Triều Thanh từ Thuận Trị nguyên niên định đô ở Bắc Kinh, qua 18 năm, tiêu diệt hết những phe chống đối đặt cơ sở cho việc thực hiện xây dựng nền móng cho triều Thanh. Sau khi hoàng đế lên ngôi đặc biệt là từ năm Khang Hy thứ 20 sau 8 năm bình định loạn Ngô Tam Quế, rồi thừa thắng, thu phục được Trịnh thị đưa Đài Loan trở về Tổ quốc, năm Khang Hy thứ 23. nhà vua đích thân đôn đốc, đất nước tập trung xây dựng kinh tế, đại trị thiên hạ, từ nay mở ra ba đời thịnh trị trong lịch sử.
Nguyên nhân của Khang Hy, Ung Chính, Càn Long thịnh trị
Ba đời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long thịnh trị là sự thịnh trị cuối cùng của xã hội phong kiến Trung Quốc, nó bao gồm ba triều đại Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, trải qua 130 năm. Trong thời gian này, tầng lớp thống trị đã liên tục thực hiện hàng loạt biện pháp hoà hoãn mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp nhằm tập trung xây dựng chính trị, kinh tế của một quốc gia đa dân tộc thống nhất, đảm bảo xã hội bình yên trong một thời gian dài, nhân dân lao động được yên tâm sản xuất, từ đó, những vết thương chiến tranh thời kỳ cuối Minh đầu Thanh nhanh chóng được khôi phục, đưa xã hội phong kiến Trung Quốc lên đỉnh cao. Lúc đó, triều Thanh là một đế quốc vào loại mạnh nhất, hùng cứ phương đông của thế giới.
Trong xã hội phong kiến, sự thịnh trị vào lúc này không phải là ngẫu nhiên, có nhiều nguyên nhân trực tiếp tạo nên sự thịnh trị đó, nhưng nguyên nhân căn bản là họ đã thực hiện những chính sách và việc làm được lòng dân, phù hợp với ý nguyện của nhân dân. Ba triều đại Khang Hy, Ung Chính, Càn Long đã tỏ rõ người đứng đầu trị nước sáng suốt, nghiêm minh, nối tiếp nhau, không kể địa vị và quyền thế như tổng đốc, tuần phủ, đại sứ, quan lại cao cấp trong triều, cho đến hoàng thân quốc thích, chỉ cần phạm tội sẽ bị trừng phạt. Vua Càn Long đã từng xử tử hình em vợ trước giữ chức Lưỡng hoài diêm chính sau làm Tổng quan cao hằng phủ Nội vụ vì tội tham ô, là một việc điển hình. Sau hơn mười năm không ngừng chấn chỉnh, bộ mặt cai trị đã thay đổi nhờ dùng “nguyên thanh lưu khiết”, chính thông nhân hoà lại có chừng mực. Mặt khác, họ đã rút ra bài học từ sự diệt vong của triều Minh, coi nông nghiệp là “vi quốc chi bản” (gốc của nước), dùng toàn bộ tiềm lực phát triển kinh tế, thực hiện chính sách “dụ dân” (dân giàu) đạt tới nước giàu dân đủ. Đây cũng là nguyên nhân thịnh trị của ba đời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long. Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng này triều Thanh đã mở đầu cho việc thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp đại quy mô: thực hiện chính sách khẩn hoang một cách toàn diện, từ thời Ung Chính, Càn Long, phát triển khẩn hoang về khu vực biên giới. Đồng thời lệnh cho các địa phương đặc biệt là quân đội ở vùng biên giói thực hiện “quân đồn”. Ruộng đất được khai khẩn nhiều, việc canh tác dần tăng theo. Thuỷ lợi là mạch máu của nông nghiệp, ba đời vua Khang Hy, Ung Chính, Càn Long đã hiểu rất rõ điều đó, nên không ngừng giảm những đóng góp của nông dân, cải thiện cuộc sống cho họ bảo vệ tính tích cực trong sản xuất của nông dân, khiến cho cuộc sống của nông dân và những người lao động được yên ổn, coi đó là cơ sở của sự yên ổn xã hội.
Ba triều Khang Hy, Ung Chính, Càn Long đã kiên trì chủ trương thống nhất quốc gia bằng việc đưa ra một chính sách dân tộc phù hợp, khiến cho biên giới ổn định, an ninh lâu dài. Năm thứ 30 đời Khang Hy (1691), nhà vua đưa ra yêu cầu bỏ Trường thành, đưa ra một quan niệm quan trọng “trong ngoài như nhau”, đột phá vào quan niệm truyền thống phân biệt trong và ngoài Trường thành “Hoa Di chi biệt” đã có hơn 2000 năm, đưa lý tưởng chính trị “đại nhất thống” phát triển đến mức cao nhất, vì thế, vùng đất Duy Cách Nhĩ ở tây bắc chống lại “đại nhất thống” nhiều lần dấy binh nổi loạn. Năm Khang Hy thứ 29, lần đầu chiến đấu với Cách Nhĩ Đan, Sách Vong A La Bố Đan; đời Thế Tông, ba lần chiến đấu với Cách Nhĩ Đan Sách Linh, đời Cao Tông lần đầu chiến đấu với Đạt Ngoã Tề, lại chiến đấu với Mục Nhĩ Tát Nạp, ba lần mang quân đánh bộ tộc Hồi ở Tân Cương, tất cả đều giành thắng lợi. Năm Càn Long thứ 24 (1759), vấn đề vùng tây bắc bao gồm cả Thanh Hải, Tân Cương cho đến Tây Tạng tuyên bố được giải quyết. Ba đời người cộng đến hơn 70 năm đã phải trả cái giá to lớn để giành được thắng lợi cuối cùng, bảo vệ sự thống nhất của đất nước. Ở khu vực tây bắc, triều Ung Chính đã thực thi chính sách cải cách bỏ thổ ty, đặt lưu quan, tức “cải thổ quy lưu”, đến đầu đời Càn Long thì toàn bộ đã hoàn thành.
Về mặt tư tưởng và văn hoá, ba đời vua Khang Hy, Ung Chính, Càn Long đã lấy tư tưởng Nho gia làm tư tưởng thống trị, ra sức phát triển thêm một bước văn hoá truyền thống. Việc này không chỉ làm tăng thêm nội dung thịnh trị mà còn thúc đẩy tốc độ thịnh trị. Đến đời Càn Long đã xuất hiện bộ mặt “Văn trị chi cập thịnh”.
Bộ mặt thịnh trị
Ba đời thịnh trị là thời kỳ hưng thịnh trong gần 300 năm lịch sử triều Thanh, cũng là một thời kỳ tốt đẹp trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Về nông nghiệp, chưa rõ số lượng nhân khẩu lúc ấy là bao nhiêu, nhưng về diện tích đã vượt xa thời kỳ lịch sử trước đó. Theo thống kê, năm Khang Hy thứ 24, toàn quốc có 6 vạn mẫu đất canh tác, đến cuối đời Càn Long, toàn quốc đã có 10,5 vạn mẫu đất canh tác, sản lượng lương thực nhanh chóng tăng lên 204 nghìn tấn. Lúc đó, Ba La Cổ Kế trong sứ đoàn Mã Giáp Nhĩ Nhi đến thăm Trung Quốc nói, sản lượng lương thực Trung Quốc cao hơn nước Anh. Tổng sản lượng sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc đứng hàng đầu thế giới. Dân số từ năm 1700 có khoảng 15 triệu đến năm 1794 đã có khoảng 31,3 triệu người chiếm 1/3 trong số 90 triệu người của thế giới. Số lượng các thành phố của Trung Quốc cũng phát triển rất nhanh. Đến đầu thế kỷ 19, toàn thế giới có 50 thành phố trên 50 vạn dân, thì Trung Quốc đã có 6, đó là Bắc Kinh, Giang Ninh, Dương Châu, Tô Châu, Hàng Châu, Quảng Châu. Số lượng của các đơn vị nhỏ hơn thành phố như thị trấn cũng không ngừng tăng lên. Nam Kinh là nơi sản xuất tơ dệt nổi tiếng, có hàng vạn công nhân dệt. Vonte, học giả Khai sáng của nước Pháp đã ca ngợi Trung Quốc “đó là một đất nước rất đẹp, rất cổ kính, rất rộng lớn, dân số rất đông thế mà cai trị rất tốt”.
Quan hệ đối ngoại cũng tăng trưởng. Thương phẩm xuất khẩu chủ yếu là chè, tơ, vải thô, đặc biệt chè chiếm vị trí hàng đầu. Cuối thế kỷ 18, công ty Đông Ấn Độ của Anh mỗi năm mua từ Trung Quốc 400 vạn lượng bạc tiền chè. Trong khi đó, lái buôn nước Anh chỉ mang đến Trung Quốc tiêu thụ các loại như len, kim loại, bông tổng giá trị không đủ để mua chè từ Trung Quốc. Vì thế, để cân bằng mua bán, thương nhân nước Anh phải mang đến Trung Quốc một số lớn bạc trắng. Giữa đời Khang Hy, triều Thanh đã chính thức thu thuế chính ngạch đã tới 43.000 lượng bạc, số thuế thực thu còn vượt xa số thuế “chính ngạch”. Cuối đời Càn Long mỗi năm lãi ròng (tức phần vượt ngạch) đã tới 85 vạn lượng, gấp hơn 20 lần số thuế chính ngạch thu được đời Khang Hy. Để cán cân xuất nhập khẩu thăng bằng, nước Anh đã đem một số lớn nha phiến chở đến Trung Quốc, từ đó nảy sinh cuộc chiến tranh Nha phiến đầy tội ác.
Đầu thế kỷ 18, dưới sự chủ trì của vua Khang Hy, triều đình nhà Thanh đã hoàn thành hai công trình khoa học rất lớn, một là “Luật lịch uyên nguyên”, giới thệu với các nước phương Tây lý luận âm nhạc, chế tạo nhạc khí, thiên văn lịch pháp Trung Quốc, số học của phương Tây và toán học của Trung Quốc; một công trình khác là dùng phương pháp khoa học cận đại để vẽ một bức bản đồ Trung Quốc chi tiết.
Điđơrô, chủ biên “Bách khoa toàn thư” của nước Pháp trong mục từ “Trung Quốc” đã ca ngợi “dân tộc Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời, văn hoá, nghệ thuật, trí năng, chính trị, triết học đều có rất nhiều điều thú vị, không có dân tộc nào hơn.”
Ba đời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long cũng đã có công khai phá biên cương, cương vực Trung Quốc một lần nữa được mở rộng, thậm chí vượt qua đời Hán, đời Đường. Bản đồ Trung Quốc đời Thanh từ phía tây Cách Nhĩ Ba Thập Hồ đến bờ biển phía đông, cho đến phía nam quần đảo Nam Sa đều xa nhất so với Trung Quốc hiện nay. Văn hoá đời này cũng phát triển toàn diện, các lĩnh vực giáo dục, văn học nghệ thuật, sử học, triết học, địa lý, số học, thiên văn, quân sự, nhân tài xuất hiện ngày càng rạng rỡ. Việc biên soạn đời này cũng có nhiều thành tựu, đã có những chỉnh lý đại quy mô, trong đó phải kể đến đời Khang Hy có “Cổ kim đồ thư tập thành”, triều Càn Long có “Tứ khố toàn thư” là tiêu biểu. Đây cũng là thời kỳ các học phái nổi tiếng hình thành. Ba đời thịnh trị đã tập trung truyền thống văn hoá rực rỡ, đạt tới đỉnh cao.
Ẩn hoạ của thịnh trị
Đang trong lúc Trung Quốc đang trải qua ba đời thịnh trị, một giai đoạn mới đã mở ra trên trái đất, đặc biệt ở nước Anh, cách mạng công nghiệp đang chuẩn bị tác động đến toàn cầu, cuối cùng cuộc cách mạng của giai cấp tư sản làm biến đổi toàn bộ thế giới cũ, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc vận động tư tưởng Ánh Sáng đã tấn công vào gông cùm thần học phong kiến trung thế kỷ. Từ lịch sử hơn 100 năm nay, đây chính là thời kỳ địa vị của Trung Quốc đã thay đổi to lớn so với các nước trên thế giới, Trung Quốc từ một “đại quốc thiên triều” nhanh chóng trở nên lạc hậu, rơi vào cảnh ngã rồi không thể đứng dậy.
Đồng thời với ba đời thịnh trị, những mối hoạ khôn lường đã tiềm ẩn.
Nghề dệt của phương Tây đã dần được cơ giới hoá, than cốc dùng để luyện gang, ứng dụng của máy hơi nước, sự mở rộng của thị trường, sự nhạy bén của thương nhân, hàng hải phát triển, việc xâm lược đất đai mở rộng, cuộc cách mạng trong giao thông vận tải đã tác động để phương Tây hoàn thành cách mạng công nghiệp hoá tiến lên “xã hội cận đại”. Nhưng trước những những thay đổi của thế giới, ba triều đại của ba vị vẫn được coi là anh minh đã có những biểu hiện u mê và ngu muội, đặc biệt là hạn chế công thương nghiệp, coi thường khoa học kỹ thuật, bế quan toả quốc, tăng cường tập quyền, trói buộc tự do tư tưởng đã làm cản trở nghiêm trọng tiến bộ xã hội. Trái ngược với các nước Tây Âu ra sức bảo hộ cho công thương nghiệp phát triển, triều Thanh lại khống chế công thương nghiệp, áp chế, đả kích, coi công thương nghiệp là “mạt nghiệp”, coi chấn hưng công thương nghiệp là không phù hợp với truyền thống ông cha, là không có lợi cho đất nước. Dưới sự thống trị của tư tưởng Nho gia, triều Thanh là triều đại cuối cùng để cho phong trào coi thường và miệt thị khoa học kỹ thuật phát triển, coi tri thức khoa học kỹ thuật thuộc “hình nhi hạ”, coi phát minh sáng tạo là “ký kỹ dâm xảo”. Đầu đời Thanh súng liên thanh, một lần có thể bắn 28 viên đạn, lại tạo được súng phan trường và Uy vũ tướng quân pháo đã được phát minh, sau được tầng lớp thống trị Thanh coi là “kỵ xạ nãi Mãn Châu căn bản”, nhưng không những không được sử dụng còn nghe những lời sàm ngôn mà cấm đoán. Bế quan toả quốc, cự tuyệt giao lưu là chính sách cơ bản trong quan hệ đối ngoại của triều Thanh. Thời kỳ Khang Hy, Ung Chính, Càn Long lịch sử nhân loại đã từ phân tán chuyển sang thời đại của chỉnh thể, là thời đại ngày càng bộc lộ xu thế kinh tế quốc tế hoá nhưng trong quan hệ đối ngoại triều Thanh lại đi ngược với trào lưu của thời đại, coi phong bế là quốc sách. Trong khi Tây phương đang có khát vọng tìm kiếm những tuyến hàng hải mới để xâm chiếm các vùng đất ở hải ngoại, ra sức phát triển mậu dịch hải ngoại, giai cấp thống trị Thanh đang sốt ruột không yên với việc phòng thủ bờ biển; trong lúc nhân loại đang từ truyền thống hướng tới hiện đại, phóng tầm mắt để nhìn ra thế giới thì hình thái ý thức truyền thống và hệ thống quan niệm về giá trị của Trung Quốc cho đến lúc này vẫn lặng lẽ như giữa ao nước hẹp. Trong cái lặng lẽ đó Trung Quốc không thể không trở thành những kẻ lạc bước của thời đại.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét