XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Tây Sơn danh tướng – Đặng Văn Long

Đặng Văn Long tự là Tử Văn, người huyện Tuy Phước (Tuy Viễn), phủ Quy Nhơn.
Lúc nhỏ, học võ tinh thông về môn ngạch quyền (quyền cứng mạnh), sau lên An Thái thụ giáo thầy Trương Văn Hiến học chuyên về môn miên quyền (quyền mềm dẻo), ngót năm năm mới thành tài. Người trong võ lâm thấy Đặng tinh thông được cả hai môn ngạnh công và nhuyễn công, không ai địch nổi, nên tôn xưng là Đặng Vô Địch. Ngoài ra, Đặng lại có sức mạnh hơn, nằm ngửa dưới đất, dùng hai tay nâng một cỗ xe bò chở nặng. Người Quy Nhơn thường gọi ông là Đặng Thiết Tý (Đặng tay sắt).
Đặng Văn Long tính tình điềm đạm, học rộng hiểu nhiều, được ân sư họ Trương chăm dạy chu đáo. Khi còn ở trường, Đặng kết thân với Nguyễn Huệ và Phan Văn Lân.
Nơi quê hương không có đối thủ, Đặng đi giang hồ khắp đó đây hầu tiêu dao ngày tháng. Nơi Đặng thường lui tới là các danh sơn đất Bắc. Bởi vậy, khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Đặng Văn Long còn mãi ở tận phương Bắc trên bước đường vân du. Khi Đặng về đến Nghệ An thì gặp lúc vua Quang Trung kéo binh ra Bắc, dừng lại Nghệ An để tuyển thêm quân. Đặng Văn Long liền đến nhập ngũ.
Tân binh đều được luyện tập hàng ngày. Quân sĩ đều mặc áo quần cặp nẹp đỏ, đội nón ngù kết tua đỏ:
Quân dung đâu mới lạ thường
Mũ mao, áo đỏ chật đường kéo ra
(Đại Ban quốc sử diễn ca)
Vua Quang Trung thường xuyên cưỡi voi đi xem quân lính tập luyện và ban lời phủ dụ mọi người.
Một hôm, nhà vua trông thấy một đám tân binh có một tráng sĩ, đồng phục toàn trắng, tay cầm kích, lưng đeo cung, biểu diễn võ nghệ trông vừa đẹp vừa hùng. Nhà vua lấy làm lạ cho người đến gọi. Bạch tráng sĩ vừa đến gần, nhà vua liền nhảy xuống voi, chạy đến cầm tay gọi:
- Cố nhân.
Gặp được bạn cũ, biết rõ tài năng, vua Quang Trung bèn phong cho Đặng chức Đại Đô đốc, thống lãnh một đạo quân đi bình Bắc.
Trong cuộc hội ngộ, Long cũng được gặp lại bạn đồng môn cũ là Phan Văn Lân. Sau câu chuyện hàn huyên, Long hỏi thăm tin tức về ân sư Trương Văn Hiến. Lân nói:
- Thầy ra giúp vua Thái Đức một thời gian rồi lui về An Thái dưỡng lão. Từ ấy, vì việc binh bận rộn, nên tôi không về thăm thầy được mà cũng không được tin tức gì của thầy. Không biết có còn khỏe mạnh không? Ơn xưa nghĩ lại lắm lúc thật buồn!
Long nói:
- Hơn mười năm nay, tôi mải miết trên chốn giang hồ cũng không lo tròn nghĩa sư đệ, nhưng chuyến này, nếu đánh đuổi được giặc xâm lăng thì chắc thầy cũng mừng rằng công dạy dỗ không đến đến nỗi uổng.
Sáng 30 tháng chạp năm Mậu Thân (1788), vua Quang Trung truyền lệnh xuất quân.
Đại Đô đốc Long cùng Đại Đô đốc Bảo thống lãnh hữu quân gồm mã binh và tượng binh. Để chuẩn bị đánh đồn Khương Thượng nằm ở phía Tây Nam thành Thăng Long, Đại Đô đốc Long hiệp cùng Đại Đô đốc Mưu đem mã quân qua huyện Chương Đức (Hà Đông) để tiến đến làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì (Hà Đông).
Cánh quân của Đại Đô đốc Long được hai vị tướng quân tài ba trợ giúp.
Một là Đô đốc Lý Văn Bưu, vị tướng có tài điều khiển đoàn kỵ binh chiến đấu một cách thuần thục.
Hai là tướng quân Đặng Tiến Đông, quê ở Lương Xá, gần Thăng Long; trí dũng hơn người, trước kia đã từng làm quan cùng chúa Trịnh, sau quy thuận nhà Tây Sơn, được phong chức Đô đốc. Đặng Tiến Đông nhờ thông thuộc, am hiểu địa hình địa thế trong khắp vùng Thăng Long và lân cận, nên tham mưu cho Đại Đô đốc  Long, việc hành quân qua các đường tắt tránh được tai mắt quân Thanh.
Từ Thanh Trì, quân Đại Đô đốc Long chiếm trọn hai đồn Yên Quyết và Nhân Mục nằm ở phía Tây Bắc đồn Khương Thượng. Hai đồn này làm tiền đồn cho Khương Thượng, mất một cách mau lẹ và im lắng.
Từ lúc chưa tinh sương, đồn Khương Thượng đã bị vây kín mà lính trong đồn còn say sưa giấc điệp. Quân Đại Đô đốc Long nhờ nhân dân yểm trợ đã dùng rơm khô bện thành con cúi, tẩm dầu, chực lửa. Rồi một tiếng hô, muôn nghìn tiếng ứng, đồng thời lửa bực cháy sáng lòa. Toán quân kỵ mã, tay cầm giáo, tay cầm đuốc, ào ào xông vào. Bộ binh hò hét vang trời theo sau gót ngựa. Quân trong đồn thức giấc, khiếp đảm, chỉ lo tìm đường tẩu thoát. Quân Tây Sơn tràn vào như nước vỡ bờ. Quân Tàu bị giết quá nửa. Một nửa còn sống sót, lớp chạy ra hướng Bắc, lớp nương theo sông Tô Lịch chạy về Hướng Nam. Chạy đến Đầm Mực thì gặp đoàn voi của Đại Đô đốc  Bảo. Quân Tàu bị voi chà xé tan tành.
Tướng chỉ huy đồn là Đề đốc Sầm Nghi Đống, khi trận đánh bắt đầu đã khiếp sợ trốn ra Hoa Sơn tức gò Đống Đa, thắt cổ tự tử.
Diệt xong đồn Khương Thượng, Đại Đô đốc Long giục quân ào ạt tiến vào Thăng Long tiếp ứng với đạo quân vua Quang Trung. Quân Mãn Thanh bị quét sạch. Tôn Sĩ Nghị chạy trốn về Tàu.
Bắc hà hoàn toàn được giải phóng.
Tuy nhiên, sau khi vua Lê Chiêu Thống chạy theo tàn quân Tôn Sĩ Nghị, thì một số cựu thần nhà Lê lại dựa vào địa thế hiểm yếu của các núi rừng phía Bắc, tụ quân chống lại nhà Tây Sơn.
Đại Đô đốc  Long phải ở lại Bắc hà để đánh dẹp.
Trước tiên là dẹp cuộc dấy loạn của Dương Đình Tuấn, người huyện Yên Thế (Bắc Giang), trước đây đã phò Lê Chiêu Thống trong khi ẩn náu để chờ viện binh Trung Quốc. Khi Chiêu Thống chạy sang Tàu, Tuấn ở lại tiếp tục hoạt động chống Tây Sơn. Đặng Văn Long đem binh tảo trừ. Tuấn đánh không lại, chạy trốn vào rừng rồi biệt tích.
Thứ đến là nhóm Phạm Đình Đạt, người Vũ Giang (Bắc Ninh), cùng em là Tạo sĩ Phạm Đình Phan, tiến sĩ Phạm Đình Dữ và các con là Phạm Đình Hân, Phạm Đình Cù, Phạm Đình Ninh, Phạm Đình Duật, quật khởi ở núi Huyền Đinh, tục gọi là núi Treo Đinh. Phạm vi hoạt động của nhóm này rất mạnh ở vùng Lạng Giang, Đặng Văn Long phải chật vật lắm mới tiêu diệt được.
Sau khi vua Quang Trung mất, Cảnh Thịnh để cho quyền thần lộng hành, mối nước sanh rối. Đặng Văn Long bèn xin từ chức về nhà mở trường dạy võ. Nhưng rồi nhận thấy kẻ học võ lúc này không có chí lớn, ai nấy đều nghĩ đến quyền lợi riêng tư. Đặng công liền đóng cửa trường lên núi làm rẫy.
Một hôm, Võ Văn Dũng tìm đến viếng thăm. Gặp lại cố tri. Đặng vui mừng khôn xiết, nhưng khi nghe Võ bàn đến chuyện phục hưng nhà Tây Sơn thì Đặng lắc đầu nói:
- Tôi ra giúp nhà Tây Sơn vì đâu phải nhà Tây Sơn mà chính vì tổ quốc. Nếu giặc Thanh không đem quân sang mong chiếm nước ta thì tôi mãi làm con hạc nội, máu đâu phải dính tay. Còn về nhà Tây Sơn thì chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Song nếu Vũ hoàng không bỏ đích lập thứ thì đâu đến nỗi như thế này? Nay đất đã mất mà lòng người cũng mất, hỏi còn mong làm được việc gì nữa? Mà dù có làm được nữa thì làm để làm gì, nếu không phải để tranh chiếm ngôi báu. Mà tranh ngôi báu cho ai? Cho nhà Tây Sơn hay cho chính mình? Thôi, trên 30 năm trời đã đánh nhau, nhân dân đã quá điêu đứng rồi, không nên gieo rắc thêm tang tóc.
Võ ra về, Đặng lên ở luôn trên núi cao. Trong nơi mây khói, không ai biết Đặng ở ngọn núi nào trong dãy Nam Sơn.
Hiện nay, tại Kỳ Sơn có một dòng họ Đặng. Tại Diêu Trì cũng có một dòng. Nhưng chưa rõ họ Đặng nào thuộc dòng dõi Đặng tướng công.
Theo Võ nhân Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét