XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

NHỮNG CÔNG DÂN TẬP THỂ

Nhà văn
Phạm Ngọc Tiến

Hà Nội những năm 1960, 1970 bắt đầu xây dựng những khu nhà tập thể cao tầng. Cao nhất cũng chỉ là 4 đến 5 tầng, sau này mới có khu làm đến 6 tầng. Chủ yếu các khu tập thể này nằm ở Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ, ...
Được tiêu chuẩn ở các khu tập thể này, chí ít phải là những công dân trong diện cán bộ do Thành phố quản lí. Nếu là cán bộ trung ương thì cũng phải là cấp Cục, Vụ, Viện.

Thời đó bao cấp chưa có thành phần kinh doanh cá thể, nên những nhà ở tầng 1 chưa được coi trọng. Các gia đình cán bộ thường chọn cho mình tầng trên cao thoáng mát. Thế mới có chuyện, khi đất nước mở cửa cho các thành phần kinh doanh tư nhân phát triển, những căn hộ tầng 1 mặc nhiên trở thành những cửa hàng buôn bán, thu nhập cao.
Cấu trúc các khu nhà có khác nhau nhưng cơ bản là gần thống nhất. Mỗi căn hộ phân chia phòng ở có ngăn ra làm hai, và chạy dọc theo phòng ở là bếp và khu vệ sinh. Tổng diện tích cả phụ vào quãng 40 mét vuông. Phía trước mỗi nhà là hành lang chung.
Mỗi căn hộ thế này ban đầu thường là có hai thế hệ cùng ở. Đến quãng cuối thập niên 80 là ba thế hệ. Cá biệt có thể là tứ đại đồng đường, khi sang thập niên 90. Với diện tích như thế, cấu trúc như thế, sự chật chội ngày thêm bức bối. Dân ta có cái hay, là trong mọi tình thế đều tìm ra hướng giải quyết.
Vì là nhà đơn khối, khoảng cách từ khu tập thể này sang khu khác khá rộng nên việc cơi nới được làm cả mặt trước lẫn sau. Mặt trước trừ hành lang chung không thể xâm phạm, còn thì các hộ cứ chiểu mặt tiền nhà mình mà lấn chiếm khoảng không. Nếu các hộ từ tầng 1 liên kết với các tầng trên, họ có thể xây chồng lên nhau từ mặt đất. Còn nếu làm riêng rẽ thì sẽ đục tường chèn giá đỡ và lắp khung nhà bằng sắt thép.
Trong những buồng cơi nới này cũng có vách kín, và mặt nền lát đá hoa hẳn hoi. Những chiếc "chuồng cọp" cứ thế mọc ra như nấm, làm biến dạng mọi khu tập thể bất chấp nguy hiểm. Tuy thế căn hộ cơi nới kiểu này đã làm tăng diện tích ở đáng kể, cho các công dân tập thể.
Vì là cán bộ, nên theo thời gian thang bậc phát triển, nhiều chủ nhân ở những vị trí cao hơn được phân phối thêm chỗ ở mới, hoặc do kinh tế phát triển thu nhập khá lên, không ít nhà tự chuyển đổi nhà cửa. Không phải ở đâu cũng quản lí tốt để thu hồi diện tích cũ, thế nên mới có chuyện thay đổi chủ nhân những khu nhà.
Chủ nhân mới thường là con cháu, cũng nhiều trường hợp họ bán đứt căn hộ cho người ngoài. Các khu tập thể vào thập niên 90 có sự thay đổi chủ ở mức độ tương đối. Sang thập niên đầu thế kỷ 21 có một sự thay đổi cơ bản chủ nhân các khu tập thể. Thành phố lúc này đã có nhiều khu chung cư cao cấp. Chỉ còn một số ít chủ nhân cũ bám trụ lại với khu tập thể vì thói quen hoặc vì kinh tế hạn hẹp, hoặc là người tỉnh ngoài có nhu cầu phát triển dần ra thành phố sinh sống, hoặc một số gia đình Hà Nội chật chội dành dụm được ở mức vừa phải, chỉ đủ tiền mua được những căn hộ tập thể đã xuống cấp này.
Các khu tập thể giờ chỉ còn một lợi thế duy nhất, là vị trí đều ở những khu phố đẹp trong tổng thể một Hà Nội mở rộng. Từ chỗ là ngoại vi ngày nào, giờ những khu nhà đó được coi là đắc địa ở nội đô.

Lí do tôi làm kịch bản “Những công dân tập thể” ngày đó, ngoài sự muốn phản ánh cuộc sống của họ, còn có lí do khác. Đó là tôi sợ rằng một ngày nào đó muốn làm phim sẽ không còn bối cảnh.
Điều đó đã, đang và sẽ trở thành hiện thực khi Thành phố đã có chủ trương phá dỡ xây dựng lại các khu nhà tập thể cũ đã xuống cấp trầm trọng. Một chủ trương hợp lí, dù những công dân tập thể tôi vừa nói đến, có rất nhiều vấn vương với những kỉ niệm về khu nhà của mình một thời huy hoàng.

(Theo SỐNG Ở HÀ NỘI, báo An Ninh Thủ ĐÔ 14- 12- 2016).

***

Ở một khu tập thể ở Hà Nội.
Ảnh sưu tầm.
 — cùng với Trần Quang Dũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét