Khải Định qua nhận định của một nhà nghiên cứu
Vua Khải Định là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự " ra đi " của một ông vua vào buổi mạt kỳ của chế độ phong kiến.
Bước lên ngai vàng vào giữa tuổi 31, Khải Định không có một đóng góp nào cho công cuộc giải phóng dân tộc và phục hưng kinh tế đất nước.
Ngược lại ông say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và Hoàng Tộc như điện Kiến trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng, Những công trình này làm hoa tốn nhiều nhân lực, của cải của bình dân, song lại vô tình trở thành những công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật.
(Phan Thuận An - Lăng Khải Định)
Thơ Vịnh Vườn Bách Thú
Năm 1897, thực dân Pháp phá thành Thăng Long cũ rồi chiếm thêm một phần lớn đồng ruộng làng Thanh Bảo, một phần ruộng Ngọc Hà, và một cái đầm thuộc làng Khán Xuân để mở vườn Bách Thảo ( ... )
Nghe đâu đúng vào dịp Khải Định ra chơi ngoài Bắc ( tháng 3 năm 1918 ) và sau buổi ông tới dự buổi dạ hội ở vườn Bách Thú do thực dân Pháp tổ chức, người ta bỗng thấy nhiều mảnh giấy dán la liệt ở các gốc cây, trong có chép bài thơ Nôm như sau:
Dưới đám cây xanh một dây chuồng,
Mỗi chuồng nuôi một thú chim muông .
Khù khì vua cọp no nằm ngủ,
Nhớn nhác đàn hươu đói chạy cuồng .
Lũ khỉ được ăn , bày lắm chuyện ,
Đàn chim chực miếng hát ra tuồng .
Lại còn gấu dại vài ba chú ,
Hì hục tranh nhau một cục xương.
bề ngoài, đây chỉ là một bài thơ vịnh vườn Bách Thú, song bên trong lại bao hàm một giọng châm biếm khá sâu cay .
( ... )
Ngay sau khi xuất hiện, bài thơ đã gây một tiếng vang khá lớn ở Hà Thành và đã thu hút nhiều người tới xem.
Thấy vậy nhà đương cục phải tức tốc cho lính bốc hết các mảnh giấy dán ở Bách Thú, và ra lệnh cấm không ai được tàng trữ bài thơ đó.
Nhưng cấm sao được miệng dân, cho mãi đến sau này bài thơ vẫn được các cố lão vùng Ngọc Hà và các vùng lân cận truyền tụng.
(Theo Giai Thoại văn học Việt Nam - Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch)
Khải Định trong lễ chúc thọ qua mắt (W.Somerset Maugham
Câu Đối Trong Ngày lễ Phúng Điếu
" Cung Oán Ngâm Khúc "
KHẢI ĐỊNH TRONG LỄ CHÚC THỌ QUA MẮT ( W. SOMERSET MAUGHAM ( 1)
( ..... )
Phòng sáng lờ mờ , Hoàng Đế mặc áo vàng, ngồi trên ngai vàng. Thoạt nhìn, rất khó nhận biết một người đang sống ngồi đó.
Ngài đứng lên, ở mỗi bên Ngài, có một người cầm quạt, và phía sau là một hàng người hầu mặc áo xanh đậm, đang cầm vật dụng của Hoàng Đế như khay trầu, ống nhổ và cái gì khác tôi không biết. Phía trước một chút, hai người lính mặc sắc phục màu cam, tay đưa kiếm vàng lên cao. Họ đứng đó như người trong bức ảnh, không nhìn trái, nhìn phải. Hoàng Đế cũng vậy, giống như người trong ảnh, vì Ngài đứng bất động, mặt vàng, dài và nhỏ không biểu lộ tình cảm.
Thống sứ đọc diễn văn và Hoàng Đế đọc đáp từ. Ngài cố giọng nói cao, nghe giống như lời đọc kinh. sau các diễn văn, người Âu đứng qua một bên. Hoàng Đế ngồi xuống ... triều thần lạy năm lần nữa. Hoàng Đế vẫn ngồi bất động.
Ngài giống như tượng thần bằng vàng ...
Buổi tiệc mở tại Hoàng Cung. Hoàng Đế và Thống Sứ ngồi trên ghế bành giữa phòng ngự, thực khách ngồi chung quanh. Vô số đèn dầu soi sáng và ban nhạc bản xứ hoà tấu rộn ràng ( ...) .
Hoàng Đế mặc áo lụa màu vàng. Ngài độ 35 tuổi; cao hơn người Việt Nam trung bình và rất gầy. Nét mặt Ngài hoà nhã. Ngài có vẻ ốm yếu nhưng nổi bật giữa đám đông.
Hình ảnh cuối cùng của Ngài mà tôi nhận thấy trong buổi tiệc là Ngài nghiêng mình trên bàn một cách vô tư, vừa hút thuốc vừa nói chuyện với một thanh niên Pháp. Thỉnh thoảng mắt Ngài dừng lại, không buồn nhìn những kẻ chinh phục đang vụng vể khiêu vũ.
( Trích " The gentleman in the palour " Người lịch sự trong phòng khách) Khổng Trang , Vương Lưu dịch )
CÂU ĐỐI TRONG NGÀY LỄ PHÚNG ĐIẾU
Sau chín năm làm vua, năm 1925, Khải Định mất. Trong dịp này, Hoàng Gia nhận được rất nhiều trướng liễn phúng điếu ca ngợi nhà vua. Không ngờ trong mớ trướng liễn ấy lẫn vào một cái làm cho cả Hoàng Gia , các quan Nam triều lẫn Bảo hộ phải sửng sốt.
Bỏ đi thì không được, mà treo lên thì xấu mặt cho người quá cố vô cùng.
Nội dung bức trướng ấy như sau:
Ông vội bỏ đi đâu, bỏ bạc, bỏ tiền, bỏ vợ, bỏ con, bỏ hát bội, thầy tu, bỏ hết trần duyên trong một lúc.
Tôi nay còn lại đó, còn trời, còn đất, còn non, còn nước, còn anh hùng, hào kiệt, còn nhiều vận hội giữa năm châu.
Căn cứ vào nội dung, triều đình đã tìm ra được tên tuổi người gởi. Người đó không ai khác là vua Duy Tân đang bị đày ở đảo Réunion .
(Theo Hoàng Trọng Thược )
" CUNG OÁN NGÂM KHÚC "
Vua Khải Định vốn không ưa phụ nữ. Tuy ham xem hát bội, nhưng nhà vua không muốn xem phụ nữ diễn. Đoàn tuồng ngự chỉ toàn nam giới. Gặp cảnh cần có vai đào, thì nam đóng giả nữ. Vì thế đoàn tuồng Thanh Bình dưới triều Khải Định có nhiều nghệ nhân đóng vai đào rất giỏi.
Do không thích gần đàn bà, nên tuy nhà vua vẫn phải tuyển một số bà Phi nhưng rất lạt lẽo trong tình " chăn gối " . Theo cụ Long Châu Tôn Thất Sa, một bà Phi của Khải Định, vì quá cô độc trong cung cấm nên đã ký thác tâm sự của mình vào mấy vần thơ sau đây:
Hạt mưa đã lọt vào đài các
Những mừng thầm cá nước duyên may
Càng lâu càng lắm mùi hay
Cho cam , công kẻ nhúng tay thùng chàm .
Ai ngờ thể một năm một lạt
Nguồn ái ân, không tát mà vơi
Suy đi âu cũng cơ trời
Bỗng không mà hoá ra người vị vong .
Thì ra cảnh phi tần bị bỏ rơi ở triều đại nào cũng có, nhưng mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Bà Phi này đau khổ không hẳn vì kém nhan sắc hoặc nhà vua có quá nhiều vợ, mà bởi chính Khải Định chỉ ưa đàn ..... ông !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét