Khái
Hưng
(Bến Đò
Năm Xưa. Truyện ngắn của Khái Hưng đã đăng trên Tuần Báo Ngày Nay số 21, in
ngày chủ nhật, 16/08/1936 tại Hà Nội)
Nguyên
dừng lại trên đê cao, nhìn xuống con sông sâu. Và chàng mang máng nhận thấy
rằng mười lăm, mười sáu năm về trước chàng đã đến đó một lần.
Dòng
nước về mùa đông cũng cạn, cũng chảy lờ đờ. Bụi lau mọc ven bờ, lá vẫn xơ xác
như xưa, hàng bông trắng vẫn se sẽ lao đao trước gió. Nhất là cây gạo thân
thẳng và cao, ngạo nghễ đứng bên sườn đê rướn ngọn chọc trời, thì chàng không
thể nhầm nó với một cây gạo khác được. Gốc nó phía trên tựa da trăn đầy những
khoanh mốc trắng, phía dưới nổi lên những bướu tròn hùng tráng như những bắp
thịt rắn chắc của nhà lực sĩ.
Nguyên
đương tỉ mỉ nhận xét điều ấy, thì đưa chàng đi sâu thêm vào thời ký vãng một
làn khói lan tỏa ra ôm ấp lấy cái mái rạ rồi từ từ bay tản mạn trong đám lá
xanh. Bấy giờ chàng mới kịp để ý đến túp lều bé nhỏ, xiêu vẹo, túp lều mà mười
lăm năm về trước chàng đã thấy nằm núp dưới gốc cây gạo. Cho đến cả mảnh lưới
nâu vắt phơi trên cái lao sặt, vại nước đặt trên khóm mía ở đầu nhà, mọi vật
đối với ký ức chàng như đối với con mắt nhà mỹ thuật, một bức tranh sơn bỏ quên
lâu năm trong xó tủ, bây giờ bỗng đem ra lau sạch bụi và treo lên tường.
Chiếc xe
sắt đã trèo hết cái dốc đê và phăng phăng xuống bến để khiêng vào thuyền sang
sông. Nguyên lững thững theo xuống. Nghe tiếng gầm gừ, chàng quay lại giật mình
kinh ngạc: Con chó trắng bông dương cặp mắt thao láo dữ tợn nhìn chàng đi qua.
Chàng nhớ lần trước chàng cũng thấy con chó bông trắng như hệt thế nằm bên khóm
chuối kia gần đàn gà con đang bới đống rác bẩn tìm sâu. Chàng chau mày tự nhủ
thầm: “Hình như ta đã để ở nơi này một kỷ niệm trong giây phút.”
Ý nghĩ
ấy làm cho chàng bật cười. Nào phải bây giờ chàng mới có cái cảm tưởng, cái cảm
giác như thế về dĩ vãng. Nhiều khi lần đầu bước chân vào một phòng khách lạ
chàng chẳng thấy bàn ghế, đồ đạc bầy ở đó có nhiều quen thuộc, thân mật với
chàng là gì?
– Mời
ông xuống đò cho thuyền sang ngang. Chúng tôi ngồi chờ tê cả chân.
Ðương tò
mò ngắm những xác vờ rải trắng trên làn cát ướt, nghe lời thúc giục, Nguyên
quay lại. Trong chiếc thuyền nan, ngồi bên cái xe kéo, hai người đàn bà và một
người đàn ông khoác áo tơi lá, gió thổi kêu lạt sạt. Và đứng ở đằng lái, lả lơi
vịn vào con sào, một thiếu nữ óng ả, thon thon, tấm áo nâu đổi vai, hai vạt
trước buộc gọn gàng ra phía sau lưng.
Nguyên
bước lên thuyền trân trân nhìn cô lái, khiến cô bẽn lẽn cuối gằm mặt xuống, cắm
sào xoay mũi, “Lạ! người này nữa! Ta cũng đã gặp rồi, mà gặp ở đây, ở bến đò
này!”
– Cô vẫn
chở đò ở đây?
Cô lái
cho đó là một câu trêu ghẹo, bỡn cợt, nên lặng ngảnh trông đi, không đáp.
– Tôi
nhớ mang máng lần trước tôi gặp cô cũng ở bến đò nầy, nhưng đã lâu lắm, đến hơn
mười lăm năm rồi.
Tiếng
cười rộ của bọn sang ngang làm cho Nguyên ngơ ngác:
– Mười
lăm năm trước mà ông gặp chị Thà thì chị ấy đương chập chững tập đi.
– Ờ nhỉ!
Nguyên
ngây người suy nghĩ “Ô! mình lẩn thẩn quá thực. Hồi đó, cô ta mới độ lên hai,
lên ba!” Rồi chàng cũng cười theo. Nhưng chàng vẫn ngờ vực: “Chẳng lẽ mình mơ
mộng đến thế được?” Một câu nói tiếp của một người đàn bà khiến chàng tỉnh ngộ:
– Mười
lăm năm về trước thì họa chăng ông gặp bu chị Thà.
Người ấy
quay ra nói chuyện với người ngồi bên:
– Chị
Thà, chị ấy giống bu chị ấy như đúc.
Nguyên
mỉm cười: “Phải, bu chị ấy. Có thế chứ, ta lầm sao được.” Chàng lấy làm tự phụ
về trí nhớ của mình. Rồi chàng lại đăm đăm ngắm nghía cô lái đò: “Xinh xắn thế
kia thảo hèn ta nhớ lâu, nếu quả thực người mẹ ngày xưa cũng đẹp như cô con
ngày nay.”
Giữa lúc
ấy anh sẩm cất tiếng hát. Cái giọng khàn khàn, đùng đục. Nguyên nhận thấy như
đã rầu rãi nắng mưa, chẳng khác thanh sắt vứt lay vứt lắt, bị rỉ ăn luỗng từng
chỗ. Nhưng cái giọng ấy, cũng vẫn cái giọng lần trước. “Hừ! chẳng lẽ anh sẩm
này lại cũng là con anh sẩm ngày xưa.”
Anh mù
ngửa mặt như nhìn qua đôi kính râm, đầu lắc lư, tay kéo nhị, há hốc miệng gào:
“Công
cha như núi Thái Sơn, sữa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Người
đàn ông chừng một ngày mấy lần qua sông nên thuộc lòng câu sẩm chợ, ngồi đập
chân xuống sàn thuyền gõ nhịp, môi mấp máy lẩm bẩm hát theo. Còn hai người đàn
bà thì thản nhiên như chỉ có bọn họ trong thuyền, oang oang nói chuyện:
– Sợi
nhà bà ngâm được mấy buổi?
– Sợi
nhà tôi ngâm được bốn đêm.
– Ờ! khá
đấy! Nhà bà tràng vốn nên ngâm được lâu.
Nguyên
kinh ngạc. Mấy mẩu chuyện, lần trước chàng đã nghe thấy không thiếu không thừa,
không sai một tiếng. “Thì ra dưới trời này mọi vật không bao giờ thay đổi.”
Anh sẩm
hát: “Ba năm bú mớm…”
Nguyên
ném một xu vào cái thau sắt tây thủng, rồi cúi xuống ngắm bóng mây trắng lướt
theo con thuyền êm lặng, trên giòng nước trong xanh.
Bài Lưu
Thủy của anh sẩm nhắc Nguyên biết rằng thuyền đã tới bến. Chàng mỉm cười vơ
vẩn, lấy làm lạ rằng mình đã lắng tai nghe hết bài hát. Mọi lần ở các bến phà,
hễ anh sẩm cất tiếng, là Nguyên vội đãi anh một, hai xu để xin anh ngồi im cho.
Nhưng lần này, bài ca tầm thường đã gợi trong lòng chàng một mối cảm hoài man
mác, và đưa chàng trở lại với thời xưa. Vì thế chàng đã im lặng để những câu
hát vô vị chạy lướt qua trí nhớ như bóng mây lướt trên mặt nước im trong.
Nguyên
trả cô lái năm xu, rồi toan nhảy lên bờ.
– Ấy,
ông để cháu giữ thuyền cho chắc chắn đã, chẳng ngã.
Nguyên
đứng dốn lại hỏi:
– Bến đò
này ở nơi hiu quạnh lắm nhỉ?
– Vâng,
ở đây buồn lắm. Nhưng được cái cách phố phủ có sáu, bẩy cây số.
Lúc ấy
có một người đứng trên đường gọi:
– Thà ơi,
mày đi hộ tao, để tao chở thuyền cho. Tiền đây này!
Người
đàn ông quẩy gánh củ cải nặng, bước xuống nước, bảo Nguyên:
– Bu chị
Thà đấy. Có phải người thầy gặp lần trước không?
Nguyên
ngửng đầu lên nhìn: “Ừ, bu con giống nhau thực!”
Cô lái
đò nghe nói, mủm mỉm cười, gọi mẹ:
– Bu ơi,
tiền đò đây này, bu giữ lấy. Ông cho năm xu đấy.
Người
đàn bà quần áo lôi thôi nhem nhuốc chạy vội lại:
– Cám ơn
thầy.
Bác gánh
củ cải bảo bà ta:
– Này
bà, bà có nhận được ông nầy không?
Nguyên
cười, cho câu hỏi ấy vô lý hết sức. Nhưng chàng kinh ngạc xiết bao, khi thấy
người đàn bà đăm đăm nhìn mình rồi vui vẻ chào:
– Ồ chào
thầy! Trông thầy vẫn thế nhỉ. Không già đi mấy.
Nguyên
còn ngơ ngác cố nhớ lại thì người đàn bà đã nói tiếp:
– Ngày
ấy thầy mặc áo tơi dạ, chứ không phải áo sơn này. Với lại cái “bao-ly” của thầy
có quai mà to hơn nhiều, tôi xách lên bờ nặng sái cả cánh tay. Mà thầy vui tính
lắm, nói đùa luôn mồm.
Nguyên
đáp:
– Bây
giờ già rồi, nên mất cả vui tính.
Thế rồi
Nguyên lên xe. Cái xe gỗ lạch cạch lắc lư, nhảy trên con đường gồ ghề, lồi lõm,
không mấy khi được hân hạnh có chiếc ô-tô qua lại. Nhưng Nguyên không thấy khó
chịu như lúc ở quãng đường bên kia sông. Còn văng vẳng bên tai câu nói của
người đàn bà chở đò: “Thầy mặc cái áo tơi dạ… cái bao-ly của thầy có quai.” Và
chàng nghĩ thầm: “Sau mười lăm, mười sáu năm, người ấy còn nhớ mình mặc áo tơi
dạ và cái va-li của mình có quai! Người ấy lại nhớ cả mình vui tính nữa.”
Chàng
tưởng tượng – tưởng tượng chứ không phải nhớ vì chàng không còn nhớ – chàng
tưởng tượng ngay ra một cảnh gặp gỡ ở bến đò, cuộc gặp gỡ giữa cô lái xinh tươi
với ông khách có duyên qua bến và như nghe thấy tiếng cười ròn tan trong luồng
gió lạnh, như nhìn thấy cái liếc mắt lẳng lơ đưa theo dịp chèo đập nước.
Rồi kẻ
đi người ở. Tình vẫn man mác phảng phất như chút hương nhạt trong hai tâm hồn
có lẽ không bao giờ gặp nhau.
“Cái áo
tơi dạ của thầy… cái bao-ly có quai của thầy…”
Cùng với
cảnh chuyến đò gặp gỡ, một cảnh khác hiện ra trong tưởng tượng. Cảnh chờ đợi,
nhớ mong. Nguyên như được ngắm cô lái, một đêm trăng ngồi tựa gốc cây gạo nhìn
xuống dòng nước mà gửi hồn ruổi theo người khách lạ. Qua khóm lau thưa, lấp ló
ngọn lửa con thuyền đánh cá. Xa xa, tiếng chó sủa trong lũy tre âm u.
Rồi hình
ảnh người qua đò một ngày một phai cho đến khi mười lăm năm sau, một hôm người
ấy trở lại…
Trên
đường đất gồ ghề, lồi lõm, chiếc xe sắt hục hặc nhảy chồm như con ngựa bất
kham… Nhưng Nguyên vẫn yên lặng bình tĩnh theo giấc mộng liên miên…
Khái Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét