XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

ĐỜI SỐNG XÃ HỘI THĂNG LONG 215 NĂM THỜI LÝ

Thăng Long là thành thị ngã ba sông: sông Tô Lịch gặp sông Nhị Hà, mà cốt lõi là quận Hoàn Kiếm, nơi diễn ra các hoạt động buôn bán sầm uất. Những phường phố chính của Thăng Long xưa hội tụ quanh khu tam giác đó về mặt kinh tế, nét đặc trưng của Thăng Long là các hoạt động thủ công và thương nghiệp. Do nhu cầu của vua quan và quân lính, do vị trí buôn bán, làm ăn thuận lợi, nhiều thợ thủ công và thương nhân các nơi tụ tập về Thăng Long. Phường thủ công, phố xá, chợ búa dần dần mọc lên.
Ngoài bốn cửa thành là những chợ, lớn nhất là chợ Đông và chợ Tây. Đấy là nơi trao đổi trực tiếp giữa bộ phận Thành và bộ phận Thị, cũng là nơi tập trung hoạt động buôn bán của kinh thành. Khu vực đông-bắc, lấy cửa Đông và khu vực cửa sông Tô và sông Nhị làm giới hạn là trung tâm thương nghiệp lớn nhất của Thăng Long. Ở đây tập trung nhiều phố phường-chợ bến, trung tâm là phường Giang Khẩu, chợ Đông, bến cảng của sông Tô và ngược lên phía trên, bến cảng Triều Đông (dốc Hòe Nhai). Phố phường, chợ búa tấp nập tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền của một khu phố buôn bán lớn.
Chùa Một Cột được xây dựng năm 1049, đã được xây lại theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (Ảnh: tư liệu)
    Các nghề thủ công nằm rải rác ở nhiều phố phường, nhưng tập trung nhất vẫn là khu Đông và khu Tây của thành Thăng Long. Đó là các nghề dệt, nhuộm, gốm, sứ, giấy, nghề làm đồ trang sức, mỹ nghệ, nghề đúc đồng, rèn sắt, nề, mộc... Khảo cổ học đã tìm thấy nhiều đồ sứ tráng men, nhiều đồ đất nung hình rồng, phượng, cầm thú..., những cột đá chạm rồng mang phong cách nghệ thuật thời Lý, nhiều gạch, ngói, trong đó có ngói bản, ngói ống, ngói tráng men và những viên gạch in niên hiệu đời Lý như Long Thụy Thái Bình (l054 -1058), Chương Thánh Gia Khánh (l059 -l065)... được sản xuất vào triều vua Lý Thánh Tông (l054 - l072). Những di vật cho thấy trình độ kỹ thuật và nghệ thuật cao của nghề gốm, sứ đời Lý. Sử cũ còn chép: Năm 1010, vua Lý Thái Tông cho cung nữ tự dệt gấm vóc và ra lệnh phát hết gấm vóc nhà Tống ở trong kho cho các quan để tỏ ý từ nay không dùng hàng mua của nước ngoài nữa. Điều ấy chứng tỏ tinh thần tự lực tự cường của triều Lý và sự phát triển cao của nghề dệt đương thời. Về văn hóa, dưới thời Lý, sinh hoạt văn hóa Thăng Long thấm đẫm tinh thần hòa hợp tôn giáo, mà các nhà nghiên cứu thường gọi là "Tam giáo đồng nguyên" (Nho - Phật - Đạo). Thời Lý, Phật giáo rất hưng thịnh vì Nhà nước lấy Phật giáo làm quốc giáo. Ngoài hai phái Thiền đã có từ trước là phái Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) vào năm 580 và Vô Ngôn Thông vào năm 820, xuất hiện phái Thảo Đường do Lý Thánh Tông sáng lập năm 1069. Các vua đời Lý đều có học Phật và thường vời các thiền sư đến để đàm luận về giáo lý. Do đó, bên cạnh các kiến trúc cung đình, Thăng Long còn nổi tiếng về những kiến trúc Phật giáo. Đó là một loạt các chùa tháp do nhà vua và quý tộc xây dựng, tiêu biểu nhất là chùa Diên Hựu và tháp Báo Thiên. Chùa Diên Hựu xây dựng năm 1049, dựa theo một giấc chiêm bao của vua Lý Thái Tông. Chùa dựng trên một cột đá giữa hồ nước rộng (hồ Linh Chiểu), tượng trưng cho một đóa hoa sen, thường gọi là chùa Một Cột. Kiểu kiến trúc một cột như vậy đã thấy ở Hoa Lư trước đó. Chùa được tu sửa nhiều lần và mở rộng thêm vào năm 1105. Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (Chùa Đọi ở Hà Nam) đề năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (l121), còn ghi lại hình ảnh chùa Một Cột đời Lý: ”Đào hồ thơm Linh Chiểu, giữa hồ vọt lên một cột đá, đỉnh cột nở đóa hoa sen nghìn cánh, trên bông sen dựng tòa điện đỏ sẫm trong điện đặt pho tượng vàng, quanh hồ có hành lang bao bọc, ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu vồng để đi lại, phía sân trước cầu, hai bên tả hữu, xây tháp lưu ly” (Thơ văn Lý-Trần, Nxb KHXH, H. 1977, tập I, tr 405). Rõ ràng quy mô và cấu trúc của chùa Một Cột đời Lý to lớn hơn nhiều so với chùa Một Cột còn lại ngày nay, đã trải qua nhiều lần xây dựng và thu nhỏ lại. Năm 1080, đúc một quả chuông lớn cho chùa Một Cột. Nhưng đúc xong, chuông đánh không kêu, nên bỏ ở ruộng chùa. Ruộng ấy thấp, nhiều rùa, gọt là Quy Điền (ruộng Rùa) và chuông cũng do đó, mang tên chuông Quy Điền. Năm 1056, vua Lý Thánh Tông cho xây chùa Sùng Khánh Báo Thiên và phát 12.000 cân (hơn 7 tấn) đồng trong kho, để đúc chuông đặt ở chùa đó, vua thân làm bài minh khắc vào chuông. Năm sau, 1057, vua lại cho xây tháp Báo Thiên ở chùa này. Tháp vốn có tên là Đại Thắng Tư Thiên, được xây trên một gò đất cao bên cạnh hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm), gồm 12 tầng (sách Việt sử lược chép 30 tầng, Sđđ, tr. 95) cao vài chục trượng (khoảng 80 m). Tháp đã cao, đỉnh tháp lại đúc bằng đồng. Tháp Báo Thiên cao sừng sững, từ rất xa đã trông thấy, được người đương thời coi như một công trình tiêu biểu của Thăng Long. Chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên cùng với vạc Phổ Minh (ở Nam Định) và tượng Phật Quỳnh Lâm (ở Quảng Ninh) là bốn công trình nghệ thuật nổi tiếng nhất của thời Lý-Trần được ngợi ca là “An Nam tứ đại khí”. Ngoài chùa tháp, Thăng Long còn có một số đền miếu như đền Hai Bà Trưng ở phường Bố Cái thờ hai vị nữ anh hùng chống giặc nhà Hán (nay là khu vực phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng), đền Bạch Mã ở phường Giang Khẩu (nay là phố Hàng Buồm) thờ thần Tô Lịch (vị thành hoàng của đất Thăng Long xưa), miếu Đồng Cổ ở phía tây thành Đại La (gần chợ Bưởi), thờ thần núi Đồng Cổ hay thần Trống Đồng - một biểu tượng của văn minh Việt cổ thời dựng nước... Tại miếu Đồng Cổ, hàng năm vào ngày 4 tháng 4, các quan văn võ trong triều phải đến làm lễ và đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết". Đền Bạch Mã ở phía đông, cùng với đền Linh Lang (đền Voi Phục trong công viên Thủ Lệ) ở phía tây, đền Trấn Võ (đền Quan Thánh) ở phía bắc và sau này, đến đời Lê, có thêm đền Cao Sơn ở phía nam (Kim Liên, quận Đống Đa), được coi là “Thăng Long tứ trấn” (Bốn ngôi đền trấn giữ bốn phương của Thăng Long). Nhà Lý còn dựng đàn Viên Khâu và đàn Xã Tắc (tại làng Xã Đàn, quận Đống Đa) cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa hòa gió thuận. Một trung tâm văn hóa quan trọng của Thăng Long được bắt đầu xây dựng từ đời Lý là khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm 1070, triều đình dựng Văn Miếu, tạc tượng Chu Công (Tiên thánh), Khổng Tử (Tiên sư), cùng Tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử) và vẽ hình hiền nho để thờ cúng, bốn mùa tế lễ. Năm 1076 lập Quốc Tử Giám ở liền sau Văn Miếu. Từ lớp học hoàng gia dần dần phát triển thành trường Quốc Tử Giám, trung tâm giáo dục, đào tạo trí thức đầu tiên của nước Đại Việt. Thực ra, về giáo dục, ban đầu việc dạy và học ở kinh đô cũng như trong cả nước chưa được quy định chính thức. Ở Thăng Long những người trong hoàng tộc hoặc con cháu các đại thần học tại nhà hoặc học xen trong khi học kinh điển Phật giáo. Đến năm 1070, như đã nêu trên, Lý Thánh Tông mới lập Văn Miếu cho Hoàng thái tử đến học. Và chỉ 5 năm sau triều đình đã cho tổ chức khoa thi Nho học đầu tiên trong lịch sử nước ta, gọi là thi “Tuyển Minh Kinh bác học và Nho học tam trường” vào tháng 3 - 1070. Người đỗ đầu khoa này là Lê Văn Thịnh, ông là bậc khai khoa cho các nhà khoa bảng nước ta. Tiếp sau đó, sử có ghi thêm 5 khoa mở ở Kinh đô vào các năm 1086 , 1152, 1165, 1185, 1193 . Có thể đời Lý các khoa thi rất thưa (từ 10 đến 20 năm), thậm chí từ 1086 đến 1152, trên 60 năm, không có khoa nào. Có lẽ sử chép sót chăng? Còn về văn học, thì văn học viết (bằng chữ Hán) của Thăng Long hẳn là bắt đầu cùng với bài ”Thiên đô chiếu” của Lý Thái Tổ. Thật tự hào khi Thăng Long, kinh đô của Đại Việt là nơi chính giữa trời đất... chỗ đất danh thắng, đô hội để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất, đáng là kinh sư cho muôn đời” (Thiên đô chiếu ) Đặc biệt bài Nam quốc sơn hà là một bài thơ ngắn và dù chỉ là khuyết danh thì cũng đã tuyên bố rõ ràng tính chất “pháp lý” về chủ quyền nước Đại Việt. Tiêu biểu cho Đại Việt bấy giờ là hoàng đế nước Nam. ”Hoàng đế nước Nam ở nước Nam”, điều đó đã được ghi rõ ở sách trời. Nếu kẻ địch hung dữ nào dám xâm phạm tới ắt sẽ bị bại vong. Bài thơ vừa tuyên bố chủ quyền đất nước, vừa tuyên bố quyết tâm giữ vững chủ quyền đó.
   Chùa Láng ở phường Láng Thượng, Đống Đa thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, tương truyền đầu thai làm vua Lý Thần Tông (1128-1138) Ảnh: tư liệu
   Cùng với việc tự hào về nền tự chủ, người Thăng Long đương thời khẳng định bản lĩnh văn hóa dân tộc mình. Trong không khí ấy, như đã nêu ở trên, Phật giáo Thiền tông hưng thịnh và một nền văn học Thiền đã xuất hiện. Ở đấy thể hiện vóc dáng con người thời đại: trí tuệ, lạc quan, tràn đây hào khí. Đó là con người có ý chí, có dũng khí, suy nghĩ độc lập: Làm trai có chí xông trời thẳm Theo gót Như Lai chỉ nhọc mình (Nam nhi tự hữu xung thiên chí Hưu hướng Như Lai hành xứ hành) (Quảng Nghiêm - Hưu hướng Như Lai) . Đó cũng là những con người có sức mạnh khôn lường: Có khi xông thẳng lên đầu núi Một tiếng kêu vang lạnh cả trời (Hữu thời trực thưởng cô phong đỉnh, Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư) (Không Lộ - Ngôn hoài) Tóm lại, văn học đời Lý mà đa số các tác giả là thiền sư ở Thăng Long: Vạn Hạnh, Lã Định Hương, Thiền Lão, Mai Trúc, Mãn Giác, Vương Hải Thiềm, Không Lộ... xứng đáng là đã mở đầu cho một nền văn học mang đậm bản sắc của cả dân tộc Việt Nam Về võ bị, vua cho lập điện Giảng Võ trong Hoàng thành làm nơi họp bàn của các võ quan. Năm 1170, Xạ Đình (Sân bắn) được thiết lập ở phía nam thành Đại La. Ở đó, nhà vua đến tập bắn cung, cưỡi ngựa và các võ quan thường luyện tập phép tiến công, phá trận. Như vậy là chỉ trong vòng một thế kỷ sau khi định đô, Thăng Long đã được xây dựng về mọi mặt và trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước. Trong buổi đầu của kỷ nguyên văn minh Đại Việt, Thăng Long đã xứng danh với vị trí kinh đô của đất nước vừa quy tụ tinh hoa của dân tộc vừa tỏa chiếu ảnh hưởng ra cả nước. Nhân dân Thăng Long đã góp phần cùng với nhân dân cả nước tạo nên văn minh Đại Việt và lập chiến công bình Chiêm, phá Tống.
Nguồn tin: Theo Lịch sử Thăng Long Hà Nội, Nguyễn Vinh Phúc (cb)- Lê Văn Lan- Nguyễn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét