XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Vua Quang Trung và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp sinh năm Quý Mão (1723) đời Bảo Thái thứ tư tại xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Năm Bính Tý (1756) ông được bổ làm Huấn đạo Anh Đô, rồi làm Tri huyện Thanh Chương. Rồi từ quan về ở trên núi Thiên Nhẫn, đọc sách làm thơ, ra Bắc, vào Nam ngao du sơn thủy. Tiếng tăm cụ nổi khắp các cõi.
Năm 1786, Nguyễn Huệ nổi binh lấy Phú Xuân rồi tiến ra Bắc trừ chúa Trịnh, tôn phù nhà Lê và được phong Nguyên súy Phù chính Dục võ Uy Quốc công.
Từ đấy cho đến khi mất, vua Quang Trung đã có nhiều lần giao tiếp với Nguyễn Thiếp. Ba lần gửi thư kèm lễ vật mời Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân để đại dụng. Hai lần hội kiến ở Phù Thạch.
Nhân Festival Huế 2008, một chương trình Lễ hội hoành tráng tái hiện Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đăng quang tại núi Bân - Nhà báo Huế xin giới thiệu tư liệu lịch sử về ba bức thư của vua Quang Trung gửi Nguyễn Thiếp và hai bức thư trả lời của Nguyễn Thiếp (Bức thứ 3 không còn).
* THƯ MỜI LẦN THỨ 1 CỦA VUA QUANG TRUNG
“An Nam Đại Nguyên súy kính gửi cho La Sơn Phu Tử mở xem:
“Đã lâu nay nghe tiếng Phu Tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương tây, người lánh cõi bắc, chẳng phải như Sằn dã Nam dương gần gụi, có thể nghe tiếng sấm mùa xuân mà đánh thức ngọa long.
“Vậy đặc sai một hai đình thần đem vật mọn đến (vàng năm nén, lụa màu hai tấm) gọi là để tỏ lòng thành thô sơ. May chi Phu Tử không lấy thế làm lạ, bỏ cái nhã thú lâng lâng nghĩ tới lòng tôi chân thành đau đáu, mà bỏ cày, quẳng câu, cáng đáng lấy sự nghiệp Y, Khương.
“Không những riêng nước tôi may mắn, mà mười hai thừa tuyên ở Bắc cũng rất được may. Chớ làm tôi thất vọng, mong Phu Tử lượng cho.
Nay kính thư,
“Thái Đức, năm thứ 9, tháng mười hai, ngày 18”.
* THƯ TRẢ LỜI CỦA LA SƠN PHU TỬ NGUYỄN THIẾP
“La Sơn, Nguyệt Ao, Tiện sĩ Nguyễn Khải Xuyên dâng Đại Nguyên súy xét soi:
Đầu năm nay, ngày mồng 4, tiếp được hai quan Bộ Binh Bộ Hình của quý quốc đem một phong thư tới đón, cho vàng và lụa màu. Những ủy khúc rõ ràng. Mở thư cung kính đọc, lời ý đều hiểu hết.
Trộm nghĩ: tiên sinh nầy tính chất ngu lậu; tài năng, học thuật không có gì hơn người. Chỉ vì có nhiều bệnh, trộm gửi thân ở chốn lâm tuyền. Bình sinh chỉ giảng tập các sách Tứ thư; Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử. Còn nhâm, độn, thao, lược, binh pháp, võ nghệ đều chưa học. Quý quốc ở xa, mới nghe tiếng đồn về tiện sĩ, còn lẽ bởi đâu và thế nào, sợ chưa biết hết sự thật.
Lễ hậu này, xưa nay chưa thấy; mà lại khứng đưa cho kẻ già yếu ở chốn lâm tuyền! Lòng yêu lành chuộng sĩ ấy, người tầm thường đâu có nghĩ tới.
Tôi xét ra tự thấy có nhiều chỗ thiếu, nên cảm mà thẹn thùng khôn xiết. Nhưng lấy nghĩa mà cân nhắc, thì tôi không ra có ba lẽ:
Lượng sức, dò phân, trên không dám mong được như Y, Khương; dưới không sánh kịp Gia Cát. Gặp thời tiết gió bụi, nếu ra làm việc thì tay run, chân rối. Rốt cuộc, ắt làm lâm nhà nước, nhục cha mẹ. Không ra, đó là lẽ thứ nhất.
Từ xưa, con đầu không ra làm quan. Huống chi, cha mẹ, anh em tôi đều mất. Nhà thờ, phép nhà, cốt ở một tôi. Không ra, đó là lẽ thứ hai.
Lệ xưa, làm quan bảy mươi tuổi về hưu. Bản triều trọng kẻ già, nên sáu mươi nhăm tuổi đã cho viện lộ xin nghỉ. Đáng về mà lại ra, thì sẽ mang tội rất nặng. Không ra, đó là lẽ thứ ba.
Mang ba điều không tốt, đối với nhà nước không ích được mảy may. Dốt nát, vụng về rất mực. Như thế sao mà xứng với tấm thịnh tình của Đại Nguyên súy.
Đạo thư mời, năm nén vàng, hai tấm lụa, tôi nhất thiết không dám nhận; xin kính cẩn gửi cho ông Phan Khải Đức đưa giả y nguyên, để giúp một ít vào việc phí khao thưởng quân sĩ. Xin Đại Nguyên súy lượng cho.
Tiện sĩ Nguyễn Thiếp xin trả lời.
Cảnh Hưng thứ 48; tháng giêng, ngày mồng 9 (1787).
* THƯ MỜI LẦN THỨ 2 CỦA VUA QUANG TRUNG
“Đại Nguyên súy Tổng quốc Chính Bình vương, kính gửi thư cho La Sơn Phu Tử xét rõ:
“Phu Tử là danh sĩ hơn đời; vì định bụng không chịu cùng quả đức hứng khởi thiên hạ, nên mới đặt ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ như thế này; mà Phu Tử nhất định ẩn không ra, thì sinh dân thiên hạ làm sao?
“Vì thế nên không kể dốt nát, quả đức đã ân cần chú ý tìm mời. Cũng ví như xưa, kẻ tới sông Vị Xuyên thăm hỏi Thái Công, đem xe mời cùng về; kẻ sang đất Nam Dương cố đón Khổng Minh, trú đêm rồi cùng ra Thánh đức vua Văn Vương, hiền đức ông Huyền Đức còn không cho sự cầu hiền làm nhục mình. Quả đức tuy đâu dám bắt chước Văn Vương, Huyền Đức? Nhưng vì công việc nhiều và khẩn cấp, không thân tới mời được. Quả đức rất lấy làm ân hận.
“Riêng sai hai viên thân tín (viên Lưu thủ Danh Phương hầu Nguyễn Văn Phương và viên Binh bộ Thị lang Giác lý hầu Lê Tài) mang thư và đem lễ vật (có thư riêng kê) để chực đón.
“Mong Phu Tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời nầy có người mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi.
Nay kính thư.
“Thái Đức năm thứ 10, tháng tám, ngày mồng 10 (1787).
* THƯ TRẢ LỜI CỦA LA SƠN PHU TỬ NGUYỄN THIẾP
“La Sơn Nguyệt Ao, Tiện sĩ Nguyễn Khải Xuyên, cúi đầu kính cẩn viết thư dâng Đại Nguyên súy Tổng quốc Chính Bình vương:Mùa xuân năm ngoái, hai quan ở quý quốc đem thư mời và lễ vật lại chịu khuất mình rất kính cẩn, mà truyền rõ ý chỉ. Tiện sĩ không dám nhận thịnh lễ ấy và đã kính cẩn đáp thư. Những lẽ không ra được, nói đã rất đủ. Mùa thu nầy, lại thấy hai quan thân tín đưa thư và lễ vật tới, ân cần, truyền ý.
Vương thượng, anh tư tột bậc, khác hẳn người thường. Lòng thành chuộng lành so với Văn Vương, Huyền Đức chẳng hề kém thua.
Trộm nghĩ tiện sinh nầy thô thiển, vụng về, già nua hèn yếu, đã không có tài Gia Cát, lại không có sức Thái Công.
Vương thượng muốn hậu đãi quá cao. Đối với cái thịnh danh ấy, sự thật khó mà xứng được. Thế đạo trọng trách ấy, sao đủ gánh vác được.
Gần đây, mình lại rất suy hèn, thường nghe đau lưng, đau gối. Từ tiện sinh đến cả nhà, không có ngày nào là không thuốc thang. Bối rối thay! Tự mình cứu mình chưa xong, sao cứu nỗi được dân?
Mong Vương thượng thôi đừng nghe người ta bàn quá, và để tiện sinh được ở yên cho trọn vẹn. May ra mới di dưỡng được tâm thần, sống thêm chút đỉnh. Để ngày khác, đứng ngoài mà làm một người cố vấn, dự bị, thế mới phải hơn.
Đã can phạm tới uy nghiêm, nên sợ hãi không xiết. Xin Vương thượng lượng cho, thứ cho. Thế là may. Tiện sinh Khải Xuyên, cúi đầu kính cẩn mà phúc thư.
Có bản riêng “kể những tiền bạc, lễ vật mà tiện sinh nhất thiết không dám nhận, và xin giao cho mệnh quan nạp lại y nguyên.
Chiêu Thống năm đầu, tháng chín, ngày mồng 5 (1787).
* THƯ MỜI LẦN THỨ 3 CỦA VUA QUANG TRUNG
“An Nam Đại Nguyên súy, Tổng quốc Chính Bình vương kính thư gửi để La Sơn Phu Tử xét rõ:
“Ngày trước, lần thứ hai, sai sứ thần thay quả nhân tới đón mời Phu Tử. Nay sứ về tâu rằng: Phu Tử từ không ra, bởi vì già yếu.
“Quả đức buồn mà tự phàn nàn và tự ân hận khôn xiết.
Nghĩ đi, nghĩ lại, những tăng lòng cảm thấy vận hội năm trăm năm trước, năm trăm năm sau sắp tới nơi.
“Nay thử xét ý Phu Tử, thấy có ba lẽ này mà Phu Tử không thèm ra chăng:
“Anh em quả đức nguyên chỉ trơ trọi là một tụi ấp trưởng, nổi lên ở phương Tây. May mà đánh được tụi yếu và dứt được kẻ hèn, gây dựng lên nghiệp bá. Chưa ắt đã phải là bực chân nhân. Ấy là một lẽ.
“Từ lúc khởi binh đến nay, thân trải trăm trận, sùng chuộng võ uy. Chưa chắc đã khỏi làm việc bất nghĩa, giết kẻ vô tội để lấy được đất nước. Ấy là lẽ thứ hai.
“Mời kẻ hiền, tuy là thành tâm sai sứ đến nhà, nhưng không chịu thân hành đến chào đón. Đối các bực xưa như kẻ chăm chắm ba lần tới đón, như kẻ thành cẩn ba lượt tìm mời thì khác xa. Ấy là lẽ thứ ba.
“Vì ba lẽ ấy mà Phu Tử không thèm đến. Thật là phải vậy.
“Nhưng vì gánh lấy việc binh dân nặng nề, công việc xếp đặt rất bề bộn; sự làm đúng hay sai quan hệ không phải là nhỏ. Nên suốt ngày quả đức không dám rời ra một bước. Đã không thể thân hành tới cửa Tiên sinh mà đón quả đức rất lấy làm ân hận. Điều ấy không phải là dối, bày đặt ra đâu. Mong Phu Tử lấy đạo rộng lượng cho, thì may lắm.
“Vả chăng, quả đức sinh ở chỗ hẻo lánh, học ở sự nghe trông. Gặp thời thế này, bất đắc dĩ phải khởi binh. Những người giúp việc trong nhất thời đều là kẻ chiến đấu mạnh bạo. Trong lúc dừng quân không thể không xâm chiếm tàn phá. Đạo trị dân đại để có nhiều điều chưa làm cứng cỏi và phiền nhiễu. Tuy là tội ở những người ấy, nhưng kỳ thật là vì giúp việc chưa ai. Ấy là tội quả đức chưa biết cầu hiền để giúp đỡ.
“Kẻ danh thế thỉnh thoảng ra đời. Quả đức hằng nghĩ và mơ tưởng đến. Trong mười lăm năm đến bây giờ chưa hề phút nào dám quên. Không ngờ nay lên thành lục niên có người tài đương ở đó. Ấy là trời để dành Phu Tử cho quả đức vậy. Tuy Phu Tử không thèm tới, nhưng lòng dân đen trông ngóng, Phu Tử nỡ ngơ lảng được sao?
“Lòng cầu hiền, quả đức há giám sinh bụng đầu siêng sau lảng đâu.
“Nay riêng sai quan Thượng thư Bộ Hình, Thuyên Quang hầu Hồ Công Thuyên kính cẩn mang thư lại đón: Mong Phu Tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng, lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân ra mà dạy bảo giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thấy và đời nầy được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm.
Nay kính thư.
“Thái Đức năm thứ 10, tháng chín, ngày 13 (1787)
(Chắc có thư trả lời của Nguyễn Thiếp nhưng nay không còn)

Tác giả NBH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét