XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Tài dùng binh của Nguyễn Huệ (tt): Hành quân thần tốc (tt) và chiến tranh cách mạng

Nguyễn Huệ rất giỏi về lối dụng binh thần tốc. Binh pháp xưa cũng dạy kẻ làm tướng phải lấy yếu tố nhanh làm quý. Tôn Tử nói: “… Việc dụng binh nên rằng thà vụng mà chóng, chứ không nên khéo mà lâu. Việc binh kéo dài mà nước lợi, chưa từng có vậy.”
Trước hết, Nguyễn Huệ có lối chuyển quân rất nhanh chóng. Trong bức thư của giáo sỹ Labatette đề ngày 23-07-1788, không rõ gửi cho ai, có kể Nguyễn Huệ chuyển quân từ xứ Nam về Phú Xuân chỉ mất 10 ngày trong khi bình thường phải mất tới 20 ngày[1]. Trong bức thư của giáo sỹ Le Breton, đề ngày 02-08-1788, gửi từ xứ Nghệ đã viết:
Như thế Nguyễn Huệ đã trở về Phú Xuân vào đầu tháng 7. Ông đã bắt quân phải về gấp rút đến nỗi có nhiều binh sĩ chết vì mệt mỏi và nắng nực. Ngay cả voi ngựa cũng chết”[2].
Lúc ra Thăng Long bắt giết Vũ Văn Nhậm, từ Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã tự đốc thức bộ, kỵ binh ngày đêm gấp đường trẩy đi. Chừng hơn 10 ngày đến Thăng Long[3].
Trang Nhật ký của Giáo Hội Truyền Giáo Bắc Hà[4] gửi về cho Giáo Hội Trung Ương có thuật lại sức tiến quân vũ bão của Quang Trung như sau:
Ông (Nguyễn Huệ) tiến như vũ bão ra Bắc và chỉ mất có 10 ngày, không quản đường xa khó nhọc đã giết chết nhiều ngựa voi của ông, trong khi người khác phải mất 3 hay 4 ngày”.
Với quãng đường dài hơn 600 trăm cây số, thời gian di chuyển chỉ mất 10 ngày; đường xá lại bị núi sông cách trở, việc di chuyển cả một đoàn quân lớn như vậy thật là phi thường. Sức ngựa voi mà còn chịu không nổi phải chết dọc đường huống hồ sức người. Về kỹ thuật di hành cho bộ binh, Nguyễn Huệ đã áp dụng nguyên tắc “tập thể di chuyển liên tục ngày đêm, cá nhân luân phiên nghỉ dưỡng sức”.
Nguyễn Huệ đã từng cho quân cứ 02 người một tốp, luân phiên võng lẫn cho nhau, suốt dọc đường, anh nào cũng phải võng người và được người võng. Như thế hết lượt anh này phải đi, lại đến lượt anh khác được nghỉ. Nghỉ đi, đi nghỉ, cứ võng lẫn mãi cho ra đến mục đích. Vì thế, vừa trẩy được nhay, vừa khỏi kiệt quân lực. Quân lính đi trước, vài trăm voi trận đi sau[5]. Việc chuyển quân nhanh khiến địch quân không ngờ và trở tay không kịp khi bị tấn công.
Theo như nhận xét của một cung nữ vua Lê, sự xuất hiện của Nguyễn Huệ như thần xuất quỷ nhập[6]. Chính bởi chiến thuật của Nguyễn Huệ luôn khai thác yếu tố bất ngờ. Từ việc khai thác sự sơ ý của Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên, sự không đề phòng và mệt mỏi của quân Phạm Ngô Cầu ở Phú Xuân đến sự lợi dụng ngày tết Nguyên Đán, quân Thanh đang mãi mê ăn Tết, Nguyễn Huệ đều xuất kỳ bất ý đánh địch không kịp trở tay. Ngay đến việc ra Bắc bắt Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ cũng lợi dụng sự xuất kỳ bất ý, đến Thăng Long còn đêm vào lúc canh tư, đến nơi Nhậm còn đang ngủ, bắt giết Nhậm[7]. Trước đó, Nguyễn Huệ đã bỏ Chỉnh ở lại Bắc Hà, sau khi diệt họ Trịnh, cũng thật đột ngột, bất ngờ, xuống thuyền về Nam lúc nào Chỉnh cũng không hay.
Trong cuộc tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ đã áp dụng chiến thuật bốn tập. Xuất phát từ nơi xa cách mục tiêu khoảng hai trăm cây số, Nguyễn Huệ đã cho quân tiến rất nhanh. Trong những trang nhật ký của Giáo Hội Truyền Giáo Bắc Hà[8] có thuật rõ: Quân Tây Sơn tới xứ Nam vào ngày 24-01 tức ngày 29 Tết[9]. Tới ngày 28-01-1789 tức ngay mùng 3 Tết, quân Nguyễn Huệ đã tới Hà Hồi, chỉ cách Thăng Long một ngày rưỡi đường. Ngay sau đó quân của Nguyễn Huệ tấn công liền mấy tiền đồn của Trung Hoa. Quân Trung Hoa bị đánh bất ngờ và không kịp điều động binh lính đi cứu viện vì họ không đề phòng trước.
Tài liệu còn nói rõ: Vào ngày 29-01-1789 tức ngày mùng 4 Tết, quân Trung Hoa đã phản công lại, chống cự kịch liệt, gây thiệt hại nhiều cho binh sĩ Tây Sơn và khá nhiều voi trận. Nguyễn Huệ đã phải lo ngại. Nhưng Nguyễn Huệ đã đốc thúc, chính nhà vua dẫn đầu, miệng hô xung phong, lúc cỡi voi đến cỡi ngựa, dùng hai thanh gươm, chạy ngang dọc, chém giết nhiều quân Trung Hoa. Sáng ngày 30-01, quân Trung Hoa bị dồn đánh cả 4 mặt, phải chạy về Thăng Long. Lập tức Nguyễn Huệ cho đuổi theo chém bén gót, phá được một cửa thành Thăng Long và làm chủ tình hình vào cùng ngày, sau khi rong ruỗi đánh đuổi quân địch, chạy dài hàng chục cây số. Thật là một cuộc rượt đuổi đầy hào hứng với sức tiến công như nước vỡ bờ. Tới ngày 30-01, Điền Châu Thái Thú phải tự vẫn cùng khoảng 1.000 người binh lính bị thảm sát.
Vào tới Thăng Long, Quang Trung liền gấp rút tổ chức ngay cuộc bố phòng đề phòng cuộc phản công của Trung Hoa, bằng cách cho xây trong 3 ngày 3 đêm liền một thành lũy bằng đất quanh điện vua Lê, dày 20 (piê) (tấc xưa hay bộ) cao 12 (piê) (mỗi piê dài 0,324m). Chính giáo sĩ La Mothe phải thốt lên rằng: “Thật là hiếm những người đáng sợ và quỷ quyệt như ông ta”.
Xem như vậy, sở trường của Nguyễn Huệ là hành động thật mau lẹ và bất ngờ, khó ai sánh kịp. Chính yếu tố này giúp Nguyễn Huệ có lối hành binh vũ bão.
NGUYỄN HUỆ VỚI “CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG”: DÂN ĐÓI KHỔ LÀ NGUYÊN NHÂN THÚC ĐẨY CAO TRÀO CÁCH MẠNG TÂY SƠN.
Nguyên nhân nổi dậy có nhiều, nhưng người ta phải chú ý đến tình trạng đói khổ đến cùng cực của dân hai miền Bắc Hà, Nam Hà.
Trước ngày Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân, nạn đói đã hoành hành thường xuyên tại các tỉnh Bắc Hà và các tỉnh Nam Hà Thượng.
Tại Vùng Định Cát, Quảng Trị, giáo sĩ Labartette đã viết: “Nạn đói ngày càng gia tăng ở đây. Những nhu yếu phẩm cho đời sống đều quá giá… Từ một năm nay tất cả mọi người chết vì đói khổ và chúng tôi không còn có sự cứu giúp nào ngoài triều đình hay từ Bắc Hà, lại nữa làm chúng tôi phải trả một giá rất đắt. Ngoài đường và trong nhà đâu đâu cũng đầy dẫy những xác chết và không còn ai nghĩ đến việc chôn cất”[10].
Giáo sĩ Labartette[11] cũng cho biết:
“Ở đây có ít nhất một nữa dân vương quốc đã chết bởi chiến tranh chưa chấm dứt cũng bằng do nạn đói đang hoành hành đến cực độ. Người ta đã bán thịt người lâu rồi ở ngoài chợ. Tôi nhớ rằng ở năm đầu tiên, tôi đã hân hạnh lưu ý với ông như một sự kiện lạ lùng về cái đong gạo mà người ta gọi là “cái Lương”[12] được bán tới 10 quan trong khi trước kia người ta bán 4 hay 5 tiền. Tuy nhiên, ở năm nay, người ta mua tới 70 quan. Điều đó có vẻ như hơi khó tin. Tuy vậy, đó là hoàn toàn sự thực.”
Trong khoảng từ năm 1774 đến năm 1786 tức năm Nguyễn Huệ tiến đánh Phú Xuân và Bắc Hà, diệt họ Trịnh, không năm nào, các giáo sĩ không nói đến nạn đói kinh khủng đang hoành hành tại các tỉnh miền châu thổ Sông Hồng.
Thư của Đức Giám Mục Raydellet gởi cho các vị Giám đốc Chủng Viện (Directeurs du Séminaire) đề năm 1774 viết[13]:
“Sự khốn khổ trở nên trầm trọng ở khắp xứ, đầu tiên vụ hạn năm vừa qua làm mất cả cấy lúa, không có cá, không có gặt hái. Tiếp đến là những trận mưa dữ dội, nước lan tràn khắp đồng bằng, những nhà tranh vách đất và bằng tre nứa đe dọa làm sạt nghiệp người ta và những gia súc thì leo lên trên nơi cao, trên những loại róng bắc sàn. Chẳng bao lâu người cùng gia súc đều thiếu ăn, người ta không biết xê dịch gì hơn bằng tàu thuyện. Nan lụt đầu tiên này đã kéo dài 1 tháng vừa mới bắt đầu sút giảm thì lại vụ lụt thứ hai xảy đến, đáng kể hơn, kinh khủng hơn, vụ lụt này kéo dài 3 tháng…”
Theo giáo sĩ Le Breton trong vụ đói tháng 8,9,10 năm 1778, có làng chết đến quá nữa[14].
Tới cuối tháng 08 năm 1770, đê vỡ đã gây lụt lội nhiều vùng trong 3 tỉnh trung châu Bắc Việt[15].
Trong một nhật ký[16] đề ngày 05-1785 đến 06-1786 cho biết: vào cuối năm 1785, có lụt lạ thường, lại hạn hán kéo dài, sâu bọ đã tàn phá nhiều nơi ngay cả gốc lúa mới cấy. Các nhu yếu phẩm tới cần thiết mỗi ngày một tăng giá. Cướp của đốt nhà hoành hành trên bộ cũng như ngoài biển, chính quyền không dám động tới chính những lý do trên đã gây ra nạn đói dữ tợn kéo dài gần 3 tháng.
Dân chúng một khi chịu đói khổ triền miên như vậy, làm gì chẳng dễ nổi loạn.
Với tình trạng dễ gây bất mãn ấy, ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy quân đội Tây Sơn có nhiều dân Bắc Hà theo sau khi Nguyễn Huệ mới diệt được họ Trịnh. Trong một cơ đội của Vũ Văn Nhậm ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh cứ có một lính gốc Nam Hà, trung bình lại có khoảng 30 hay 100 lình Bắc Hà[17]. Mặc dù theo các giáo sĩ nói rằng việc đi lính này có tính cách bắt buộc. Nhưng nếu xét đến tinh thần chiến đấu quân Tây Sơn lúc nào cũng dũng mãnh, ta phải công nhận có sự đồng tình, hưởng ứng của những người lính gốc Bắc Hà này với Tây Sơn hay với Nguyễn Huệ.
Hồi phong trào Tây Sơn mới phát khởi, bản chất cách mạng thấy hiện rơ ở các hoạt động của quân đội Tây Sơn, mà dĩ nhiên Nguyễn Huệ là một trong những người đã đóng góp và thừa hưởng truyền thống cách mạng ấy. Quân Tây Sơn chia thành toán, mỗi toán chừng 300 đến 600 người. Mỗi toán lại có cờ đào (étandard de soie rouge), biểu hiện cho cách mạng. Họ ngang nhiên xuống chợ ban ngày. Họ không gây thiệt hại đến ai, đến tính mạng, tài sản của ai. Trái lại họ muốn có bình đẳng cho nhân dân Nam Hà. Rồi họ vào các nhà giầu, nếu người ta biết tặng cho họ món gì, họ không gây sự thiệt hại. Nhưng nếu gặp sự chống đối, họ sẽ chiếm những vật quý giá để đem phân phát cho dân nghèo. Họ tuyên bố họ chiến đấu là vâng theo mệnh Trời[18]
Một đoàn quân có những hành động táo bạo và theo một lý tưởng như vậy rõ ràng là một quân đội vì đại nghĩa, chống cường quyền, chống bất công. Chính là một quân đội cách mạng mà Nguyễn Huệ cùng anh em Tây Sơn người biết khai thác và lãnh đạo lực lượng cách mạng ấy.
(Còn tiếp)
[1] Achives M. E, Cochinchine vol. 801 p. 180 – cf. Sử Địa số 9 và 10 tr. 234.
[2] Arch. M. E. Coch. Vol 801, p.185 – 187.
[3] HLNTC, sđd tr. 206.
[4] Sử địa số 9 và 10, tr. 222.
[5] Hoa Bằng, Quang Trung anh hùng dân tộc, Bốn phương, Sài Gòn 1951, p. 181.
[6]HLNTC sđd, tr. 252.
[7] ĐNCBLT, sdd, tờ 28.
[8] Sử địa 9 và 10, tt.223-225.
[9] Ngày xuất binh từ Thanh Hóa như thế không phải là đêm trừ tịch như sách  HLNTC chép.
[10] Arch. M. C. Coch. 800. Thư Labartette gửi Steiner đề ngày 21-7-1775, p. 1473.
[11] Arch. M. C. Coch. 800. Thư Labartette gửi Steiner đề ngày 1-8-1777, pp. 1543 – 46.
[12] Đơn vị đong thóc gạo.
[13] Arch. M. E. Tonkin vol. 700. p.1774. Thư không thấy đề ngày.
[14] Arch. M. E. Tonkin vol. 700. Thư Breton gửi cho Steiner ngày 19-6-1779, p. 950.
[15] Arch. M. E. Tonkin vol. 700. Thư Serard gửi cho Davoust ngày 13-5-1780. p. 1016.
[16] Arch. M. E. Tonkin 691. Journal du Tonkin – Mai 1785 à Juin 786 – p. 660-2.
[17] Sử địa 9 và 10, tr. 197.
[18] BSEI. Txv, n 1-2, 1940, p. 74.
Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét