà kéo một lũ trên nước người ta; kẻ xấu nói, thế lực phản động xúi ông lập Giáo phái riêng…Ông nói, mình có bình nước, nhiều người khát nước, mình có chia cho mọi người cùng uống hay giấu đi, uống một mình?

Các sư phát nguyện tu theo Hạnh đầu đà luôn tha thiết được đi cùng sư Minh Tuệ để học hỏi. Trả lời nhà báo Mặc Lâm, sư Phúc Giác nói, "Một ngày bên Thầy Minh Tuệ bằng con tu ba năm. Một quyển sách dày, Thầy nói một câu là hiểu"...

Như vậy, sao sư Minh Tuệ lại nỡ từ chối họ?

Ông có cái gì, ai xin cũng cho. Ông bảo, ai muốn lấy nội tạng của con, thì cho con 10 ngày để thanh lọc cơ thể rồi hãy lấy… Ông bảo người ta từ khắp nơi xa xôi đến, muốn chụp tấm hình với mình thì hoan hỉ chụp cho người ta vui. Ông biết Myanmar có chiến tranh, nhưng càng muốn đến đó bất chấp hiểm nguy, có thể hy vọng đem lại hoà bình…

7. Bình Đẳng

Ông quan niệm mọi người đều bình đẳng, ai cũng như bố mẹ, anh em Con. Các sư đi tập học đều bình đẳng, họ đều là “sư phụ” của con. Ai đến giúp con đều tốt đẹp. Anh Báu đến trước thì nhận anh Báu, không có anh Báu thì có người khác… Ông không cần biết ai là Việt cộng, Việt tân, Việt gian, ai là bên ta, bên địch, ai xấu, tốt… Tất cả đều bình đẳng. Bất kỳ ai có duyên thì gặp gỡ hoan hỉ trò chuyện, phỏng vấn…

Ông coi việc giúp nhau là bình đẳng: Người ta giúp con thì người ta được Phước; con biết ơn thì con tu tập tinh tấn. Nhiều người nói ông Minh Tuệ vô ơn anh Báu, nhưng không biết rằng, nhờ giúp ông mà anh Báu vừa có tiếng vừa có miếng. Vậy ai ơn ai? Bình đẳng cả. Làm ơn rồi trách người ta vô ơn là tự mình làm mất Phước của mình.

8. Hạnh phúc

Người phàm chúng ta coi Hạnh phúc là phấn đấu giàu sang, vợ đẹp, con khôn, xe hơi nhà lầu, công danh để đời… Đó là lẽ thường tình của thế gian. Nhưng sư Minh Tuệ coi, buông bỏ mọi thứ, không có gì cả, sống tối giản để được Tự do tu tập theo Lý tưởng là Hạnh phúc. Hạnh phúc từng giây phút trên con đường đến Lý tưởng; do vậy nếu con đường ấy bị cản trở, bế tắc, tôi nghĩ, ông sẽ chết!

9. Trí Tuệ

Người thường, nghe sư Minh Tuệ nói, thấy lời lẽ quê mùa, mộc mạc, có người còn bảo “ngô nghê”, chả có gì là giáo lý Phật pháp thâm sâu như các sư vẫn giảng. Người hiểu Phật pháp thì bảo những lời giản dị ấy chính là Phật pháp nguyên thuỷ, đố ai bắt bẻ, ông nói sai Phật pháp chỗ nào?

Năm 2024, chỉ mấy tháng ông nói chuyện, chia sẻ với mọi tầng lớp dân chúng trên dọc đường đi, mà nhà văn Hiền Mây “gỡ băng”, ghi chép lại thành cuốn “Hương bay ngược gió” 380 trang, NXB Đà Nẵng ấn hành. Rất tiếc cuốn sách toàn lời chân quê, mộc mạc của một người “Vô sản tuyệt đối” lại không được phát hành!?

Trong cuốn sách đó chứa đựng biết bao trí tuệ Phật pháp gần với chân lý Đạo Phật.

Nếu sư Minh Tuệ ẩn tu, không được tự do gặp gỡ trò chuyện, chia sẻ suy nghĩ với mọi người thì sao ông có thể hoằng pháp, bộc lộ được Trí tuệ?

Và năm 2025, những cuộc trò chuyện trả lời phỏng vấn của ông cũng vậy, toát lên bao nhiêu điều căn bản của Phật Pháp. Riêng cuộc đối thoại với anh Báu chiều ngày 8/2/2025, có người nói, đó là “cuộc đối thoại vĩ đại, sẽ đi vào lịch sử Phật giáo trường tồn”. Người hiểu Phật Pháp nói vậy.

Người phàm cho rằng ông Minh Tuệ nói ngây ngô, thấp kém hơn Tiến sĩ Báu!

10. Trò chơi của Nghiệp

Trong cuộc đối thoại với anh Báu như đã nói, ông Minh Tuệ nói một câu khiến bao người biết Phật pháp sửng sốt: “Chúng ta đều đang tham gia trò chơi của Nghiệp. Cùng vui vẻ cả thôi”.

Nghiệp hiểu nôm na, là những hành động, lời nói, việc làm có chủ ý, thiện hay ác, sẽ đưa đến quả báo tương xứng trong hiện tại và mai sau. Nghiệp nói cho đầy đủ gọi là nghiệp quả báo ứng, nghiệp Nhân chúng ta đã gây ra thì nghiệp Quả phải đến chỉ sớm hay muộn mà thôi…

Vậy tất cả chúng ta đang phán xét về sư Minh Tuệ cũng đang tham gia vào “trò chơi của Nghiệp” đó.

KẾT LUẬN

Sư Minh Tuệ nói, ông đang tập học theo lời Phật dạy, chưa là gì cả, không phải Thánh hay Phật, mọi người đừng đảnh lễ Con, hãy đảnh lễ Phật, Pháp, Tăng; khi nào con đạt Vô thượng Chánh đẳng, Chánh giác, bấy giờ con mới giảng Pháp, bây giờ chỉ biết gì thì chia sẻ thôi.

Nhưng có Linh mục Thiên chúa giáo coi Ông như chúa Giê - su; sư Minh Đạo tán thán Thầy Minh Tuệ như vị Phật; sư Giác Viên đã tu 60 năm, nay biết ơn Thầy Minh Tuệ xuất hiện. Ông từ bên Mỹ về đảnh lễ và Pháp thoại với sư Minh Tuệ, sau đó nói với các youtubers: “Thầy Minh Tuệ sáng hơn ánh mặt trời, soi sáng tận đáy lòng người… đem lại Hạnh phúc bình yên cho mọi người… Đây là Phật sống Việt Nam, cả thế giới chưa làm được”...

(https://www.youtube.com/watch?v=6WQ8-1UP-T4)

TS Thần học Jennie Uyen Chu nói, Thầy Minh Tuệ đã đạt đến Chánh đẳng, Cháng giác, nhưng Ngài khiêm cung, hạ mình thấp nhất để gần với chúng sinh…

(https://www.google.com/search...)

Đối với sư Minh Tuệ, mọi sự yêu, ghét của người đời hay mọi sự đánh phá hung bạo, tàn ác của đám Ma Vương, Quỷ vương không hề lay chuyển được Thân kim cương và Tâm như núi của Ông.

Tất cả chỉ là “Chúng ta đều đang tham gia trò chơi của Nghiệp”.

PHẢN BIỆN BÀI VIẾT – Luu Van Chuong

1. Lý tưởng: Ông Minh Tuệ luôn công khai nói: Ước nguyện của con là tu thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ai không tin có Phật A di đà, con phát nguyện tu thành A di đà… Thần tượng của con là Đức Phật Thích ca mâu ni, ngoài ra không có ai là thần tượng của con. Con chỉ tập học theo những lời đức Phật dạy…Trong câu nói này bao hàm tu cả tiểu thừa (1 phật duy nhất) và đại thừa (vô số phật)…đường đi là tiểu thừa nhưng kết quả lại nguyện thành phật A Di Đà; Mâu thuẫn có lẽ ông muốn lập nhánh đạo riêng;

2. Con đường đến Lý tưởng là TU 13 Hạnh đầu đà. Tuy nhiên qua 7 năm tu 6 năm đầu tu đúng nhưng năm thứ 7 tu sai pháp tu khất thực 4 và 5 trong 13 pháp tu. V Kht Thc: Trong pháp tu 3 và 4 ca Hnh Đầu đà có ghi:

Mục 3. Phi kht thc để sng: hnh này, chư Tăng tu hành hnh đầu đà mang bình bát đi kht thc để nuôi sng bn thân mình. Chư Tăng không đợi tín ch mi đến nhà để cúng mà phi mang bình bát kht thc (ăn xin).

Mục 4. Kht thc (ăn xin) theo th lp: Đây là vic đi kht thc theo tng nhà, không vì chn gia ch giàu sang mà b nhng gia đình nghèo kh, không ti nơi có nhiu đồ ăn ngon mà phi kht thc tun t. Đó là mt hnh ca người tu hành Pháp đầu đà.

Có nghĩa là Chư Tăng tu hành hnh đầu đà phi trc tiếp cm bát đi xin ăn để sng, không được ăn đồ đảnh l, ăn đồ ca người khác đem đến b thí, không được ăn thc ăn, ung thc ung ca đoàn đi theo d tr mà phi trc tiếp đến tng nhà dân đi xin ăn xin ung có th b chó cn, có thế b khinh b, có th b đánh đập; Nếu xin không được phi nhn đói hoc ăn lá cây, c rng và ung nước sui để sng và đi tiếp (Nhng thc ăn, đồ ung được người dân đảnh l hay b thí tuyt đối không được ăn mà phi b thí cho người nghèo hoc chúng sinh cn nó, nếu ăn đồ đảnh l, b thí thì coi như phm gii lut th 3 và 4 ca Hnh Đầu Đà.

3. Giữ giới: Khi nói với Báu đã nói dối sau đó chữa lại bằng điện thoại thực chất của ông chỉ giữ ba giới Tham, Sân, Si và tu cố gắng không phạm giới. 250 giới tỳ kheo Bắc Tông và 227 giới tỳ kheo Nam tông ông không phải là sư, là tăng nên không cần phải theo ông chỉ làm theo lời phật dạy và không phạm giới.

4. Khiêm tốn xưng CON: Nhưng lại tự coi mình là Phật là Tăng để nhận đồ đảnh lễ (Qui định nhà phật chỉ đảnh lễ Phật và Tăng)

5. Tự do: Khi phạm pháp luật các nước bản thân đi qua từ quan niệm tự do lại phạm giới tu..nên chẳng thể thành (trong khi thực chất loài người là không có tự do, có chăng chỉ là tự do trong khuôn khổ) …

6. Từ bi: Từ bi với sư nhỏ, nhưng sân hận với Báu thậm chí đố kỵ và sợ hãi

7. Bình Đẳng: đã bình đẳng còn nói: giúp con thì được phước (chưa quên được và mất sao bình đẳng), bình đẳng với các sư nhỏ người thấp hơn nhưng lại thù hằn với người cao hơn người bất đồng chính kiến với bản thân mình.

8. Hạnh phúc: Hạnh phúc là buông bỏ hết để trí huệ khai mở, Tuy nhiên Trí huệ chỉ khai mở chỉ khi tu đúng và còn liên quan đến nhiều kiếp sống của bản thân.

9. Trí Tuệ: Người có trí huệ thì sẽ không cần trí tuệ, người mà Trí Huệ chưa có hoặc có ít thì rất cần Trí Tuệ..có nó mới hiểu hết được các pháp của Phật để tu; Do vậy còn phạm pháp tu và pháp luật rất nhiều.

10. Trò chơi của Nghiệp: Câu này đúng nhất vì ông luôn tạo nghiệp và chơi với nó cho vui nhân gian, qua đó thực hiện hoằng pháp nhân rộng giới tu và gieo duyên cho bất kể ai để mình trưởng thành và thành chính quả; Nhưng sai ở chỗ: Định Lực có được trong 6 năm tu của bản thân, đôi khi còn được Chư Thiên làm cho toả sảng và trở thành kính chiếu yêu làm cho ma tăng và các thế thực đen tối hiện hình trong xã hội Việt Nam; Do được Youtuber, tiktoker tung hô và chạy theo tạo sự kiện giật gân để kiếm tiền...rồi lại sang nước ngoài nên định lực đã mất nhiều do nhận thêm ma Tăng, gần gũi người xấu và tham gieo duyên ai đến cũng nhận, ai gần cũng cho, thậm chí cho cả áo tu đang mặc..định lực trong người không những bị mất mà còn về âm nên dễ bị ma tăng điều khiển theo ý đồ của nó…

Nông dân tôi chỉ Nghĩ vài điều vậy thôi không biết đúng hay sai nhờ người có học hàm học vị chỉ dẫn thêm. 

HƯƠNG NGƯỢC GIÓ THẬT KHÓ ĐỂ BAY.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét