Phan Huy Lê
Dương Thị The
Nguyễn Thị Thoa
Một đóng góp to lớn của vương triều Tây Sơn cho kho tàng văn hóa của dân tộc là việc vương triều này cho ra đời một tác phẩm sử học tầm cỡ có giá trị: Đó là bộ Đại Việt sử ký tiền biên.
Đại Việt sử ký
tiền biên là một bộ sử lớn viết bằng chữ Hán do một tác giả nổi tiếng là
Ngô Thì Sĩ biên soạn. Đến thời Tây Sơn con ông là Ngô Thì Nhậm sửa sang
dâng lên vua và cho in. Bộ sử này được in lần đầu tiên vào năm 1800,
niên hiệu Cảnh Thịnh thời Tây Sơn (bản này hiện nay chưa tìm được). Bản
in ngày nay còn giữ được ở Phòng Bảo quản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm,
thư viện của trường Đại học Tổng hợp, thư viện Viện Sử học và một vài tủ
sách của tư gia là những bản được in vào đầu đời Nguyễn trên cơ sở ván
khắc cũ của thời Tây Sơn có đục bớt một vài chữ như “Bắc Thành”, “Cảnh
Thịnh”…
Bộ sử gồm 17
quyền chia làm 2 phần: Ngoại kỷ (7 quyển) và bản kỷ (10 quyển). Chép từ
thời Hồng Bàng đến thời thuộc Minh gồm 4354 năm.
Trong bài viết
này, chúng tôi không có tham vọng giới thiệu đầy đủ nội dung của bộ sử
mà chỉ xin so sánh để nêu lên vài nét đặc biệt của tác phẩm.
1) Tính độc lập về quan điểm của tác giả thể hiện qua bộ sử:
Trong Đại Việt
sử ký toàn thư, Triệu Đà được coi là một ông vua chính thống, được xếp
riêng thành một kỷ gọi là “Kỷ nhà Triệu”. Ngô Sĩ Liên đã từng nhắc lại
lời Lê Văn Hưu tán tụng công đức của Triệu Đà: “Triệu Vũ đế khai thác
đất Việt ta mà tự xưng đế, trong nước đối ngang với nhà Hán, gửi thư
xưng là lão phụ, là người mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta,
công ấy cũng to lắm vậy”(1).
Trong Đại Việt
sử ký tiền biên, thì khác hẳn. Ngô Thì Sĩ không coi Triệu Đà là vị vua
chính thống, thời kỳ Triệu Đà nắm quyền không phải thời kỳ tự chủ mà là
thời kỳ Ngoại thuộc, do đó, ông chép thành kỷ “Ngoại thuộc Triệu Vũ đế”.
Ngô Thì Sĩ đã nói rất rõ quan điểm của ông: “Không nhận Đà là vua, là
để cho nước ta thành một nước riêng đấy”(2). Ông còn phân tích rõ bản
chất quỷ quyệt của Triệu Đà và khẳng định Triệu Đà chính là kẻ đầu tiên
gây họa cho nước ta, ông nói: “Triệu Đà đời Tần chỉ là một quan lệnh.
Nhân nhà Tần loạn chiếm cứ đất Lưỡng Quảng. Lưu, Hạng đang tranh địa vị ở
Trung Nguyên, chưa rỗi tính đến đất Lĩnh Nam. Sau khi nhà Hán ổn định
Cao Tổ cũng thấy chán ghét binh đao, chán công trạng. Văn đế nối ngôi
lại càng ngại dùng vũ lực… Đà nhân đấy buộc Mân Việt, Tây Âu phải lệ
thuộc vào mình, xưng là “Hoàng Đế” để đề cao mình cho khác biệt. Song tự
biết sức mình không địch nổi nhà Hán…bèn bỏ hiệu để tự xưng là bề tôi,
dâng lễ công để làm vừa lòng nhà Hán, càng thấy rõ chỗ quỹ quyệt của Đà…
Các nhà làm sử như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên lấy công mở đầu nghiệp đế mà
quy cho Đà … Hết sức tán dương đức khiêm tốn của Đà là sai đấy… Đà
chiếm Ngũ Lĩnh, chỉ khổ vì lòng tham không biết thế nào là đủ, lại tiêu
diệt An Dương mà thôn tính đất đai, truyền được vài đời, rồi mất. Bản đồ
sổ sách thuộc nước cũ của An Dương phải nhập vào nhà Hán do đó nước ta
thành nguồn lợi cho Trung Quốc… nước ta ngoại thuộc vào Triệu, nên nội
thuộc vào nhà Hán, cho mãi đến đời Đường quốc thống bị đoạn tuyệt, suy
nguồn gốc người đầu tiên gây nên tai vạ không phải Đà thì còn ai ? Hơn
nữa, Đà đặt nước ta làm quận huyện, chỉ biết tịch thu đất đai, vơ vét
thuế má, chỉ cốt đầy ngọc bích cho nhà Hán, chất túi Lục Giả có đủ nghìn
vàng. Còn như giáo hóa phong tục, không mảy may để ý đến. Trải qua hàng
trăm năm đất nước chỉ là lệ thuộc… Lê Văn Hưu đặt phép chép sử đó, lập
lối nghị luận đó, Ngô Sĩ Liên theo lối hiểu nông cạn đó mà không sửa
đổi, cho đến bài Tổng luận của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm
cùng nhau ca tụng cho Đà là bậc vua giỏi của nước mình. Đến nay đã trải
hàng nghìn năm không ai cải chính, bởi vậy tôi phải luận thật sâu”(3).
Cuối cùng, ông
kết luận: “Cho nên tiếc Ngũ Lĩnh, là tiếc cái sau khi bà Trưng mất, chứ
không đáng tiếc cái trước khi Triệu Đà mất”(4). Bởi vì Bà Trưng mất,
nước ta rơi vào tay nhà Hán, lại thành quận huyện của nhà Hán, chịu sự
cai trị tàn ác của quân nhà Hán. Còn Triệu Đà mất hay còn thì nước ta
vẫn mất độc lập, mất chủ quyền, vẫn bị quân Trung Quốc thống trị.
Quan điểm của
Ngô Thì Sĩ về Triệu Đà thật rõ ràng dứt khoát. Quan điểm đó cũng được
biểu thị khi tác giả đánh giá nhân vật Sĩ Nhiếp.
Trong Đại Việt
sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên coi Nhiếp là bậc vương, đặt hẳn thành kỷ gọi
là “Kỷ Sĩ Vương” và viết “ Nước ta thông thi thư, quen lễ nhạc, thành
một nước văn hiến là bắt đầu từ Sĩ Vương. Công đức ấy chẳng những chỉ
thấy ở đương thời, mà còn truyền mãi đến đời sau, há chẳng lớn sao?”(5).
Lê Văn Hưu cũng như Ngô Sĩ Liên đã đề cao Sĩ Nhiếp đến tột độ, cho
Nhiếp là người mở mang nền văn hiến của nước ta, ca tụng đức khiêm tốn,
tài văn chương của Nhiếp.
Trong Đại Việt
sử ký tiền biên, Ngô Thì Sĩ không gọi Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương, không xếp
thành một kỷ “Sĩ Vương”. Ông cho rằng “Nhiếp chỉ là hạng quan thú mục,
chỉ đáng xếp vào kỷ nội thuộc”. “Nhiếp tuy có tài, nhưng là người phương
Bắc đến nhận mệnh làm thái thú; Nhiếp tuy có học vấn, giải sách Xuân
thu, nhưng chỉ là để cho bản thân chứ chưa từng dạy dân trong nước, thực
ra chưa bằng Tích Quang, Nhâm Diên(6). Hai ông Tích Quang, Nhâm Diên
cũng chưa được chép riêng thành ký huống là Sĩ Nhiếp, cho nên tôi đã
tước bỏ đi, cho vào kỷ nội thuộc theo lệ quan thú mục”(7). Đại Việt sử
ký tiền biên là bộ quốc sử đầu tiên đã phê phán sai lầm kéo dài của các
nhà sử học lúc đó khi coi nhà Triệu là một vương triều chính chống, coi
Sĩ Nhiếp là ông tổ của nền văn hiến nước Nam và do đó, tác giả Đại Việt
sử ký tiền biên đã không xếp Triệu Đà, Sĩ Nhiếp làm kỷ riêng, đấy là một
quan điểm rất mới, rất tiến bộ của Đại Việt sử ký tiền biên, chứng tỏ
tinh thần phê phán, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc rất chính đáng
của tác giả. Tư tưởng này được quán triệt trong toàn bộ nội dung bộ quốc
sử của vương triều Tây Sơn.
2) Đại Việt sử
ký tiền biên tuy biên soạn trên cơ sở của Đại Việt sử ký toàn thư nhưng
là một bộ sử riêng biệt mang tính chất một bộ sử luận phong phú. Bởi lẽ
tác giả đã cố ý tập hợp lời bàn của nhiều sử gia nổi tiếng như lê Văn
Hưu đời trần, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Tung, Nguyễn Nghiễm đời Lê
và chủ yếu lời bàn của chính tác giả. Mỗi sự việc xẩy ra, mỗi đời vua,
mỗi triều đại, mỗi nhân vật v.v… tác giả đều có những lời bàn xác đáng,
lý luận chặt chẽ, lời lẽ đanh thép. Tất cả có tới 467 lời bàn. Sau mỗi
triều đại đều có tổng luận, trong đó khen chê rõ ràng, khiến người đọc
có thể tóm tắt được lịch sử của cả một triều đại. Sau đây là một vài lời
bàn về một số nhân vật lịch sử, một số sự kiện v.v…
Về cuộc nổi dậy
chiếm cứ Hoan Châu của Mai Hắc Đế, Ngô Thì Sĩ đã phê phán cách nhìn của
sử cũ (Lê Văn Hưu) và ông nói rõ quan điểm của mình: “Đương lúc nội
thuộc, Mai Hắc Đế ở Nam Đường khởi binh chiếm giữ châu, không chịu sự
trói buộc của bọn quan lại bạo ngược, cũng là tay lỗi lạc trong bực thổ
hào. Thành công thì có Lý Bôn, Triệu Quang Phục; không thành công thì có
Phùng Hưng, Mai Thúc Loan. Họ đáng được biểu dương. Nhưng sử cũ lại
chép là “tướng giặc” là sai lắm”.
Về cuộc khởi
nghĩa của Hai Bà Trưng, tác giả hết lời biểu dương sự nghiệp của hai nữ
anh hùng này. “Không gì khó thu phục bằng lòng người, không gì khó tập
hợp bằng thế nước, lại càng không gì khó bằng một phụ nữ mà tập hợp được
nhiều nam giới làm người đồng chí với mình. Nước Nam nội thuộc đã từ
lâu… Bà Trưng là một đàn bà góa vấn tóc vùng lên, con trai trong nước
đều cúi đầu chịu sự chỉ huy của bà, quan chức hơn 50 thành cũng phải nín
hơi không dám chống cự… Tiếng tăm của bà chấn động cả Man Di, Hoa Hạ;
cơ nghiệp mở mang của bà khuyâý động cả đất trời. Ôi ! thật anh hùng
thay!”(8).
Về chiến thắng
của Lý Thường Kiệt, Ngô Thì Sĩ cũng đánh giá cao: “Cho nên tôi cho là
chiến dịch ỏ Châu Ung, Châu Liêm là võ công bậc nhất từ trước tới nay.
Lý Thường Kiệt là một hoạn quan lập được công trạng thần kỳ, người Tổng
phải hổ thẹn với ta nhiều lắm. Xét thấy chiến dịch này nước ta tỏ rõ
được binh uy. Người Tống cho là nước ta đang mạnh muốn lấy ân ý mà vỗ
về. Từ đó những lễ nghi tiến công và hình thức giấy tờ không dám trách
móc hà khắc, chỉ sợ trái ý ta lại sinh thù hận”(9).
Về chiến thắng
của Ngô Quyền, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ nhận xét chung chung. “Nhà
Tiền Ngô nổi lên được không những chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc
đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục có thể thấy được quy mô
của bậc đế vương”(10). Trong Đại Việt sử ký tiền biên, Ngô Thì Sĩ lại
đánh giá rất cao công lao của Ngô Quyền, ông nói: “Chiến dịch ấy giả sử
Ngô Quyền không đánh cho một trận thật đau để đập tan nhuệ khí, bẻ gẫy
mũi nhọn, thì bọn chúng sớm muộn sẽ đắc chí, cái thế nội thuộc lại dần
dần hình thành. Cho nên chiến thắng Bạch Đằng là cơ sở của việc phục hồi
quốc thống”(11).
Đối với kẻ thù,
thái độ của Ngô Thì Sĩ được thể hiện trong Đại Việt sử ký tiền biên rất
rõ ràng, sáng suốt và dứt khoát. Ông đã nhận định triều đình phong kiến
Trung Quốc như sau: “…An Nam là nơi đô hội lớn, ruộng ưa trồng lúa, đất
ưa trồng dâu, núi thì sản sinh vàng bạc, bể thì sẵn có ngọc châu. Kẻ
buôn bán đến đây phần nhiều giàu có. Họ(12) lấy làm thèm thuồng muốn đặt
nước ta làm quận huyện, bắt dân ta phải làm tôi tớ đã từ lâu. Khi chưa
được thì muốn cho được, khi được rồi lẽ nào lại buông tha”(13). Cho nên
“một thổ hào nổi lên thì quận thú dập tắt; một quận thú nổi lên thì thứ
sử tập hợp lại mà đánh; thứ sử nổi lên thì Trung Quốc dốc toàn lực mà
trị ngay”(14). Bản chất của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán Trung Quốc dốc
toàn lực thôn tính ta là thế đấy.
Đối với cách
chép sử của các sử gia đời trước, Ngô Thì Sĩ cũng mạnh dạn phê phán
nhiều sai lầm của họ. Ví dụ trong “Ngoại kỷ thuộc Triệu”, ông nói: “Xét
thấy một thời đại ngoại thuộc họ Triệu, sử cũ chép từ Vũ đế đến Thục
Dương Vương đều phỏng theo sử nhà Hán mà biên chép thành sách.. Đà thuộc
Hán, Giao Nam ta lại thuộc Đà, nên những hiện tượng tương ứng với Đà
cũng đã không đáng ghi rồi, huống gì nhà Hán chép những biến dị của mặt
trời và sao là để giúp cho việc chiêm nghiệm chứ liên quan gì đến Đà;
nay đã nhầm mà đưa Đà vào hệ quốc thống, lại theo đấy mà bắt chước sự
ghi chép của sử Hán cốt cho đầy sách sử, không xem xét có đúng hay
không. Như thế thì đáng gọi là “dã” chứ không đáng là “sử”… sao có thể
ghi chép nhầm như thế được. Cho nên tôi tước bỏ đi”(15). Cũng trong
“Ngoại kỷ thuộc Triệu”, ông lại nhận xét: “Hai nước Mân Việt đánh nhau
không phải việc của nước mình. Hơn nữa, Hoài Nam can việc đánh Mân Việt
mà người Hán không nghe cũng không phải là việc bức thiết. Bức thư can
gián của Hoài Nam mà sử cũ chép đã thấy trong sử nhà Hán rồi cho nên bỏ
đi”(16). Trong kỷ nhà Lý, Ngô Thì Sĩ cũng nêu lên một số nhận xét phê
phán: “Trong khoảng hơn 200 năm nhà Lý dựng chùa xây tháp, hết thảy các
việc thờ Phật đều chép to chép đặc cách. Người biên soạn không biết đó
là rườm rà, người hiệu đính cũng theo lối hủ lậu đó. Thật không đúng
phép làm sử”(17). Ông phê phán sách chép sử của Lê Văn Hưu: “Lê Văn Hưu,
rất tin điềm lành, thấy sự việc ghi trong lịch ngày của thời đại trước
là ghi chép vào sử sách. Thế mà điển chương pháp lệnh của một thời đại
thì không ghi. Rõ ràng là không đúng phép làm sử”(18).
Đại Việt sử ký
tiền biên thể hiện một tinh thần phương pháp viết sử mới, tiến bộ. Tác
giả đã phê bình lối viết cẩu thả không khảo cứu, thiếu khoa học của các
sử gia thời trước, nhiều chỗ ông phê bình rất gắt gao và thẳng thắn. Lời
bàn trong Đại Việt sử ký tiền biên vô cùng phong phú và đa dạng, đặc
biệt là lời bàn của tác giả, thể hiện quan điểm dân tộc, tình yêu nước
thương dân, căm ghét kẻ thù, bênh vực lẽ phải, khen chê đúng mức v.v…
3) Một giá trị
đặc biệt nữa của Đại Việt sử ký tiền biên là tác giả đã tra cứu bổ sung
được khá nhiều sự kiện, cải chính được khá nhiều sai sót của sử cũ mà
chính bộ Việt sử thông giám cương mục đời sau đã phải theo. Đây là một
điểm đáng chú ý và rất bổ ích cho người làm công tác nghiên cứu sau này
và chính nó cũng nói lên được giá trị khoa học của bản thân tác phẩm.
Xin đơn cử vài ví dụ:
Tất cả các sách
sử của ta đều chép “Bà Trưng đã lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam”. Đại Việt
sử ký tiền biên đã cải chính: “… Tổng cộng là 56 thành, sử cũ theo sử
nhà Hán lầm là 65 thành, cho nên cải chính”(19). Trong sách; ông đã liệt
kê từng thành và cộng lại là 56 thành. Về cái chết của Lý Nam Đế, ông
đã vạch trần sự xuyên tạc của sử nhà Lương như sau: “Nói vua Lý Nam Đế ở
trong động Khuất Liêu bị người trong động giết cắt tai dâng nhà Lương
là nói khoác đấy”.
Đại Việt sử ký
toàn thư chép: “Đại Hành hoàng đế, vua họ Lê, huý là Hoàn, người Ái
Châu”(20). Đại Việt sử ký tiền biên nêu lên một ý mới: “Lê Đại Hành
người làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm chứ không phải người Châu Ái. Sử
cũ chép nhầm”. Trong kháng chiến chống quân nguyên, về sự kiện năm
1288, Đại Việt sử ký tiền biên cũng có những giám định nói về sử liệu:
“Xét sử cũ có ghi năm đó quan quân hội đánh ở ngoài cửa bể Đại Bàng, bắt
được 300 chiếc thuyền tuần tiễu của giặc, người ngựa chết rất nhiều.
Chiến dịch đó là do Khánh Dư đón đánh thuyền lương của nhà Nguyên. Nhà
viết sử không khảo kỹ sự thực đó, cứ nói suông là quan quân. Còn chiến
thắng của Khánh Dư lại ghi vào mùa đông năm Đinh Hợi. Cho nên cải chính
lại mà ghi sự việc đó xuống dưới, để giữ lại sự ghi chép cũ. Hoặc sử cù
chép Nguyễn Khoái đánh nhau với giặc bắt được Bình chương sự là áo Lỗ
Xích. Nay tra Bắc sử thì áo Lỗ Xích là tướng đường bộ của nhà Nguyên,
người đã cùng Thoát Hoan kéo quân đường bộ trở về. áo Lỗ Xích chưa hề
đến Bạch Đằng mà bị Nguyễn Khoái bắt. Người bị bắt chỉ là viên tướng
nhỏ… Những loại tương tự như vậy khảo xét không rõ, lường đặt không
tường đã vội ghi vào sách làm cho người đọc nghi ngờ cho nên lược
bỏ”(21).
Trong suốt 17
quyển của bộ sử còn nhiều chi tiết trận đánh, sự kiện lịch sử, địa danh
thay đổiv.v… đã được bổ sung hoặc cải chính, mà chúng tôi không thể nêu
ra hết được.
Tóm lại, Bộ Đại Việt sử ký tiền biên của
Ngô Thì Sĩ được sử quán triều Tây Sơn in là một bộ quốc sử rất giá trị.
Nó không những thể hiện được quan điểm tiến bộ cảu tác giả mà còn là bộ
sử luận phong phú và có tính khoa học cao. Hy vọng rằng một ngày gần
đây, bản dịch của bộ Sử này sẽ được xuất bản để phục vụ yêu cầu của giới
nghiên cứu khoa học xã hội và tất cả ai muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc.
CHÚ THÍCH
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Nxb. KHXH Hà Nội, 1972, Tập I, tr. 78
(2) Đại việt sử ký tiền biên, Bản chữ Hán, Ngoại kỳ, q.2, tr.9.
(3) (4) Sđd. tr.11.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, q.3. tr.102.
(6) Tích Quang, Nhâm Diên là hai thái thú do nhà Hán cử sang nước ta thời thuộc Tây Hán.
(7) Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd, phần Ngoại kỷ, q3, tr.14.
(8) Sđd, Ngoại kỷ, q.3, tr.6.
(9) Sđd, Ngoại kỷ, q.3, tr.15.
(10) Sđd, tr.148.
(11) Sđd, Ngoại kỷ, q.7, tr5.
(12) Chỉ các triều đại phong kiến Trung Quốc.
(13) Sđd, Ngoại kỷ, q.6, tr.24.
(14) Sđd, Bản kỷ, q.1, tr.7.
(15) Sđd, Ngoại kỷ, q.2, tr.8.
(16) Sđd, tr.12.
(17) Sđd, tr.6.
(18) Sđd, Bản kỷ, q.2, tr.11.
(19) Sđd, Ngoại kỷ, q.3, tr.5.
(20) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập I, tr. 160.
(21) Đại Việt sử ký tiền biên, Sđd, Bản kỷ, q.1, tr.2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét