Đặng
Xuân Phong người làng Dõng Hòa, Huyện Tuy Viễn (Tây Sơn) võ nghệ cao
cường, sức mạnh hơn người. Có tài cưỡi ngựa bắn cung. Tánh ưa nhàn,
không thích công danh, nên khi nhà Tây Sơn chiêu mộ anh tài, Xuân Phong
không ra hưởng ứng.
Một
hôm Bùi Thị Xuân đang đứng ở vườn trầu Kiên Mỹ, chợt thấy một tráng sĩ
trẻ tuổi tay cầm côn đồng, vai mang cung sắt, mình cưỡi ngựa ô, từ thôn
Thuận Nghĩa chạy lên Phú Lạc. Thái độ hiên ngang, tướng mạo trung hậu.
Nữ tướng thầm khen, theo dõi dò xét. Đến chân hòn Trưng Sơn, tráng sĩ
giục ngựa lên núi.
Đường
núi gập ghềnh mà ngựa chạy như trên đất bằng. Ngựa chạy quanh quất một
hồi lâu rồi dừng nơi một khoảnh đất trống bằng phẳng nằm lưng chừng núi.
Chợt một bầy quạ bay ngang qua. Tiếng kêu rộn ràng. Tráng sĩ liền
trương cung bắn ra liên tiếp 5 phát: 5 con quạ như 5 quả chín rụng
xuống. Rồi tráng sĩ xuống ngựa, tháo yên cương cho ngựa ăn cỏ, còn mình
thì cầm côn tập võ. Tiếng gió vun vút, khí lạnh bao quanh. Diễn tập liên
tiếp ba bốn bài mà sắc mặt vẫn không thay đổi, hơi thở vẫn điều hòa.
Thời gian quá hơn nửa buổi thì thắng ngựa trở về.
Nữ tướng khen thầm:
- Thật là một dũng sĩ !
Và tự trách:
- Anh tài ở trước mặt mà bấy lâu mình có mắt cũng như không!
Dò
biết được lai lịch của tráng sĩ là Đặng Xuân Phong và Trưng Sơn là nơi
tráng sĩ thường đến tập luyện. Nữ tướng liền về chiến khu trình với Tây
Sơn vương rồi cùng với Đại Tổng lý Võ Đình Tú xuống Dõng Hòa mời họ Đặng
tham gia đại sự. Lạ gì “thanh khí lẽ hằng” không đợi thuyết phục, họ
Đặng hưởng ứng ngay lời mời của họ Bùi, họ Võ.
Đặng Xuân Phong liền được tiến cử lên vua Tây Sơn và được đề cử ngay đi đánh dẹp Quảng Nam để lập công.
Không
phải dùng nhiều công sức, Đặng Xuân Phong mới giao chiến lần đầu đã lấy
ngay được Thăng Bình, rồi Điện Bàn. Giết được tướng nhà Nguyễn là Tôn
Thất Quyền và Tôn Thất Xuân. Quảng Nam được dẹp yên, Tây Sơn vương gọi
Nguyễn Xuân ở Quảng Nghĩa về Quy Nhơn. Đặng Xuân Phong được cử thay thế
làm Trấn thủ Quảng Nghĩa, cùng với Nguyễn Văn Tuyết trấn thủ Quảng Nam.
Sau khi Nguyễn Huệ lấy được Thuận Hóa và ra Bắc đánh giặc Thanh, Đặng Xuân Phong vẫn còn phục dưới triều vua Thái Đức.
Năm Nhâm Tý, vua Quang Trung băng hà. Vua Thái Đức sai Đặng Xuân Phong cùng Võ Xuân Hoài ra Phú Xuân mang lễ vật phúng điếu.
Tang lễ xong, Đặng Xuân Phong được vua Cảnh Thịnh lưu lại Phú Xuân.
Năm
Cảnh Thịnh thứ ba, Đặng Xuân Phong được Thăng chức Thái Phó, ban tước
Huyện công Tuy Viễn. Đến khi Nguyễn Bảo bị giết, bà họ Trần đem con,
cháu lên An Khê lánh nạn thì Đặng công từ quan, lui về Dõng Hòa dưỡng
lão. Khi được tin Phú Xuân thất thủ, vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Thành,
Đặng công mở tiệc mời thân bằng cố hữu đến, nói:
-
Kẻ hào kiệt ra phò nhà Tây Sơn, phần nhiều điều là bậc trung nghĩa.
Nhưng hầu hết đều dày công dày sức trong lúc xây dựng, mà không một ai
đủ khả năng chống đỡ trong lúc ngả nghiêng. Nay mai mà Nguyễn Phúc Ánh
thu trọn cả Bắc, Nam thì đất bằng nổi sóng, đám cựu thần nhà Tây Sơn
không còn chỗ đặt chân tay. Nếu đợi nước đến chân thì không còn nhảy kịp
nữa.
Mấy
hôm sau có người đến thăm thì chỉ thấy vườn không có nhà trống. Đặng
công đưa gia đình đi lúc nào và đi về đâu không một ai hay biết.
Theo Võ nhân Bình Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét