XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Ô YÊN PHỤ

(Viet Cuong Sarraut sưu tầm)

Ô Yên Phụ là cửa ô phía Bắc của Hà Nội, nơi giáp ranh giữa quận Ba Đình và quận Tây Hồ. Theo sách xưa thì tên Yên Phụ chỉ có từ đời Vua Thiệu Trị (1841).
Trước đó được gọi là Yên Hoa và phường Yên Hoa là một trong 7 phường họp nên tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận. 7 phường đó là phường Hòe Nhai, phường Nghi Tàm, phường Nhật Chiêu, phường Quảng Bá, phường Tây Hồ, phường Thạch Khối, phường Yên Hoa. Đến đời vua Thiệu trị do phạm húy Thái hậu tên là Hồ Thị Hoa nên Yên Hoa phải đổi thành Yên Phụ.
Yên Phụ trước một bên là đê sông Hồng, một bên là hồ Tây, hồ Trúc Bạch. Về mùa nước, khi có báo động số 3, nước sông Hồng cạp đê, thì cửa ô toàn trời với nước...
Về thời Lê, phường Yên Hoa còn lấn sâu vào đất các phố Phó Đức Chính, Hàng Than... vì đình An Trì thờ thần Linh Lang ở phố Phó Đức Chính vốn là đình của phường Yên Hoa...
Ô Yên Phụ xưa là cửa ô, bốn mùa cung cấp thực phẩm, hoa quả, lương thực từ các làng ở huyện Từ Liêm mang vào Hà Nội, đến chợ Đồng Xuân có thể coi là chợ đầu mối lớn của Hà Nội 36 phố phường.
Nhưng làng Yên Phụ xưa lại cũng là một làng trồng hoa... Ca dao xưa có câu:

Hỡi cô đội nón ba tầm
Có đê Yên Phụ hôm rằm lại sang...
Phiên rằm chính chợ Yên Quang,
Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua

Chợ Yên Quang ở mé hồ Trúc Bạch, thuộc tổng Yên Thành; hoa Yên Phụ cũng thường mang vào đây bán...
Làng Yên Phụ bám vào đất ven hồ và đất ven đê ở ngay kề cửa ô, nên ô được lấy tên là ô Yên Phụ... Từ đây qua kè đá, ra phía ngoài đê là đất An Dương; men theo để đi thẳng tới Hàng Đậu và cầu Long Biên...
Đó là đi từ bên phải (tính từ đường Cổ Ngư đi lên); về bên trái, đi sang địa phận đất Quảng Bá. ở đoạn đường đi lên Quảng Bá, chớm đến khách sạn Thắng Lợi ngày nay, xưa có một rặng ổi mọc dọc ven đường khá đẹp...
Mùa ổi, dân hái, để vào rổ, đứng bên đường bán, ổi nhỏ nhưng rất thơm. Rặng ổi này ngày trước sạch và đẹp. Nhiều đôi tình nhân nội đô cũng hay đưa nhau lên đây, gác xe đạp bên gốc ổi, ngồi quay mặt về phía hồ tâm sự.
Về dịp giáp Tết cửa ô Yên Phụ nhộn nhịp và đẹp đến bất ngờ... Bởi từ trung tuần tháng chạp, người Hà Nội đã đạp xe hoặc đánh ôtô lên Nghi Tàm, Tứ Liên, Quảng Bá, Nhật Tân, mua đào mua quất về đón Tết...
Và từ Tết ông Táo trở đi, từ cửa ô này, hoa, cây cảnh theo đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), đường đê Yên Phụ đem vào nội thành... Quất vàng, đào thắm từ mờ đất đã làm sáng cả lòng đường một cửa ô phía Bắc...
Ô Yên Phụ bây giờ ít người nhắc đến nữa, vì đây đã là đất nội thành... nhưng dấu ấn cửa ô xưa cũng vẫn còn... Đó là ngôi đình Yên Phụ khiêm nhường nép bên đầu ô; là nhà máy nước Yên Phụ
có từ hồi Pháp thuộc, nhà máy điện cách đấy không xa, ở phố Yên Ninh thuộc quận Ba Đình...
Phố Yên Phụ dài tới 1.472m, đi từ ô Yên Phụ (đầu dốc đường Thanh Niên), đến tận phố Hàng Đậu giáp đầu cầu Long Biên...

Thời Pháp thuộc, người Hà Nội quen gọi phố này là đường đê Yên Phụ.
_____________ — cùng với Viet Cuong Sarraut.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét