Gs Trần Quốc Vượng
0.1.
Tôi không phải là một chuyên gia về lịch sử, đặc biệt là về nhà Nguyễn,
nhưng thỉnh thoảng tôi cũng có những nghĩ suy và thực ra là từ những
năm giữa thập kỷ 70 cho đến gần đây, đầu xuân Bính Tý 1996. Tôi vẫn
thường qua lại xứ Huế và viết dăm bẩy bài về vị thế địa – văn hóa của xứ
Huế và vai trò của các chúa Nguyễn, bắt đầu từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
(1558-1613) đến các vua đầu nhà Nguyễn, mở đầu là vua Gia Long
(1802-1820) và kết thúc là vua Bảo Đại (1925-1945).
Tôi đã nói và viết tản mạn nhiều vấn đề về xứ Đàng Trong, về thời Nguyễn và nhà Nguyễn.
0.2.
Ông Nguyễn Khoa Điềm – thuộc dòng họ Nguyễn Khoa nổi danh từ các chúa
Nguyễn mà bà nội ông (Đạm Phương Nữ Sĩ) là cháu nội vua Minh Mạng, sinh
ra thân phụ ông là nhà Mác-xít và là một trong những người cộng sản đầu
tiên, tức Hải Triều Nguyễn Khoa Văn – đã từng phát biểu ở trường Đại học
viết văn Nguyễn Du trong dịp lễ khai giảng khóa 5 (1995-1998), rằng khi
ông là tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Sông Hương ở một thời chưa
đổi mới lắm, ông đã cho đăng bài của tôi về “Xứ Huế và vị thế lịch sử của Huế” và
đã cùng ban biên tập tạp chí ấy tặng tôi giải thưởng đặc biệt cho bài
viết này, mà khi ấy người ta cho là một sự “xét lại” về mặt sử học. Bởi
trước đó, theo giới Sử – Văn – Triết – Mỹ chính thống của Việt Nam, thì
gần như là một sự “phủ định sạch trơn” (table rase) về thời Nguyễn và
nhà Nguyễn, trong khi đó ở bài viết ấy và những bài tiếp theo, tôi cùng
với các nhà nghiên cứu Dân tộc – Xã hội – Mỹ học như Nguyễn Đức Từ Chi,
Trần Lâm Biền đã đề nghị một cách nhìn hơi khác, tóm tắt lại là:
– Cần phân biệt thời Nguyễn, đời Nguyễn và nhà Nguyễn.
– Cần phân biệt thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn.
–
Và trong các vua Nguyễn, cũng cần phân biệt các vua đầu Nguyễn như Gia
Long, Minh Mạng (1820-1840) và các vua cuối Nguyễn như Tự Đức
(1848-1883); và ngay cả các vua Nguyễn sau Tự Đức, cũng cần phân biệt
những ông Đồng Khánh, Khải Định với những ông vua yêu nước như Hàm Nghi,
Thành Thái, Duy Tân. Lại càng nên phân biệt chính trị triều Nguyễn và
học thuật, trước tác và mỹ thuật của nền Quốc học Nguyễn. Có “cộng đồng”
triều đình và có các “cá thể” vua – quan nữa chứ !
1.0.
Nay theo yêu cầu của Ban tổ chức Hội nghị về vua Gia Long (1802-1820),
tôi chỉ xin nói tóm tắt đôi điều mà tôi cảm nhận được về Nguyễn Ánh –
Gia Long.
1.1.
Về Nguyễn Ánh: Nếu tôi nhớ không nhầm thì cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (mà
những người theo lý thuyết Mác-xít thường gọi là “Khởi nghĩa nông dân”)
bắt đầu xảy ra vào năm 1771, khi Nguyễn Huệ sau này trở thành vua Quang
Trung vĩ đại bấy giờ mới 18 tuổi, thì lúc đó Nguyễn Ánh còn kém Nguyễn
Huệ ít ra là 7 tuổi, nghĩa là mới chỉ một cậu bé con trên 10 tuổi, cháu
của chúa Nguyễn Phước Thuần. Thế mà chính “cậu bé” Nguyễn Ánh đó – sau
khi chúa Nguyễn và gần như hết thảy những nhân vật của dòng chúa đã bị
họ Nguyễn Tây Sơn thủ tiêu sạch trơn – đâu chỉ khoảng 14 tuổi, từ xứ
Huế, xứ Quảng chạy vô châu thổ sông Cửu Long và gần như là đại diện duy
nhất còn lại của dòng chúa Nguyễn, đã trở thành vị Nguyên Soái chống lại
phong trào Tây Sơn đang dâng lên và lan tỏa trong toàn quốc từ Nam chí
Bắc như triều dâng thác đổ.
1.2. Tôi không bao giờ phủ định rằng phong trào Tây Sơn đã có những công tích vĩ đại, ít nhất ở ba mặt sau đây:
–
Ở Đàng Trong thì lật đổ “trào đình” của các chúa Nguyễn rồi tiến ra
Đàng Ngoài lật đổ “trào đình” của các chúa Trịnh cùng với triều Lê – mà
những ông vua Lê từ quãng đầu thế kỷ XVII trên diễn trình lịch sử đã trở
thành những ông vua “bù nhìn”, hay là các “con rối” (puppet) trong tay
các chúa Trịnh.
–
Chiến thắng vĩ đại chống quân xâm lược Xiêm mà đỉnh cao là trận Rạch
Gầm – Xoài Mút ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vào cuối năm 1784 đầu 1785. Quân
xâm lược Xiêm 5 vạn đã “sợ Tây Sơn như sợ cọp” và chính là do lợi dụng
việc Nguyễn Ánh cậy nhờ mà định sang chiếm đoạt miền Nam. Nguyễn Ánh mãi
mãi mang tiếng xấu “cõng rắn cắn gà nhà”, cầu ngoại viện để giải quyết vấn đề quốc sự.
–
Đại chiến thắng chống vài chục vạn quân xâm lược Thanh đầu xuân Kỷ Dậu
1789 – mà ông vua cuối cùng của nhà Lê là Chiêu Thống đã cầu cứu. Và
cũng như Nguyễn Ánh, ông vua Lê ấy cũng mang một bộ mặt nhọ nhem trong
lịch sử.
1.3.
Nguyễn Ánh cùng Chiêu Thống càng lem luốc bao nhiêu trước lịch sử thì
hình ảnh Nguyễn Huệ – Bắc Bình Vương – Quang Trung càng được xem là bộ
mặt tỏa rạng và có một vai trò lịch sử lớn lao bấy nhiêu trong lịch sử
Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII.
Nhưng
bảo rằng Huế – Phú Xuân là do vua Quang Trung xây dựng thành một đô thị
thủ đô thì theo tôi lại là một lối viết quá đà ! Huế, với thành Lồi ở
Long Thọ bờ phải sông Hương và thành Lý Châu – sau đổi là Hóa Châu ở lưu
vực sông Bồ đã trở nên một thị thành, một cảng thị (City-Port, Nagara) –
từ thời Chiêm Thành và sau đó thời Đại Việt Huyền Trân nhà Trần (sau
1306) và sau đó nữa là Quãng Phước, Kim Long thời chúa Sãi Nguyễn Phước
Nguyên và Phú Xuân thời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1636-1648) và sau
chót là Gia Long – Minh Mạng (trước Gia Long, Phú Xuân vẫn chỉ là Làng
Xã).
1.4.
Tuy không phải là một nhà sử học chính tông, nhưng tôi không bao giờ
dám thể tất cho Nguyễn Ánh khi ông vì thế cùng lực kiệt, đã qua giám mục
Bá Đa Lộc (Evêque D’Adran) và cậu bé tí hon hoàng tử Cảnh (lúc bấy giờ
khoảng 6 tuổi) đi cầu viện các thế lực phương Tây (nhất là Pháp), đã dám
cho vị giám mục người Pháp đó toàn quyền đại diện cho nước Việt phương
Nam ký với Pháp cái gọi Hiệp ước Versailles, nhượng cho Pháp nào đảo Côn
Lôn, nào cảng cửa Hàn… để mong nước Pháp quân chủ cuối mùa (1787) cứu
một nền quân chủ cũng cuối mùa nốt của Đại Việt. Cho dù cái nước Pháp
quân chủ cuối mùa ấy đã không giúp đỡ gì được cho Nguyễn Ánh và đã được /
bị cuộc cách mạng 1789-1790 xóa sổ khỏi lịch sử phương Tây, nhưng sao
chăng nữa, việc đó cũng tạo “tiền lệ” cho giới thực dân phương Tây mà
trước hết là Pháp cùng với vài thế lực Thiên chúa giáo thân (Pro) thực
dân can thiệp ngày càng sâu vào nội trị Việt Nam, và dẫn tới việc mất
nước của ta vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ký hiệp ước, hòa ước để nhượng địa
rồi “mãi quốc cầu vinh” là những thủ đoạn hèn hạ của thực dân đầu mùa và quân chủ cuối mùa.
1.5.
Tuy sự thật lịch sử cho tôi – và cho chúng ta – biết rõ rằng những điều
khoản của Hiệp ước Versailles ấy đã không thực hiện và sau này, khi đại
diện của chính phủ Pháp đòi vua Gia Long thực hiện hiệp ước Versailles
thì vua Gia Long đã kiên quyết từ chối với lý do rất chính đáng là: nước
Pháp có thực hiện điều khoản nào của hiệp ước Versailles đâu !
Trên
đường từ Pháp về Pondichery (Ấn Độ), giám mục Bá Đa Lộc chỉ tuyển được
một số sĩ quan, kỹ sư, kẻ “phiêu lưu” người Pháp và với một số rất ít
kinh phí mua được vài cái tàu bọc đồng – mà vua Quang Trung coi là những
sự hù dọa vớ vẩn – để mang về giúp Nguyễn Ánh. Cho nên theo tôi, cố
giáo sư Trần Đức Thảo và một số người khác đã viết hơi quá đà, rằng sự
viện trợ của Pháp là một trong những nhân tố quan trọng nhất để tập đoàn
Nguyễn Ánh đã đánh bại phong trào triều đại Tây Sơn, từ Nguyễn Nhạc đến
Cảnh Thịnh – Bảo Hưng (1792-1802).
1.6.
Như vậy, với những điều viết trên, là tôi đã có một hàm ngôn rằng, sự
thắng lợi của Nguyễn Ánh đối với triều đại Tây Sơn chủ yếu là do những nguyên nhân nội sinh,
và đứng về mặt cá nhân tôi hay là của chúng ta nhỉ, cũng đáng nên “khâm
phục” dù “chút chút” – Nguyễn Ánh – một người có cá tính mạnh, từ một
cậu bé con của một ông chúa bị giết hại trong tù, gần như đã nhiều lúc
không còn một mảnh giáp, không còn một tấc đất, đã lấy lại được quyền
bính trong cả nước Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Theo PGS Trần Lâm
Biền, nền mỹ thuật Việt Nam chỉ có những thi pháp kiến trúc chung từ xứ
Lạng đến Gia Định thành là từ Nguyễn Gia Long.
1.7.
Cho nên, cũng không phải quá đáng lắm khi linh mục Nguyễn Phương và một
số nhà sử học nước ngoài khác – từ phe XHCN (cũ) đến phe tư bản chủ
nghĩa – cho rằng Nguyễn Ánh là người trên thực tế đã thống nhất đất nước chứ
không phải là ông vua anh hùng Nguyễn Huệ – Quang Trung, mặc dù ông vua
anh hùng 3 lần vĩ đại này đã gạt bỏ những thế lực quân chủ thối nát ở
Đàng Trong, Đàng Ngoài và những lực lượng ngoại xâm đứng đàng sau những
quyền lực khốn nạn ấy. Và như vậy, xét về mặt lịch sử khách quan là đã
góp phần rất lớn vào công cuộc thống nhất đất nước(1).
1.8.
Không nói gì đến ông Nguyễn Lữ – là “thầy tu” hay là “thầy võ” – không
đủ nội lực để đối địch với Nguyễn Ánh ở miền Nam, chỉ nói đến ông anh
Nguyễn Nhạc xuất thân “nậu nguồn” và ông em Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) thì, do
sự chia rẽ ngay trong nội bộ gia đình, mà theo tôi “ghê tởm” nhất là
ông anh cả Nguyễn Nhạc đã vì sự thỏa mãn nhỏ nhen được làm Trung ương
Hoàng đế ở thành Trà Bàn, rồi vì ghen tị và “chãnh chọe” với em sau vụ
Bắc Bình Vương “xóa hận sông Gianh” tiến ra Thăng Long, đã vội vã ra Bắc
kéo em về, rồi lại hãm hiếp cô em dâu – vợ Nguyễn Huệ – tạo mối thù hận
khôn nguôi và chiến tranh giữa hai anh em, khiến dưới triều Tây Sơn có
một ông hoàng đế ở Quy Nhơn và một ông hoàng đế ở Phú Xuân. Vậy làm sao
có thể nói được là nước ta đã được thống nhất ngay dưới thời Tây Sơn ?
Đó là một “lập trường giai cấp” máy móc đang chuyện nọ (chống ngoại xâm)
“xọ chuyện kia” (chống quân chủ Nguyễn – Trịnh).
1.9.
Ở đây có một vấn đề thuộc phương pháp luận sử học cần được làm sáng tỏ
là: Lịch sử bao giờ cũng có một sự gián cách giữa lịch sử – thực tại
(Histoire – Réalité) và lịch sử nhận thức (Histoire – Conscience). Mà
cái lịch sử nhận thức thì luôn gắn liền với chủ quan nhà sử học – nhưng
trách nhiệm và bổn phận của nhà sử học chân chính là luôn luôn cần cố
gắng có cái nhìn khách quan đến mức cao nhất. Mức cao nhất đó là như các
nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cuối thế kỷ XX nói: Hơn ai hết là nhà sử
học cần “nhìn thẳng vào sự thật !”, nói đúng sự thật, và giải
thích một cách khoa học cái sự thật khách quan ấy. Vẫn theo tôi, “tâm
thức tiểu nông” Việt Nam là nền tảng tinh thần của nền “dân chủ làng
xã”, của sự đồng dạng văn hóa (Cultural Identity) ở cấp văn hóa xóm làng
Đại Việt – Việt Nam một thời. Thống nhất rồi chia rẽ, đó là “trách
nhiệm lịch sử” của cấu trúc quân chủ Phật giáo (Lý – Trần), rồi quân chủ
Nho giáo (Lê – Nguyễn). Lịch sử chính trị và lịch sử văn hóa, có cái
CHUNG và cũng có cái RIÊNG. Quy mọi thứ vào chính trị hay vào kinh tế là
cái nhìn (Point of view) đã “lỗi thời” (Over time) lâu rồi, quá lâu rồi
!
PHẦN HAI
01.
Luôn “trung thành” với tư duy tự ý thức rằng “Tôi không phải là một nhà
sử học chính tông”, sau đây tôi chỉ nói – và viết – đôi điều “lặt vặt”
tôi nhớ lại và cảm nhận được về vị vua khai sáng triều Nguyễn – Gia
Long.
01.1. Nguyễn Ánh đã từng bôn ba từ đất liền ra các hải đảo, Côn Lôn, Phú Quốc…
Do
nghiệm sinh cá nhân, tôi rất thích những người “bôn ba”, “từng trải”…
dù với ý định chủ quan gì hay là do sự dủi dun của Trời Đất – Tự nhiên.
Vị Tam Nguyên Vị Xuyên xứ Nam Hạ – Nam Hà quê tôi Trần Bích San đã có
hai câu thơ mà tôi coi là tuyệt bút, nhất là câu sau:
Văn vô sơn thủy phi kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài !
Nghĩa là:
Văn không sông núi, không cao diệu,
Người chẳng phong sương, khó rạng tài !
01.2. Rất gần đây, tôi được đọc bản thảo bài viết của một học giả Mỹ, trong đó có đoạn đại ý rằng:
Phụ thân Hồ Chí Minh – Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy (Sắc) là một người phiêu lãng (Wanderer),
nhưng cụ mới chỉ “lãng du” ở trong nước Việt từ xứ Nghệ xứ Huế đến xứ
Thanh, xứ Bình Định rồi vô miền Nam, Sài Gòn, Sông Bé, Long An, Sa Đéc…
Có
thể Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng được “di truyền” bởi cái “gen”
văn hóa phiêu lãng (wandering) đó, nhưng “CON hơn cha là nhà có PHÚC”,
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã phiêu lãng gần như toàn thế giới, từ Á,
Âu đến Phi, Mỹ… và ông đã có dịp “sống nghiệm” với nhiều nền văn hóa khác nhau;
do đó ông đã trải nghiệm đối sánh nhiều LỐI SỐNG (Way (s)) trên tảng
nền LỐI SỐNG VIỆT NAM. Ông giỏi ngoại ngữ mà ngôn ngữ là một sản phẩm
đồng thời là một thành tố của Văn hóa, cho nên ông trở thành người của
toàn Nhân loại và ông trở nên DUNG DỊ (Generous), rất Việt Nam và cũng
rất “Thể tất”, rất “Cận NHÂN TÌNH” (Hunman Sense). Do vậy, Wandering
phiêu lãng ở ông là một GIÁ TRỊ VĂN HÓA.
Thế
mà đã có kẻ dám dịch “wandering” là “lang bang, lang thang” và bảo rằng
học giả Mỹ đó có dụng ý nói xấu Cụ Hồ ! Đáng xấu hổ thay người “DỐT HAY
NÓI CHỮ” hay là “HAY CHỮ LỎNG” !
01.3.
Nguyễn Ánh (Gia Long từ 1802) đã bôn ba từ đất liền đến hải đảo, từ
Việt đến Xiêm, đánh Tây Sơn bại rồi thắng to cũng có, mà đánh thắng cả
Miến Điện theo yêu cầu – có lúc là “quái ác” – của vua Xiêm cũng có.
Nguyễn Ánh bẩm sinh và sinh nghiệm là một vị tướng tài ba “thắng không
kiêu, bại không nản”. Bị Xiêm rồi bị Pháp và sau cả Thanh Mãn Trung Hoa
khống chế, gây “áp lực” song Nguyễn Ánh vẫn tìm mọi cách để “thoát ra”
được sự khống chế đó và – cho dù chỉ theo ý kiến cá nhân tôi – ông vẫn
là NGƯỜI VIỆT NAM và đứng đầu một CHÍNH QUYỀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM, cho dù
ông chịu nhiều áp lực ngoại bang và cũng có lúc phải sử dụng nhiều cố
vấn trong nước và nước ngoài. Ông nghe nhiều nhưng ông nghĩ và làm phần
nhiều theo ý ông. Từ 1815 hay về cuối đời, dù nể trọng Tả quân Lê Văn
Duyệt, ông vẫn quyết định chọn hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng ngày sau) chứ
đâu có chọn cháu đích tông – con hoàng tử Cảnh – làm người kế vị ông.
Mà Minh Mạng, thì nên trọng nể và học tập ông về việc quản lý hành chánh
đất nước và xã hội nhiều hơn nữa, chứ trách cứ ông thì cũng dễ thôi.
01.4.
Cho dù ông tin cậy và nhờ cậy vào giám mục Bá Đa Lộc và tỏ ra “khoan
hòa” với Thiên chúa giáo của phương Tây, cho dù hoàng tử Cảnh – trưởng
nam của ông – đã trở thành giáo dân Thiên chúa giáo, khi ở Gia Định (Nam
Bộ) cũng như khi trở thành hoàng đế toàn Việt Nam, ông vẫn tôn Nho,
trọng dụng “Gia Định tam gia” người Việt gốc Hoa (Trịnh Hoài Đức, Lê
Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh), vẫn trọng Phật, Lão và tín ngưỡng dân gian,
dù là Việt Nam, là Khơ Me, hay là Chăm, là Thượng… Đội cận vệ của Gia
Long, theo sử chép, chủ yếu là người “Thượng” (Sơn nhân). Ở thập kỷ 80,
tôi đi điền dã ở xứ Quảng, ở Tây Nguyên, các tộc “thiểu số” vẫn nhắc đến
Gia Long với một niềm kính nể. Có một thứ cây nửa trồng nửa hoang dại
mang tên “Hoàng oanh quất” (quýt vàng) quả ăn ngon, người dân tộc vẫn
bảo tôi rằng đó là thứ quả cây của vùng sơn cước đã nuôi sống Nguyễn Ánh
thời khăn khó, sau này trở thành Quýt Ngự. Ấy là tôi chưa kể “Quế Trà
My”…
01.5.
Ông không chống Tây, Thiên chúa, cũng không sùng bái quá đáng Thanh –
Nho như người ta tưởng, và ông loay hoay – tìm mà chẳng được – một HỆ Ý
THỨC VIỆT NAM. Ông làm theo kiểu Việt Nam mà chưa điều chế nổi một lối
suy nghĩ (Way of thinking) Việt Nam. Chỉ sau này Nguyễn Ái Quốc mới xây
dựng được một Tư tưởng Hồ Chí Minh tương đối thuần Việt Nam. Nhưng đó
lại là một đề tài chuyên luận Triết – Sử khác, ít dính dáng đến chủ đề
ta đang bàn về Gia Long.
02.
Sau 10 năm chinh chiến mà dân gian miền Nam Trung Bộ gọi là “TRẬN GIẶC
MÙA” (1791-1801) – mùa gió nồm nam, Nguyễn Ánh mới dùng đội thủy chiến
THUYỀN BUỒM ra đánh Tây Sơn – cuối cùng ông đã thắng.
02.1. Tôi là con cháu nhà Nho nên cũng có biết câu “Bất tương thành bại luận anh hùng”, nghĩa là “luận anh hùng, chớ kể hơn thua !”.
Song,
nếu tôi là nhà sử học như các quý vị Phan Huy Lê, Nguyễn Phan Quang…
khả kính, tôi cũng phải tìm cách “giải thích” lịch sử chiến thắng của
Nguyễn Ánh với Tây Sơn chứ nhỉ ?
Chả nhẽ lại chỉ dùng một thứ “chủ nghĩa Mác thô sơ” là cuối cùng NÔNG
DÂN – nếu không có một Đảng của giai cấp công nhân đô thị hiện đại lãnh
đạo thì bao giờ cũng THUA giai cấp địa chủ – phong kiến , mà dù có
thắng – như Tây Sơn đã từng thắng trước đó – thì rồi cũng bị ĐỊA CHỦ
HÓA, PHONG KIẾN HÓA mà thôi !
02.2.
Như tôi đã nghiệm sinh trên điền dã khắp Bắc Trung và chút chút ở miền
Nam, tôi đã thấy cả Nguyễn Nhạc và cả Bắc Bình Vương – Quang Trung (tất
nhiên cả Nguyễn Lữ nữa) đã thất nhân tâm khi các ông – như học giả Tạ Chí Đại Trường đã dẫn ra nhiều chứng cứ (Xem Nội chiến ở Việt Nam 1771-1801…)
– ở miền Trung, chỉ để 01 chùa ở cấp huyện, ở miền Bắc chỉ để 01 chùa ở
cấp tổng. “ĐẤT VUA – chùa LÀNG – Phong cảnh BỤT” – sáng – chiều nghe
tiếng chuông chùa “chiêu mộ” để tấm lòng thư giãn, để biết thời gian
trôi chảy vô thường đã từ lâu in hằn vào tâm thức người Việt. Phá chùa,
đập tượng, nung chuông (làm tiền, làm khí giới) là làm phản lại tâm thức
Việt Nam. Có lẽ nào dân gian xứ Bắc – Đàng Ngoài vốn kính VUA (Lê) nể
CHÚA (Trịnh) và sùng Phật – Đạo, dù rất trọng Quang Trung đã vì dân mà
chiến đấu và chiến thắng giặc Mãn Thanh, thế mà bên câu ca dao “cổ”
(XV):
Lạy trời cho cả gió lên,
Cho cờ vua Bình Định(2) phất (phới) trên kinh thành(3).
Lại có câu ca dao “cận đại”:
Lạy trời cho cả gió Nồm,
Cho thuyền chúa (vua) Nguyễn thắng buồm thẳng ra !
Ra… là ra Bắc. Vô là vô (vào) Trung – Nam. Đấy là một câu ca dao thuần
Bắc cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Đừng nên chỉ suy diễn lòng dân
(XVIII-XIX) theo chủ quan “bác học” (XX), mà nhà làm sử rất nên tham
khảo Folklore, nhất là Folklore cổ – cận – dân gian.
02.3.
Quân Tây Sơn vào Nam – Nam Bộ – thì phá Cù Lao Phố (Biên Hòa hiện nay),
giết hại thương nhân Hoa kiều, vứt phá hàng ngoại bỏ ra đầy đường, sau ở
Sài Gòn thì cũng vậy; ra Trung thì tàn phá Hội An (Faifoo), 10 năm sau
còn chưa phục hồi lại được; ra Bắc thì phá Vị Hoàng, phố Hiến và có đâu
chừa lắm cả Thăng Long. Khi nho sĩ Bắc Hà – mượn lời nông dân xóm Văn
Chương – để thưa kiện với chúa Tây Sơn về việc tòa Văn Miếu – bia Tiến
Sĩ bị phá thì Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã thành thật phê vào đơn:
Thôi ! Thôi ! Thôi ! Việc đã rồi !
Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta !
Nay mai dựng lại nước nhà,
Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian.
Thôi cũng đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải (1785-1786) !
02.4.
Gia Long dù bắt đổi Thăng Long (昇 龍) từ thành phố Rồng bay thủ đô cả
nước ra Thăng Long (昇 隆) – ngày thêm thịnh vượng – thủ phủ Bắc thành và
dời thủ đô cùng cả Quốc Tử Giám – Văn Miếu vào Huế thì ở Văn Miếu Thăng
Long, Gia Long vẫn cho xây một tòa Khuê Văn Các, nhỏ thôi mà cực đẹp; và ở thành cũ hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan, ông cũng cho xây một tòa Cột Cờ cao đẹp nhất kinh thành ngày ấy và cho đến nay còn tồn tại !
Thế
thì kể ra cũng khó mà chê Gia Long và nghệ thuật kiến trúc Nguyễn ! Mà
chê bai làm gì nhỉ, khi chúng – với thời gian – đã trở thành cái ĐẸP,
cái Di sản Văn hóa Dân tộc – Dân gian.
Huế
trở thành một Di sản Văn hóa Nhân loại – theo Quyết định của UNESCO
1993, mà hiện nay ta rất tự hào và đang biến thành Trung tâm Du lịch Văn
hóa Việt Nam là NHỜ AI, nếu không phải là nhờ VUA – QUAN – DÂN thời Gia
Long – Minh Mạng – Tự Đức và Nguyễn nói chung ?
Kính
xin quý vị Sử gia – tạm / gượng gọi là “đồng nghiệp” của tôi bơn bớt
việc “chửi bới” nhà Nguyễn – đời Nguyễn – bắt đầu từ Gia Long – đi cho
tôi và dân chúng nhờ… Và thái độ tốt nhất là xếp cả xứ Huế và Việt Nam
khi ấy vào Bảo tàng Lịch sử và coi khi đó, không gian đó như một TẤT YẾU
TẤT NHIÊN của LỊCH SỬ VIỆT NAM !
03.
Có một huyền tích lưu hành rất dai dẳng – và còn được ghi bằng giấy mực
nữa kia – là khi Nguyễn Ánh – Gia Long (năm 1801) chiếm lại được Phú
Xuân – Huế từ tay triều đại Tây Sơn, đã “cướp” công chúa Lê Ngọc Hân –
Bắc cung Hoàng hậu của Quang Trung làm vợ. Huyền tích ấy nay đã được
giải ảo hiện thực (désenchanter le réel). Sự thực lịch sử là thế này:
03.1. Sau khi vua Quang Trung mất (1792), Ngọc Hân đã dời cung điện ra ở chùa Tiên gần lăng mộ Quang Trung (xem sách “Đi tìm lăng mộ Quang Trung” của
Nguyễn Đắc Xuân và nhất là xem thơ Phan Huy Ích). Theo tôi, đó là vì
vua Cảnh Thịnh kế nghiệp Quang Trung mới 12 tuổi (không phải là con đẻ
của Ngọc Hân) cùng thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu của Cảnh Thịnh) rất lộng
quyền, chẳng ưa gì bà Ngọc Hân xứ Bắc, nên bà đã có ứng xử “chẳng tu thì
cũng như tu mới là”; cũng có thể là bà “nặng tình nặng nghĩa” với Quang
Trung. Bà có với Quang Trung hai (02) người con, bà mất sớm (1799) và
cả hai con bà cũng vậy (1801).
03.2.
Cho nên không làm gì có chuyện vua Gia Long giết hai con bà và lại lấy
bà làm vợ. Khi Ngọc Hân làm vợ Quang Trung, đã môi giới để người em cùng
nhũ mẫu là Ngọc Bình làm vợ của Cảnh Thịnh.
Khi
Cảnh Thịnh chạy ra Bắc, không hiểu vì lý do gì, bà Ngọc Bình bị kẹt ở
Phú Xuân. Gia Long chiếm Phú Xuân, bắt được Ngọc Bình và quyết định ngay
lấy làm vợ (phi). Cả đám triều thần của Gia Long xúm lại can ngăn, họ
nói: – Bệ hạ nay có cả thiên hạ, thiếu gì gái đẹp – trinh nguyên, việc gì phải lấy vợ của giặc làm vợ mình ! Vua Gia Long cười ha hả mà nói: – Đến đất nước của giặc “tau” còn lấy, huống chi là vợ giặc,“tau” lấy vợ giặc làm vợ “tau” thì có chi mô !
Về việc này Biên Niên sử của triều Nguyễn còn chép hẳn hoi, xem – chẳng hạn – Đại Nam Thực lục Chính biên.
Tôi
kể chuyện này với ông bạn thân – nay đã quá cố “người xứ Huế” (mẹ là
dòng Hoàng phái Nguyễn) là PGS Nguyễn Đức Từ Chi, ông cười lâu lắm và
bảo tôi rằng: – Ở đại học, tôi học cổ sử Việt Nam với các thầy khác
nên không biết chuyện này. Nay nghe anh kể mới biết. Thật là tuyệt ! Đây
là một “ca” (cas = trường hợp) mà nếu lý giải bằng phân tâm học
(psyanalyse) thì sẽ rất lý thú. Nhưng câu nói ấy của Gia Long trả lời
các quan đại thần là rất “cynique” (tôi chưa biết dịch là gì cho đúng, đại khái là rất “tởm”, “lỗ mãng”, “bất cần sĩ diện”, “trắng trợn”… nhưng mà rất THỰC) đấy chứ, phải không anh ?
Tôi mủm mỉm gật đầu đồng ý.
03.3.
Tôi được đọc GIA PHẢ nhà họ Nguyễn ở làng Nành (nay thuộc xã Ninh Hiệp,
huyện Gia Lâm, Hà Nội) quê bà Nguyễn Thị Huyền, mẹ bà Ngọc Bình, nhũ
mẫu của bà Ngọc Hân. Gia phả có đoạn chép:
Bà
cụ Nguyễn Thị Huyền – qua con gái là bà Ngọc Bình – có làm đơn xin cải
táng mộ bà Ngọc Hân (và hai con bà) về Bắc, về quê bà. Vua Gia Long đồng ý.
Tiểu sành đựng xương cốt bà Ngọc Hân được chở bằng thuyền về làng Nành
và được xây mộ hẳn hoi. Mãi đến thời Thiệu Trị (1840-1847), có một tên
cường hào ở làng Nành vì có sự chảnh chọe ngôi thứ gì đó với dòng họ
Nguyễn nên làm đơn vu cáo họ Nguyễn đã “lợi dụng” gì đó về ngôi “mả
ngụy” Ngọc Hân, cấp trên nó quan liêu hay ăn đút lót gì đó – không biết –
phê vào đơn cho phép đào mả Ngọc Hân quẳng xuống sông Nhị Hồng…
Hiện
nay ở Gia Lâm có đền Ghềnh, tương truyền là “rất thiêng”, đấy chính là
nơi hài cốt Ngọc Hân dạt vào, được dân vớt lên mai táng lại. Nhiều nhà
“Hà Nội học” – không đọc gia phả họ Nguyễn làng Nành – đã nói và viết
rất “lu bu” về chuyện này và “đổ vạ” cho Gia Long và nhà Nguyễn đào mả
vợ Quang Trung để trả thù ! “Trả thù”, vâng, có thể có ở mọi thời, song
việc đào mả Ngọc Hân quẳng xuống sông không phải là việc và trách nhiệm –
tội lỗi của Gia Long.
03.4.
Gia Long “tội vạ” gì mà gây thù chuốc oán thêm với sĩ phu và dân chúng
Bắc Hà mà ông chê bai là “bạc” – theo thành ngữ dân gian – hay được / bị
“dân gian hóa” thành câu: “Bạc như dân, bất nhân như lính”.
Theo
chỗ tôi được biết (tôi biết rất ít thôi), thì sau khi vua Gia Long ra
Bắc (1802) diệt nốt “dư đảng Tây Sơn” và cử Nguyễn Văn Thành (“Tiền Quân
Thành”) làm Bắc thành trấn thủ, vua Gia Long đã – qua ông Thành – làm
vài việc sau đây:
03.5. Tổ chức một lễ tế “Trận vong tướng sĩ” ở bên bờ sông Nhị phía Đông thành Thăng Long. Bài văn tế này vẫn còn và khi xưa – tôi học trung học – vẫn được học ở sách Việt Nam văn học sử yếu của
cố GS Dương Quảng Hàm. Sách này đề tên tác giả bài văn tế là “Vô danh”,
sau này giới Văn học và Hà Nội học đã tìm ra tác giả chính là Nguyễn
Huy Lượng, sĩ phu Bắc Hà – người đã cộng tác với triều đình Tây Sơn đến
cùng (1801) và viết bài Phú nôm nổi tiếng “Tụng Tây hồ phú”(và do vậy Phạm Thái, sĩ phu Bắc Hà chống Tây Sơn đã viết bài phản bác cũng khá hay với nhan đề “Chiến tụng Tây hồ phú”).
Lễ tế vong này và bài văn tế giành cho mọi sĩ tử binh không phân biệt
ai là “chân” ai là “ngụy”. Tế xong, Nguyễn Huy Lượng không bị phạt tù
tội gì về việc cộng tác với nhà Tây Sơn và Nguyễn Gia Long “bổ” cho ông
cử nhân hay chữ này một chức tri huyện ở phủ Nghĩa Hưng (Nam Định), sau
ông bị – theo gia phả và sử địa phương chí chép – giặc cướp giết.
03.6.
Cũng dưới thời vua Gia Long, bà phi “tòng vong” với Lê Chiêu Thống xin
triều Nguyễn cho đưa hài cốt ông vua Lê cuối cùng này cùng vài quan tòng
vong (đã chết bên nước Thanh) đem về nước. Vua Gia Long – qua lời tâu
của Trấn thủ Bắc thành – đã đồng ý. Bà phi họ Nguyễn này mang
hài cốt chồng và vài quan khác về Việt Nam chôn cất xong thì tự tử chết.
Bà cũng được mai táng tử tế (tôi được học chuyện này từ thời trung học
Pháp thuộc).
Vua
Gia Long đã sai lập “đền Cố Lê” ở Hà Nội (mạn phố Thụy Khuê) để thờ vua
Lê cũ và sai dỡ nhà Thái miếu ở Thăng Long về Bố Vệ xứ Thanh quê nhà Lê
lập đền thờ. “Đền vua Lê” (còn gọi là “Thái miếu”) hiện vẫn còn và đã
được Bộ Văn hóa Thông tin nhà nước CHXHCN Việt Nam xếp hạng (“Di tích
Văn hóa được xếp hạng”).
03.7.
Quê tổ nhà Nguyễn là Gia Miêu ngoại trang ở Hà Trung – Thanh Hóa, đối
diện với dãi núi Triệu Tường. Ở Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã trở thành
“ông Hai” (ông cả Nguyễn Uông đã bị anh rể – chồng bà Ngọc Bảo – giết
để cướp chính quyền Thái Sư (như thủ tướng ngày sau), thay thế ông bố vợ
Nguyễn Kim (phụ thân Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng) đã bị đầu độc chết. Từ
thế kỷ XVII-XVIII trên đường hình thành đạo Mẫu Việt Nam mà mẫu Liễu
Hạnh ở Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định, Nam Hà) trở thành “Thánh Mẫu” theo
thần tích, ít ra là từ đời Cảnh Hưng (1740-1786). Nguyễn Hoàng đã được
thờ ở khắp xứ Đàng Ngoài dưới tên gọi “Quan Lớn Triệu Tường”. Vua Gia
Long đã về thăm quê gốc Gia Miêu.
Trên
đường công tác điền dã, năm 1994, tôi đã về thăm Gia Miêu, thăm ngoại /
nội trang, thăm núi Triệu Tường, và đang đứng trầm ngâm chiêm ngắm ngôi
đình được trùng tu lại thời Gia Long, rất đẹp mắt nhưng đang gần như bị
“bỏ quên” (chưa được xếp hạng và đang xuống cấp, chưa được trùng tu tôn
tạo) thì được một cán bộ xã mời về trụ sở Đảng ủy và UBND xã.
Tôi
những tưởng mình sẽ bị khiển trách và “thăm hỏi” vì đã dám ghé thăm
ngôi đình làng mang niên hiệu Gia Long trùng tu mà không trình báo lãnh
đạo xã. Nhưng không !, tôi được chiêu đãi một bữa bia “đã đời”,
vì đã được cán bộ xã đứng tựa cột đình “nghe lỏm” – tôi đang giảng giải
cho các cán bộ cùng đi – về nét đẹp ngôi đình làng này và tỏ ý tiếc vì
bị nhà nước bỏ quên ! Nghe các nhà lãnh đạo xã quê hương Gia Long nói
thêm về tình hình xã, tôi rất mừng vì các đảng viên cộng sản Gia Miêu
quê hương nhà Nguyễn đã tỏ ra có “tư duy đổi mới” khi nhận nhìn vai trò
lịch sử của vua Gia Long và nhà Nguyễn với thái độ “thể tất nhân tình”,
rất đậm đà bản sắc Việt Nam. Vua Gia Long sai sửa đình làng quê gốc của
mình nhưng không hề sai sửa lại tên quê. Mãi đến thời Tự Đức
(1848-1883), ông vua này mới sai đổi tên Gia Miêu cũ xưa thành tên mới
Quý Hương !
03.8.
Tuy Trịnh Kiểm đã giết Nguyễn Uông, nhưng chính sử nhà Nguyễn, kể cả
Đại Nam nhất thống chí, quyển về Thanh Hóa tỉnh, mục nhân vật vẫn chép
về Trịnh Kiểm mà không hề có một lời nói xấu nào về ông tổ họ Trịnh này.
Thật
là lạ ! Càng lạ hơn, khi tôi (1992) về thăm lại quê hương Trạng Bùng –
Phùng Khắc Khoan ở Thạch Thất xứ Đoài (nay thuộc tỉnh Hà Tây) – người
được coi là “Trương Tử Phòng” (quân sư Trương Lương của Hán Cao Tổ) của
Trịnh Kiểm. Gia Long rồi Minh Mạng đã ban cho ngôi nhà thờ Trạng Bùng
một bức đại tự chạm trổ rất đẹp với 4 chữ “TRUNG HƯNG CÔNG THẦN”, miễn
sưu dịch cho con cháu Trạng Bùng, lại cho 2 “đinh phụ” được coi sóc nhà
thờ và mồ mả của ông Trạng đã hết lòng “phù Lê phù Trịnh” này.
03.9. Tôi có một số bạn bè họ Trịnh đã / đang làm cán bộ cao cấp của nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tôi đưa cho họ xem bản Trịnh gia thế phả do Trịnh Cơ vâng lệnh Gia Long, khai báo lại năm 1802.
Lời
mở đầu cuốn gia phả họ Trịnh này viết rằng khi vua Gia Long ra Bắc
(1802), ông đã cho gọi tộc trưởng họ Trịnh – Trịnh Cơ – từ xứ Thanh ra
Thăng Long và phán bảo rằng: – Họ nhà ngươi và họ ta là hai họ có thâm thù vì tổ họ ngươi đã giết tổ họ ta !
Trịnh
Cơ run rẩy nghĩ rằng mình và họ mình sẽ bị Gia Long “làm cỏ sạch gốc
rễ” để trả thù. Nhưng mà không !, vua Gia Long nói tiếp: – Nhưng họ
nhà ngươi và họ ta đã từng là thông gia – thân gia. Ta sẽ lấy tình thân
gia mà đối đãi với họ ngươi. Song họ ta ở Nam đã quá lâu, ta chẳng biết
rõ gì về họ ngươi cả. Vậy ngươi hãy cung khai về gốc gác họ Trịnh trình
cho ta biết !
Trịnh
Cơ mang gia phả cũ ra tham khảo và cứ theo sự thực viết ra (cố GS Hoàng
Xuân Hãn rất khen ngợi bản gia phả nhà Trịnh này là trung thực, đã viết
rõ gốc gác nghèo hèn và hành xử “xấu xa” của Trịnh Kiểm như ăn cắp gà,
giết trộm trâu, ăn cắp ngựa…). Đọc xong Gia phả họ Trịnh, Gia Long đã
phê ban cho họ Trịnh 200 mẫu ruộng công để dựng nênTrịnh điện làm nơi thờ tự các chúa Trịnh (nay làng Trịnh Điện bên bờ sông Mã có diện tích đúng 200 mẫu, 1 mẫu Trung bộ = 5000m2).
LỜI TẠM ĐÓNG
Khi
còn ở Gia Định và mới chỉ có Gia Định (châu thổ sông Mê Kông) trước
1801-1802, Nguyễn Ánh – Gia Long đã vận dụng “cơ chế thị trường” và đã
biến Sài Gòn miền Nam thành nơi sản xuất và xuất khẩu lúa
gạo ra toàn Đông Nam Á để đổi lấy các sản phẩm công nghiệp phương Tây,
cố nhiên hàng nhập khẩu được ưu tiên hàng đầu là vũ khí để chống lại Tây
Sơn. Tôi không muốn / không cần bình luận về ý đồ chủ quan của Nguyễn
Ánh, nhưng Nam Bộ cho đến nay vẫn quen với “cơ chế thị trường” hơn miền
Bắc. Có nhiều nguyên nhân lắm, song phải chăng cũng có vai trò của
NGUYỄN ÁNH ?
Tôi
đã nhắc đi nhắc lại – làm rườm tai bạn đọc, nếu bài này được đọc và
được in – rằng tôi, kẻ ngu hèn này, không phải là một nhà Sử học chính
tông.
Vậy,
theo ý F. Engels vĩ đại, ai không am hiểu lắm về một lĩnh vực khoa học
nào đó mà cứ cố tình “nói chõ” vào thì có thể được lượng thứ về một số
sai lầm không đến nỗi lớn lắm.
Tôi,
từ lâu đã rất mê F. Engels, mượn và có thể là “lợi dụng” mấy lời nói
của ông để tạm đóng bài viết có nhiều phần “dở hơi” này.
Hà Nội – Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh)
Mùa thu tháng Tám, 1996
GS Trần Quốc Vượng
(Đại học Quốc gia Hà Nội)
(1)
Có nhà Việt Nam học ở Liên Xô (cũ) còn xem vai trò Gia Long như vai trò
của Pi-e đại đế nước Nga xưa nữa kia. Thật là “quá đáng”, nhưng theo
tôi, Quang Trung cũng không hề là nhà cải cách vĩ đại của Việt Nam.
(2) Bình Định Vương Lê Lợi.
(3) Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét