XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh


THỜI NIÊN THIẾU CỦA LÃO TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH

Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa về cõi Thọ. Cụ là lão thành cách mạng, trải các chức vụ Bí thư tỉnh ủy (3 tỉnh), Phó Ban thường trực Ban Tổ chức TW, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Trung Quốc (12 năm) kiêm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Pakixtan, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Cụ được phong tướng năm 1959.

Tướng Vĩnh thông hiểu chữ Hán cổ, rành Trung văn, Pháp văn và có thể giao tiếp bằng Tiếng Anh (cụ là học viên tiếng Anh của Hội đồng Anh tại HN, khi cụ đã ở tuổi ngoài 80). Cụ cũng thông hiểu y học cổ truyền do tự học, tự chữa bệnh cho mình và người thân trong gia đình bằng Đông y.

Tưởng nhớ Cụ, chúng tôi trích đăng Hồi ký "Kể lại cuộc đời" của cụ, do chính tay cụ viết và để lại cho con cháu.

Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh:

Chương I: THỜI NIÊN THIẾU

Quê tôi ở làng Thổ Phụ tổng Cao Mật, nay là xã Vĩnh Tiến huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá. Làng ở gần bờ sông Mã, bên cửa Tây Thành nhà Hồ. Quê tôi có núi, có sông, có thành, kể ra thì cũng thật là đẹp. Nhưng từ khi sinh ra đến khi rời khỏi làng đi “tha phương cầu thực”, tôi đâu có thì giờ để ngắm núi ngắm sông, để thưởng thức vẻ đẹp quê hương mình.

Nhà tôi nghèo lắm, có ít ruộng công làng vừa chia cho đã vội phải đem cầm cố để lấy tiền ăn. Mẹ tôi mất khi tôi chưa đầy một tuổi, bà ngoại và các dì phải đưa tôi đi bú rình, hoặc cho ăn nước cháo loãng. Vì ăn uống thiếu chất như thế nên đã có lần tôi bị chết lả, may mà còn cứu lại được. Mẹ đẻ tôi tên húy là Trịnh Thị Hận, bà có người em gái tên là Trịnh Thị Đởm, lúc đó chưa lấy chồng. Vì thương tôi còn măng sữa mà đã mất mẹ nên bà đồng ý lấy bố tôi và trở thành mẹ kế của tôi. Bố tôi là Nguyễn Lôi Xuân, vốn là con nhà nho, có được học hành, nhưng vào cái thời đó chữ nho không còn được trọng vọng nữa nên cái nghề ông đồ dạy học của bố tôi chẳng còn kiếm được mấy tí cơm cháo để nuôi đủ vợ con...

Vào khoảng năm 1917 hay 1918 gì đó, bố tôi bị thi trượt kỳ thi Hương (lúc đó gọi là thi Tam trường) nên vẫn chỉ là ông đồ, ngồi dạy học hết nhà này sang nhà khác mà vợ vẫn phải đi cuốc cỏ thuê lấy tiền đi chợ. Rồi bố tôi lại ra tận Kiến An tìm chỗ dạy học (việc đi Kiến An là do ông Lý ở làng Lộ Đông – bạn đồng khoa với bố tôi – giới thiệu giúp). Lúc đó nhà mới có anh cả tôi là Nguyễn Bá Thọ (anh Thọ hơn tôi 3 tuổi) với tôi. Hai anh em ở lại quê cùng với dì Đởm. Anh Thọ lên sáu đã biết đi mót lúa, đào chuột ngoài đồng. Khi tôi lên sáu thì được ông bác là Nguyễn Văn Quí (ở quê thường gọi là ông Qưới) đón sang nhà cho học chữ nho. Bác Qưới đỗ Cử nhân và có lúc đã được thụ chức Hàn lâm Kiểm thảo nên còn gọi là ông Hàn Nguyễn. Tôi học được một quyển Tam tự kinh và một quyển Tam thiên tự. Khi tôi lên tám thì ông bố từ Kiến An trở về đón cả nhà ra Hà Nội. Ông thu xếp cho gia đình ở nhờ một người trong làng Vĩnh Phúc (giáp đường Hoàng Hoa Thám ngày nay). Bố tôi vẫn đi dạy học ở Kiến An, mấy mẹ con tôi thì đi xe đất thuê cho nhà máy gạch gần đền Quán Thánh, hồ Trúc Bạch. Sau không còn việc đi xe đất nữa thì hai anh em tôi đi bán bánh tây (bánh mì). Bánh đựng trong bao tải, anh em khoác lên vai, vừa đi vừa rao, một xu một cái. Hôm nào bán được kha khá thì bàn nhau ăn đi một cái (để tự thưởng cho mình). Dì Đởm thì mua mía bó về để ở cửa nhà chia ra bán lẻ từng cây.

Năm tôi lên chín, đến vụ đóng thuế thân (thuế thân mỗi năm phải đóng một lần còn gọi là suất sưu) của bố tôi; chỉ một suất 2 đồng rưỡi tiền Đông Dương thôi nhưng gia đình tôi cũng không kiếm đủ tiền. Do không đóng được thuế nên bố tôi bị giắt đũa vào kẽ tay rồi buộc dây thít lại rất đau. Chẳng riêng gì bố tôi, ai không đóng nổi thuế cũng bị “tra tấn” kiểu như vậy nên khó mấy cũng phải cố mà “chạy” tiền để đóng cho xong cái khoản sưu đó. Thuế này thu vào độ tháng năm hàng năm, thu tại quê gốc. Chính quyền họ quản rất chặt nên người dân dù có đi làm ở đâu, cứ đến vụ thuế là vẫn phải tìm đường mà về. Bố tôi không còn cách nào xoay ra tiền thuế nên quyết định phải bán một đứa con. Tôi là con thứ nên bị bán (vì phải để anh Thọ là anh trưởng ở lại nhà gánh việc hương khói). Tôi bị bán cho một ông tên là Đỗ Văn Đòng ở làng Hữu Tiệp Hà Nội. (Bên trong là việc mua bán hẳn hoi nhưng bên ngoài gọi là “cho làm con nuôi”). Tiền bán được sáu đồng Đông Dương, bố tôi đem nộp thuế xong lại đi Kiến An dạy học ngay.

Tôi ở với ông Đòng, mang tiếng là “con nuôi” nhưng thực ra quá con ở, khổ cực lắm. Ông Đòng bà Đòng không có con, ở trên còn có cha mẹ, dưới có cô em tên là Đỗ Thị Mây. Ông bố của ông Đòng lúc đó khoảng độ ngoài 50 tuổi, tính rất ác. Bà vợ ông ấy thì ưa đồng bóng, lại nghiện rượu nặng, cứ uống vào là chửi vung lên, tất nhiên những câu chửi của bà ấy có cả tôi cũng phải hứng chịu. Ông Đòng thì bị điếc và tương đối hiền. Ông ấy làm thợ sắt ở nhà máy xe lửa Gia Lâm, ít trông nom đến việc ở nhà. “Việc nhà” thực chất đổ hết lên vai một thằng bé chín tuổi là tôi. Sáng bảnh mắt mới bốn giờ đã phải dậy, đi từ làng Hữu Tiệp (gần nhà máy bia Hà Nội) đến Nghi Tàm (bên bờ bắc Hồ Tây) mua hoa đem xuống Bờ Hồ cho bà Mây bán. sau đó về giặt giũ cho cả nhà, thổi cơm, quét dọn, rửa bát v.v... Chiều đến lại đi cắt hoa ở vườn các làng Đống Nước, Ngọc Hà. Có hôm, phải đi cắt lá cúc tần để bó hoa sang mãi làng Vạn Bảo cắt lá ở hàng rào nhà người ta, hoặc cắt ở cây mọc hoang hai bên đường Đội Cấn (ngày xưa khu ấy gọi là Vườn Bông), đi xa, cắt được đầy rổ sảo, nặng quá, phải nhờ người đi đường cất giúp lên đầu mới đội đi được. Tôi ăn cơm xong lại phải ngồi bó hoa. Việc làm rất tỉ mỉ, ví như phải lấy những cái que nhỏ như que tăm, dài độ gang tay, buộc mấy cuống hoa vi-ô-lét cho nó dài ra rồi mới cắm được vào lọ (chú thích thêm: hoa vi-ô-lét là loài mọc lan dưới đất như loài rau dấp cá, hoa tím có mùi thơm, không phải loài hoa tím không thơm có cành dài, lá như lá thì là có tên là a-lo-ét mà bây giờ người ta vẫn gọi nhầm là “vi-ô-lét” đâu.)... Dịp Tết thường phải làm đến nửa đêm. Công việc ngày nào cũng ngập đầu ngập cổ như thế, một thằng bé mới chín mười tuổi như tôi, cái tuổi còn ham chơi mà chẳng bao giờ được ngơi tay ngơi chân để chơi lấy một lúc. Có hôm thèm chơi quá, khi đi lấy hoa tôi đã để rổ hoa đấy nhảy ra chơi với lũ trẻ con nên về muộn. Thế là bị ông cụ Đòng, bà vợ và người con dâu trưởng (mẹ nuôi) đồng thanh chửi bới vuốt mặt không kịp. Có lúc còn phải đòn. Lắm lúc cảm thấy tủi nhục quá, tôi phải khấn gọi mẹ để than thân trách phận với mẹ và mong mẹ phù hộ.

Do phải thường xuyên đi vào những nơi tha ma, bờ rậm, bụi hoang, ao chuôm để hái lá, hái hoa mò (hoa bấn đỏ), nhổ hoa súng đem về làm hoa bán (rét cũng phải lội). Chân tay tôi nhiều khi bị sứt sát; chẳng thuốc men băng bó gì rồi cũng tự khỏi. Nhưng một lần bị một vết rách ở bắp chân khá sâu, sau thành sâu quảng, to bằng đồng xu, suốt hai năm, ai mách lá gì thì đắp lá ấy đều không khỏi. Vết sâu quảng ngày càng ăn sâu và rộng ra, rất đau nhức. May sao biết được ông Cả Bích cùng ở làng Hữu Tiệp đang là y tá, mới nhờ ông ấy chữa. Ông lấy bông và nước vô trùng rửa ngoáy sâu vào chỗ sâu quảng, đau điếng cả người nhưng phải cắn răng mà chịu, rồi ông bôi “canh-ki-dốt” (thực ra là tanh-tuya-đi-ốt), xót cứng người, rồi ông lại rắc phèn xanh đầy lên vết sâu... Thế rồi nó khô miệng, co lại và khỏi. Có lần tôi bị thối tai, cũng chẳng ai chăm chữa, mình chẳng biết thuốc gì, chỉ biết hàng ngày lấy bông ngoáy cho mủ ra, dần tự khỏi lúc nào không biết. (Ấy vậy mà đến giờ trên chín mươi rồi mà tai tôi vẫn còn nghe rõ).

Trong nhà may chỉ có “cô Mây” là người có bụng rộng rãi, không đến nỗi coi khinh coi rẻ người ăn kẻ ở. Bà Mây lúc đó chưa lấy chồng, hàng ngày ngồi bán hoa ở bờ Hồ Hoàn Kiếm đối diện nhà Godart. (Siêu thị Hanoi plaza bây giờ). Buổi tối bà thích nghe đọc tiểu thuyết Tàu. Tuy con nhà khá giả nhưng bà cũng không được học chữ, bà nghĩ ra cách cho tôi tiền đi học mấy tháng chữ quốc ngữ, học xong về đọc tiểu thuyết cho bà nghe. Những là “Tam quốc”, “Ngũ hổ bình Liêu”, “Phấn trang lâu” v.v... Khi tôi đọc sách thì bà bó hoa đổi công cho tôi, thỉnh thoảng bà còn mua quà cho ăn và cho ít tiền tiêu vặt nữa. Tuy bà Mây có thương tôi thực, nhưng bà cũng không thể bớt cho tôi những quãng đường chân đất, đi bộ ngày ngày từ làng Hữu Tiệp đến Nghi Tàm rồi xuống Bờ Hồ để mua hoa đem xuống “bờ hồ” cho bà bán. (Tính ra mỗi ngày tôi đều phải đi vài chục cây số). Bà Mây cũng không thể thay tôi lội xuống hồ những sáng tinh sương giá buốt để bứt những bông hoa súng hiếm hoi. Bà Mây còn muốn cho tôi đi học thêm ít nữa nhưng bố, mẹ ông Đòng bắt tôi thôi để làm việc nhà. Khoảng mười một mười hai tuổi, tôi phải kiêm thêm việc đi chợ mua sắm những ngày giỗ, tết. Tôi khoác thúng lên chợ Đồng Xuân, len lỏi vào chỗ các bà đi chợ nghe các bà khảo giá, mặc cả rồi mua theo họ. Dần dần tôi cũng thông thạo cách chọn hàng hoá, cách trả giá và cả cách nấu nướng của “người kẻ chợ” (vì quan sát và phục dịch việc nấu cỗ cho bà Đòng, bà Mây). Tôi ở làm con nuôi suốt năm sáu năm trời mà chẳng có ai ra thăm được một lần, vì nhà nghèo đường xá xa xôi, người nhà không có tiền đi tàu đi xe... Mãi đến khi tôi mười lăn tuổi (năm 1929), bố tôi mới kiếm được đủ tiền (sáu đồng bạc) để chuộc tôi về. Khi đó, nhà ông bà Đòng có ý tiếc, muốn giữ tôi ở lại, bố tôi phải nói mãi họ mới chịu nhận tiền chuộc để cho tôi theo bố về quê. (Lúc đó sáu đồng bạc là rất to, vì một tạ gạo có hai đồng rưỡi, một mét vải hai hào rưỡi, một bát phở ba xu, bánh tây một xu v.v...). Cha con dắt nhau về quê đúng vào dịp Tết. Ăn tết xong bố tôi đưa tôi xuống Phủ Quảng xin vào học trường công, gọi là Trường Cao đẳng tiểu học, trường có sáu lớp, thứ tự là Năm – Tư – Ba – Nhì dưới – Nhì trên và Nhất. Lớp Năm là lớp Bét. Lúc đó cả ba huyện Yên Định, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc mới có được cái trường như vậy. Muốn vào được lớp Bét, tôi phải khai rút đi mấy tuổi (vì mười lăm tuổi là không được vào học lớp bét đó nữa). Đưa tôi về quê xin học xong, bố tôi lại ra Hà Nội cùng với dì và anh Thọ tiếp tục làm việc kiếm tiền. Tôi ở nhờ nhà bác Cử - anh ruột bố – để đi học. Thời gian đầu, bố gửi cho tôi mỗi tháng một đồng rưỡi để ăn và mua sách vở. Tiền học không phải đóng. Hàng ngày đi học về tôi tự nấu nướng cơm nước ăn một mình. Cơm chủ yếu ăn với muối rang mỡ, có lúc phải với cả cái váng trên mặt vại cà muối chưng lên để ăn với cơm. Lúc nào bí quá thì qua nhà bà dì ở làng Phương Giai xin được quả cà muối, quả dưa chuột về ăn, thậm chí còn phải xin cả vài bơ gạo về nấu cháo dần nữa. Ngày nghỉ, tranh thủ ra sông Mã bắt con vờ làm mồi câu cá cải thiện bữa ăn hoặc lên rừng kiếm củi về đun. Rừng cách nhà 12 cây số, một mình đi kiếm gánh về, không có người cùng đi để thay nhau gánh nên mỗi lần chẳng được bao nhiêu; khi hết củi phải vơ lá để thổi cơm và đốt lấy ánh sáng để học. Cũng có lúc qua nhà dì xin được gánh củi bằng thân cây cà phơi khô.

Nhà bác Cử tôi có anh Chí là con trai, cùng tuổi với tôi nhưng học trên tôi hai lớp. Tối tối tôi thường ngủ cùng anh Chí cho khỏi rét. Bác Cử (tức bác Qưới, tức ông Hàn Nguyễn) rất thương tôi, nhà cũng rất nghèo nên không giúp đỡ được gì nhiều. Thỉnh thoảng nhà có giỗ tết, bác không quên gọi sang ăn, khi đánh đòn tôi bác cũng đánh y như đánh anh Chí vậy. Bác cử tôi vẫn đi dậy chữ Hán ở trường Pháp – Việt mỗi tuần một buổi, tháng được bốn, năm đồng; bác gái thì ốm yếu, nhà có mấy người con nhưng chỉ mới có một chị biết làm ruộng. Bác cử cũng hay phải đi vay tiền và thường cho tôi đi theo làm “tiểu đồng”. Có nhà nào nể mặt bác là quan Hàn mà sắp cơm ra đãi thì tôi cũng được ăn ghé. Từ nhà bác tôi đến trường học xa 3 km đi hết gần một tiếng đồng hồ, thời gian đi từ nhà đến trường cũng là thời gian tôi tranh thủ học bài, bởi thì giờ của tôi rất hiếm (vì học ngày 2 buổi).

Học được một thời gian thì hoàn cảnh gia đình càng sa sút hơn, có lúc ông bố chỉ gửi cho được một đồng một tháng, rất thiếu tiền tiêu. Tôi đã phải đến cửa hàng Mộng Long nhà ông Cò Tước ở phố Giáng mua chịu sách vở; bút mực. Ông Cò Tước có hai con trai là Hồ Thanh Giản và Hồ Sĩ Phấn cùng học một trường với tôi. Có lần phải xuống tỉnh thi tốt nghiệp tiểu học, cũng phải mua chịu vải nhà ông Cò Tước để may quần áo đi thi. Món nợ đó mãi sau ngày hoà bình lập lại tôi mới đem đến trả được, nhưng ông Tước lại không chịu lấy.

Tôi học từ tháng giêng năm 1930 cho đến hết tháng năm và thêm một tháng học hè ở nhà hết được lớp Bét và đủ điểm lên lớp Tư. mới học lớp Tư được hai tháng thì cô giáo Tâm phụ trách dạy lớp tôi đã đề nghị với ông đốc học xin cho tôi nhảy lên lớp Ba, vì cô bảo: “thằng bé này học nhanh qua, nó thừa sức ra...”. Khi lên lớp Ba, chỉ hai tháng đầu là tôi phải chịu đứng thứ 5 trong lớp, còn sau đó tôi lại vươn lên đứng đầu cho đến cuối năm học. Cuối năm 1930 đầu năm 1931 khi tôi học xong lớp Ba thì học sinh phải thi để lên lớp Nhì, ai thi đạt loại xuất sắc thì được lên thẳng lớp Nhì trên, không phải học một năm ở lớp Nhì dưới nữa. Tôi được lên thẳng lớp Nhì trên, tại lớp này, cả năm học tôi đều đứng thứ nhất. Trong lớp tôi hăng hái phát biểu ý kiến, khi được gọi kiểm tra miệng, tôi cũng trả lời gọn ghẽ, chính xác nên thường được ghi “nốt” tốt. Sang năm học 1932 – 1933, Trong thời gian học lớp Nhất, tôi lại được xếp đầu lớp trong cả năm. Trường Cao đẳng tiểu học Phủ Quảng gồm sáu lớp mà tôi chỉ học hết ba năm là tốt nghiệp, nên nổi tiếng trong toàn huyện, nhiều nhà bảo con: “học như cậu cháu cụ Hàn Nguyễn mới nên học”.

Tôi phải xét một cách khách quan rằng, ở ngôi trường Cao đẳng tiểu học mà tôi được học thời đó, các thày cô giáo dạy rất giỏi, lại tận tụy với nghề nghiệp, đối xử với học trò rất công tâm. Nhờ vậy mà tôi được động viên, vui vẻ học tập, nắm chắc được kiến thức. Mặc dù chỉ học hết tiểu học nhưng những thứ học được đó đã có ích cho tôi lâu dài trong cuộc sống, nhất là môn ngoại ngữ, (tiếng Pháp bắt đầu “học” từ lớp Ba là đã phải “hành” tức là dùng tiếng pháp trong lúc học và thi) sau này đã sử dụng đến rất nhiều.

Được dạy dỗ cẩn thận cộng với tính ham học sẵn có, có thể nói tôi đã dễ dàng vượt qua được chương trình Cao đẳng tiểu học, đi thi ở “tỉnh” lấy được bằng cấp hẳn hoi mà còn tiết kiệm được hai năm cơm áo của cha mẹ. Tôi nói dễ dàng là về công học hành thôi, chứ bốn năm học là bốn năm vược qua trùng trùng khó khăn trong đời sống, vượt bao vất vả về thể lực... Cuộc thi tốt nghiệp trên tỉnh chẳng hạn: từ nhà lên tỉnh lị Thanh Hóa cách 44 km, một mo cơm nắm đi bộ từ sáng đến chiều tối mới tới, sáng hôm sau là thi ngay các môn Toán, Cách trí (tức môn Khoa học), Luận, Sử... (trong hai ngày).

Tốt nghiệp được trường Cao đẳng tiểu học, tôi cũng không thể quên được công ơn cha mẹ, ông bác, bà dì, và cả những người như ông Cò Tước, chẳng phải họ hàng mà cũng đã khẳng khái giúp tôi.

Cũng có vài kỷ niệm vui vui trong thời gian học tiểu học: Trong kỳ nghỉ hè từ lớp Nhì lên lớp Nhất, tôi được ông Phó Căn người cùng làng đón về dạy con trai ông cùng mấy em bé con nhà hàng xóm (vậy là có học có hơn, “nhất tự vi sư” đúng như người xưa nói). Tiền công thì chưa có nhưng tôi đã được nhà ông Phó Căn sắp xếp cơm nước tử tế, ông bà rất thương tôi đã đánh tiếng muốn gả con gái cho nữa! Cũng vui là sau này con trai ông Phó Căn, cậu “học trò” đã từng bị tôi đánh đòn lại trở thành con rể bác Cử tôi. Đó là bác Lai, tôi lại phải gọi là anh rể, là bố của các cháu Quang, Minh, Cảnh bây giờ.

Thời gian tôi ngồi dạy học ở nhà ông Phó Căn, cô con gái út của ông bà tên là cô Vạn, mới 13 tuổi đã “phải lòng” tôi, tôi cũng thầm yêu cô ấy, hai người chưa dám chuyện trò gì với nhau, chỉ tỏ cảm tình với nhau qua ánh mắt, nụ cười thôi. Sau, bố tôi gọi ra Hà Nội thì mối tình đầu đó trở thành vô vọng.

Một chuyện khác là, khi tôi 18 tuổi, đang học năm cuối, vì hoàn cảnh ngặt quá, bác Cử mới đưa đến làng Hồ Nam định gán cho con gái đã mang thai nhà ông chánh tổng Hồ Nam giàu có, với ý định để cho tôi có chỗ dựa, có điều kiện để tiếp tục học lên cao nữa. May sao cô ta không đồng ý. (Chứ nếu không thì cuộc đời tôi chẳng biết đã rẽ sang ngả nào?).

Sau khi tốt nghiệp, tôi được mời lên làng Mỹ Xuyên (cách nhà chừng 3 cây số) để dạy học. Lớp học ở nhà tư, học trò chỉ độ mười lăm em nhưng ở đó tôi cũng đã được tôn trọng, được ngồi cùng bàn với lý trưởng khi có việc làng. Dạy học ở Mỹ Xuyên được gần một năm thì tôi được gọi ra Hà Nội để kiếm việc làm.

Thời gian học ở quê nhà, còn có một việc không thể không nhắc tới, một việc quan trọng đã tác động đến cả cuộc đời sau này của tôi. Đó là sự nhen nhóm của ý tưởng cách mạng, của tinh thần yêu nước thương nòi. Khi học lớp Nhì, lớp Nhất là lúc tôi bước vào tuổi thanh niên, đã bắt đầu biết suy nghĩ về nhân tình thế thái, về thời cuộc. Tôi nghe trong nhà trường, trong làng xóm có nhiều người xì xầm về những người tham gia “hội kín” yêu nước, những người làm cộng sản... Trong học sinh nhiều người truyền tay nhau những bài thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải, như bài:

“Gánh nước đêm”

“Đêm khuya canh đã hầu tàn
Anh ơi ngồi dậy để em than mấy lời
Sự tình cực lắm anh ơi
Nước non gánh nặng cuộc đời có biết không?” v.v...

Hay bài: “Lời Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi”

Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bể vượn hót chim kêu
Nhìn về cố quốc như khêu tấc sầu.

“Con đang độ đầu son tuổi trẻ
Bước gian lao há để nhường ai
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng ham phú quý mà nguôi tấc lòng

Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hi sinh thân thế cũng vì nước non

Con nay cũng là người trong nước
Phải nhắc câu "gia quốc" đôi đường
Làm trai "hồ thỉ tứ phương"
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng

Kiếp luồn cúi đỉnh chung cũng nhục
Thân tự do chiếu trúc mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời...”

Nhưng câu thơ đã khiến tâm hồn của người thanh niên đang độ hăng say nhịp sống như tôi đó không thể không chấn động, không thể không thấy máu huyết sôi lên vì “gánh nặng nước non”, vì một “thời thế anh hùng”, vì lòng mong ước được hy sinh phấn đấu như những “trang hào kiệt” để khỏi hổ thẹn với “gương Lạc Hồng”.

Hết chương 1
Nguồn Facebook Nguyễn Xuân Diện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét