Tôi rất ít về quê, nhưng cũng có đôi ba lần về ngắn ngày; Thấy quê có nhiều đổi thay cũng rất đáng để mừng; Mọi nhà đã biết dùng bếp ga, bếp từ, bếp điện, đã có công trình vệ sinh hiện đại như thành phố, đã có thiết bị bơm và lọc nước giếng đúng theo tiêu chuẩn của khoa học quy định cho nước sạch nông thôn…Tuy nhiên hương, vị, sắc và màu của quê xưa hầu như không còn nữa; Đâu còn hương hoa bưởi, hoa xoan, đâu còn vị cải cay và vị thơm giòn vàng ươm của dưa Don muối vại nén nặng; Đâu còn sắc màu và bóng râm của luỹ tre, hàng rào dứa dại, cây dừa, cây vải, cây mít, cây cau, cây bưởi, cây chay, cây nhãn cổ thụ, cây bàng thay lá đỏ mùa đông, hoa gạo đỏ rực mỗi tháng ba về hàng năm; Đâu còn giống cây ngô đỏ bắp nhỏ luộc, hoặc rang lên ăn, hoặc làm thính thơm lừng cả xóm, đâu còn cây rau đay, cây mùng tơi trồng một lần ăn cả 6 tháng; Cây ngô, cây rau cải cũng không giữ được giống như các cụ xưa hay làm mà đã bị lai tạo từ rất lâu rồi, tất cả các hàng rào trong làng đều làm (xây) bằng đá vôi thay cho hàng rào cây dại xưa, tất cả luỹ tre và 100% cây ăn quả cổ thụ trong làng đề bị đốn chặt một cách không thương tiếc và tính toán, tất cả các ao trong làng đều không giữ được nước, một số bị lấp để cấp đất thổ cư, cả làng nhà nào cũng nhà mái Thái, kiến trúc pha Tây, sân gạch, cổng sắt, có cái sân để phơi nông sản và để mưa rơi cho không khí điều hoà bây giờ người ta làm mái tôn che hết sân luôn; Mỗi nhà chỉ còn một vài bụi chuối..rất nóng bức, khô cằn và khó chịu…cho dù có trang bị máy lạnh như thành phố nhưng không khí và môi trường kém xưa quá xa; Giống ngan ăn giun bãi phù sa sông Mã cũng mất dần thay bằng ngan Pháp 7kg/con; Xuống sông thì sông Mã đẹp nước trong xanh vào mùa Đông Xuân và chảy dữ dội vào mùa Hạ Thu xưa không còn nữa, lượng nước sông cạn kiết chỉ còn bằng 1/3 so với trước, nạn thuỷ điện thượng nguồn Hoàng Anh Gia Lai xây chặn hai con đập đã gây ra hiệu ứng này; Mùa kiệt bây giờ người ta có thể lội qua sông không cần phải đi đò ngang và nước sông cũng không thể dùng làm nước sinh hoạt như xưa nữa vì nó quá bẩn do ô nhiễm; Ra đồng thấy cũng khô cằn không còn màu xanh mướt của lúa thì con gái như ngày xưa nữa, tuy nhìn lên núi thấy rất đáng mừng là cây xanh trên núi đã bắt đầu mọc trở lại nhìn xanh rì rất đẹp mắt và người ta cũng đã trở lại nuôi dê như ngày xưa (có lẽ do nấu bếp ga người dân không chặt cây làm củi như xưa nữa)…Ôi hai tiếng quê hương. Quê tôi đã đổi thay và giàu lên theo hướng công thương nghiệp; Rất may cho quê tôi đình làng vẫn còn và được tôn tạo khang trang, được dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng thay cho nhà văn hoá không như các làng khác phá đình để xây nhà văn hoá....Thói thường ở quê, giàu thì sinh ganh ghét, đố kỵ, nghèo thì bị coi thường, thậm chí còn bị coi khinh. Việc xây nhà mái Thái, hoặc nhà một trệt một lầu, mái tôn che sân, cổng nhà bằng sắt có mái che, tường bao tốn mấy trăm triệu (Có nhà cả tỷ bạc) cũng là một “tiêu chí” để “đo” sự giàu nghèo của các gia đình. Nếu không làm sẽ bị người làng đàm tiếu rằng, cả đời không xây nổi cái nhà, cái cổng có tường bao để giữ đất cho con. Vì lẽ đó “cái lẽ con gà tức nhau tiếng gáy đã ăn sâu vào máu làng quê nơi đây” nên nhà nhà người người lại đổ xô đầu tư xây nhà cho bằng chị bằng em; Nếu có tiền để xây thì không nói làm gì hoặc có 70% đi vay 30% nằm trong khả năng trả nợ của bản thân và gia đình thì cũng miễn bàn…Khốn nỗi chỉ có 30% thậm chí 0% cũng đi vay để làm cho kỳ được nên dẫn đến hệ luỵ làm nhà xong nhưng không được ở phải đi tìm việc làm thuê để trả nợ…hầu hết là vào Chợ cá Bình Điền Thành phố Hồ chí Minh để làm thuê ban đêm và ở lán trại tạm, ăn cơm hàng, cháo chợ; Ban đầu thì chỉ một vài hộ…trải qua vài năm đến nay đã mấy trăm người vào đó đi làm (nhà đẹp làm nên để không, khoá cửa. khoá cổng nhờ người trông coi hộ)…nếp nghĩ con gà tức nhau tiếng gáy đã mua khổ vào thân làm nhà không được ở và đã có một vài người đã ra đi nơi đất khách quê người; Những người làm xong nhà không phải trả nợ hoặc trả nợ đã xong cuộc sống so với trước đây cũng có nhiều đổi khác… Từ ngày nhà nhà “kín cổng cao tường”, lúc buồn muốn sang chơi hàng xóm, phải gọi cổng, ai ai cũng thấy ngại. Mà hình như từ ngày xây cổng, người dân trong xóm cũng dần sống khép kín, tình làng nghĩa xóm cũng vơi đi và khác xưa rất nhiều; Nhớ lại những năm thập niên 80 và 90 thế kỷ trước cả làng thi nhau phá bỏ hàng rào cây duối, dứa gai, cây dại để xây tường rào bằng đá núi (vì làng sát chân núi đá chỉ nổ vài quả mìn là có đá, cát thì có sẵn ngay bãi phù sa sông Mã, chỉ cần mua một xe ô tô than đá là có thể nung 1 lò vôi để tôi vôi làm vật liệu xây tường rào…thời đó mua xe bánh lốp và mua trâu kéo xe vận chuyển vật liệu đã trở thành mốt cho cả làng, nhà nào có xe trâu là nhà giàu của làng, năm đầu cả làng chỉ có 3 xe trâu được dân thuê vận chuyển vật liệu…chỉ vài năm sau nhà nào cũng có xe trâu thành thử nuôi không con trâu vì chẳng còn ai thuê đi làm như xưa nữa (Con gà tức nhau tiếng gáy về xe trâu đã bão hoà nhu cầu vận chuyển thuê); Đến nay không chỉ riêng chuyện “cổ súy” cho việc xây cổng nhà, tường bao, mái che sân và nhà mái Thái mà trong những ngày Tết những năm vừa qua, đến nhà ai người ta cũng được nghe “thông báo” tin vui là có cả thảy bao nhiêu chiếc xe taxi được mua để vận chuyển người trong làng và bao nhiêu chiếc ô tô của con em quê hương về quê ăn Tết. Với dân làng ngày nay và một số người còn ấp ủ tư tưởng con gà tức nhau tiếng gáy, việc những người đi ô tô về quê ăn Tết, dù là xe cơ quan, xe đi thuê hay tắc-xi…, đều là người thành đạt. Có lẽ vì thế mà nhiều người rất ngạc nhiên khi đi chúc Tết anh em, hàng xóm, có người hỏi là về quê bằng ô tô hay xe máy. Hóa ra, việc có người để tâm “điểm danh” những người đi ô tô về quê từ Tết trước đã vô tình tạo ra “cú hích” để cho cứ đến tết hoặc những ngày hiếu hỷ hàng năm có thêm một số người dù không có nhu cầu thực vẫn thuê xe về để giải quyết khâu “oai”….và đây không còn là chuyện vui nữa mà đã trở thành chuyện đáng buồn;
Chuyện nhặt kể trên là “phiên bản” của lối sống “con gà tức nhau tiếng gáy” trong cuộc sống cộng đồng của người dân ở các làng quê xưa. Điều đáng nói ở đây là hiện nay mặc dù cuộc sống vật chất cũng như văn hoá đã được cải thiện phần nào nhưng việc tiếp thu những tư tưởng văn minh, tiến bộ trong đời sống thực tế của người dân ở làng tôi và một số vùng quê vẫn chưa được nâng lên tương ứng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét