XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Tây Sơn danh tướng – Nguyễn Bảo

Là con của Nguyễn Nhạc và bà Trần Thị Huệ. Sinh quán tại làng Kiên Mỹ, huyện Tây Sơn. Nguyễn Nhạc sinh được năm người con. Hai gái, ba trai, Nguyễn Bảo là con thứ ba song lại là con trai đầu. Hai em là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Lương.
Nguyễn Bảo sinh năm Bính Thân (1776). Khi còn nhỏ ở với mẹ. Khi Nguyễn Nhạc xuống An Thái thăm thầy cũ là Trương Văn Hiến, được thầy khuyên về lo việc rèn binh khởi nghĩa thì Nguyễn Nhạc giao việc buôn trầu cho bà vợ. Bà Nhạc họ Trần, quê ở Trường Định, cách Kiên Mỹ hai thôn là Thuận Nghĩa, Dõng Hòa, về phía đông. Bà là người hiền đức, làm việc siêng năng, ăn tiêu kiệm ước, nhưng đối đãi với làng xóm, với khách khứa, với bạn hàng rất rộng rãi, dịu dàng. Nhờ vợ đảm đang, ông Nhạc được rảnh tay để lo việc nước, việc dân. Bà Nhạc vừa tảo tần vừa chăm sóc hai con. Lúc ấy Nguyễn Bảo chưa sanh ra. Nguyễn Nhạc tháng 8 năm ấy (1773) làm lễ xuất quân xuống chiếm đóng huyện lỵ Tuy Viễn.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế, hiệu Thái Đức hoàng đế. Bà họ Trần được rước về Hoàng đế thành phong Chánh cung Hoàng hậu. Các con theo mẹ rời làng Kiên Mỹ, xuống ở cùng cha. Lúc ấy Nguyễn Bảo tuổi mới lên 3. Hai người chị cập kê. Nguyễn Nhạc gả con gái lớn cho Vũ Văn Nhậm và con gái thứ gả cho người con trai của thầy học là Trương Văn Đa, tuổi mới trên 20 mà văn võ đã xuất chúng.
Lúc bấy giờ vì đã làm vua, nên Nguyễn Nhạc không thể thực hiện tập tục gởi con về học võ ở Bằng Châu.
Đồng thời, thầy Trương Văn Hiến cũng đã tham chánh với chức vụ quân sư, nên việc dạy dỗ về văn võ đều do bà Chánh hậu họ Trần phụ trách. Cho nên ý định của Nguyễn Nhạc là cho phò mã Trương Văn Đa ở lại trong cung để sau này rèn dạy võ nghệ và văn chương cho Nguyễn Bảo.
Năm Quý Mão (1783), Trương Văn Đa theo Nguyễn Huệ vào đánh Gia Định rồi lại phải ở lại giữ thành Gia Định. Năm 1786, Nguyễn Lữ được phong Đông Định vương và Trương Văn Đa trở về Quy Nhơn. Lúc ấy, Nguyễn Bảo mới thật sự được dạy dỗ của anh rể Trương Văn Đa.
Nguyễn Bảo tư chất thông minh, thuở bé sống với mẹ và hai chị nên được chiều chuộng nâng niu. Khi về thành Quy Nhơn thì tuy được dạy dỗ cẩn thận song ít có kết quả tốt. Lúc được Phò mã Đa kèm cặp thì Nguyễn Bảo đã 16 tuổi. Sức thiếu niên đang tăng trưởng và gặp được thầy giỏi nên Nguyễn Bảo học tấn tới lạ thường. Trương Văn Đa đem tất cả sở học của mình ra truyền thụ cho cậu em vợ lúc bấy giờ đã là thái tử đương triều. Trong 7 năm chuyên cần ngày đêm học tập, Nguyễn Bảo đã trở thành một thanh niên cường tráng linh hoạt và giỏi võ lẫn văn.
Tháng 3 năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Phúc Ánh sai Tôn Thất Hội cùng Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Đức đem bộ binh ra đánh Bình Thuận, còn mình cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem thủy binh đi đánh mặt bể. Liên tiếp thành Diên Khánh, Bình Thuận, Phú Yên mất. Nguyễn Phúc Ánh hộ binh tiến vào cửa Thị Nại.
Vua Thái Đức sai thái tử Nguyễn Bảo đem binh chống cự. Nguyễn Bảo một mặt tăng cường quân thủy binh phối hợp với pháo binh trên các pháo đài ở hai dãy núi Phương Mai và Gành Ráng. Nhưng lúc bấy giờ gió Nam đang thổi mạnh, thủy binh chúa Nguyễn vùn vụt lao tới không sức nào cản nổi. Một mặt Nguyễn Phúc Ánh mật sai Võ Tánh đem binh lẻn đi hội với toán quân đường bộ của Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Thành từ Phú Yên đánh ra. Nguyễn Bảo bị lưỡng đầu thọ địch không chống cự nổi đành phải lui binh về thành Quy Nhơn. Liệu không thể giữ được thành, vua Thái Đức cho sứ ra Phú Xuân cầu viện.
Quân Phú Xuân nhập thành Quy Nhơn, giải giáp toàn quân trong thành, chiếm giữ các kho tàng. Vua Thái Đức ức thổ huyết mà chết.
Vua Cảnh Thịnh phong cho Cảnh Bảo chức Hiến công, được ăn lộc một huyện gọi là Tiểu Triều, dinh đóng tại lỵ sở Tuy Viễn. Bà chánh cung họ Trần đem hai người con trai còn nhỏ là Văn Đức và Văn Lương về sống nơi quê hương Kiên Mỹ cho tiện việc khói hương. Phò mã Trương Văn Đa vin cớ tuổi cao, xin được về hương phụng dưỡng cha già.
Lê Trung và Nguyễn Văn Huấn ở lại Trấn thủ Quy Nhơn.
Năm Ất Mão (1795), Nguyễn Văn Huấn bị triệu về Kinh và bị ghép vào tội tư thông với địch nên bị giết. Tư đồ Nghĩa được cử vào thay làm Trấn thủ và Lại bộ Thị lang, Kính làm Hiệp trấn.
Nguyễn Bảo tuy nhận chức nhưng lòng vẫn không nguôi căm hờn Cảnh Thịnh đã mưu làm chết vua Thái Đức, cướp đoạt ngôi vua ở Quy Nhơn. Cho nên Nguyễn Bảo chăm lo luyện tập quân sĩ, chiêu đãi khách mong có ngày khôi phục lại giang san. Các trung thần với vua Thái Đức phần thì đã già yếu, phần thì quan niệm rằng cái họa lớn là Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Định, còn việc anh em họ Nguyễn Tây Sơn thì ai làm vua cũng được, nên ít người đồng ý theo Nguyễn Bảo xây dựng lại cơ đồ.
Lực lượng chưa đầy đủ thì xảy ra việc trấn thủ Nguyễn Văn Huấn bị nghi là có ý muốn liên kết với Nguyễn Bảo, bị triệu về kinh bắt giết đi. Sợ di họa đến mình, Nguyễn Bảo vội kéo binh về đánh chiếm Quy Nhơn. Binh lực quá yếu, tướng lãnh không có ai xuất sắc, nên chỉ trong một vài trận giao tranh, hưng binh đã bị đánh tan và Nguyễn Bảo đã bị bắt sống. Trấn thủ Tư đồ Nghĩa được lệnh vua Cảnh Thịnh bỏ Nguyễn Bảo vào củi đem nhận chìm xuống sông trước thành Bình Định cho đến chết.
Nghe tin dữ, bà họ Trần ở Kiên Mỹ liền đưa hai con trai cùng cháu nội, con của Nguyễn Bảo là Văn Đẩu chạy lên An Khê nương tựa cùng cô hầu ở Mộ Điểu.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1882), ba chú cháu Văn Đức, Văn Lương, Văn Đẩu, tin rằng thời gian đã lâu có thể xóa nhòa việc cũ nên trở về thăm quê hương ở Kiên Mỹ nhưng đã bị quan quân địa phương bắt giải về Phú Xuân giết chết.
Theo Võ nhân Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét