XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Thượng tướng Trần Quang Diệu-Tây sơn thất hổ tướng

Mùa xuân ở vùng thượng nguồn sông Kim Sơn năm ấy khác hẳn mọi năm. Cỏ cây ngái ngủ. Mây trắng cứ sà xuống ôm vai núi Kim Bồng một cách ủ dột. Từ hạ lưu nhìn lên ngọn núi xanh sẫm với vầng mây bông lãng đãng có vẻ đẹp vừa thơ mộng lại vừa u hoài. Nó xui người ta nhớ nhung rất nhiều điều, lo nghĩ rất nhiều điều, nhất là khi người ta lại sinh sống trên một dải đất sơn phòng có ít nhiều đặc sản trời cho, tức là có cái để sợ mất. Cheo leo trên tất cả mọi nỗi sợ là tội chết chém lơ lửng trong không trung, chưa biết sẽ rơi xuống đầu mình vào lúc nào. Số là ở đây có ba thứ tuyệt phẩm. Thứ nhất là người đẹp, thứ nhì là trà cam khổ, thứ ba là cá bống cát. Trong đó, người đẹp là thứ quý nhất, cực hiếm, trăm năm mới có một người, nhưng đã xuất thế thì phi phàm, dáng như tiên, mặt như ngọc, hương như sen. Song đó chỉ là truyền thuyết, từ vài mươi năm trở lại đây chưa thấy. Dân chúng một dải dọc sông như Vạn Hội, Thanh Lương, Năng An, Đại Định chưa nếm cái đại phúc hoặc đại họa về người đẹp.
Còn hai thứ sau là có thật, đã làm nên sự thao thức sảng khoái của người thưởng lãm đồng thời làm hao tổn không ít mồ hôi, nước mắt và cả máu dân lành. Cá bống cát tên chữ là Bình Giang sa ngư, con lớn nhất chỉ nhỉnh hơn ngón tay út người đẹp một tị tì teo, đánh từ sông lên còn giẫy tanh tách. Làm qua một lượt, ướp nước mắm nhỉ gia thêm hành tiêu An Lão, lập tức con nào con nấy thân rướn cong như một dấu phẩy. Ướp độ nửa khắc trong trã đất đem kho trên lửa than riu riu, mùi thơm bốc lên tận thiên đình, Ngọc Hoàng đang bệnh cũng lồm cồm trở dậy đòi ăn cá bống cát kho tiêu với cơm gạo Thần Nông. Mà phải đúng cá bống cát sông Lại (một đoạn dưới của sông Kim Sơn) thì mới tuyệt ngon. Ăn xong, lại không muốn uống một thứ bồ đào mỹ tửu nào ngoài trà cam khổ hái trên các triền núi Vạn Hội. Thứ trà này được chế biến từ ngọn cây chè núi chỉ vùng này mới có, cọng lớn, lá thô, ngắt vào quãng mờ sáng, phơi trở chín sương chín nắng rồi sao đảo liên tục thâu đêm trên lửa đã hãm nhiệt cho đến khi lá săn lại, khô giòn mà không bị sém. Nâng một cốc trà cam khổ bốc khói, ngửi qua như có mùi mốc, nhưng nhắp thử một ngụm, cổ họng ngọt thơm đến hàng giờ không dứt. Đối với người đã nghiện trà này, mọi thứ danh trà quý hiếm từng được các văn sĩ cổ kim truyền tụng như Ô Long, Trảm Mã, Bạch Mao Hầu, Mẫu Đơn đều xếp hàng thứ phẩm. Sở dĩ trước kia nó chưa nổi tiếng vì sơn dân thích dùng nước suối hơn dùng trà, hoặc giả có dùng thì họ cũng chỉ ưa loại nước chè tươi không qua sao tẩm cầu kỳ, uống bằng bát lớn, bọt trắng chấp chới viền quanh mặt nước sóng sánh màu mắt mèo.
Một vài nhà quan đã quen nếm trà sao tẩm, lúc về vườn thừa nhàn bèn nghĩ cách huy động lũ con ở phục dịch cho thú cao sang. Ban đầu cũng thử chơi thôi, không ngờ trà chế được từ thứ chè quê ngon quá, sướng lên các cụ mới khoe nhau và cứ thế kháo rộng ra ngoài. Quan hưu thử rồi nho sinh thử, đương chức thử. Gần đồn xa đến phủ, đến dinh, đến tận tai chúa Nguyễn. Chúa muốn ngự lãm tất cả của ngon vật lạ trong giang sơn mình. Chúa chỉ cần nói một, quan Quốc phó Trương Phúc Loan hiểu mười, quan Tổng đốc dinh Quảng Nam hiểu trăm, quan Tuần phủ Hoài Nhơn Nguyễn Khắc Tuyên hiểu nghìn và cấp số nhân cho phép nhu cầu nở ra một cách kinh khủng tùy theo túi tham cũng như sự nịnh hót của bọn tham quan ô lại.
Thế là hằng năm, trong vô vàn của cải sản vật tiến kinh của dân phủ Hoài Nhơn, thế nào cũng có hai món Bình Giang sa ngư và trà Cam khổ. Tên trà Cam khổ do đâu mà có? Người thì bảo do vị trà ngòn ngọt đăng đắng, người thì bảo do nghề phu trà cam chịu khổ ải. Có một người phu trà tên Tỵ người Thanh Lương quanh năm suốt tháng quần đảo khắp các triền núi để canh chè, vì loại chè này chỉ mọc hoang, không cách nào trồng được, mà giống khỉ rừng ở đây rất hảo lá chè non. Một bữa nọ, nhân lúc ông Tỵ ngủ quên, bọn khỉ kéo nhau về chén  sạch đọt chè không chừa một ngọn. Kết quả  năm  ấy không có trà khô dâng chúa. Ông Tỵ bị chém, đầu bêu giữa chợ, một quan chức họ Trần quê ở Vạn Hội thương xót mới đặt tên trà là trà Cam khổ. Bọn đồng liêu thóc mách méc lên thượng cấp, ông Trần suýt bị vạ miệng. Tương truyền năm ông Tỵ chết oan, mây trắng không chịu bay, cứ quấn quanh ngọn Kim Bồng.
Vị quan chức họ Trần đó văn võ kiêm toàn, cụ tổ là người miệt ngoài chán thế sự nhiễu nhương, đưa gia đình vào đây khẩn hoang lập ấp. Thấy cuộc đất quá đẹp, cụ tổ dành ra tám mẫu đất dặn con cháu để làm sanh phần. Trước lúc quy tiên, cụ tổ dặn con chôn mình ở đấy. Mộ phát, con cháu nối đời làm quan, đến ông Trần là đời thứ ba. Giấc mộng công hầu khanh tướng trong thời buổi loạn ly xem chừng không đủ sức hấp dẫn ông Trần. Ông tìm cách rút khỏi hí trường, về Vạn Hội chăm sóc khu mộ Trần gia tổ sơn và mở trường dạy học cho dân nghèo. Hồi đó, dân vùng này rất khổ cực, thường xuyên bị bọn cướp đêm cướp ngày quấy nhiễu, nhiều người tay trắng đường cùng lại bỏ vào truông làm nghề ăn cướp. Ngoài nạn cướp còn có nạn cọp. Truông Mây hồi ấy có đôi cọp trắng khét tiếng dữ dằn, vẫn thường mò sang Vạn Hội bắt người và gia súc. Có đêm cọp tha mất hai ba mạng người. Ông Trần và dăm tay thợ săn can trường tình nguyện đi giết cọp dữ cứu dân làng. Sau mấy tháng dai dẳng luồn rừng, họ đã giáp chiến với đôi cọp trắng. Một người trong đoàn săn bất cẩn bị con cọp cái đang có mang vồ chết tươi. Bạn săn mất tinh thần, tên bắn cứ rơi rụng vào khoảng không. Thấy vậy, ông Trần liền rời chỗ nấp, lách qua một gộp đá, giương cung, nhằm vào trán con cọp đực. Vút một cái, mũi tên độc xé gió cắm phập ngay khoảng giữa hai hố mắt con thú. Nó rống thảm thiết và hứng thêm mấy mũi nữa của phường săn vào bụng, vào đùi. Thấy chồng bị hại, con cọp cái nhào qua tát ngang vào mặt ông Trần. Ông vừa rùn chân né người tránh được thì nhanh như cắt, nó đã quay ngoắt lại chộp cả bộ vuốt trước vào ngực ông, xé toạc một vạt áo. Ông Trần không dám khinh suất liền lộn người mấy vòng để thoát hiểm. Bạn săn bắn như mưa để hỗ trợ cho ông, nhưng cơn say mồi đã làm con cọp cái không còn biết hoảng sợ. Nó điên cuồng lăn xả giữa làn tên độc, quyết truy đuổi ông Trần. Giữa lúc nó giương hết nanh vuốt để theo đuổi mục đích thì con cọp đực kêu lên một tiếng ai oán làm nó khựng lại. Hình như tiếng kêu của chồng nhắc nó nhớ rằng cần phải giữ đứa con trong bụng. Và thế là nó cũng đáp lại chồng bằng một âm thanh da diết, vừa đau xót, vừa vâng chịu, lại vừa như một lời từ biệt buốt cả ruột gan. Con cọp đực thấy vợ đã dừng lại thì có vẻ yên tâm, mắt nó dại đi, mình giật liên hồi rồi duỗi ra, im phắc. Con cọp cái đau đớn đi quanh xác chồng, gí mũi vào mắt, vào tai, vào nách. Nó còn cắn thử vào vai cọp đực. Thế rồi nó sững sờ nhận ra rằng con cọp đực đã chết.
Đoàn thợ săn lúc ấy đã trèo lên các chạc cây cao, ai nấy phấp phỏng  nhìn xuống chỗ đôi cọp. Họ thấy con cọp cái dùng hai chân trước ôm lấy mặt chồng, gục mặt mình vào đấy như một con người tuyệt vọng. Giữa lúc mọi người đang sững sờ vì cảnh thương tâm trước mắt thì nó đã buông xác bạn đời, đứng vụt dậy, ngoạm lấy vạt áo dính máu của ông Trần, phóng thẳng vào ngàn xanh khuất dạng.
Đoàn thợ săn trở về. Nhiều tháng trôi qua bình yên. Bọn cướp truông mấy lần đọ sức với đám võ sinh trong làng bị thua, cạch hẳn không dám bén mảng. Con cọp cái có lẽ bận sinh nở và nuôi con. Sức  khỏe ông Trần dần dần bình phục. Thế nhưng khi chú cọp con vừa biết nhai thịt rừng do mẹ săn về thì cọp cái lại nhớ mối thù chồng chưa trả. Nó thường đi đi lại lại dưới bóng trăng khuya một cách day dứt. Một đêm nọ, nó mang con đến trước một hang động. Đợi khi con ngủ say, cọp trắng bỏ đi một lúc rồi lôi về một chú nai tơ nó vừa quật chết, đặt trên miếng vải bên cạnh. Nó còn liếm con nó hồi lâu rồi dứt khoát quay đầu. Nó xuống núi.
Buổi sớm định mệnh. Cửa động sịch mở. Sơn ông ở trong động vừa bước ra thì thấy chú cọp con lông trắng như tuyết đang ngủ ngoan bên cạnh một xác nai sóng soài tươi máu. Nhưng điều làm ông chú ý hơn cả là miếng vải lót. Ở đâu ra thế nhỉ? Ông thầm hỏi và cúi xuống nhìn, thì ra là vạt áo người bị cọp xé rách. Một chữ Trần thêu bằng chỉ xanh đã bạc màu làm ông giật mình. Nhốt chú cọp con vào một  gian nhỏ trong thạch động, ông hối hả băng ngàn.
Linh cảm đã không đánh lừa ông. Thôn dân vùng Vạn Hội còn đang kinh hoàng vì đại nạn vừa qua. Con cọp cái tấn công bất kỳ ai trên đường tới gia trang họ Trần. Bà Trần trước đó mấy hôm đã dẫn hai đứa con lớn về thăm quê ngoại chưa trở lên nên thoát nạn. Ở nhà còn ông Trần, lão bộc, chị vú và đứa con trai nhỏ của ông Trần đương tuổi nằm nôi. Con cọp cái gầm rít từng hồi dài đòi mạng. Chị vú cuống cuồng trèo lên bồ lúa quấn chiếu rên khừ khừ. Ông Trần bèn giao đứa con nhỏ cho lão bộc rồi nhảy ra đương đầu cùng cọp dữ. Người và cọp quần nhau chí tử. Bụi đất bốc mù. Cây lá trong vườn tối mặt. Lão bộc thông minh mang chiếc nôi tre treo lên chạc dừa cao. Lão vừa treo xong thì con cọp cái trả được thù. Ông Trần bị nó móc vỡ ngực, máu loang ướt cả mặt đất. Lão bộc thương chủ, liền rút dao găm nhảy xuống tử chiến cùng con cọp hung hăng. Biết mình không đủ sức đánh trả con cọp sung sức và quỷ quyệt này, lão bèn đứng tấn, hơi khom người chờ đợi. Con cọp cái sau một lúc gầm ghè quan sát, liền lùi lại lấy đà rồi nhảy dựng lên. Cú vồ từ trên xuống như núi sập. Những chiếc vuốt đầy sát khí của nó vừa bập vào tấm lưng gầy của con người nhỏ thó, tức thì lão bộc dồn hết sức tàn, đâm mạnh vào giữa tim mãnh thú.
Sơn ông và một vài thôn dân đến nơi thì con cọp cái đã tắt cơn giẫy chết. Nằm cạnh nó, lão bộc chỉ còn là cái xác rách bươm nhầy nhụa máu. Cả khu vườn như nín thở, chỉ có bọn kiến đất nghe hơi máu hối hả chạy tới chạy lui như hội chợ. Giữa lúc ấy, tiếng khóc của cậu bé từ chạc dừa cao vọng xuống. Sơn ông che trán nhìn khắp vườn tìm kiếm. Chiếc nôi tre như chiếc tổ dồng dộc khổng lồ đang động đậy. Tà áo vàng phất nhẹ một cái, sơn ông đã ở trên ngọn dừa có buộc tao nôi, nhanh chóng đưa đứa trẻ sơ sinh xuống đất. Chị vú cho tới lúc ấy mới lóp ngóp trèo khỏi bồ lúa, lấp ló nhìn qua cửa. Sơn ông vẫy chị ta ra ngoài, bảo chị bồng đứa nhỏ, còn ông và các thôn dân chôn cất ông Trần và những người thiệt mạng. Con cọp cái cũng được chôn gần đó. Trong khu mộ địa Trần gia tổ sơn có một nấm mộ đất không bia, trên đó cỏ không mọc được, người đời sau gọi là mả cọp.
Lúc mọi người lo xong việc chôn cất người chết thì thằng bé nhà họ Trần đang khóc ngằn ngặt. Chị vú dỗ cách nào nó cũng không nín. Sơn ông nghe nó khóc mãi thì động tâm, bèn đỡ lấy nó trên tay chị vú đểnh đoảng. Lập tức thằng bé nín bặt, nó hấp háy đôi mắt hạt tiêu nhìn lên mái tóc bạc phơ và toét miệng cười. Một tình cảm trìu mến lạ thường dâng lên trong lòng sơn ông khi ông cúi xuống nhìn kỹ mặt nó. Trán phẳng, mày dài, mũi thanh, môi đỏ, hứa hẹn một trang nam nhi anh tú. Có lẽ trời xui ta gặp nó chăng? Nhưng nó còn có mẹ. Sơn ông thở dài. Ông se sẽ chuyển đứa bé cho chị vú. Nó lại khóc thét lên như có ai đánh, ông bế lên thì nó lại cười, những người đứng quanh đấy đều cho là lạ. Ông nói với họ:
– Phiền quý vị nhắn lại với Trần phu nhân rằng ta xin nuôi dạy đứa bé này. Sau này trời thương, mẹ con sẽ đoàn tụ!
Mọi người còn chưa kịp thưa lại điều gì thì ông đã nhún mình phóng đi. Trong nháy mắt, tà áo vàng chỉ còn in một dấu chấm phía trời tây rồi mất hẳn.
*
– Phu nhân này, mới đó mà ta và nàng đều già cả rồi. Bạn cũ bao kẻ đã ra người thiên cổ…
Trần Quang Diệu gối đầu lên đùi vợ. Bà Xuân cúi xuống bỏ một sợi tóc bạc vừa nhổ được lên bàn tay ông, bàn tay đầy vết chai của một đại tướng xông pha đông tây nam bắc chẳng mấy lúc thư nhàn, bàn tay đựng bao nhiêu nhọc nhằn thao thức của một đời người. Có lẽ không phải thế, bàn tay ấy không chỉ đựng một đời người, bàn tay ấy đã đựng rất nhiều cuộc đời, rất nhiều số phận. Hình như đấy không phải là ý nghĩ của riêng bà. Hình như ai đó đã nói như vậy, và câu nói ấy trùng hợp với ý nghĩ thầm kín của bà, nên bà nhớ. Ai nhỉ? À phải, Quang Trung Nguyễn Huệ đã nói như vậy khi cầm tay Trần Quang Diệu trong lần trò chuyện cuối cùng. Hoàng đế đã nói rằng ông không chỉ muốn gửi Quang Toản cho Diệu dạy dỗ, mà muốn gửi cả xã tắc cho Diệu lo toan. Đó là lời nói chân thành của tình bạn, trái tim bà mách bảo như vậy. Bà đã chia với  hai người đàn ông đó – Huệ và Diệu – những khoảnh khắc sinh tử. Bà biết họ đã gắn bó nhau ra sao, cho nên bà hiểu lời nói của Huệ với Diệu trước phút lâm chung không phải là lời nói thử lòng kiểu Lưu Huyền Đức thử Khổng Minh, cũng không phải là lời thắt buộc lòng người cốt để bạn tận tụy hơn nữa với con mình. Đó là lời gan ruột.
Những ngón tay thon dài của bà luồn vào tóc chồng, mái tóc đẫm hương rừng núi, dù ông có về kinh thành và đồng bằng bao lâu, hương rừng núi vẫn không phai. Bà nhớ rằng từ lần đầu tiên gặp nhau, lần bà cứu ông thoát chết dưới vuốt bạch hổ, cõi lòng nhi nữ thanh tân đã xao xuyến đến thế nào vì mùi tóc hoang dã ấy.
– Nhanh thật đấy! – Giọng Bùi Thị Xuân trở nên xa xôi – Bạch hổ có lẽ đã về trời rồi cũng nên, mình nhỉ?
– Không, không đâu! Bạch hổ chết thế nào được! Chính Bạch hổ giúp ta mở con đường rừng từ Tây Sơn thượng đạo ra Nghệ An. Mấy lần tiên đế trẩy quân ra Bắc, khi diệt Trịnh, lúc đánh Thanh, đều đi bằng con đường này. Hồi mở đường, bao phen ta bị lạc, những lúc ấy lại thấp thoáng Bạch hổ trước mặt. Cái bóng trắng của nó dắt ta tìm ra phương hướng mà đi tới, cho tới khi đường được thông suốt mới thôi. Bạch hổ hiếu nghĩa hơn cả người. Vào mùa xuân năm ngoái, ta về thăm mộ thầy, đã thấy bên mộ đặt sẵn những quả rừng ngày xưa thầy ta thích. Không hiểu nó kiếm bằng cách nào. Nhất định nó biết ta về, nhưng lánh mặt.
Giọng Trần Quang Diệu không giấu nổi bùi ngùi. Ông như thấy rõ cái hang núi ấm áp đầy bóng dáng của người thầy yêu kính. Trong vòng tay chăm bẵm của thầy, Diệu và Bạch hổ đã lớn lên, khi Diệu trở thành chàng trai cường tráng thì Bạch hổ cũng đương nhiên là một đấng mày râu đường bệ. Suốt bao nhiêu năm, Bạch hổ chỉ tỏ tình yêu mến với sơn ông, còn với Diệu thì nó rất lạnh nhạt, thậm chí còn thù hằn. Chàng không hiểu, nhưng sơn ông thì hiểu rõ rằng chú cọp nhỏ này từ trong bụng mẹ và trong những tháng đầu tiên được mẹ nuôi dưỡng, nó được mẹ truyền cho lòng căm thù đối với con người có hơi hướng đọng ở vạt áo mà mẹ nó xé được. Trớ trêu thay, Bạch hổ lại nhận ra hơi hướng ấy nơi Diệu. Đã mấy lần con linh thú toan giở trò với cậu bé nhưng ý định rồ dại của nó không qua nổi mắt sơn ông. Hễ bắt được nó chơi xấu với Diệu là sơn ông lại phạt nó nhịn ăn hàng tuần trong mật thất.
Lần nào cũng thế, nó cúi đầu nhận hình phạt của thầy không nửa tiếng than van, nhưng khi đối diện với riêng Diệu thì mối hận thù ma quỷ lại làm nó mờ mịt tinh thần. Một lần sơn ông hái thuốc về muộn, nó đã quần Diệu suốt buổi. Tất cả những miếng võ sở trường của Diệu do sơn ông truyền dạy, con linh thú đều học lỏm được và nó rất biết cách vận dụng để tấn công cậu bé. Diệu lúc ấy háo thắng đã bị Bạch hổ lừa bằng một thế trá bại. Giữa lúc Diệu đang thích chí thì đột ngột Bạch hổ hoành thân chộp từ phía sau, vai trái cậu bé bị nó bấu chặt không thương tiếc. Diệu cuống lên vì vẻ hung hãn khác thường của con thú, may sao sơn ông về tới. Ông quát rất to làm Diệu lịm người vì sợ mừng lẫn lộn, còn Bạch hổ thì vội buông cậu bé, rồi ren rén tự đi vào thạch động, đinh ninh thầy sẽ phạt nhịn ăn như cũ. Nhưng không, lần ấy sơn ông lạnh lùng đuổi Bạch hổ ra khỏi núi Kim Bồng. Con cọp trắng quỳ mọp ăn năn mong thầy tha thứ, cả Diệu cũng đã khóc lóc xin tội cho nó, nhưng sơn ông không đổi ý. Ông không muốn con đường định mệnh của hai đứa trò yêu sẽ cắt nhau thê thảm ngay tại mật thất, nơi ông đã tâm nguyện lánh đời và gieo trồng niềm thiện. Mãi đến khi hấp hối, sơn ông mới cho Diệu biết toàn bộ sự thật và bảo Diệu đốt trầm đầu gió gọi Bạch hổ về gặp ông lần cuối. Bạch hổ sẽ không quên mối thù truyền kiếp – bản năng thôi thúc và trói buộc nó. Đã có lúc thầy định giết nó để trừ hậu họa cho con, nhưng lòng thầy không nỡ. Con hãy cố giải oán thù và bảo trọng lấy thân để hiến cho đại cuộc.
Đã ba mươi năm trôi qua, Diệu vẫn ghi tâm khắc cốt lời dặn của thầy. Oán thù được cởi tại cánh rừng An Khê. Lần ấy Trần Quang Diệu tuân lệnh Nguyễn Huệ đi chiêu mộ anh tài trong thiên hạ. Chàng vừa đi vừa nghĩ mông lung, thình lình Bạch hổ xuất hiện. Nó vờn lượn như mây sà sóng cuốn, trút xuống chàng những cú chụp như sấm rụng sét rơi, nếu trúng được chỉ có nước xanh xương. Chàng càng nhượng bộ thì con mãnh thú càng lấn tới. Trong một thế nhảy lùi để tránh đòn, Diệu bị hụt chân ngã ngửa. Trong lúc chàng chưa kịp lấy thăng bằng thì Bạch hổ lao vút tới như một tia chớp kinh người. Chàng chống trả một cách lúng túng trong khi Bạch hổ mỗi lúc một ngập vào cơn say máu. Máu từ cằm, từ vai, từ hông Diệu tuôn ra như suối. Chàng nhắm mắt chờ chết thì vang lên một tiếng phập khô rực. Bạch hổ bất ngờ bị trúng tên ở sau cổ. Đau điếng, nó liền buông chàng ra. Diệu mơ màng thấy một bóng hồng lướt tới với hai lằn thanh quang chập chờn bủa lưới xuống mỗi lúc một sát đầu Bạch hổ. Chàng vội vàng thét lớn: Dừng tay! Không được giết Bạch hổ, chạy đi! Bạch hổ, chạy đi! Cùng với tiếng thét, chàng đưa tay nhặt một viên sỏi búng thẳng về phía trước. Hai lằn thanh quang đã sắp bổ ngay đầu Bạch hổ khựng ngay lại. Người con gái áo hồng dậm chân la lớn: Súc sinh, còn chưa đi cho khuất mắt ta! Âm thanh của nàng có một thứ uy lực lạ thường. Bạch hổ hốt hoảng cong đuôi chạy trốn. Trong khi đó, Diệu đã ngất đi vì mất máu quá nhiều…
– Phu tướng, chàng nghĩ gì vậy? Có nghe thiếp hỏi không?
– À, à, ta vẫn nghe. Nàng vừa hỏi gì?
– Thiếp muốn hỏi xem chàng đã định thế nào rồi, chuyện ông Sở bị giết oan ấy mà. Trời đâu trời không có mắt vậy! Ông Sở theo phò nhà Tây Sơn một ngày với thiếp, công hãn mã đã dày. Khi không bị ông Dũng lập mưu hạ ngục rồi dìm xuống sông. Chẳng lẽ mình để vậy ngồi nhìn?
Trần Quang Diệu lắc đầu:
– Mọi chuyện cũng do Thái sư lộng quyền mà ra.
Nghe nhắc đến chú mình, Bùi Thị Xuân chán ngán thở ra. Đã bao phen bà khuyên Bùi Đắc Tuyên giữ đúng đạo vua tôi, đừng lấn lướt Cảnh Thịnh, đừng ép vua làm chuyện bất nghĩa. Lúc vui Tuyên chỉ gật gật chiếu lệ. Lúc sẵn chuyện bực mình, Tuyên quát:
– Mày liệu thân mày đấy, con gái đàn bà mà cứ muốn đái đứng. Rặt một giọng của lũ gàn thần. Thằng chồng mày binh quyền lớn quá thành thử mày muốn lên giọng với cả chú mày chứ gì? Tao mà không nghĩ chút tình máu mủ thì tao vả cho rớt răng.
Tuyên vẫn hay đổi ân ra oán nhanh như chảo chớp. Hồi tiên đế còn sống, có lần Quang Trung định giáng chức Tuyên vì tội hối lộ. Chính cung hoàng hậu là em gái Tuyên xin mãi không được, bèn cầu quan Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ nói giúp. Nể Kỷ, Quang Trung cho Tuyên được giữ nguyên chức, nhưng phải nộp bản tự cáo và làm cam đoan đọc trước bá quan văn võ. Bùi Thị Xuân còn nhớ Tuyên đã cóm róm tỏ vẻ hàm ơn Kỷ như thế nào. Thế mà cách đây không lâu, sợ Kỷ ở vị trí phụ chính cho Cảnh Thịnh sẽ làm lu mờ mình, Tuyên đã kiếm cớ hại Kỷ. Tuyên xúi Cảnh Thịnh giết Lê Văn Hưng vì tội tạo phản khi Hưng vừa thắng quân Nguyễn ở Phú Yên, hăm hở về kinh báo tiệp. Biết Hưng bị oan, quan Phụ chính Trần Văn Kỷ và đô đốc Lộc đứng ra can thiệp. Tuyên phao luôn rằng Kỷ và Lộc cùng cánh với Hưng, xin vua giáng chức Kỷ, Lộc, đổi làm lính. Kỷ bị đày ra coi trạm Hoàng Giang. Triệt được các nhân vật không ăn ý với mình xong, Tuyên tính đến chuyện thu dần binh quyền một số tướng lĩnh ở xa. Việc đổi Ngô Văn Sở ra Thăng Long, gọi Võ Văn Dũng về Phú Xuân chính là mưu đồ của Tuyên. Dũng về đến trạm Hoàng Giang gặp Trần Văn Kỷ bèn nghỉ đêm ở đấy. Kỷ cho Dũng biết  âm mưu của Tuyên và khuyên Dũng nên sớm trừ kẻ loạn thần. Nghe lời Kỷ, Dũng gấp rút về kinh hợp mưu với Thiếu bảo Huấn bắt Tuyên hạ ngục, đoạn sai Huấn vào Quy Nhơn bắt con Tuyên là Trụ, lại đưa chiếu giả ra Thăng Long bắt trói Ngô Văn Sở giải về. Sở chịu chung số phận với cha con Bùi Đắc Tuyên, bị bỏ cũi sắt dìm xuống sông Hương. Trần Văn Kỷ được đón về kinh, lật đật nói cho Dũng hay rằng Sở vô tội. Đến lúc ấy Dũng mới biết mình giết nhầm người ngay.
Cách đây mươi hôm Diệu đang thống suất đại binh đánh thành Nha Trang, vụt nghe Sở bị giết, lòng như lửa đốt, bèn họp chư tướng lại, bảo rằng:
– Chúa thượng không cương quyết, đại thần giết lẫn nhau, tai biến không gì lớn hơn thế nữa. Nay chúng ta hãy kéo về kinh dẹp yên cuộc biến loạn ở bên trong, rồi sau lại vào đánh giặc cũng chưa muộn.
Các tướng dưới quyền Diệu đều cho là phải. Diệu về đến Quảng Nam thì gặp vợ. Bùi Thị Xuân thương tiếc anh nuôi là Ngô Văn Sở, mấy ngày liền mất ăn mất ngủ. Diệu nhìn dáng vẻ bơ phờ của vợ, lòng xót xa vô hạn. Ông bảo:
– Hay nàng cứ ở đây. Để một mình ta đưa quân về  kinh xem sự thể ra sao.
– Không được đâu! Chàng đi một mình lỡ có bề gì thì làm thế nào?
– Hôm qua, ta ngồi bên tràng kỷ, rượu cầm trên tay mà miệng đắng lòng đau, không sao uống nổi. Ta ngủ quên lúc nào không hay. Nàng biết không, tiên đế hiện về. Ta và tiên đế uống rượu y như hồi người còn sống, y như hồi Người bàn với ta xẻ Trường Sơn mở con đường thượng đạo để quân ta hành quân bí mật. Hai chúng ta, tiên đế và ta ấy, như sinh ra là để hiểu nhau… Phu nhân ạ, điều ấy chúng ta đều cảm thấy, nhưng không ai nói ra. Tiên đế thì giữ cho ta, Người sợ có kẻ ghen ghét mà hại ta. Còn ta thì… Ta thì phải luôn luôn nhớ rằng tiên đế không chỉ là bạn ta, mà còn là người gánh cái gánh nặng hơn ta, nặng hơn gấp nhiều lần. Hoàng  thượng bất minh không nối nổi chí cha, nhân tâm ly tán, giặc đến thì lấy ai chống đỡ đây? Đêm qua, trong chiêm bao tiên đế cười cười nói nói với ta, nhưng mắt Người buồn lắm. Trước lúc đi Người chợt bảo ta: “Ông Diệu này, ta có một câu, ông nghe thử có phải là thơ không, hay là thứ gì?”. Rồi Người đọc: “Trẫm lạc nhân hoàn lưu chính trị”. Chui cha, phu nhân! Phía Nam Nguyễn Ánh đang lựa gió nồm. Tiên đế nằm chắc không yên giấc, ta phải làm sao đây? Giết thêm một Võ Văn Dũng ư? Giết thêm một Nguyễn Văn Huấn ư? Ta gặp Huấn ở Quy Nhơn, Huấn sợ, nhưng ta lờ đi không hỏi. Ông Dũng là một tướng giỏi của tiên đế. Ta không muốn triều đình mất thêm người tốt.
Trần Quang Diệu ngồi dậy, đưa tay vuốt ngược mái tóc, búi gọn trên đỉnh đầu. Bùi Thị Xuân im lặng không hỏi gì thêm. Bà hiểu chồng mình. Diệu sẽ về triều, về để nhắc vua chứ không phải để gây náo loạn triều đình cho hả giận. Bà cũng sẽ về triều, bà muốn gặp lại những người đã từng rau cháo thời mới họp nhau ở Tây Sơn thượng đạo. Nhạc, Huệ, Lữ, Diệu, Xuân, Dũng, Sở, Tuyết, Lộc, Long, Minh… Lòng bà ngân lên từng cái tên thân thuộc. Bỗng dưng bà áp mặt lên vai chồng, khóc òa như một đứa trẻ. Ông dịu dàng ôm lấy bà, dỗ dành:
– Nín đi nào, phu nhân, nín đi! Sau này, khi nào đất nước yên hàn, ta sẽ đưa nàng và con về Vạn Hội lo khói hương cho tổ phụ. Mình sẽ về thăm đỉnh Kim Bồng, nơi ta đã cùng Bạch hổ lớn lên dưới nách thầy ta, cùng ngắm mây trắng bay về núi. À, phu nhân, ta vừa nghĩ ra một khúc ca mới, để ta hát nàng nghe.
Và ông cất tiếng hát. Tiếng ông như một ngọn gió núi, thổi cuộn lên rất nhiều kỷ niệm. Ông hát:
Gió bụi khốc liệt
Quân lính ở đâu?
Anh hùng ở đâu?
Máu họ dính trên mũi giáo nhọn.
Dân chúng ở đâu?
Thây họ chất đầy đồng.
Ôi núi sông cũ
Ngàn xóm tiêu điều
Ngày nào xin dây trói giặc, cất quân tinh nhuệ
Một ngọn roi thẳng hướng tảo thanh kinh khuyết.
Rồi trở về
Cưỡi hạc vàng
Nối lại cuộc rong chơi qua nhiều ngọn núi…
Trong khi ông hát, bàn tay nhiều vết chai của ông nắm lấy tay bà. Từ bàn tay ấy, những con đường đã mở ra, những con đường bất tận của non sông, chẳng con đường nào là không nhuộm mồ hôi và máu, chẳng con đường nào là không đầy nhớ thương vẫy gọi.
Trần Thị Huyền Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét