XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Ô CẦU DỀN

(Viet Cuong Sarraut sưu tầm và biên tập)

Từ Hồ Hoàn Kiếm, theo phố Hàng Bài (chừng 620m) rồi theo phố Huế (khoảng 1.200m), ta gặp ngã tư lớn phố Huế - Đại Cồ Việt- Bạch Mai và Trần Khát Chân. Đây chính là vị trí của ô Cầu Dền ngày xưa.
Ô Cầu Dền hay còn gọi là Ô Thịnh Yên là một cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, xuất hiện trong sử từ thời Lý, thế kỷ XI - XII (Đại Việt sử lược, quyển II, III, NXB Sử học, Hà Nội, 1960). Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho hay: trước đó, cái tên Cầu Dền này đã xuất hiện ở cố đô Hoa Lư (Trường Yên, Ninh Bình) với tấm bia cổ, chiếc cầu đá bắc qua sông Hoàng Long và cũng là một cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư. Vì lẽ đó, có tác giả đã cho rằng cái tên Ô Cầu Dền cũng như nhiều tên khác ở Hà Nội như Cầu Đông, Chợ Dừa, Đình Ngang... đã được Lý Thái Tổ mang từ cố đô Hoa Lư ra kinh đô mới Thăng Long cách đây nghìn năm trước.
Một cách giải thích khác về tên gọi là "Sự tích cửa ô Cầu Dền "lại chép: đời nhà Mạc, ở làng Kim Liên có một người học trò cha mẹ chết sớm, nhà nghèo, phải đi dạy học kiếm ăn qua ngày. Mấy năm đói kém, nhờ có mấy mẫu ruộng rau dền nên anh đã cứu giúp được nhiều người qua khỏi nạn đói. Vì thế, người ta gọi chỗ ở của anh là Cầu Dền. Các cụ cao niên ở đây vẫn còn nhớ vùng này xưa kia (và thậm chí cho đến những năm 1945 - 1954) có con sông nhỏ dẫn nước thải từ nội thành ra, hai bên bờ có đất bãi phù sa, rau màu quanh năm xanh tốt. Trong đó có rau dền là nhiều hơn cả. Chiếc cầu bắc qua con sông hai bên bờ có nhiều rau dền nên gọi là Cầu Dền.
Các tài liệu và bản đồ cũ cho chúng ta thấy rõ vị trí của địa danh này cố định và tồn tại khá lâu, ít ra là từ thế kỷ XVIII. Dưới triều Nguyễn, cửa ô Cầu Dền là cửa ô chính quan trọng nhất trên đường thiên lý. Đó là con đường nối liền Thăng Long với các trấn và các tỉnh phía Nam vào kinh đô Huế qua những đồi cây cối rậm rạp và cả một rừng mai (nay thuộc khu vực Bạch Mai, Trương Định). Chính vì thế mà con đường nối tiếp từ phố Hàng Bài đến cửa ô, thời Pháp thuộc đã có tên là Đường Huế chăng (Rue de Hue).Năm 1782 Lê Hữu Trác lên kinh qua cửa ô Cầu Dền có tả như sau: “Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tường ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu đuôi, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn thủ đất Nghệ An mới để cho đi”.
Cùng với việc mở rộng Hà Nội, người Pháp đã phá bỏ các cửa ô trong đó có ô Cầu Dền. Cái khung cảnh ô Cầu Dền vào đầu thế kỷ XX không có cái vẻ ngoài nghiêm trang, chững chạc như ô Quan Chưởng hay thơ mộng như ô Yên Phụ. Nhưng nó lại có cái sầm uất, bộn bề của cảnh chợ búa họp suốt quanh năm.
Đến tận thập niên 60 của thế kỷ trước khi tôi đi từ phố Huế sang phố Bạch Mai thì bên phải vẫn còn con đê Đại Cồ Việt, bên trái là con đê Trần Khát Chân cỏ và cây hoang dại mọc um tùm.
Dân ở các làng Tô Hoàng, Thanh Nhàn, Thịnh Yên...vẫn còn trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà ở sát chân hai con đê này.


Hình ảnh ô Cầu Dền thế kỷ XIX(ảnh st)
392 — cùng với Viet Cuong Sarraut.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét