XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Tây Sơn danh tướng – Nguyễn Quang Thùy

Nguyễn Quang Thùy là con vua Quang Trung và bà họ Phạm ở Phú Phong, huyện Tuy Viễn (Tây Sơn), phủ Quy Nhơn. Mẹ mất sớm, còn một em trai là Nguyễn Quang Bàng.
Nguyễn Quang Thùy được cha cho học võ và học văn rất sớm. Thuở ấu thơ Quang Thùy rất quyến luyến chú Nguyễn Lữ. Đi đâu chú Lữ cũng cho theo. Tính tình cũng thích hợp với chú Tư (Tư Lữ): hiền hòa, nhân hậu và can đảm. Quang Thùy chịu rất nhiều ảnh hưởng của chú Tư. Được chú Tư truyền thụ môn miên quyền. Có một thời gian thụ giáo thầy Trương Văn Hiến là sư phụ của cha mình.
Khi bà họ Phạm mất rồi, Nguyễn Huệ lại kết duyên cùng bà Bùi Thị Nhạn ở thôn Xuân Hòa, sanh ra Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh và hai người con gái.
Quang Thùy được 18 tuổi thì Quang Toản lên 9 lên 10 tuổi. Được cha cho đi theo trong quân trướng, nên Quang Thùy trở thành một võ tướng đầy đủ mưu lược và kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường.
Sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung sai Ngô Thời Nhậm lo việc giải hòa. Ngô Thời Nhậm có chính sách ngoại giao khôn khéo đối với Phúc Khang An là Tổng đốc Lưỡng Quảng và Hòa Thân một cận thần của vua Càn Long, để thuận chuyển lời trần tấu mềm dẻo của vua Nam đối với vua Mãn Thanh, nên được vua Càn Long thuận giảng hòa và phong cho vua Quang Trung làm An Nam quốc vương.
Mùa Xuân năm Canh Tuất (1790), Nguyễn Quang Thùy được lệnh tháp tùng phái đoàn Việt Nam sang Trung Quốc bệ kiến vua Càn Long. Cầm đầu phái đoàn là Phạm Văn Trị, em ruột bà họ Phạm, mẹ Quang Thùy. Văn Trị có dung mạo phảng phất giống Nguyễn Huệ, nên được giả làm quốc vương Việt Nam sang chầu vua Tàu. Phái đoàn tháp tùng có Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công.
Cống vật, ngoài những bảo vật thường lệ còn có hai thớt voi, ngà dài hơn sải và một ban nhạc cùng vũ nữ với mười bài từ khúc chúc thọ do Phan Huy Ích soạn. Mười bài từ đó là: Mãn Đình Phương, Pháp Giả Dẫn, Thiên Thu Tuế, Lâm Giáng Tiên, Thu Ba Tế, Bốc Dưỡng Tế, Yết Kim Môn, Hạ Thành Triều, Lạc Xuân Phong, Phượng Hoàng Các.
Sứ bộ khởi trình tại Nghệ An ngày 29 tháng 3 năm Canh Tuất (1790) và qua khỏi ải Nam Quan ngày rằm tháng 4. Tổng đốc Lưỡng Quảng Tống Khang An và Tuần vũ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thạnh đưa sứ bộ đến Yên Kinh. Lúc ấy, vua Càn Long đi tuần thú, sứ bộ phải đến hành cung tại sông Nhiệt Hà bệ kiến.
Vua Càn Long tưởng Nguyễn Huệ thật, cho vào làm lễ “bảo tấc”. Lễ nghi này gọi là “tấc hạ thừa hoan” nghĩa là con ôm gối cha để đón niềm vui vẻ. Đó là vua Càn Long muốn cụ thể hóa lời nói của vua Quang Trung trong bài chiếu tạ ơn có câu:
Thần hữu mẫu hữu thân, báo đáp ngưỡng bằng ư đại tạo.
Quân vi sư vi phụ, sanh thành thượng ký ư long ân
Nghĩa là:
Tôi có cha có mẹ báo đáp ngửa nhờ đức cả.
Vua vừa nuôi vừa dạy, sanh thành mãi nhớ ơn sâu.
Vua Càn Long vui nhận cống phẩm và tặng vua Quang Trung bức trướng thêu bốn chữ “Cùng Cực Qui Thành”. Đồng thời, vua Càn Long cũng sắc phong cho Nguyễn Quang Thùy làm An Nam quốc vương thế tử.
Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tuất, phái đoàn trở về nước.
Năm sau, Nguyễn Quang Thùy được phong Khanh Công Lĩnh Bắc Thành, Tiết chế Thư Bộ Chư Quân, Nguyễn Quang Bàng làm Tuyên Công Lĩnh Thanh Hóa Đốc Trấn, Tổng lý quân dân sự vụ. Sau đó, vua Quang Trung lập Quang Toản làm Thái tử, sai sứ đem biểu sang tâu Thùy là con dòng thứ. Càn Long nghe theo, phong Quang Toản làm An nam quốc vương thế tử thay Quang Thùy. Có người bất bình ngỏ ý cùng Quang Thùy. Thùy nói:
- Em tôi hay tôi làm thế tử cũng thế thôi. Điều cốt yếu là làm thế nào cho nước Đại Nam được mỗi ngày một thêm giàu mạnh, nhà Tây Sơn mỗi ngày mỗi thêm vững bền, là tốt.
Hàng trí thức đương thời khen là “đại nhân”
Nguyễn Quang Thùy trấn thủ Bắc Hà, Quang Bàng trấn thủ Thanh Hóa. Hai trọng yếu ở mặt Bắc đều do hai con vua Quang Trung trấn nhậm.
Tháng 5 năm Tân Dậu (1801), Thuận Hóa lọt vào tay Nguyễn Phúc Ánh, vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc. Đến Thanh Hóa thì được Nguyễn Quang Thùy từ bắc thành vào đón rước. Hạ tuần tháng 5, Cảnh Thịnh đổi niên hiệu là Bảo Hưng. Tháng 8, sai Nguyễn Quang Thùy đem quân vào trấn Nghệ An. Tháng 11, Quang Toản kéo đại binh đến Linh Giang. Nguyễn Quang Thùy được sai lên đánh Trấn Ninh.
Trấn Ninh ở địa phận xã Phú Ninh, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Đó là một trong 3 căn cứ quân sự trọng yếu phòng thủ địa đầu Thuận Hóa.
Năm Nhâm Dần (1662), Nguyễn Hữu Dật, tôi chúa Nguyễn đắp lũy Trấn Ninh để ngăn giặc biển, lại đắp thêm lũy Sa Phụ để nương tựa nhau. Quân Trịnh vào đánh Thuận Hóa, đánh mấy tháng ròng rã mà không qua khỏi lũy này.
Quang Thùy công kích Trấn Ninh, đồng thời với Quang Toản đánh Đâu Mâu. Quang Toản thua trận phải rút về Nghệ An. Quang Thùy được tin đại binh rút lui bèn lui binh, nhưng bị chặn lại tại Linh Giang, phải theo đường núi mà đi, hơn một tuần mới về đến Nghệ An. Hai anh em gặp nhau rồi đồng trở về Bắc.
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh xưng đế.
Tháng 6 kéo quân vượt Linh Giang, chiếm Nghệ An rồi thẳng ra Thăng Long. Vua Bửu Hưng chạy lên hướng Bắc. Nguyễn Quang Thùy cùng vợ chồng Đô đốc Trương Đăng Đồ ở lại giữ thành Thăng Long. Thế giặc mạnh như bão táp, không sao địch được, hai ông bà Tú Đức Hầu phò Nguyễn Quang Thùy chạy về ngả Sơn Tây. Vài hôm sau thì cả ba bị bắt tại Sơn Tây. Tú Đức Hầu cùng phu nhân rút gươm tự sát. Nguyễn Quang Thùy đập đầu tuẫn tiết.
Nhà Tây Sơn mất.
 Theo Võ nhân Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét