Nguyễn
Văn Lộc người làng Kỳ Sơn, huyện Tuy Viễn. Thuở nhỏ nhà nghèo phải đi ở
chăn trâu cho một phú hộ trong làng. Nhờ có sức khỏe và can đảm nên
được đàn trẻ cùng bọn tôn làm thủ lĩnh. Ngày ngày chăn trâu ngoài đồng,
rảnh rang chuyên đi đánh nhau. Một hôm, vì ham chơi nên để trâu ăn lúa,
về nhà bị chủ đánh mắng, hăm dọa, nên bỏ nhà ra đi.
Sau 10 năm trở về đã thành một thanh niên cường tráng, sống bằng nghề làm thuê, gánh mướn.
Một
hôm đi chơi về khuya, bị đám canh tuần bắt trói vào cột đình, vu cho là
đi ăn trộm. Trong đêm tối, nhân đám dân tuần ngủ quên, Lộc dùng miếng
mảnh sành cắt dây trốn thoát. Dân canh tuần hơn 10 người đuổi theo điều
bị đánh ngã, không đứng dậy nổi. Trời tối như mực, Lộc chạy lạc vào cánh
đồng lúa chín, người giữ ruộng ngỡ là ăn trộm. Hô hoán ầm ĩ, người
trong xóm tủa ra vây bắt. Người mỗi lúc mỗi đông, kẻ gậy người hèo, đuốc
thắp sáng cả đồng, Lộc dùng tay đánh ngã hết lớp này đến lớp khác,
nhưng không thoát khỏi vây. Liệu không thể dùng quyền, Lộc bèn giật lấy
một cây roi của một tuần đinh rồi dùng chiêu thức đánh giải vây ra sử
dụng. Đó là thế “toàn phong tảo diệp”. Một ngọn roi vung ra, hàng chục
người ngã rạp. Gậy, hèo văng tứ phía. Hoảng hồn, mọi người ùn ùn kéo
nhau, xô lấn nhau mà chạy. Đuốc đang cầm tay vội quăng xuống đất, nhân
bóng tối và hỗn loạn, Lộc lẹ làng thoát thân.
Hoàng đế Quang Trung cùng các võ tướng Tây Sơn
Từ đấy, tiếng đồn Nguyễn Văn Lộc võ nghệ siêu phàm được lan truyền.
Khi Tây Sơn vương tụ hội quần anh mưu đồ đại nghiệp, Nguyễn Văn Lộc liền đến gia nhập và được tiếp đãi vào hàng thượng tân.
Khi
Nguyễn Nhạc xưng vương, Nguyễn Văn Lộc được Phong làm Hữu Đô Đốc, cùng
với Tả Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết theo đạo binh Nguyễn Nhạc tiến đánh huyện
lỵ Tuy Viễn, rồi tấn công thành Quy Nhơn.
Mùa
thu năm Quí Tỵ (1773), Nguyễn Văn Lộc tháp tùng Nguyễn Lữ và Võ Văn Cao
đi vào Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận để xem xét tình hình dân chúng
và liên lạc với hai vua Thủy Xá, Hỏa Xá, vận động nhân dân địa phương
hưởng ứng cuộc Nam tiến của quân Tây Sơn.
Phái
đoàn về tâu rõ tình hình: mọi tầng lớp nhân dân ba tỉnh đều chán ghét
chế độ độc tài tham nhũng của quan lại nhà Nguyễn, ai nấy đều mong có
cuộc đổi thay.
Còn
quan quân nhà Nguyễn thì chỉ lo bóc lột nhân dân, không nghĩ gì đến
việc an nguy quốc gia, cho nên việc phòng thủ rất lỏng lẻo.
Mùa
Đông năm ấy, Nguyễn Văn Lộc cùng Lê Văn Hưng theo Chinh Namtướng quân
Ngô Văn Sở vào đánh chiếm ba phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Quân
đi đến đâu nhân dân hoan nghênh đến đó. Tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn
Hiền bị giết, Nguyễn Khoa Kiên bị bắt sống.
Đại thắng, quân Tây Sơn rút về. Nguyễn Văn Lộc ở lại trấn thủ Phú Yên.
Mùa
Đông năm Giáp Ngọ (1774), được tin Châu Văn Tiếp dựng cờ khởi nghĩa tại
Trà Lương, huyện Tuy An, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc đem quân vây đánh. Quân
của Châu Văn Tiếp chưa giáp trận đã tan rã. Tiếp tẩu thoát, leo lên núi
thượng đạo vào Gia Định, cung thuận Định vương Nguyễn Phúc Tần.
Mùa
thu năm ấy, Tống Phước Hiệp cử đại binh chiếm Bình Thuận, tấn công Diên
Khánh. Lê Văn Hưng trấn thủ Diên Khánh lui quân về Phú Yên, kết hợp với
Nguyễn Văn Lộc chờ binh Nguyễn Huệ kéo vào đánh bại thủy, bộ binh của
Tống Phước Hiệp, chiến thắng xong, Nguyễn Văn Lộc theo Nguyễn Huệ về Quy
Nhơn.
Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Văn Lộc được thăng chức Thủy sư Đô đốc theo Tiết Chế Nguyễn Huệ đem đại binh ra đánh Thuận Hóa.
Thành
Thuận Hóa do Phạm Ngô Cầu trấn thủ, phó tướng Hoàng Đình Thể phụ tá.
Phạm Ngô Cầu là tướng vô mưu lại tham lam, chỉ lo việc vơ vét của dân để
làm giàu, còn việc quân thì giao cho kẻ thuộc hạ. Do tính tham lam,
lòng đố kỵ, nghi ngờ, nên Cầu đã trúng kế Nguyễn Huệ ly gián giữa Cầu và
Đình Thể. Nguyễn Huệ làm một phong thư để gởi cho Hoàng Đình Thể khuyên
về hàng Tây Sơn, mà lại bắn vào cho Phạm Ngô Cầu xem. Cầu bắt đầu nghi
ngờ Thể.
Khi
binh Tây Sơn vây đánh thành Phú Xuân, Ngô Cầu sai Đình Thể đem binh ra
đánh, rồi đóng cửa thành không tiếp viện. Thể và hai con cùng tướng sĩ
chết tại trận tiền.
Nguyễn
Văn Lộc một mình một ngựa xông vào phá cửa thành, vượt qua chướng ngại
cùng binh giữ thành, xông thẳng vào dinh trấn thủ. Người ngựa đến đâu,
thây người ngã ra đến đó. Vượt qua cổng dinh, Nguyễn Văn Lộc bắt gặp
Phạm Ngô Cầu đang cùng gia đình khuân của cải chạy trốn. Bắt sống được
Phạm Ngô Cầu, Nguyễn Văn Lộc lập công đầu.
Thành
Phú Xuân vừa hạ xong, Nguyễn Văn Lộc lại lên ngựa cùng Nguyễn Lữ, Võ
Văn Nhậm tiến quân đánh lấy các doanh trại thuộc Quảng Trị, Quảng Bình.
Chỉ trong mấy hôm, đất Thuận Hóa được bình định xong.
Tháng
6 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Văn Lộc ở lại giữ thành Phú Xuân cùng với
Nguyễn Lữ để Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà diệt chúa Trịnh.
Tháng
11 năm Mậu Thân (1789), Quang Trung lên ngôi Hoàng đế, kéo quân ra Bắc
diệt quân Thanh. Nguyễn Văn Lộc được phong Đại Đô đốc chỉ huy cánh quân
phía tả, tiến lên Lạng Sơn, Phượng Nhãn, giữ vùng Yên Thế, chận đường
rút lui của địch. Tôn Sĩ Nghị cùng binh tướng trên đường rút chạy về Nam
Quan, bị quân của Đại Đô đốc Lộc đánh giết. Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ tất
cả sắc thư, ấn tín để lo chạy thoát thân.
Sau khi vua Cảnh Thịnh lên ngôi, Nguyễn Văn Lộc được cử vào trấn thủ Quảng Nghĩa.
Năm
Đinh Tỵ (1797), Nguyễn Phúc Ánh kéo thủy binh ra đánh Quy Nhơn, song
thất bại, bèn kéo quân ra đánh Quảng Nam. Thành Quảng Nam bị vây, nhờ có
Lâm Thị Bạch cố thủ và viết huyết thư cầu cứu Nguyễn Văn Lộc đem binh
ra đánh lui Nguyễn Phúc Ánh, giải vây cho thành Quảng Nam.
Tháng
giêng năm Canh Thân (1800), Nguyễn Văn Lộc kéo binh vào kết hợp với
Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng vào cứu Quy Nhơn, bị Tống Viết Phước cầm
chân tại Bình Đê. Vốn biết rõ địa thế của Quảng Nghĩa, Lộc đã đề nghị
chia quân làm ba đạo theo ba ngõ đèo Bến Đá, núi Sa Lung và núi Cung
Quăng vượt qua khỏi Bến Đá vào thẳng Quy Nhơn.
Tháng
năm năm Tân Dậu (1801), thành Quy Nhơn thất thủ. Trước đó, Phú Xuân
cũng thất thủ. Tướng nhà Nguyễn là Lê Văn Duyệt cùng Lê Chất đem quân
vào cứu Quy Nhơn, bị Tây Sơn chận đánh. Sau được tin Thuận Hóa hoàn toàn
bị chiếm, Diệu và Dũng đem quân ra Nghệ An. Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn
Quang Huy đóng ở Dương An.
Kỳ
Sơn ở phía Đông Nam thành Quy Nhơn. Đó là một hòn thổ sơn chạy dài theo
hướng Bắc Nam, bao quanh đến vài mươi dặm. Hình núi không đều, hai đầu
mở rộng và cao, chính giữa hơi eo và thấp. Ở đầu phía Bắc nổi lên hai
đỉnh đứng song song, một là hòn Phụng Sơn, một là hòn Xuân Sơn. Đầu phía
Nam cũng có một đỉnh cao gần hai ngọn kia, tên là Mai Sơn. Trên núi gồm
nhiều hòn đá lớn và có một cái hầm rộng ăn sâu vào núi, có tên là Qui
Khanh tức là Hầm Rùa, vì trước miệng hang có một hòn đá hình giống con
rùa. Thế núi rất hiểm trở.
Vốn
là người ở Kỳ Sơn, nên Nguyễn Văn Lộc biết rõ những nơi hiểm yếu. Với
80.000 quân, trấn phục hơn 20 cứ điểm hiểm trở, Nguyễn Văn Lộc đã cầm
chân hơn 30 vạn quân của Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành. Nhờ vậy mà
thành Quy Nhơn được giữ vững.
Năm
Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Văn Lộc nghe tin vua Cảnh Thịnh bị bắt, ông tự
động giải tán quân sĩ, một mình lên núi Kỳ Sơn ẩn náu, dùng Hầm Rùa làm
chốn nương thân.
Nguyễn Quang Huy cũng lên núi Dương An trú ẩn, thỉnh thoảng về Phú Yên thăm quê hương và ra Kỳ Sơn thăm ông Lộc.
Tuy nhà Tây Sơn mất, song Nguyễn Văn Lộc trong lòng vẫn nuôi chí phục hưng. Một hôm, ông Lộc hỏi ông Huy:
-
Cựu thần nhà Tây Sơn, văn cũng như võ, còn khá nhiều tay tài tuấn, sao
không hợp sức lại cùng lo việc phục hưng. Như thế chẳng hóa ra là không
tận trung với cựu chúa hay sao?
Ông Huy đáp:
-
Những anh hùng nghĩa sĩ ra giúp nhà Tây Sơn từ ngày mới khởi nghĩa cho
đến nay, không ai phụ nhà Tây Sơn. Tất cả đều lo tròn phận sự cho đến
giờ chót, như thế là tận trung. Nhà Tây Sơn đã không còn nữa thì chúng
ta tận trung với ai? Bầy tôi của vua Lê Chiêu Thống bo bo giữ lòng trung
với cố chủ, nổi dậy đánh ở miền Bắc, hết lớp này đến lớp khác đã chẳng
lợi gì cho nhà Lê mà còn làm khổ dân hại nước. Phải nghĩ đến dân đến
nước trước. Không có thể làm lợi cho dân, cho nước thì nằm yên chớ đừng
nên gây rối thêm. Trung với một người, một nhà, mà làm khổ cho dân cho
nước thì trung ấy, kẻ chân chính không nên nghĩ đến. Trung ấy không phải
là trung.
Nguyễn Văn Lộc nghiệm thấy đúng, nên không còn nuôi mộng phục hưng nhà Tây Sơn nữa.
Từ ấy không còn ai trông thấy ông xuất hiện nữa.
Mây trời năm tháng thong dong.
Theo Võ nhân Bình Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét