XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

HÀ NỘI CÓ NHỮNG NGHỀ LẠ

Nhà văn
Phạm Ngọc Tiến

“Nghệ nhân” là danh hiệu được phong tặng cho những người làm những nghề thuộc về nhiều lĩnh vực trong đời sống. Đa phần họ được các tổ chức có pháp nhân công nhận.
Những nghệ nhân đường phố trong bài viết này là cách tôi gọi một số ít người, làm những nghề dường như không chính thống và thiên hạ cũng ít ai để ý đến, nhưng nếu thiếu vắng họ ở Hà Nội sẽ là thiếu hụt và thiệt thòi không nhỏ cho những ai cần đến. Họ là những người làm ăn trên đường phố bằng chính tay nghề điêu luyện và thiết thực của họ.

Một lần tôi bị tai nạn đâm xe. May người không việc gì nhưng chiếc xe gần như tan tành. Toàn bộ phần nhựa của chiếc xe bị vỡ rời. Khi mang xe vào hãng sửa chữa, cầm hóa đơn báo giá, tôi đã tá hỏa toát mồ hôi. Xe cũ nhưng phụ tùng thay thế đương nhiên phải chính hãng, và nó là một con số quá ư xa xỉ so với chiếc xe cũ đã sử dụng nhiều năm. Thợ sửa xe là một người quen nói nhỏ, anh mang ra Chùa Bộc mà sửa. Thợ ở đấy lành nghề lắm, bảo đảm tuy là vá víu nhưng không khác gì phụ tùng mới đâu. Tôi nghe lời mang xe đến.
Người thợ tên là Tuấn, anh có một hòm đồ nghề để nép ở cổng chùa. Đơn giản vô cùng. Một cái bếp nhỏ, mấy mũi hàn nhựa (có thể là mũi hàn nhiệt cắm điện) và những mảnh nhựa vá. Hì hụi dựng lắp, hàn vá chỉ chừng hai tiếng đồng hồ sau, chiếc xe đã lại như cũ.
Từ chiếc yếm nhựa trắng đến vè trước vè sau nhựa nâu, nắp cốp được hàn rất khéo và đánh bóng phải tinh mắt mới nhận ra được những nếp vá. Thật mãn nguyện. Càng mãn nguyện khi thấy người thợ tính công. Một con số chỉ vài trăm ngàn, tính ra tôi tiết kiệm được vô khối tiền bạc nếu thay phụ kiện mới ở hãng xe.

Nhân chuyện vá nhựa lại nhớ đến Hà Nội thuở nào, khi dép nhựa còn phổ biến. Lúc đó đôi dép nhựa quai hậu Tiền Phong trắng thậm chí còn là mốt của dân chơi. Khi dép đứt quai, sứt đế, đã có những thợ hàn dép nhựa xử lí. Thật tiện ích khi từ một đôi dép đứt quai lại trở nên lành lặn đẹp đẽ khi qua tay những bác thợ.

Lúc đó ở quanh Bờ Hồ còn có những thợ khắc bút điêu luyện chữ đẹp như rồng múa. Quà tặng ngày ấy nếu là một chiếc bút máy Trường Sơn có khắc kí tặng hoặc tên tuổi chủ nhân thì món quà như được tăng giá trị gấp hai lần.

Ai đó nếu một lần bị mất cả chùm chìa khóa nhà và xe mới thấy những thợ làm chìa khóa quí giá nhường nào. Cũng chỉ một hòm đồ nghề với một chiếc máy làm chìa nho nhỏ và cơ số phôi chìa ngụ ở bất cứ hè phố hoặc ngõ ngách nào, người thợ làm chìa có thể phục hồi cho người mất toàn bộ số chìa đang sử dụng. Trường hợp không có chìa mẫu, những người thợ này sẵn sàng đến tận nhà riêng, công sở để đánh chìa phục hồi. Thật là tiện ích vô cùng. Số thợ làm chìa khóa này có ở hầu hết các khu phố thậm chí là họ đi rong đánh chìa.

Lại nữa, một chiếc áo bờ-lu-dông hàng hiệu, hoặc một chiếc túi xách đắt tiền mua ở nước ngoài, vì sơ ý khi sử dụng hay vì lỗi của nhà sản xuất hỏng phec-mơ-tuya. Những hàng sửa chữa này không nhiều, nhưng cũng không quá khó tìm. Đặc biệt có một nghệ nhân nổi tiếng, thậm chí được dân gian phong là “đệ nhất Hà thành” ở 61 Hàng Đường.
Ông là Nguyễn Hữu Khang đã có thâm niên ngót nửa thế kỉ hành nghề. Người Hà Nội mến mộ ông vì tài sửa chữa và công tâm, không bóp chẹt đối với những đồ có giá trị lớn.

Tôi còn nhớ một ông thợ mài dao rong đi khắp Hà Nội chỉ chuyên mài dao kéo. Chuyển nhà mấy lần nhưng dao kéo nhà tôi mấy chục năm đều một tay ông mài. Dao cũ nhưng qua bàn tay ông còn sắc và tốt hơn dao mới nhiều lần. Thú nhất là xem ông mài dao xoèn xoẹt vào hòn đá mài rất dẻo và đẹp. Đã lâu tôi không còn thấy tiếng rao của ông.

Cuộc sống hôm nay, người dân đã khá giả gấp nhiều lần, đồ đạc tiện nghi hiện đại nhưng những những thứ tôi vừa kể vẫn có những đời sống riêng cần đến những bàn tay người thợ lành nghề. Họ thật sự là những nghệ nhân đường phố không thể thiếu.

***

Phục chế quạt cổ.
Ảnh : Chử Hoàng Hải.
 — cùng với Trần Quang Dũng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét