XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Tây Sơn tam kiệt


1. Nguyễn Nhạc
Ông sanh năm Quí Hợi (1743) tại thôn Phú Lạc, nơi có trường trầu gần cạnh sông Côn.
Lớn lên, ông Nhạc cùng hai em xuống Bàng Châu học võ nhà họ Đinh. Sau xuống An Thái thọ giáo cùng thầy Trương Văn Hiến, một võ sư tài kiêm văn võ. Ông Nhạc học cả văn lẫn võ và được dạy chuyên về kiếm pháp. Tính ông Nhạc đôn hậu, thiệt thà nên tiếp thu có phần chậm, song lại tinh tường đầy đủ, nhờ thầy Hiến dạy bảo tận tình. Ông Nhạc đối với thầy rất hiếu nghĩa. Mọi việc trong gia đình của thầy ông một mực chăm lo như ở nhà mình. Vì lẽ ấy nên sau này khi Nguyễn Nhạc xưng vương, ông giáo Hiến có ra làm quân sư một thời gian. Đền đáp công ơn thầy nuôi dạy, ông Nhạc gả con gái cho con thầy là Trương Văn Đa.
Khi ông Phúc qua đời, ông Nhạc phải thôi học võ, về nối nghiệp cha. Để tiện việc buôn bán, ông dời nhà xuống Kiên Mỹ cạnh trường trầu. Nhà cửa khang trang để làm cơ sở tạm trú và chứa hàng hóa của bạn hàng, nền sân rộng rãi để chuyên tập võ nghệ.
Nhà giàu, võ giỏi, tính tình phóng khoáng hào hoa nên bạn bè trong giới giang hồ đổ về rất đông. Đủ mọi hạng người như dân giang hồ, hiệp khách, kẻ ham thích võ nghệ, người muốn giao du rộng rãi đều làm khách ăn ở hàng tháng, hàng năm. Trong số khách quý có cả người Trung Quốc. Sự giao thiệp với người Tàu này đã giúp cho Nguyễn Nhạc có ngôi mộ chôn Nguyễn Phi Phúc rất là đắc địa.
Một hôm, Nguyễn Nhạc nhân đi buôn trầu trên An Khê mua được một thanh cổ kiếm và đem xuống An Thái dâng cho thầy học. Nâng niu xem xét thanh kiếm, Trương Công nói:
- Đây là một thanh bảo kiếm, có đại phước mới vào tay. Tôi giữ hộ cho anh, ngày sau sẽ giao lại.
Đoạn bảo Nhạc:
- Lúc này là lúc kẻ anh hùng có thể dựng nên nghiệp cả. Anh không nên để lỡ thời cơ.
Ý quật cường vốn đã nhen nhúm trong người, nhưng Nhạc vẫn từ tốn thưa:
- Con tự xét không đủ tài sức.
Công ôn tồn đáp:
- Hán Cao Tổ, Lê Thái Tổ, đâu có phải tự trên trời sa xuống. Người có chí, hễ nắm được thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì đại sự thành công không mấy khó khăn. Hiện giờ Trương Phúc Loan chuyên quyền làm những chuyện gian ác, triều đình đảo điên, nhân tâm ly tán, nếu có người phất cờ khởi nghĩa thì bốn phương thiên hạ đều hưởng ứng ngay. Anh về lo tài chánh và quân sự cho chu đáo là có thể hưng binh.
Đồng thời, Trương Công cho Nguyễn Huệ về giúp anh. Ông Nhạc giao việc buôn trầu cho vợ. Bà là người đảm đang nên lợi hàng ngày có tăng chớ không có giảm. Thấy cần phải có nguồn kinh tế dồi dào hơn, ông Nhạc bèn tổ chức việc khẩn hoang và mở sòng bạc để có nơi qui tụ anh hào hòng che mắt quan quân địa phương. Một mặt ông sai ông Huệ đi liên lạc mời các nhân vật nổi tiếng về văn về võ như Võ Xuân Hoài, Trương Mỹ Ngọc, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Bùi Thị Xuân v.v… về tham gia đại sự. Chính nhờ các vị này mà đã khẩn hoang được nhiều vùng rộng lớn tại An Khê, Thượng Giang, Đồng Vụ, Đồng Quan v.v… Những dân được mộ đi khai khẩn sau này hầu hết đều trở thành nghĩa binh.
Để bọn quan lại của chúa Nguyễn không thể dò được chí hướng của mình, Nguyễn Nhạc tìm cách đánh lạc hướng. Nguyên để thu thuế vùng Tây Sơn, viên tuần thủ Quy Nhơn cho lập một đồn chính tại Trịnh Tường và một đồn phụ tại Hữu Giang do một biện lại và phó biện lại chỉ huy. Từ ngày Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa (1765), Trương Phúc Loan lộng hành, trong nước giặc cướp nổi dậy khắp nơi, người ấp Tây Sơn không chịu nạp thuế. Biện lại, phó biện lại luôn luôn bị cách chức vì bất lực. Không còn ai dám nhận chức biện lại. Ông Nhạc liền tình nguyện đảm đương. Đồng bào trong vùng đã sẵn lòng mến mộ ông Nhạc nên chỉ những người nghèo khổ không đủ khả năng mới trốn thuế, những phần thuế bị thiếu ông Nhạc xuất tiền nhà bù vào. Quan trên thấy ông Nhạc đắc lực bèn đem lòng tín nhiệm. Nhân dân thấy ông Nhạc biết thương kẻ nghèo đã phục càng thêm phục. Trên được quan tin, dưới được dân mến, ông Nhạc được ung dung lo việc của mình, không còn sợ ai dòm ngó.
Tài chánh mỗi ngày một thêm dồi dào. Những tay văn hay võ giỏi mỗi ngày hội tụ ngày càng thêm đông, những tráng niên, thanh niên có gan có sức, đến với các tráng sĩ để học võ và khai khẩn đất hoang mỗi ngày càng thêm tấp nập. Nguyễn Nhạc bèn xuống An Thái trình bày mọi việc cho thầy rõ. Trương Công rất mừng, lấy thanh cổ kiếm đem giao lại cho ông Nhạc:
- Đã đến lúc dùng đến rồi. Cần phải lo củng cố nhân tâm và biểu dương thanh thế.
Nguyễn Nhạc lĩnh ý ra về.

Một hôm, người thôn Phú Lạc, nghe trên hòn Trưng Sơn có tiếng chiêng, tiếng trống và thấp thoáng có ánh lửa lập lòe, ai nấy đều thất kinh.
Hòn Trưng Sơn tuy ở gần thôn xóm nhưng không mấy ai dám vào vì trên núi có "mả mẹ chàng Lía" rất linh thiêng và nhiều cọp. Nghe tiếng chiêng tiếng trống và thấy ánh lửa, người thì bảo rằng hồn thiêng chàng Lía về thăm mẹ, người thì cho là quỉ thần mở hội vui, kẻ bàn người tán, không mấy lúc tiếng đồn lan khắp vùng, khắp huyện rồi cả hai huyện ngoài. Một đồn mười, mười đồn một trăm. Các thầy tướng số bảo rằng đó là tú khí của non sông xuất hiện, là điềm cho biết trước rằng trong vùng sẽ có chân chúa ra giúp đời.
Tin đồn khắp nơi. Đồng bào đã không chịu nỗi ách chuyên chế của nhà Nguyễn, ai nấy đều hy vọng sớm có cuộc đổi thay và mọi người đều hướng tâm về nẻo Trưng Sơn.
Cách đó không lâu, nhà Nguyễn Nhạc có kỵ, khách khứa đông đúc. Cỗ bàn ăn xong thì trời đã khuya. Người ở gần thì chuếnh choáng ra về, khách ở xa đều phải nghỉ lại đêm. Bỗng cảnh tượng hôm trước lại tái diễn ở Trương Sơn lần này tiếng chiêng, tiếng trống lại rền trời và ánh lửa lại sáng ngời cả núi. Tuy đã từng thấy hiện tượng đó, nay xuất hiện lần thứ hai, người trong vùng vẫn kinh sợ và các tay võ sĩ tuy vốn xem thường gươm giáo nhưng lắm người cũng thấy ớn lạnh trong thân.
Nguyễn Nhạc rủ người lên xem thử "quỷ thần làm trò gì". Phần đông đều e ngại, chỉ có chừng mười người xin đi theo.
Nai nịt gọn gàng, chân vũ hài, tay trường kiếm hoặc trường tiên, đoàn người mạnh dạn lên núi. Tiếng chiêng trống dứt. Ánh sáng tắt dần. Khi lên gần tới đỉnh thì trong ánh sáng chập chờn thấy hiện ra một lão trượng mặc triều phục, râu tóc bạc phơ. Lão trượng phất tay áo ra dấu bảo đoàn người dừng lại. Ai nấy đều ớn lạnh, đứng lại như cái máy. Lão trượng cất tiếng lanh lảnh hỏi:
- Trong anh em có ai là Nguyễn Nhạc chăng? Nếu có thì hãy lại đây nghe lệnh. Còn người khác thì đứng yên.
Nguyễn Nhạc run sợ bước đến quỳ trước mặt lão trượng. Lão trượng lấy trong tay áo rộng ra một tờ chiếu rồi đọc lớn:
- Ngọc Hoàng sắc mạng Nguyễn Nhạc vi quốc vương.
Đoạn trao tờ chiếu cho Nguyễn Nhạc rồi quay lưng bước vào bóng tối.
Từ ấy muôn người như một, trừ cụ giáo Hiến và các chí hữu, ai cũng tin rằng trời đã cho Nguyễn Nhạc làm vua. Sau khi được báu kiếm (như trong phần Độc thần kiếm), Nguyễn Nhạc tổ chức việc tìm ấn tại chân núi Hoành Sơn… Lễ cầu đã được tổ chức ba ngày đêm. Đêm làm lễ, ngày cho người đi tìm khắp vùng trên và dưới núi. Đã hai ngày đêm mà vẫn không thấy gì. Đêm thứ ba, lúc nửa đêm, chiêng trống hành lễ vừa dứt thì một vòi lửa như một lằn pháo thăng thiên bay ra. Xẹt đến hòn Giải thì rơi xuống. Tiếp đó một tiếng nổ nhỏ như tiếng pháo tre rồi một tiếng nổ lớn có phần dữ dội như tiếng sét làm chấn động cả vùng. Ai nấy đều thất kinh. Sáng hôm sau, Nguyễn Nhạc đem người đến hòn Giải xem thì thấy sườn núi phía Nam có một vùng lở và nám đen như bị sét đánh. Trèo lên xem thì có một quả ấn bằng vàng lóng lánh nơi kẻ đá. Quả ấn vuông vức mỗi cạnh dài độ 3 lóng tay, nơi mặt khắc 4 chữ triện "Sơn hà Xã Tắc". Từ đó hòn Giải được có tên là Cổ Sơn (hòn Trống) nay mang thêm một tên nữa là Ấn Sơn (hòn Ấn).
Năm Tân Mão (1771) Nguyễn Nhạc được tôn làm Tây Sơn vương. Đất Tây Sơn trở thành một tiểu quốc.
Mọi tổ chức về quân sự, hành chánh, tài chánh âm thầm nên viên Tri huyện Tuy Viễn không hay biết chi cả. Sau khi có thực lực, Nguyễn Nhạc không nạp thuế cho huyện nên viên Tri huyện Tuy Viễn sai Đốc trưng Đằng đem binh vấn tội. Quân của Đằng bị quân Tây sơn đánh bại (trong sử nhà Nguyễn thì cho rằng Biện Nhạc thua bạc hết tiền thuế, bị truy nã, trốn vào rừng làm giặc!).
Nguyễn Nhạc và bộ tham mưu nhận thấy địa thế Tây Sơn hạ không được an toàn, bèn dời tổng hành dinh và các cơ quan trọng yếu lên Tây Sơn trung. Lấy dãy núi ở đèo An Khê làm mật khu. Nguyễn Nhạc cùng bộ tham mưu đóng ở hòn núi cao nhất nằm về phía nam chân đèo. Vì vậy núi có tên là núi Ông Nhạc.
Lo khuếch trương về sản xuất, ông Nhạc không quên bành trướng thế lực. Vùng Tây Sơn thượng đa số là người dân tộc thiểu số, có sức mạnh, dẻo dai và chiến đấu giỏi. Nhất là môn bắn ná. Dùng chính sách "thượng vận" và được ông Nguyễn Lữ phụ tá nên các sắc tộc Xà Đàng (Sédang). Ra Đê (Rha dé) Gia Rai (Djarais) đồng lòng cộng tác.
Nguyễn Nhạc kết thân với sắc tộc Ba Na bằng cách lấy con gái của vị tộc trưởng và nhờ người vợ sắc tộc này, tổ chức được công cuộc khai khẩn đất đai tại rừng Mộ Điểu, giao cho Võ Văn Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng phụ trách huấn luyện nghĩa quân gồm đa số là người dân tộc thiểu số hợp tác.
Trong thời gian chuẩn bị cho đại sự, Nguyễn Nhạc đã tỏ ra là một nhà lãnh đạo tài ba, đã biết phát triển kinh tế làm cơ sở. Đoàn kết các sắc tộc làm liên minh và nhất là đối với các chí hữu có tình có nghĩa. Thái độ luôn luôn nghiêm nhưng hòa, xử sự có tình nhưng không bỏ lý. Mọi người rất mực tôn kính. Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn nhà Tây Sơn đã lập nên cơ sở vững chắc.

Ngày rằm tháng tám năm Quý Tị (1773), Nguyễn Nhạc lập đàn cáo trời đất rồi tế cờ xuất quân. Đàn lập trên đèo An Khê, nơi quẹo Cây Khế dưới bóng cây đại thọ: cây Ké, cây Cầy. Binh tướng của ba đạo quân dồn về phía Đông đèo An Khê, từ chân đèo đến đầu đèo.
Lễ tổ chức đơn giản nhưng long trọng. Bóng cờ điều chen bóng cờ xanh, tiếng chuông trống lẫn tiếng tung hô của tướng sĩ tràn ngập, vang dội cả núi rừng. Hùng khí ngút ngàn.
Sáng ngày 16, gà vừa cất tiếng gáy, đạo quân của Tây Sơn vương đã lên đường. Mặt trời vừa mọc thì quận lỵ huyện Tuy Viễn đã bị bao vây. Tiếng quân vang dậy, viên Tri huyện hết hồn, bỏ trốn. Nhân viên và lính trong huyện nhất loạt xin hàng. Giao Tuy Viễn cho tướng đóng giữ, Tây Sơn vương kéo đại binh ra đánh Quy Nhơn. Đồng thời hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn cũng bị hai tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đánh chiếm. Toàn thể đại quân hợp nhất đánh thành Quy Nhơn.
Thành Quy Nhơn ở giữa Tuy Viễn và Phù Ly. Nguyễn Nhạc đã dùng mưu chiếm được. Thành Quy Nhơn đã hạ xong, Tây Sơn vương củng cố thanh thế, chuẩn bị cho việc mở rộng hai mặt Nam Bắc.
Trung tuần tháng 11 năm Quí Tị (1773), phò mã Nhất kéo thủy, bộ binh vào đánh Quy Nhơn. Tây Sơn vương cử đại binh chống giữ, đánh tan hết chiến thuyền và bộ binh.
Qua tháng chạp, hai đạo binh chúa Nguyễn lại kéo vào và cũng bị đánh tan tại Quảng Ngãi.
Đầu năm Giáp Ngọ (1774), quân nhà Nguyễn lại kéo vào tấn công. Hai bên đánh nhau tại Thiên Lộc, khi thắng khi bại.
Mùa thu năm ấy, Hoàng Ngũ Phúc vâng lệnh chúa Trịnh vào đánh Phú Xuân, chiếm được thành. Chúa Nguyễn là Định vương Nguyễn Phúc Thuần cùng đình thần chạy vào Quảng Nam. Tại đây bị quân Tây Sơn tập kích, chống không lại, Phúc Thuần bèn lập cháu là Nguyễn Phúc Dương lên làm Đông cung, ở lại Quảng Nam lo việc chống giữ, còn mình đem Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Định. Quân Tây Sơn đánh chiếm Quảng Nam, bắt được Nguyễn Phúc Dương. Sau đó bị Hoàng Ngũ Phúc đem quân tấn công, chống không nổi bèn rút quân về Quy Nhơn.
Dùng kế hoãn binh, Tây Sơn vương cho người mang thư ra gặp Hoàng Ngũ Phúc, xin dâng nạp đất Quy Nhơn và Quảng Ngãi, đồng thời xin làm tiền khu khi đánh họ Nguyễn ở phương Nam. Tây Sơn vương liền được phong làm Tiên phong Tướng quân, Tây Sơn Hiệu Trưởng.
Trước đó, năm 1773, Tây Sơn vương sai Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Lộc, Lê Văn Hưng vào chiếm Diên Khánh, Bình Thuận.
Năm 1776, Tây Sơn vương sửa sang thành Quy Nhơn, năm 1778 xưng Đế hiệu Minh Đức Hoàng Đế, niên hiệu Thái Đức. Thành Quy Nhơn đổi tên Hoàng Đế Thành.
Trong Nam, năm Canh Tí (1780), Nguyễn Phúc Ánh cũng xưng vương.
Tháng 3 năm Nhâm Dần (1782), vua Thái Đức cùng Nguyễn Huệ, Phạm Ngạn đem 200 thuyền chiến vào Gia Định. Binh đi thẳng vào cửa biển Cần Giờ.
Được tin, Nguyễn Phúc Ánh hạ lệnh cho Tống Phước Thêm đem thủy binh ra chận đánh. Đạo thủy quân của nhà Nguyễn gồm trên 400 chiến thuyền lại có một số tàu đồng của Pháp và Bồ Đào Nha tham dự.
Tống Phước Thêm dàn thuyền chiến thành hàng trên sông Ngã Bảy. Hai bên kịch chiến. Bên thuyền nước ngoài có súng trường và đại bác bắn rền trời. Thuyền Tây Sơn anh dũng xông vào bám sát thuyền địch, dùng hỏa hổ lớn bằng cổ tay làm bằng khói đen trộn với dầu rái rất nhạy lửa, có sức nóng và độ bám cao nên ném đến đâu cũng đều bám và cháy tới đó. Nước tưới không tắt, chỉ có đất bùn mới làm tắt mà thôi. Thuyền địch bị đốt cháy dữ dội. Tàu của Pháp và Bồ Đào Nha thất kinh bỏ chạy. Một chiếc tàu do Pháp Mạn Hòe (Manuel) chỉ huy, có 10 khẩu đại bác, bị hãm không ra khỏi vòng vây, cố sức chống cự, cuối cùng bị đốt cháy và đánh chìm. Mạn Hòe tử trận. Thuyền của nhà Nguyễn không chiếc nào trốn thoát.
Gia Định được chiếm lĩnh. Nguyễn Phúc Ánh chạy ra Phú Quốc.
Tháng 5 năm Nhâm Dần (1782), vua Thái Đức rút về Quy Nhơn. Đất Gia Định do Đỗ Nhàn Trập và Hộ bộ Bá trấn thủ.
Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ được vua Thái Đức sai ra chiếm Thuận Hóa rồi thẳng ra Thăng Long, định ở lại giúp vua Lê. Vua Thái Đức sợ em ở lâu ngoài Bắc Hà sanh biến, nên phải thân hành đem theo 500 nhuệ binh ra Thuận Hóa lấy thêm 3.000 quân, rồi kéo thẳng ra phía Bắc.
Được tin vua Thái Đức tới Thăng Long, Nguyễn Huệ loan báo cho dân chúng biết để khỏi kinh động nhân tâm, rồi cùng tướng sĩ ra ngoài thành nghinh đón. Vua Chiêu Thống đem quân thần ra chực nơi cửa Nam Giao, nhưng vua Thái Đức theo em đi thẳng đến phủ Chúa Trịnh mà Nguyễn Huệ và các tướng đang trú, cho người đến hẹn cùng vua Chiêu Thống sẽ hội kiến ngày hôm sau.
Lễ tương kiến của hai vua được tổ chức tại phủ Chúa Trịnh. Vua Thái Đức ngôi giữa, vua Chiêu Thống ngồi bên tả, Nguyễn Huệ ngồi bên hữu, các quan văn võ đứng hầu hai bên. Sau khi làm lễ, vua Chiêu Thống nói:
- Nhà Lê tôi, bị họ Trịnh tiếm lộng đã hai trăm năm dư. Nay nhờ quí quốc trượng nghĩa hành nhân, vì tổ quốc mà chỉnh đốn lại thì các công đức kiền khôn tái tạo đó không biết lấy chi báo đáp cho xứng. Kính xin cắt đất vài quận làm quà để khao thưởng quân sĩ.
Vua Thái Đức đáp:
- Anh em chúng tôi ra đây để phò Lê diệt Trịnh. Nếu đất của họ Trịnh thì một tấc cũng không để lại, nhưng mà của nhà Lê thì một tấc cũng không dám lấy. Mong nhà vua giữ yên bờ cõi, đời đời giao hiếu với nhau đó là cái phúc của hai nước. Ngày 14 tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), vua tôi nhà Tây Sơn rút quân về nước. Dẹp yên chúa Trịnh ở Thăng Long, đánh đuổi chúa Nguyễn ra khỏi Gia Định, vua Thái Đức xưng Trung ương Hoàng đế, chăm lo phần đất từ Quảng Nam trở vào đến Bình Thuận. Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương, thống trị đất Thuận Hóa từ Hải Vân Sơn đến Hoành Sơn. Nguyễn Lữ làm Đông Định vương, quản lý đất Gia Định, từ Bình Thuận đến Hà Tiên.
Sau khi phân chia ngôi thứ và lãnh thổ thì mối bất hòa giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ bùng nổ.
Nguyên sau khi dẹp yên Gia Định, ông Huệ đề nghị đem quân đánh Phú Xuân. Vì không rõ quân tình của Phú Xuân, nên ông Nhạc không ưng thuận.
Sau, ông Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết rõ tình hình, ông Nhạc mới cho xuất chinh. Lấy được Phú Xuân, ông Huệ tự tiện đem quân ra đánh Bắc Hà. Ông Nhạc tuy không bằng lòng, song không vịn vào cớ gì để bắt tội ông Huệ, nên chỉ gọi em về thôi. Về đến Phú Xuân, ông Huệ cho chở tất cả chiến lợi phẩm thu được ở Bắc Hà về Quy Nhơn cho anh, còn mình lấy cớ Thuận Hóa mới lấy được cần phải củng cố nhân tâm và sửa sang chính sự, nên xin ở lại Phú Xuân. Ông Nhạc đành phải chấp nhận, tuy không lấy làm vừa lòng. Đến khi Nguyễn Huệ được phong Bắc Bình vương, nắm quyền quản thủ đất Thuận Hóa thì tự ý sửa sang thành quách, phong thưởng võ tướng, văn quan chớ không tấu trình theo phép, nhiều lần ông Nhạc mời ông Huệ vào Quy Nhơn, song ông Huệ luôn luôn tìm cớ thoái thác.
Nhận thấy quyền làm anh đối với em, quyền làm vua đối với bề tôi đã bị xem khinh, ông Nhạc bèn cử binh ra Phú Xuân hỏi tội.
Nghe tin, ông Huệ vỗ án nói:
- Tội gì mà hỏi? Đánh Nam dẹp Bắc để giữ vững ngôi báu cho anh, đó là tội à? Còn đất Thuận Hóa này là của ta lấy nơi tay chúa Trịnh. Ta thọ phong chẳng qua là tình anh em đó thôi, chớ không phải anh ta cắt đất của mình phong cho ta mà bắt ta phải nhất nhất tuân theo mệnh lệnh? Công có lại quên, tội không có lại buộc! Sao lại bất công thế? Ta không chịu nổi.
Rồi thân hành đem quân ra chống cự. Ông Nhạc thấy em ra mặt bất phục tùng, càng nổi giận thêm.
***
Không một lời phân trần, hai bên giáp chiến. Đánh nhau kịch liệt. Nguyễn Nhạc cởi Bạch Long câu, cầm độc thần kiếm đánh với Nguyễn Huệ cưỡi ngựa Hồng, sử dụng Ô Long đao. Võ nghệ cùng học một thầy nên đôi bên bất phân thắng bại. Nguyễn Nhạc nhờ ngựa quý, kiếm thần; Nguyễn Huệ nhờ đao thần và võ công thâm diệu. Dần dần Nguyễn Nhạc yếu thế, Nguyễn Huệ càng đánh sức mạnh càng tăng. Thanh Ô Long đao như một con rồng đen giương nanh vút chụp xuống Bạch Long câu. Cuối cùng, Nguyễn Nhạc phải giục ngựa chạy dài. Liệu đuổi theo không kịp, Nguyễn Huệ liền thâu binh. Nguyễn Nhạc về đến trướng hội các tướng sĩ theo phò ra lệnh lui binh. Ngay đêm đó, quân Nguyễn Nhạc rút quân về Quy Nhơn. Nguyễn Huệ truy kích. Ông Nhạc rút vào thành Quy Nhơn cố thủ. Ông Huệ công vi cả tháng mà không hạ nổi thành bèn đánh chiếm núi Long Cốt, rồi kê súng đại bác bắn vào trong thành. Những nơi hiểm yếu trong thành bị phá. Ông Nhạc liệu không giữ mãi được, bèn lên mặt thành kêu ông Huệ mà khóc:
- Bì òa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn? (nồi da xào thịt, lòng em sao nỡ?).
Nghe tiếng gọi của anh, ông Huệ cũng òa lên khóc. Rồi bãi binh.
Từ ấy, anh em hòa thuận như xưa. Em Bắc, anh Nam, lấy Hải Vân Sơn làm ranh giới. Nguyên nhân xích mích giữa hai anh em nhà Tây Sơn không có chi khác hơn là lòng tự ái. Anh cậy quyền làm lớn, em cậy mình có công. Vì chấp nên sanh sân hận. Một đám lửa giận không dập tắt kịp thời, cháy bùng lên đốt cháy cả rừng tình nghĩa, nhưng rồi một cơn mưa nước mắt thâm tình rưới xuống, bao nhiêu lửa giận đương cháy ngùn ngụt liền tắt ngay. Không có gì bí ẩn.
Tuy nhiên, có nhiều sự giải thích về mối bất hòa kia. Cũng có thuyết nói rằng Nguyễn Phúc Ánh muốn chia rẽ anh em nhà Tây Sơn, nên dùng kế li gián... Trong các bộ sử soạn dưới triều Nguyễn, không có bộ nào chép rõ nguyên nhân. Nếu chính vì nguyên nhân không tốt thì ngòi bút của các sử gia nhà Nguyễn dễ gì đã chịu bỏ qua, dễ gì không đồ đi đồ lại cho thêm đậm nét.
Ba anh em nhà Tây Sơn, từ nhỏ đến lớn đối với nhau trọn niềm thương. Ông Nhạc đối với 2 em trọn vẹn đạo làm anh, chẳng những thương yêu vì ruột thịt mà còn quí trọng vì đức vì tài. Còn ông Huệ cũng như ông Lữ thì kính yêu anh như cha, nhất nhất đều tuân theo mệnh lệnh. Tình như thế, nhưng tánh lại có khác.
Ông Lữ lấy việc sửa mình, thương người làm gốc; còn giàu sang, thua được là chuyện ngoài thân.
Ông Nhạc tuy thiệp thế đa mưu, song có phần bảo thủ, có phần cầu an. Khi chưa có thì xông Nam đột Bắc. Đến khi có rồi thì có bao nhiêu bo bo giữ lấy bấy nhiêu và chấp vào những gì mình đã có.
Ông Huệ thì tài trí vượt hẳn anh. Nhưng khi còn ở dưới quyền anh thì triệt để phục tùng. Khi con chim bằng đã nuôi đủ sức gió để quạt cánh lên chín tầng mây thì không còn ai có thể kiềm chế. Và con chim bằng khi đã bay thì mắt hướng về tương lai chớ đâu mấy khi quay về dĩ vãng.
Nghĩa là tính ông Nhạc tĩnh, tính ông Huệ động. Đó là nguyên nhân sâu xa gây ra sự xích mích giữa hai anh em nhà Tây Sơn. Theo tuyên truyền ở vùng Tây Sơn thì chỉ là do cố chấp. Vì khi anh em đã hết dạ thương yêu nhau thì giận nhau cũng dễ mà thuận lại nhau cũng không mấy khó khăn.
Tháng 3 năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Phúc Ánh kéo đại binh gồm binh thủy, lục, chiếm Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên rồi tiến đánh Quy Nhơn. Thủy binh nhà Nguyễn tiến vào cửa Thị Nại, đánh bại Nguyễn Bảo.
Liệu thế đánh không nổi, vua Thái Đức sai sứ ra Phú Xuân cầu viện. Vua Cảnh Thịnh sai Thái úy Phạm Công Hưng, Hộ giá Nguyễn Văn Huấn, Đại tư lệ Lê Trung và Đại tư mã Ngô Văn Sở đem 17.000 bộ binh và 80 thớt voi phối hợp với Đại thống lĩnh Đặng Văn Châu, đem 30 chiến thuyền đi đường bể vào cứu Quy Nhơn. Nguyễn Phúc Ánh nhận thấy viện binh hùng hậu, không thể đánh chống nổi, liền rút đại quân về Diên Khánh.
Vua Thái Đức mở rộng cửa thành đón quân Phú Xuân. Phạm Công Hưng vào thành, truyền giải giáp quân vua Thái Đức và sai quân chiếm giữ tất cả kho tàng. Ngô Văn Sở can ngăn, nhưng không được. Vua Thái Đức trước tình cảnh này, uất lên thổ ra huyết mà chết. Thọ 52 tuổi, ngự cốt được đưa về chôn trong vùng rừng núi Tây Sơn.

2. Nguyễn Huệ
Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu (1753?), nhỏ hơn Nguyễn Nhạc 10 tuổi.
Nhờ gia đình khá giả và có chí lớn nên ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ sau khi thọ giáo ở Bàng Châu, đến An Thái theo học thầy Trương Văn Hiến cả văn lẫn võ.
Nhờ thân vóc mạnh mẽ, nên ông Huệ chuyên về môn sử dụng đao, ngoài những môn võ khác. Môn đao phát huy được sức mạnh trời cho của Nguyễn Huệ. Ngoài ra, ông còn chú trọng nghiên cứu binh thư, nhất là đọc rất kỹ 2 bộ binh pháp của Tôn Tử và Trần Hưng Đạo.
Thời gian theo thầy học tập của Nguyễn Huệ lâu hơn cả. Sau khi cha mất, Nguyễn Nhạc phải trở về Kiên Mỹ nối nghiệp cha, Nguyễn Lữ thì xuất gia tu hành.
Nguyễn Huệ sinh sau Nguyễn Nhạc, nên được gọi là chú Ba. Người dân địa phương gọi ông Nhạc là ông Hai Trầu, ông Huệ là chú Ba Bình, ông Lữ là thầy Tư Lữ. Sở dĩ ông Huệ được gọi là Bình, vì tên bà vợ ông Nhạc là Trần Thị Huệ nên để tránh trùng tên với người chị dâu, gia đình mới gọi ông Huệ là Bình. Tên Bình có từ nhỏ. Ngoài ra, ông Huệ còn do người dân địa phương đặt là chú Ba Thơm. Có tên Thơm là vì hoa huệ có hương thơm, nên gọi Thơm thay cho Huệ. Đây là một tục lệ kiêng cữ của nhân dân địa phương, đối với một vị anh hùng.
Sau khi ông Nhạc gây được cơ nghiệp, ông xuống thăm thầy và được Trương Công khuyên nên lo việc lớn. Đoạn gọi ông Huệ ra bảo:
- Nay con đã lớn khôn, tài nghệ cũng đã vững vàng. Con hãy về nhà giúp anh gây nghiệp lớn.
Ông Huệ về nhà, kết duyên cùng bà Phạm Thị Liên, người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn (Tây Sơn).
Bà họ Phạm sanh được 2 trai là Nguyễn Quang Thùy, Nguyễn Quang Bàng.
Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc được tôn làm Tây Sơn vương. Đất Tây Sơn trở thành một tiểu quốc. Nguyễn Huệ được giao trọng trách tổ chức và huấn luyện quân sự cho nghĩa binh. Phụ tá có các ông Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Võ Văn Dũng. Hằng ngày lo luyện tập cho binh sĩ các môn: côn, quyền, đao, kiếm, bắn cung, cỡi ngựa, ghép thành đội ngũ. Ngoài ra, còn kết hợp với sản xuất làm ruộng, phá rừng, trồng hoa màu...
Mọi tổ chức được thực hiện trong im lặng. Người dân địa phương rất tán đồng và hợp tác chặt chẽ.
Nhân việc đồn Vân Đồn không chịu nạp thuế, Đốc trưng Đằng được lệnh viên Tri huyện Tuy Viễn đem binh vấn tội và bị đánh tan, anh em nhà Tây Sơn dời bộ tham mưu lên An Khê và Nguyễn Huệ lại tích cực hơn trong việc tổ chức quân đội.
Tháng 8 năm Quý Tỵ (1773), quân Tây Sơn chiếm huyện Tuy Viễn và đánh thành Quy Nhơn. Nguyễn Huệ phụ trách lo tuyến sau, tổ chức phòng thủ, tuyển mộ và huấn luyện quân sĩ, đồng thời đôn đốc việc tăng gia sản xuất. Phụ tá có các tướng Bùi Thị Xuân, Võ Đình Tú, Võ Xuân Hoài.
Bà Phạm Thị Liên sau khi sanh Nguyễn Quang Bàng vài năm thì bị bệnh mất. Sau đó, Nguyễn Huệ cưới bà Bùi Thị Nhạn, người thôn Xuân Hòa, con gái út của ông Bùi Đắc Lương. Ông Lương sanh được 3 con trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung, Bùi Đắc Tuyên và 2 gái là Bùi Thị Loan và Bùi Thị Nhạn. Bà Bùi Thị Xuân là con của Bùi Đắc Chí, gọi Nhạn bằng cô. Bà Nhạn lại là tỳ tướng của bà Xuân.
Trong giai đoạn khởi nghĩa, ông Huệ chưa tham gia trực tiếp chiến đấu mà chỉ lo vấn đề hậu cần.
Mùa thu năm Giáp Ngọ (1774), viên Lưu thủ đất Long Hồ trong Nam là Tống Phước Hiệp cùng Nguyễn Khoa Toàn cử đại binh ra đánh chiếm Bình Thuận, rồi Diên Khánh và kéo binh làm 2 đạo kéo ra Phú Yên. Quân bộ thì đóng tại Xuân Đài thuộc huyện Đồng Xuân, quân thủy thì đóng ở đầm Lãnh Úc, nằm về đông nam Đồng Xuân.
Nguyễn Huệ được triệu xuống Quy Nhơn, đảm trách cầm quân chinh Nam.
Nhận được lệnh, Nguyễn Huệ liền trao nhiệm vụ phòng giữ Tây Sơn lại cho Bùi Thị Xuân và Võ Đình Tú quản đốc, rồi đem binh người dân tộc thiểu số mới vừa rèn luyện xong, xuống Quy Nhơn. Đoàn quân người dân tộc, do Nguyễn Huệ tổ chức, huấn luyện và chỉ huy. Người nào cũng cao lớn, gan dạ. Sử dụng vũ khí nhuần nhuyễn. Mác phóng ra trăm phát trăm trúng. Ná bắn liên tiếp không cần nhắm cũng trúng đích. Lại có tài cưỡi ngựa: ngựa đang chạy, nhảy lên lưng một cách nhẹ nhàng. Ngựa đang phi, nhảy xuống rất gọn gàng. Ra trận, chỉ biết tiến tới chớ không biết lui. Họ hết lòng với Nguyễn Huệ, vì họ nhận thức là chủ tướng của họ tài cao, lượng rộng, đối với họ hết tình hết nghĩa và nhất là họ tin đó là người của trời sai xuống để điều khiển họ.
Việc Nguyễn Huệ được thanh Ô Long đao đã xác nhận uy tín của "tướng nhà trời"...
Nguyễn Huệ dẫn quân vượt đèo Cù Mông vào Phú Yên, hợp cùng hai tướng Nguyễn Văn Lộc trấn thủ Phú Yên và tướng Lê Văn Hưng trấn thủ Diên Khánh (đang rút quân về trú tại Phú Yên). Quân Tây Sơn cắt đứt liên lạc giữa thủy binh và bộ binh của địch, rồi chia quân làm hai, cùng lúc đánh Xuân Đài và Lãnh Úc. Tống Phước Hiệp đang ở trong tình trạng nghi ngờ về động tịnh của quân Tây Sơn thì bị đánh úp. Không kịp ứng phó, binh nhà Nguyễn cả thủy lẫn bộ đều bị tiêu diệt. Tống xuống ghe tẩu thoát được về Nam. Thắng trận, Nguyễn Huệ rút về Quy Nhơn. Tin thắng trận được báo về Bắc cho chúa Trịnh (lúc bấy giờ Nguyễn Nhạc đã liên kết với chúa Trịnh), Nguyễn Huệ được phong làm Tây Sơn hiệu Tiên Phong Tướng Quân.
Tháng 3 năm Đinh Dậu (1777), nhân việc lủng củng giữa các bầy tôi của chúa Nguyễn, Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ được lệnh đem thủy binh vào đánh Gia Định. Lý Tài sau khi phản Tây Sơn chạy vào Nam, tôn Đông cung Nguyễn Phúc Dương làm Tân Chính vương, đóng quân tại Sài Côn, bị Nguyễn Huệ đánh tan. Lý Tài chạy trốn về Chiêu Thái. Thái Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần chạy qua Long Xuyên. Tân Chánh vương chạy đến Vĩnh Long. Cả hai đều bị bắt giết. Các quan văn võ nhà Nguyễn đều qui hàng. Nguyễn Huệ lại về Quy Nhơn.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế, Nguyễn Huệ được phong chức Long Nhương Tướng Quân.
Tháng 3 năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Huệ theo phò Nguyễn Nhạc, đem 200 chiếc thuyền vào đánh Gia Định, đuổi Nguyễn Phúc Ánh chạy hết nơi này đến khác, từ Gia Định đến Hậu Giang. Chỉ trong vòng hai tháng đã bình định xong. Lại khải hoàn về Quy Nhơn, sau đó ít lâu Nguyễn Phúc Ánh lại trở về Gia Định.
Đầu năm Quí Mão (1783), Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ, Lê Văn Hưng, Trương Văn Đa cử đại binh vào Gia Định. Nguyễn Phúc Ánh đại bại, chạy đến Lật Giang rồi chạy sang Mỹ Tho, rồi Ba Thắc và cuối cùng chạy xuống Hà Tiên để xuống thuyền chạy ra Phú Quốc. Được ít lâu lại sang Xiêm để xin cầu viện.
Nguyễn Huệ lại rút quân về Quy Nhơn để Trương Văn Đa ở lại trấn thủ Gia Định.
Trong trận chinh phạt này, Nguyễn Huệ thu phục được một tướng tài của nhà Nguyễn là Nguyễn Huỳnh Đức. Huỳnh Đức bị Lê Văn Hưng bắt sống trên ngựa.
Nhân việc Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền tại Bắc Hà, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra bắt giết đi. Sau Vũ Văn Nhậm lại lộng quyền, nên năm 1788, Nguyễn Huệ kéo binh ra bắt giết Vũ Văn Nhậm và ra lời hiệu triệu mời các danh sĩ Bắc Hà tham gia vào quốc sự. Hai danh sĩ Bắc Hà là Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích ra cộng tác với nhà Tây Sơn. Ngô Thời Nhậm được phong làm Tả Thị Lang bộ Lại tước Tinh Thái Hầu cùng với Võ Văn Ước coi tất cả các quan văn võ nhà Lê. Phan Huy Ích được phong Thi Trung Ngự Sử, theo Nguyễn Huệ về Phú Xuân.
Bắc Bình vương mở tiệc khoản đãi các quan văn võ trước khi lên đường về Phú Xuân. Trong bữa tiệc, vương nói:
- Ta giao quyền cho Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, có Phan Văn Lân và các tướng phụ tá; đó là nha trảo của ta. Còn Chương phủ Nguyễn Văn Dụng, Hộ Bộ Thị Lang Trần Thuật Ngôn là tâm phúc của ta. Còn lại Bộ Tả Thị Lang Ngô Thời Nhậm là tân thần. Nay ta giao việc quân quốc mười một trấn ở Bắc Hà cho các khanh, cho phép các khanh được tiện nghi hành sự nhưng phải hội đồng thương nghị với nhau, đừng lấy lẽ mới cũ mà chống đối, ấy là chỗ hậu vọng của ta.
Lại nói:
- Còn Lê Tự Hoàng là do ta lập nên. Tánh tình ám muội nên sớm rước lấy bại vong, nay để cho Sùng Nhượng công làm giám quốc, e tương lai Tự Quân lại cùng Sùng Nhượng tương tranh, nên bất đắc dĩ ta phải để Tư đồ Ngô Văn Sở ở lại giúp đỡ Sùng Nhượng, chờ lúc nào bốn phương yên tĩnh thì ta lập tức triệu Tư đồ về. Thật lòng ta không phải lấy đất Bắc Hà này đâu.
Rồi cùng tướng sĩ lên đường trở về Phú Xuân.
Năm Giáp Thìn (1784) Nguyễn Phúc Ánh sang Xiêm cầu viện, vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng làm chủ tướng và Chiêu Sương làm tiên phong, đem hai vạn thủy quân và 300 chiến thuyền hợp cùng đạo quân của Châu Văn Tiếp vượt biển sang Gia Định. Mặt bộ thì do Lục Cổn và Sa Uyển đem hai đạo binh gồm 3 vạn người tiến sang Chân Lạp rồi kéo vào Gia Định. Trấn thủ Gia Định là Trương Văn Đa vừa đánh vừa lui để bảo toàn lực lượng. Quân Xiêm chiếm được nửa Gia Định.
Nguyễn Huệ được cử đi tảo trừ. Có Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân tháp tùng.
Thủy binh Tây Sơn vào cửa Cần Giờ, nhưng không vào Vũng Tàu để lên Gia Định như mấy lần trước, mà đi thẳng vào Nam, theo cửa sông Tiền Giang, kéo đến Mỹ Tho, gặp Trương Văn Đa đóng quân tại đó.
Nguyễn Huệ sai Trương Văn Đa về giữ thành Gia Định, còn mình đóng quân tại Mỹ Tho.
Mỹ Tho lúc ấy là Trường Đồn, đất đai phì nhiêu, rừng núi hiểm trở, sông ngòi lưu thông. Có thành bằng đất, chu vi độ bốn dặm, có hai cửa tả, hữu, hào rộng 4 trượng, ngoài cửa có cầu ván vững chắc bắc qua hào, ngoài hào còn có lũy che chở. Trước mặt đồn có sông Đại Giang gọi là sông Mỹ Tho, một chi lưu của sông Tiền Giang. Mặt sau có sông Vàm Cỏ Tây. Nước sông theo thủy triều mà lên xuống, rất thuận lợi cho việc giao thông. Ở phía Tây đồn lại có một cánh rừng rộng làm hào thành. Rừng ngập sình lầy và mọc toàn dừa nước, nên tục gọi là Rừng Dừa. Địa thế khá hiểm trở.
Trên sông Đại Giang, tức sông Mỹ Tho, lại có một khúc sông dài, vừa rộng vừa sâu. Đó là nhờ nước sông Sầm Giang, tục gọi là Rạch Gầm và sông Hiệp Đức, tục gọi là Rạch Cái La hay Rạch Xoài Mút, chảy vào, tăng lưu lượng cho nước sông Tiền Giang. Từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, sông dài năm dặm (khoảng 6 cây số) và rộng gần cả dặm (1 cây số), thủy triều lên thì nước tràn đầy, khi xuống vẫn không cạn. Giữa sông có một gò đất bồi, chu vi khoảng 5 dặm, gọi là cù lao Thới Sơn và một cù lao nhỏ, gọi là cù lao Hộ hay bãi Tôn… Hai bên bờ sông và trên cù lao lau lách và cây bần mọc um tùm và không có vết chân người qua lại.
Nguyễn Huệ dùng khúc sông Rạch Gầm, Xoài Mút và Rừng Dừa làm trận để diệt quân thù. Vì quân Xiêm - Nguyễn tập trung toàn bộ lực lượng cả thủy, bộ quá lớn tại Sa Đéc, không thể nào đánh thẳng vào đại doanh, nên phải dụ địch ra ngoài nơi lợi thế cho mình.
Nguyễn Huệ cho thủy binh mai phục trong các nhánh sông Rạch Gầm, Xoài Mút và trong những con sông nhỏ chảy quanh các cù lao. Còn bộ binh thì một đạo mai phục ở hai bên bờ sông và trên cù lao Thới, trên bãi Tôn, một đội mai phục nơi Rừng Dừa. Thủy binh do Nguyễn Huệ và Võ Văn Dũng chỉ huy. Bộ binh do vợ chồng Trần Quang Diệu điều khiển...
Chiều ngày mồng chín tháng chạp năm Giáp Thìn (1785) Võ Văn Dũng kéo binh đi khiêu chiến. Chiêu Tăng thống lãnh toàn thủy bộ binh ra quân.
Bộ binh do Lục Côn chỉ huy, theo tả ngạn sông Tiền Giang xuống, thủy binh do Chiêu Sương làm tiên phong kéo thẳng xuống sông Mỹ Tho.
Hai đạo thủy bộ đều có tướng sĩ của Nguyễn Phúc Ánh dẫn đường, hẹn nhau sau khi chiến thắng Mỹ Tho thì đồng kéo nhau ra đánh thành Gia Định.
Trời tháng chạp quang đãng. Trăng thượng huyền treo cao. Quân giặc kéo đi rầm rộ. Nhưng không thể tiến nhanh, vì trên bờ lau lách cản chán, dưới sông nước triều dâng cuồn cuộn.
Võ văn Dũng vừa đánh vừa lui.
Đến giang đầu sông Mỹ Tho thì trời bắt đầu tối, đèn đuốc trên thuyền đôi bên thắp sáng rực trời. Thuyền Tây Sơn núp trong Rạch Gầm kéo ra, hợp lực cùng thuyền Võ Văn Dũng chận không cho thuyền giặc tiến. Đợi khi trăng sắp lặn, thủy triều sắp rút thì Võ Văn Dũng trá bại. Thuyền giặc ra sức đuổi theo. Đến Rạch Gầm, một phần lớn thuyền Tây Sơn tắt hết đèn đuốc, rẽ vào rạch, còn phần nhỏ thì chạy theo dòng sông Mỹ Tho. Thuyền giặc cứ trông theo ánh sáng mà đuổi. Khi thuyền giặc đã lọt trọn vào trận địa phục kích thì một tiếng pháo lệnh nổ vang. Thuyền của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, từ rạch Xoài Mút và các sông nhỏ kéo ra chận đánh. Đồng thời, súng đại bác trên cù lao Thới và hai bên bờ sông nã liên thanh vào thuyền giặc. Bị đánh thình lình, Chiêu Sương hoảng hốt cho thuyền dừng lại. Thuyền trước dừng một cách đột ngột, nhưng đoàn thuyền đi sau đương đà tiến nhanh theo nước triều rút, không sao hãm kịp, bị va vào nhau hết lớp này đến lớp khác. Đoàn thuyền đi sau rốt vừa quay trở lại thì bị thuyền ở Rạch Gầm kéo ra đánh thối lui vào trận địa.
Phần trước bị chận đánh, sau đuổi đánh, phần bị hai bên hông và trên đầu đại bác nã, phần thuyền va vào nhau, hàng ngũ rối loạn, hết phương day trở, hết phương chống đỡ, thuyền địch lớp bị tan vỡ lớp bị bắn chìm, không còn một chiếc. Quân giặc lớp nhảy xuống nước bị chết chìm, trăm phần không còn được một, hai. Thế là 300 chiến thuyền và hai vạn thủy binh của Xiêm và một số quân của Nguyễn Phúc Ánh hoàn toàn bị tiêu diệt.
Còn đạo bộ binh của giặc đang đi, bỗng nghe đại bác nổ, liền dừng bước. Thình lình, trong lau lách, phục binh của Tây Sơn vừa hét, vừa xông ra. Lục Côn trở tay không kịp, bị Bùi Thị Xuân chém bay đầu. Quân giặc hết hồn, bỏ chạy tán loạn, nhưng sau lưng có quân đánh, hai bên tả, hữu cũng có quân đánh, chúng ùa nhau chạy về phía trước, nhảy ào vào rừng dừa. Hai vạn quân Xiêm và số quân nhà Nguyễn, lớp bị đao kiếm, lớp bị sình lầy, chết không còn một mống.
Trời vừa rạng đông thì chiến cuộc vừa chấm dứt. Quân Tây Sơn toàn thắng. Chiêu Tăng, Chiêu Sương trốn thoát chạy về Sa Đéc bị truy kích phải chạy bộ về Xiêm. Nguyễn Phúc Ánh hết trốn nơi này đến trốn nơi khác. Cuối cùng phải xin tỵ nạn tại Xiêm.
Nguyễn Huệ giao Gia Định cho Trương Văn Đa, rồi cùng Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân kéo đại binh về Quy Nhơn.
Tháng 10 năm Mậu Thân 1788, Lê Chiêu Thống rước quân Mãn Thanh về nước. Ngô Văn Sở dùng chiến thuật rút lui để bảo toàn lực lượng. Thành Thăng Long giặc tràn vào dễ dàng, dương dương tự đắc. Vua tôi nhà Lê tha hồ trả thù nợ cũ. Nhân dân đau khổ cùng cực.
Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ sai đắp đàn ở Bằng Sơn (núi Ngự Hành) làm lễ cáo trời đất, lên ngôi Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Quang Trung.
Ngay hôm đăng quang, vua Quang Trung tự thống lĩnh thủy bộ đại binh, đốc xuất tướng sĩ ở tế đàn kéo rốc ra Bắc. Đi đầu là một lá cờ vuông to lớn, nền đỏ thắm, giữa thêu mặt trời vàng rực rỡ, tượng trưng cho hiệu Quang Trung. Để cho quân đi mau chóng và ít mệt, nhà vua cấp cho ba người một cáng tre, hai người khiêng một, luân phiên nhau, đi gấp ngày đêm ra Nghệ An Đến nơi là ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân.
Nhà vua mời La Sơn phu tử đến vấn kế. Phu tử là người học rộng, đạo cao, danh lừng khắp Nam Bắc.
Kỳ ra Bắc lần đầu tiên để diệt Trịnh, đến Nghệ An, Nguyễn Huệ viết thư mời ba lần, lời lẽ khiêm tốn, xin cụ làm quân sư. Cụ một mực từ chối.
Kỳ thứ hai khi ra dẹp Vũ Văn Nhậm, lại cho người mời cụ đến hội kiến. Bị sứ giả thôi thúc, bất đắc dĩ cụ ra gặp Nguyễn Huệ ở núi Nghĩa Liệt, Huệ có ý bất bình, nói:
- Nghe tiếng tiên sinh, mong được gặp mặt. Sao tiên sinh lại có ý khoái thác? Hay tiên sinh coi Huệ này không phải là anh hùng.
Cụ đáp:
- Trịnh thị tiếm lộng đã 200 năm. Tướng quân nhất cử mà bài diệt được, thổ địa đều giao lại cho vua Lê. Công đức như thế, ai lại không cho tướng quân là anh hùng. Nhưng nếu tướng quân nhân tai nạn của người mà làm lợi cho mình, ấy là dối lấy nghĩa trước, thâu lấy lợi sau thì đó là gian hùng.
Huệ cung kính nói:
- Người đời gọi tiên sinh là "Thiên Hạ Sĩ", thật không sai.
Huệ nài nỉ xin cụ ra giúp. Cụ lấy cớ tuổi già, sức yếu, xin được ở yên nơi sơn lâm.
Kỳ này được thư mời, cụ đến ngay và nói :
- Quân Thanh ở xa mới tới, không biết quân ta mạnh yếu thế nào, địa thế nước ta hiểm trở ra sao? Không biết nên đánh hay nên giữ. Chúa công ra đây, nên đánh gấp thì không quá mười ngày nhất định tiêu diệt được địch.
Vua Quang Trung mừng rỡ:
- Thật hợp ý ta!
Nhà vua đóng quân ở Nghệ An để tuyển mộ thêm quân, trữ thêm lương thực. Sau mươi hôm, quân mới, cũ tính hơn 10 vạn, trên 200 thớt voi và 5.000 con ngựa. Quân sĩ đều mặc áo cặp nẹp đỏ, đội mũ ngù kết tua đỏ. Cho nên trong Đại Nam quốc sử diễn ca có câu nói về binh sĩ Tây Sơn.
Quân dung đâu mới lạ thường
Mũ mao áo đỏ chật đường kéo ra.
Còn lương thì lấy gạo xay thành bột làm bánh tráng.
Đồ ăn thì xẻ trâu bò thành từng khúc, luộc chín, có tẩm gia vị để khô, gọi là thịt bò thưng.
Tân binh đều được tập luyện hằng ngày. Nhà vua cưỡi voi đi xem tập luyện và ban lời phủ dụ mọi người.
Khi duyệt trận, nhà vua gặp được bạn cũ là Đặng Văn Long, liền phong cho Đặng chức Đại Đô Đốc cùng đi bình Bắc. Sau khi chuẩn bị đầy đủ, nhà vua hạ lệnh trẩy quân.
Ngày 20 tháng chạp cùng năm, đại binh tới Tam Điệp; Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm, Phan Văn Lân ra chịu tội, nhà vua cười nói:
- Ta biết đây là kế của Ngô Thị Lang. Lui quân về tránh thế giặc, trong khuyến khích sĩ khí, ngoài phấn khích lòng kiêu ngạo của giặc. Kế dụ địch vào chỗ hiểm yếu của ta như thế là phải. Các khanh không có tội chi cả.
Lại nói:
- Chúng nó sang chuyến này là mua lấy cái chết đó thôi. Ta định mẹo cả rồi. Dẹp yên quân giặc chỉ trong mười ngày là xong, nhưng giữ yên bờ cõi sau này là ta phải nhờ đến Ngô Thị Lang.
Đoạn lo chỉnh đốn quân ngũ, cắt xếp tướng tá, hoạch định đường hướng.
Hai trận ra Thăng Long, vua Quang Trung đã nhìn thấy rõ địa hình địa thế của Bắc Hà và khi dừng binh ở Nghệ An, nhà vua đã mật sai quân đi do thám để nắm vững tình hình của địch. Nhà vua chia thân binh Thuận, Quảng làm bốn dinh Tiền, Hậu, Tả, Hữu, còn tân binh Nghệ An thì làm Trung quân.
Trung quân, do nhà vua trực tiếp điều khiển.
Để trưởng dưỡng thêm lòng kiêu căng của địch, nhà vua sai Trần Danh Bình cầm đầu sứ bộ tám người mang lễ vật và văn thư ra "tha thiết" xin quan Đại Nguyên soái của thiên triều dừng quân để tra xét cho rõ vì sao Tây Sơn phải thay quyền nhà Lê. Sứ bộ còn trả lại cho Tôn Sĩ Nghị 40 người Trung Hoa, do tướng cướp Đắc Thiện Tống cầm đầu đã bị quân Tây Sơn bắt được. Tôn Sĩ Nghị chém Trần Danh Bình, chém luôn cả Đắc Thiện Tống và cầm tù phái đoàn sứ giả.
Mọi việc chuẩn bị, nhà vua cho mở tiệc linh đình vào ngày 29 tháng chạp để thiết đãi tướng sĩ, trong bữa tiệc nhà vua nói:
- Bữa nay ta hãy ăn Tết Nguyên Đán trước. Sang xuân, ngày mồng 7, vào Thăng Long, sẽ mở tiệc ăn tết Khai Hạ.
Lại nói:
- Xuân sang, một ăn Tết, hai là chịu chết. Tướng sĩ phải hết lòng cùng ta.
Ai nấy đều hớn hở vui mừng.
Sáng hôm sau, 30 tháng chạp, nhà vua truyền lệnh xuất quân. Vua nói:
- Ta đến mà địch không biết là ta thức địch ngủ. Ta đánh mà địch không đề phòng là ta chém kẻ tay không. Ta nhất định thắng.
Tiếng hoan hô vang trời. Khí thế mạnh chuyển núi.
Quân Tây Sơn đến đâu cũng được nhân dân địa phương hoan nghênh đến đón. Nơi này mổ bò, heo thiết đãi, nơi kia đem bánh chưng, bánh tét ra dâng. Nhân dân Bắc Hà, lúc trước, hết bị khiêu binh của chúa Trịnh lộng hành gieo tai họa lên đầu, đến bị Lê Chiêu Thống rước ngoại bang về giày xéo trên thân xác, nên đã coi quân Phú Xuân như những đoàn hiệp sĩ cứu khổ phò nguy, nên nhiệt tình ủng hộ.
Chưa hết ngày 30, nghĩa quân đã qua khỏi sông Giản Thủy ở Ninh Bình. Hoàng Phùng Nghĩa, cựu thần nhà Lê, do Tôn Sĩ Nghị sai đóng quân giữ Sơn Nam, nghe đại binh kéo tới, chưa giáp trận đã bỏ chạy về Hà Nam. Vua Quang Trung cho quân đuổi theo đến Phú Xuyên (Hà Đông) thì bắt trọn cả tướng lẫn quân. Bọn quân xích hầu của giặc cũng bị giết không còn một mống. Nhờ vậy mà mối liên lạc giữa quân địch bị cắt đứt hẳn.
Các đồn đóng ở phía ngoài không hay biết chi cả, nghĩa quân lặng lẽ kéo ra.
Mồng ba tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), lúc nửa đêm, nghĩa quân vây đồn Hà Hồi. Quân Thanh đang say ngủ, nghe tiếng reo hò, tiếng trống trận vang rền như sấm ngoài chiến lũy, khiếp sợ không còn gan chống cự, vội vã kéo cờ hàng.
Nghĩa binh lấy trọn quân lương và khí giới.
Qua đêm mồng ba, vừa cuối canh tư, nhà vua sai dồn tất cả lương thực vào một chỗ, rồi cho đốt sạch và bảo tướng sĩ:
- Hễ thắng giặc thì được no, thua giặc thì chết đói.
Lại lấy mấy thước khăn vàng quấn vào cổ và thề:
- Nếu không thắng được giặc thì chết với khăn này chớ nhất định không lui.
Đoạn xắn tay áo, xách Ô Long đao, nhảy lên mình voi, thúc quân đánh chiếm đồn Ngọc Hồi. Voi trận đi trước, quân lính theo sau. Đi như gió cuốn.
Tướng Mãn Thanh nghe tin, kéo binh ra trận đánh, nhưng vừa trông thấy voi, ngựa sợ cuống, hí lên những tiếng kinh hoàng rồi chạy tán loạn. Quân Thanh bị rối hàng ngũ, không dám giao chiến, phải rút lui vào giữ đồn.
Đồn quá kiên cố, mặt ngoài lũy đều cắm chông sắc và đặt phục lôi. Trong đồn lại bắn súng ra như mưa xối.
Vua Quang Trung truyền lấy 60 tấm ván dày, cứ 3 tấm ghép vào một phên, mặt ngoài ván phủ rơm trộn với đất ướt. Rồi cử mười người, lưng đeo đoản đao, khiên một tấm phên ván đi trước, theo sau 20 người cầm vũ khí tiến theo thế trận chữ nhất.
Nhà vua cưỡi voi theo sau đốc xuất.
Đạn bắn rào rào, quân ta không hề lui một bước, vượt chông sắt, phá tan cửa lũy, tràn vào đồn. Quân địch không còn dùng súng được nữa. Quân ta quăng ván, đánh xáp lá cà, nhanh như chớp, mạnh như bão, giết quân địch như thái rau. Quân địch không cự nổi, bỏ chạy, lớp dày đạp lên nhau, lớp chạy đạp phải địa lôi, lớp chết lớp bị thương, còn bao nhiêu bị bắt sống, tướng Mãn Thanh là Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tiên phong Trương Triệu Long, Tả dực Thượng Duy Thăng, đều tử trận.
Đồn Ngọc Hồi giữ vị trí quan trọng nhất trong hệ thống phòng ngự của địch, lực lượng có trên 3 vạn quân tinh nhuệ. Đồn bị tiêu diệt, quân tử trận và bị bắt hơn 2 phần. Còn chừng một phần sống sót, kéo nhau chạy ra ngả Thăng Long. Chẳng ngờ đến gần Văn Điển thì bị quân Tây Sơn đã bố trí sẵn, chận đánh. Quân địch phải thối lui, chạy qua cầu Vinh, sang vùng Đầm Mực.
Đại Đô đốc Nguyễn Văn Bảo, từ Sơn Minh đem tượng binh đến Đại Áng. Khi có tin quân địch từ Ngọc Hồi chạy lên thì đem voi ra bao vây. Quân địch lớp chôn thây trong bùn, lớp bị voi chà, không còn một tên sống sót.
Lực lượng Ngọc Hồi bị tiêu diệt toàn bộ.
Trong khi đó, đồn Khương Thượng cũng bị Đại Đô đốc Đặng Văn Long tiêu diệt.
Tại bản doanh, Tôn Sĩ Nghị đang theo dõi mặt trận phía Nam, bỗng được tin Ngọc Hồi rồi Khương Thượng bị tiêu diệt và binh vua Quang Trung đương kéo đến kinh thành. Còn đương lúng túng, chưa biết liệu thế nào, thì binh Đại Đô đốc Long từ Khương Thượng đã kéo vào Thăng Long, sát khí ngùn ngụt.
Nghị sợ quá, không kịp mặc áo giáp, không kịp thắng yên ngựa, hớt hải cùng toán kỵ binh hầu cận bỏ cung Tây Long, vượt cầu phao, chạy qua sông Nhị. Tướng sĩ thấy chủ tướng bỏ chạy, rùng rùng chạy theo, lấn nhau qua cầu phao. Cầu không chịu nổi sức nặng, bị đứt, ném tung hàng vạn quân địch xuống sông.
Tôn Sĩ Nghị cùng đám tàn quân nhắm ải Nam Quan mà chạy. Nhưng chạy đến đâu cũng bị quân của Đô đốc Lộc đánh giết. Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ tất cả sắc thư, ấn tín, để lo chạy thoát thân. Chạy bảy ngày bảy đêm mới đến trấn Nam Quan đói cơm, khát nước.
Vua Chiêu Thống cũng chạy theo Tôn Sĩ Nghị.
Đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương cũng bị Đô đốc Tuyết đánh bại.
Riêng đạo quân Thanh đóng ở Sơn Tây, tuy không bị tấn công, nhưng cũng hoảng sợ rút chạy về nước.
Quân Mãn Thanh bị quét sạch.
Bắc Hà hoàn toàn được giải phóng.
Chiều mồng năm tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung kéo quân vào thành Thăng Long trong không khí tưng bừng. Chiếc chiến bào đỏ thắm của nhà vua đã bị thuốc súng nhuộm thành màu đen.
Nhà vua vào Thăng Long trước kỳ hẹn hai ngày.
Trăm họ chật đường nghênh tiếp.
Tiếng reo hò của nhân dân và binh sĩ vang dội một góc trời.
Theo đúng lời hẹn, vua Quang Trung cho tướng sĩ ăn Tết một lần nữa.
Nhân dân trong và ngoài thành cũng đua nhau mở tiệc vui, tưng bừng nhộn nhịp.
Và trên kỳ đài thành Thăng Long ngọn cờ đỏ mặt trời vàng bay phất phới.
Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1789), giao phó việc cai trị Bắc Hà cho Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhậm, vua Quang Trung trở về Phú Xuân, lo sửa sang việc nước.
Mùa xuân năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung hay tin Nguyễn Phúc Ánh đã chiếm được Gia Định và kéo quân ra đánh Quy Nhơn, bèn nổi giận:
- Giống cỏ gấu không diệt tận gốc, cứ nảy ra hoài! Liền chuẩn bị kéo đại binh vào đánh. Kế hoạch là lục quân từ trên đánh xuống, thủy quân từ dưới đánh lên bao vây mặt biển, cắt đứt đường núi, không cho quân Nguyễn chạy thoát.
Mọi việc đã sắp đặt chu đáo thì thình lình nhà vua bị cảm. Bệnh mỗi ngày mỗi nặng. Bèn triệu Trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô ra Nghệ An và việc đi đánh Nguyễn Phúc Ánh, nhưng rồi biết mình không còn sống lâu được nữa, liền trối:
- Ta mở mang bờ cõi gồm cả miền Nam, nay bệnh tình của ta không thể khá được mà thái tử thì còn nhỏ. Phía trong thì bọn quốc cừu hoành hành ở Gia Định. Còn anh ta thì tuổi già, cầu an, không lo hậu họa. Ta chết rồi, trong vòng một tháng phải lo việc tống táng cho xong. Các khanh phải đồng lòng phò thái tử và sớm lo việc Thiên đô để khấu chế thiên hạ. Nếu không vậy, binh Gia Định kéo đến, các khanh không có đất chôn thây.
Nói rồi băng.
Băng tại điện Trung Hòa, ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), thọ 40 tuổi.
Qua tháng 8, triều đình mai táng vua Quang Trung tại phía nam sông Hương.
Vua Thái Đức được tin, kêu lên một tiếng "Em ơi" rồi khóc ngất. Đoạn lo sắm sửa đi điếu tang, nhưng đình thần can gián. Nhà vua bèn sai La Xuân Kiều soạn một bài văn tế rồi cử Võ Xuân Hoài và Đặng Xuân Phong thay mình mang tế vật ra Phú Xuân.
Bài văn tế viết bằng văn Nôm có những câu:
Công điếu phạt Nam rồi lại Bắc, tiếng anh hùng vang dội sấm mười phương.
Tình tích linh ruột nối liền gan, đường u hiển rã rời tơ chín khúc.
Trời Quy Nhơn ảm đạm màu thu
Đất Thuận Hóa não nùng tiếng cuốc.
Trung Quốc cũng được cáo tang. Vua Thanh sai Hậu bổ Quảng Tây là Thành Long sang Thăng Long phúng điếu. Trong điếu văn có câu:
Chúc ty Nam cực hiệu trung đặc tưởng kỳ xu triều
An phách Tây Hồ, một thế vô song ư luyến khuyết.
Nghĩa là:
Cõi Nam phục thay quyền, tưởng lúc xu triều công đáng nể
Chốn Tây Hồ an phách, tấm lòng luyến khuyết chết không phai.
Vua Thanh, ngoài việc cấp tặng một tượng Phật và 3.000 lượng bạc cũng ngự chế một bài thi "Ai Thuật".
Ngoại bang lễ dĩ hiến bồi thần
Cẩn triễn tùng vô (... ) kỷ thân
Nạp khoản tối gia lai ngọc khuyết
Hoài nghi kham tiến đại kim nhân
Thu trung thượng ức y quan túc
Tấc hạ hồn như phụ tử thần
Thất xích bất năng tận ai thuật
Lân kỳ trung khốn xuất trung chân
Nghĩa là:
Sai khiến bồi thần lễ ngoại bang
Ít ai khứng chịu nhọc mình sang
Nào khi nạp khoản qua đầm ngọc
Không dạ hồ nghi thế tượng vàng
Dưới gối in như tình phụ tử
Giữa thu còn nhớ bộ y quan
Hồng la bảy thước không cùng chuyện
Ngay thật riêng thương tấc dạ chàng.
(Bùi Văn Lăng dịch)

3. Nguyễn Lữ
Nguyễn Lữ sanh năm Giáp Tuất (1754), tại làng Kiên Mỹ, huyện Tuy Viễn. Là em thứ ba sau Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ. Lớn lên theo hai anh xuống Bàng Châu thụ giáo Đinh Công hai năm rồi lên An Thái, theo học văn lẫn võ cùng thầy Trương Văn Hiến.
Vốn người mảnh khảnh, tánh nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Khác với hai anh, ông học văn nhiều hơn học võ. Tuy nhiên, ông cũng đã học hết các môn võ và chuyên về môn miên quyền.
Môn miên quyền còn gọi là nhu quyền, là một môn võ nghệ chuyên dùng sức nhẹ để thắng mạnh, hợp với phụ nữ và những người thích võ nhưng tính ôn hòa. Phần đông đều dùng nhu quyền để tự vệ hơn tấn công.
Nguyễn Lữ đã được thầy Hiến chân truyền cho môn miên quyền. Môn này cũng là món sở trường của Trương Công. Ngoài ra, Nguyễn Lữ cũng chuyên về kiếm, nhờ ở sự phối hợp giữa miên quyền và kiếm thuật, ông Lữ đã nổi danh về môn nhu kiếm. Kiếm của ông nhẹ và mỏng nhưng lại sắc bén vô cùng nhờ ở biết thế nương vào sức mạnh của địch mà đánh trả, nên tuy kiếm mảnh mà không đao búa nào đánh gãy được. Về văn học, ông lại ham thích nghiên cứu về tôn giáo, cho nên khi cha là Nguyễn Phi Phúc qua đời, Nguyễn Nhạc về nối nghiệp cha thì Nguyễn Lữ cũng thôi học, xuất gia theo minh giáo, tục gọi là đạo Ma Ní, dùng phù phép để chữa bệnh, trừ tà như đạo phù thủy. Đạo minh giáo thờ thần lửa gần giống với sự thờ cúng của các dân tộc ít người tại Tây Sơn thượng. Đạo Ma Ní rất thịnh hành ở Tây Sơn thượng, nên ông Lữ qua việc truyền giáo đã quen biết rất nhiều các tộc trưởng, nhiều bộ lạc, người dân tộc thiểu số như sắc tộc Xà Đàn (Sédang), Ra Đê (Rhadé), Gia Rai (Djarais) v.v…
Ông Lữ đi truyền đạo cũng như chữa bệnh cho mọi người khắp vùng Tây Sơn. Nhân dân thường gọi ông là Thầy Tư Lữ.
Trên đường hành đạo, ông Lữ nhờ đức tính hiền hòa cộng với sự tin tưởng vào bản thân tuyệt đối, hòa với võ công đặc biệt là môn miên quyền mà ông đã vượt qua mọi trở ngại, hiểm nguy. Khi gặp phải bọn côn đồ, không thể dùng lời lẽ ôn tồn khuyên răn, ông đã dùng đến vũ lực để chinh phục. Nhờ môn miên quyền mà ông đã thu phục được nhiều kẻ anh hùng, vũ dũng, sống ngoài vòng cương tỏa của xã hội, sau này trở thành tướng sĩ của nhà Tây Sơn.
Khi Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, ông trở về cùng anh chung lo việc nước. Một phần lớn nhờ ở ông đi thuyết phục mà các sắc tộc miền Tây Sơn thượng theo về với nhà Tây Sơn. Việc thu phục được tộc trưởng Bốc Kiơm, ông đã dự vào một phần lớn.
Khi Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Vương thì Nguyễn Lữ được giao trọng trách lo về kinh tế, tài chánh, cùng với Nguyễn Thung và Bùi Thị Xuân.
Nguyễn Thung là một phú nông ở thôn Thuận Nghĩa, sát Kiên Mỹ, là một thôn trù phú. Nguyễn Thung tuy là một phú nông, song kinh sử đều thông thuộc. Tánh tình hào phóng, nhân hậu. Trong nhà tân khách luôn luôn tấp nập. Biết võ nghệ, sở trường về môn trường tiên. Kết giao với nhiều tay anh hùng như ba anh em Tây Sơn, Võ Văn Dũng v.v… là nhân vật đến với nhà Tây Sơn từ thuở ban đầu. Khi Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Thung đã đem tất cả tài sản ủng hộ nghĩa quân. Giữ nhiệm vụ vận tải, tiếp tế quân lương, ông được phong Tán Tương Quân vụ, lo ở mặt Bắc, còn Nguyễn Lữ lo mặt Nam.
Lúc tổng hành dinh dời lên Tây Sơn thượng, Nguyễn Lữ vẫn ở lại Tây Sơn hạ, tiếp tục đôn đốc sản xuất. Khi cần đến kế hoạch "thượng vận", ông mới lên cùng Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn thượng. Ông là người có công đầu trong việc liên kết các sắc tộc với nhà Tây Sơn, vì ông vừa giỏi tiếng dân tộc vừa là nhà truyền giáo rất thích hợp với tôn giáo người miền Tây Sơn thượng.
Trong việc chinh phục tộc trưởng Bốc Kiơm của tộc Xà Đàng ông Lữ là người tham mưu cho ông Nhạc, cũng như việc liên kết với tộc Ba na trong rừng Mộ Điểu. Để nâng cao uy danh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ dành mọi thực thi kế hoạch cho Nguyễn Nhạc. Kết quả các bộ tộc Tây Sơn thượng tôn Nguyễn Nhạc là vua trời. Nguyễn Lữ đã cùng anh đi rộng lên Kontum, Pleiku. Đi đến đâu, thuyết phục người dân tộc đến đó và rất được đồng thanh liên kết. Trên bước đường đi liên minh cùng các sắc tộc vùng cao, Nguyễn Lữ cũng đã tuyên truyền cho đạo thần lửa của mình và tài nghệ dùng lá cây chữa bệnh đã giúp ông thu nhiều kết quả. Ngày rằm tháng tám năm Quí Tỵ (1773), Tây Sơn khởi nghĩa. Nguyễn Lữ được phong Tán Tương Quân vụ lo việc tiếp tế lương thực.
Sáng ngày 16, Nguyễn Lữ đã chuẩn bị sẵn sàng lương thực tại chân núi Đồng Phong, thôn Trinh Tường để đón tiếp đại quân xuất phát từ núi Bà Phù đêm hôm trước. Tại đây, tướng sĩ dừng chân, ăn uống no nê rồi đi thẳng một mạch xuống Tuy Viễn. Binh đi như gió cuốn. Mặt trời lên cao thì huyện lỵ đã bị bao vây. Tiếng quân hò reo vang trời. Tri huyện Tuy Viễn trốn chạy, binh sĩ trong huyện đầu hàng. Cho là nhờ ăn no, lãnh lương đầy đủ tại núi Đồng Phong, nên quân Tây Sơn chiến thắng dễ dàng. Do đó nhân dân gọi núi Đồng Phong là Hòn Lãnh Lương và gọi tắt là Hòn Lương.
Cuối thu năm ấy, sau khi chiếm được Quy Nhơn, đuổi chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ cùng Nguyễn Văn Lộc, Võ Văn Cao đi vào Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận để xem xét tình hình và liên lạc với hai vua Thủy Xá (Potau Ea) và Hỏa Xá (Potau Apui) để liên minh và cổ động đồng bào địa phương hưởng ứng cuộc Nam chinh.
Thủy Xá và Hỏa Xá là con cháu vua Chiêm Thành, chiếm cứ các sơn phần Phú Yên, Diên Khánh và vùng đất cao nguyên Đắc Lắc, Buôn Mê Thuột, lâu nay không thuần phục chúa Nguyễn. Tuy được phong chức Chưởng Cơ, nhưng từ chối không nhận. Vì cùng một tín ngưỡng, nên hai vua tiếp đón Nguyễn Lữ và phái đoàn rất niềm nở. Nguyễn Lữ hứa sẽ phục hồi danh vị là Phiên vương khi bình định xong miền Nam, nên hai vua rất vui mừng và hứa sẽ giúp đỡ quân Tây Sơn khi Nam tiến. Đồng thời, mọi tầng lớp nhân dân ở Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận nguyên đã chán ghét quan quân nhà Nguyễn chỉ lo bóc lột nhân dân, không nghỉ gì đến an nguy của quốc gia, nên ai nấy đều mong có cuộc đổi thay.
Nguyễn Lữ nắm được tình hình miền Nam, liền về phúc trình các điều kiện thuận tiện trong kế hoạch chinh Nam.
Mùa đông năm ấy, quân Tây Sơn chiếm được 3 phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận.
Mùa xuân năm Ất Mùi (1775), Nguyễn Lữ và Phan Văn Lân được cử đem thủy quân vào đánh Gia Định. Quân Nguyễn Lữ vào đánh Sài Côn, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần khiếp sợ chạy về Trấn Biên (Biên Hòa). Tướng sĩ mở cửa thành đầu hàng. Quân Tây Sơn kéo vào thành, Nguyễn Lữ cho khuân hết vũ khí, lương thực thu được xuống thuyền rồi sai Phan Văn Lân trở về Quy Nhơn, còn mình ở lại giữ Gia Định.
Sang năm Bính Thân (1776), Đỗ Thành Nhân ở Đông Sơn dấy binh giúp nhà Nguyễn, kéo quân đánh Sài Côn. Nguyễn Lữ không chống cự nổi bỏ thành, rút quân về Quy Nhơn.
Tháng 3 năm Định Dậu (1777), Nguyễn Lữ cùng Nguyễn Huệ vào đánh Gia Định, hạ thành Sài Côn giết Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương, rồi kéo binh về Quy Nhơn.
Năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Nhạc xưng đế, Nguyễn Lữ được phong làm Tiết chế. Trong nam, Nguyễn Phúc Ánh sau khi chiếm lại Gia Định cũng xưng vương.
Đầu năm Quí Mão (1783), Nguyễn Lữ cùng Nguyễn Huệ và các tướng Lê Văn Hưng, Trương Văn Đa vào đánh tan quân nhà Nguyễn, thu phục lại đất Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn ra Phú Quốc. Quân Tây Sơn rút về Quy Nhơn.
Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Lữ đem thủy binh hợp cùng bộ binh của Nguyễn Huệ ra đánh Thuận Hóa. Thành Phú Xuân hạ xong, Nguyễn Lữ cùng với Võ Văn Nhậm, Nguyễn Văn Lộc tiến quân đánh lấy các doanh trại thuộc Quảng Trị, Quảng Bình. Bình định xong Thuận Hóa, Nguyễn Lữ ở lại trận thủ, còn Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long.
Dẹp yên chúa Trịnh ở Thăng Long, đánh đuổi chúa Nguyễn ra khỏi Gia định, vua Thái Đức phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định vương, quản lý đất Gia Định từ Bình Thuận đến Hà Tiên (1787).
Đông Định vương đóng quân tại thành Sài Côn. Vương chỉ là người có đức độ, không có tài trị nước yêu dân. Khi cầm binh đánh dẹp, phần lớn nhờ công của các tướng tá phụ giúp và nhất là nhờ tài ba của người anh thứ hai là Nguyễn Huệ. Cho nên khi trọng nhậm ở Gia Định, phần thì đất rộng dân thưa, các tướng tài ở đất Quy Nhơn vào phò tá chết già, chết bệnh gần hết. Hơn nữa, ở miền Nam, người dân phần lớn lại trung thành với nhà Nguyễn, nên các tướng của nhà Nguyễn nương nơi lòng dân, chiếm đóng nhiều nơi hiểm yếu, làm cơ sở kéo binh quấy phá thường xuyên. Trong xứ mất an ninh. Lòng người ly tán.
Tháng 7 năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Phúc Ánh ở Xiêm La, dò biết được tình hình, nên xuống thuyền về nước. Các tướng tá vây cánh cũ đem quân ra giúp. Tướng Tây Sơn là Phạm Văn Tham chống cự không nổi, bỏ thành Sài Côn, sang đóng ở Ba Thắc. Đông Định vương xuống thuyền chạy về Quy Nhơn, chịu tội cùng anh. Rồi lên ngựa trở về Kiên Mỹ thăm lại cố hương.
Trong cuộc chia tay lần cuối, Nguyễn Lữ đã trình bày cùng Nguyễn Nhạc:
- Nhà Tây Sơn đã dựng nên nghiệp lớn nhờ ở thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nguyễn Phúc Ánh ở miền Nam cũng có được ba yếu tố đó. Ta tuy đánh chiếm được Gia Định, song vì xa Trung ương, người dân miền Nam lòng vẫn nhớ nhà Nguyễn. Khi ta mạnh thì theo ta, khi địch mạnh thì theo địch, ta chưa đủ nhân tài để chinh phục nhân tâm, vì đất rộng người thưa. Đóng giữ Gia Định chỉ là tạm thời. Bình định miền Nam mới là chính yếu. Đệ chỉ là một người hèn mọn, chỉ giúp huynh được một thời, còn tính kế bền lâu thì không đủ khả năng. Thân đã mệt mỏi vì chiến chinh, trí vẫn còn vương vấn đến nguồn đạo vĩnh cửu. Đệ chỉ có mấy lời tâm sự, xin vương huynh hiểu thấu tấm lòng.
Nguyễn Nhạc ứa nước mắt tiễn em lên đường.
Từ đấy, mây ngàn hạc nội, không còn ai biết rõ thầy Tư Lữ ở đâu.
(Võ nhân BD.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét