Khái Hưng
(Truyện ngắn này được đăng lần đầu tiên trên Tuần Báo Ngày Nay số 17, in ngày chủ nhật 19/ 07/ 1936 tại Hà Nội)
Cây im, sông lắng đợi xuân về
Thế Lữ
Linh cho ngựa phi nước kiệu lớn, qua dặng đồi cỏ tranh, hấp tấp, vội vàng như người đi đâu có việc gì cần kíp.
Tới chỗ sông Thương lượn khúc chảy ven đường Bố Hạ, quanh một quả đồi rộng trồng cam, Linh kìm cương, nhẹ nhàng nhẩy xuống đất, buộc ngựa vào một cây trẩu trụi gần hết lá. Đã một tuần nay, từ khi cam bắt đầu rám đỏ, sáng sáng, dùng xong bữa điểm tâm sơ sài, Linh lên ngựa đi thăm lấy lệ mấy nơi vừa phá hoang trồng chè, rồi phi thẳng tới đây ngồi đợi.
Chàng đợi người năm ấy. Sự mong mỏi làm rạo rực lòng chàng và như man mác cả linh hồn vạn vật.
Vì có lúc ngắm cảnh quanh mình, chàng thấy những khóm cây yên lặng nghiêng mình trên bờ cao, soi bóng xuống mặt nước xanh rêu không động, những bụi lá sắc và nhọn với hàng bông trắng đứng im tăm tắp và loáng thoáng lẩn trong không. Cả những làn mây nhạt đương lững thững trôi trên ngọn đồi xa cũng ngập ngừng dừng lại. Hình như cùng chàng mong ngóng người xưa, cỏ cây, mây, nước cũng trầm ngâm mong ngóng xuân về.
Tiếng chim sơn ca hót trong cỏ rậm. Linh giật mình quay nhìn theo con đường đỏ, và cảm thấy tất cả nỗi thất vọng của một tấm lòng vơ vẩn đợi chờ…
Nhưng qua giậu nứa đan mắt cáo, màu vỏ cam mới rám hồng vẫn nhắc nhỏm gợi nhớ nhung.
*
* *
Cách đây hai năm, và cũng trong tháng chạp. Một hôm cưỡi ngựa đến bên sông thăm vườn cam sắp trẩy, Linh gặp một chiếc ô tô đỗ cạnh đồi. Tưởng đó là xe khách đến chơi và tài xế không biết lối vào trong ấp, Linh cho ngựa lại gần, nghiêng mình nhòm qua cửa xe. Trong xe, một bà ngót năm mươi tuổi và một thiếu nữ đầy đặn nở nang, nước da hồng hào rám nắng, mà thoạt trông chàng ví ngay với màu da cam bắt đầu rám chín dưới luồng gió heo may.
Chàng ngồi thẳng người lên, lễ phép nói:
– Xin cụ tha lỗi cho, tôi tưởng bạn đến chơi.
Nhưng thiếu nữ rất lịch thiệp đã thò đầu ra ngoài mỉm cười đáp lại:
– Thưa ông, me tôi không dám. Vả lầm thì ai chả có khi lầm.
Câu trả lời, Linh cho là vô vị. Song nụ cười tình tứ điểm theo, chàng ngắm thấy ngọt như mật ong, thơm như hoa cam sành mới nở, và có mãnh lực làm cho chàng lúng túng mất vài giây. Sự lúng túng ấy chàng che đậy bằng một câu hỏi, giọng run run:
– Thưa cô, xe liệt máy?
Nụ cười càng tình tứ hơn, tuy đôi lông mày bán nguyệt tô thêm chỉ hơi díu lại một cách rất nũng nịu, dễ yêu.
– Thưa ông, xe không chết máy, nhưng hết dầu xăng.
– Vậy ý hẳn bác tài đi mua dầu xăng?
– Không, anh ấy đến hàng nước kia hỏi xem có thể mua lại ở đâu được vài lít xăng để đủ chạy từ đây đi Kép. Vậy thưa ông, ông có biết thì xin ông làm ơn bảo giùm cho.
Linh mỉm cười:
– ồ! Tưởng hỏng máy, chứ nếu chỉ hết dầu xăng, thì tôi xin biếu cụ và cô.
Bà cụ sung sướng vội hỏi.
– Thưa ông, nhà ông ở gần đây?
– Thưa cụ, cũng không xa. Đây là đồn điền của tôi.
Thiếu nữ vẻ mặt ngạc nhiên.
– Đồn điền của ông? Chắc là rộng lắm!
– Thưa cô, cũng không rộng lắm, độ hai nghìn mẫu thôi.
Thiếu nữ mở cửa xe bước xuống, gọi:
– Anh tài!
Tức thì một người vận âu phục màu vàng từ trong hàng nước cạnh bến phà đi lại. Linh xuống ngựa, nói:
– Bác cưỡi ngựa theo con đường này vào ấp bảo người nhà tôi đưa cho một bi đông ét xăng, rồi cầm ngay ra đây…
– Thưa ông, cháu không cưỡi ngựa bao giờ.
– Chà, khó gì!
Linh ngẫm nghĩ một giây rồi chép miệng nói tiếp:
– Thôi được, để tôi đi lấy cho.
Thiếu nữ vội gạt:
– Chết thế thì phiền ông quá!
Nhưng Linh đã nhẩy lên lưng ngựa, dựt cương ra về, và nháy mắt, chàng đã biến vào trong cỏ tranh cao, rậm.
*
* *
Lúc trở lại, Linh chỉ thấy người tài xế nằm ngủ trên nệm xe. Chàng dừng lại ngồi thở, trời rét, cái áo lót của chàng ướt đẫm mồ hôi, vì chàng đã cho ngựa phi mau quá.
Bỗng có tiếng cười nói trong vườn cam. Linh vội vàng cởi bỏ vào trong xe cái bi đông dầu xăng buộc sau yên, rồi cho ngựa thong thả lên đồi. Tiếng thiếu nữ nói qua hàng giậu:
– Chúng tôi đương đợi ông ra để xin ông một quả cam.
Linh hấp tấp rẽ cương qua cửa vườn.
– Thưa cụ, cam ở đây còn chua lắm, chưa ăn được. ở trong ấp có một ít đã thực chín rồi và ngọt lắm, xin mời cụ và cô quá bộ vào chơi.
Bà cụ từ tạ:
– Xin cảm ơn ông, chúng tôi xin về… Ông đã cho chúng tôi vay dầu xăng?
Linh buồn rầu đưa mắt nhìn thiếu nữ:
– Thưa cụ, có dầu xăng rồi.
– ồ! thế thì may quá. Cảm ơn ông quá. Không có ông giúp thì mẹ con tôi chẳng biết làm thế nào mà về được đến nhà.
– Thưa cụ, ấp cách đây có hơn hai cây số, xin mời cụ quá bộ vào chơi. Thưa cụ, tôi ở nơi hẻo lánh này chẳng mấy khi được hân hạnh đón tiếp khách quý.
Thiếu nữ nể lời ân cần mời mọc của chủ ấp, áy náy nhìn mẹ:
– Thưa me, hay là me vào chơi một lát cho ông chủ bằng lòng. Vào ăn quả cam Bố Hạ rồi lại đi ngay.
Quay về phía Linh, nàng mỉm cười, láu lỉnh nói tiếp:
– Rồi ông để chúng tôi đi ngay nhé?
Linh, trên mặt lộ đầy vẻ biết ơn:
– Xin vâng.
– Vậy vào nhé, me nhé?
Bà mẹ mắng yêu con
– ừ thì vào. Gớm chết! Cô Phụng đi đâu cô cũng la cà hết ngày hết buổi.
Linh sung sướng chạy vội ra cửa vườn gọi tài xế.
*
* *
Một giờ sau, Linh đưa Phụng đi xem khắp vườn cam, quýt, trong khi bà mẹ ngồi nghỉ bên lò sưởi, vì đứng ở ngoài lâu chân tay bà rét buốt.
Nhờ có một nền giáo dục lịch thiệp nhận được ở trường học và ở một gia đình theo lối mới Phụng đối với ông chủ ấp không chút ngượng ngùng, e lệ. Nàng cười nói dễ dàng, hỏi nhiều câu mà Linh phải lấy làm kinh ngạc, tưởng các cô thiếu nữ không bao giờ dám nghĩ tới.
Đến một gốc quít cỗi, nàng ngắt một quả rồi vờ quay đi ăn vụng. Nhưng nàng quay lại ngay, phá lên cười và kêu:
– Bắt lấy con ăn cắp quýt cho tôi!
Linh cũng cười, nói một câu mà vừa buột miệng thốt ra, chàng cho là rất sáo:
– Nó được hân hạnh cô chiếu cố là may cho nó.
– Vậy tôi lại muốn chiếu cố đến nó nữa.
Vừa nói Phụng vừa với một quả ở cành cao nhưng không tới.
– Cô để tôi lấy giùm.
Linh phải nhảy lên mới với được cả cành quít chĩu chịt gần chục quả.
– ồ phí quá, ông nhỉ?
Linh toan ngắt ra từng quả nhưng Phụng vội gạt.
– ấy, ông cho xin cả để tôi mang về giữ làm kỷ niệm.
Hai tiếng kỷ niệm ở miệng mỹ nhân nói ra, Linh nhận thấy âu yếm, thấm thía tâm hồn. Chàng toan đáp lại một câu tình tứ, nhưng không tìm ra được, đành chỉ lặng lẽ mỉm cười nhìn thiếu nữ. Giữa phút thần tiên ấy, có tiếng gọi:
– Phụng, xin phép ông về thôi!
Lần đầu tiên trong đời, Linh cảm thấy tất cả cái ý nghĩa buồn rầu, sầu thảm của chữ “về”.
– Phụng, đi về!
– Vâng, con đây.
Nàng bỏ cả nửa quả quít vào mồm nhai ngốn ngấu. Còn một nửa có lẽ vì đãng trí, nàng đưa cho Linh:
– Trời ơi! Quít ngọt quá! Ông nếm thử mà xem.
Rồi nàng chạy vội lại chỗ mẹ.
Linh thở dài, lững thững theo sau…
*
* *
Lúc xe mở máy. Linh mới chợt nhớ ra rằng chưa hỏi địa chỉ của Phụng.
Trong một giờ được một mình ở bên người đẹp, Linh chỉ mê man nghĩ đến hiện tại mà chàng biết rằng ngắn ngủi. Và chàng chỉ cảm thấy từng phút từng giây đương lạnh lùng rơi vào quãng không.
Kẻ ở người đi rồi hiện tại sẽ thành dĩ vãng sẽ thành một kỷ niệm như cành quít mà Phụng đã đem về nhà để giữ làm kỷ niệm.
Nhưng cái kỷ niệm giây phút ấy đối với Linh đã thành vĩnh viễn thiêng liêng.
Năm, năm, cứ đến tháng chạp khi cam ngoài vườn bắt đầu rám đỏ dưới luồng gió heo may, Linh lại cảm thấy thân thể và tâm hồn rung chuyển. Rồi trong vườn hiện ra hình ảnh một thiếu nữ tươi tốt, hồng hào thướt tha bên gốc cam, gốc quít.
Linh chờ đợi, mong ngóng.
Chàng chờ đợi, mong ngóng cho tới hết mùa cam. Vì Phụng có hứa với chàng rằng mỗi năm cứ đến mùa cam nàng sẽ lại cùng mẹ một lần lên thăm ấp của Linh. Lời hứa ấy có lẽ Phụng đã thốt ra theo cách xã giao trong câu truyện thù ứng. Nhưng Linh tin là lời hứa thành thực. Chàng cũng không hiểu sao chàng lại tin như thế nhưng chàng cũng không thể không tin được.
Đã hai năm chàng chờ đợi…
Và trên bờ sông cao khóm cây vẫn yên lặng nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước xanh rêu không động, những bụi lau lá sắc và nhọn vẫn đứng thẳng hàng, bông trắng loáng thoáng lẫn trong không. Và trên ngọn đồi xa, làn mây bạc vẫn ngập ngừng dừng lại. Cùng chàng mong ngóng người năm ấy, vạn vật trầm ngâm mong ngóng xuân về.
Khái Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét