THỜI HOA ĐỎ - SỰ DAY DỨT TẬN ĐÁY LÒNG MỘT THI NHÂN & TIẾNG VỌNG ÁNH LÊN MỘT SỰ THẬT… NHƯNG KHÔNG THỂ ĐỔI KHÁC ĐƯỢC !
Vâng, xin bắt đầu bằng những giai điệu day dứt được cất lên từ bài hát có tên “Thời hoa đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ thơ của thi sĩ Thanh Tùng…
“Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Bước lặng trên con đường vắng năm nao
Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào…
Mà chẳng cho lòng nguôi yên chút nào…”
Tôi đã nghe bài hát này không biết bao lần, đặc biệt mỗi dịp hè về, mỗi khi đi bách bộ dưới những tán phượng vĩ đỏ rực trên trời và sẫm màu huyết dụ dưới bàn chân để rồi lại nhẩm hát những lời ca như tiếng vọng day dứt từ tận đáy lòng của thi nhân…
“Anh mải mê về một màu mây xa
Cánh buồm bay về một thời đã qua
Em thầm hát một câu thơ cũ
Về một thời thiếu nữ say mê…
Về một thời hoa đỏ diệu kỳ…
Tôi cũng thú thật, đầu năm 1990, ngay từ lần đầu tiên nghe bài hát này (và cả nhiều năm sau này nữa), tôi vẫn cứ nghĩ bài hát đang kể về câu chuyện một người lính từ chiến trường xa trở về hậu phương và gặp lại được người yêu cũ… trong bùi ngùi nuối tiếc vì nàng đã đi lấy chồng…
(Ôi, sao mà giống như cuộc tình của chính mình ngày xưa vậy ?!).
Vâng, và họ lại cầm tay nhau đi trên con đường xưa, dưới những tán phượng đỏ au bao kỷ niệm của một thời đi học, môt thời yêu đương, một thời thương thầm nhớ trộm, có dỗi hờn, có bồi hồi, lưu luyến… và để rồi có không ít những nuối tiếc về cuộc tình của một thời trai trẻ khờ dại đã qua…
Trong nỗi buồn day dứt của “một câu thơ cũ”, người con gái vẫn như đang thầm hát về “Về một thời thiếu nữ say mê/Về một thời hoa đỏ diệu kỳ…”; Còn người lính “của thời trai trẻ ngày xưa” thì vẫn đầy kiêu hãnh đi bên cạnh và dẫu buồn nhưng không hề nuối tiếc con đường một thời mình đã chọn, đã sống và dâng hiến…
Và cái kết của câu chuyện cũng thật trong sáng, họ không còn buồn nữa mà chỉ là một sự man mác nuối tiếc đối với một thời non trẻ đã đi qua và nó thực sự giống như hình ảnh của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đầy hào hoa và lãng mạn, cho dù đâu đó đã có những ngã rẽ, đã có không ít những trái tim không thể cùng nhau “đi hết những ngày đắm say…”
Thú thật, cũng từ sự mê say này mà tôi đã nghe bài hát này không biết bao lần, với rất nhiều giọng ca khác nhau như Lệ Thu (người vinh dự được hát bài này đầu tiên), như Thái Bảo, rồi Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Thu Minh, Thùy Dung, Phương Thảo, Việt Hoàng, Bằng Kiều v.v và v.v… Mỗi người hát đều có một sắc thái riêng, nhưng khi bài hát này được cất lên đều làm cho trái tim tôi như rung ngân, xao xuyến theo nhịp đập của giai điệu…
Giọng hát của ca sĩ Lệ Thu sao mà trầm ấm thế, cái luyến láy sao mà ngọt đến thế; Giọng ca của Thùy Dung thì trong veo, Phương Thảo thì sang trọng… Nhưng thú thật tôi lại chỉ thích giọng của ca sĩ Thái Bảo. Vì sao ư ? Vì hình như trời chỉ phú cho mỗi ca sĩ một gam màu riêng và chỉ phù hợp cho một ca khúc cụ thể nào đó. Với “Thời hoa đỏ” thì cái thô ráp trong chất giọng của Thái Bảo hình như nó đã làm cho tôi cảm nhận được rõ hơn, “gần hơn” cái “ngày xưa” ấy…
(Các bạn hãy nghe thử lại xem có cảm nhận như tôi không bằng cách nhấn vào các đường link tôi đã chỉ ra ở phía dưới nhé) !
Cũng phải thừa nhận, khi thi & ca đã gặp nhau (như đôi lứa ấy) và hòa quyện được với nhau (như cuộc đời ấy) thì nó sẽ nâng mỗi chúng ta lên, bay bổng và tự hào, làm cho chúng ta biết nhận ra giá trị thực của chính mình để tự tin và kiêu hãnh đi tiếp con đường đời đã chọn…
Cũng chính vì thế, bài hát như thể đã tiếp thêm một nguồn năng lượng sống thật sự dồi dào cho chính mình và những thế hệ trẻ (trước và sau mình) vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời cũng như của đất nước…
Nhưng, cũng giống như người con gái, khi mình đã yêu, đã “si” thì cũng đồng nghĩa với việc mình luôn luôn muốn “dấn thân” vào, muốn “khám phá” thêm, thêm nữa để tìm hiểu sâu hơn vào mọi ngóc ngách của cuộc đời nàng… và sự thật nhiều khi lại cho ta nhiều cảm xúc khác, có thể bớt yêu đi nhưng cũng có thể càng đắm say hơn...
Tôi cũng vậy, tôi cũng đã phải tìm đọc và đọc đi, đọc lại nhiều lần với hàng tá bài viết về “Thời hoa đỏ” trên các báo, đài, tạp chí, mới có, cũ có, đã in từ trước đó cả 10 năm, 20 năm cũng có... chỉ với một mong muốn để hiểu thêm thật rõ về tác giả thơ, tác giả nhạc, hiểu thật rõ hơn hoàn cảnh ra đời của tác phẩm…
Và điều bất ngờ, đầu tiên mà tôi biết được (khi đã tĩnh tâm lại), trước hết về bài thơ – vâng, bài thơ "Thời hoa đỏ" – Đó không phải là một bài thơ tình cách mạng như tôi vẫn nghĩ; Nó thuần túy chỉ là một bài thơ tình bi lụy, đau khổ vì yêu, nhưng rất hay và cái chính, nó là sản phẩm của một thi sĩ thật sự rất đa tình và sinh ra hình như chỉ để dâng hiến cho thi ca nên ngay cả khi đau khổ đến tận cùng ông cũng biết chắt lọc ra những vần thơ tinh túy nhất để viết nên cho đời những áng thơ lãng mạn đến bất tử !
Cần nói rõ thêm, bài thơ thi sĩ Thanh Tùng viết năm 1972 để khóc thương người vợ đầu đã chết. Người vợ đã phụ bạc ông để ra đi với người tình khác… nhưng ông vẫn còn yêu (như ông nói, đã yêu thì yêu cả cái đẹp lẫn cái xấu…) nên khi nghe tin bà mất ông đã tức tốc từ Hải Phòng đi Quảng Ninh (nơi ở mới của bà) để được khóc cho tận lòng tri kỷ… và bài thơ cũng đã ra đời từ đó. Rõ ràng trong nỗi đau đó, bài thơ chỉ có một màu đỏ của máu đang “ứa” trong lòng ông và ông đã mượn sắc đỏ của hoa để nói “Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ/Như vết xước của trái tim”….
Và như vậy, thêm một lần nữa chúng ta thấy được một cách rõ ràng đây là một bài thơ tình bi thương chứ không phải là một áng thơ tình lãng mạn cách mạng như tôi và các bạn đã cảm nhận được khi nghe ca khúc này !
Điều ngạc nhiên thứ hai là người đã phổ thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng – Ông, chắc chắn phải là một người cộng sản chân chính lắm mới có thể biến cái khổ đau của người khác, thậm chí khi chính mình cũng đang thực sự cô đơn, buồn chán… mà vẫn kịp nhận ra “vấn đề” để “căn chỉnh” lời thơ sao cho có lợi nhất cho xã hội, cho đất nước ta thời ấy và thổi vào đó một âm hưởng bi mà tráng đến nao lòng và cũng đầy kiêu hãnh của một thời “hoa đỏ”. Bởi vì suy cho cùng bài thơ cũng ra đời vào cái thời hoa ĐỎ - 1972.
(Tôi cố tình viết hoa chữ ĐỎ ) !
Điều lạ nữa là, dẫu cả bài thơ hoàn toàn không nói đến bất kỳ một khía cạnh nào về người lính, về một thời chiến trận, về sự lãng mạn cách mạng…nhưng tại sao khi bài thơ khi đi vào ca khúc, chúng ta lại cảm nhận như đang nghe một ca khúc trữ tình cách mạng đẹp đến nao lòng !?
Cái chính nằm ở chỗ, sự “căn chỉnh" đúng nơi, đúng tầm của người phổ nhạc. Và quả thật, không chỉ nó đã cho ta cảm nhận như đang nghe một ca khúc trữ tình cách mạng mà những giai điệu quá đẹp và lãng mạn này đã được kiểm chứng qua thời gian… có thể sẽ là bất tử trong lòng người Việt vì nó cũng đã được rứt ra từ tận cùng của nỗi buồn và sự cô đơn của tác giả khi lâm trọng bệnh ở Nga (thời Liên Xô)… Thời đó ông được cử sang Liên Xô để dự trại viết và dĩ nhiên khi trở về ai cũng phải có tác phẩm...
Điều không may khi ông bị trọng bệnh ở bên đó… lại hóa thành điều may mắn cho đời, bởi như ta đã biết, từ sự cô đơn, tủi buồn một mình trên đất khách quê người mà ông đã tìm thấy “Thời hoa đỏ” trong thơ của Thanh Tùng và những giai điệu bất tử cũng từ nỗi buồn đó đã gặp nhau và giao kết để sinh hạ ra một một tình khúc lãng mạn đi cùng năm tháng…
Chính nhà thơ Thanh Tùng (khi được nghe bài hát “Thời hoa đỏ" qua đài Tiếng nói VN), cũng lấy làm ngạc nhiên, không hiểu vì sao bài thơ của mình vào nhạc lại nuột nà đến thế và lại hóa thành lãng mạn cách mạng đến thế...
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, (dù có “muộn màng”) thì cũng đã xin phép nhà thơ để “căn chỉnh”, được đổi mấy chữ, nhất là chữ “tan tác” thành “xao xác” và “máu ứa” thành “nuối tiếc”… bởi vì theo ông “tớ thấy nó buồn quá, mà kỷ niệm thì buồn là đương nhiên, nhưng phải là cái buồn man mác, lạc quan chứ không bi lụy”.
Cả nước ta từng đi qua chiến tranh và đương nhiên từng thấm đẫm bao nỗi buồn vì chết chóc, vì bom rơi, đạn xéo của giặc thù… nhưng thời đó, thế cuộc không cho phép bất cứ một tác phẩm văn học văn nghệ nào nói về cái buồn bi lụy làm ảnh hưởng đến thời cuộc… (Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, dòng chảy văn hóa văn nghệ vẫn phải nằm chung trong sự chỉ đạo này…) và vì thế, dẫu có buồn nẫu ruột và bi quan đến mấy thì người nhạc sĩ muốn tác phẩm mình “sống được” thì đều buộc lòng phải “căn chỉnh” như vậy thôi. May thay, sức sống của ca khúc “Thời hoa đỏ” theo “định hướng” đã được “căn chỉnh” bởi người nhạc sĩ tài hoa đã lan tỏa và ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam nên người ta cũng dễ dàng chấp nhận nó, như chấp nhận sự thật của bài thơ và sự chấp nhận đó, tự nó cũng đã được “căn chỉnh” theo một tâm thế mới – tâm thế của niềm tin, của niềm kiêu hãnh, của cái “cái say mê một thời thiếu nữ” và của sự khát khao như khát khao của một người lính “thời trai trẻ ngày xưa…” mà ai cũng đã từng đi qua, đã từng có !
Để thưởng thức đến tận cùng cái hay của một tác phẩm văn học nói chung và âm nhạc nói riêng, các bạn cũng như tôi, chúng ta cũng cần phải hiểu sâu sắc hơn về nó là thế, kể từ khi nó còn trong “trứng nước” như chúng ta từng yêu thương con cái chúng ta kể từ khi nó mới chỉ là hình hài của một sự sống nhỏ nhoi để rồi biết nâng niu và nuôi dưỡng nó lớn khôn và thành người !
Bây giờ đang là tháng 5 – tháng mà ở đâu đâu, khắp đất nước ta màu hoa phượng cũng đang cháy lên như tâm hồn tuổi trẻ sẵn sàng cháy lên… Và mỗi khi ai đó có dịp bách bộ dưới những tán phượng vĩ đỏ rực trên trời và sẫm màu huyết dụ dưới bàn chân đều không quên nhẩm hát lại những lời ca như tiếng vọng day dứt từ tận đáy lòng của thi nhân… và dẫu tiếng vọng đó có ánh lên một sự thật phi cách mạng nào đó thì nó vẫn không thể đổi khác được và bài hát vẫn tự nó ngân lên những giai điệu đầy lãng mạn cách mạng, tạo nên một sự lạc quan đầy hứng khởi cho cuộc đời này…
Cũng chính vì vậy, tôi thực sự yêu kính nhà thơ Thanh Tùng và càng kính trọng sự "căn chỉnh" và tôn sùng những giai điệu trong ca khúc “Thời hoa đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng !
Hà Nội, ngày 26.5.2016
P/S:
Mời các bạn sau khi nghe bài hát hãy đọc lại nguyên tác bài thơ “Thời hoa đỏ” này nhé:
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng chịu cho lòng ta yên
Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em
Anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim
Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa.
Các bạn nhấn vào đây để nghe 2 giọng ca tiêu biểu cho ca khúc Thời hoa đỏ:
Với Lệ Thu:
Với Thái Bảo:
Hoặc:
Ảnh : Nhà thơ Thanh Tùng và con gái (sản phẩm của mối tình bi thương nhưng đã sinh ra Thời hoa đỏ !)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét