VietnamDefence -
“Bảo ít đọc sách nhưng rất trung
liệt và giàu mưu lược hơn người. Ông thường dùng đức để trị nên ai cũng
vui theo” - Nguyễn Trọng Trì (Tây Sơn lương tướng ngoại truyện)
DANH TƯỚNG TÂY SƠN
Trong lịch sử Việt
Nam, có lẽ không mấy ai phải chịu sự thiệt thòi lớn lao như các danh
tướng Tây Sơn. Họ có cả một đời xông pha oanh liệt với hàng loạt những
võ công kiệt xuất, nhưng, sử sách ghi chép về họ lại quá ít ỏi. Họ đã
anh dũng chiến đấu quên mình vì nghĩa cả là cứu nước và cứu dân, nhưng
ngay sau đó sự nghiệp phi thường của họ đã bị quá nhiều những cây bút
thù nghịch tìm cách xuyên tạc. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà tác giả của
Tây Sơn lương tướng ngoại truyện là Nguyễn Trọng Trì đã có những lời cảm
vịnh vừa hùng tráng lại vừa man mác một nỗi buồn không nguôi:
“Tướng quân chiến mã kim hà tại?Dã thảo nhàn hoa mãn địa sầu”.
Đặng Xuân Bảo sinh năm nào, quê quán ở đâu... hiện
chưa ai rõ. Sử cũ chỉ cho biết ông là tướng của Tây Sơn, được Quang
Trung Nguyễn Huệ phong tới chức Đại Đô đốc, vì thế đời vẫn thường gọi
ông là Đô Đốc Bảo. Trong đội ngũ các tướng lĩnh cao cấp của Tây Sơn,
Đặng Xuân Bảo là một trong số những người bạn chiến đấu thân thiết nhất
của Quang Trung Nguyễn Huệ.
Năm 1788, khi hành quân thần tốc ra tiêu diệt quân
xâm lược Mãn Thanh, Quang Trung Nguyễn Huệ có một chỗ dựa rất tin cậy và
vững chắc, đó là Đô đốc Bảo. Tại Tam Điệp và Biện Sơn, Quang Trung
Nguyễn Huệ chia quân làm 5 đạo, quyết chí đại phá quân Mãn Thanh bằng
một trận sấm sét ở ngay kinh thành Thăng Long. Và một trong những đạo
quân lớn đó được Nguyễn Huệ giao cho Đô đốc Bảo chỉ huy.
Quân của Đô đốc Bảo lấy từ lực lượng Hữu quân (Quang
Trung Nguyễn Huệ chia toàn bộ lực lượng của mình thành 5 doanh hay 5
quân: Tả quân, Hữu quân, Tiền quân, Hậu quân và Trung quân) gồm chủ yếu
là tượng binh và kỵ binh. Trong quân đội Tây Sơn, nếu tượng binh là binh
chủng chiến đấu lợi hại nhất thì kỵ binh chính là binh chủng có khả
năng vận động linh hoạt nhất. Bấy giờ, voi chiến của Quang Trung Nguyễn
Huệ được khéo léo đặt đại bác ở trên lưng, vì thế tượng binh Tây Sơn
khác hẳn với tượng binh của tất cả mọi thời trước đó. Đây là sáng tạo
độc đáo của Quang Trung Nguyễn Huệ, cũng là bất ngờ lớn nhất của quân
xâm lược Mãn Thanh.
Theo kế hoạch của Quang Trung Nguyễn Huệ, từ Tam
Điệp, đạo quân do Đô đốc Bảo chỉ huy có nhiệm vụ băng qua Sơn Minh (nay
thuộc Ứng Hòa, Hà Nội) rồi tiến thẳng ra Đại Áng (nay thuộc Thường Tín,
Hà Nội). Như vậy, ngoài thủy binh xuất phát ở Biện Sơn, toàn bộ tượng
binh, kỵ binh và bộ binh xuất phát từ Tam Điệp được chia làm 3 đạo khác
nhau, Đô đốc Bảo ở giữa, Quang Trung Nguyễn Huệ ở mạn phía Đông, bên
phải, còn Đô đốc Long (Đặng Tiến Đông?) ở mạn phía Tây, bên trái.
Trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa,
đạo quân do Đô đốc Bảo chỉ huy đã trực tiếp tham gia và góp phần quan
trọng vào cuộc tấn công đồn Ngọc Hồi, đồng thời chặn đánh quân giặc thua
trận từ Ngọc Hồi chạy đến vùng Đầm Mực (nay thuộc Quỳnh Đô, Thanh Trì,
Hà Nội). Về sự phối hợp tác chiến giữa đạo quân đo Đô đốc Bảo chỉ huy
với đạo quân do đích thân Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ huy, sử cũ mô tả
như sau:
“Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền 3 tấm làm một, bên ngoài lấy rơm thấm nước rồi phủ kín lên, tất cả được 20 tấm ghép như thế. Xong Nhà vua liền chọn lấy hạng lính khỏe, lưng giắt dao ngắn, cứ 10 người cùng khiêng một tấm ván ghép mà tiến, phía sau là 20 người khác binh khí sẵn sàng, tất cả dàn trận hình chữ nhất (一) để xông lên. Vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc. Mờ sáng ngày mồng 5 Tết thì áp sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra, nhưng chẳng thể trúng ai cả. Nhân có gió Bắc, giặc liền dùng ống phun khói lửa ra, khiến cho trời đất mù mịt, cách nhau chỉ trong gang tấc vẫn không nhìn thấy gì. Chúng hy vọng sẽ khiến cho quân Nam (tức quân Quang Trung - NKT) rối loạn. Chẳng dè, một lát sau thì trời trở gió Nam, thành thử khói lửa của giặc lại gây hại cho giặc. Vua Quang Trung lập tức sai đội quân khiêng ván xông thẳng lên phía trước. Khi gươm giáo hai bên bắt đầu chạm nhau thì quăng ván xuống, rồi vung dao chém bừa, những người cầm binh khí theo sau cũng ào ạt xông lên mà đánh.Quân Thanh chống đỡ không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. (Theo ghi chép của Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 47, tờ 40) thì Sầm Nghi Đống đã thắt cổ tự tử ở Loa Sơn (tức Gò Đống Đa). Quân Tây Sơn thừa thế chém tới, thây giặc chất đầy đồng, máu giặc chảy thành suối. Giặc Thanh đại bại.Trước đó, vua Quang Trung đã sai một toán quân đi men theo bờ đê Yên Duyên rồi kéo lên, mở cờ gióng trống làm nghi binh ở mạn phía đông. Lúc ấy, quân Thanh chạy đến, thoáng thấy đã hoảng sợ, bèn tìm đường theo lối tắt qua Vịnh Kiều để trốn. Chợt thấy voi từ Đại Áng tới, chúng càng hết hồn hết vía, bỏ chạy tới Đầm Mực thuộc làng Quỳnh Đô. Tây Sơn liền lùa voi ra giày đạp, khiến giặc bị chết có đến cả vạn người” (Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ 14).
Như vậy, nếu Quang Trung Nguyễn Huệ là người táo bạo
tổ chức cuộc tấn công quyết liệt vào Ngọc Hồi và nhanh chóng đánh bật
quân Thanh ra khỏi sào huyệt nguy hiểm này của chúng, thì Đô đốc Bảo là
người tổ chức trận đánh bọc hậu xuất sắc ở Đầm Mực, tiêu diệt một bộ
phận sinh lực của giặc, đồng thời, làm tê liệt ý chí chiến đấu của
chúng.
Đặt trong diễn biến chung của toàn bộ trận quyết
chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa, thắng lợi ở riêng đồn Ngọc Hồi có
một ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong thắng lợi có ý nghĩa hết sức quan
trọng đó, cống hiến của Đô đốc Đặng Xuân Bảo là rất lớn lao. Ông đã
chứng tỏ khả năng chỉ huy trận mạc rất xuất sắc xứng đáng với niềm tin
cậy lớn lao của Quang Trung Nguyễn Huệ và của đông đảo nghĩa sĩ Tây Sơn
đương thời.
Sau trận đại thắng Tết Kỷ Dậu (1789), Đô đốc Đặng
Xuân Bảo được Quang Trung trọng thưởng và tiếp tục giao nhiều chức vụ
quan trọng trong quân đội. Thời Quang Toản, Đặng Xuân Bảo được phong
chức Bình Đông Tướng quân. Ông đi đến đâu là trật tự xã hội ở đó được
nhanh chóng thiết lập và củng cố. Đời vẫn khen ông là tướng giàu uy đức.
Đặng Xuân Bảo là một trong những người quyết chí đánh
trả Nguyễn Ánh đến cùng. Tuy nhiên, tình thế Tây Sơn từ những năm cuối
cùng của thế kỷ thứ XVIII trở đi đã ngày một bi đát. Trong một trận giao
tranh quyết liệt với Nguyễn Ánh ở Thanh Hóa vào năm 1802, vì thân cô
thế cô, Đô đốc Đặng Xuân Bảo đã bị bắt. Ông nhịn ăn 5 ngày rồi mất. Vì
chưa rõ năm sinh nên chưa biết khi mất, Đặng Xuân Bảo thọ bao nhiêu
tuổi.
Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 3 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét