XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Chuyện Phạm Lãi không cứu được con

Phạm Lãi, tên tự là Thiếu Bá, là một tướng tài của nước Việt ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Theo Sử ký, con thứ Phạm Lãi phạm tội giết người, bị giam ở nước Sở. Phạm Lãi quen tướng quốc Sở là Trang Sinh, sai con mang 1.000 dật vàng đi đút lót cho Trang Sinh xin tha con mình. Ông muốn sai đứa con út đi, nhưng người con cả nhất định đòi đi, nếu không sẽ tự sát; vợ ông cũng muốn để người con cả đã chín chắn vì sợ cậu con út còn ít tuổi. Cuối cùng ông đành nghe theo.
Người con cả đến nước Sở gặp Trang Sinh, đưa vàng và ngỏ lời nhờ tha cho em mình. Trang Sinh nhận lời, bảo con Phạm Lãi cứ về, rồi em sẽ được thả mà không được hỏi lý do tại sao. Trang Sinh vốn là người ngay thẳng, định bụng sau khi xong việc sẽ hoàn lại vàng cho Đào Chu công.
Sau đó Trang Sinh vào tâu vua Sở Huệ Vương, mượn điềm thiên văn tai ương để xui vua Sở phóng thích tù nhân, làm điều phúc đức tránh tai hoạ. Vua Sở nghe theo, bèn ra lệnh sẽ thả hết phạm nhân.
Con cả Phạm Lãi chưa về ngay, lại lấy tiền riêng của mình mang theo là 100 dật, nhờ cậy một vị quan khác nước Sở nghe ngóng tình hình. Nghe tin vị đó báo lại là vua Sở sẽ đại xá, anh ta nghĩ rằng đáng lý mình không phải phí vàng đem đút lót mà em mình vẫn được thả, nên quay lại nhà Trang Sinh. Trang Sinh biết ý anh ta muốn đòi vàng, bèn trả lại; nhưng trong bụng thấy xấu hổ vì bị trẻ con nghĩ rằng mình là kẻ tham lam, bèn vào tâu vua Sở rằng:
Tôi nghe thiên hạ dị nghị rằng đại vương nhận tiền đút lót của Phạm Lãi nên mới đại xá thiên hạ, làm giảm ân đức của người. Vậy xin chém riêng con Phạm Lãi để thiên hạ thấy sự nghiêm minh, nhân đức của đại vương!
Vua Sở nghe theo, bèn sai mang con thứ Phạm Lãi trong ngục ra chém, còn những phạm nhân khác đều tha. Người con cả mang xác em về. Bà vợ khóc than, Phạm Lãi nói:
Sở dĩ tôi muốn sai thằng út đi, vì khi nó sinh ra, nhà ta đã khá giả; vì thế nó sẽ không tiếc của mang hối lộ người ta. Còn thằng cả sinh ra khi nhà ta còn nghèo khó, nó sẽ tiếc của. Bởi thế lúc nó đi, tôi biết là nó sẽ phải mang xác em nó về.
Có sách ghi cụ thể hơn như sau:
CHU CÔNG - PHẠM LÃI
Phạm Lãi thờ vua Việt là Câu Tiễn, khổ mình nhọc sức, cùng Câu Tiễn mưu toan hơn hai mươi năm, kết quả diệt được nước Ngô, rửa được cái nhục ở Cối Kê.
Phía bắc đem quân qua sông Hoài, đến sát các nước Tề, Tấn, ra hiệu lệnh cho Trung quốc để tôn thờ nhà Chu. Câu Tiễn làm bá, còn Phạm Lãi làm thượng tướng quân. Khi về nước, Phạm Lãi cho là danh lớn khó lòng ở được lâu. Vả lại, Câu Tiễn là người hoạn nạn thì có nhau, nhưng vui thì khó lòng mà ở được ! Lãi bèn viết thư từ biệt Câu Tiễn :
- Tôi nghe, “Vua lo thì tôi phải khó nhọc, vua nhục thì tôi phải chết!”. Hồi xưa nhà vua chịu nhục ở Cối Kê, tôi sở dĩ chưa chết là còn phải trả thù. Nay đã rửa được nhục rồi, tôi xin chết theo tội ở Cối Kê !
Câu Tiễn nói :
- Ta đương sắp chia nước này cùng cai trị với nhà ngươi ! Không nỡ giết nhà ngươi !…
Phạm Lãi nói :
- Vua có lệnh vua thì tôi có ý tôi.
Bèn soạn gói các châu ngọc và các của cải nhẹ cùng với đày tớ riêng xuống thuyền ra biển đi suốt đời không trở lại nữa. Thế rồi Câu Tiễn nêu núi Cối Kê để làm ấp bỗng lộc cho Phạm Lãi.
Phạm Lãi cùng đi biển sang Tề, đổi họ tên, tự gọi là Chi Di Tử Bì, cày ruộng ở bờ biển, khổ thân cố sức, cha con cùng lo làm ăn. Ở không được bao lâu, của có đến hàng mấy chục triệu. Người nước Tề nghe ông hiền, mời làm tướng quốc. Phạm Lãi ngậm ngùi than rằng :
- Ở nhà thì có hàng nghìn lạng vàng, làm quan thì đến công, khanh, tướng quốc, kẻ áo vải được thế là tột bậc rồi, giữ mãi cái tiếng tăm lừng lẫy là không tốt !
Bèn trả ấn tướng quốc, đem tất cả tài sản cho bạn bè, làng xóm. Chỉ mang những của thật quý, lẻn đi.
Phạm Lãi dừng lại ở đất Đào, cho nơi đó là ở giữa thiên hạ, tiện đường đổi chác, buôn bán để làm giàu. Phạm Lãi bèn tự gọi mình là Đào Chu Công (Đoạn 4- Phạm Lãi sang đất Tề, rồi sang đất Đào).
Chu Công ở Đào, sinh người con út. Khi người con út đã lớn, người con trai thứ hai của Chu Công giết người, bị tù ở Sở. Chu Công nói :
- Giết người, bị chết là đáng rồi ! Nhưng ta nghe nói, “Con nhà nghìn vàng không chết ở chợ.”
Liền bảo người con út sang xem sự việc ra sao. Ông ta lấy nghìn nén bạc bọc vào trong túi đựng quần áo vải thô, chở bằng xe bò, định sai người con út đi. Con trai cả của Chu Công cũng cố xin đi. Chu Công không nghe. Người con cả nói :
- Con cả trong nhà được gọi là kẻ coi sóc việc nhà, nay em có tội cha chẳng sai con, lại sai em út đi, thế con là đứa con hư !
Người con cả toan tự sát. Người mẹ nói hộ cho anh ta:
- Nay ông sai thằng út đi thì chưa chắc đã cứu sống được thằng thứ hai, mà trước tiên vô cớ giết mất thằng cả ! Biết làm thế nào ?
Chu Công cực chẳng đã, phải sai người con cả đi. Ông viết một phong thư đưa cho người bạn cũ là Trang Sinh và dặn rằng :
- Khi con đến thì dâng một nghìn lạng vàng vào nhà Trang Sinh, mặc ông ta làm. Nhất thiết không được tranh cãi với ông ta trong việc này.
Người con cả khi đi cũng tự mang theo riêng vài trăm nén vàng sang Sở …
Trang Sinh nhà ở kế ngoại thành. Người con cả phải lách lau cỏ mới tới cửa, thấy nhà có vẻ rất nghèo… Nhưng người con cả cũng đưa thư, dâng nghìn vàng theo lời cha dặn.
Trang Sinh nói :
- Thôi ! Anh hãy đi ngay đi ! Chớ có ở lại ! Dù em anh được ra cũng chớ hỏi tại sao lại được tha.
Người con cả ra rồi, không đến nhà Trang Sinh nữa, mà ngầm ở lại, lấy của mình đem dâng cho một quý nhân có quyền thế ở Sở. Trang Sinh tuy ở một xóm nghèo khổ, nhưng cả nước đều nghe tiếng ông thanh liêm và chánh trực. Từ vua Sở trở xuống đều tôn làm bậc thầy. Khi Chu Công đưa vàng, không phải ông ta có ý muốn nhận. Ý ông ta chỉ muốn khi xong việc sẽ đưa trả để làm tin mà thôi.
Cho nên khi vàng đưa đến, Trang Sinh bảo vợ :
- Đây là vàng của ông Chu. Nhỡ tôi không sống được cách đêm thì thế nào cũng phải đưa trả, chớ có động đến !
Nhưng con cả Chu Công không biết ý ông ta, cho ông ta chẳng có thế lực gì.
Trang Sinh thong thả ra mắt vua Sở, nói :
- Có nơi sao… mỗ đóng ở chỗ…mỗ, cái đó hại cho nước Sở …
Vua Sở vốn tin Trang Sinh liền hỏi :
- Giờ biết làm thế nào ?
Trang Sinh nói :
- Chỉ có cách dùng đức mới trị được nó .
- Thầy về nghỉ ! Qủa nhân sẽ làm theo.
Nhà vua liền sai sứ giả niêm phong ba kho tiền.
Quý nhân nước Sở kinh ngạc bảo người con cả Chu Công :
- Nhà vua sắp đại xá .
Người con cả Chu Công nói :
- Làm sao biết ?
- Mỗi lần nhà vua sắp đại xá thường cho niêm phong ba kho tiền. Chiều qua nhà vua sai sứ đi niêm phong.
Người con cả Chu Công nghĩ rằng : nếu đại xá thì em mình thế nào cũng được tha. Anh ta tiếc nghìn vàng đem cho lão Trang Sinh, thật là mất toi, bèn lại ra mắt Trang Sinh. Trang Sinh giật mình nói :
- Anh chưa về ư ?
Người con trưởng nói :
- Thưa vẫn chưa ạ ! Trước kia vì việc thằng em, nay thằng em may mắn được hưởng lệnh đại xá, cho nên lại đây chào cụ để về.
Trang Sinh biết ý anh ta muốn lấy lại vàng, liền nói :
- Anh vào nhà trong mà lấy vàng.
Người con trưởng tự vào nhà lấy vàng ra. Trang Sinh xấu hổ vì bị đứa trẻ con mua chuộc, bèn vào yết kiến vua Sở, nói :
- Tôi trước kia có nói về ngôi sao…mỗ. Nhà vua có nói sẽ sửa đức để bổ cứu. Nay tôi ra đường đâu cũng thấy đồn rằng : đứa con nhà giàu ở Đào là Chu Công, giết người bị giam ở Sở, nhà nó đem nhiều vàng bạc đút lót cho các quan hầu nhà vua. Nhà vua không phải vì biết thương nước Sở mà xá đâu, chỉ vì chuyện con Chu Công đó thôi.
Vua Sở cả giận, nói :
- Quả nhân tuy có kém đức thật, nhưng lẽ nào lại vì con Chu Công mà phải ra ơn . Liền làm án giết con Chu Công. Hôm sau bèn ra lệnh đại xá.
Con cả Chu Công rốt cuộc lại đưa đám tang em trở về ! …
Người mẹ và người làng đều lấy làm thương xót. Chỉ có Chu Công cười một mình mà rằng :
- Ta đã biết thế nào nó cũng giết em nó ! Không phải nó không yêu em nó đâu, nhưng có một điều nó không thể chịu nổi. Nó từ nhỏ đã từng chịu khổ cùng ta thấy việc làm ăn khó khăn, cho nên bỏ của thì tiếc ! Trái lại, thằng em nó đẻ ra đã thấy ta giàu. Nó chỉ biết cưỡi xe bền, giong ngựa tốt, theo đuổi cầy cáo, nào biết của cải do đâu mà có, cho nên phung phí tiền một cách dễ dàng, chẳng tiếc rẻ gì. Trước đây, sở dĩ ta sai thằng út đi, chỉ là vì nó biết coi thường tiền bạc đó thôi ! Thằng cả thì không biết thế, vì vậy mà giết chết em nó. Lẽ đời là thế, có gì đáng thương. Ta ngày đêm vẫn đợi nó đưa đám tang về !
Cho nên Phạm Lãi ba lần đổi chỗ ở mà thành danh trong thiên hạ. Không phải ông ta chỉ bỏ đi một cách dễ dàng, và thế là hết. Ông ta ở đâu, là nổi danh ở đấy. Sau già chết ở Đào, cho nên đời truyền tụng gọi là Đào Chu Công (Đoạn 5 – Câu chuyện về người con Phạm Lãi bị giết).
5. Thái Sử Công nói, “Công lao của vua Vũ thực là to lớn ! Dẫn nước cho chín con sông, làm chín châu có thể ở được, đến nay tất cả mọi người đều sống yên ổn. Con cháu của ông là Câu Tiễn nhọc công, khổ xác, cuối cùng tiêu diệt được nước Ngô mạnh, phía bắc cho quân đội vào xem Trung quốc để tôn nhà Chu, được danh hiệu là bá vương. Câu Tiễn chẳng đáng gọi là hiền sao ? Đó cũng là cái vinh quang sót lại của vua Vũ vậy. Phạm Lãi ba lần dời chỗ ở, đều nổi tiếng tăm để lại đời sau. Vua và tôi đều như vậy, thế nào mà chẳng vinh hiển ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét