XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Dưới Bến Trên Thuyền.


Tùy bút-Tường Bách


(Bài của nhà văn Tường Bách được đăng trên báo Ngày Nay số 3, in tại Hà Nội ngày 20/02/1935)

Bờ sông Hà Nội, ngay ở chỗ bến thuyền, là một nơi ít người để ý đến, ít để ý đến cách sinh hoạt của dân cư dưới bãi cát hay trên thuyền bè.

Người ta có đi qua cũng chỉ thấy một khung cảnh vui vẻ, tấp nập, tuy bây giờ đã kém xưa, hồi mấy năm về trước nhiều lắm. Cái rừng cột buồm thẳng tắp, khi trước chi chít, bây giờ trông có vẻ lơ thơ, buồn bã.

Những thuyền chở gỗ từ Yên Báy, Phú Thọ, chở than từ Đông Triệu, Quảng Yên, chở muối từ Nam Định, Thái Bình, tuy vẫn lui tới, nhưng chỉ còn ít. Ngoài cái nguyên nhân từ khủng hoảng kinh tế ra, còn vì lẽ những hàng hóa ấy người ta chở bằng tầu hỏa hay tầu thủy, nhanh chóng hơn và giá vận tải cũng không cao hơn là mấy.

May ra có những thuyền những thuyền Nghệ chở nước mắm là còn giữ được chút phồn thịnh ngày trước. Những chiếc thuyền đi bể này, trông to lớn, cột buồm cao vút với lá cờ phấp phới trên ngọn, hai bên mui vẽ mắt như mắt cá và rồng phượng nhiều màu như để dọa nạt những cơn sóng ngất trời ở giữa bể khơi. Một chiếc thuyền ghé vào bến Hà Nội như thể mang tới một chuyến hàng độ bốn năm trăm tấn, ngày trước có khi đến hằng nghìn. Hàng ấy chứa đầy trong đáy thuyền tối om và sâu như cái giếng, thường thường chỉ có một cái lổ vuông bằng cái bàn con để thò gáo xuống múc lên.

Bán hết rồi, họ xuôi về Nghệ. Về mùa này, phần nhiều họ đợi được gió bấc rồi mới quay mui. Người Nghệ đi bể quen nên đoán thời tiết rất giỏi. Nhiều khi, trời nắng chang chang, gió nồm thổi ẩm ướt, mà họ cũng sửa soạn cho thuyền quay về: thế là tối hôm ấy tự nhiên trời đổi lạnh, gió bấc thổi vù vù đưa những thuyền Nghệ xuôi ra bể nam.

Đời những người làm thuyền thật vất vả. Quanh năm sống trên mặt nước, những công việc khó nhọc và nắng mưa, gió bể đã khiến cho tay, chân họ thành chai và da dẻ xám đen già cỗi. Lắm khi còn phải chống cự với nhưng cơn gió táp lúc đang lênh đênh trên mặt sóng.

Mà những phu-phen làm việc ở bờ sông cũng khó nhọc như vậy. Họ phải vác những bao to hay gánh những gánh nặng đầy sỏi, cát hay than đá đen sì, trèo từ dưới thuyền lên bờ sông, dốc và gồ ghề. Những phu kéo gỗ nhiều khi phải giắt giây nhau chừng hai mươi người mới kéo nổi một cây gỗ lên cạn. Mồ hôi chảy nhễ nhại trong lúc trời rét như cắt, họ vừa ra sức vừa hát những câu tình ái kéo dài bằng những tiếng “ới a”, và thỉnh thoảng lại điểm một tiếng “dô ta” vang động cả bờ sông. Mỗi ngày như thế, tiền công được độ hai ba hào không cơm là nhiều lắm. Ăn uống lẽ tất nhiên là rất khổ sở. Và tối đến, họ chui rúc vào những nhà nứa lợp gianh ở Cấu Đất, những nhà thấp nhỏ, chật chội, bẩn thỉu và tối tăm không chút vệ sinh.

************

Bãi Cầu Đất cũng như mọi nơi khác, bên bờ sông, thật là chỗ tụ họp của người nghèo: phu phèn, thợ thuyền, buôn bán lặt vặt, như quà bánh chẳng hạn, chen chúc nhau trong dãy phố tồi tàn ấy. Đã vậy, nhiều khi nước lên to, tràn ngập cả, tình cảnh lúc đó mới thật là khốn đốn, vì còn biết chạy đi đâu. Ở bãi Cầu Đất, ta thấy rõ cái cảnh nghèo hèn, cách ăn ở khốn nạn của bọn mà ta gọi chung cả một tiếng là bọn hạ lưu. Nhưng khốn nạn thì khốn nạn, bao giờ họ cũng tìm được cách mua vui, những cuộc vui tai hại như rượu chè, cờ bạc.

Ở bến tàu thuỷ, quang cảnh vui vẻ hơn, vì sạch sẻ, sáng sủa hơn đây là lẽ tự nhiên. Nhưng lắm khi ta thấy, giữa đám đông người vừa ở dưới tàu lên, một cô gái quê ngớ ngẩn, tay cắp thúng trông bốn phía như tìm đường đi. Rồi có một người đàn bà chạy đến, nói cười một lúc rồi dắt cô đi theo. Người nhà hay quân giỗ người? Không biết chắc, nhưng ta đã nghĩ rằng cô gái quê ấy đã bước bước đầu trên con đường trụy lạc trong thành phố Hà Nội mà cái tiếng phồn hoa đã gọi cô đến nơi.

Ngoài những kẻ giỗ người, còn có những kẻ rủ người đi để bóc lột nữa. Một hôm, tôi đương đứng hứng gió bên bến tàu, bỗng có một anh quần áo cánh trắng tiến lại sẽ hỏi:

– Gỡ không?

Tôi chợt nghĩ đến bao nhiêu người ở dưới tàu lên thì giàu có, rồi chỉ vì một tiếng gỡ, mà phải ăn mày về tàu. Muốn cùng chung một số phận như họ, tôi đáp:

– Gỡ gì?

– Xốc dĩa, xì phé gần đây

Anh ta đưa tôi qua bãi cát, tới gần cầu, và lên một chiếc thuyền con chở ra giữa sông đến một cái nhà bè rộng rãi. Trong đó, đủ các hạng người đang sâu sé nhau. Mà trong đó, người hạ lưu không phải ít. Trong bộ quần áo bẩn thỉu, rách vá, họ ngồi để bị bóc lột, hình như sung sướng lắm. Trông những đồng tiền họ vứt đi, tôi lại nhớ đến bao nhiêu ngày họ phải khó nhọc, vất vả mới kiếm ra được.

Dưới bãi bờ sông thật là nơi tụ tập của người tứ xứ. Chỉ có những người các tỉnh khác, vì kinh tế phải rời làng đi kiếm ăn ở Hà Nội. Nghèo thì làm phu, làm thợ, mà giàu có hơn thi buồn bè, buồn nứa.

Cách sinh hoạt trên những nhà bè cũng có nhiều cái thú vị. Lênh đênh trên mặt sóng, nước lên đến đâu dâng cái bè lên đến đấy. Nhiều người quanh năm ở trên nhà bè, sống về nghề chài lưới. Còn những người buồn nứa, đến mùa nước cạn, họ làm một cái nhà trên bãi cát để ở.

Trông chỗ nhà bé ấy với cái nhà gianh thấp hẹp, nhiều nhất là những cái vòm tựa như cái cống làm bằng mui thuyền cũ, dưới đặt mấy cây nứa để ngủ, nằm rải rác trên bãi cát rộng, ta tưởng tượng như đứng giữa một bãi sa mạc bên Phi châu. Mà nói cho đúng, cách ăn ở của người mình ở đây cũng chẳng hơn người da đen là mấy.

Ngày họ đi làm, chẻ nứa hay bó nứa, tiền công độ một hào, hào rưởi, mà là công việc nhẹ, phần nhiều đàn bà trẻ con làm. Con bọn đàn ông thi đi giắt bè, những bè nứa từ trên Chèm về, đóng thành từng lớp, hay khuân vác những cây nứa. Như thế, họ sống cũng phong lưu. Phong lưu đối với họ, chứ trông bữa cơm với nhà cửa của họ, ta không thể hiểu sao họ sống lượm thượm đến như thế được.

Những cái nhà vòm, nhiều cái chỉ rộng bằng miệng cống, mà ở trong, nếu kê một cái giường có lẽ không đủ chỗ. Anh sáng chiếu vào chỉ rõ những cái chiếu cũ, rách giải trên sàn, và trong một góc, bát đĩa, quần áo để lộn xộn. Thế mà đêm đến, trong cái cống ấy, năm sáu người đàn ông, đàn bà, trẻ con lăn lộn co quắp ngủ trong một giấc say sưa.

Còn những cái nhà hơi ra hồn nhà một tí, thì cũng bẩn thỉu, chật chội như thế. Và mùa đông những tấm phên mỏng đầy lổ hở, chống sao nổi với cái lạnh căm căm theo luồng gió bấc thổi mạnh trên bãi cát mông mênh –  mà những ngày nắng rát, trên mặt trời chiếu xuống chói lọi, dưới hơi cát bốc lên, tưởng không còn chỗ nào nóng hơn được nữa.

Họ sống như thể, nhưng họ không lấy làm khổ lắm.  Họ hình như thản nhiên chịu cái số phận vất vả, khốn nạn, mà ít khi, ta thấy họ kêu ca oán thán lấy nữa lời.

Nhẫn nhục, biết phục tòng số mệnh, có nhẽ là cái đức tính to nhất của dân ta, dù ở nơi trên biển, dưới thuyền hay trong luỹ tre xanh cũng vậy.

Tường Bách

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét