XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

CON NGƯỜI, ANH LÀ AI




"Con người, Anh là ai ?

Nhân ngày "Nhà báo Việt Nam" năm nay 2021, tôi xin trình làng một bài báo tôi viết cách đây 11 năm và chưa đăng ở báo nào cả. Tôi dành nó cho tờ "Văn Hóa và Phát triển" do ông bạn nhà báo chiến sỹ , bạn từ thời học trò của tôi : nhà báo Phạm Việt Long làm Tổng biên tập. đây là quà tặng của tôi với Tạp Chí và tất cả mọi người.

Bài này là "lời xám hối" của tôi và cũng là những phỏng đoán khoa học của tôi mà   đại dịch Covid Vũ Hán trong 2 năm qua đã làm lộ ra chân tướng xấu xa của một bộ phận loài người rất hiểm nguy mà Nhân Loại cần cảnh giác cao độ.

Bài viết từ 2010, cách đây dã 11 năm..

Lời xám hối muộn màng

Lời xám hối của tác giả bài viết “con người anh là ai” trên “Khảo cổ học” gần 40 năm trước”

                                Vũ Thế Long

          Mấy năm trước, tình cờ tôi được đọc  cuốn sách nổi tiếng của một nhà văn Trung Hoa “Người trung Quốc xấu xí”. Tác giả đã dũng cảm liệt kê một lọat thói hư tật xấu của dân tộc Trung Hoa, già một phần tư nhân loại. Cuốn sách ra đời đã bị dư luận phản ứng dữ dội. Sau đó, người ta mới nhận thức được rằng: nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra cái yếu cái dở của chính mình, của dân tộc mình, của nhân loại, không biết tự phê bình để tiến bộ mãi thì làm sao mà tiến bộ được. Cuốn sách trở nên rất nổi tiếng và người Trung Hoa đang có những bước tiến bộ đáng kinh ngạc. Chúng tôi mạo muội mượn cụm từ “xấu xí” trong đầu đề cuốn sách để lạm bàn về một số mặt xấu xí của loài người. Chúng tôi không dám bàn về những tính cách xấu xí của cả nhân loại. Chỉ dám bàn luận đôi điều về những ứng xử chưa hay, chưa đúng của con người với môi trường sống, với hệ Sinh thái Nhân văn để từ đó cùng suy ngẫm về một lối sống sao cho hài hòa với môi sinh. Góp phần thúc đẩy cuộc sống của chúng ta tốt hơn, đẹp hơn.

          Phải chăng chúng ta đã quá huyênh hoang với quyền lực của con người ?

          Cách đây 39 năm, trong một bài viết của mình “Con người anh là ai?”(Vũ Thế Long, Tạp chí Khảo cổ học số 11-12, 12-1971), chúng tôi đã dám liều viết : Lao động đã tạo ra một môi trường mới, môi trường trung gian giữa con người và tự nhiên. Con người ngày càng thích nghi một cách chặt chẽ với môi trường chính mình tạo ra và càng gắn chặt với môi trường ấy, thì cũng càng bớt lệ thuộc vào các yếu tố tự nhiên. Môi trường đó bắt đầu từ những yếu tố đơn giản và ngày càng hoàn bị: con người đã làm ra quần áo để mặc mà không bộ lông thú nào có thể bì kịp, con người đã làm ra nhà cửa để ở, đóng tàu thuyền,đi lại dưới nước giỏi hơn cá, chế tạo máy bay nhanh hơn chim...Con người đã tạo ra trí thông minh và đã vượt xa những khả năng mà các loài vật đã đạt được qua một quá trình tiến hóa rất lâu dài. Con người đã vươn tới đỉnh cao của hệ thống tiến hóa trong sinh giới.

 Nhờ lao động, nhờ chế tạo, con người đã trở thành vị chúa tể của thế giới này, và, ngày nay đang tiến tới làm chủ cả khoảng không vũ trụ bao la, làm chủ cả các hành tinh khác...

          Với ý nghĩ “ Con người là chúa tể của muôn loài” và với tư duy ích kỉ: Cuộc sống trên thế giới này là của con người, tùy thuộc vào con người. Con người muốn làm gì thì làm. Loài người đã vung lưỡi rìu của mình đốn hết khu rừng này đến khu rừng khác. Biến bao rừng núi xanh tốt thành hoang mạc. Thẳng tay tàn sát biết bao thú rừng và phá tan tành nơi ở nơi sống của biết bao loài vật trên trái đất. Chúng ta đã ca vang “Rừng ơi ta đã về đây”...nhưng không phải là về để nâng niu, gìn giữ và bảo vệ. Về để chặt, để phá ! Đã có những chàng trai được báo chí thổi lên thành những dũng sĩ diệt voi, diệt hổ, diệt bò tót ...Và cho đến nay, khi những giọt nước mắt hối hận muộn mằn nhỏ xuống thì hầu hết các khu rừng qúy đã bị cạo trọc. Các loài thú hiếm và cả thú không hiếm đã bị xóa sổ. Thiên tai, lũ lụt đang ngày càng diễn ra với một quy mô khủng khiếp hơn. Nguyên nhân gây ra những thảm khốc ấy, có một phần tội lỗi không nhỏ của chính nhân loại. Luật pháp đã đứng ra bảo vệ thiên nhiên. Loài người đã gắng công phục hồi lại rừng xưa nhưng cho đến tận lúc này, vẫn còn những kẻ tham lam đang tâm tiếp tục tàn sát tự nhiên dưới mọi hình thức.

          Tôi xin được tự xám hối: Từ nay xin phép không bao giờ được coi loài người là chúa tể của thế giới này nữa. Chỉ xin nguyện cầu được làm một thành viên tử tế của nhân loại, một tiểu phần có tri thức của vũ trụ bao la cũng đã là qúa toại nguyện rồi.

Phát triển và thụt lùi

         Đã có muôn vàn công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển và văn hóa. Loài người ở nhiều nơi trên thế giới đã phạm phải lắm sai lầm. Với mục tiêu tăng trưởng, phát triển, người ta đã bất chấp mọi nguy cơ tiềm ẩn đứng đằng sau của phát triển. Bằng mọi cách để phát triển nhanh, người ta thi nhau khai thác mọi nguồn năng lượng cho đến cạn kiệt. Trung bình, mỗi ngày trên thế giới có đến mấy chục nhân mạng bị chết thiêu chết vùi trong các hầm lò. Thỉnh thoảng lại xảy ra vụ nổ nơi này nơi khác giết chết hàng trăm hàng ngìn nhân mạng. Nặng thì nổ cả lò phản ứng nguyên tử gây tai họa cho cả một vùng, rò rỉ chất độc làm bao người chết. Người nhiễm độc thì sống cũng người chẳng ra người. Nhẹ thì cũng làm ô nhiễm cả một thành phố, cả một con sông. Mỗi ngày hàng trăm người chết vì tại nạn xe cộ. Phát triển mà không tính toán mục tiêu vì cuộc sống của con người thì phát triển sẽ đi liền với hủy hoại.

 Khi xóa sổ một rừng cây, khi di dời hàng vạn dân ra khỏi nơi cư trú ngàn đời của mình, loài người đã làm thay đổi toàn bộ hệ sinh tái tự nhiên cũng như hệ sinh thái nhân văn được hình thành từ hàng ngàn hàng vạn năm. chính vì thế, nhân loại đang cố sức gìn giữ những gía trị văn hóa mà loài người đã tích lũy được trong lịch sử sinh tồn của mình. Những tri thức bản địa tồn tại trong từng bộ tộc, dân tộc, không kể thiểu số hay đa số trên toàn thế giới đang đượcUNESCO và nhiều tổ chức chú ý sưu tầm, khôi phục và gìn giữ.

 Kinh tế phát triển, từ đói kém nghèo nàn đến khá giả và giàu sang là điều đáng mừng. Nhưng đi theo đó lại là một loạt các hậu quả về mặt xã hội không lường trước. Nhiều gia đình bỗng chốc trở thành giàu có nhưng sau đó là tan nát, con cái nghiện ngập, bệnh tật, cửa nhà tan hoang. Vậy cái đó có phải là cái giá chọ sự phát triển ? Nước giàu mà sống ích kỉ, thanh niên ẽo ợt, lười biếng,không chịu học hành thì đấy có phải là con đường đi lên của mỗi quốc gia, dân tộc? Bởi thế, chúng ta cần có một cái nhìn tổng thể, một quy hoạch bền vững cho sự phát triển. Không chỉ chạy theo những con số của GDP tính theo đầu người mà phải đi liền với sự phát triển lành mạnh về con người và nhân cách, văn hóa...

        Chừng nào con người nhận thức được cái gía phải trả cho lòng tham lợi nhuận đơn thuần mà thiếu sự chăm sóc cho cái phần “Người” trong cộng đồng nhân loại thì nhân loại mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.

       Con người và các đại dịch, thiên tai

        Trong lịch sử của mình loài người đã phải trải qua hết thiên tai này đến thiên tai khác. Hết đại dịch này đến đại dịch khác. Thửơ xưa đã có những đại dịch, thiên tai giết chết hàng triệu người. Loài người đã phấn đấu hy sinh không mệt mỏi để tìm cách giảm nhẹ thiên tai, phòng trừ dịch bệnh.     

Ngày nay, khi con người đã phát triển ở một trình độ cao hơn trước. Con người đã tự giải mã được bộ gien của mình. Đã nhân bản vô tính được nhiều loài vật, tạo ra được nhiều giống vật nuôi, cây trồng, chủng vi sinh vật mới và cả muôn vàn loại thuốc kháng sinh khác nhau nhưng thiên nhiên lại không ngừng sinh ra những thách đố mới. Nhiều thuốc thì lại có nhiều vi trùng kháng thuốc. Nhiều Vacine thì lại có lắm virus biến thể mới ra đời. Một trong những nguyên nhân gây nên những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, kháng thuốc, dị ứng...Chính lại là do con người tạo ra trong sự phát triển thiếu cẩn trọng hoạc phi đạo đức của chính mình.

          Diều gì sẽ xảy ra nếu trong phòng thí nghiệm có những kẻ làm khoa học bất lương? những tên khủng bố nhân loại đội lốt khoa học ?

          Loài người muốn phát triển bền vững và lành mạnh trước hết, phải tự sửa chữa những cái xấu xa của chính mình. Sống hài hoà với môi trường tự nhiên và môi trường xã hôi là điều mà nhân loại hằng mong ước và hướng tới.

Hà Nội 20-1-2010

Nguồn thừ Facebook Vu The Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét