XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

HOÀNG HẬU MARGOT (Chương 23-36)



HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 23

Người mới cải đạo

Ngày hôm sau có cuộc săn ở rừng Saint-Germain.

Henri ra lệnh chuẩn bị yên cương sẵn sàng cho một con ngựa nhỏ xứ Bearn mà ông định tặng cho phu nhân de Sauve nhưng ông còn muốn thử trước. Tám giờ kém một khắc, ngựa đã đầy đủ lệ bộ. Tám giờ vừa điểm, Henri xuống sân.

Con ngựa tầm vóc tuy nhỏ nhưng kiêu hãnh và nóng nảy, nó dựng bờm và hí ầm trong sân. Trời lạnh, một lớp băng mỏng phủ trên mặt đất.

Henri qua sân để tới khu chuồng ngựa, nơi cả ngựa và giám mã đang chờ ông. Lúc đó ông đi ngang qua một người lính Thụy sĩ đang đứng gác ở cửa, người lính đó đưa cao súng để chào Henri và nói:

- Chúa phù hộ cho Hoàng thượng Navarre!

Nghe lời chúc tụng ấy, và nhất là khi nghe giọng người đó nói, anh chàng xứ Bearn bỗng giật mình.

- Ông quay nhìn và lùi lại một bước.

- De Mouy! - Henri thì thầm.

- Tâu bệ hạ, vâng, chính de Mouy đây!

- Anh tới đây làm gì?

- Tôi tìm bệ hạ.

- Anh muốn gì?

- Tôi cần phải nói chuyện với bệ hạ.

- Khốn khổ! - Nhà vua xích lại gần de Mouy nói - Mi không biết là mi sẽ mất đầu như chơi à?

- Tôi biết điều đó.

- Thế sao?

- Thế mà vẫn là tôi đây này.

Henri hơi tái mặt, vì ông hiểu ông sẽ phải chia xẻ mối nguy hiểm mà chàng trai đầy nhiệt tình này đang hứng chịu. Ông lo lắng nhìn quanh và lùi lại lần nữa cũng hấp tấp như lần trước.

Ông vừa thấy bóng quận công d Alençon ở trên một cửa sổ.

Henri đổi ngay dáng điệu, cầm lấy khẩu súng trường trong tay de Mouy đang giả làm lính gác và vừa ra vẻ kiểm tra khẩu súng vừa nói:

- De Mouy, chắc hẳn có lý do nào cần cấp lắm thì anh mới tới đưa đầu vào miệng hùm như thế này chứ?

- Thưa bệ hạ, không! Tôi rình chực bệ hạ từ tám ngày nay - Ồi. Hôm qua tôi mới biết được rằng sáng nay bệ hạ phải thử con ngựa này nên tôi đến canh tại cổng Louvre.

- Nhưng tại sao anh lại có bộ quân phục này được?

- Viên chỉ huy đại đội người Tân giáo là bạn tôi.

- Súng trường của anh đây, đứng vào chỗ gác đi. Người ta đang quan sát chúng ta đấy. Khi nào ta quay lại, ta sẽ cố nói với anh vài lời, nhưng nếu ta không nói gì thì cũng đừng giữ ta lại. Tạm biệt.

De Mouy lại tiếp tục bước đều đặn còn Henri thì tiến về phía con ngựa.

- Con vật nhỏ bé xinh xinh ấy là thế nào thế? - Quận công d Alençon hỏi vọng từ cửa sổ xuống.

- Sáng nay tôi phải thử nó - Henri đáp.

- Nhưng đấy có phải ngựa của đàn ông đâu? Đây là ngựa dành cho một mỹ nhân.

- Cẩn thận đấy Henri, anh là người không kín mồm kín miệng được đâu vì chúng ta sẽ gặp người đẹp ở cuộc săn và lúc ấy nếu như tôi không biết anh là hiệp sĩ của ai thì ít ra tôi cũng sẽ biết anh là người giữ ngựa của ai.

- Ồ! Lạy Chúa, anh sẽ chẳng biết được đâu - Henri nói với vẻ hồn hậu đóng kịch - Cái người đẹp ấy sáng nay không đi được vì bị ốm.

Và ông lên ngựa.

- Ôi! Chà! Thật tội nghiệp phu nhân de Sauve! - d Alençon vừa nói vừa cười.

- François! François! Anh mới là người không kín mồm kín miệng!

- Thế cái bà Charlotte xinh đẹp bị làm sao thế? - Quận công d Alençon lại hỏi.

- Tôi cũng chẳng biết nữa - Henri vừa đáp vừa cho ngựa đi nước kiệu vòng vèo trên sân - Dariole báo với tôi là bà ta bị nặng đầu lắm, khắp người tê cứng, tóm lại là bải hoải toàn thân.

- Thế chuyện đó ngăn anh đi cùng chúng tôi không? - Quận công hỏi.

- Tôi ấy à? Tại sao không? Anh biết rằng tôi mê săn bắn như điên. Chẳng gì có thể làm tôi bỏ một cuộc săn được cả.

- Ấy vậy mà anh vẫn lỡ cuộc săn này đấy, Henri ạ - quận công tiếp sau khi quay lại nói chuyện với một người mà Henri không nhìn thấy vì người đó đứng tận trong phòng để nói chuyện với quận công.

- Vì đức vua cho người báo với tôi rằng cuộc săn không tiến hành hôm nay.

- Chậc! Sao vậy? - Henri nói với vẻ cụt hứng.

- Hình như có những thư tín quan trọng của ông de Nervers thì phải. Đức vua, Thái hậu và quận công d Anjou anh tôi đang họp bàn.

"Ái chà! - Henri tự nhủ - Phải chăng là tin về Ba Lan?"

Rồi ông cao giọng nói tiếp:

- Nếu vậy thì tôi cần phải liều mạng lâu hơn nữa trên băng như thế này. Xín tạm biệt anh!

- Ông cho ngựa dừng trước de Mouy và truyền:

- Này de Mouy, gọi một người trong đội của mi ra mà gác tiếp. Mi giúp người hầu ngựa gỡ yên ra, đội yên lên đầu và đem tới cho người thợ chuyên dát vàng bạc yên ngựa, còn một hình thêu mà y chưa làm xong hôm nay. Mi tới trả lời tại phòng ta, nghe không?

De Mouy vội vàng tuân lệnh vì quận công d Alençon đã bỉến khỏi cửa sổ. Rõ ràng là ông ta nghi ngờ điều gì.

Quả thực de Mouy vừa mới qua khỏi cửa thì quận công d Alençon xuất hiện. Một người lính Thụy Sĩ đang đứng gác ở chỗ de Mouy.

D Alençon nhìn rất kỹ người lính gác mới này rồi quay về phía Henri hỏi:

- Ban nãy anh nói chuyện với người khác phải không?

- Tên kia là một người hầu trong gia đình tôi mà tôi đã cho đăng vào lính Thụy Sĩ. Tôi giao cho hắn một việc mà hắn đang thi hành.

- À! - Quận công nói như thể câu trả lời đã làm ông ta hài lòng - Marguerite có khỏe không?

- Tôi sắp đến chỗ bà ta đây.

- Thế từ hôm qua đến giờ anh không gặp chị ấy à?

- Không, đêm qua khoảng mười một giờ tôi có đến chỗ bà ta, nhưng Gillonne bảo tôi rằng hoàng hậu mệt và đã đi nghỉ.

- Bây giờ thì anh chẳng gặp được chị ấy ở trong cung đâu, chị ấy ra ngoài rồi.

- Vâng, cũng có thể - Henri đáp - Bà ta phải đi tới tu viện Annonciade.

Chẳng có cách nào đẩy câu chuyện tiếp tục được vì Henri dường như dứt khoát chỉ chịu trả lời mà thôi.

Anh rể em vợ đành chia tay nhau. Quận công d Alençon đi thăm dò tin tức, như lời ông ta nói, còn vua Navarre thì về nhà mình.

Henri mới về được khoảng năm phút đã nghe có tiếng gõ cửa.

- Ai đấy? - Ông hỏi.

- Tâu bệ hạ - Có tiếng trả lời mà Henri nhận ra ngay là giọng de Mouy - Tôi đem lời phúc đáp của người làm đồ vàng bạc cho yên ngựa tới.

Henri thật sự xúc động, bước ra mở cửa cho chàng thanh niên và đóng ngay cửa lại sau lưng chàng.

- Anh đấy à, de Mouy! Ta đã mong là anh sẽ suy nghĩ lại.

- Tâu bệ hạ, tôi suy nghĩ đã ba tháng nay rồi - de Mouy trả lời - Thế là đủ, bây giờ đến lúc phải hành động.

Henri phác một cử chỉ đầy lo lắng.

- Xin bệ hạ đừng lo ngại gì, chúng ta chỉ có một mình và tôi vội lắm vì thì giờ rất cấp bách. Chỉ một lời thôi bệ hạ cũng có thể trả lại cho chúng ta tất cả những gì đạo Tân giáo đã mất trong năm qua. Chúng ta hãy nói rõ ràng, thẳng thắn ngắn gọn với nhau.

- Ta nghe đây, de Mouy trung thực của ta - Henri thấy không còn cách nào để lẩn tránh việc giải thích được nên đành trả lời.

- Có thật là bệ hạ bỏ Tân giáo không?

- Thật vậy - Henri đáp.

- Vâng, nhưng đó chỉ là bề ngoài thôi hay là với tất cả tấm lòng?

- Người ta bao giờ cũng biết ơn Đức Chúa đã cứu mạng cho mình - Henri trả lời bằng cách lẩn tránh câu hỏi như ông vẫn thường làm trong trường hợp tương tự như thế này - Và hiển nhiên là trong cơn nguy hiểm ấy Chúa đã tha mạng cho ta.

- Tâu bệ hạ, xin Người hãy thú nhận một điều.

- Điều gì?

- Đó là việc chối đạo của bệ hạ không phải là do lòng tin mà là do tính toán. Bệ hạ đã chối đạo để được vua Charless cho sống chứ không phải là vì Chúa đã bảo toàn tính mạng cho bệ hạ.

- De Mouy ạ, dù nguyên nhân việc cải đạo của ta có là gì chăng nữa thì ta vẫn cứ là người Giatô giáo.

- Thưa vâng, nhưng liệu bệ hạ có mãi mãi là người Giatô giáo không? Khi cơ hội đầu tiên để lấy lại tự do cho sự sống trần và tâm linh của bệ hạ đến thì chẳng lẽ bệ hạ lại không thu lại lời cải đạo? Thế này đây, cơ hội đó đã đến rồi. La Rochelle nổi loạn, xứ Roussillong và Bearn chỉ chờ lệnh để hành động, ở Guyenne, tất cả đều đợi chiến tranh.

Xin bệ hạ chỉ cần nói với tôi rằng bệ hạ bị cưỡng ép làm người Giatô giáo, tôi xin đảm bảo với bệ hạ về tương lai.

- De Mouy thân mến, người ta không thể cưỡng ép được một nhà quý tộc thuộc dòng dõi như ta. Điều ta đã làm là làm một cách tự do.

- Nhưng tâu bệ hạ - Trái tim chàng trai thắt lại vì sự chống cự không ngờ đó - Bệ hạ không nghĩ rằng làm như vậy bệ hạ bỏ rơi chúng tôi... bệ hạ phản bội lại chúng tôi hay sao?

Gương mặt Henri vẫn lạnh lùng.

- Vâng, bệ hạ phản bội lại chúng tôi - De Mouy nói tiếp - Vì nhiều người trong số chúng tôi đã liều mạng tới đây để cứu vãn danh dự và tính mạng của bệ hạ. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả để trao cho bệ hạ một ngôi báu. Bệ hạ có nghe rõ không, không chỉ tự do thôi mà cả quyền lực nữa: một ngai vàng tuỳ ý bệ hạ lựa chọn vì trong vòng hai tháng nữa bệ hạ có thể chọn giữa Navarre và Pháp quốc.

- De Mouy ạ - Henri vừa nói vừa che giấu ánh mắt, vì dù ông không muốn khi nghe tới đề nghị này mắt ông cũng lóe lên như tia chớp - Tính mạng ta an toàn, ta là người Giatô giáo, ta là chồng của Marguerite, ta là em vua Charles, ta là con rể hiền mẫu Catherine. De Mouy, khi ta đứng ở địa vị đó, ta đã tính toán cơ may và cả nghĩa vụ nữa.

- Nhưng tâu bệ hạ, tôi biết tin vào cái gì đây? - De Mouy tiếp lời - Người ta nói với tôi rằng cuộc hôn nhân của bệ hạ vẫn chưa hoàn thành, người ta nói với tôi rằng trong thâm tâm bệ hạ vẫn tự do, người ta nói với tôi rằng mối hận thù của Catherine...

- Giả dối, giả dối tất - Anh chàng Bearnais hấp tấp nói - Đúng là người ta đã lừa dối anh một cách vô sỉ, anh bạn ạ, Marguerite thân yêu đúng là vợ ta thật, Catherine quả là mẹ ta, và cuối cùng đức vua Charless IX quả là chúa tể và chủ của cuộc đời và trái tim ta.

De Mouy rùng mình, một nụ cười gần như khinh miệt lướt qua môi chàng.

- Tâu bệ hạ, vậy đó sẽ là câu trả lời tôi đem về cho các đồng đạo - De Mouy vừa nói vừa thất vọng buông tay và cố thử đưa mắt dò hỏi cái tâm hồn đầy bí ẩn này - Tôi sẽ nói với họ rằng vua Navarre chia tay và dâng trái tim cho những kẻ đã cắt cổ chúng tôi, tôi sẽ nói với họ rằng nhà vua đã trở thành người ca ngợi Thái hậu và người bạn của Maurevel...

- De Mouy thân mến - Henri nói - Nhà vua sắp họp xong, ta phải đến hỏi người tại sao lại hoãn một việc quan trọng như cuộc săn này. Tạm biệt nhé, hãy bắt chước ta anh bạn ạ, từ bỏ chính kiến đi, quy phục đức vua và chịu lễ misa đi.

Và Henri tiễn hay đúng hơn là đẩy chàng thanh niên ra tới tận phòng ngoài. Sự kinh ngạc của chàng trai dần dần nhường chỗ cho lòng tức giận.

Cửa vừa khép lại thì de Mouy không thể kìm được lòng mong muốn trút cơn giận lên một vật gì thay cho việc trút nó lên đầu ai. Chàng vò mũ trong tay, ném xuống đất rồi giày xéo lên trên như con bò mộng giày xéo áo măng-tô của người đấu bò:

- Ôi thề có cái chết! - Chàng kêu lên - Quả là một ông hoàng khốn nạn! Ta muốn bị giết ở đây để hắn mãi mãi bị nhơ nhuốc vì máu ta đổ!

- Suỵt! Ông de Mouy! - Một giọng nói lọt qua khe một cánh cửa mở hé - Sụyt! Khẽ thôi! Vì người khác có thể nghe thấy ông mất!

De Mouy hấp tấp quay lại và thấy quận công d Alençon quấn mình trong một chiếc áo măng-tô đang thò mái đầu xanh xao ra ngoài hành lang để tin chắc rằng ông ta chỉ có một mình với de Mouy.

- Quận công d Alençon! - De Mouy thốt lên - Ta nguy rồi!

- Ngược lại, thậm chí có thể là ông đã tìm thấy điều mà ông muốn tìm - Ông hoàng thì thầm - Bằng chứng là ta không muốn để cho ông bị giết ở đây như ông nghĩ thế. Ông cứ tin ta, máu của ông có thể được sử dụng tốt hơn là chỉ để làm đỏ thềm nhà của vua Navarre.

Nói tới đó, quận công mở toang cánh cửa mà ông ta vẫn để hé.

- Đây là phòng của hai vị quý tộc của ta - Quận công nói - Không có ai sẽ tới quấy rầy ta. Ở đây, chúng ta có thể tự do nói chuyện. Ông vào đi.

- Thưa điện hạ, tôi đây! - Kẻ âm mưu kinh ngạc đáp lại.

Và chàng bước vào phòng, quận công d Alençon đóng cửa lại sau lưng chàng cũng hấp tấp y như vua Navarre vậy.

Lúc bước vào, de Mouy vẫn còn điên khùng vì tức giận, trong lòng vẫn còn nguyền rủa vua Navarre. Nhưng rồi ánh mắt đăm đăm lạnh lùng của ông quận công trẻ đã tác động tới viên chỉ huy Tân giáo như tấm gương ma thuật khiến cơn say của anh ta bị xua tan.

- Thưa điện hạ, nếu tôi hiểu đúng thì có phải điện hạ muốn nói chuyện cùng tôi - De Mouy hỏi.

- Đúng thế, ông de Mouy - François đáp - Mặc dù ông cải trang nhưng ta vẫn suýt nhận ra ông và tới khi ông bồng súng chào Henri anh ta, ta đã nhận rõ ra ông. Thế nào, de Mouy, ông không hài lòng với vua Navarre à?

- Thưa điện hạ!

- Thôi nào, ông cứ mạnh dạn nói với ta. Có lẽ ta là bạn ông mà ông không ngờ đấy.

- Ngài ư, thưa điện hạ!

- Phải, chính ta. Vậy ông hãy nói đi!

- Thưa điện hạ, tôi không biết nói gì với người. Nhưng mà việc tôi cần phải nói với nhà vua Navarre có liên quan tới những quyền lợi mà điện hạ có lẽ sẽ không hiểu được. Vả lại, đó là những chuyện tầm phào - De Mouy nói thêm với vẻ cố tỏ ra dửng dưng.

- Chuyện tầm phào à? - Quận công thốt lên.

- Đúng thế, thưa điện hạ.

- Vì những chuyện tầm phào mà ông thấy cần phải liều mạng để quay trở về Louvre nơi mà, như ông biết đấy, đầu ông được treo giá với số vàng nặng cũng bằng thế? Vì người ta không phải không biết rằng cùng với vua Navarre và ông hoàng Condé, ông là một trong những thủ lĩnh chủ chốt của phái Tân giáo.

- Thưa điện hạ, nếu người nghĩ như vậy, xin người hãy xử sự với tôi trên tư cách là em vua Charles và con của Thái hậu Catherine.

- Tại sao ông muốn ta làm như thế, một khi ta đã nói với ông rằng ta là bạn ông? Thôi hãy nói sự thật ra đi.

- Thưa điện hạ - De Mouy nói - Tôi xin thề với điện hạ...

- Xin ông đừng thề, đạo Tân giáo cấm thề, nhất là những lời thề giả dối.

De Mouy cau mày.

- Ta xin nói với ông rằng ta biết hết - Quận công tiếp.

De Mouy vẫn nín lặng.

- Ông còn ngờ ư - Ông hoàng ân cần nhấn mạnh - Thế thì ông de Mouy thân mến ạ, lại phải thuyết phục ông thôi. Nào, ông xem ta có nhầm không nhé. Có đúng là vừa rồi ông đã đề xuất với anh rể Henri của ta - Ông ta vừa nói vừa đưa tay chỉ về phía phòng Henri - Sự giúp đỡ của ông và những người theo phe ông để tái lập ông ta lên ngai vàng Navarre của ông ta hay không?

De Mouy hoảng sợ nhìn quận công.

- Đó là đề nghị mà ông ta kinh hoàng từ chối.

De Mouy ngẩn người.

- Có phải lúc đó ông đã nhắc nhở lại tình bạn cũ của các ông, kỳ niệm về tôn giáo chung của các ông? Thậm chí có phải lúc đó ông đã đưa ra mồi chài vua Navarre bằng một tiền đồ thật chói lọi, chói lọi đến mức ông ta phải loá mắt, đó là hy vọng đạt tới ngai vàng nước Pháp, đúng không? Thế nào, đúng là ta biết rõ chứ? Có đúng đó là những điều ông tới đề nghị với anh chàng Bearn không?

- Thưa điện hạ - De Mouy kêu lên - Đúng đến nỗi lúc này đây tôi đang tự hỏi liệu tôi có nên cho rằng điện hạ là người nói dối không! Có nên gây ra trong phòng này một cuộc đấu khốc liệt để chắc chắn rằng cái chết của hai chúng ta sẽ dập tắt luôn điều bí mật khủng khiếp đó.

- Nhẹ nhàng thôi, ông de Mouy trung thực của ta, nhẹ nhàng thôi! - Quận công d Alençon không thay đổi nét mặt, không hề có cử chỉ nào khác trước lời đe doạ đó - Điều bí mật sẽ được giữ kín trong chúng ta nếu cả hai chúng ta đều sống hơn là một trong hai người chết đi. Ông hãy nghe ta và đừng có làm phiền chuôi kiếm của ông nữa. Lần thứ ba nhắc với ông rằng ta là một người bạn. Xin ông hãy trả lời như với một người bạn. Nào, có phải vua Navarre đã từ chối tất cả những điều mà ông trao dâng cho ông ta không?

- Thưa điện hạ, vâng, tôi thừa nhận điều đó; vì nó chỉ gây hại cho mỗi mình tôi thôi.

- Có phải lúc ông ra khỏi phòng ông ta, ông đã xéo lên chiếc mũ của mình mà nguyền rủa rằng ông ta là một ông hoàng hèn nhát và không xứng đáng là thủ lĩnh của các ông nữa hay không?

- Thật thế, thưa điện hạ, tôi có nói vậy.

- A! Thật là! Rút cuộc là ông cũng đã nhận.

- Thưa vâng.

- Ông vẫn giữ ý như thế chứ?

- Hơn bao giờ hết, thưa điện hạ!

- Vậy thì ta đây, ông de Mouy, ta, con trai thứ ba của Henri đệ nhị, ta, hoàng tử Pháp, liệu ta có đủ tư cách quý tộc để chỉ huy binh lính cho ông không? Và ông có coi ta là thẳng thắn để ông tín nhiệm lời nói của ta hay không?

- Ngài ư? Thưa điện hạ? Ngài là thủ lĩnh của người Tân giáo ư?

- Tại sao không nhỉ? Đây là thời buổi cải đạo. Ông biết đấy Henri cải làm Giatô giáo, ta cũng có thể cải theo Tin lành được lắm chứ.

- Thưa điện hạ, hẳn thế, vì vậy tôi xin điện hạ hãy giải thích rõ cho tôi...

- Chẳng gì đơn giản hơn, và ta sẽ nói vắn tắt cho ông cái phép làm chính trị của tất cả mọi người:

- Anh Charles của ta giết người Tân giáo vì ông ấy muốn trị vì rộng hơn. Anh d Anjou nhà ta để cho Charles giết người Tân giáo vì ông ta sẽ lên nối ngôi sau Charles và vì như ông biết đấy, anh Charles của ta đau ốm luôn. Còn ta... mọi việc lại khác. Ta sẽ không lên ngôi trị vì, ít ra là ở Pháp, vì ta còn có hai ông anh đứng trước. Mối căm ghét của mẹ ta và hai anh ta đẩy lui ta ra xa khỏi ngai vàng hơn cả những luật lệ của tự nhiên. Ta không có được một tình thương yêu gia đình nào, một vinh quang nào, một vương quốc nào. Thế mà ta có một trái tim cũng cao quý như hai anh ta vậy. Thế nên de Mouy! de Mouy! Ta muốn tự xẻ lấy cho mình một vương quốc với thanh kiếm của ta trong cái nước Pháp đẫm máu này. De Mouy, đó là những điều ta muốn. Ông hãy nghe đây:

"Ta muốn là vua Navarre không phải theo huyết thống mà theo bầu cử. Và ông hãy nhớ là ông không có một điều gì phản kháng chuyện đó, ta không phải là kẻ tiếm ngôi mà chỉ vì anh rể ta từ chối những đề nghị của ông, ông ta rúc vào trong sự trì độn và cao giọng thừa nhận rằng vương quốc Navarre chỉ là chuyện hão huyền. Với Henri de Bearn, các ông chẳng có gì hết. Với ta, các ông có một lưỡi gươm và một tên tuổi. François d Alençon hoàng tử Pháp, sẽ cứu trợ tất cả những bạn hoặc những ai đồng loã với mình, ông muốn gọi thế nào thì gọi. Thế nào, ông de Mouy, ông nghĩ gì về lời đề nghị này?

- Tôi xin nói là tôi bị choáng ngợp, thưa điện hạ.

- De Mouy ạ, chúng ta còn nhiều trở ngại phải vượt qua. Ông đừng tỏ ra khắt khe khó tính ngay từ đầu như thế với một hoàng từ và một người anh em của nhà vua đến với ông.

- Thưa điện hạ, nếu tôi chỉ có một mình để bảo vệ những ý nghĩ của tôi thôi thì mọi việc đã xong cả rồi. Nhưng chúng tôi còn có cả một hội đồng. Dù lời đề nghị có rực rỡ đến mấy, và có lẽ lại chính là vì chuyện đó, các thủ lĩnh trong phe không bao giờ chấp nhận không điều kiện.

- Đó lại là việc khác, và câu trả lời của ông thực xứng đáng là của một tấm lòng trung thực và thận trọng. De Mouy, qua cách xử sự của ta mới rồi, ông phải nhận thấy lòng thành của ta. Vậy về phần ông, ông hãy coi ta như một người được người ta tôn trọng chứ không phải như một ông hoàng được người ta xu nịnh. De Mouy, liệu ta có chút cơ may nào không?

- Xin thề bằng lời nói danh dự của tôi, thưa điện hạ, điện hạ đã muốn tôi nói ý kiến của mình thì đây, điện hạ có tất cả các cơ may kể từ lúc vua Navarre từ chối lời đề nghị mà tôi đã tới dâng cho ông ta. Nhưng thưa điện hạ, tôi xin nhắc lại là vệc hội ý với các thủ lĩnh của chúng tôi là chuyện bắt buộc.

- Nếu vậy xin ông cứ làm đi - d Alençon đáp - Nhưng bao giờ thì trả lời.

De Mouy yên lặng nhìn ông hoàng. Rồi dường như quyết định dứt khoát, chàng nói:

- Thưa điện hạ, xin Người trao tay cho tôi. Tôi cần được nắm lấy bàn tay của một hoàng tử Pháp để tin chắc rằng mình sẽ không bị phản bội.

Quận công không những chìa tay cho de Mouy mà còn nắm lấy tay chàng và siết chặt.

- Thưa điện hạ, bây giờ tôi đã an tâm - Chàng thanh niên Tân giáo nói tiếp - Nếu chúng ta bị phản bội, tôi sẽ nói là điện hạ không dính líu gì vào đấy. Thưa điện hạ, nếu không thế thì dù Người có dính líu rất ít vào sự phản bội ấy, Người cũng sẽ bị mất danh dự.

- De Mouy, tại sao ông lại nói với ta như vậy trước khi cho ta hay bao già ông sẽ đem câu trả lời của các thủ lĩnh của ông tới?

- Bởi vì, thưa điện hạ, khi điện hạ hỏi tôi khi nào sẽ có câu trả lời, điện hạ cũng đã hỏi các thủ lĩnh ở đâu. Và nếu tôi nói với điện hạ: "Đến tối", điện hạ sẽ biết rằng các thủ lĩnh đang ẩn nấp tại Paris.

Vừa nói vậy, de Mouy vừa phác một cử chỉ nghi ngờ và dán ánh mắt sắc sảo của mình lên con mắt giả dối láo liên của quận công.

- Thôi nào - Quận công bảo - Ông vẫn còn nghi ngờ đấy, ông de Mouy ạ. Nhưng mới đầu thì ta không thể đòi hỏi ở ông một sự tin cậy hoàn toàn được. Ông sẽ biết ta sau này. Chúng ta sẽ gắn bó với nhau bằng quyền lại chung khiến ông hết nghi ngờ. Vậy ông bảo tối nay phải không, ông de Mouy?

- Thưa điện hạ vâng, vì thời gian gấp lắm. Đến tối, nhưng ở đâu, thưa điện hạ?

- Ở Louvre, tại đây, trong căn phòng này, ông có đồng ý không?

- Phòng này có người ở phải không? - De Mouy đưa mắt chỉ hai chiếc giường kê đối diện với nhau.

- Có hai vị quý tộc của ta ở đây.

- Thưa điện hạ, tôi thấy là đối với tôi, quay trở lại Louvre thì thật bất cẩn.

- Tại sao vậy?

- Vậy nếu như điện hạ đã nhận ra tôi, những người khác có thể cũng tinh mắt như điện hạ và lại cũng sẽ nhận ra tôi. Tuy vậy tôi sẽ trở lại Louvre nếu điện hạ ban cho tôi điều mà tôi yêu cầu điện hạ.

- Điều gì vậy?

- Một giấy thông hành.

- De Mouy, nếu giấy thông hành của ta cấp mà được tìm thấy trên người ông thì vạ sẽ nguy hại cho ta và không cứu được ông. Ta chỉ giúp ông được điều đó với điều kiện trước mắt tất cả mọi người chúng ta hoàn toàn xa lạ đối với nhau. Chỉ cần hở ra một chút mối quan hệ giữa ta và ông cho mẹ và các anh ta thôi thì nó cũng sẽ khiến ta dễ dàng bỏ mạng. Vậy ông sẽ được bảo vệ và gìn giữ nhờ quyền lợi cho chính ta, khi mà ta chịu liên lụy về những kẻ khác cũng như đang liên lụy với ông lúc này. Chừng nào chính ta còn không bị nghi ngờ thì ta còn đảm bảo được cho ông mọi thứ, xin ông đừng quên điều đó. Ông nên can đảm lên một lần nữa. Hãy mạo hiểm với lời hứa của ta giống như ông đã mạo hiểm mà không có lời hứa của anh rể ta. Hãy đến Louvre tối nay.

- Nhưng điện hạ muốn tôi đến bằng cách nào chứ? Tôi không thể liều ăn mặc như thế này trong các khu phòng ở được. Y phục này chỉ ở trong các sân và tiền sảnh được thôi. Nếu tôi mặc y phục của tôi thì lại còn nguy hiểm hơn nữa, vì ở đây mọi người đều biết tôi và quần áo tôi chẳng cải trang cho tôi được tí nào hết.

- Vì thế nên ta phải tìm... chà tí... Ta nghĩ rằng ừ... đây rồi.

Quận công đưa mắt nhìn quanh và dừng mắt lại trên đống quần áo chưng diện của De Mole bấy giờ đang được trải ra trên giường. Ông ta nhìn thấy chiếc áo choàng màu anh đào lộng lẫy có thêu chỉ vàng, chiếc mũ có cái lông chim trắng với một vòng hoa cúc thêu vàng và bạc xung quanh và cuối cùng là chiếc áo chẽn bằng satanh màu ngọc xám điểm vàng.

- Ông có thấy chiếc áo choàng, chiếc mũ lông và áo chẽn này không? - Quận công hỏi - Đó là của ông de Mole, một quý tộc của ta, một anh chàng nịnh đầm tài ba. Y phục này làm rối loạn cả triều đình, mặc nó vào thì cách trăm bước người ta cũng nhận ra ông De Mole. Ta sẽ cho ông địa chỉ của tay thợ may đã may cho De Mole cứ trả giá gấp đôi vào và đến tối ông sẽ có một bộ y như thế. Ông nhớ kỹ tên ông de Mole chứ?

Quận công d Alençon chưa dứt lời chỉ dẫn thì người ta nghe có tiếng chân trong hành lang bước lại gần và tiếng một chiếc chìa khoá quay trong ổ.

- Này, ai đấy? - Quận công la lên, lao tới cửa và cài chốt lại.

- Quỷ quái, hỏi mới lạ chứ! - Có tiếng người bên ngoài trả lời - Anh là ai đấy thì có? Nhộn thật đấy! Trở về nhà lại bị người ta hỏi là ai đấy!

- Ông đấy hả, ông de Mole?

- Này, chắc chắn đúng là tôi rồi. Nhưng còn ông, ông là ai?

Trong khi De Mole tỏ ra ngạc nhiên vì thấy phòng mình có người và cố tìm xem kẻ mới tới ở chung là ai thì quận công d Alençon hấp tấp quay lại, tay giữ chốt, tay che ổ khoá.

- Ông có biết ông De Mole không? - Quận công hỏi de Mouy.

- Thưa điện hạ, không.

- Thế ông ta có biết ông không?

- Tôi tin là không.

- Thế thì ổn rồi, với lại, ông hãy giả vờ nhìn xuống cửa sổ đi.

De Mouy im lặng tuân lời vì De Mole bắt đầu sốt ruột và đập thình thình vào cửa.

Quận công d Alençon nhìn lại de Mouy một lần nữa và khi thấy chàng đứng xoay lưng lại, ông ta bèn mở cửa.

- Điện hạ quận ông! - De Mole kinh ngạc lùi lại kêu lên - Ôi xin lỗi điện hạ!

- Không sao! Ta cần phòng ông để tiếp một người.

- Xin điện hạ cứ làm. Nhưng xin điện hạ cho phép tôi được lấy chiếc áo và mũ của tôi đang ở trên giường. Đêm hôm qua tôi bị mất cả hai thứ ấy trên bờ sông Grève, tôi bị bọn kẻ cướp tấn công.

- Quả thật - Quận công mỉm cười - Ông bị sửa cho khá đấy. Hình như ông đụng độ với mấy thằng cha ương bướng lắm thì phải.

Đích thân quận công đưa cho De Mole áo choàng và mũ.

Chàng trai cúi chào và ra phòng ngoài để thay quần áo. Chàng chẳng quan tâm tí gì tới những việc quận công đang làm trong phòng, vì hồi đó ở Louvre có cái kiểu là nhà ở của các quý tộc phục vụ thường được các ông hoàng biến thành các khách sạn để tiếp đủ thứ người.

Khi đó de Mouy xích lại gần quận công và cả hai đều lắng nghe xem bao giữ thì De Mole xong và đi. Nhưng khi thay xong quần áo, chính De Mole lại gỡ thế bí cho họ bằng cách tiến lại gần cửa và hỏi:

- Xin lỗi điện hạ! Điện hạ có tình cờ gặp bá tước de Coconnas không ạ?

- Không, bá tước ạ! Ấy thế mà ông ta phải vào chầu sáng nay đấy!

- Vậy có khi người ta ám sát ông bạn của tôi mất rồi! - De Mole vừa tự nhủ vừa vội vã bỏ đi.

Quận công lắng nghe tiếng bước chân xa dần, liền mở cửa rồi kéo de Mouy theo sau:

- Ông nhìn ông ta đi kìa, cố gắng mà bắt chước cái kiểu đi khó tả ấy.

- Tôi sẽ cố hết sức - De Mouy đáp - Không may tôi lại là lính chứ không phải là công tử bột.

- Dù sao thì ta cũng sẽ chờ ông trước nửa đêm trong cái hành lang này. Nếu phòng các quý tộc của ta rảnh thì ta sẽ tiếp ông ở đó, nếu không thì chúng ta tìm một phòng khác.

- Thưa điện hạ, được.

- Vậy thì đến tối nhé, trước nửa đêm.

- Vâng, đến tối nay, trước nửa đêm.

- À này, de Mouy, ông vung tay phải mạnh lên khi đi nhé, đó là dáng đi đặc biệt của ông de Mole đấy.

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 24

Phố Tizon và phố Cloche Percée

De Mole vừa đi vừa chạy ra khỏi Louvre và sục sạo khắp Paris để tìm anh chàng Coconnas tội nghiệp.

Đầu tiên chàng tới phố Arbre sec tìm nhà bác chủ quán Hurière vì chàng nhớ mình vẫn thường nhắc cho anh chàng Piémontais một câu thành ngữ Latinh nào đó nói rằng thần Tình yêu, Bacchus và Cérès là những thần linh quan trọng bậc nhất. Chàng hy vọng rằng Coconnas sẽ yên vị tại quán Tinh tú sau một đêm cũng bận rộn như đêm qua của chàng.

Ở quán bác Hurière, de Mole không tìm thấy gì khác ngoài kỷ niệm về nghĩa vụ đã hứa và một bữa ăn rất ngon miệng được chàng vui lòng chấp nhận mặc dù đang có nỗi lo âu trong lòng.

Sau khi dạ dày đã yên ổn còn đầu óc vẫn chưa được thảnh thơi, de Mole lại bắt đầu chạy ngược sông Seine, cứ như một anh chàng hớt hải đi tìm vợ bị chết đuối. Đến bờ sông Grève, chàng nhận ra nơi mà, như chàng đã nói với d Alençon, ba bốn giờ trước chàng bị nạn trong cuộc đi chơi đêm của mình. Điều này chẳng phải hiếm trong kinh thành Paris, nơi mà một trăm năm trước đó Boileau đã bị đánh thức trong đêm bởi tiếng đạn bắn thủng cửa chớp nhà ông. Trên bãi chiến trường vẫn còn sót lại một chiếc lông mũ của chàng. Bản năng sở hữu là một bản năng bẩm sinh ở con người. De Mole có mười chiếc lông cài mũ, cái nào cũng tuyệt đẹp, nhưng chàng vẫn dừng lại để nhặt chiếc lông đó, hay đúng hơn là mảnh còn sót lại đó. Chàng đang ngắm nó với vẻ thiểu não thì có tiếng chân thình thịch vang lên tiến lại gần chàng và những giọng nói sỗ sàng ra lệnh cho chàng dẹp đường. De Mole ngước lên và thấy một chiếc kiệu có hai người hầu đi trước và một người hầu ngựa đi cùng. De Mole nhận ra chiếc kiệu quen thuộc nên vội vàng dẹp sang một bên.

Chàng quý tộc quả đã không nhầm.

- Ông de Mole! - Một giọng nói êm ái vọng ra từ trong kiệu, trong khi một bàn tay trắng mịn như sa tanh vén rèm kiệu lên.

- Thưa lệnh bà, chính tôi. - De Mole nghiêng mình thi lễ trả lời.

- Ông de Mole đang cầm một chiếc lông cài mũ trong tay... - Công nương trong kiệu nói tiếp - Ông đang si tình phải không ông bạn thân mến, ông đang tìm lại những dấu vết đã mất chăng?

- Thưa lệnh bà, vâng, tôi đang yêu, yêu say đắm. Nhưng lúc này đây, mặc dầu tôi không tìm chúng, tôi vẫn gặp lại những dấu vết của chính mình. Nhưng trước tiên, xin lệnh bà cho phép tôi được vấn an Người.

- Tuyệt vời lắm, tôi thấy dường như chưa bao giờ tôi khỏe như thế. Chắc là vì tôi đã đi cầu nguyện tu dưỡng suốt đêm.

- A! Lệnh bà tu dưỡng tâm linh? - De Mole vừa nói vừa nhìn Marguerite với vẻ kỳ quặc.

- Đúng vậy, thì có gì đáng ngạc nhiên đâu?

- Nếu không phải là tò mò thì xin phép được hỏi lệnh bà: Người tu dưỡng tâm linh nơi tu viện nào ạ?

- Tôi đâu có che giấu chuyện này, tôi tới tu viện Annonciade.

- Nhưng còn ông, ông làm gì ở đây mà có vẻ kinh hoàng thế?

- Thưa lệnh bà, tôi cũng đi tu dưỡng nguyện cầu suốt đêm trong vùng lân cận tu viện đó. Sáng nay tôi mới đi tìm người bạn tôi đã biến đâu mất, và trong lúc tìm ông ta, tôi lại thấy chiếc lông cài này.

- Của ông ấy phải không? Ông làm tôi lo cho ông bạn của ông quá, chốn này chẳng lành đâu.

- Xin lệnh bà yên lòng. Chiếc lông cài mũ này là của tôi. Tôi đánh mất nó vào khoảng năm giờ rưỡi sáng nay ở đây, trong khi chạy thoát thân khỏi tay bốn tên kẻ cướp lăm lăm muốn cắt cổ tôi ít ra thì tôi cho là như thế.

Marguerite cố nén một cử chỉ kinh hoàng.

- Ôi ông kể cho tôi nghe xem nào - Nàng thốt lên.

- Cũng đơn giản thôi, thưa lệnh bà. Như tôi đã được hân hạnh trình với lệnh bà, lúc đó vào khoảng năm giờ sáng...

- Mới năm giờ sáng mà ông đã ra phố rồi à? - Marguerite ngắt lời.

- Xin lệnh bà thứ lỗi, lúc ấy tôi mới về.

- A! Ông de Mole, năm giờ sáng mới về nhà! - Marguerite nói với một nụ cười có vẻ láu lỉnh dưới mắt mọi người, nhưng de Mole lại coi đó là một nụ cười hết sức đáng yêu - Về muộn thế thì ông đáng phải chịu cái hình phạt ấy lắm!

- Vậy nên tôi đâu có phàn nàn, thưa lệnh bà - De Mole kính cẩn nghiêng mình đáp - Dù tôi có bị lòi ruột ra thì tôi vẫn tự coi là mình vẫn muôn ngàn lần hạnh phúc. Nhưng rốt cuộc là trong khi tôi đi về, sớm hay muộn xin tùy lệnh bà xét, từ cái ngôi nhà đầy ơn phước nơi tôi tới tu dưỡng tâm linh suốt đêm qua thì có bốn tên kẻ cướp hiện ra ở đầu phố Mortellerie và đuổi theo tôi với những chiếc dao dài quá khổ. Thưa lệnh bà, hài hước có phải không ạ? Nhưng tóm lại đúng là như thế, và tôi đã phải bỏ chạy vì tôi quên mất thanh kiếm của tôi.

- A, tôi hiểu rồi - Marguerite nói với vẻ ngây thơ thật dễ thương - Và bây giờ ông quay lại đấy để lấy kiếm.

De Mole nhìn Marguerite với một thoáng nghi ngờ lướt qua trong đầu chàng.

- Thưa lệnh bà, quả thực tôi sẽ quay lại đấy và còn rất vui lòng nữa là khác, vì thanh kiếm của tôi là một thanh kiếm tuyệt vời nhưng tôi không biết cái nhà ấy ở đâu.

- Sao! - Marguerite thốt lên - Ông không biết cái nhà tối qua ông ở nằm ở đâu à?

- Không, thưa lệnh bà! Quỷ Satăng giết tôi đi nếu tôi dám ngờ điều đó!

- Ồ! Thế mới lạ chứ! Chuyện của ông quả là tiểu thuyết đấy!

- Cả một thiên tiểu thuyết thật, chính lệnh bà cũng thấy đấy!

- Ông kể xem nào!

- Chuyện hơi dài.

- Không sao! Tôi có thời gian.

- Và nhất là chuyện này khó tin lắm.

- Ông cứ kể đi, tôi dễ tin lắm.

- Và lệnh bà ra lệnh như thế ư?

- Đúng rồi, nếu cần thì tôi ra lệnh đấy.

- Tôi xin tuân lệnh. Tối hôm sau khi cùng với hai người đàn bà dễ thương qua buổi tối trên cầu Saint-Michel, chúng tôi chia tay hai người đàn bà đó và tới nhà bác Hurière ăn tối.

- Thế trước hết cái bác Hurière ấy là thế nào đã? - Marguerite hỏi với giọng tự nhiên nhất đời.

- Thưa lệnh bà, bác Hurière - De Mole lại nhìn Marguerite lần nữa với vẻ ngờ vực như chúng ta đã nhận thấy lần đầu ở chàng - Bác Hurière là chủ quán trọ Tinh tú, ngụ tại phố Arbre sec.

- Được rồi, tôi rõ rồi... Vậy là ông dùng bữa tối tại quán bác Hurière với ông Coconnas bạn ông chứ gì?

- Đúng vậy, thưa lệnh bà, tôi đang dùng bữa với Coconnas bạn tôi thì có một người đàn ông bước vào trao cho mỗi người chúng tôi một bức thư nhỏ.

- Giống nhau chứ? - Marguerite hỏi.

- Hoàn toàn giống nhau. Chỉ có mỗi một dòng: "Có người chờ ông ở phố Saint-Antoine, đối diện với phố Jouy".

- Thế cuối thư không có chữ ký?

- Không, nhưng có ba từ, ba từ thực dễ thương hứa hẹn tới ba lần cùng một điều, tức là một niềm hạnh phúc gấp ba.

- Đó là ba từ gì vậy?

- Eros-Cupido-Amo.

- Quả thực là ba cái tên êm dịu lắm, vậy chúng có được như chúng hứa hẹn không?

- Ôi! Lệnh bà, trăm lần hơn thế ấy chứ! - De Mole sôi nổi kêu lên.

- Ông nói tiếp đi, tôi thực tò mò muốn biết điều gì đợi các ông ở phố Saint-Antoine đối diện với phố Jouy.

Có hai thị nữ chờ chúng tôi với hai chiếc khăn mùi soa cầm tay.

Chúng tôi phải để cho người ta bịt mắt, lệnh bà cũng biết rằng chúng tôi không làm khó dễ gì. Chúng tôi vươn cổ ra một cách can đảm. Người dẫn đường cho tôi đưa tôi rẽ trái, người dẫn đường cho bạn tôi đưa anh ta rẽ phải, thế là chúng tôi xa nhau.

- Thế rồi sao? Dường như Marguerite muốn điều tra đến cùng.

- Tôi không biết những người dẫn đường cho bạn tôi đưa anh ta đi đâu - De Mole nói tiếp - Chắc là xuống âm phủ. Nhưng còn đối với tôi, những gì tôi biết là người dẫn đường cho tôi đưa tôi tới một nơi mà tôi coi là thiên đường.

- Thế chắc ông tò mò quá nên bị đuổi khỏi đấy chứ gì?

- Chính thế, thưa lệnh bà, Người quả có tài đoán. Tôi cứ sốt ruột chờ cho sáng để được biết mình ở đâu thì khoảng bốn giờ rưỡi, vẫn người thị nữ ấy lại bước vào, băng mắt tôi lần nữa, bắt tôi hứa không được tìm cách nhấc băng bịt mắt ra, rồi dẫn tôi ra ngoài. Bà ta đi cùng với tôi khoảng trăm bước, bắt tôi thề lần nữa là chỉ được nhấc băng sau khi đếm đến năm mươi.

- Tôi đếm đến năm mươi và lại thấy mình ở phố Saint-Antoine, đối diện với phố Jouy.

Thế rồi sao nữa?...

- Thưa lệnh bà, sau đó tôi trở về lòng vui sướng đến nỗi tôi không để ý đến bốn tên khốn kiếp mà tôi vất vả lắm mới thoát khỏi chúng. Thưa lệnh bà, khi tìm thấy một mảnh lông cài mũ của tôi ở đây, tim tôi đã run lên vì sung sướng, tôi nhặt nó và tự hứa với mình sẽ giữ nó như một kỷ niệm của cái đêm đầy diễm phúc này. Nhưng trong niềm vui sướng của tôi, chỉ còn một điều làm tôi lo lắng, đó là không biết bạn tôi bây giờ ra thế nào rồi.

- Ông ta không trở về Louvre à?

- Khổ thay, không! Tôi đã tìm anh ta ở mọi nơi mà anh ta hay tới, ở quán Tinh tú, ở sân chơi cầu và ở nhiều nơi khác nữa, nhưng Anibal thì không thấy đâu, còn Coconnas cũng chẳng có tăm hơi gì.

Vừa nói vừa phác một cử chỉ sầu muộn, de Mole đưa tay mở chiếc áo choàng của mình. Người ta nhìn thấy áo chẽn của chàng có nhiều chỗ bị móc rách xoạc để hở cả lần lót như những lỗ trổ thanh lịch.

- Ông bị đâm đấy à?

- Bị đâm! Quả đúng như vậy! - De Mole không phải là không thích được hãnh diện về mối nguy hiểm mà chàng đã phải chịu - Xin lệnh bà nhìn xem!

- Vậy ông đã về Louvre, sao ông không thay áo chẽn đi? - Marguerite hỏi.

- À, đó là vì có ai đó trong phòng tôi.

- Thế nào, có người trong phòng ông à? - Mắt Marguerite đầy vẻ ngạc nhiên, nàng sừng sốt hỏi:

- Ai ở trong phòng ông vậy?

- Điện hạ...

- Suỵt! -Marguerite ngắt lời.

Chàng trai tuân lệnh.

- Ai ở chỗ cửa kiệu? - Nàng hỏi De Mole.

- Hai người hầu và một người hầu ngựa.

- Được! Bọn man rợ ấy mà! De Mole, ông hãy nói cho tôi biết ông thấy ai ở trong phòng ông?

- Quận công François.

- Làm gì?

Tôi không biết.

- Với ai?

- Với một người lạ mặt.

- Lạ nhỉ! Vậy là ông không tìm thấy ông Coconnas - Marguerite nói tiếp. Hiển nhiên là nàng cũng không nghĩ mình đang nói gì.

- Vậy nên như tôi đã trình với lệnh bà, tôi lo đến chết người vì chuyện ấy.

- Thế thì tôi cũng không muốn làm ông sao lãng việc tìm kiếm lâu hơn nữa - Marguerite thở dài nói - Nhưng không hiểu tại sao tôi có ý nghĩ là tự ông ta sẽ trở về. Thôi, không sao, ông cứ đi đi.

Nàng đưa một ngón tay lên môi. Vì Marguerite xinh đẹp đã không gửi gắm một điều bí mật nào, không thổ lộ điều gì với De Mole, nên chàng trai hiểu rằng cái cử chỉ đáng yêu đó không hề nhằm mục đích yêu cầu chàng phải yên lặng mà còn có một ý nghĩa khác.

Đoàn người lại đi tiếp. Còn De Mole, để theo đuổi việc điều tra của mình, tiếp tục đi dọc theo sông tới tận phố Cầu Dài nối với phố Saint-Antoine. Tới chỗ trông sang phố Jouy, chàng dừng lại.

Tối hôm trước, hai thị nữ đã bịt mắt chàng và Coconnas chính ở chỗ này. Chàng đã rẽ trái và đếm được khoảng hai mươi bước chân. Nay chàng lại làm cái trò đó và thấy mình đứng trước một ngôi nhà hay nói đúng hơn là một bức tường mà phía sau có một ngôi nhà, ở giữa bức tường là một cánh cửa chạm ô văng, đóng đinh to bản và có trổ lỗ châu mai.

Ngôi nhà nằm ở phố Cloche Percée, một phố nhỏ hẹp một đầu ăn sang phố Saint-Antoine còn đầu kia thông sang phố Vua Sicily.

- Mẹ kiếp, đúng đây rồi... Ta thề đấy. Khi mình ra, mình giơ tay ra và chạm phải những cái đinh này, rồi mình bước xuống hai bậc. Cái người vừa chạy vừa kêu: "Cứu tôi với!" rồi bị giết ở phố Vua Sicily chạy qua đúng lúc mình đặt chăn lên bực thứ nhất. Xem nào!

De Mole tới trước cửa và gõ.

Cánh cửa mở ra, và một người gác cổng có ria ra mở.

- Có chuyện gì thế? - Lão gác cổng hỏi.

- Ái chà! - De Mole thốt lên - Hình như chú mình người Thụy Sĩ thì phải. Ông bạn ơi! - Chàng vừa tiếp vừa lấy vẻ mặt dễ thương nhất - Tôi muốn lấy lại thanh kiếm của tôi, tối hôm qua tôi ở trong nhà này và tôi để quên ở đây.

- Tôi không hiểu gì cả? - Người gác cổng trả lời.

- Thanh kiếm của tôi... - De Mole nhắc lại.

- Tôi không hiểu gì cả? - Người gác cổng lặp lại.

- Tôi để quên... Tôi để quên thanh kiếm...

- Tôi không hiểu gì cả?

- Trong cái nhà này, đêm hôm qua tôi ở đây...

- Đồ quỷ tha ma bắt! - và lão sập cửa lại trước mũi chàng.

- Mẹ kiếp! - De Mole kêu - Nếu ta có cái thanh kiếm mà ta đang đòi thì ta sẵn lòng thọc nó qua người cái thằng quỷ quái này. Nhưng thôi để hôm khác vậy.

De Mole nói tới đó rồi lại đi tiếp tới tận phố Vua Sicily, chàng rẽ phải, đi khoảng năm chục bước nữa, lại rẽ phải và thấy mình đang ở phố Tizon, một phố nhỏ song song với phố Cloche Percée và hoàn toàn giống hệt như phố Cloche Percée. Hơn thế, khi đi thêm khoảng ba chục bước nữa thì chàng lại thấy cánh cửa nhỏ có ô văng, đinh to và lỗ châu mai, cũng bậc lên xuống và bức tường. Cứ như là phổ Cloche Percée quay trở lại để gặp chàng.

De Mole nghĩ rằng có thể chàng đã rẽ trái chứ không rẽ phải.

Và chàng tới gõ vào cánh cửa đó để đòi lại thanh kiếm như chàng làm ở cánh cửa kia. Nhưng lần này tha hồ cho chàng gõ, cửa vẫn không mở.

De Mole đi vòng quanh hai ba lần con đường đó.

Điều đó khiến chàng phát hiện ra là ngôi nhà này có hai lối vào, một ở đường Cloche Percée, một ở đường Tizon.

Nhưng dù lập luận này hợp lý đến mấy thì cũng không đem lại thanh kiếm cho chàng và cũng không bảo cho chàng biết bạn chàng ở đâu.

Có lúc chàng đã định mua quách một thanh kiếm khác và đi moi ruột lão gác cổng khốn kiếp cứ khăng khăng chỉ chịu nói tiếng Đức ấy. Nhưng chàng nghĩ rằng nếu lão gác cổng là người của Marguerite và nếu Marguerite đã chọn y như vậy thì chắc nàng phải có lý do riêng của nàng và chắc nàng sẽ phiền lòng nếu bị mất y. Chuyện gì đi nữa, de Mole chẳng muốn làm một việc khiến Marguerite không hài lòng.

Sợ mình không nhịn được, chàng lên đường quay trở về Louvre lúc hai giờ.

Lần này, phòng chàng không có ai nữa và chàng có thể vào phòng. Điều này rất cần cho cái áo chẽn vì như hoàng hậu đã lưu ý chàng, áo chẽn của chàng bị làm hỏng một cách đáng kể.

Vì vậy nên chàng tới ngay chỗ giường để lấy chiếc áo chẽn màu ngọc xám thanh nhã thay cho chiếc bị rách. Chàng hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy vật đầu tiên nằm cạnh chiếc áo chẽn màu ngọc xám là thanh kiếm phi thường mà chàng đã để quên ở phố Cloche Percée.

De Mole cầm lấy kiếm, lật đi, lật lại, đúng là thanh kiếm của chàng.

"Cứ như là có phép ma ấy!" - De Mole lẩm bẩm.

Rồi chàng thở dài:

- A! Giá mà anh chàng Coconnas tội nghiệp ấy có thể tự về như thanh kiếm của mình nhỉ!

Hai ba tiếng đồng hồ sau khi De Mole đã ngừng cuộc đi tuần vòng quanh ngôi nhà kép nhỏ bé kia, cánh cửa phố Tizon mở ra. Lúc ấy vào khoảng năm giờ chiều, tức là đã tối hẳn rồi.

Một người đàn bà quấn mình trong một chiếc áo choàng dài có đính lông thú, cùng với một nữ tỳ đi qua cánh cửa do một thị nữ khoảng bốn mươi tuổi mở cho nàng. Nàng nhanh nhẹn bước tới tận phố Vua Sicily sau đó gõ vào một cánh cửa nhỏ ở phố Argenson và cánh cửa ấy mở ra trước mặt nàng. Nàng qua cổng lớn của dinh trổ ra Phố Đền cũ, tới một cánh cửa nhỏ ngầm trong tường của dinh de Guise, lấy một chiếc chìa khoá trong túi ra mở và biến vào trong.

Khoảng nửa giờ sau, một chàng trai bịt mắt cũng đi qua cửa ngôi nhà nhỏ ấy. Một người đàn bà dắt chàng tới góc phố Geoffroy-Lasniervà phố Mortellerie. Tới đó, bà ta yêu cầu chàng đếm đến năm mươi mới được nhấc băng.

Chàng thanh niên chấp hành cẩn thận lời chỉ dẫn và đến con số quy định, chàng nhấc chiếc mùi soa che mắt ra.

- Mẹ kiếp - Chàng nhìn quanh và la lên - Cứ treo cổ mình lên nếu mình biết được mình ở đâu! Sáu giờ rồi! - Chàng thốt lên khi nghe tiếng chuông đồng hồ điểm ở nhà thờ Đức Bà - Thế cái anh chàng De Mole tội nghiệp ấy ra sao rồi? Ta cứ chạy về Louvre chắc sẽ biết tin.

Vừa nói, Coconnas vừa chạy dọc theo phố Mortellerie nhanh hơn ngựa. Vừa chạy chàng vừa xô, vừa húc đổ cái hàng rào di động gồm những bác thị dân đang bình thản dạo chơi quanh các cửa hiệu ở quảng trường Baudoyer, và chàng lọt vào cung.

Tới đó chàng hỏi thăm cả lính Thụy Sĩ lẫn lính gác. Lính Thụy Sĩ nói hình như có thấy ông de Mole về vào lúc sáng nhưng không thấy ông ta ra. Lính gác thì mới đứng đó được một tiếng rưỡi đồng hồ nay và chẳng thấy gì hết.

Chàng chạy lên phòng và vội vàng mở cửa. Nhưng chàng chỉ thấy trong phòng có độc nhất chiếc áo chẽn đầy vết rách của De Mole khiến chàng càng thêm lo ngại.

Lúc đó chàng nghĩ ngay tới Hurière và vội vã chạy tới chỗ ông chủ đầy tư cách của quán Tinh tú. Hurière đã gặp De Mole. De Mole đã ăn trưa ở chỗ Hurière. Coconnas hoàn toàn yên lòng, và vì đang đói mèm nên chàng cũng lại đòi dọn bữa.

Coconnas đang ở trong hai trạng thái tâm lý khiến người ta ăn ngon miệng: đầu óc yên tâm và dạ dày trống trơn. Chàng dùng bữa ngon lành đến nỗi bữa ăn kéo dài tới tận tám giờ tối.

Chàng sung sức hẳn lên nhờ vào hai chai vang Anjou mà chàng vốn ưa thích và chàng tu cả hai chai với vẻ mùi mẫn say sưa.

Rồi chàng lại bắt đầu đi tìm De Mole. Lần này, công cuộc tìm tòi được tiến hành trong các đám đông đi kèm với những cú đấm, cú đá thích ứng với sự gia tăng của niềm hạnh phúc thường vẫn có sau một bữa ăn ngon.

Luôn một tiếng đồng hồ như thế, Coconnas đã lượn qua tất cả những phố chàng cho là bạn mình có thể lui tới: quanh bờ sông Grève, cảng than, phố Saint-Antoine, các phố Tizon và Cloche Percée. Cuối cùng chàng hiểu ra rằng có một nơi De Mole nhất thiết phải đi qua, đó là cổng ghi-sê ở Louvre. Và chàng quyết định tới chờ bạn ở ghi-sê cho đến khi nào De Mole về thì thôi.

Cách cung Louvre khoảng trăm bước, khi chàng đang nâng dậy một bà bị chàng vô ngã, thì dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn hiệu gần cầu treo Louvre, chàng nhận thấy chiếc áo choàng bằng nhung màu anh đào và chiếc lông mũ trắng của bạn chàng đang biến vào sau ghi-sê như một cái bóng, cái bóng đó vừa đi vừa chào trả người lính gác.

Chiếc áo choàng màu anh đào nổi tiếng đã gây tác động mạnh đến mọi người đến nỗi chẳng ai còn nhầm vào đâu được.

- Này, mẹ kiếp! - Coconnas thốt lên - Lần này thì đúng là hắn! Hắn đang về nhà! É này De Mole! Này! Ông bạn! Dịch tả dịch hạch! - Mình vẫn tốt giọng đấy chứ! Làm sao hắn không nghe thấy mình nhỉ? May quá là chân cẳng mình cũng tốt như giọng vậy, mình sẽ đuổi theo hắn.

Vì hy vọng như thế nên Coconnas ba chân bốn cẳng lao theo và chỉ loáng cái đã tới Louvre. Nhưng chàng có chạy nhanh đến mấy, chiếc áo choàng màu anh đào dường như cũng rất vội và khi Coconnas đặt chân vào sân Louvre, chiếc măng-tô anh đào đã biến mất tăm trong dãy tiền sảnh.

- É hê, de Mole! - Coconnas kêu lên và lại chạy - Chờ mình với Coconnas đây! Ma quỷ nào bắt cậu chạy như thế? Cậu định trốn hả?

Quả thực là chiếc áo choàng anh đào như có cánh, chạy bay lên cầu thang chứ không phải là bước lên nữa.

- A! Cậu không muốn nghe mình! - Coconnas kêu lên - Cậu giận mình! Cậu tức đấy à! Này, cút đi với quỷ sứ, mẹ kiếp! Mình hết sức rồi!

Coconnas đứng dưới cầu thang mà gọi với lên với kẻ chạy trốn. Chàng thôi không chạy theo bằng chân nữa nhưng chàng vẫn nhìn theo qua vòng xoáy trôn ốc của cầu thang. Kẻ chạy trốn đã tới ngang tầm khu phòng của Marguerite. Đột nhiên một người đàn bà từ khu phòng đó bước ra và nắm lấy cánh tay kẻ mà Coconnas đang lùng đuổi.

- Ô hô! - Coconnas thốt lên - Hình như hoàng hậu Marguerite thì phải! Người ta đợi hắn. Thế thì lại khác, thật dễ hiểu tại sao hắn không trả lời mình.

Và chàng nằm bẹp xuống thành cầu thang để nhìn xuyên lên qua lỗ cầu thang.

Chàng thấy chiếc áo choàng màu anh đào đi theo hoàng hậu vào phòng sau vài tiếng thì thầm.

- Thôi thôi, đúng thế! - Coconnas bảo - Mình chẳng nhầm tí nào. Có những lúc bạn bè thân nhất cũng làm phiền ta và chàng De Mole nhà ta đang ở vào một thời điểm như thế.

Và Coconnas nhẹ nhàng leo lên cầu thang, tới ngồi ở một chiếc ghế băng bọc nhung đặt ở ngay trong tầng ấy và tự nhủ: "Thôi vậy! Đáng lẽ bắt kịp hắn thì mình lại đành phải đợi vậy... Nhưng này, nghĩ cho cùng thì hắn đến chỗ hoàng hậu Navarre, mình có khi phải chờ lâu đấy... Mẹ kiếp trời thì lạnh. Thôi, mình đợi trong phòng mình cũng được. Dù quỷ sứ có ở đấy chăng nữa thì cũng có lúc hắn phải về chứ!"

Chàng còn chưa dứt lời và chuẩn bị thực hiện cái quyết định đó thì chợt có tiếng chân bước nhẹ nhàng vui vẻ vang lên trên đầu chàng, kèm theo một bài hát quen thuộc của bạn chàng đến nỗi Coconnas vươn cổ ngó ngay lập tức về phía có tiếng chân và tiếng hát. Đó là De Mole đang từ tầng trên, nơi phòng chàng ở, đi xuống. Nhìn thấy Coconnas, chàng nhảy bốn bậc một xuống cầu thang và cuối cùng lao vào tay bạn mình.

- Ô! Mẹ kiếp! Ra là cậu đấy! - Coconnas hỏi - Thế cậu đi từ đâu ra đây?

- Quỷ quái! Từ phố Cloche Percée chứ còn gì nữa!

- Không, mình không nói tới cái nhà đằng ấy đâu...

- Thế từ đâu?

- Từ chỗ hoàng hậu cơ.

- Sao lại từ chỗ hoàng hậu?

- Từ chỗ hoàng hậu Navarre ấy mà.

- Mình có vào đấy đâu.

- Thôi đi!

- Này Anibal thân mến, cậu nói lăng nhăng rồi. Mình chờ cậu từ hai tiếng đồng hồ nay ở trong phòng, mình vừa từ đó ra xong.

- Cậu vừa ra khỏi phòng à?

- Ừ.

Thế không phải là mình đuổi theo cậu ở quảng trường Louvre à?

- Bao giờ?

- Mới đây thôi.

- Không.

- Thế không phải cậu mới biến vào trong ghi-sê cách đây mười phút à?

- Không.

- Cũng không phải cậu vừa mới leo cầu thang này cứ như thể bị một đoàn quỷ bám gót à?

- Không.

- Mẹ kiếp! - Coconnas la lên - Rượu vang quán Tinh tú làm gì mà lại xấu chơi đến nỗi khiến mình lộn tùng phèo cả đầu óc lên thế này! Mình nói với cậu rằng mình vừa mới nhìn thấy chiếc áo choàng ngoài màu anh đào và chòm lông trắng của cậu dưới ghi-sê của Louvre, mình đuổi theo chúng đến tận chân cầu thang này và cả áo choàng ngoài đấy, cả chòm lông lẫn cánh tay lắc lư của cậu được một bà mà mình rất ngờ là hoàng hậu Navarre, chờ ở đây. Bà này đã lôi cả cái mớ ấy vào cánh cửa kia mà nếu mình không nhầm, đúng là cửa nhà Marguerite xinh đẹp.

- Chết cha! - De Mole tái mặt kêu lên - Chẳng nhẽ mới đó đã phản bội rồi à?

- Thế đấy! Cậu muốn thề cái gì thì thề chứ đừng có bảo là mình nhầm nữa nhé.

De Mole ngập ngừng một lát, chàng đưa hai tay ôm đầu. Chàng bị giằng co giữa lòng tôn trọng và sự ghen tuông. Cuối cùng cơn ghen đã thắng và chàng lao tới cửa. Chàng ra sức đấm cửa, gây ra một tiếng ồn khá chướng tai nếu xét tới sự tôn nghiêm của cái nơi họ đang ở.

- Chúng mình sẽ tự làm cho người ta tóm cổ đấy - Coconnas nhắc - Nhưng mặc kệ, lạ thật đấy! De Mole, cậu bảo có ma hiện về Louvre hay không?

- Mình không biết - Chàng trai đáp, mặt chàng trở nên nhợt nhạt như chiếc lông gắn mũ đang rợp bóng trên vầng trán chàng - Nhưng mình vẫn thường muốn gặp lũ hồn ma ấy, bây giờ có dịp thì mình sẽ cố giáp mặt với con ma này.

- Mình không phản đối. Tuy vậy cậu gõ khẽ hơn tí để đừng làm nó sợ chứ.

Dù tức tối đến mấy, de Mole vẫn hiểu rõ tính đúng đắn của lời nhận xét này và chàng tiếp tục gõ nhưng nhẹ nhàng hơn.

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 25

Chiếc áo choàng màu anh đào

Coconnas quả không nhầm. Người đàn bà đã giữ người kỵ mã mặc áo choàng màu anh đào chính là hoàng hậu Navarre. Còn người kỵ mã mặc chiếc áo măng-tô anh đào, chẳng phải ai khác ngoài anh chàng de Mouy can đảm.

Khi nhận ra hoàng hậu Navarre, chàng trai Tân giáo hiểu ngay có chuyện lầm lẫn nhưng không dám nói vì e rằng chỉ cần Marguerite kêu lên một tiếng là chàng sẽ bị lộ ngay. Vậy nên chàng thà để được đưa vào tận trong phòng và đợi khi tới đó chàng sẽ nói với người dẫn đường xinh đẹp của mình rằng: "Tôi xin đổi sự yên lặng của tôi lấy sự yên lặng của lệnh bà".

Marguerite nhẹ nhàng nắm tay người mà trong tranh tối tranh sáng nàng tưởng là De Mole và nghiêng người xuống bên tai người đó, nàng thì thầm bằng tiếng Latinh:

- Tôi có một mình, vào đi, bạn thân yêu.

De Mouy không trả lời, cứ để mặc cho dẫn đi. Nhưng cửa vừa khép lại sau chàng, và chàng bước vào phòng được chiếu sáng hơn ngoài cầu thang thì Marguerite nhận ra người mình dắt vào không phải là De Mole.

Tiếng kêu nho nhỏ mà chàng trai Tân giáo thận trọng đã e ngại lúc này mới buột ra khỏi miệng Marguerite, may thay chàng không còn phải sợ nó nữa.

- Ông de Mouy! - Nàng thốt lên và lùi lại.

- Thưa lệnh bà, chính tôi. Tôi xin cầu khẩn lệnh bà để cho tôi đi tiếp và đừng nói với ai về sự hiện diện của tôi tại Louvre.

- Ô! Ông de Mouy! - Marguerite lại nhắc lại - Vậy là tôi nhầm.

- Vâng tôi hiểu. Lệnh bà chắc đã nhầm tôi với đức vua Navarre vóc người như thế, cũng chòm lông mũ trắng, và nhiều người, chắc là muốn đẹp lòng tôi, vẫn thường nói tôi có dáng đi giống hoàng thượng.

Marguerite chằm chằm nhìn de Mouy rồi hỏi:

- Ông có biết tiếng Latinh không, ông de Mouy?

- Ngày xưa tôi biết, nhưng bây giờ tôi quên mất rồi - Chàng trai đáp.

Marguerite mỉm cười nói:

- Ông de Mouy, ông có thể tin ở sự kín đáo của tôi. Tuy nhiên, vì hình như tôi biết tên cái người mà ông tìm ở Louvre, tôi xin giúp ông để dẫn ông tới chỗ người đó một cách chắc chắn.

- Xin lệnh bà tha lỗi, tôi nghĩ rằng lệnh bà nhầm và ngược lại lệnh bà hoàn toàn không biết...

- Sao? - Marguerite kêu lên - Chứ không phải là ông tìm đức vua Navarre à?

- Than ôi! Tôi lấy làm tiếc mà xin với lệnh bà đừng để cho đức hoàng thượng biết gì về sự có mặt của tôi ở Louvre.

- Xin hãy nghe tôi, ông de Mouy - Marguerite ngạc nhiên nói - Cho tới lúc này tôi vẫn cho ông là một trong những thủ lĩnh kiên cường nhất của phe Tân giáo, một trong những người ủng hộ trung thành nhất của đức vua chồng tôi, phải chăng tôi nhầm?

- Không, thưa lệnh bà, vì mới sáng nay thôi tôi vẫn còn có đủ tất cả những gì mà lệnh bà vừa nói.

- Vậy nguyên nhân nào đã khiến ông thay đổi từ sáng đến giờ.

- Thưa lệnh bà - De Mouy nghiêng mình thi lễ đáp - Xin lệnh bà miễn cho tôi khỏi phải trả lời và cúi xin Người nhận cho lòng tôn kính của tôi.

Với một thái độ cung kính nhưng dứt khoát, de Mouy tiến vài bước về phía cửa mà chàng đã đi vào.

Marguerite ngăn chàng lại.

- Tuy nhiên, thưa ông, tôi xin ở ông một lời giải thích. Tôi thấy hình như lời hứa của tôi cũng có giá trị đấy chứ.

- Thưa lệnh bà, tôi phải yên lặng. Và nghĩa vụ này thực sự quan trọng nên tôi mới không trả lời lệnh bà.

- Tuy vậy,...

- Lệnh bà có thể khiến tôi gặp nguy nhưng không thể khiến tôi phải phản bội lại những người bạn mới của tôi.

- Nhưng còn những người bạn cũ của ông, phải chăng họ không có chút quyền nào đối với ông?

- Những người vẫn trung thành thì có. Nhưng còn những kẻ đã không những bỏ rơi chúng tôi mà còn buông rơi cả chính bản thân mình nữa thì không.

Marguerite lo lắng suy nghĩ và chắc đang định đặt thêm một câu hỏi nữa thì đột nhiên Gillonne lao vào phòng.

- Đức vua Navarre tới! - Cô kêu lên.

- Tới bằng cửa nào?

- Bằng hành lang bí mật.

- Vậy em đưa ông đây ra cửa đằng kia.

- Thưa lệnh bà, không thể được... Lệnh bà có nghe thấy gì không?

- Có người gõ à?

- Vâng, gõ vào cửa mà lệnh bà muốn em đưa ông này ra đấy.

- Thế ai gõ?

- Em không biết.

- Em đi xem xem rồi quay lại báo với ta.

- Thưa lệnh bà - De Mouy nói - Tôi xin phép lưu ý lệnh bà rằng nếu đức vua Navarre gặp tôi vào giờ này, trong y phục này ở Louvre thì tôi nguy mất.

Marguerite nắm lấy de Mouy và lôi chàng ta tới chiếc buồng con trứ danh.

- Xin ông hãy vào đây - Nàng nói - Ở đây ông được che giấu và được đảm bảo như ở nhà ông vậy, tôi xin hứa danh dự của tôi với ông về điều đó.

De Mouy vội vàng nhảy vào buồng, cửa buồng vừa kịp khép thì Henri xuất hiện.

Lần này Marguerite chẳng còn sự lúng túng nào cần phải che đậy cả nàng chỉ sầm mặt xuống và đầu óc nàng chẳng nghĩ gì tới chuyện yêu đương.

Về phần Henri, ông bước vào vẫn với vẻ nghi ngờ xét nét khến cho trong những lúc ít nguy hiềm, ông vẫn nhận thấy những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Henri lại càng là người có đầu óc nhận xét sâu sắc hơn trong tình huống của ông hiện nay.

Vì vậy, ông nhận ra ngay áng mây tối sầm trên vầng trán Marguerite.

- Thưa bà, bà bận ư? - Ông hỏi.

- Thưa bệ hạ, vâng, tôi đang mơ màng.

Bà có lý, mơ mộng hợp với bà lắm. Tôi cũng mơ nhưng khác với bà đang tìm kiếm sự cô tịch, tôi lại cố ý xuống đây chia xẻ với bà về những giấc mơ của tôi.

Marguerite gật đầu chào Henri, chỉ cho ông một chiếc ghế phô-tơi, nàng cũng ngồi xuống chiếc ghế dựa bằng gỗ mun chạm trổ thanh mảnh và vững chắc.

Hai vợ chồng yên lặng một lúc rồi Henri phá tan bầu không khí yên lặng đó:

- Thưa bà, tôi nhớ lại là những giấc mơ của tôi về tương lai có cái chung với những giấc mơ tương lai của bà: vợ chồng chúng ta tuy sống cách biệt nhau nhưng chúng ta lại cùng mong muốn kết hợp vận hạnh của mình với nhau.

- Thưa bệ hạ, đúng vậy.

- Tôi nghĩ rằng bà đã hiểu được tất cả những kế hoạch tôi có thể làm nhằm đưa chúng ta lên cao hơn, bà đã nói với tôi rằng tôi sẽ tìm thấy ở nơi bà không những một người đồng minh trung thành mà còn hăng hái nữa.

- Thưa bệ hạ, đúng thế. Và tôi chỉ yêu cầu có một điều, đó là bệ hạ bắt tay vào việc càng sớm càng tốt và hãy cho tôi sớm có dịp để cùng hành động.

- Thưa bà, tôi rất vui mừng được thấy bà có những suy nghĩ như vậy. Tôi tin rằng không bao giờ bà lại nghi ngờ rằng tôi rời mắt khỏi cái kế hoạch mà tôi đã quyết định thực hiện vào chính cái ngày mà nhờ có sự can thiệp dũng cảm của bà, tôi đã gần tin chắc sẽ được bảo toàn tính mạng.

- Thưa ông, tôi nghĩ sự vô tư nơi ông chỉ là một thứ mặt nạ, và tôi không những chỉ tin vào những lời tiên đoán của các nhà chiêm tinh mà còn cả vào tài năng của ông nữa.

- Vậy thưa bà, bà nghĩ thế nào nếu có kẻ nhảy bổ vào giữa kế hoạch của chúng ta và sẽ đưa chúng ta, tức bà và tôi, vào một tình trạng bi thảm.

- Tôi xin nói rằng tôi sẵn sàng cùng tranh đấu với bệ hạ, hoặc công khai hoặc bí mật, chống lại kẻ thù đó dù hắn là ai.

- Thưa bà, có phải là lúc nào bà cũng có thể vào cung ông d Alençon em bà không? Ông ta tin bà và có tình thân với bà. Tôi mạn phép đề nghị bà tìm hiểu xem trong lúc này ông ta đang có đàm phán bí mật với ai đó hay không?

Marguerite giật mình hỏi:

- Với ai cơ, thưa ông?

- Với de Mouy.

- Tại sao vậy? - Marguerite vừa hỏi vừa cố nén nỗi xúc động.

- Vì nếu thế, thưa bà, xin vĩnh biệt tất cả các dự định của chúng, hay ít ra là của tôi cái đã.

- Thưa bệ hạ, xin nói khẽ thôi - Marguerite đưa mắt và môi ra hiệu, lấy ngón tay trỏ vào buồng.

- Ô hô! - Henri thốt lên - Lại có ai thế? Quả thật là cái buồng này hay có người ở đến nỗi phòng bà trở thành nơi khó mà dung thân nổi.

Marguerite mỉm cười.

- Thế ít ra thì đấy vẫn là ông de Mole chứ - Henri hỏi.

- Không đâu, thưa bệ hạ, đó là ông de Mouy.

- De Mouy? - Henri ngạc nhiên vui sướng thốt lên - Vậy ông ta không ở chỗ quận công d Alençon à? Ồ, xin bà cho ông ta tới để tôi nói chuyện với ông ta...

Marguerite chạy tới buồng, mở ra, rồi chẳng ngại ngùng gì hết, cầm tay de Mouy đưa tới trước mặt vua Navarre.

- A! Thưa lệnh bà - chàng trai Tân giáo nói với giọng trách móc buồn bã nhiều hơn là chua chát - Bà phản bội tôi mặc dầu đã hứa, thật không tốt. Thế nếu tôi trả thù và nói rằng...

- De Mouy, anh sẽ không trả thù - Henri vừa xiết tay chàng trai vừa ngắt lời - Hoặc ít ra thì anh cũng nghe ta nói trước đã.

- Thưa bà - Henri tiếp tục nói với vợ - Xin bà hãy làm sao cho đừng có ai nghe thấy chúng tôi.

Henri vừa dứt lời thì Gillonne hoảng hốt tới thì thầm vài câu vào tai Marguerite khiến cho nàng lao bắn ra khỏi ghế. Trong khi nàng chạy ra phòng ngoài với Gillonne, Henri cũng chẳng quan tâm gì tới nguyên nhân đã kéo vợ ra khỏi phòng. Ông tới bên giường, xem góc thành giường, lật các tấm thảm và lấy ngón tay dò dẫm trên tường. De Mouy hoảng sợ trước tất cả những cử chỉ đó nên cũng thử trước để tin chắc là kiếm mình không bị mắc trong vỏ.

Ra khỏi phòng ngủ, Marguerite lao ra phòng ngoài và gặp luôn De Mole đối diện với mình. Mặc dù Gillonne đã khẩn khoản nhưng anh chàng này vẫn muốn vào phòng Marguerite cho bằng được. Sau lưng chàng là Coconnas sẵn sàng thúc chàng tiến lên hoặc bảo vệ cho chàng rút lui.

- Ôi ông đấy à? Ông de La Mole - Hoàng hậu thốt lên - Ông làm sao vậy, tại sao ông run rẩy và mặt tái mét đi thế kia?

- Thưa lệnh bà, ông de Mole đã gõ cửa mạnh đến nỗi mặc dù có lệnh cấm của lệnh bà, em vẫn buộc phải mở cho ông ta.

- Ô! Thế là thế nào? - Hoàng hậu nghiêm khắc hỏi - Người ta nói vậy có đúng không, ông de Mole?

- Thưa lệnh bà, đó là vì tôi muốn báo với lệnh bà rằng một kẻ lạ, có lẽ là kẻ trộm nữa, đã vào nơi lệnh bà dưới chiếc áo và mũ của tôi.

- Ông điên rồi - Marguerite đáp - Vì tôi thấy áo ông trên vai ông kia kìa và tôi nghĩ là, lạy Chúa tha tội, tôi cũng thấy ông đang đội mũ trên đầu trong khi nói chuyện với một hoàng hậu.

- Ôi! Xin lỗi lệnh bà, xin thứ lỗi! - De Mole thốt lên và hấp tấp bỏ mũ - Xin Chúa chứng giám cho lòng tôi, không phảỉ do tôi thiếu tôn kính.

- Không, ông chỉ thiếu niềm tin thôi, có phải không? - Hoàng hậu hỏi.

- Biết làm thế nào được! - De Mole thốt lên - Khi có một người đàn ông đang ở chỗ lệnh bà, khi người đó lại vào nhà lệnh bà trong bộ y phục của tôi, và nào ai biết được, có khi lại mượn cả tên tôi nữa chứ?

- Một người đàn ông? - Marguerite nói và nhẹ nhàng xiết cánh tay chàng trai si tình tội nghiệp - Một người đàn ông!... Ông khiêm tốn quá, ông de Mole! Ông hãy ghé mắt qua chỗ mở tấm thảm và ông sẽ thấy hai người đàn ông cơ.

Marguerite hé mở tấm thảm treo bằng nhung thêu chỉ vàng.

De Mole nhận ra Henri đang ngồi nói chuyện với người đàn ông mặc áo choàng ngoài màu đỏ. Coconnas tò mò y như thể đây cũng là chuyện của mình, cũng nhìn và nhận ra de Mouy. Cả hai đều sửng sốt.

- Bây giờ thì ông đã yên tâm rồi, ít ra là tôi cũng mong như thế - Marguerite bảo - Ông hãy đứng ở cửa khu phòng của tôi. Dù sống dù chết, ông đừng cho ai vào. Thậm chí nếu có ai đến gần tầng này, ông cũng báo ngay.

Ngoan ngoãn và yếu đuối như một đứa trẻ, de Mole vừa bước ra vừa nhìn Coconnas. Coconnas cũng nhìn bạn và cả hai ra, đến ngoài vẫn còn chưa hết sững sờ.

- De Mouy! - Coconnas thốt lên.

- Henri! - De Mole lẩm bẩm.

- De Mouy với chiếc măng-tô anh đào của cậu, chòm lông mũ trắng và cánh tay lắc lư của cậu.

- Ái chà, này... - De Mole tiếp - Nếu không phải là chuyện tình ái nữa thì chắc chắn là chuyện âm mưu.

- A! Mẹ kiếp! Chúng mình lại nhúng vào chính trị đây! - Coconnas càu nhàu - May quá là trong tất cả cái trò này mình không thấy có phu nhân de Nervers.

Marguerite quay vào ngồi lại gần hai người đang nói chuyện.

Nàng vắng mặt chỉ khoảng một phút và đã tận dụng đầy đủ cái phút đó. Gillonne đứng gác ở lối đi bí mật còn hai nhà quý tộc canh ở cửa chính khiến nàng được bảo đảm hoàn toàn.

- Thưa bà - Henri nói - Bà có nghĩ rằng liệu có ai đó có thể lắng nghe và nghe được chúng ta nói chuyện không?

- Thưa bệ hạ - Marguerite đáp - Phòng này có trải thảm đệm và hai lớp gỗ dát tường đảm bảo việc cách âm.

- Vậy tôi tin tưởng nơi bà - Henri mỉm cười nói.

Rồi ông quay về phía de Mouy:

- Thế nào, anh tới đây làm gì? - Nhà vua thì thầm hỏi, dường như có lời bảo đảm của Marguerite, mối lo ngại của ông vẫn chưa hoàn toàn tan biến hết.

- Ở đây ạ? - De Mouy hỏi.

- Đúng thế, ở đây, trong phòng này - Henri nhắc lại.

- Ông ta không tới đây làm gì hết - Marguerite nói - Chính tôi đã đưa ông ấy về đây.

- Vậy ra bà cũng biết à?

- Tôi đã đoán ra hết.

- Anh thấy chưa de Mouy, người ta cũng có thể đoán được đấy.

- Ông de Mouy cùng với quận công François sáng nay đã ở trong phòng của hai vị quý tộc của quận công - Marguerite tiếp.

- Anh thấy đấy, de Mouy! Người ta biết hết - Henri nhắc lại.

- Thật thế - De Mouy thú nhận.

- Ta đã tin chắc rằng ông d Alençon sẽ vơ lấy anh - Henri bảo.

- Đó là lỗi của bệ hạ. Tại sao bệ hạ cứ khăng khăng từ chối điều mà tôi tới dâng cho Người?

- Bệ hạ đã từ chối! - Marguerite kêu lên - Vậy ra lời chối mà tôi cảm thấy ấy lại là thật à?

- Thưa bà - Henri lắc đầu nói - Còn người, de Mouy, các người làm tôi chết cười với những câu cảm thán của các người. Sao? Một người vào nhà tôi, nói với tôi về ngai vàng, về khởi nghĩa, về lật đổ, nói với tôi, Henri, một ông hoàng được dung thân miễn là phải khúm núm cúi đầu, một kẻ Tân giáo được tha mạng với điều kiện phải đóng vai Giatô giáo! Thế mà tôi đi chấp nhận những lời đề nghị ấy trong một căn phòng không có trải thảm và không có hai lớp gỗ dát tường! Quái thật! Hoặc các người là trẻ con hoặc là điên!

- Nhưng thưa bệ hạ, phải chăng Người không thể tạo cho tôi hy vọng nào, nếu không phải bằng lời thì chỉ bằng dấu hiệu cũng được.

- Em vợ ta nói gì với anh, de Mouy? - Henri hỏi.

- Ồ tâu bệ hạ, đấy không phải là bí mật của tôi.

- Lạy Chúa - Henri nói với vẻ sốt ruột phải tiếp chuyện một kẻ hiểu sai ý ông đến thế - Ta không hỏi anh ông ta đề nghị với anh những gì, ta hỏi là lúc ấy ông ta có nghe trộm không, ông ta có nghe thấy gì không?

- Tâu bệ hạ, ông ta đã lắng nghe và đã nghe thấy.

- Ông ta đã lắng nghe và nghe thấy! Chính anh cũng phải thú nhận như thế! Anh thật là một kẻ âm mưu ngớ ngẩn! Nếu ta chỉ nói một lời thôi, anh sẽ toi mạng ngay. Vì nếu như ta không biết thì ít ra ta cũng ngờ rằng ông ta ở đấy, hoặc nếu không phải ông ta thì là một người nào đấy, quận công d Anjou, Charles IX, Thái hậu chẳng hạn... de Mouy, anh chưa biết những bức tường ở Louvre đâu, tục ngữ có câu "tai vách mạch rừng" là dành cho chúng đấy. Ta biết rõ những bức tường ấy thì làm sao ta dám nói cơ chứ! Thôi đi de Mouy, anh thật không nể trí khôn của vua Navarre tí nào. Ta ngạc nhiên là các anh không đánh giá cao hơn thế cái trí khôn ấy trong đầu óc mình mà lại dám tới dâng cho ông ta một ngai vàng!

- Nhưng, tâu bệ hạ - De Mouy cố vớt vát - Lẽ nào bệ hạ không thể vừa từ chối cái ngai vàng ấy, lại vừa ra hiệu cho tôi. Nếu thế thì tôi đâu có tường mọi việc đã hỏng rồi, đã hết hy vọng rồi.

- Ê! Quỷ quái thật! - Henri thốt lên - Nếu ông ta đã nghe được thì có thể ông ta cũng thấy được chứ, nói hay ra hiệu thì cũng đi đứt như nhau thôi. Này de Mouy - Nhà vua vừa nói tiếp vừa nhìn quanh - Bây giờ ở đây, dù gần anh đến nỗi những lời ta không lọt khỏi vòng chỗ ba chúng ta ngồi, ta vẫn còn lo bị nghe trộm khi ta hỏi anh: de Mouy, hãy nhắc lại những lời đề nghị của Người?

- Nhưng tâu bệ hạ - De Mouy tuyệt vọng thốt lên - Bây giờ tôi bị ràng buộc với ông d Alençon mất rồi.

Marguerite tức tối đập hai bàn tay kiều diễm của nàng vào nhau:

- Vậy là đã muộn mất rồi à?

- Ngược lại là đằng khác - Henri thì thầm - Xin bà hãy hiểu rằng ngay trong việc này rõ ràng có bàn tay che chở của Chúa.

De Mouy, cứ ràng buộc với ông ta, vì cái nhà ông François này là cứu tinh của cả lũ chúng ta. Anh cứ tưởng là vua Navarre đảm bảo được cho cái đầu các anh à? Ngược lại, anh bạn khốn khổ ơi! Chỉ hơi có chút nghi ngờ là các anh đang vì ta là cả lũ các anh sẽ bị tiêu diệt đến tận người cuối cùng. Nhưng một hoàng tử Pháp thì khác. Phải có chứng cớ, de Mouy ạ, phải đòi hỏi các vật đảm bảo. Nhưng ngốc nghếch như người thì chắc người đã lại cam kết hết lòng vì chỉ một lời nói cũng đủ để người tin chứ gì?

- Ôi! Tâu bệ hạ, chính nỗi tuyệt vọng vì bị bệ hạ bỏ rơi đã đẩy tôi vào tay quận công. Tôi cũng sợ bị phản lần nữa vì ông ta đã biết điều bí mật của chúng ta.

- De Mouy, nhưng người lại cũng nắm được điều bí mật của ông ta. Ông ta mong ước gì? Làm vua Navarre à? - Cứ hứa trao cho ông ta ngai vàng. Ông ta muốn gì? Rời khỏi triều đình à?

Tạo cho ông ta các phương tiện để trốn. De Mouy, người hãy làm cho ông ta tựa như người làm cho ta, điều khiển tấm lá chắn sao cho nó đỡ được tất cả những đòn mà người ta sẽ đánh chúng ta. Khi nào phải trốn thì cả hai chúng ta sẽ trốn, khi nào phải chến đấu và trị vì thì ta sẽ trị vì một mình.

- Đừng tin quận công - Marguerite nói - Đó là một người có đầu óc sắc sảo thâm hiểm, không có căm thù cũng không có tình bạn, luôn sẵn sàng đối xử với bạn như thù và coi thù như bạn.

- Ông ta đang đợi anh à, de Mouy - Henri hỏi.

- Tâu bệ hạ, vâng.

- Ở đâu?

- Trong phòng hai vị quý tộc của ông ta.

- Mấy giờ?

- Cho tới nửa đêm.

- Bây giờ còn chưa đến mười một giờ - Henri bảo - Đừng đề mất thì giờ nữa, đi đi, de Mouy.

- Chúng tôi có được lời hứa của ông chứ, ông de Mouy? - Marguerite hỏi.

- Thôi nào! - Henri nói với vẻ tin cậy mà ông rất khéo biết cách tỏ ra trong một vài trường hợp đối với một số người - Bà ạ với ông de Mouy thì đó là điều không cần phải hỏi.

- Bệ hạ nói đúng - Chàng trai đáp - Nhưng tôi lại cần lời hứa của bệ hạ vì tôi phải nói với các thủ lĩnh rằng tôi đã nhận được lời hứa đó. Có đúng bệ hạ không phải là người Giatô giáo không?

Henri nhún vai.

- Bệ hạ không từ bỏ vương quốc Navarre chứ?

- De Mouy, ta không từ bỏ vương quốc nào hết. Tuy nhiên ta chờ dịp để giành lấy cái tốt nhất nghĩa là vương quốc phù hợp nhất với ta và với các người.

- Và nếu trong khi chờ đợi bệ hạ bị bắt, bệ hạ có hứa là sẽ không tiết lộ điều gì dù cho người ta có dùng nhục hình để xâm phạm tới thánh thể hay không?

- Ta xin thề trước Chúa, de Mouy ạ.

- Một câu nữa thôi, tâu bệ hạ, làm sao tôi gặp lại Người được?

- Ngay từ ngày mai, anh sẽ có một chìa khoá phòng của ta. Anh sẽ tới đó mỗi khi cần thiết và vào bất kỳ giờ nào anh muốn. Quận công d Alençon sẽ phải chịu trách nhiệm về sự có mặt của anh ở Louvre. Bây giờ thì anh đi lên bằng lối cầu thang nhỏ, ta sẽ dẫn đường cho anh. Trong khi đó thì hoàng hậu sẽ cho đưa vào đây cái áo măng-tô đỏ giống áo của anh chàng lúc nãy đứng đợi ở phòng ngoài ấy. Cần phải để cho người ta không phân biệt được giữa hai người và người ta không biết được các anh tuy một lại là hai. Có phải thế không, de Mouy? Có đúng vậy không, thưa bà?

Henri vừa nói những lời cuối cùng này vừa cười và nhìn Marguerite.

- Đúng vậy, vì rút cuộc thì ông de Mole ấy lại là người của quận công em tôi - Marguerite nói tỉnh bơ.

- Thế thì xin bà hãy lôi kéo ông ta về cho chúng ta - Henri đáp với vẻ hoàn toàn nghiêm túc - Xin bà đừng tiếc cả vàng lẫn những lời hứa hẹn. Tôi xin đặt tất cả của cải của tôi vào tay ông ta để ông ta sử dụng.

- Vậy nếu đấy là ý bệ hạ - Marguerite nói với một nụ cười chỉ những người đàn bà của Boccace mới có - Thì tôi xin hết lòng tiếp tay với Người.

- Tốt lắm, thưa bà. Còn anh, de Mouy, hãy quay về chỗ quận công và đóng móng vào cho ông ta.

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 26

Marguerite

Trong lúc xảy ra cuộc chuyện trò trên đây thì De Mole và Coconnas vẫn đang đứng gác. De Mole có vẻ ưu phiền, Coconnas có vẻ lo lắng.

Đó là vì De Mole đã có thì giờ suy nghĩ và Coconnas đã giúp chàng một cách thần tình trong việc đó.

- Cậu nghĩ gì về tất cả những chuyện này? - De Mole hỏi Coconnas.

- Mình nghĩ trong chuyện này chắc có mưu mô quyền lực nào đây - Anh chàng Piémontais đáp.

- Nói cho cùng thì cậu có chịu đóng vai trong cái mưu đồ này không?

- Bạn thân rnến, nghe cho kỹ nhưng điều mình nói và cố mà rút lấy điều bổ ích nhé. Trong tất cả các cuộc vận động của các ông hoàng bà chúa này trong những mưu đồ vương bá này chúng ta chỉ có thể và chỉ lướt qua như những cái bóng mà thôi: ở nơi nào mà vua Navarre để mất một mảnh lông mũ, quận công d Alençon mất một mảnh áo choàng thì chúng ta sẽ bỏ lại cả tính mạng của mình. Hoàng hậu nhất thời thích cậu, cậu có ý ngông, yêu nàng, chỉ có thế thôi. Điên đầu trong tình yêu thì được, nhưng đừng có để mất đầu vì chính trị.

Thật là một lời khuyên chí lý. Vì thế nên De Mole nghe theo lời khuyên đó với nỗi buồn của một người mà khi cảm thấy bị đặt giữa lẽ phải và sự điên rồ thì anh ta sẽ chọn sự điên rồ.

- Anibal, mình không có ý ngông với hoàng hậu, mình yêu nàng. Và bất hạnh thay hoặc may mắn thay, mình yêu nàng với tất cả tâm hồn. Cậu sẽ bảo mình đây là chuyện điên rồ, mình chấp nhận mình điên. Nhưng cậu vốn khôn ngoan, Coconnas ạ, cậu không phải chịu những trò ngốc nghếch và sự bất hạnh của mình. Cậu hãy đến với Chúa của chúng ta và đừng để bị mang tai mang tiếng.

Coconnas suy nghĩ một hồi rồi ngẩng đầu lên:

- Ông bạn ạ, những điều cậu nói hoàn toàn đúng. Cậu đang yêu hãy hành động như kẻ đang yêu. Còn mình thì có tham vọng, và với từ cách đó, mình nghĩ rằng cuộc đời đáng giá hơn một cái hôn của đàn bà. Khi nào mình liều mạng, mình sẽ đặt điều kiện. Còn về phần cậu, anh bạn tội nghiệp của tôi ơi, cố mà đặt ra điều kiện của chính mình đi nhé.

Nói tới đó, Coconnas chìa tay cho bạn và bỏ đi sau khi hai người cười và nhìn nhau một lần cuối. Coconnas đi được khoảng mươi phút khỏi chỗ đó thì cánh cửa mở. Marguerite hiện ra đầy thận trọng. Nàng tới cầm tay De Mole và không nói không rằng kéo chàng từ hành lang tới tận nơi kín nhất trong phòng nàng. Tự tay nàng đóng các cửa với vẻ cẩn thận tỏ rõ tầm quan trọng của cuộc nói chuyện sắp tới.

Tới phòng trong, nàng dừng lại, ngồi xuống chiếc ghế gỗ mun của mình. Nàng kéo De Mole về phía mình và nắm hai tay chàng trong tay mình, nàng nói:

- Bây giờ chúng ta chỉ có hai ta, hãy nói chuyện nghiêm túc nào, bạn thân yêu.

- Nghiêm túc ư, thưa lệnh bà? - De Mole hỏi.

- Thế thì nói chuyện một cách tình tứ vậy! Chàng thích thế hơn phải không? Có những chuyện nghiêm túc trong tình yêu chứ, nhất là trong tình yêu của một hoàng hậu.

- Vậy thì... ta nói về những chuyện nghiêm túc đó vậy, nhưng với điều kiện là lệnh bà sẽ không bực mình về những điều rồi tôi sẽ nói với Người.

- De Mole, em sẽ chỉ bực mình về mỗi một điều: đó là chàng đừng gọi em là lệnh bà hoặc là bà. Đối với chàng, bạn thân yêu ơi, em sẽ chỉ là Marguerite mà thôi.

- Vâng, Marguerite, Marguerita(1) viên ngọc của tôi! Chàng trai vừa nói vừa đắm đuối nhìn hoàng hậu.

- Được rồi đấy - Marguerite nói - Vậy là chàng ghen ư, nhà quý tộc đẹp trai của em?

- Ồi ghen đến mất lý trí.

- Lại thế nữa!...

- Tôi ghen đến phát điên, Marguerite ạ.

- Chàng ghen với ai cả chứ?

- Với tất cả mọi người.

- Nhưng là ai?

- Trước hết là với nhà vua.

- Em tưởng rằng sau những việc mà chàng đã nhìn thấy và nghe thấy thì chàng có thể yên tâm rồi chứ?

- Với ông de Mouy mà tôi nhìn thấy lần đầu sáng nay và tối nay tôi gặp lại quá thân mật với em.

- Với ông de Mouy?

- Đúng thế.

- Sao chàng lại nghi ngờ ông de Mouy như thế?

- Em nghe nhé... Tôi đã nhận ra y qua dáng người, qua màu tóc qua lòng căm ghét tự nhiên. Chính y ở chỗ ông d Alençon sáng nay.

- Thế việc đó có liên quan gì đến em?

- Ông d Alençon là em của em. người ta nói rằng em rất quý mến ông ta. Chắc em đã kể cho ông ta về một ý tưởng mơ hồ của lòng em, và theo thói quen ở triều đình, chắc ông đã tạo thuận lợi cho ý muốn của em bằng cách đưa ông de Mouy tới chỗ em. Làm sao tôi lại may mắn đến nỗi nhà vua cũng ở đó cùng với y? Thật tôi cũng chẳng biết nữa. Nhưng dù sao em hãy thẳng thắn với tôi. Một mối tình như tình yêu của tôi có quyền đòi được đáp lại bằng sự thẳng thắn nếu như không phải là một tình cảm khác.

Hãy nhìn đây, tôi quỳ xuống chân em. Nếu những gì em cảm thấy đối với tôi chỉ là tính bốt đồng nhất thời, tôi xin trả lại lời thề, lời hứa, tình yêu của em, tôi xin trả lại ông d Alençon những ân sủng của ông và trách nhiệm quý tộc thị vệ của tôi. Và tôi sẽ đi cho người ta giết mình ở cuộc phong tỏa thành La Rochelle nếu như tình yêu chưa giết chết tôi trước khi tôi tới được đó.

Marguerite mỉm cười lắng nghe những lời say đắm đó và đưa mắt dõi theo hành động duyên dáng đó, rồi nàng cúi mái đầu ưu tư của mình lên bàn tay nóng bỏng.

- Chàng yêu em ư? - Nàng hỏi.

- Ô lệnh bà! Tôi yêu hơn cả tính mạng của tôi, hơn cả sự cứu rỗi linh hồn của tôi hơn tất cả, nhưng em... em không yêu tôi .

- Điên rồ quá! - Nàng lẩm bẩm.

- Vâng, thưa lệnh bà - De Mole vẫn quỳ dưới chân nàng nói - Tôi đã nói rằng tôi điên.

- De Mole thân yêu, vậy việc đầu tiên trong đời chàng là mối tình của chàng sao?

- Chỉ có mỗi việc đó thôi, duy nhất có thế thôi, thưa lệnh bà.

- Thôi thì được. Em sẽ làm tất cả những gì còn lại chỉ là phụ cho mối tình đó thôi. Chàng yêu em, chàng muốn được ở gần em phải không?

- Lời cầu nguyện duy nhất của tôi với Chúa là xin người đừng bao giờ bắt tôi phải xa em.

- Thế thì chàng sẽ không rời xa em, em cần tới chàng.

- Em cần tới tôi? Mặt trời lại có khi cần tới ánh sáng đom đóm ư?

- Nếu em nói rằng em yêu chàng, liệu chàng có hoàn toàn tận tụy với em không?

- Vậy em không thấy tôi đã hết lòng tận tụy rồi ư?

- Vâng, nhưng xin Chúa tha tội, chàng hãy còn nghi ngờ.

- Ôi! Tôi có lỗi, tôi là đồ vô ơn hay đúng hơn như tôi đã nói với em và em cũng đã nhắc lại với tôi, tôi là thằng điên. Nhưng tại sao ông de Mouy lại ở nhà em tối nay? Tại sao tôi lại thấy y ở nhà quận công d Alençon sáng nay? Tại sao lại có chiếc áo choàng màu anh đào ấy, chòm lông mũ trắng ấy, tại sao lại có sự bắt chước dáng đi của tôi?... Tôi không nghi ngờ em mà nghi ngờ ông em của em.

- Thật khốn khổ! Chàng tưởng rằng quận công François lại dung túng đến mức đưa một người tình vào chỗ chị mình! Rõ chàng là người điên, dám tự cho là ghen mà lại không đoán ra được gì! De Mole, chàng có biết rằng nếu quận công biết tối nay chàng ở đây, bên chân em, thì ngày mai ông ta sẽ giết chàng bằng thanh gươm của chính mình. Và đáng lẽ phải đẩy chàng ra khỏi chốn này thì em xin nói với chàng rằng: "De Mole, chàng cứ ở yên đây, vì em yêu chàng, anh chàng quý tộc đẹp trai của em ạ, chàng nghe rõ chưa, em yêu chàng!". Vâng, thật đấy, em chắc chắn là ông ta sẽ giết chàng.

- Chúa ơi! Có thể như thế được chăng? - De Mole bật ngửa người ra sau thốt lên và nhìn Marguerite với vẻ kinh hoàng.

- Bạn ạ, trong thời buổi chúng ta và trong cái triều đình này thì mọi việc đều có thể. Bây giờ tóm lại là ông de Mouy mặc áo choàng của chàng, che mặt bằng mũ của chàng tới Louvre không phải vì em. Đó là vì ông d Alençon. Nhưng em đã đưa ông ta tới đây vì tưởng rằng đó là chàng. De Mole, ông ta biết điều bí mật của chúng ta nên ta phải nương tay với ông ta.

- Tôi thích giết y đi, như thế gọn và chắc chắn hơn.

- Còn em, chàng trai dũng cảm ạ - Hoàng hậu nói - Em thích để ông ta sống và chàng sẽ biết hết mọi chuyện. Vì cuộc sống của ông ta không những có lợi mà còn cần thiết cho chúng ta nữa. Chàng hãy nghe và cân nhắc từng lời trước khi trả lời em đây: De Mole, liệu chàng có yêu em tới mức có thể mừng vui nếu em thực sự trở thành hoàng hậu, nghĩa là trở thành bà chúa của một vương quốc thực sự hay không?

- Than ôi, tôi yêu em tới mức mong ước tất cả những gì em mong ước, dù cho điều đó có gây bất hạnh cho cả cuộc đời tôi đi chăng nữa!

- Thế chàng có giúp em thực hiện cái điều mong ước sẽ khiến chàng vui sướng hơn nữa hay không.

- Ôi lệnh bà! Tôi sẽ mất em! - De Mole ôm đầu thốt lên.

- Không đâu, ngược lại, đáng lẽ là người đứng đầu trong số những người phục vụ em, chàng sẽ trở thành người đứng đầu thần dân của em. Như thế đấy.

- Ôi! Đừng nói tới lợi ích... tham vọng... thưa lệnh bà. Xin em đừng tự mình làm vẩn đục tình cảm của tôi đối với em... Lòng tận tụy, chỉ có lòng tận tụy mà thôi.

- Ôi tấm lòng cao thượng! Thì vâng, em xin chấp nhận lòng tận tụy của anh, và em sẽ biết cách tỏ lòng biết ơn.

Nàng chìa hai tay cho De Mole và chàng hôn lên đó tới tấp.

- Chàng thấy sao? - Nàng hỏi.

- Thế thì... được Marguerite, tôi bắt đầu hiểu được cái dự định mơ hồ mà người ta đã nói tới ở chỗ những người Tân giáo chúng tôi trước ngày lễ thánh Saint-Barthélémy. Để thực hiện dự định đó, tôi cũng như nhiều người khác xứng đáng hơn tôi, đã được gọi tới Paris. Em ham muốn giành được vương quyền thực sự của xứ Navarre để thay thế cho cái vương quyền hão huyền này.

Vua Henri thúc đẩy em làm việc đó. De Mouy cùng âm mưu với hai người, có đúng thế không? Nhưng quận công d Alençon liên quan gì tới việc này? Kiếm đâu ra một ngai vàng nữa cho ông ta ở đây? Tôi không hề thấy có. Vậy... liệu d Alençon có thân với em đến mức giúp em trong những việc đó mà không đòi hỏi gì để đổi lại cho mối hiểm nguy mà ông ta phải hứng lấy không?

- Bạn ạ, quận công âm mưu là để cho mình. Chúng ta cứ mặc cho ông ta nhầm, tính mạng ông ta sẽ đảm bảo cho tính mạng của chúng ta.

- Nhưng còn tôi, tôi là người của ông ta, liệu tôi có thể phản bội ông ta được chăng?

- Phản bội lại ông ta ư? Chàng phản bội lại ông ta như thế nào? Ông ta đã ủy thác cho chàng điều gì nào? Chẳng phải là ông ta đã phản lại chàng khi trao cho de Mouy áo măng-tô và mũ của chàng để tạo phương tiện cho de Mouy vào được tới chỗ

- Ông ta đó sao? Chàng bảo chàng là người của ông ta ư? Nhà quý tộc của em, chẳng phải là chàng đã thuộc về em trước khi thuộc về ông ta hay sao? Ông ta đã trao được cho chàng bằng chứng tình bạn nào lớn hơn bằng chứng tình yêu mà chàng đã giành được từ em?

De Mole tái mặt đứng thẳng dậy. Chàng sững sờ lẩm bẩm:

- Ôi! Coconnas nói đúng quá. Mưu đồ này quấn chặt lấy ta. Nó sẽ bóp chết ta.

- Sao cơ? - Marguerite hỏi.

- Vậy thì đây là câu trả lời của tôi: "Người ta đã nói, và tôi đã được nghe điều ấy ở tận đầu kia nước Pháp, nơi tên tuổi lẫy lừng của em, nơi tiếng tăm vang dội đến thế về sắc đẹp của em đã đến vuốt ve trái tim tôi như một niềm mong ước mơ hồ về điều chưa biết. Người ta nói rằng em đã yêu vài lần, rằng tình yêu của em bao giờ cũng tàn khốc đối với người em yêu đến nỗi, chắc vì hờn ghen mà bao giờ cái chết cũng đã cướp đi những người tình của em".

- De Mole!...

- Marguerite yêu quý, xin em đừng ngắt lời tôi, vì người ta cũng nói thêm rằng em giữ trái tim của những người bạn trung thành ấy trong những chiếc hộp vàng(2) rồi. Hãy cho tôi thành người được yêu thương nhất và người hạnh phúc nhất trong số những người được em yêu. Em đã mở lồng ngực kẻ khác và giữ lại trái tim ấy. Đối với tôi, em hãy làm hơn thế, em hãy phơi bày đầu tôi... Nào Marguerite, trước hình Chúa, Người đã cứu mạng tôi ở chính nơi đây, em hãy thề đi, hãy thề với tôi rằng nếu như tôi chết vì em như một mối linh cảm u ám đã bảo với tôi thì em sẽ giữ lại cái đầu mà người đao phủ sẽ lách rời khỏi thân tôi để đôi khi em áp đôi môi lên đó. Thề đi, Marguerite, và lời hứa dành cho tôi một ân huệ như thế của bà hoàng của tôi sẽ biến tôi thành câm lặng, thành hèn nhát và phản bội nếu cần, tức là hoàn toàn tận tụy như một người tình và người yêu của nàng phải như thế.

- Ôi điên rồ và u ám quá, linh hồn thân yêu của em! Ôi, ý nghĩ tàn khốc, người yêu của em!

- Thề đi...

- Em phải thề ư?

- Vâng, em hãy thề đi trên chiếc hộp bạc có gắn cây thánh giá này.

- Vậy thì, xin Chúa, hỡi chàng quý tộc đẹp trai của em, nếu như những linh cảm tối tăm của anh thành sự thực, em xin thề trên cây thánh giá này, anh sẽ ở bên em dù sống hay chết chừng nào em còn sống, và nếu như em không thể cứu anh khỏi mối nguy hiểm mà anh lao vào vì em, vì chỉ mình em thôi, em biết thế, thì ít nhất em sẽ trao cho linh hồn tội nghiệp của anh, niềm an ủi mà anh đòi hỏi và anh đã xứng đáng được như thế.

- Một lời nữa thôi, Marguerite. Giờ đây tôi có thể chết vì đã được yên lòng về cái chết của mình, nhưng chúng ta cũng có thể thành công, tôi cũng có thể sống. Henri de Navarre có thể thành vua, em có thể trở thành hoàng hậu thực sự, khi đó nhà vua sẽ đưa em đi. Lời nguyền ly thân giữa nhà vua và em một ngày nào đó sẽ bị hủy bỏ và kéo theo sự chia ly của chúng ta. Marguerite, Marguerite thân yêu, với một lời thôi em đã làm tôi yên tâm về cái chết của mình, giờ đây em hãy nói một lời để cho tôi được yên lòng với cuộc sống của tôi.

- Ôi, anh đừng lo sợ gì hết, em hoàn toàn thuộc về anh cả thể xác lẫn linh hồn - Marguerite vừa thốt lên vừa lại đưa tay lên cây thánh giá trên chiếc hộp nhỏ - Nếu em ra đi, anh sẽ đi theo, và nếu nhà vua từ chối không chịu đưa anh đi thì chính em khi đó sẽ không đi nữa.

- Nhưng em sẽ không dám chống lại!

- Anh yêu quý, anh không biết Henri đấy. Giờ đây Henri chỉ nghĩ tới một việc, đó là được trở thành vua. Để đạt được mộng ước đó, lúc này ông ta sẵn lòng hy sinh tất cả những gì thuộc về ông ta chứ kể gì những thứ không thuộc về ông ta. Thôi, tạm biệt anh.

- Lệnh bà cho tôi lui ư? - De Mole mỉm cười hỏi.

- Muộn rồi - Marguerite đáp.

- Muộn thật, nhưng em muốn tôi đi đâu bây giờ? Ông de Mouy đang ở trong phòng tôi cùng quận công d Alençon.

- A! Đúng thể - Marguerite mỉm một nụ cười mê hồn - Vả lại em còn có nhiều điều muốn nói với chàng về âm mưu này.

Kể từ đêm ấy trở đi, de Mole không còn chỉ là một người được sủng ái bình thường nữa. Chàng có thể ngẩng cao mái đầu mà, dù sống hay chết, đã được dành cho một tương lai đẹp đẽ đến thế.

Tuy nhiên đôi khi vầng trán nặng trĩu của chàng cúi xuống, má chàng tái đi, và mối suy tư khắc khổ vạch thêm một nếp hằn giữa cặp lông mày của chàng trai xưa kia vui tươi đến thế và giờ đây lại cũng đang hạnh phúc biết nhường nào!

Chú thích:
(1) Cách gọi thân yêu âu yếm đối với Marguerite de Valois
(2) Nàng hay mặc một chiếc váy lồng rộng có nhiều túi nhỏ khắp xung quanh. Trong và đôi khi em ban cho những di vật đáng buồn ấy một nỗi nhớ ưu sầu, một cái nhìn sùng tín. Hoàng hậu ơi, em thở dài, mắt em mờ lệ, thế thì đúng mỗi túi nàng để một chiếc hộp, trong đó có trái tim của một trong số những người tình đã chết của nàng, vì mỗi khi họ chết, nàng lại cẩn thận cho ướp trái tim của họ. Tối tối, chiếc váy lồng này được treo vào một chiếc móc có khoá ở phía sau thành giường của nàng. (Tallemant des Reaux, Lịch sử về Marguerite de Valois)

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 27

Bàn tay của Chúa

Khi tạm biệt phu nhân de Sauve, Henri đã bảo:

- Charlotte, mình đi nằm đi. Mình hãy giả vờ ốm nặng và cả ngày mai đừng có tiếp ai dù với bất kỳ là ai.

Charlotte vâng lời, tuy không hiểu rõ lý do khiến nhà vua yêu cầu nàng làm như vậy. Nàng bắt đầu quen với những tính khí kỳ quặc như người ta vẫn thường nói, hoặc với những trò ngông của nhà vua như người ta vẫn gọi.

Vả chăng nàng biết rằng Henri luôn biết giữ kín trong lòng những điều bí mật mà ông không hề nói với ai, ông giữ trong ý nghĩ mình cả những dự định mà ông e sợ sẽ để lộ ngay cả trong giấc mơ; vậy nên nàng thuận theo tất cả những ý muốn của ông và tin chắc rằng những ý tưởng kỳ lạ nhất của Henri đều có một mục đích.

Thế là ngay tối hôm đó nàng than phiền với Dariole về nỗi đau đầu nặng chình chịch lại kèm thêm chững chóng mặt. Đó là những triệu chứng mà Henri dặn nàng nói.

Sớm hôm sau, nàng giả vờ muốn dậy nhưng vừa chạm chân xuống sàn đã kêu mình bị rã rời toàn thân và lại nằm xuống.

Sự khó ở mà Henri đã báo cho quận công d Alençon là tin tức đầu tiên người ta thông báo cho Catherine khi bà hỏi với vẻ bình thản tại sao bà Sauve không có mặt ở lễ khai minh của bà như thường lệ.

- Ốm ạ! - Phu nhân de Lorraine đang ở đó trả lời.

- Ốm! Con bé lười lại ươn người chứ gì? - Catherine lặp lại và không một thớ thịt nào trên gương mặt bà tỏ ra bà quan tâm tới câu trả lời này.

- Không đâu, thưa lệnh bà - Công chúa đáp - Bà ta kêu bị đau đầu dữ dội và chân tay bải hoải không đi được.

Catherine không trả lời. Nhưng chắc để giấu niềm vui của mình, bà quay ra cửa sổ và thấy Henri đang đi qua sân sau khi nói chuyện với de Mouy. Bà đứng dậy để nhìn ông cho rõ hơn và do bị thúc đẩy bởi cái ý thức luôn luôn sôi động. Dù là một cách kín đáo, ở tận đáy sâu của tấm lòng chai sạn với tội ác bà hỏi viên chỉ huy vệ binh:

- Có phải là sáng nay trông Henri con ta xanh hơn ngày thường không?

- Không phải như vậy, đầu óc Henri rất lo lắng nhưng thể xác thì khỏe mạnh.

Dần dần những người tới chầu lễ khải minh của Thái hậu lui ra. Ba bốn người được sủng ái hơn kẻ khác thì ở lại. Nhưng rồi Catherine cũng sốt ruột, cho họ lui nốt và nói rằng bà muốn ở lại một mình.

Khi kẻ triều thần cuối cùng đã ra ngoài, Catherine đóng cửa lại và đi tới một chiếc tủ bí mật ẩn trong một bức tường của phòng. Bà làm cho cái cửa tủ trượt theo một cái rãnh trổ trong vách gỗ và lấy ra một quyển sách với những trang nhàu nát chứng tỏ nó vẫn được giở ra thường xuyên.

Bà đặt sách lên bàn, giở ra trang có sợi dây đánh dấu, tì khủyu tay xuống bàn và tựa đầu trong lòng bàn tay, bà lẩm bẩm đọc:

Đúng rồi, nhức đầu, uể oải toàn thân, đau mắt, sưng vòm họng. Người ta mới chỉ nói đến nhức đầu và yếu mệt... những triệu chứng khác chắc sẽ sắp xuất hiện thôi.

Bà tiếp tục:

"Rồi, ổ viêm sẽ lan xuống họng, xuống dạ dày, bao bọc lấy tim như một vầng lửa và khiến đầu óc nổ tung như bị sét đánh".

Bà thầm đọc lại, rồi lại tiếp tục hạ giọng:

"Sáu tiếng đồng hồ thì bị sốt, viêm nhiễm toàn thân mười hai tiếng, hoại thư mười hai tiếng, hấp hối sáu tiếng; tổng cộng là phải mất ba mươi sáu tiếng. Bây giờ ta cứ giả sử là thấm thì chậm hơn uống, đáng phải ba mươi sáu tiếng ta cứ coi là bốn mươi hay thậm chí bốn mươi tám tiếng đi. Ừ bốn mươi tám tiếng là đủ. Nhưng tại sao nó, cái thằng Henri ấy vẫn còn đi lại được? Có thể là vì hắn là đàn ông, thể chất hắn khỏe mạnh, có thể là vì hắn đã uống sau khi ôm hôn con kia và đã chùi môi sau khi uống chăng?"

Catherine sốt ruột chờ đến giờ ăn, Henri ngày nào cũng dùng bữa tại bàn ăn nhà vua.

Ông đến cũng lại than phiền vì váng đầu, không ăn gì được và lui về ngay sau bữa ăn, viện cớ rằng đêm trước ông ta mất ngủ và bây giờ cảm thấy buồn ngủ lắm.

Catherine lắng nghe tiếng bước chân lảo đảo của Henri và cho người đi theo. Người ta báo cáo lại với bà rằng nhà vua Navarre đã đi tới phòng phu nhân de Sauve.

Bà tự nhủ: "Tối nay hắn sẽ hoàn tất bên kia cái công trình chết chóc mà do một sự tình cờ, chẳng may đã bị dở dang".

Quả thực vua Navarre đã tới phòng phu nhân de Sauve nhưng đó chỉ là để bảo nàng tiếp tục đóng vai của mình.

Ngày hôm sau, Henri không ra khỏi phòng mình suốt buổi sáng và tới bữa ăn trưa ông cũng không đến chỗ nhà vua. Người ta kể rằng phu nhân de Sauve ngày càng ốm nặng hơn. Tin đồn về bệnh tật của Henri do chính Catherine loan ra truyền đi như một trong những linh cảm thoáng mà không ai giải thích được nguyên nhân.

Catherine hân hoan: ngay từ sáng hôm trước, bà đã đẩy Ambroise Paré đi chữa bệnh cho một trong số những người hầu được sủng ái của bà đang ốm tại Saint-Germain.

Do đó người ta chỉ có thể gọi cho phu nhân de Sauve và Henri một thầy thuốc của bà và kẻ đó chỉ nói những điều mà bà muốn y nói. Thậm chí, nếu trái với dự tính của bà, có một thầy thuốc nào khác xen vào chuyện này, đưa ra những chẩn đoán về dấu hiệu của sự đầu độc để làm kinh hoàng cả triều đình, thì bà vẫn còn trông cậy vào những lời đồn đại lâu nay về tính ghen tuông của Marguerite đối với những trò gian díu của chồng mình.

Chính bà đã thổi phồng hơn ai hết về sự ghen tuông này, chẳng hạn như trong chuyến du ngoạn thăm cây Sơn trà, bà đã chẳng hỏi con gái trước mặt đông đủ văn võ bá quan: "Vậy cô ghen ư, Marguerite?"

Thế là với vẻ mặt đã được tạo sẵn, bà chờ đợi cái lúc cửa mở ra, một người hầu nào đó bước vào, mặt mày tái xanh hốt hoảng kêu lên:

- Lệnh bà! Đức vua Navarre hấp hối còn phu nhân de Sauve đã chết!

Đồng hồ đã điểm bốn giờ chiều. Catherine dùng bữa điểm tâm trong phòng nuôi chim. Bà bẻ vụn những chiếc bánh bích quy cho một vài con chim hiếm mà bà vẫn thường tự tay cho ăn.

Mặc dù gương mặt bà vẫn bình thản như thường lệ, thậm chí còn có vẻ ủ ê nữa, tim bà vẫn đập thình thịch mỗi khi có tiếng động.

Đột nhiên cửa mở ra.

- Tâu lệnh bà - Viên chỉ huy vệ binh vào báo - Đức vua Navarre...

- Ốm hả? - Catherine hấp tấp ngắt lời hỏi.

- Không tâu lệnh bà, tạ ơn Chúa! Đức hoàng thượng vẫn còn khỏe lắm.

- Vậy người bảo gì?

- Thưa, đức vua Navarre tới.

- Ông ta muốn gì ở ta?

- Người muốn dâng lên lệnh bà một con khỉ nhỏ thuộc giống rất hiếm.

Vừa lúc đó Henri bước vào tay cầm một chiếc giỏ và đang vuốt ve một con khỉ nằm trong giỏ.

Henri vừa bước vào vừa mỉm cười và tỏ ra hoàn toàn chú tâm tới con vật dễ thương ông đem tới. Nhưng dù ông có tỏ ra bận tâm đến mấy chăng nữa, ông vẫn không để mất cái nhìn lướt qua mà ông vẫn thường sử dụng trong những lúc khó khăn.

Còn về phần Catherine, bà trở nên nhợt nhạt. Vẻ tái xanh của bà càng tăng thêm khi bà nhìn thấy trên má chàng trai đang tiến lại gần sắc hồng hào của sức khỏe.

Thái hậu cảm thấy choáng váng. Bà máy móc chấp nhận tặng vật của Henri, lúng túng, khen sắc mặt khỏe mạnh của ông ta, rồi nói thêm:

- Con ạ, ta rất mừng thấy con khỏe vì ta nghe nói rằng con ốm và nếu như ta không lầm thì con đã phàn nàn trước mặt ta là bị khó ở. Nhưng bây giờ ta hiểu rồi - Bà cố gắng mỉm cười, nói thêm - Chắc đấy chỉ là cái cớ để con được thoải mái thôi.

- Thưa lệnh bà, quả là tôi đã muốn ốm nặng - Henri đáp Nhưng nhờ một thứ biệt dược hay dùng ở vùng núi chúng tôi, do mẹ tôi để lại cho, nay tôi đã khỏi.

- A! Con sẽ bày cho ta công thức được không Henri? - Catherine nói và lần này mỉm cười thực sự với một sự giễu cợt mà bà ta không giấu nổi.

"Chắc lại môn thuốc trị độc nào đây - Bà lẩm bẩm - Ta sẽ chấn chỉnh việc này, hay thôi. Thấy phu nhân de Sauve ốm, chắc hắn đã cảnh giác. Quả thật đến phải tin rõ ràng là có bàn tay của Chúa che chở cho cái thằng này".

Catherine sốt ruột chờ đêm xuống. Phu nhân de Sauve vẫn không thấy xuất hiện. Đến lúc chơi bài, và hỏi thăm, thì người ta trả lời rằng phu nhân de Sauve mỗi lúc một ốm nặng thêm.

Suốt buổi tối, bà lo lắng và những người ngoài cuộc cứ khắc khoải tự hỏi những suy tư nào có thể làm xao động gương mặt bình thường của bà vốn thản nhiên đến thế.

Tất cả mọi người đều lui chầu. Catherine để các thị nữ cởi áo cho mình và đưa đi nằm. Rồi khi tất cả mọi người đều đã ngủ yên trong cung Louvre, bà trở dậy, mặc một chiếc áo ngủ đen, lấy một cây đèn, lựa trong số các chìa khoá lấy chiếc chìa mở được cửa phòng phu nhân de Sauve và lên cầu thang tới phòng vị nữ quan của mình.

Phải chăng Henri đã đoán trước được cuộc viếng thăm này hay ông mắc bận ở phòng mình, hoặc là ông nấp vào đâu đó. Tóm lại là người thiếu phụ chỉ có một mình ở trong phòng.

Catherine cẩn thận mở cửa, đi qua phòng ngoài, bước vào phòng khách. Bà đặt cây đèn trên một cái tủ vì một ngọn đèn đêm đã được thắp bên người ốm, rồi như chiếc bóng ma, bà lách vào phòng ngủ.

Dariole nằm trong ghế phô-tơi lớn đang ngủ cạnh giường chủ mình.

Chiếc giường đó được khép kín hoàn toàn sau những bức màn.

Hơi thở của thiếu phụ nhẹ đến nỗi có lúc Catherine đã tưởng nàng không thở nữa.

Cuối cùng bà nghe thấy một hơi thở nhẹ. Với niềm vui tinh quái bà tới vén màn lên để được tự mình nhìn thấy hậu quả của thứ thuốc độc khủng khiếp. Chưa gì bà đã run người mong nhìn thấy vẻ nhợt nhạt cắt không còn hạt máu hoặc màu đỏ hừng hực của cơn sốt chết người. Nhưng thế vào đó, bà nhìn thấy người thiếu phụ xinh đẹp bình thản, mắt nhẹ nhàng khép kín, cái miệng hồng hé mở, đôi má mát rượi tỳ nhẹ lên trên một cánh tay tròn trĩnh duyên dáng của nàng còn cánh tay kia tươi mát nõn nà duỗi dài trên tấm gấm sẫm màu lam chăn của nàng. Thiếu phụ ngủ mà vẫn còn như cười, chắc một giấc mơ dễ thương nào đó đã khiến trên môi nàng nở nụ cười và tô trên má nàng màu của một niềm hạnh phúc êm dịu.

Catherine không kìm được thốt lên một tiếng kêu, làm Dariole thức dậy mất một lúc.

Thái hậu lẩn ngay vào sau những bức màn giường.

Dariole mở mắt ra nhưng mắt trĩu xuống vì buồn ngủ, cô gái cũng chẳng buồn tìm hiểu xem nguyên nhân nào khiến mình tỉnh giấc, cô lại nhắm mắt và ngủ tiếp.

Catherine ra khỏi bức màn. Bà nhìn về các góc khác của khu phòng. Trên một chiếc bàn con, bà thấy một bình rượu vang Tây Ban Nha, hoa quả, bánh ngọt và hai chiếc ly. Henri chắc đã ăn tối với nam tước phu nhân. Và nàng hiển nhiên là cũng khỏe mạnh như ông ta vậy.

Ngay lập tức, Catherine tới bên bàn trang điểm của phu nhân de Sauve cầm lấy chiếc hộp bạc xinh xinh đã vơi mất phần ba.

Chính là chiếc hộp mà bà đã sai đưa cho Charlotte hay ít ra là một chiếc giống thế. Dùng đầu chiếc kim vàng, bà khêu lấy một mẫu to bằng viên ngọc đem về nhà đưa cho con khỉ con mà Henri đã dâng bà lúc tối. Con vật hau háu khi ngửi thấy mùi thơm, nuốt chửng mẩu son, và khoanh người trong giỏ ngủ tiếp Catherine chờ một khắc đồng hồ.

"Con chó Brutus của ta chỉ ăn một nửa như thế cũng đã phù người lên mà chết trong vòng một phút. Có kẻ lừa ta rồi. René chăng? Không thể thế được! - Bà tự nhủ - Vậy thì Henri! Ôi số mệnh! Thế là rõ: vì hắn sẽ trị vì, hắn không thể chết được. Nhưng có lẽ chỉ dùng thuốc độc thôi cũng chưa hữu hiệu, ta sẽ dùng tới gươm dao xem sao".

Và Catherine lại đi ngủ, vật vã trong trí óc mình một ý nghĩ mà chắc hôm sau đã được hoàn chỉnh. Hôm sau, bà gọi viên chỉ huy vệ binh của bà, trao cho y một phong thư, ra lệnh cho y đem thư đến địa chỉ và chỉ được trao thư vào chính tay của kẻ được nhận.

Bức thư được gửi cho ngài Louviers de Maurevel, chỉ huy pháo thủ của nhà vua, ngụ tại phố Cerisaie, gần Arsenal.

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 28

Bức thư từ Rome

Vài ngày trôi qua, kể từ khi có các sự kiện vừa kể trên đây, một buổi sớm, một chiếc kiệu được nhiều nhà quý tộc mang gia huy của ông de Guise tháp tùng, tiến vào Louvre và người ta tới báo cho hoàng hậu Navarre rằng quận chúa de Nervers xin được vinh hạnh vào chầu.

Lúc đó Marguerite đang tiếp phu nhân de Sauve. Từ trận ốm giả vờ của nàng, đây là lần đầu tiên nam tước phu nhân xinh đẹp ra khỏi phòng. Nàng được biết hoàng hậu đã bày tỏ lòng ái ngại với chồng về cơn cảm mạo đó được lan truyền trong triều trong gần một tuần do đó nàng tới để tạ ơn hoàng hậu.

Marguerite khen ngợi nam tước phu nhân về sự bình phục của nàng và đã may mắn thoát khỏi cơn kịch phát đột ngột của căn bệnh kỳ lạ mà với tư cách là công chúa Pháp, nàng không thể không đánh giá được hết tầm nghiêm trọng của nó.

- Ta mong phu nhân sẽ tới dự buổi đi săn lớn đã được hoãn một lần rồi đấy - Marguerite bảo - Cuộc săn ấy dứt khoát sẽ được tổ chức vào ngày mai. Trời mùa đông như thế này là ấm áp.

Ánh nắng làm đất mềm ra, tất cả các tay săn bắn của chúng ta đã đoán được rằng ngày mai sẽ là một ngày thuận lợi.

- Nhưng tâu lệnh bà - Nam tước phu nhân đáp - Tôi không rõ liệu mình đã khỏe hẳn chưa.

- Chậc, phu nhân hãy cố lên. Vả lại, vì ta khoẻ mạnh hơn, nên ta cho phép nhà vua chuẩn bị một con ngựa nhỏ xứ Bearn mà đáng lẽ ta cưỡi, nhưng để nó mang phu nhân thì tuyệt. Phu nhân còn chưa nghe nói tới sao?

- Thưa lệnh bà có chứ ạ. Nhưng tôi không được biết rằng con ngựa đó được dành để dâng lên lệnh bà, nếu biết thì tôi đã không dám nhận.

- Vì kiêu hãnh ư, nam tước phu nhân?

- Tâu lệnh bà, không, ngược lại ạ, đó là vì khiêm nhường.

- Vậy bà tới chứ?

- Lệnh bà thật đã ban cho tôi nhiều vinh hạnh quá. Tôi sẽ tuân lệnh của lệnh bà.

Chính vào lúc đó người ta báo danh quận chúa de Nervers. Nghe tên, Marguerite để lộ ngay ra một cử chỉ vui mừng đến nỗi nam tước phu nhân hiểu rằng hai người bạn đó có chuyện cần nói với nhau, nàng đứng dậy cáo lui.

- Vậy đến mai nhé - Marguerite nhắc.

- Vâng, thưa lệnh bà, đến mai.

- À mà này, nam tước phu nhân - Marguerite vừa đưa tay vẫy chào vừa nói tiếp - Bà nên biết rằng trước công chúng thì ta không ưa bà, chả là ta ghen kinh khủng mà.

- Nhưng ở chỗ riêng tư thì sao? - Phu nhân de Sauve hỏi lại.

- Ồ, ở chỗ riêng tư thì không những ta tha lỗi cho bà mà còn cám ơn bà là đằng khác.

- Vậy thì, xin lệnh bà cho phép...

Marguerite chìa tay cho nam tước phu nhân, phu nhân de Sauve kính cẩn hôn tay nàng, gập mình thi lễ và lui ra.

Trong lúc phu nhân de Sauve thoăn thoắt lên cầu thang như một chú dê non tuột dây thì quận chúa de Nervers cùng hoàng hậu chào nhau hết sức kiểu cách để những quý tộc hộ tống nàng tới đó kịp đủ thì giờ lui ra.

- Gillonne - Marguerite kêu lên khi cửa đóng lại sau lưng người quý tộc cuối cùng - Gillonne, em làm sao cho đừng có ai đến quấy rầy ta nhé.

- Đúng rồi - Quận chúa nói - Vì chúng ta có những việc rất quan trọng phải nói với nhau.

Nàng lấy một chiếc ghế và ngồi xuống không chút nề hà vì chắc rằng chẳng có ai tới để phá đám tình thân đã quy ước giữa nàng và hoàng hậu Navarre, nàng chọn chỗ tốt nhất gần lửa và có nắng.

- Thế nào - Marguerite mỉm cười hỏi - Cậu làm gì với anh chàng giết người lừng danh ấy rồi?

- Bà hoàng thân mến, thề có linh hồn mình, đây quả là một con người y như trong chuyện thần thoại. Không ai sánh được nổi chàng ta về mặt dí dỏm chẳng bao giờ cạn. Chàng ta có những lời đối đáp khiến thánh nằm trong hòm cũng phải cười ngặt nghẽo đến chết ngất. Nghĩ cho cùng thì chưa bao giờ có một anh chàng tà giáo điên cuồng đến thế lại được uọc trong cái vỏ Gia tô giáo lạ lùng như vậy! Mình phát cuồng lên vì chàng ta. Thế còn cậu đã làm gì với anh chàng Apollon(1) của cậu rồi?

- Than ôi! - Marguerite thở dài.

- Ô hô! Cậu than ôi làm mình hoảng đây, hoàng hậu thân mến! Cái anh chàng De Mole hiền lành ấy cung kính quá à? Hay đa cảm quá? Nếu vậy thì mình buộc phải nói chàng ta hoàn toàn trái ngược với ông bạn Coconnas.

- Không, thì cũng tùy lúc thôi, cái than ôi ấy chỉ liên quan tới mình.

- Thế có nghĩa là gì?

- Quận chúa thân mến ơi, nó có nghĩa rằng mình lo sợ quá, có lẻ mình sẽ yêu anh ta thật mất thôi.

- Thật à?

- Lời thề của Marguerite đấy! Ồ càng tốt! Vậy thì đời chúng mình mới vui chứ! - Henriette thốt lên - Mình thường mơ là yêu một ít, cậu mơ yêu thật nhiều.

- Bà hoàng uyên bác thân yêu ơi, thật dễ chịu được để cho đầu óc nghỉ ngơi nhờ trái tim, đúng không? Và sau cơn mê sảng lại đến nụ cười. A! Marguerite, mình có linh cảm chúng ta sẽ có được một năm tốt lành.

- Cậu tưởng thế à? Mình thì ngược lại, không hiểu tại sao mình nhìn việc gì cũng thấy nhuốm màu tang tóc. Cái trò chính trị này làm mình bận tâm ghê gớm. Nhân thể cậu tìm hiểu xem, anh chàng Anibal nhà cậu có vẻ tận tụy với ông em mình lắm, nhưng có thật thế không? Hỏi xem nhé, quan trọng đấy.

- Chàng ta mà lại tận tụy với ai hay với việc gì ấy à? Rõ là cậu chưa biết bằng mình. Nếu có tận tụy thì chàng chỉ tận tụy với tham vọng của mình, có thế thôi. Em cậu có thể hứa hẹn đủ thứ với chàng ta ư ồ, tốt lắm: chàng ta sẽ hết lòng với em cậu. Nhưng em cậu dù là hoàng tử nước Pháp thật đấy nhưng cũng phải cẩn thận, đừng có nuốt lời hứa với chàng, nếu không thì thề chứ, em cậu cứ liệu hồn!

- Thật à?

- Đúng như mình nói đấy. Marguerite này, có những lúc cái con sư tử mà mình thuần phục ấy khiến chính mình cũng phải sợ. Hôm nọ mình mới bảo anh chàng: "Anibal, liệu đấy, đừng có lừa dối tôi, vì nếu mình mà lừa tôi thì...". Tuy mình nói thế nhưng mình vẫn liếc hắn với cặp mắt xanh ngọc bích mà Ronsard đã ca ngợi là:

"Ánh mắt xanh quận chúa

Dưới hàng mi óng vàng

Còn ngàn lần tàn phá

Hơn sấm sét Trời ban".

- Rồi sao nữa?

- Mình cứ tường hắn sẽ trả lời mình là: "Tôi mà lừa mình ư, không đời nào!" vân vân. Thế cậu có biết hắn trả lời thế nào không?

- Không.

- Thế cậu nghe mà xét người xem nhé? "Còn mình - hắn bảo - Nếu mình lừa dối tôi thì mình cũng cứ liệu đấy, vì dù cho mình có là công chúa đi chăng nữa...". Vừa nói thế hắn vừa doạ mình, không phải là bằng mắt thôi đâu, mà hắn gí gần như sát mũi mình cái nắm đấm cộc lốc và nhọn của hắn với một cái móng tay nhọn như mũi giáo ấy. Hoàng hậu ạ, lúc ấy vẻ mặt anh chàng trông thật đáng sợ đến nỗi mình phải rùng mình, ấy thế mà cậu vẫn biết đấy mình đâu có yếu bóng vía.

- Chàng ta dám doạ cậu cơ à, Henriette?

- Ê, mẹ kiếp! Mình cũng doạ chàng ta! Suy cho cùng thì chàng ta có lý. Thế nên cậu thấy Anibal chỉ tận tụy đến một mức nhất định hay nói đúng hơn thì chỉ đến một mức rất không nhất định nào đấy thôi.

- Thế thì để xem mình cũng sẽ nói với De Mole - Marguerite mơ màng - Cậu có chuyện gì khác nói với mình nữa không?

- Có chứ, một chuyện rất hay và vì nó mà mình đến đây. Nhưng biết làm thế nào được! Cậu lại đi nói với mình những chuyện còn hay hơn nữa. Mình đã nhận được tin.

- Từ Rome hả?

- Ừ, có người đưa tin của chồng mình.

- Thế chuyện Ba Lan thế nào rồi?

- Rất tuyệt. Chắc là cậu sắp thoát khỏi ông anh d Anjou của cậu nay mai.

- Vậy ra giáo hoàng đã phê chuẩn việc bầu ông ta à?

- Thưa cô, vâng ạ.

- Thế mà cậu lại không nói ngay cho - Marguerite thốt lên - Nào, chi tiết ra sao, kể đi, kể đi!

- Ôi thề chứ, mình chẳng có chi tiết nào khác ngoài những điều mà mình nói với cậu. Với lại chờ tí, mình sẽ đưa cho cậu lá thư của ông de Nervers. Này đây. À, không phải. Đây là thơ của Anibal. Thơ với thẩn đến phát khiếp lên được Marguerite ạ.

- Chàng ta chẳng làm được thứ gì hơn. Đây, lần này thì đúng nó.

- Không, vẫn không phải, đây là thư của mình, mình đem đến để cậu chuyển cho Anibal qua De Mole. A! Rốt cuộc thì lần này thì đúng là bức thư ấy.

Và phu nhân de Nervers trao thư cho hoàng hậu.

Marguerite hấp tấp mở ra đọc lướt qua. Nhưng quả thật lá thư không nói thêm được với nàng điều gì khác ngoài những điều bạn. nàng đã kể.

- Làm sao mà cậu có thể nhận được lá thư này? - Hoàng hậu hỏi tiếp.

- Qua một người đưa thư của chồng mình. Y được lệnh tới dinh de Guise trước khi đến Louvre và trao lhư này cho mình trước thư của đức vua. Mình biết bà hoàng của mình coi trọng cái tin này, thế là mình đã viết cho ông de Nervers bảo làm như thế. Cậu thấy chưa, ông ta còn nghe lời chứ không phải như cái tay hung thần Coconnas ấy. Bây giờ ở Paris chỉ có đức vua, cậu và mình biết tin này, trừ phi là cái thằng cha bám sau người đưa thư của chúng mình...

- Thằng cha nào?

- Ôi! Nghề nghiệp mới kinh khủng chứ! Cậu thử tưởng tượng xem, cái gã đưa tin về đến nơi thì mệt lử, kiệt sức, đầy bụi, y đã chạy liên tục bảy ngày đêm không nghỉ lúc nào.

- Nhưng còn cái thằng cha nào cậu vừa nói cơ mà?

- Chờ tí. Gã đưa thư tội nghiệp luôn luôn bị bám sát bởi một thằng cha mặt mũi gớm guốc cũng có ngựa trạm như y, chạy cũng nhanh như y chặng đường bốn trăm dặm đó. Y lúc nào cũng chỉ lo bị một phát đạn súng tay bắn vào hông. Cả hai cùng đến cổng Saint-Marcel cùng một lúc, cùng phi nước đại xuôi phố Mouffetard, cả hai cùng qua phố Cité. Nhưng đến đầu cầu Đức Bà ( Notre Dame), người đưa thư của ta rẽ phải, còn gã kia rẽ trái qua quảng trường Châtelet và phi dọc theo kè về phía Louvre như tên bắn.

- Cám ơn, Henriet tốt bụng - Marguerite thốt lên - Cậu nói đúng đấy, quả là những tin tức rất hay. Người đưa tin kia của ai nhỉ? Mình sẽ biết. Nhưng thôi, cứ để mặc mình. Tối nay đến phố Tizon nhé. Ngày mai thì đi săn. Nhất là cậu nhớ lấy một con ngựa thật dữ ấy, để cho nó lồng lên và chúng ta sẽ tách riêng ra. Tối nay mình sẽ nói với cậu những điều cậu cần phải hỏi Coconnas.

- Vậy cậu không quên thư của mình chứ? - Quận chúa cười hỏi.

- Không, không, cứ yên tâm, chàng ta sẽ nhận thư kịp.

Phu nhân de Nervers ra khỏi thì Marguerite cho mời Henri ngay lập tức Henri chạy tới và nàng trao cho ông bức thư của quận công de Nervers.

- Ô hô! - Ông thốt lên.

Rồi Marguerite kể cho ông nghe về chuyện hai người đưa thư.

- Thực tình là tôi có thấy y vào Louvre - Henri trả lời.

- Có thể y là người của Thái hậu chăng?

- Không phải đâu. Tôi tin chắc thế, vì tình cở tôi đứng trong hành lang và chẳng thấy ai qua cả.

- Vậy thì - Marguerite vừa nói vừa nhìn chồng - Chắc là của...

- Của ông em d Alençon của bà, có đúng thế không?

- Vâng, nhưng làm sao mà biết được điều đó?

- Liệu ta có thể - Henri lơ đễnh hỏi - Cho gọi một trong hai nhà quý tộc nọ và hỏi qua ông ta...

- Bệ hạ nói đúng quá! - Marguerite thoải mái hẳn vì lời đề nghị của chồng - Tôi sẽ cho tìm ông de Mole... Gillonne, Gillonne!

Cô gái xuất hiện.

- Ta có việc cần nói ngay với ông de Mole - Hoàng hậu truyền - Em cố tìm được ông ta và đưa ông tới đây.

Gillonne đi ra. Henri ngồi xuống trước một chiếc bàn trên đó có một quyển sách tiếng Đức có những tranh khắc của Albert Dyrer. Ông bắt đầu xem sách chăm chú đến nỗi khi De Mole tới ông không tỏ vẻ thấy chàng và thậm chí còn không ngẩng đầu lên.

Về phần mình, khi nhìn thấy nhà vua ở phòng Marguerite chàng đứng lại trên ngưỡng cửa gian phòng, nín lặng vì kinh ngạc và mặt tái đi vì lo âu.

Marguerite đi về phía chàng:

- Ông de Mole, liệu ông có thể nói cho tôi hay hôm nay ai trực ở nơi ông d Alençon được không?

- Thưa lệnh bà, Coconnas... - De Mole đáp.

- Ông hãy cố hỏi ông ta giúp tôi xem ông ta có đưa vào chỗ quận công một người mình mẩy đầy bụi và có vẻ như đã phi ngựa trên một đoạn đường dài không?

- A, thưa lệnh bà, tôi e rằng ông ta sẽ không nói cho tôi biết, mấy hôm nay ông ta có vẻ trầm ngâm lắm.

- Thật à! Nhưng nếu ông đưa cho ông cái thư này thì chắc ông ta sẽ phải đổi lại cho ông cái gì đấy.

- Thư của quận chúa!... Ồ, với lá thư này tôi sẽ cố xem.

- Hãy nói thêm rằng - Marguerite hạ giọng - Thư này sẽ thay giấy vào cửa để tối nay để vào ngôi nhà mà chàng biết đấy.

- Còn tôi, thưa lệnh bà - De Mole thì thầm - Tôi có giấy không?

- Chàng cứ xưng tên là đủ.

- Xin lệnh bà đưa cho tôi - De Mole hồi hộp vì tình yêu - Tôi xin đảm bảo tất cả.

Và chàng đi ra.

- Ngày mai chúng ta sẽ biết được quận công Alençon có biết chuyện về Ba Lan hay không - Marguerite quay về phía chồng thản nhiên nói.

- Cái ông de Mole này quả là một người phục vụ đáng mến - Anh chàng Bearnais nói với nụ cười chỉ ông mới có - Thề có... lễ Misa, tôi sẽ gây dựng sự nghiệp cho ông ta.

Chú thích:
(1) Thần bảo trợ văn chương và nghệ thuật trong thần thoạí Hy Lạp, rất đẹp trai. (ND)

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 29

Xuất hành

Vào sáng hôm sau, khi vừng mặt trời đỏ lừ lộng lẫy nhưng không tỏa nắng như vẫn thường gặp trong những ngày được ưu đãi của mùa đông này mọc lên từ phía sau những ngọn đồi của Paris thì trong sân Louvre đã náo động từ hai tiếng đồng hồ nay rồi.

Một con ngựa chiến Barbari tuyệt đẹp, cao lớn chăn như chân hươu với gân guốc chằng chịt như mạng lưới đứng giậm chân vểnh tai và thở phì phì như tóe lửa từ hai lỗ mũi, đang chờ Charles IX trong sân. Nhưng con vật còn chưa sốt ruột bằng chủ nó đang bị Catherine giữ lại ngang đường để, theo như lời bà, nói với ông về một việc quan trọng.

Cả hai đang ở trong sảnh đường gắn kính. Catherine vẫn lạnh lùng, xanh tái và thản nhiên như mọi khi, còn Charles nóng nảy gặm móng tay và quất vào hai con chó yêu quý nhất của mình.

Chúng đều mặc giáp vòng sắt đề mõm lợn lòi không phạm được vào thân và chúng có thể đương đầu với con vật dữ tợn mà không bị hề hấn gì. Một chiếc huy hiệu nhỏ mang sắc huy nước Pháp được khâu trên ngực chúng gần giống như kiểu huy hiệu trên ngực những kẻ hầu vẫn thèm muốn những đặc quyền của lũ sủng thần may mắn đó.

- Charles, cẩn thận nhé - Catherine nói - Không ai ngoài anh và ta biết được rằng những người Ba Lan sắp tới. Ấy thế mà Chúa tha tội cho con, vua Navarre hành động như là y đã biết điều đó vậy. Mặc dù y đã cải đạo, và điều này ta vẫn còn ngờ, y vẫn thông đồng với bọn Tân giáo. Anh có nhận thấy mấy hôm nay y đi nhiều không? Y có tiền, trước thì y chẳng bao gờ có. Y mua ngựa, mua vũ khí, những ngày mưa y tập đánh kiếm từ sáng tới tối.

- Lạy Chúa, mẹ ạ - Charles sốt ruột nói - Có phải mẹ nghĩ y định giết tôi hay ông em d Anjou của tôi chăng? Nếu thế y còn phải học thêm, vì hôm qua tôi còn dùng gươm chùn(1) của tôi đếm cho y được mười một lô khuyết trên chiếc áo chẽn của y vốn chỉ có sáu khuyết thôi. Còn về phần ông em d Anjou của tôi, mẹ biết rằng hắn bắn súng còn giỏi hơn tôi hoặc ít ra là bằng tôi, theo như lời hắn nói.

- Charles, hãy nghe và đừng coi nhẹ những điều mẹ anh nói với anh. Các sứ thần sắp tới. Rồi anh sẽ thấy! Khi nào họ ở Paris rồi thì Henri sẽ làm tất cả những điều gì y làm được để thu hút sự chú ý của họ. Y bóng gió, y thâm hiểm, chưa kể vợ y mà ta chẳng hiểu tại sao cũng lại hỗ trợ cho y, nó sẽ luôn sát vai với họ, nói tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Hungary với lại những gì nữa thì có trời mà biết! Ôi! Charles, ta báo với anh là có chuyện gì mờ ám đây.

Vừa lúc đó chuông đồng hồ điểm, Charles thôi không nghe mẹ nói để nghe giờ.

- Chết thật! Bảy giờ rồi! - Charless kêu lên - Đi mất một giờ thành tám, mất một giờ nữa để đến chỗ hẹn và bắt đầu, chúng tôi chỉ có thể bắt đầu săn vào chín giờ. Quả thật là mẹ làm mất thì giờ của chúng tôi quá! Xuống! Risquetout! Nhanh lên!Xuống! Xuống nhanh lên!

Một ngọn roi dữ dội quấn lấy ngang người con chó ngao khiến con vật ngạc nhiên vì bị đòn thay vì được vuốt ve, ẳng lên một tiếng kêu đau đớn.

- Charles, nhân danh Chúa, xin hãy nghe ta! Đừng có ném bừa bãi vận mệnh của anh và của cả nước Pháp đi như vậy. Đi săn, đi săn, đi săn, anh chỉ mới được có thế thôi... Này, anh có thừa thì giờ để đi săn khi nào công việc làm vua của anh xong.

- Này, mẹ ơi - Charles tái mặt vì sốt ruột - Mẹ hãy giải thích rõ ra, nhanh lên, vì mẹ làm tôi sôi cả người lên đây. Quả thật có những ngày mà tôi không hiểu được mẹ nữa đấy.

Và ông ngừng lại, lấy cán roi quật vào ủng.

Catherine xét thấy thời cơ đã đến và không nên bỏ qua.

- Con ạ, chúng ta có bằng cớ là de Mouy đã trở lại Paris. Ông de Maurevel mà con biết đấy, đã trông thấy hắn. Đó chỉ là vì vua Navarre mà thôi. Ta hy vọng điều đó cũng đủ cho chúng ta thấy là y đáng ngờ hơn bao giờ hết

- Nào, mẹ lại truy bức cái thằng Henriot tội nghiệp nhà tôi đây! Có phải mẹ định giết mất nó của tôi không?

- Ồ không.

- Đi đày à? Nhưng tại sao mẹ lại không hiểu rằng bị lưu đày thì y còn đáng gờm hơn là ở đây, dưới mắt chúng ta trong Louvre này, nơi mà nếu y làm gì là chúng ta biết ngay lập tức hay sao?

- Vì thế nên ta không muốn đày y.

- Vậy mẹ muốn gì? Nói nhanh lên!

- Ta muốn hắn được giữ ở nơi chắc chắn trong khi những người Ba Lan đang ở đây, giữ ở ngục Bastille chẳng hạn.

- À không, thôi ạ - Charles IX kêu lên - Sáng nay chúng tôi săn lợn lòi, Henriot là một trong những kẻ tuỳ tùng tốt nhất của tôi. Không có y thì hỏng cuộc săn mất. Trời ạ, mẹ chỉ nghĩ cách trái ý tôi thôi!

- Này con thân yêu, ta không bảo là sáng nay. Các sứ thần chỉ đến vào ngày mai hoặc ngày kia. Ta chỉ cần bắt y vào sau cuộc săn, tối hay đêm nay...

- Thế thì khác. Thôi được, chúng ta sẽ nói chuyện đó sau, để xem xem. Sau cuộc săn thì tôi không có ý kiến gì. Chào mẹ! Nào Risquetout lại đây! Mày lại cũng định dỗi à?

- Charles - Catherine giữ tay nhà vua lại, mạo hiểm chịu cơn giận dữ có thể bùng ra vì sự chậm trễ này nữa - Ta nghĩ rằng tốt nhất là ký sắc chỉ bắt ngay bây giờ nhưng để đến tối nay hay đêm mới thi hành.

- Ký, viết lệnh, đi tìm dấu niêm phong sắc chỉ trong lúc người ta đang đợi tôi để đi săn à, tôi là người chưa bao giờ bắt ai phải chờ đợi!

- Nhưng không, ta rất yêu quý con nên không thể làm chậm trễ cho con được, ta đã lo sẵn cả rồi, vào chỗ ta đây này!

Nhanh nhẹn như thể mới đôi mươi, Catherine đẩy một cánh cửa dẫn tới phòng làm việc của bà, chỉ cho nhà vua một lọ mực, một chiếc bút lông, một sắc chỉ, con dấu và một ngọn nến đã thắp.

Nhà vua cầm chiếu chỉ đọc lướt.

"Lệnh bắt và giải tới Bastille em ta Henri de Navarre".

- Được, xong rồi! - Ông vừa nói vừa ký liền một hơi - Chào mẹ.

Và ông lao ra khỏi buồng với lũ chó theo sau, vui mừng vì được thoát khỏi Catherine dễ dàng đến thế.

Mọi người sốt ruột đợi Charles. Ngườỉ ta biết rõ tính chính xác của nhà vua về việc săn bắn nên ai nấy đều ngạc nhiên trước sự chậm trễ này. Vì vậy khi nhà vua xuất hiện, tất cả những người đi săn cùng tung hô chào mừng ông, những người dồn thú thổi kèn săn, ngựa hý, chó sủa. Tất cả những tiếng ồn ào náo nhiệt ấy khiến gò má xanh xao của nhà vua ửng tlồng, trái tim ông rộn lên. Charles trẻ lại và vui sướng trong một khoảnh khắc.

Nhà vua chỉ chào lướt qua cả toán người lộng lẫy tập trung trong sân, ông gật đầu với quận công d Alençon, vẫy tay với Marguerite, đi qua trước mặt Henri mà tỏ ra không nhìn thấy ông này rồi lao lên con ngựa chiến xứ Barbari. Con ngựa nóng nhảy lao vọt lên dưới thân hình Charles, nhưng sau một vài cái gục gặc nó đã biết ngay tài của tay cao thủ cưỡi nó và bình tĩnh lại.

Ngay lập tức, kèn săn vang lên một lần nữa, nhà vua ra khỏi Louvre, theo sau là quận công d Alençon, vua Navarre, Marguerite, phu nhân de Nervers, phu nhân de Sauve, Tavannes và nhiều bậc công hầu khác trong triều. Hiển nhiên là De Mole và Coconnas cũng có mặt. Về phần quận công d Anjou, ông cũng có mặt tại cuộc phong tỏa thành La Rochelle từ ba tháng nay.

Trong lúc người ta chờ đợi nhà Vua. Henri tới chào vợ. Marguerite vừa đáp lại lời xưng tụng vừa rỉ tai chồng.

- Người đưa tin từ Rome đã được chính ông de Coconnas đưa vào chỗ quận công d Alençon một khắc đồng hồ trước khi tin sứ của quận công de Nervers được đưa vào chầu đức vua.

- Vậy là ông ta biết hết.

- Chắc là ông ta biết hết - Marguerite đáp - Vả lại cứ nhìn ông ta mà xem, bệ hạ có thấy là mặc dầu ông ta vẫn thường khéo che đậy nhưng mắt ông ta sáng rực.

- Mẹ khỉ - anh chàng Bearnais lẩm bẩm - Rõ rồi! Hôm nay ông ta săn ba con mồi: nước Pháp, nước Ba Lan và xứ Navarre, ấy là chưa kể lợn rừng.

Ông chào vợ, trở về hàng và gọi lại một người hầu của ông gốc xứ Bearn mà tổ phụ cũng đã theo hầu trong gia đình ông từ hơn một thế kỷ nay. Ông thường dùng người hầu đó làm người đưa tin trong các chuyện tình ái của mình.

- Orthon, cầm lấy chiếc chìa khoá này và đem đến cho người em họ của phu nhân de Sauve mà người biết đấy, tại nhà người tình của anh ta ở góc phố Quatre-Fils. Người bảo anh ta là chị họ anh ta muốn nói chuyện với anh ta tối nay, anh ta cứ việc vào phòng ta, nếu ta không có nhà thì đợi ta, nếu ta về muộn thì lên giường ta ngủ trong lúc chờ.

- Tâu bệ hạ, không cần trả lời.

- Không đâu, chỉ cần nói cho ta biết người có tìm được anh ta hay không thôi. Chỉ đưa chìa khoá cho anh ta thôi, hiểu chưa?

- Tâu bệ hạ, vâng.

- Chờ đã, đồ khỉ! Đừng có rời khỏi ta lúc này! Trước khi đi khỏi Paris, ta sẽ gọi người tới giả vờ là để đóng lại cương ngựa, người sẽ ở lại phía sau một cách tự nhiên thôi để đi làm nhiệm vụ rồi sẽ đuổi theo ta ở Bondy.

Người hầu tỏ ý phục tùng và rời xa.

Đoàn người bắt đầu đi qua phố Saint-Honoré, phố Saint-Denis và khu ngoại ô. Tới phố Saint-Laurent, ngựa của vua Navarre tuột cương. Orthon chạy tới và mọi việc diễn ra đúng như đã được thoả thuận giữa chú bé và chủ. Vua Navarre tiếp tục đi theo đoàn người qua phố Récollets trong lúc người đầy tớ trung thành đi về phía phố Temple.

Khi Henri đuổi kịp nhà vua, Charles đang trò chuyện với quận công d Alençon về thời tiết, về tuổi của con lợn độc vừa dụ được và về nơi nó đặt ổ. Cuộc chuyện trò hay đến mỗi nhà vua không nhận thấy hoặc giả vờ như không nhận thấy Henri đã tụt lại phía sau một lát.

Trong khi đó Marguerite từ xa nhận xét thái độ của mọi người. Nàng cảm thấy trong ánh mắt của anh mình đôi chút bối rối mỗi khi ông nhìn Henri. Phu nhân de Nervers thì vui sướng như điên vì hôm nay Coconnas vô cùng hớn hở làm muôn vàn điệu bộ quanh các bà để chọc cho họ cười.

Về phần De Mole, chàng đã hai lần thừa dịp để hôn lên chiếc khăn choàng viền tua vàng của Marguerite. Hành động đó làm với sự khéo léo thường có của những người đang yêu nên chỉ bị ba bốn người nhìn thấy mà thôi.

Khoảng tám giờ một khắc, đoàn người tới Bondy.

Việc đầu tiên của Charles là hỏi thăm xem con lợn rừng vẫn có đó hay không.

- Con lợn vẫn ở trong ổ - Người thợ săn dồn thú đã dụ được nó đảm bảo như vậy.

Một bữa ăn nhẹ được chuẩn bị sẵn. Nhà vua dùng một ly rượu vang Hungary. Charles IX mời các bà vào bàn và sốt ruột đi thăm các cũi chó và lồng chim để giết thì giờ. Ông ra lệnh không tháo yên cương ngựa của mình vì ông nói chưa bao giờ được cưỡi một con ngựa hay và khỏe đến thế.

Trong khi nhà vua lượn một vòng thì Quận công de Guise tới Quận công ăn vận như thể đi đánh trận chứ không phải để đi săn và khoảng hai ba chục quý tộc ăn vận như ông cũng đi theo ông. Vừa đến nơi ông dã hỏi ngay nhà vua ở đâu, ông đi tìm vua rồi hai người quay trở lại vừa đi vừa nói chuyện với nhau.

Đúng chín giờ đích thân nhà vua ban lệnh mở màn cuộc săn và thổi hiệu thả chó, mọi người đều lên ngựa tới điểm hẹn. Trên đường đi, Henri tìm được cách nhích lại gần vợ một lần nữa.

- Thế nào - Ông hỏi - Có biết được thêm điều gì mới không?

- Không - Marguerite đáp - Duy có điều ông anh Charles của tôi nhìn bệ hạ có vẻ lạ lắm.

- Tôi cũng đã nhận thấy thế.

- Ông đã dự phòng chưa?

- Tôi mặc trong người một chiếc áo giáp vòng sắt và bên mình có một con dao săn Tây Ban Nha tuyệt hảo, sắc như dao cạo, nhọn hoắt. Với nó, tôi đâm thủng được cả những lần lót áo.

- Vậy thì xin tuỳ lượng Chúa! - Marguerite đáp lại.

Người thợ dồn thú dẫn đầu đoàn người ra hiệu: họ đã tới hang ổ của con vật.

Chú thích:
(1) Gươm để tập

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 30

Maurevel

Trong khi đám thanh niên vui tươi vô tư lự, ít ra là xét theo vẻ bề ngoài, đang tỏa ra như một cơn lốc cuốn lấp lánh ánh vàng trên đường tới Bondy thì Catherine, tay cuộn tròn sắc lệnh quý hoá mà Charles vừa ký xong, cho gọi vào phòng làm việc của bà người mà vài ngày trước đây bà đã sai viên chỉ huy vệ binh đem tới cho một lá thư ở phố Cerisaie, khu Arsenal.

Một mảnh băng rộng như dấu ấn chết chóc che một trong hai con mắt của người đàn ông đó, chỉ để hở ra con mắt kia và giữa hai gò má cao là nét khoằm khoặm của cái mũi diều hâu. Một chòm râu muối tiêu che phần dưới gương mặt y. Y mặc chiếc áo choàng dài và dày, dưới lần áo người ta đoán ra cả một kho vũ khí. Ngoài ra, mặc dầu đó không phải là thói quen của những người được gọi vào chầu, y vẫn đeo ở bên sườn một thanh gươm trận dài, to và có hai vòng chuôi xoáy. Một tay y dấu dưới áo choàng và luôn luôn nắm lấy cán một con dao găm dài.

- A, ông đấy hả - Thái hậu vừa ngồi xuống vừa nói - Ông biết đấy, sau ngày Saint-Barthélémy ông đã giúp chúng ta bằng những việc lẫy lừng như thế, ta đã có hứa sẽ không để ông phải ngồi rỗi. Bây giờ, dịp ấy đến, hay là chính ta đã tạo ra dịp ấy. Ông phải cảm ơn ta.

- Thưa lệnh bà, thần xin rạp mình tạ ơn Người - Người đàn ông bịt băng đen nói với sự dè dặt vừa hèn hạ vừa láo xược.

- Một dịp tuyệt đẹp, ông ạ, chẳng còn dịp nào hơn thế trong đời ông đâu, hãy biết tranh thủ lấy nó.

- Thưa lệnh bà, thần xin đợi, tuy nhiên thần lo ngại rằng... theo những lời mào đầu này thì...

- Thì chắc công việc phải nặng tay chứ gì? Chính những kẻ muốn tiến thân lại mong muốn có những việc như vậy, có phải không? Việc mà ta nói với ông sẽ khiến cả bọn Tavannes lẫn bọn Guise phải phát thèm.

- A! Thưa lệnh bà, xin lệnh bà hãy tin rằng dù cho cộng việc đó là gì thần cũng xin tuân lệnh lệnh bà.

- Nếu vậy thì ông đọc đây - Catherine nói.

Và bà chìa chiếu chỉ cho ông ta.

Y đọc rồi tái mặt thốt lên:

- Sao? Lệnh bắt vua Navarre!

- Thế thì có gì lạ đâu?

- Nhưng đó là một ông vua, thưa lệnh bà. Quả thực thần còn ngờ, thần sợ phẩm giá quý tộc của mình chưa đủ để làm việc đó

- Ông de Maurevel, sự tin cậy của ta khiến ông trở thành người quý tộc cao nhất trong triều của ta. - Catherine đáp.

- Muôn vàn đội ơn lệnh bà - Kẻ giết người xúc động đến nỗi phải ngập ngừng.

- Vậy ông tuân lệnh chứ?

- Nếu như lệnh bà ra lệnh thì đó chính là bổn phận của thần.

- Đúng, ta ra lệnh.

- Vậy thần xin tuân lời.

- Ông sẽ làm như thế nào?

- Thưa lệnh bà, thần còn chưa biết, thần mong được lệnh bà chỉ bảo.

- Ông có ngại gây ồn ào không?

- Thần xin nhận là có.

- Vậy hãy chọn lấy mười hai người tin cẩn, nhiều hơn số cần thiết.

- Chắc vậy, thần đã hiểu. Lệnh bà cho phép thần được lợi thế, thần xin cảm tạ lệnh bà, nhưng thần sẽ bắt vua Navarre ở đâu?

- Ông thích bắt y ở đâu nhất?

- Nếu có thể được thì ở một nơi mà chính tính oai nghiêm vương giả sẽ đảm bảo cho thần thành công.

- Được ta hiểu, trong cung điện hoàng gia nào đó chứ gì? Vậy chẳng hạn như ở Louvre thì ông nghĩ sao?

- Ôi, nếu được lệnh bà cho phép thì đó sẽ là ân huệ lớn.

- Vậy ông sẽ bắt y trong Louvre.

- Ở nơi nào trong cung, thưa lệnh bà?

- Ở ngay chính phòng y.

Maurevel nghiêng mình.

- Thưa lệnh bà, bao giờ?

- Tối nay, hay đúng hơn là đêm nay.

- Thưa lệnh bà được. Bây giờ, xin lệnh bà hạ cố ban cho thần một lời chỉ dẫn.

- Về việc gì?

- Về những sự nể vì đối với tư cách của ông ta.

- Nể nang!... Tư cách!... Ông không biết rằng vua nước Pháp không phải nể vì bất cứ kẻ nào trong vương quốc của Người, không thừa nhận bất cứ ai là có đủ tư cách ngang hàng với Người hay sao?

Maurevel lại nghiêng mình thi lễ.

- Tuy nhiên, nếu lệnh bà cho phép, thần xin nhấn mạnh về đíểm này.

- Ta cho phép ông.

Nếu như vua Navarre không thừa nhận tính xác thực của chiếu chỉ, chắc sẽ không thế đâu, nhưng nếu...

- Ngược lại, chắc chắn sẽ như thế đấy.

- Ông ta sẽ phản đối.

- Chắc chắn.

- Và do đó ông ta sẽ từ chối không tuân lệnh ư?

- Ta e rằng thế.

- Ông ta sẽ kháng cự?

- Có thể lắm.

- A! Khó khăn thật! - Maurevel nói - Trong trường hợp này...

- Trong trường hợp nào? - Catherine nhìn chằm chằm và hỏi lại.

- Nhưng trong trường hợp ông ta kháng cự lại thì thần phải làm gì?

- Khi ông mang chiếu chỉ của nhà vua, tức là khi ông thay mặt đức vua mà người ta kháng cự lại thì ông làm gì, ông Maurevel?

- Thì... tâu lệnh bà - Tên sai nha đáp - Khi thần được vinh hạnh mang một chiếc chiếu chỉ như vậy, và nếu chiếu chỉ này chỉ liên can tới một quý tộc bình thường thôi thì thần sẽ giết y.

- Ta đã nói với ông, mà cũng nói chưa lâu lắm để đến nỗi ông quên đi nhanh thế. Ta đã bảo rằng vua nước Pháp không thừa nhận bất cứ một tư cách nào trong vương quốc của Người và bên Người những vương hầu uy tín nhất cũng chỉ là những quý tộc bình thường mà thôi.

Maurevel tái mặt vì y bắt đầu hiểu ra.

- Ô hô! Vậy phải giết vua Navarre ư?

- Nhưng ai bảo ông giết y? Làm gì có lệnh giết? Đức vua muốn đưa y về ngục Bastille, lệnh chỉ nói có thế thôi. Nếu y để cho bị bắt thì tốt lắm nhưng mà vì y sẽ không chịu để bị bắt, vì y kháng cự, vì y định giết ông...

Maurevel tái nhợt.

- Ông sẽ tự vệ - Catherine tiếp - Người ta không thể đòi hỏi một kẻ can trường như ông để bị giết mà không kháng cự, và trong lúc ông tự vệ thì biết sao được, điều gì phải tới sẽ tới.

- Ông hiểu ra rồi chứ?

- Tâu lệnh bà... Tuy nhiên...

- Thôi nào, ông có muốn sau câu: Lệnh bắt, ta tự tay viết thêm: dù sống hay chết, thế được không?

- Thưa lệnh bà, thần xin thú nhận điều đó sẽ làm nhẹ mối băn khoăn của thần.

- Thế thì phải làm thôi, vì nếu không ông vẫn nghĩ công việc không thể tiến hành được.

Và Catherine nhún vai, một tay giở tờ chiếu chỉ, tay kia viết: dù còn sống hay chết.

- Đây, bây giờ ông thấy chiếu chỉ đã khá hợp thức chưa?

- Tâu lệnh bà vâng, nhưng thần cúi xin lệnh bà cho phép thần được hoàn toàn điều khiển công việc này.

- Ta có nói điều gì hại cho việc tiến hành công việc đâu?

- Lệnh bà đã dạy phải lấy mười hai người phải không ạ?

- Ừ, để cho chắc ăn...

- Vậy thần xin phép chỉ lấy sáu người thôi.

- Tại sao vậy?

- Tâu lệnh bà, vì rằng nếu có chuyện không hay xảy đến cho ông hoàng, điều này rất khả dĩ, thì người ta dễ tha thứ cho sáu người đã sợ bị để hụt mất người tù trong khi đó không ai lại đi xá tội cho mười hai người về tội không để cho bị giết đi một nửa trước khi tóm được một vương gia.

- Vương mới chả tướng! Vua gì mà không có vương quốc.

- Tâu lệnh bà - Maurevel đáp - Không phải vì có vương quốc mới thành vua, mà là do dòng dõỉ.

- Thôi được, cứ làm như ông muốn. Tuy nhiên, ta phải báo với ông rằng ông sẽ không rời khỏi Louvre.

- Nhưng tâu lệnh bà, thế làm sao thu thập người của thần.

- Chắc ông phải có một tên cai lo việc này cho ông chứ?

- Thần có tên người hầu hắn không những là một gã trai trung thành mà đôi khi còn giúp thần trong những việc như thế này nữa.

- Cho gọi hắn đi, và bàn với hắn. Ông biết phòng vũ khí của đức vua chứ? Thế này, người ta sẽ dọn cho ông ăn ở đấy, ông sẽ ra lệnh ở đấy. Nơi ấy sẽ làm ông vừng lòng nếu ông cảm thấy bị lung lạc. Rồi khi con ta đi săn về, ông sẽ qua tiểu giáo đường của ta, ở đó ông sẽ đại cho đến giờ hành động.

- Nhưng chúng thần làm sao vào phòng được? Chắc chắn vua Navarre sẽ nghi ngờ và ngồi lỳ trong đó.

- Ta có chìa khoá của tất cả các cửa, và người ta đã lấy chốt cửa của Henri đi rồi. Tạm biệt ông, ông Maurevel. Ta sẽ cho người đưa ông vào phòng vũ khí của đức vua. À! Mà này, ông phải nhớ rằng điều nhà vua đã ban lệnh thì trước hết phải được thực hiện, không có sự miễn thứ nào được chấp nhận, thất bại hoặc không thành công đều sẽ khiến tổn hại tới danh dự của đức vua. Nghiêm trọng đấy.

Và Catherine, không để cho Maurevel kịp trả lời, gọi ông de Nancey, chỉ huy vệ binh, và ra lệnh cho ông ta đưa Maurevel vào phòng vũ khí của nhà vua.

- Khốn kiếp thật - Maurevel vừa đi theo người dẫn đường vừa. nhủ mình được thăng trật trên thang bậc ám sát: từ một gã quý tộc bình thường đến một viên chỉ huy, từ một viên chỉ huy đến một ngài đô đốc, từ một ngài đô đốc đến một ông vua không ngai vàng. Ai mà biết được, khéo có ngày mình lại vươn tới được cả một ông vua có ngai vàng ấy chứ?

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 31

Cuộc săn đuổi

Người thợ dồn thú dụ được con lợn rừng đã không nhầm khi khẳng định với nhà vua rằng con vật chưa ra khỏi vòng vây.

Con chó săn vừa được đưa tới chỗ có dấu con thú đã lao ngay vào rừng và xua được con vật ra từ một bụi gai rậm rạp.

Như người dồn thú đã nhận xét theo dấu chân của nó, đây quả là một con lợn độc, tức là một con lợn cỡ khá lớn.

Con vật chạy thẳng và qua đường trước nhà vua năm chục bước chân, theo sau chỉ có con chó săn đã dồn được con thú một góc. Người ta cho thả ngay tốp chó đầu tiên và khoảng hai chục con chó lao ngay theo con mồi.

Đi săn là niềm say mê của Charles. Con mồi vừa vượt qua đường là nhà vua lao ngay theo sau, thổi hiệu tù và nhìn thấy thú, sau ông là quận công d Alençon và Henri vì Marguerite đã ra hiệu cho chồng đừng rời khỏi Charles.

Tất cả những người đi săn lao theo nhà vua.

Vào cái thời xảy ra chuyện đi săn này, các khu rừng của hoàng gia ngày xưa đó, chưa được như những khu rừng ngày nay, tức là giống như các khu vườn lớn có các lối xe đi cắt ngang cắt dọc. Vua chúa thời đó còn chưa có sáng kiến tự biến mình thành người đi buôn và chia rừng của họ thành các khu rừng đốn gỗ, rừng thưa và rừng già. Cây cối không phải được những nhà trồng rừng thông thái gieo trồng mà nhờ bàn tay của Chúa, hạt được gieo theo gió. Chúng không được trồng theo hình ngũ điểm mà muốn mọc thế nào thì mọc như những khu rừng hoang ở châu Mỹ ngày nay. Tóm lại, vào thời đó, rừng là một hang ổ đầy rẫy những lợn rừng, hươu nai, chó sói và kẻ cướp. Khoảng chừng một chục những con đường mòn xuất phát từ giữa rừng chạy ngang dọc cả khu rừng Bondy và một con đường chạy vòng tròn bao lấy khu rừng như vành bánh xe.

Nếu so sánh hơn một chút thì cái ổ trục trông cũng giống như ngã tư đường duy nhất nằm giữa khu rừng, nơi những người đi săn lạc đường tụ tập nhau để từ đó lại lao tới chỗ mà cuộc săn vừa mất hút lại xuất hiện.

Sau một khắc đồng hồ, điều gì phải xảy đến đã xảy đến: những vật chướng ngại gần như không thể vượt qua được cản đường chạy của những người đi săn, tiếng chó sủa chìm đi nơi xa và đích thân nhà vua quay trở lại ngã tư, vừa đi vừa chửi thề theo thói quen.

- Thế nào, d Alençon? Thế nào, Henriot? Mẹ kiếp, các anh ở đây cứ thản nhiên như các bà sơ đi theo mẹ nhất ấy. Đấy không gọi là đi săn, biết không? D Alençon, nhìn anh giống công tử lắm, người anh sực nức nước hoa đến nỗi anh mà chạy qua giữa lũ chó của ta và con mồi thì sẽ khiến chúng mất dấu mồi mất. Còn anh, Henriot, giáo đâu, súng đâu? Xem nào!

- Tâu bệ hạ - Henri đáp - Súng để làm gì? Tôi biết bệ hạ thích bắn con mồi khi nó cự lại lũ chó. Còn giáo thì tôi sử dụng tồi lắrn, nó không thông dụng ở vùng núi của tôi, ở đó chúng tôi săn gấu với dao găm thường thôi.

- Mẹ khỉ! Này Henri, khi nào anh về cái vùng Pyrénées nhà anh thì phải gửi cho ta đầy một xe gấu đấy. Đi săn mà vật tay đôi với con mồi có thể bóp ngạt ta, thế mới thú chứ. Nghe xem, ta thấy hình như có tiếng chó sủa. Không, ta nhầm.

Nhà vua cầm lấy tù và và thổi một hơi. Nhiều tiếng tù và đáp lại. Đột nhiên một người thợ dồn thú hiện ra và thổi một điệu khác.

- Nhìn thấy con mồi rồi! Nhìn thấy rồi! - Charles kêu lên.

Và ông phi nước đại, theo sau là tất cở những người đi săn đã tụ tập quanh ông.

Người dồn thú không nhầm. Nhà vua càng tiến lên thì người ta càng nghe thấy tiếng sủa của đàn chó gồm khoảng hơn sáu chục con vì người ta đã lần lượt thả tất cả những bầy chó đặt ở những nơi con mồi chạy qua. Nhà vua thấy con mồi vút qua một lần nữa và lợi dụng một vạt rừng cao, ông lao luôn theo con thú vào rừng, vừa phi vừa ra sức thổi tù và.

Các hoàng thân còn theo ông được một lúc. Nhưng ngựa của nhà vua khỏe và hăng máu chạy theo những con đường gập ghềnh, những khu rừng lá thấp rậm rạp đến nỗi trước hết là các bà sau đến quận công de Guise và các quý tộc tuỳ tùng của ông tới rồi đến hai ông hoàng đều buộc phải bỏ cuộc. Tavannes còn giữ vững được một lát, nhưng rồi cũng bỏ cuộc nốt.

Thế nên trừ Charles và một vài người dồn thú hăng hái vì món tiền thưởng đã hứa là còn bám theo nhà vua, còn tất cả mọỉ người đều ở quanh khu ngã tư.

Hai hoàng thân đứng gần nhau trên một lối đi dài. Quận công de Guise và người của mình dừng lại cách họ khoảng trăm bước. Các bà thì đứng ở chỗ ngã tư.

- Quả thực cái thằng cha này cùng với đám tuỳ tùng vũ trang đến tận răng của hắn, trông cứ như vua thật ấy nhỉ? - Quận công d Alençon đưa mắt chỉ quận công de Guise cho Henri - Chúng ta là những ông hoàng mới khốn khổ chứ, hắn chẳng thèm đoái nhìn chúng ta lấy một lần gọi là.

- Sao lại đòi hắn phải đối xử với chúng ta tử tế hơn bà con của chính chúng ta? - Henri đáp - Ê này Frnaçois, anh với tôi chẳng phải là tù binh, là con tin của phe chúng ta ở triều đình Pháp là gì?

Nghe vậy, quận công François giật mình và nhìn Henri như muốn mời ông giải thích rõ thêm. Nhưng Henri thấy mình đã quá lời hơn thường lệ và ông nín lặng.

- Anh muốn nói gì vậy, Henri? - Quận công François hỏi.

Rõ ràng là ông ta tức mình vì ông anh rể không chịu nói tiếp để cho ông ta phải mớm lời đòi giải đáp.

- François, tôi muốn nói rằng những kẻ được vũ trang quá tốt như thế kia, hình như có nhiệm vụ bám sát chúng ta, nom có vẻ như những tên lính gác để ngăn không cho hai ta trốn đi.

- Trốn đi - Tại sao? Như thế nào? - d Alençon đóng vai kinh ngạc ngây thơ thật khéo.

- Con ngựa Tây Ban Nha của anh hay quá François ạ - Henri vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình tuy có vẻ như đã nói sang chuyện khác - Tôi tin chắc rằng nó chạy được bảy dặm trong vòng một giờ, từ nay đến trưa phải được hai mươi dặm. Trời đẹp quá, tôi thề chứ điều đó cám dỗ người ta hành động. Anh cứ nhìn con đường xinh xắn chạy ngang kia xem. Nó không quyến rũ anh à, François? Về phần tôi thì cựa giày tôi ngứa ngáy lắm.

François không trả lời. Tuy nhiênn, ông ta hết đỏ lại tái mặt đi, rồi ông ta vểnh tai như thể đang nghe ngóng cuộc săn.

"Tin về Ba Lan có tác dụng rồi đây - Henri tự nhủ - Ông em vợ thân yêu của mình có kế hoạch riêng. Hắn muốn mình bỏ trốn, nhưng mình đâu có bỏ trốn một mình".

Ông vừa kịp nghĩ tới đó thì nhiều người mới cải đạo quay về triều đình từ hai ba tháng nay, phóng nước kiệu tới và chào hai hoàng thân với nụ cười hết sức mời mọc.

Bị kích lên bởi những lời mời của Henri, quận công d Alençon chỉ cần nói một tiếng, chỉ cần phác một cử chỉ thì rõ ràng là ba bốn chục kỵ mã, lúc này đang vây quanh họ như để đối lại với nhóm của ông de Guise, sẽ tạo điều kiện cho cuộc trốn chạy. Nhưng quận công quay mặt đi, đưa tù và lên miệng nổi hiệu kèn tập hợp.

Tuy nhiên những người mới tới tưởng rằng sự ngập ngừng của quận công d Alençon là do quận công Guise ở gần bên nên họ dần dần xen vào giữa đám de Guise và hai hoàng thân. Họ chia hàng với một sự khéo léo chiến lược chứng tỏ đã qụen với các cách bài binh bố trận. Quả thực, nếu vươn tới chỗ quận công d Alençon và vua Navarre có lẽ phải đạp qua xác họ mà đi, trong khi đó thì một con đường hoàn toàn rộng rãi tự do trải dài trước mắt hai anh em rể.

Đột nhiên, từ giữa lùm cây, cách vua Navarre mươi bước, xuất hiện một nhà quý tộc mà hai hoàng thân trước đó chưa kịp nhìn thấy. Henri đang cố đoán xem đó là ai thì nhà quý tộc nhấc mũ ra để Henri nhận ra đó là tử tước de Turenne, một trong những thủ lĩnh của phe Tân giáo mà người ta cứ tưởng còn đang ở Poitou.

Tử tước phác một cử chỉ rõ ràng có ý hỏi:

- Các ngài có đi không?

Nhưng sau khi đã quan sát kỹ khuôn mặt thản nhiên và ánh mắt không thần sắc của quận công d Alençon, Henri lúc lắc đầu hai ba lần tựa như có gì làm vướng ông trong cổ áo chẽn. Đó là câu trả lời phủ định. Tử tước hiểu vậy, thúc ngựa và biến mất sau lùm cây.

Cùng lúc đó người ta nghe tiếng bầy chó tiến lại gần. Rồi ở phía đầu kia của lối đi họ đang đứng, người ta thấy con lợn rừng chạy vụt qua, rồi đến lũ chó; rồi đến Charles đầu không mũ, tù và ngậm miệng thổi đến vỡ phổi như một người đi săn ma quái ba bốn người dồn thú còn theo ông. Tavannes đã biến mất.

- Đức vua! - Quận công d Alençon thốt lên, và ông ta lao theo dấu chân Charles.

Henri yên tâm về sự có mặt của những người bạn tốt, ra lệnh cho họ đừng rời xa và tiến về phía các bà.

- Thế nào? - Marguerite tiến vài bước về phía ông hỏi.

- Thế này, thưa bà, chúng ta đang săn lợn rừng.

- Chỉ có thế thôi ư?

- Vâng, từ sáng hôm qua gió đã đổi chiều, nhưng tôi tưởng đã báo trước cho bà là sự thể sẽ như thế rồi chứ?

- Gió đổi chiều như vậy thì sẽ không có lợi cho cuộc săn phải không ông? - Marguerite hỏi.

- Vâng, đôi khi việc đó làm thay đổi tất cả những cung cách đã định, phải làm lại cả một kế hoạch.

Lúc đó người ta nghe thấy tiếng bầy chó gần lại một cách nhanh chóng. Bụi mịt mù báo cho các nhà đi săn phải chuẩn bị sẵn sàng. Mọi người đều ngẩng đầu nghe ngóng.

Gần như ngay lập tức con lợn rừng ló ra và đáng lẽ lao vào rừng nó lại chạy theo đường thẳng tới chỗ ngã tư nơi đang tụ tập các bà, các nhà quý tộc tán tỉnh họ và những người đi săn bị lạc dấu chân thú. Sau con thú là khoảng ba bốn chục con chó vào loại to khỏe nhất bám sát nó, rồi chưa đầy hai chục bước là vua Charles không mũ, không áo choàng, áo quần rách tả tơi vì bị gai cào, mặt và tay đầy máu.

Chỉ còn lại một hai người dồn thú cùng ông. Nhà vua hết thổi tù và lại thúc lũ chó, hết thúc lũ chó lại thổi tù và. Cả thế giới đều biến mất dưới mắt ông. Nếu ngựa của ông hụt chân chắc ông đã kêu lên như vua Richard III: "Đổi ngai vàng của ta lấy một con ngựa đây!"

Nhưng con ngựa cũng tỏ ra hăng máu như chủ, nó phi chân không chạm đất và mũi như phì ra lửa khói. Con mồi, lũ chó và nhà vua lao vút qua như một ảo ảnh.

"Alali! Alali!"(1) - Charles vừa hét lên vừa lao qua.

Và ông lại đưa tù và lên đôi môi đang ứa máu.

Cách sau ông vài bước là quận công d Alençon và hai người dồn thú, ngựa của những người khác đã bỏ cuộc săn hoặc bị mất dấu chân. Tất cả mọi người đều chạy theo dấu vì rõ ràng là con thú sắp trụ lại để kháng cự.

Quả thực chưa đầy hai mươi phút sau, con lợn rừng rời khỏi con đường mòn và lao vào rừng, nhưng tới một quãng rừng thưa, nó lui về một tảng đá và chống chọi với lũ chó.

Nghe tiếng kêu của Charles đang bám sát con vật, mọi người đều đổ tới. Người ta đã đến đúng vào lúc hay nhất của cuộc săn. Con vật quyết kháng cự một cách tuyệt vọng. Lũ chó bị kích động sau một cuộc chạy ròng ba tiếng đồng hồ liền nên hăng máu lao vào con mồi và được khích lệ thêm bằng những tiếng kêu hò chửi bới của Charles.

Những người đi săn quây lại thành vòng, Charles đứng hơi nhích lên phía trước, sau ông là quận công d Alençon với khẩu hỏa mai và Henri tay chỉ cầm một con dao săn. Quận công d Alençon tháo súng khỏi móc và châm mồi lửa. Henri giật con dao găm trong vỏ.

Còn quận công de Guise khá coi thường tất cả những trò săn bắn này nên ông đứng hơi tách ra cùng với các quý tộc của mình.

Các phu nhân đứng nhóm lại thành một tốp cân đối với tốp của quận công de Guise.

Tất cả những kẻ ham săn bắn đều khắc khoải chờ đợi, mắt chăm chăm nhìn con mồi.

Một người dồn thú đứng riêng bên ngoài đang ưỡn người ra để giữ lại hai con chó ngao của nhà vua. Trong lớp áo giáp sắt, chúng đang chờ vừa sủa vừa chồm lên khiến người ta có thể tưởng rằng đến lúc chụp con mồi chúng có thể giựt đứt cả dây xích.

Con vật bị săn đuổi thật tuyệt vời: Bị một đàn khoảng bốn chục con chó vây bọc lấy như một lớp sóng triều gầm gào phủ lên nó bằng những màu sắc hỗn độn khác nhau và cố gắng ngoạm vào lớp da xù xì đầy lông dựng đứng của nó, con lợn rừng cứ mỗi cú húc mõm lại hất tung lên cao khoảng mười bộ một con chó mà khi rơi xuống đất đã bị lòi ruột nhưng vẫn lao vào trận chiến với gan ruột lòng thòng. Trong khi đó Charles tóc tai bết cứng, mắt tóe lửa, cánh mũi nở rộng đang rạp người trên cổ ngựa đẫm mồ hôi và rúc lên một hồi kèn Alali giận dữ.

Chỉ chưa đầy mươi phút, hai chục con chó bị loại ra khỏi vòng chiến.

- Chó gộc đâu? Chó gộc đâu? - Charles hét lên.

Nghe tiếng kêu đó, người dồn thú mở móc xích sắt và hai con chó ngao lăn xả vào giữa cuộc huyết chiến. Với lớp giáp sắt chúng húc nhào và gạt ra mọi thứ, vạch ra một đường tới tận con mồi và mỗi con chó ngoặm lấy một bên tai con thú.

Cảm thấy bị nắm tai, con lợn lòi bập răng vào nhau vì tức giận và đau đớn.

- Khá lắm, Duredent! Khá lắm Risquetout - Charles thét lên - Cam đảm lên lũ chó! Giáo đâu? Giáo đâu?

- Bệ hạ có muốn lấy súng của tôi không? - Quận công d Alençon hỏi.

- Không! Không! Ta không cảm thấy được đạn xuyên vào thịt - Charles quát - Có giáo thì ta cảm thấy hay hơn. Giáo đâu? Giáo đâu?

Người ta dâng lên nhà vua một cây giáo đầu đã được tôi lửa và có mũi sắt.

- Cẩn thận anh ạ! - Marguerite kêu lên.

- Vào đi! Vào đi! - Quận chúa de Nervers kêu - Xin bệ hạ đừng đâm trượt nó! Bệ hạ đâm cho cái đồ vô đạo ấy một mũi ra trò vào!

- Cứ yên tâm, quận chúa! - Charles trả lời.

Và vừa lăm lăm tay giáo ông vừa lao con thú đang bị hai con chó giữ rịt và không thể tránh được cú đòn. Tuy nhiên, khi nhìn thấy mũi giáo sáng loá, nó cựa mình sang một bên và ngọn giáo đáng lẽ đâm vào ngực nó lại bị quằn đi khi đâm vào tảng đá con vật đang tựa vào.

- Bố sư khỉ! - Nhà vua hét lên - Trượt rồi... Giáo đâu? Giáo đâu?

Và vừa giật lùi lại như những kỵ mã thường làm khi họ lấy đà ông ném ngọn giáo bị hỏng ra cách mình mươi bước.

Một người dồn thú tiến lên dâng ông một ngọn giáo khác.

Nhưng cùng lúc đó, dường như con vật đoán trước số phận đang chờ đợi nó và muốn lẩn tránh nên với một cố gắng mãnh liệt nó giật đôi tai rách nát ra khỏi mõm lũ chó gộc và mắt ngầu máu, lông lá dựng ngược, xấu xí đến rùng rợn, thở phì phò như bễ lò rèn, răng đánh vào nhau, cứ thế nó chúi đầu lao thẳng tới con ngựa của nhà vua.

Là tay săn cừ nên Charles đã lường trước được sự phản công này. Ông giật cương cho ngựa chồm lên, nhưng ông tính lầm sức căng hoặc vì bị hàm thiếc thít chặt quá hoặc thậm chí có khi bị nỗi sợ hãi xâm lấn, con ngựa ngã vật ra đằng sau.

Tất cả những người đứng xem cùng kêu lên một tiếng kinh hoàng: con ngựa bị ngã còn nhà vua bị kẹp một chân dưới ngựa.

- Buông tay, xin bệ hạ buông tay ra! - Henri kêu lên.

Nhà vua buông cương ngựa, tay trái nắm lấy yên và cố dùng tay phải rút con dao săn, nhưng con dao bị thân hình ông đè lên, không ra được khỏi vỏ.

- Con lợn rừng! Con lợn rừng! - Charles kêu - Cứu ta, cứu ta với, d Alençon!

Trong khi đó con ngựa định thần lại, dường như nó hiểu được nỗi nguy hiểm của chủ, nó căng hết gân cốt và đã đứng dậy được trên ba chân thì Henri thấy François tái mặt đi một cách đáng sợ khi nghe vua anh gọi. Ông ta đưa súng lên vai, nhưng viên đạn đáng lẽ phải trúng vào con vật chỉ còn cách nhà vua có hai bước chân, lại bắn vỡ đầu gối con ngựa, khiến nó ngã gục mõm xuống đất. Cùng lúc đó, con lợn rừng đưa mõm giằng xé chiếc ủng của Charles.

- Ôi! - d Alençon lẩm bẩm bằng đôi môi nhợt nhạt - Ta nghĩ rằng quận công d Anjou sẽ là vua nước Pháp, còn ta sẽ là vua Ba Lan.

Quả thực, lúc con lợn rừng đã bắt đầu cào xé đùi Charles thì nhà vua cảm thấy có ai đó nâng tay mình lên, rồi ông thấy một lưỡi dao nhọn sắc lấp lánh đâm ngập lút tận cán vào điểm yếu trên vai con vật. Một bàn tay đi găng sắt gạt cái đầu lợn rừng đang thở đầy hơi khói dưới quần áo của ông.

Sau cử động của con ngựa, Charles đã rút được chân ra và nặng nề đứng dậy. Thấy mình bê bết máu, ông trở nên tái nhợt như xác chết.

- Tâu bệ hạ - Henri vẫn quỳ giữ con lợn rừng bị đâm trúng tim - Không sao hết. Tôi đã gạt hàm nó ra và bệ hạ không bị thương.

Rồi ông buông dao đứng dậy, con lợn rừng gục xuống máu từ mồm nó ộc ra nhiều hơn cả từ vết thương.

Cả đám người hồi hộp vây lấy Charles, những tiếng kêu kinh hoàng có thể làm choáng váng kẻ can trưởng nhất dội vào ông khiến cho có lúc ông suýt ngã xuống gần con vật đang gần chết. Nhưng ông tĩnh trí lại, quay về phía vua Navarre, ông nắm tay Henri và nhìn ông ta với ánh mắt xúc động đầu tiên trong cuộc đời hai mươi bốn tuổi của mình.

- Cám ơn! Henriot! - Nhà vua nói.

- Ôi anh! - d Alençon thốt lên khi tiến lại gần Charless.

- A, chú đấy hả, d Alençon? Thế nào, anh thợ săn cừ khôi, phát đạn của chú đi đâu rồi?

- Chắc là xuyên vào con thú rồi - Quận công đáp.

- Ê! Chúa ơi! - Henri thốt lên với vẻ ngạc nhiên giả vờ khéo léo - Nhìn xem kìa, Florence, viên đạn của anh bắn gãy chân con ngựa của hoàng thượng. Lạ thật!

- Sao? - Nhà vua hỏi - Thật à?

- Cũng có thể - Quận công sững người đáp - Tay tôi run quá!

- Florence, sự thật là đối với một tay săn cừ như anh, anh đã làm một phát lạ đấy - Charles cau mày nói - Một lần nữa, cám ơn Henriot! Các ngài, quay về Paris thôi, ta đủ rồi.

Marguerite tiến lại gần để khen ngợi Henri.

- A! Thế chứ, đúng đấy, Margot - Charles nói - Khen hắn đi và chân thành vào nhé, vì nếu không có hắn thì vua nước Pháp đã là Henri đệ tam(2) mất rồi.

- Tiếc thay, thưa bà! - Anh chàng Bearnais đáp - Quận công d Anjou vốn đã là kẻ thù của tôi, sẽ lại giận tôi lắm đấy. Nhưng biết sao được! Sức đến đâu thì làm đến đó thôi, bà cứ hỏi ông d Alençon mà xem.

Và ông cúi xuống rút con dao săn từ mình con lợn rừng, đâm vào đất vài lần để chùi máu.

Chú thích:
(1) Tiếng kêu để báo hiệu con thú đã cùng đường.
(2) Ý nói Henri d Anjou sẽ lên nối ngôi là Henri III

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 32

Tình anh em

Cứu Charles, Henri đã vượt ra ngoài việc cứu một người, ông đã ngăn cho ba vương quốc khỏi thay đổi chủ.

Quả thực, nếu Charles chết, quận công d Anjou sẽ trở thành vua Pháp, còn quận công d Alençon chắc chắn sẽ trở thành vua Ba Lan. Còn về xứ Navarre, vì quận công d Anjou là nhân tình của phu nhân de Condé nên hẳn là vòng vương miện Navarre sẽ được trả cho ông chồng vì sự dễ dãi của bà vợ.

Trong sự xáo động lớn lao đó, chẳng có gì tốt lành cho Henri cả ông chỉ đổi chủ, thế thôi. Và thấy rằng Charles là người vẫn còn dung thứ ông, ông lại phải thấy quận công d Anjou lên ngôi vua nước Pháp, mà ông này vốn dĩ rất tâm đầu ý hợp với bà mẹ Catherine, đã thề giết ông và chắc chắn sẽ giữ lời thề.

Tất cả những ý đó đã cùng nảy ra một lúc trong đầu ông khi ông thấy con lợn lòi lao xổ đến Charless IX. Và chúng ta đã thấy rõ kết quả sự suy tư nhanh như chớp này. Tính mạng ông đang gắn liền với tính mạng Charless.

Charles được cứu thoát bởi lòng tận tụy mà nhà vua khó lòng hiểu được nguyên do.

Nhưng Marguerite đã hiểu hết và nàng khâm phục lòng dũng cảm kỳ quặc của Henri vốn như tia chớp, chỉ lóe lên trong giông tố. Song điều không may vẫn còn? Thoát khỏi sự trị vì của quận công d Anjou chưa đủ, còn cần phải làm cho tự mình thành vua nữa. Cần phải tranh giành xứ Navarre với quận công d Alençon và ông hoàng Condé, nhất là còn cần phải rời bỏ cái triều đình này, nơi lúc nào ông cũng phải đứng chênh vênh như đứng giữa hai vực thẳm, nhưng việc rời bỏ nó phải được một hoàng tử Pháp hộ vệ.

Trên đường từ Bondy trở về, Henri đã suy nghĩ sâu xa về tình thế. Tới Louvre, kế hoạch của ông đã thảo xong.

Không tháo ủng, mình mẩy vẫn còn đầy bụi bặm và máu me như thế, Henri tới cung quận công d Alençon trong lúc ông này đang rất kích động, xoạc cẳng dạo những bước dài trong phòng.

Khi thấy Henri, ông hoàng phác một cử chỉ.

- Vâng, tôi hiểu - Henri vừa nói vừa nắm lấy hai tay quận công - Người anh em, anh giận tôi vì tôi là người đầu tiên khiến nhà vua để ý tới viên đạn của anh đã bắn vào chân ngựa của Người thay vì bắn vào con thú như anh định làm. Nhưng biết sao được? Tôi không thể kìm được tiếng kêu kinh ngạc. Vả lại, rồi nhà vua cũng sẽ tự nhận thấy thôi, phải không?

- Hẳn thế - d Alençon lẩm bẩm - Nhưng tôi chỉ có thể coi cái kiểu tố giác của anh là có dụng ý xấu, và như anh thấy đấy kết quả đã không phải gì khác hơn là đã khiến anh Charles nghi ngờ dụng ý của tôi và làm cho quan hệ giữa chúng tôi vẩn đục.

- Chúng ta sẽ bàn về việc đó sau. Còn về phần tôi có dụng ý tốt hay xấu đối với anh thì thế nào, tôi đã tự tới đây để xin anh xét đoán.

- Được, anh nói đi, tôi nghe - Quận công d Alençon nói với vẻ giữ gìn thường ngày.

- Khi tôi đã nói thì anh sẽ thấy rõ các ý định của tôi là thế nào, François ạ, vì lời tâm tình mà tôi thổ lộ với anh đây vượt ra ngoài tất cả những sự giữ gìn và thận trọng, và khi tôi nói xong thì chỉ một lời thôi anh cũng có thể khiến tôi nguy.

- Chuyện gì vậy kìa? - François bắt đầu nao núng.

- Tuy nhiên - Henri nói tiếp - Tôi đã do dự rất lâu trước khi nói với anh về cái điều đã đưa tôi đến đây, nhất là sau cái kiểu mà anh cố tình làm ngơ hôm nay.

- Quả thật tôi không hiểu, anh muốn nói gì. Henri? - François tái mặt.

- François ạ, tôi tha thiết với các quyền lợi của anh đến mức tôi phải báo với anh rằng những người Tân giáo đã cho tiến hành những cuộc vận động với tôi.

- Vận động à? Vận động gì?

- Một trong số họ, ông de Mouy , con trai của ông de Mouy can trường đã bị Maurevel ám sát, anh biết đấy...

- Đúng thế.

- Thế này, ông ta liều mạng đến báo với tôi rằng tôi đang bị cầm tù.

- A! Thật à? Thế anh trả lời ông ta thế nào?

- François, anh biết rằng tôi rất yêu quý Charles là người đã cứu sống tôi và Thái hậu đã thay thế mẹ tôi. Vậy nên tôi đã từ chối tất cả những sự mời mọc mà ông ta dành cho tôi.

- Thế những sự mời mọc đó là gì?

- Những người Tân giáo muốn tái lập lại ngai vàng xứ Navarre, và vì trên thực tế ngai vàng này theo thừa kế là thuộc về tôi nên họ dành nó cho tôi.

- Vâng, vậy là de Mouy đáng lẽ nhận được sự ưng thuận mà ông ta tới cầu xin anh thì đã lại nhận được sự từ chối của anh.

- Lời từ chối chính thức... thậm chí lại còn viết ra nữa. Nhưng từ lúc đó tới nay... - Henri tiếp tục.

- Anh hối hận rồi chăng, Henri? - d Alençon ngắt lời.

- Không, tuy nhiên tôi nghĩ là đã nhận thấy de Mouy, do bất bình với tôi, nên hướng những mục tiêu của mình về phía khác.

- Về đâu vậy? - François hấp tấp hỏi.

- Tôi cũng không biết. Có lẽ là về phía ông hoàng Condé.

- Ừ cũng có thể.

- Vả lại - Henri tiếp - Tôi có một cách rất chắc chắn để biết được người thủ lĩnh mà ông ta đã tự chọn.

François trở nên nhợt nhạt.

- Nhưng nội bộ những người Tân giáo bị chia rẽ - Henri vẫn tiếp tục - Dù can trường và trung thực đến mấy, de Mouy cũng chỉ là đại diện cho một phần trong phe. Bộ phận kia cũng không phải là không đáng chú ý, họ vẫn chưa mất hết hy vọng đưa được lên ngôi,cánh tay Henri de Navarre này mà sau những giây phút do dự ban đầu có thể nay đã nghĩ lại.

- Anh nghĩ thế ư?

- Ồ ngày nào mà tôi chẳng nhận được những chứng cớ.

Cái nhóm người đã theo chúng ta trong cuộc săn, anh có nhận thấy họ gồm những người như thế nào không?

- Có đó là những quý tộc cải đạo.

- Còn người thủ lĩnh nhóm đó đã ra hiệu cho tôi thì anh có nhận ra ai không?

- Có, đó là tử tước de Turenne.

- Vậy anh có hiểu họ đề nghị với tôi điều gì không?

- Họ đề nghị anh bỏ trốn.

- Vậy rõ ràng còn một phe nữa có mong muốn khác với điều ông de Mouy muốn - Henri nói trong lúc François bắt đầu tỏ ra lo lắng.

- Một phe nữa à?

- Vâng, và tôi xin nói với anh là phe đó rất mạnh cho nên để được thành công cần phải thống nhất hai phe nhóm của Turenne và de Mouy. Việc âm mưu đang được tiến hành, các đội quân đã được chỉ định, người ta chỉ còn đợi hiệu lệnh. Và trong tình huống tối hậu này đòi hỏi ở tôi một giải pháp nhanh chóng thì tôi lại phải xét tới hai quyết định mà tôi đang còn lưỡng lự. Nay tôi xin trình bày với anh về hai quyết định đó như là với một người bạn

- Anh cứ coi như là với một người anh em đi.

- Vâng, như với một người anh em - Henri lặp lại.

- Vậy anh nói đi, tôi nghe đây.

Trước tiên, tôi phải bày tỏ với anh về trạng thái tâm hồn tôi François thân mến ạ. Tôi không có mong muốn, không có tham vọng, không có năng lực nào. Tôi chỉ là một anh quý tộc quê mùa hiền lành, nghèo, ưa khoái cảm và rụt rè. Cái nghề làm người âm mưu chỉ cho tôi thấy trước những sự thất sủng mà dù cô nhìn thấy ngai vàng trước mắt cũng không bù lại được.

- A, Henri! Anh tự làm thiệt hại cho mình đấy. Thật đáng buồn cái cảnh một ông hoàng mà vận hạnh bị bó buộc bởi dòng phụ hệ hoặc bởi một con người trong sự nghiệp vinh quang.

- Tôi chẳng tin những điều anh nói đâu. Tuy nhiên, François ạ, những điều tôi nói với anh là thật đến nỗi nếu như tôi có một người bạn thực sự, tôi sẽ vì anh ta mà từ bỏ thế lực mà cái phe đảng quan tâm tới tôi muốn dâng lên tôi. Nhưng - Henri thở dài nói thêm - Tôi không có được người bạn như thế.

- Có thể có đấy. Chắc là anh nhầm.

- Không đâu! Quái thật! Trừ anh ra, François, tôi không thấy ai gắn bó với tôi cả. Thế nên thực tình tôi nghĩ thà báo cho đức vua về những điều đang xảy ra còn hơn là để cho cái ý đồ đến lúc thất bại với những sự xâu xé khủng khiếp sẽ phơi bày ra một người... vô hạnh nào đấy... Tôi sẽ không nói rõ tên ai, không nêu xứ sở lẫn ngày tháng, nhưng tôi sẽ báo trước tai hoạ.

- Chúa ơi! - François không kìm được nỗi kinh hoàng thốt lên - Anh nói gì vậy? Sao? Anh? Anh là niềm hy vọng duy nhất của phe Tân giáo từ khi đô đốc mất đi! Anh? Một người Tân giáo cải đạo, mà lại còn cải đạo rất dở nữa, ít ra là theo người ta bảo thế, anh lại kề dao vào cổ anh em mình ư? Ôi Henri, anh có biết rằng làm như vậy là anh đưa tất cả những người theo Calvin vào một ngày lễ Saint-Barthélémy thứ hai hay không? Anh có biết rằng Catherine chỉ mong có một dịp như thế để thanh toán nốt những kẻ nào còn sống sót hay không?

Quận công run rẩy, mặt ông vằn lên những vệt đỏ tái lẫn lộn, ông siết tay Henri để cầu khẩn ông này từ bỏ cái quyết định sẽ làm ông lâm nguy đó.

- Sao cơ - Henri nói với vẻ chất phác thật hoàn hảo - François, anh nghĩ rằng sẽ có rất nhiều bất hạnh đến thế kia - Tuy nhiên, tôi nghĩ là với lời hứa của đức vua, ông sẽ đảm bảo được cho tính mạng của những kẻ bất cẩn.

- Lời hứa của đức vua Charless IX ư, Henri? Ê này, đô đốc chẳng đã được hứa là gì? Và chính anh cũng chẳng đã được hứa là gì? Ôi, Henri, tôi xin nói với anh rằng, nếu anh làm như thế, anh sẽ giết họ cả nút. Không chỉ họ mà thôi đâu, mà cả những ai có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với họ nữa kia.

Henri tỏ ra suy nghĩ một lát:

- Nếu như tôi là một ông hoàng có thế lực ở triều đình chắc tôi sẽ hành động khác. Chẳng hạn, vào địa vị anh, François, hoàng tử Pháp, người thừa kế khả dĩ của ngôi báu...

François lắc đầu một cách châm biếm, rồi hỏi:

- Ở địa vị tôi, anh làm gì cơ?

- François ạ, ở địa vị anh, tôi sẽ đứng lên làm thủ lãnh phong trào để điều khiển nó. Tên tuổi và sự tín nhiệm vào tôi sẽ đảm bảo với lương tâm tôi về tính mạng của những kẻ phản loạn. Và trước tiên là tôi dành được phần lợi cho tôi, sau đó là cho đức vua, có lẽ thế, trong một công cuộc mà nếu khác đi sẽ có thể gây hại rất lớn cho nước Pháp.

D Alençon lắng nghe những lời đó với một niềm vui khiến cho tất cả thớ thịt trên gương mặt ông ta nở nang ra.

Anh nghĩ phương cách đó có thể thực hiện được không? - François hỏi - Và nó sẽ tránh cho chúng ta khỏi tất cả những tai hoạ mà anh tiên đoán ư?

- Tôi tin chứ, những người Tân giáo yêu quý anh: bề ngoài khiêm tốn của anh, địa vị cao và lại thế của anh, cuối cùng là lòng độ lượng mà anh vẫn thường tỏ ra đối với những người Tân giáo khiến họ hướng về phục vụ anh.

- Nhưng trong phe còn có chia rẽ, những người ủng hộ anh liệu có ủng hộ tôi không?

- Tôi xin chịu trách nhiệm lôi kéo họ cho anh vì hai lý do.

- Lý do gì?

- Trước hết là nhờ vào lòng tin của các thủ lĩnh đối với tôi, thứ nữa là nhờ vào sự e sợ của họ đối với điện hạ, khi Người đã biết tên họ...

- Nhưng những tên ấy thì ai tiết lộ cho tôi?

- Tôi chứ còn ai! Quái quỷ thật!

- Anh sẽ làm như thế à?

- François, anh nghe này, tôi đã nói với anh rằng tôi chỉ có yêu quý có anh ở trong triều - Henri tiếp tục - Chắc hẳn đó là vì anh cũng bị ngược đãi như tôi, với lại vợ tôi cũng yêu quý anh với một tình quý mến không gì sánh nổi...

François đỏ mặt lên vì hài lòng.

- Hãy nghe tôi, François ạ - Henri tiếp - Hãy nắm lấy việc này, hãy trị vì xứ Navarre. Và miễn là anh dành cho tôi một chỗ trên bàn ăn của anh và một khu rừng đẹp để đi săn thì tôi sẽ tự coi mình là kẻ sung sướng rất mực.

- Trị vì xứ Navarre! Thế nhưng nếu...

- Nếu quận công d Anjou được phong làm vua Ba Lan phải không? Tôi nói nốt hộ anh đấy.

François nhìn Henri với vẻ sợ hãi.

- Thế này, anh nghe đây nhé, François! Vì chẳng có gì lọt khỏi mắt anh được, và tôi suy luận chính là theo cái giả thiết đó: nếu quận công d Anjou được phong làm vua Ba Lan và anh Charles của chúng ta, lạy Chúa xin giữ gìn cho, băng hà thì từ Pau tới Paris chỉ có hai trăm dặm còn từ Cracovie tới Paris lại có những bốn trăm dặm. Vậy anh sẽ có mặt ở đây để đón nhận quyền thừa kế trong lúc đó thì vua Ba Lan mới chỉ được biết rằng ngai vàng trống chỗ thôi. Khi đó, nếu anh hài lòng về tôi, François ạ, anh sẽ ban cho tôi vương quốc Navarre ấy, nó sẽ chỉ là một bông hoa trang điểm cho vương miện của anh thôi, và như thế thì tôi chấp nhận. Điều tệ hại nhất có thể xảy đến với anh là ở lại làm vua nơi đó và xây một tổ ấm vương giả sống cùng với gia đình tôi. Còn ở đây thì anh là gì? Một ông hoàng nghèo bị ngược đãi, một hoàng tử con thứ ba đáng thương, đầy tớ của hai ông anh và chỉ một ý ngông cũng có thể đẩy anh tới ngục Bastille được.

- Vâng, vâng, tôi cảm thấy rõ điều đó, rõ ràng đến nỗi tôi không thể hiểu được việc anh từ bỏ cái kế hoạch mà anh đề nghị với tôi. Phải chăng tim anh không còn đập nữa?

Và quận công đặt tay lên tim ông anh rể, Henri mỉm cười bảo:

- Có những gánh quá nặng đối với một số người. Tôi sẽ không cố thử nhấc gánh đó lên. Nỗi e ngại mệt nhọc làm tiêu tan lòng mong muốn được sở hữu quyền lực của tôi.

- Vậy anh thực sự từ chối sao Henri?

- Tôi đã nói với de Mouy và nay tôi nhắc lại với anh.

- Nhưng Henri thân mến trong những trường hợp như thế này, người ta không nói mà phải chứng minh.

Henri thở hổn hển như một người đấu vật cảm thấy địch thủ đang đè lên mình. Ông nói:

- Tôi sẽ chứng minh. Tối nay, vào chín giờ, danh sách các thủ lĩnh và kế hoạch hành động sẽ có ở chỗ anh. Thậm chí tôi đã trao lời từ chối của tôi cho de Mouy.

François nắm lấy tay Henri và nồng nhiệt siết trong tay mình.

Vừa lúc đó Catherine bước vào mà không báo danh theo thói quen của bà.

- Ở bên nhau! - Bà mỉm cười nói - Quả thật là hai anh em thân thiết!

- Tâu lệnh bà, tôi mong được như thế!

Henri nói với vẻ rất bình tĩnh, còn quận công d Alençon lại tái mặt đi vì lo âu. Rồi Henri lùi lại vài bước để Catherine tự do nói chuyện với con trai.

Thái hậu rút từ trong túi đựng tiền của mình ra một vật trang sức tuyệt đẹp.

- Chiếc ghim cài này được làm tại Florence và ta ban cho anh để anh đeo ở dây đeo kiếm. - Rồi bà hạ giọng tiếp - Nếu tối nay anh nghe có tiếng động nào bên phòng ông anh Henri tốt bụng của anh thì chớ có cử động gì hết đấy.

François nắm tay Thái hậu và hỏi:

- Lệnh bà có cho phép con chỉ cho Henri xem món quà đẹp mà Người ban không?

- Cứ làm hơn thế cũng được, anh hãy nhân danh anh và ta mà tặng cho Henri, vì ta đã ra lệnh làm cho anh ta một chiếc rồi.

- Anh có nghe thấy không, Henri? - François hỏi - Mẫu hậu ban cho tôi đồ trang sức này và khiến cho giá trị của nó càng quý giá hơn bằng cách cho phép tôi tặng lại anh.

Henri xuýt xoa trước vẻ đẹp của chiếc ghim cài và ra sức cám ơn. Khi những lời trầm trồ khen ngợi của ông đã ngớt. Thái hậu nói:

- Con ạ, ta cảm thấy hơi khó ở và ta sắp đi nằm, anh Charles rất mệt vì ngã ngựa và cũng đi nằm. Vậy nên tối nay chúng ta không dùng cơm trong gia đình, mọi người sẽ dùng bữa tại nhà. À này! Henri! Ta quên mất chưa khen ngợi anh về lòng dũng cảm và khéo léo của anh, anh đã cứu vua và cũng là người anh của anh, anh sẽ được ban thưởng.

- Thưa lệnh bà, tôi đã được thưởng rồi! - Henri nghiêng mình đáp.

- Do cái ý thức khiến anh làm tròn nhiệm vụ của mình, thưởng như thế vẫn chưa đủ - Catherine tiếp - Hãy tin rằng chúng ta Charles và ta, chúng ta sẽ nghĩ đến việc có thể xoá được món nợ với anh.

- Thưa lệnh bà, tất cả những gì do lệnh bà và anh Charles thân yêu của tôi làm đều rất được đón mừng.

Henri cúi mình thi lễ rồi bước ra.

"A, ông em François của tôi ai! - Henri vừa bước ra vừa nghĩ - Bây giờ mình tin chắc là sẽ không ra đi một mình. Cuộc âm mưu vốn đã có hình hài này lại vừa tìm được một cái đầu với một trái tim. Tuy nhiên phải cẩn thận. Catherine ban quà cho mình: có trò ma mãnh gì đây. Tối nay mình phải mạn đàm với Marguerite mới được".

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 33

Lòng biết ơn của vua Charles IX

Suốt ngày Maurevel ở trong phòng vũ khí của nhà vua, nhưng khi Catherine thấy đoàn đi săn sắp trở về, bà bèn đưa y cùng bọn tay chân của y sang phòng cầu nguyện của bà.

Khi về, Charles IX được nhũ mẫu báo cho biết có một người đàn ông đã ở trong phòng vũ khí của ông. Thoạt tiên ông rất tức giận vì có kẻ lại dám đưa người lạ vào cung ông. Nhưng sau khi được tả lại con người đó, và nhũ mẫu bảo ông rằng có một lối chính bà đã có trách nhiệm đưa người đó tới chỗ ông, nhà vua nhận ra ngay đó là Maurevel. Ông nhớ lại cái lệnh mà Thái hậu đã ép được ông phải ký hồi sáng và ông hiểu ra tất cả.

- Ô hô! - Charles lẩm bẩm - Ngay trong cái ngày mà hắn vừa cứu sống ta - Thật không phải lúc.

Tức thì ông đi vài bước định xuống cung Thái hậu, nhưng một ý nghĩ khác đã kìm ông lại.

"Mẹ kiếp! - Ông tự nhủ - Nếu ta nói với bà ấy về việc này, thì lại sinh ra tranh cãi lôi thôi, thà mỗi người cứ làm theo cách của mình còn hơn".

- Nhũ mẫu này - Nhà vua nói - Đóng cho chặt tất cả các cửa lại rồi báo cho hoàng hậu Elisabeth(1) rằng ta hơi yếu vì bị ngã nên sẽ ngủ một mình đêm nay.

Nhũ mẫu tuân lệnh và vì chưa đến giờ thực hiện ý đồ của mình nên Charles bắt đầu ngồi làm thơ.

Đó là trò tiêu khiển thời gian trôi qua nhanh nhất cho nhà vua. Vì vậy khi chuông điểm chín giờ, Charles còn tưởng như mới chỉ bảy giờ. Ông đếm tiếng chuông và đếm tiếng cuối cùng thì ông đứng dậy.

- Quỷ thần ơi! Vừa vặn đúng lúc đây.

Vơ lấy áo choàng và mũ, ông đi ra bằng lối cửa bí mật mà ông cho đục trong tường gỗ, ngay cả Catherine cũng không biết tới.

Charles đi thẳng tới khu phòng ở của Henri. Khi rời quận công d Alençon, Henri chỉ trở về phòng để thay quần áo rồi lại đi ngay.

"Chắc hắn đi ăn tối ở chỗ Margot - Nhà vua tự nhủ - Hôm nay trông anh chị có vẻ ăn ý lắm, ít ra là theo chỗ mình nhận thấy".

Và ông đi về phía cung Marguerite.

Marguerite đã lôi quận công de Nervers, Coconnas và La Mole về nhà mình và đang mở một tiệc mứt kẹo và bánh ngọt cùng họ đánh chén.

Charles đập cửa chính, Gillonne ra mở. Nhưng nhìn thấy vua, cô ta hoảng sợ đến nỗi chỉ còn đủ hơi sức để cúi mình thi lễ, và đáng lẽ phải chạy đi báo cho chủ về cuộc thăm viếng tôn nghiêm này thì cô lại để mặc cho Charles đi qua mà không thốt ra được tín hiệu nào ngoài tiếng cô kêu lên.

Nhà vua đi qua tiền phòng, và hướng về phía tiếng cười nói vọng ra ở phòng ăn.

"Tội nghiệp Henriot, hắn mải vui chơi mà chẳng nghĩ đến điều gì xấu cả" - Nhà vua tự nhủ.

- Ta đây - Ông vừa nói vừa nâng tấm thảm che cửa và ló gương mặt tươi cười vào.

Marguerite thốt lên một tiếng kêu kinh hãỉ. Dù tươi cười đến mấy, gương mặt ấy tác động đến nàng như chiếc đầu quỷ Méduse. Nàng ngồi đối diện với cửa và vừa kịp nhận ra Charless. Hai người đàn ông ngồi quay lưng lại nhà vua.

- Hoàng thượng! - Marguerite hoảng sợ kêu lên. Và nàng đứng phắt dậy.

Trong khi cả ba người kia cảm thấy đầu họ lung lay trên cổ thì Coconnas là kẻ duy nhất còn tỉnh táo. Chàng cũng đứng dậy, nhưng với một sự vụng về khéo đến nỗi chàng làm đổ cả cái bàn và lật nhào cả bát đĩa, đồ pha lê cùng với đèn nến.

Chỉ một thoáng sau căn phòng tối mò và yên lặng như chết.

- Chuồn đi - Coconnas bảo - Mau lên! Mau lên!

Chẳng phải đợi nói nhiều, de Mole ép mình vào tường và đưa tay sờ soạng tìm phòng ngủ để trốn vào căn buồng mà chàng biết rất rõ. Nhưng khi đặt chân vào phòng ngủ, chàng lại vấp phải một người đàn ông vừa vào bằng lối đi bí mật.

- Thế này là thế nào? - Charlss nói trong bóng tối với một giọng bắt đầu có pha chút bực tức - Ta có phải là ngoáo ộp đâu mà nhìn thấy ta mọi người lại rối loạn lên như thế này? Nào, Henriot! Chú ở đâu! Trả lời đi!.

"Chúng ta thoát rồi!" - Marguerite thì thầm và nắm lấy một bàn tay mà nàng tưởng là tay La Mole:

- Đức vua tưởng chồng tôi là một trong những người dự tiệc.

- Và tôi sẽ để cho ông ta tưởng vậy, thưa bà, xin bà cứ yên lòng - Tiếng Henri đáp lại.

- Chúa ơi! - Marguerite thốt lên và hấp tấp buông vội bàn tay vua Navarre mà nàng đang cầm.

- Im lặng! - Henri bảo.

- Quỷ sứ! Các người làm sao mà cứ thì thầm mãi như thế? - Charles kêu lên - Henriot trả lời đi, anh ở đâu?Henriot ?

- Tâu bệ hạ, tôi đây - Giọng vua Navarre đáp lại.

- Ma quỷ! Rắc rối rồi đây! - Coconnas nói trong khi vẫn đang nắm tay quận chúa de Nervers trong xó.

- Vậy chúng ta lại càng nguy - Henriette đáp.

Coconnas vốn can đảm đến độ bất cần, nghĩ rằng rốt cuộc thì vẫn cứ phải thắp nến lại và càng sớm có lẽ là càng tốt, nên chàng buông tay phu nhân de Nervers, đến gần lò than, thổi vào một hòn than khiến nó bén lửa ngay lên bấc một ngọn nến.

Căn buồng sáng lên.

Charles IX đưa cặp mắt dò hỏi nhìn quanh.

Henri đang đứng gần vợ, quận chúa de Nervers đứng một mình trong góc và Coconnas tay cầm giá nến đứng giữa phòng soi sáng cho toàn cảnh.

- Cúi xin anh thứ lỗi - Marguerite nói - Chúng em không ngờ anh tới.

- Vì vậy nên, như bệ hạ thấy đấy. Người làm chúng tôi sợ khiếp lên được! - Henriette bảo.

- Về phần tôi, tôi nghĩ rằng tôi sợ đến nỗi khi đứng dậy tôi còn đánh đổ cả bàn - Henri đã đoán ra tất cả.

Coconnas ném sang phía vua Navarre một cái nhìn thán phục: "Rõ may! Quả là một ông chồng chỉ cần nói nữa lời đã hiểu hết".

- Lộn xộn mới khiếp chứ! - Charles nhắc lại - Bữa tối của chú bị đánh đổ rồi, Henriot. Đi theo ta, chú sẽ ăn tiếp ở chỗ khác, tối nay ta sẽ đãi chú thật linh đình.

- Thưa bệ hạ, sao cơ ạ? - Henri hỏi - Bệ hạ ban cho tôi vinh dự được...

- Ừ, bệ hạ ta đây ban cho chú cái vinh dự là đưa chú ra khỏi Louvre. Margot, cho ta mượn hắn nhé, sáng mai ta sẽ trả lại cho cô.

- Ôi thưa anh - Margot đáp - Anh chẳng cần phải xin phép em về việc đó, vì anh quả thực là chúa tể.

- Tâu bệ hạ - Henri nói - Tôi xin về phòng thay áo choàng và trở lại ngay.

- Chẳng cần đâu, Henriot. Áo chú thế kia là tốt rồi.

- Nhưng, thưa bệ hạ... - Anh chàng Bearnais cố nài.

- Ta đã bảo người đừng có quay trở về phòng người, khỉ ạ! Không nghe thấy ta nói gì à? Nào, đi thôi!

- Vâng, vâng, xin ông đi đi! - Marguerite đột nhiên nói và nàng siết cánh tay chồng, vì qua một ánh mắt khác thường của Charles, nàng nhận thấy có điều gì lạ đây.

- Thưa bệ hạ, tôi đi đây - Henri đáp.

Nhưng Charles lại đưa mắt nhìn Coconnas đang tiếp tục đóng vai người soi sáng và châm những ngọn nến khác lên.

- Nhà quý tộc này là ai? - Ông vừa hỏi vừa nhìn anh chàng Piémontais từ đầu tới chân - Liệu đây có phải là ông de La Mole không?

"Ai nói với ông ta với La Mole vậy kìa?" - Marguerite tự hỏi thầm.

- Thưa bệ hạ không" Henri đáp - Ông De Mole không có ở đây và tôi lấy làm tiếc vì nếu không thì tôi sẽ có vinh hạnh được giới thiệu ông ta cho bệ hạ cùng với ông de Coconnas bạn ông ta đấy. Đó là hai người bạn chí thân và cũng là người của ông d Alençon.

- À à! Nhà thiện xạ cừ khôi của chúng ta! Được! - Charles nói.

Rồi ông cau mày, hỏi:

- Cái ông de Mole ấy có phải là người Tân giáo không?

- Thưa bệ hạ, đã cải đạo rồi - Henri đáp - Và tôi xin đảm bảo về ông ta như về chính tôi.

- Henriot, sau những việc chú đã làm ngày hôm nay thì khi chú đảm bảo về ai, ta không có quyền được nghi ngờ về người đó nữa. Nhưng dầu sao thì ta cũng muốn biết mặt cái nhà ông de Mole ấy. Để sau vậy.

Vừa đưa cặp mắt to nhìn xoi mói gian phòng một lượt nữa, Charles ôm hôn Marguerite và khoác tay vua Navarre lôi đi.

Tới cổng Louvre, Henri muốn dừng lại nói chuyện với ai đó.

- Thôi nào! Đi ra nhanh lên, Henriot! - Charles bảo ông - Khi ta đã bảo chú là không khí ở Louvre tối nay không hợp với chú thì, chú phải tin ta chứ!

- Quỷ thần ơi! - Henri lẩm bẩm - Còn de Mouy, một mình trong phòng ta, anh ta sẽ ra sao đây? Miễn là cái không khí không lành với mình cũng đừng tệ hơn đối với anh ta.

- Ế này! - Khi Henri và Charles đã đi qua cầu treo, nhà vua nói, - Henriot, vậy chú thấy thoải mái khi người của ông d Alençon tán tỉnh vợ chú hả?

- Thưa bệ hạ, tại sao thế?

- Ừ cái ông Coconnas không liếc mắt đưa tình cho Margot à?

- Ai nói với bệ hạ như vậy?

- Lạy Đức Mẹ! Có người bảo ta thế.

- Thưa bệ hạ, đó là lời hoàn toàn giễu cợt. Quả thực là ông de Coconnas có liếc mắt đưa tình thật, nhưng đó là với phu nhân de Nervers.

- Chậc!

- Tôi có thể cam đoan với bệ hạ về điều tôi vừa nói.

Charles phá lên cười bảo:

- Này, quận công de Guise cứ việc đến nói dông dài với ta nữa đi, ta sẽ khoái chí mà kéo dài ria hắn ra bằng cách kể cho hắn nghe những chiến công của chị dâu hắn cho mà coi. Với lại - Nhà vua nghĩ lại và thêm - Ta cũng quên đi mất là không rõ hắn đã nói với ta về ông de Coconnas hay về ông De Mole.

- Thưa bệ hạ, chẳng phải ai hết, và tôi xin đảm bảo với bệ hạ về những tình cảm của vợ tôi.

- Được được, Henriot, ta thích thà chú như thế còn hơn. Thề danh dự chứ chú quả là một chàng trai trung thực đến mức ta thấy ta không thể thiếu chú được.

Nói xong, nhà vua huýt lên một điệu sáo đặc biệt. Bốn nhà quý tộc đợi ông ở đầu phố Beauvais tới nhập bọn và cả tốp người cùng đi vào thành phố.

***

Chuông điểm mười giờ.

- Thế nào? - Marguerite hỏi khi nhà vua và Henri đi khỏi - Chúng ta lại vào bàn chứ?

- Thôi, thôi! Không đâu - Quận chúa đáp - Mình sợ quá. Ngôi nhà nhỏ phố Cloche Percée muôn năm! Nếu ai không bao vây tấn công thì không thể vào được, và các chàng trai của chúng ta có quyền đấu gươm ở đó. Nhưng ông tìm gì vậy, ông de Coconnas?

- Tôi tìm anh bạn De Mole - Anh chàng Piémontais trả ởi.

- Ông tìm ở phía đằng phòng ngủ của tôi, ông ạ - Marguerite - chỉ dẫn - Ở đó có một cái buồng con...

- Được, tôi hiểu rồi - Coconnas đáp.

Và chàng bước vào phòng ngủ.

- Thế nào, tới đâu rồi? - Có giọng nói vang lên trong bóng tối.

- Ê mẹ kiếp! Chúng ta đang đến món tráng miệng.

- Thế còn vua Navarre?

- Ông ta chẳng nhìn thấy gì hết. Thật là một ông chồng tuyệt vời, mình mong bà vợ mình cũng kiếm được một ông như thế.

- Nhưng chắc bà ta chỉ có được ở đời chồng sau thôi.

- Thế còn vua Charles?

- À đức vua thì khác, Ngài đưa ông chồng đi rồi.

- Thật à?

- Đúng như mình nói đấy. Hơn nữa, Ngài đã ban cho mình một cái liếc ngang làm vinh dự cho mình khi biết mình là người của d Alençon, rồi lại một cái liếc dọc khi biết mình là bạn cậu.

- Cậu nghĩ rằng người ta đã nói về mình với Ngài.

- Ngược lại, mình sợ rằng người ta tốt quá. Nhưng vấn đề chẳng phải ở chỗ đó, mình nhìn thấy hình như các bà phải đi hành hương ở phía phố Roi de Sicily và chúng mình phải dẫn đường cho các nữ hành hương.

- Nhưng, không thể được!... Cậu cũng biết đấy.

- Sao lại không thể được?

- Thế đấy ạ, hôm nay chúng ta phải trực tại cung điện hạ.

- Mẹ kiếp, ừ nhỉ. Mình toàn quên mất là chúng mình có cấp bậc và nếu trước đây chúng mình là quý tộc thì bây giờ chúng mình có vinh dự được đứng vào hàng đầy tớ rồi.

Và hai người bạn tới trình bày với hoàng hậu và quận chúa về việc họ cần thiết phải có mặt ít nhất là ở lễ đi nằm của ông quận công.

- Được - Phu nhân de Nervers nói - Chúng tôi cứ đi đường của chúng tôi.

- Thế có thể biết được các bà đi đâu không? - Coconnas hỏi.

- Ôi, mình thật tò mò quá.

Hai chàng trai cúi đầu chào và vội vàng lên chỗ ông d Alençon.

Quận công có vẻ đang đợi họ trong phòng làm việc.

- A ha! Các ông đến chậm quá đấy - Ông bảo.

- Mới hơn mười giờ, thưa bệ hạ - Coconnas đáp.

Quận công rút đồng hồ ra.

- Ừ nhỉ, thế mà trong Louvre tất cả mọi người đều đi nằm rồi.

- Vâng, thưa điện hạ. Nhưng bây giờ thì chúng tôi chờ lệnh điện hạ. Có phải đưa vào phòng ngủ của điện hạ những vị quý tộc chầu lễ trước khi đi nằm của điện hạ không?(2)

- Ngược lại, các ông ra phòng nhỏ và cho tất cả mọi người lui.

Hai chàng tuân lời thực hiện mệnh lệnh. Lệnh đó chẳng làm ai ngạc nhiên vì họ biết rõ tính cách quận công. Rồi hai chàng quay lại chỗ quận công.

- Thưa bệ hạ - Coconnas hỏi - Chắc điện hạ sắp đi nằm hoặc làm việc tiếp phải không ạ?

- Không, các ông được nghỉ đến sáng mai.

- Nào - Coconnas thì thầm vào tai De Mole - Đêm nay hình như cả triều đình đều đi ngủ sớm cả. Đêm sẽ ngon lành lắm đây, chúng ta phải dành lấy phần đêm của chúng ta chứ!

Và hai chàng trai ba chân bốn cẳng trèo lên cầu thang, lấy áo choàng và kiếm dùng đêm của họ. Họ lao ra ngoài Louvre đuổi theo các bà và đuổi kịp ở góc phố Coq-Saint-Honoré.

Trong lúc đó, quận công d Alençon mắt mở to, tai vểnh lên nghe ngóng, tự giam mình trong phòng chờ đợi những sự kiện bất thường mà người ta đã báo cho ông.

Chú thích:
(1) Charless IX lấy Elisabeth d Autriche, con gái Macximiliêng
(2) Có lễ trước khi đi nằm rồi đến lễ đi nằm

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 34

Chúa an bài

Đúng như quận công đã nói với hai chàng trai, cung Louvre im lặng như tờ.

Quả thực, Marguerite và phu nhân de Nervers đã đi tới phố Tizon.

Coconnas và De Mole đuổi theo họ. Nhà vua và hoàng hậu đi bát phố. Quận công d Alençon ở nhà trong nỗi chờ đợi mơ hồ đầy lo lắng về những sự kiện mà Thái hậu đã tiên báo cho ông. Cuối cùng là Catherine đã đi nằm còn phu nhân de Sauve đang ngồi đầu giường bà đọc một vài chuyện cổ nước Ý khiến bà hoàng nhân hậu ấy cười như nắc nẻ.

Đã lâu rồi chưa bao giờ Catherine lại vui thế này. Sau khi đã dùng tiệc rất ngon miệng với các mệnh phụ theo hầu, sau khi đã cho thầy thuốc xem bệnh và thanh toán sổ sách hàng ngày, bà ra lệnh cầu nguyện cho sự thành công của một công cuộc quan trọng đối với hạnh phúc của các con bà. Đó là thói quen của Catherine, suy cho cùng thì rất đúng theo phong tục của người Florentine, tức là trong một vài dịp bà cho cầu nguyện và dâng những lễ vật mà chỉ có Chúa và bà biết được mục đích mà thôi.

Sau cùng, bà gặp René, bà đã chọn một trong số những hộp hương phẩm và vô số những đồ linh tinh của y có nhiều thức mới.

- Cho người đi xem hoàng hậu Navarre con ta có nhà không - Catherine trưyền - Nếu có nhà thì mời hoàng hậu tới đây chơi với ta.

Tên hầu nhận được lệnh lui ra và một lát sau quay trở lại cùng Gillonne.

- Này, ta cho đòi chủ chứ có đòi con hầu đâu - Thái hậu phán.

- Tâu lệnh bà - Gillonne đáp:

- Con thiết tưởng rằng phải tự mình đến trình với lệnh bà rằng đức hoàng hậu Navarre đã rời cung cùng quận chúa de Nervers, bạn Người.

- Ra ngoài vào giờ này à? - Catherine cau mày hỏi - Hoàng hậu đi đâu vậy?

Lệnh bà đi dự một buổi luyện giả kim ở dinh de Guise trong khu phu nhân de Nervers ở - Gillonne đáp.

- Khi nào hoàng hậu về - Thái hậu hỏi tiếp.

Buổi luyện giả kim sẽ kéo dài rất khuya, nên chắc hẳn lệnh bà sẽ ở lại nhà bạn Người cho đến sáng ngày mai.

- Hoàng hậu Navarre sung sướng thật - Catherine lẩm bẩm - Con bé có bạn và nó là hoàng hậu. Nó mang vương miện và người ta gọi nó là lệnh bà, nó chẳng có thần dân, nó sung sướng thật.

Lời nói dỗi này khiến người nghe phải cười thầm, nhưng Catherine vẫn lẩm bẩm:

- Suy cho cùng thì nó đã đi... Nó đã đi rồi, có đúng người bảo thế không?

- Tâu lệnh bà, từ nửa giờ nay rồi ạ.

- Thế thì càng hay. Thôi đi đi.

Gillonne chào và lui ra.

- Đọc tiếp đi, Charlotte - Thái hậu bảo.

Và phu nhân de Sauve đọc tiếp.

Được khoảng mươi phút, Catherine ngắt lời nàng.

- À mà này! Cho những người gác các sảnh đường lui đi.

Đó là hiệu lệnh mà Maurevel đang chờ.

Người ta thực hiện mệnh lệnh của Thái hậu và phu nhân de Sauve lại tiếp tục đọc câu chuyện của mình.

Nàng đã đọc được gần một khắc liền không nghỉ thì một tiếng kêu kéo dài khủng khiếp vang tới tận phòng Thái hậu và khiến những người ngồi đó phải sởn tóc gáy. Ngay sau đó có tiếng đạn súng nổ vang.

- Sao vậy? - Catherine hỏi - Tại sao khanh không đọc nữa, Charlotte?

- Tâu lệnh bà - Thiếu phụ tái mặt hỏi - Lệnh bà không nghe thấy gì ư?

- Nghe thấy gì? - Catherine hỏi.

- Tiếng kêu ấy à.

- Và cả tiếng súng tay nữa - Chỉ huy vệ binh nói thêm.

- Tiếng kêu, tiếng súng... - Catherine nói - Ta chẳng nghe thấy gì hết. Vả lại, có gì đáng lạ lắm đâu, một tiếng kêu với tiếng súng ở Louvre này? - Đọc đi thôi, Charlotte.

- Nhưng xin lệnh bà nghe xem - Phu nhân de Sauve nói, trong khi ông de Nancey tay sờ đốc kiếm mà không dám lui ra khi chưa có lệnh của Thái hậu - Có tiếng bước chân, tiếng chửi rủa.

- Tâu lệnh bà, tôi có phải đi xem tình hình không ạ? - Ông de Nancey hỏi.

- Không đâu, ông cứ ở đây - Catherine tỳ một bên tay nhổm người dậy tựa như để cho mệnh lệnh của mình có thêm sức mạnh - Nếu không thì ai bảo vệ ta khi có biến? Chắc lại là vài tên lính Thụy sĩ nào say rượu đánh nhau đấy thôi.

Vẻ bình thản của Thái hậu đối lại với niềm kinh hãi bao trùm lên toàn thể đám người này tạo nên một sự tương phản đáng kể đến nỗi dù rất rụt rè, phu nhân de Sauve nhìn bà chằm chằm với vẻ dò hỏi.

- Nhưng tâu lệnh bà - Nàng thốt lên - Dường như có người đang bị giết.

- Khanh bảo là giết ai mới được cơ chứ?

- Tâu lệnh bà, vua Navarre ạ, tiếng động vang từ phía khu phòng của Người.

- Con ngu này nhìn đâu cũng chỉ thấy có vua Navarre nhà nó. - Thái hậu lẩm bẩm. Mặc dù bà có sức chế ngự lớn lao đối với bản thãn, đôi môi bà bắt đầu mấp máy một cách kỳ dị vì bà đang lẩm nhẩm một lời cầu nguyện.

- Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! - Phu nhân de Sauve thốt lên và gieo người xuống ghế.

- Thôi, thôi, được rồi - Catherine tiếp lời nói với ông de Nancey - Quan chỉ huy, ta hy vọng rằng nếu có chuyện tai tiếng trong cung, ngày mai khanh sẽ cho trừng phạt thật nặng những kẻ có tội. Đọc tiếp đi Charlotteta.

Và Catherine lại ngả người xuống gối với vẻ thản nhiên rất giống với sự suy sụp vì những người hầu cận nhận thấy nhiều giọt mồ hôi lăn trên gương mặt bà.

Phu nhân de Sauve tuân theo cái mệnh lệnh dứt khoát này, nhưng chỉ đôi mắt và giọng nói của nàng hoạt động mà thội. Ý nghĩ lan man của nàng cho nàng thấy nguy cơ khủng khiếp đang treo trên mái đầu thân thương. Rốt cuộc, sau vài phút đấu tranh như vậy, nàng bị bóp nghẹt giữa xúc động và nghi thức quá đến nỗi giọng nàng yếu hẳn đi, sách tuột khỏi tay nàng và nàng ngất xỉu.

Đột nhiên, có tiếng va chạm ầm ầm mạnh mẽ vang lên, tiếng chân bước nặng nề vội vã làm rung chuyển hành lang, hai phát súng nổ làm rung cửa kính. Catherine ngạc nhiên vì cuộc chiến đấu quá kéo dài này, đứng thẳng dậy, tái mặt, mắt mở to. Vừa lúc viên chỉ huy vệ binh sắp lao ra ngoài, bà ngăn ông ta lại và nói:

- Tất cả mọi người ở nguyên đây, chính ta sẽ đi xem có chuyện gì.

Sau đây là những điều đang xảy ra hay nói đúng hơn là đã xảy ra.

Buổi sáng, de Mouy đã nhận từ tay Orthon chiếc chìa khoá, của Henri. Trong chiếc khoá được khoan thủng này, chàng tìm thấy một tờ giấy cuộn tròn. Chàng bèn lấy kim băng lôi tờ giấy đó ra.

Đó là khẩu lệnh vào Louvre trong đêm tối.

Ngoài ra, Orthon đã truyền đạt nguyên vẹn những lời Henri mời de Mouy tới tìm ông vào mười giờ tối tại Louvre.

Chín giờ rưỡi, de Mouy mặc một chiếc áo giáp mà chàng đã nhiều dịp được thử độ chắc chắn của nó.

Chàng khoác ra ngoài một chiếc áo chẽn lụa, đeo kiếm, cài súng tay vào thắt lưng và trùm ra ngoài chiếc choàng ngoài màu anh đào trứ danh của De Mole.

Chúng ta đã biết, trước khi về phòng mình, Henri thấy nên ghé thăm Marguerite và chàng ta đã đi lối cầu thang bí mật vào phòng đúng lúc vấp phải De Mole trong phòng ngủ của Marguerite và ông ta đã nhập vai De Mole dưới mắt vua Charles trong phòng ăn như thế nào. Cũng đúng vào lúc ấy, de Mouy qua ghi-sê ở Louvre nhờ khẩu lệnh do Henri gửi và nhất là nhờ chiếc áo choàng ngoài màu anh đào. Chàng lên thẳng phòng vua Navarre, vừa đi vừa ra sức bắt chước cái dáng đi của De Mole. Chàng gặp Orthon ở tiền phòng đang đợi chàng.

- Ngài de Mouy - Chú bé miền núi nói - Đức vua đã ra ngoài nhưng Người truyền cho tôi đưa ngài vào và bảo ngài chờ đức vua. Nếu hoàng thượng về muộn, Người mời ngài cứ việc lên giường mà nghỉ, như ngài biết đấy.

De Mouy bước vào chẳng đòi hỏi gì, vì Orthon chỉ nhắc lại những lời chú đã nói buổỉ sáng.

Để giết thì giờ, de Mouy lấy một cây bút và mực, chàng lại gần một tấm bản đồ nước Pháp cực tốt treo trên tường, bắt đầu đếm và chỉnh những chặng đường từ Paris tới Pau. Nhưng công việc này chỉ làm hết có một khắc đồng hồ, xong việc de Mouy chẳng còn biết làm gì hơn nữa.

Chàng dạo hai ba vòng trong phòng, dụi mắt, ngáp, hết đứng lên lại ngồi xuống. Cuối cùng, tranh thủ lời mời mọc của Henri và được những lệ luật thân tình giữa các ông hoàng quý tộc của họ cho phép, chàng để súng và đèn lên bàn ngủ, duỗi dài người ra trên chiếc giường rộng với những tấm màn che màu sẫm ở cuối phòng. Chàng để thanh kiếm trận dọc người và tin chắc mình sẽ không để bị bất ngờ vì đã có một người hầu ở phòng ngoài. Chàng thả mình trong một giấc ngủ nặng nề, và chẳng mấy chốc tiếng ngáy đã vang lên sau rèm giường. De Mouy ngáy như một người lính thực thụ, về mặt này chàng có thể sánh được cả với chính vua Navarre.

Khi đó có sáu người(1) gươm cầm tay và dao giắt thắt lưng, lặng lẽ luồn vào trong hành lang có một cửa nhỏ thông với cung Thái hậu và một cửa lớn dẫn vào khu phòng của Henri.

Một người trong toán sáu người này đi trước. Ngoài thanh gươm tuốt trần và con dao găm chắc chắn như một con dao săn, y còn có thêm những khẩu súng tay bất ly thân đeo ở thắt lưng bằng những ghim bạc. Người đó là Maurevel.

Tới trước cửa nhà Henri, y dừng lại.

- Anh biết chắc là các lính gác trong hành lang đã đi rồi chứ? - Y hỏi tên cầm đầu nhóm người đó.

- Không còn tên nào đứng tại vị trí nữa - Viên trung uý đáp.

- Được Maurevel nói - Bây giờ chỉ còn phải biết một điều, đó là kẻ chúng ta tìm có nhà không?

- Nhưng, thưa ngài chỉ huy - Viên trung uý giữ lấy tay Maurevel đang đặt lên nắm đấm cửa - Khu phòng này là của Navarre.

- Có ai bảo là không phải đâu? - Maurevel đáp.

Bọn tay sai kinh ngạc nhìn nhau, viên trung uý lui lại một bước và nói:

- Ô. Vào giờ này, tại Louvre, mà lại đi bắt một người nào đó trong khu phòng của đức vua Navarre ư?

- Thế anh sẽ bảo sao nếu ta nói là các anh sẽ bắt chính vua Navarre? - Maurevel hỏi.

- Thưa ngài chỉ huy, tôi sẽ nói đây là một việc nghiêm trọng, và nếu như không có một mệnh lệnh do chính đức vua Charles IX ký thì...

- Anh đọc đi! - Maurevel nói.

Và y lôi từ trong áo chẽn ra sắc lệnh do Catherine trao và đưa nó cho viên trung uý.

- Tốt lắm - Anh này trả lời sau khi đọc - Tôi không có gì phải nói nữa.

- Và anh sẵn sàng rồi chứ?

- Sẵn sàng.

- Còn các anh? - Maurevel tiếp tục hỏi năm người lính đầu sai kia.

Những người này kính cẩn cúi chào.

- Vậy xin các anh hãy nghe ta - Maurevel nói - Kế hoạch như sau: hai người trong số các anh ở lại bên cửa này, hai người ở chỗ cửa phòng ngủ, còn hai người nữa vào cùng ta.

- Sau đó thì sao? - Viên trung uý hỏi.

- Hãy nghe cho kỹ đây: chúng ta được lệnh ngăn không cho người tù gọi, kêu, kháng cự lại. Bất kỳ một sự vi phạm nào cũng giết.

- Thôi, thôi, ông ta được toàn quyền hành động rồi - viên trung uý nói với người được chỉ định đi cùng anh ta theo Maurevel vào chỗ nhà vua.

- Hoàn toàn đúng thế - Maurevel đáp.

- Tội nghiệp vua Navarre! - Một người nói - Sổ thiên tào trên kia hẳn đã viết rằng ông ta không thoát được.

- Và ở dưới trần này cũng thế - Maurevel nói và cầm lấy lệnh của Catherine từ tay viên trung uý, cất vào trong ngực mình.

Maurevel tra chiếc chìa khoá mà Catherine đã trao cho vào ổ khoá. Y để hai người ở cửa ngoài như đã định rồi cùng với bốn người kia bước vào tiền phòng

- A ha! Hình như chúng ta sẽ tìm được kẻ chúng ta cần đây. - Maurevel nói khi nghe thấy tiếng thở ồn ã của người đang ngủ mà âm thanh vang tới tận chỗ y.

Ngay lúc đó Orthon tưởng chủ về, tiến lại trước Maurevel và thấy mình đứng trước năm người có vũ trang đang chiếm phòng ngoài.

Nhìn thấy khuôn mặt khủng khiếp của cái gã Maurevel mà người ta gọi là "kẻ giết vua", người hầu trung thành bước lùi lại và đứng chắn trước cánh cửa thứ hai.

- Ông là ai? - Orthon hỏi - Ông muốn gì?

- Nhân danh đức vua - Maurevel đáp - Chủ mày đâu?

- Chủ tôi ư?

- Ừ vua Navarre đâu?

- Đức vua Navarre không có nhà - Orthon vừa nói vừa ra sức giữ cửa hơn bao giờ hết - Vậy các ông không thể vào được.

- Giả dối ư! - Maurevel nói - Nào, lui ra!

Nhưng người xứ Bearn vốn cứng đầu cứng cổ. Cậu bé gầm gừ như một con chó vùng rừng núi quê cậu và không hề nao núng.

- Các ông không được vào đây, đức vua đi vắng.

Và cậu bám chặt lấy cửa.

Maurevel phác một cử chỉ, bọn người kia túm lấy kẻ ương bướng lôỉ cậu ra khỏi khung cửa mà cậu đang bám vào. Và vì cậu bé mở mồm định kêu, Maurevel ắp tay lên mồm cậu ta.

Orthon điên cuồng cắn vào tay kẻ sát nhân khiến y rụt tay lại với một tiếng kêu gằn, y lấy chuôi kiếm đánh vào đầu người hầu. Orthon lảo đảo, ngã xuống và kêu:

- Có biến! Có biến! Có biến!

Giọng cậu lịm đi và cậu bất tỉnh.

Những kẻ sát nhân bước qua thân Orthon, hai tên ở lại bên cánh cửa thứ hai này, còn hai tên khác được Maurevel dẫn vào phòng ngủ.

Dưới ánh ngọn đèn trên bàn ngủ, chúng nhìn thấy chiếc giường. Rèm giường kéo kín.

- Ô hô! - Viên trung uý nói - Tôi thấy hình như ông ta không ngáy nữa.

- Nào tiến lên! - Maurevel bảo.

Nghe thấy giọng nói này, một tiếng kêu khàn khàn giống tiếng nổ gầm hơn là giọng người vang lên từ phía sau những bức rèm.

Chúng được mở toang ra. Một người đàn ông mặc giáp sắt, trán che bằng một chiếc mũ sắt phủ kín đầu tới tận mắt, hai tay súng, gươm đặt trên đùi, hiện ra trong tư thế ngồi xổm.

Maurevel gần như chưa kịp nhìn rõ khuôn mặt này thì đã nhận ra de Mouy, và cảm thấy tóc tai dựng ngược. Mặt y tái đi một cách khủng khiếp, miệng ứa bọt và tựa như nhìn thấy một bóng ma, y lùi lại một bước.

Đột nhiên gương mặt vũ trang đứng dậy, tiến lên phía trước một bước đúng bằng bước lùi về phía sau của Maurevel khiến kẻ bị đe doạ có vẻ như truy đuổi, còn kẻ đe doạ dường như lại muốn lủi trốn.

- A! Đồ khốn nạn! - De Mouy nói với giọng khàn khàn - Mày định đến giết tao như mày đã giết cha tao!

Chỉ hai người trong đám lính đầu sai, tức là những tên cùng vào phòng nhà vua với Maurevel là nghe được những lời kinh khủng đó. Nhưng cùng lúc với những lời đó, khẩu súng tay được hạ xuống ngang tầm trán Maurevel. Maurevel quỳ sụp xuống đúng lúc de Mouy xiết tay cò. Viên đạn bắn đi do động tác của Maurevel một trong hai người thị vệ đứng sau Maurevel bị lộ cả người ra, bị đạn trúng tim ngã xuống. Cùng lúc đó Maurevel phản công lại, nhưng viên đạn đập vào áo giáp của de Mouy.

De Mouy lấy đà và tính khoảng cách rồi quật chéo thanh gươm to bản của mình, chém vỡ sọ người thị vệ thứ hai, rồi chàng quay lại giao kiếm với Maurevel.

Cuộc chiến đấu ác liệt nhưng ngắn ngủi. Đến đường kiếm thứ tư, Maurevel đã cảm thấy hơi lạnh của thép xuyên qua cổ họng, y thốt lên một tiếng kêu ngẹn ngào và ngã nhào về phía sau, đánh đổ luôn cả ngọn đèn khiến nó tắt ngấm.

Tức thì de Mouy lợi dụng bóng tối, mạnh mẽ và khéo léo như một anh hùng của Home, cắm đầu lao ra tiền phòng, húc ngã một người thị vệ, đẩy người kia ra và như một tia chớp lao qua giữa hai người lính giữ cửa ngoài. Hai phát đạn súng tay bắn chàng đều găm vào tường hành lang và kể từ lúc đó chàng thoát vì chàng vẫn còn một khẩu súng tay lắp sẵn đạn, chưa kể thanh kiếm với những cú đánh như trời giáng.

Trong một thoáng de Mouy do dự không biết có nên trốn vào chỗ ông d Alençon mà chàng thấy hình như cánh cửa vừa mở, hay chàng phải cố thử thoát khỏi Louvre. Chàng quyết định làm theo cách sau và lại tiếp tục cuộc chạy tuy có hơi chậm lại. Chàng nhảy một lúc mười bậc thang, tới được ghi-sê, nói khẩu lệnh, vừa lao ra ngoài vừa kêu to:

- Lên trên kia đi, người ta đang giết người theo lệnh đức vua!

Lợi dụng sự bàng hoàng do những lời nói của mình kết hợp với tiếng súng tay gây ra trong trạm gác, chàng nhanh chân biến mất trong phố Gà Trống mà không hề sây sước gì.

Chính vào lúc đó Catherine ngăn viên chỉ huy vệ binh của mình và nói:

- Ở lại đây, ta sẽ tự mình đi xem có việc gì xảy ra.

- Nhưng tâu lệnh bà, tôi phải theo hầu vì lệnh bà có thể gặp nguy hiểm.

- Cứ ở lại đây - Catherine nói với giọng oai nghiêm hơn lần trước - Ở lại. Có sự bảo trợ mạnh hơn cả gươm đao của người trần bao trùm lên các bậc đế vương.

Viên chỉ huy đành nghe lời.

Catherine cầm một ngọn đèn, xỏ đôi chân trần vào đôi hài nhung và ra khỏi phòng. Bà đi qua hành lang còn vương đầy khói súng, dửng dưng lạnh lùng như một cái bóng tiến về phía khu phòng của vua Navarre.

Tất cả đã trở lại yên tĩnh.

Tới cửa, Catherine nhìn thấy Orthon ngất lịm trong tiền phòng.

- A! - Bà nói - Đây vẫn là thằng hầu, xa hơn nữa chắc ta sẽ thấy ông chủ.

Và bà bước qua cửa thứ hai.

Tới đó, chân bà vấp phải một xác người, bà hạ thấp ngọn đèn: đó là xác người thị vệ bị vỡ sọ, anh ta đã chết.

Cách ba bước nữa là viên trung uý bị trúng một viên đạn và đang khò khè thở hơi cuối cùng.

Cuối cùng, trước giường là một người đàn ông mặt nhợt nhạt như người chết, máu chảy qua cả hai lỗ vết thương xuyên cổ, bàn tay co quắp đờ ra đang cố gượng dậy.

Đó là Maurevel.

Một cơn rùng mình chạy lan ra trong huyết quản Catherine. Bà thấy giường trống không. Bà nhìn quanh phòng và hoài công tìm kiếm trong số ba người nằm trong máu cái xác mà bà muốn tìm.

Maurevel nhận ra Catherine, mắt y trợn trừng kinh hãi và y vươn về phía bà một cử chỉ tuyệt vọng.

- Thế nào? - Catherine thì thầm hỏi - Hắn đâu. Hắn ra sao rồi? Đồ khốn kiếp? Người để nó thoát rồi ư?

Maurevel cố bập bẹ vài lời, nhưng chỉ có tiếng rít không ra âm điệu gì lọt ra khỏi vết thương của y. Một thứ bọt đỏ ngầu sùi ra bên mép y và y lúc lắc đầu chứng tỏ sự bất lực và đau đớn - Nhưng nói đi, nói đi chứ! Nói cho ta nghe một câu thôi cũng được!

Maurevel chỉ vào vết thương của mình, thốt ra vài tiếng ú ớ nữa, cố gắng và chỉ thốt ra được một tiếng khò khè khàn khàn rồi ngất di.

Catherine bèn nhìn quanh: quanh bà chỉ có xác chết và người đang hấp hối, máu chảy tràn lan trong phòng và sự yên lặng chết chóc đè lên toàn bộ cảnh đó

Bà lại nói với Maurevel một lần nữa, nhưng không làm cho y tỉnh được. Lần này, không những y câm lặng mà còn bất động nữa. Có một tờ giấy lộ ra ngoài áo chẽn của y, đó là lệnh bắt người do nhà vua ký. Catherine vồ lấy tờ lệnh và giấu vào ngực áo.

Lúc đó Catherine nghe có tiếng sột soạt trên sàn nhà phía sau mình. Bà quay lại và thấy đứng ở cửa phòng là quận công d Alençon dù không muốn cũng đã bị tiếng ồn lôi tới và cái cảnh trước mắt khiến ông như bị thôi miên.

- Anh ở đây à? - Thái hậu hỏi.

- Thưa lệnh bà vâng. Lạy Chúa, có chuyện gì xảy ra vậy?

- Quay trở về phòng anh, François, và anh sẽ sớm biết tin này.

D Alençon không hề mù mịt về chuyện này như Catherine tưởng. Ông ta đã nghe ngay từ khi có những tiếng chân đầu tiên vang lên trong hành lang. Thấy có người vào khu phòng vua Navarre, ông đã liên hệ việc này với những lời nói của Catherine và đoán ra những điều sắp xảy tới, bụng như mở cờ khi thấy một người bạn nguy hiểm đến thế lại được trừ khử đi bằng một bàn tay mạnh hơn bàn tay ông ta nhiều.

Chẳng mấy chốc những phát đạn, tiếng chân vội vã của người chạy trốn đã thu hút sự chú ý của ông, và ông thấy biến đi trong khoảng sáng của cánh cửa cầu thang, một chiếc áo măng-tô đỏ mà do quá quen thuộc nên ông không thể không nhận ra.

- De Mouy! - Ông thốt lên - De Mouy ở nhà ông anh rể de Navarre của ta - Không! Không thể được! Hay là ông de La Mole?

Nỗi lo âu xâm chiếm lấy quận công. Ông nhớ lại rằng chàng thanh niên được chính Marguerite tiến cử cho mình và ông muốn biết chắc có phải chàng vừa chạy qua không. Quận công nhanh nhẹn leo lên phòng của hai chàng trai? Phòng trống không. Nhưng trong một góc phòng, ông thấy có treo chiếc áo măng-tô màu anh đảo nổi tiếng. Mối nghi ngờ của ông được củng cố; vậy không phải là De Mole mà là de Mouy.

Vầng trán nhợt nhợt, lòng lo sợ chàng trai Tân giáo bị phát giác và để lộ những điều bí mật của cả một âm mưu, quận công lao ra ghi-sê của Louvre. Ở đó ông được biết rằng chiếc áo măng-tô anh đào đã bình yên thoát nạn và bảo rằng trong Louvre người ta đang giết nhau theo lệnh đức vua.

"Hắn nhầm - d Alençon lẩm bẩm - Theo lệnh Thái hậu đấy chứ".

Lúc quay trở về nơi xảy ra cuộc chiến ông thấy Thái hậu đang thơ thẩn như loài sói giữa đám người chết.

Theo lệnh mẹ, chàng thanh niên trở về phòng, giả đò như phục tùng và bình thản mặc dù những ý nghĩ sôi động đang khuấy đảo đầu óc chàng ta.

Catherine tuyệt vọng vì ý đồ mới này của mình lại bị thất bại. Bà cho gọi viên chỉ huy vệ binh, sai đưa các xác chết đi, truyền cho đưa Maurevel vốn chỉ bị thương về nhà y và ra lệnh không được đánh thức nhà vua dậy.

"Ôi lần này nó cũng lại thoát - Bà lẩm bẩm khi trở về phòng, đầu cúi gục xuống - Bàn tay của Chúa dung thứ cho kẻ này. Hắn sẽ trị vì! Hắn sẽ trị vì!"

Và vừa mở cửa phòng bà vừa đưa tay lên trán cố tạo ra một nụ cười xoàng xĩnh.

- Tâu lệnh bà, có chuyện gì vậy? - Tất cả những người hầu đều lên tiếng hỏi, trừ phu nhân de Sauve, vì sợ hãi quá nên nàng không sao cất lời được.

- Không có gì - Catherine đáp - Có tiếng động chỉ thế thôi.

- Ôi! - Đột nhiên phu nhân de Sauve thốt lên và đưa ngón tay chỉ vào lối Catherine đi qua - Lệnh bà bảo không có gì hết ư?

Nhưng mỗi bước đi của Người đều để lại dấu vết trên thảm kìa!

Chú thích:
(1) Dumas nhầm, ở phần dưới ông lại nói là bảy người

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 35

Đêm của vua chúa

Trong lúc đó Charles IX và Henri khoác tay đi bên nhau, có bốn quý tộc theo hầu, đi trước là hai người cầm đuốc.

- Khi ta ra khỏi Louvre - Ông vua đáng thương nói - Ta cảm thấy một niềm thích thú tựa như khi ta vào trong một khu rừng tươi đẹp. Ta thở, ta sống, ta được tự do.

Henri mỉm cười nói:

- Vậy chắc bệ hạ sẽ rất thích khi được ở vùng núi rừng Bearn.

- Đúng, và ta cũng hiểu là chú thèm khát được quay về đó. Nhưng Henriot này, nếu niềm mong muốn giày vò chú dữ quá thì hãy cẩn thận - Charles vừa cười vừa nói thêm - Đó là lời ta khuyên chú, vì mẹ ta yêu quý chú lắm nên tuyệt đối không thể thiếu chú được.

- Tối nay bệ hạ định làm gì? - Henri lái nhà vua ra khỏi câu chuyện nguy hiểm này.

- Ta muốn dẫn chú đi làm quen, chú sẽ nói cảm tưởng cho ta hay.

- Tôi xin tùy lệnh bệ hạ.

- Rẽ phải, rẽ phải. Chúng ta tới phố Barres.

Hai vị vua có đám tuỳ tùng theo sau đã đi qua phố Savonnerie đến ngang dinh Condé. Họ thấy có hai người quấn mình trong những chiếc áo choàng rộng đi qua một cánh cửa giả mà một trong hai người đang đóng lại không tiếng động.

- Ô hô! - Charles bảo Henri, ông này cũng nhìn nhưng theo thói quen chẳng nói năng gì - Đáng để ý đấy.

- Tại sao bệ hạ lại nói vậy? - Vua Navarre hỏi.

- Không phải nói chú đâu, Henriot. Chú tin chứ - Charles mỉm cười - Nhưng ông em họ de Condé của chú lại không tin ở vợ mình, hoặc nếu hắn tin thì hắn nhầm. Quỷ tha ma bắt hắn đi!

- Nhưng thưa bệ hạ, ai bảo với Người rằng hai ngài kia tới thăm phu nhân de Condé?

- Linh cảm thôi. Chúng đứng im, nép vào cửa từ khi nhìn thấy chúng ta, chúng không cựa quậy gì, với lại cái kiểu áo choàng của cái gã nhỏ con hơn... Mẹ kiếp! Quái thật đấy!

- Sao cơ ạ?

- Không, ta nảy ra một ý, có thế thôi. Tiến lên đi nào.

Và ông tiến thẳng về phía hai người nọ. Thấy rõ là người ta muốn kiếm chuyện với họ, hai người kia bước vài bước định đi.

- Bớ này các ngài, đứng lại! - Nhà vua kêu.

- Nói với chúng ta phải không? - Tiếng một người hỏi lại khiến Charles và Henri giật mình.

- Thế nào, Henriot, giờ chú đã nhận ra giọng nói ấy chưa? - Nhà vua hỏi.

- Tâu bệ hạ, nếu quận công d Anjou hoàng đệ không ở thành La Rochelle thì tôi dám thề rằng chính ông vừa nói xong.

- Này, hắn không hề ở La Rochelle, đơn giản lắm.

- Nhưng ai đi cùng ông ta vậy?

- Chú không nhận ra gã đi cùng à?

- Thưa bệ hạ không.

- Vậy mà tầm vóc hắn thì không thể lẫn vào đâu được. Chờ đã, chú sẽ nhận ra ngay... Bớ này! Ê! Ta bảo các người! - Charles nhắc lại - Mẹ kiếp! Chứ các người không nghe thấy à?

- Anh có phải đội tuần tra không mà giữ chúng ta lại? - Người cao lớn hơn hỏi và vươn tay ra ngoài những nẹp li choàng của y.

- Cứ coi chúng ta là tuần tra đi - Charles nói - Và khi người ta ra lệnh thì các anh phải dừng lại.

Rồi ông nghiêng mình nói vào tai Henri:

- Chú sẽ thấy hỏa diệm sơn phun lửa nhé.

- Các anh có tám người, nhưng dù các anh có cả trăm cũng cút đi - Người cao lớn hơn nói, lần này để lộ không những tay mà cả mặt ra nữa.

- A, ra là quận công de Guise! - Henri thốt lên.

Người ta thấy người kia khi nghe những lời ấy, quấn mình trong áo choàng và đứng im sau khi đã nhấc mũ tỏ lòng tôn kính.

- Thưa bệ hạ - Quận công de Guise trình bày - Tôi vừa tới thăm phu nhân de Condé chị dâu tôi.

- Được, và anh mang theo một trong số các quý tộc của anh. Ai vậy?

- Tâu bệ hạ, Người không biết ông ta.

- Thì chúng ta sẽ làm quen với nhau chứ sao.

Và Charles tiến thẳng tới người kia đồng thời ra hiệu cho một trong hai người hầu áp sát đuốc lại.

- Thưa vương huynh, xin thứ lỗi! - Quận công d Anjou vừa nói vừa mở chéo áo măng-tô và nghiêng mình thi lễ với vẻ bực tức không giấu nổi.

- A ha! Ra chú đấy hả, Henri?... Không, không thể được, ta nhầm... d Anjou, em ta sẽ không bao giờ đi thăm ai trước khi đến thăm chính ta. Hắn không phải không biết rằng đối với những ông hoàng thuộc dòng huyết thống khi về kinh đô chỉ có một cánh cửa: đó là ghi-sê ở Louvre.

- Thưa bệ hạ, xin tha lỗỉ - Quận công d Anjou nói - Tôi cúi xin Người lượng thứ cho điều khinh suất của tôi.

- Vâng ạ - Charles giễu cợt đáp - Thế ông làm gì ở dinh Condé thế hở ông em?

- Ồ, làm cái điều mà bệ hạ vừa nói lúc nãy đấy thôi.

Vua Navarre nói với vẻ láu lỉnh, nghiêng người bên tai Charles, ông kết thúc nốt câu nói và cười phá lên.

- Gì nào? - Quận công de Guise cao ngạo cất giọng, vì như mọi người trong triều, ông ta đã có thói quen đối xử khá thô bạo với cái ông vua Navarre tội nghiệp này - Sao tôi lại không đi thăm chị dâu tôi nhỉ? Ông quận công d Alençon chẳng cũng đi thăm chị dâu mình đó sao?

Henri hơi đỏ mặt.

- Chị dâu nào? - Charles hỏi - Ta không thấy hắn có chị dâu nào khác ngoài hoàng hậu Elisabeth.

- Xin bệ hạ tha lỗi, tôi muốn nói là chị thôi. Cách đây nửa giờ, khi chúng tôi tới đây, chúng tôi thấy lệnh bà Marguerite đi kiệu qua và có hai chàng công tử chạy hai bên cửa kiệu.

- Thật ư? - Charles hỏi - Anh nói sao về việc này, Henri?

- Hoàng hậu Navarre được tự do muốn đi đâu là tuỳ ý bà nhưng tôi e rằng bà ta không ra khỏi Louvre.

- Còn tôi, tôi tin chắc là bà ta đã ra phố - Quận công de Guise nói.

- Tôi cũng vậy - Quận công d Anjou thốt lên, cụ thể là chiếc kiệu đó dừng lại ở phố Cloche Percée.

- Nếu thế thì chị dâu của ông không phải bà này, - Henri vừa nói vừa trỏ dinh Condé - Mà là bà kia - Và ông đưa tay chỉ về phía dinh de Guise - Cũng cùng đi, vì chúng tôi để họ ở lại cùng nhau, và như ông biết đấy, họ là đôi bạn chí thân.

- Tôi không hiểu ý hoàng thượng định nói gì - Quận công de Guise đáp.

- Ngược lại, rõ quá rồi - Nhà vua phán - Vì thế nên mỗi bên cửa kiệu lại có một thằng công tử chạy theo.

- Thế này - Quận công đề nghị - Nếu có chuyện tai tiếng về phần hoàng hậu và về phần các chị dâu của tôi, chúng ta hãy xin công lý của thánh thượng giải quyết cho việc đó.

- Này! Thôi - Henri đáp - Để mặc các bà de Condé và de Nervers đấy. Đức vua không lo ngại gì về em gái Người... và tôi tin vợ tôi.

- Không! Không - Charles nói - Ta muốn mọi chuyện rõ ràng. Nhưng chúng ta hãy tự mình giải quyết lấy công chuyện của mình. Ông em họ ơi, anh bảo là chiếc kiệu dừng lại ở phố Cloche Percée phải không?

- Tâu bệ hạ, vâng.

- Liệu anh có nhận ra nơi đó không?

- Tâu bệ hạ có.

- Thế thì chúng ta tới đây. Nếu cần phải đốt nhà để biết được kẻ nào ở trong đó thì ta cũng đốt.

Với những ý định khá là đáng ngại cho các đương sự như vậy, bốn ông hoàng chủ chốt của thế giới thiên chúa giáo bắt đầu đi vào phố Saint-Antoine.

Bốn vị vương hầu tới phố Cloche Percée. Charless muốn việc trong nhà phải đóng cửa bảo nhau bèn cho lui các nhà quý tộc tùy tùng cho phép họ tùy nghi sử dụng phần đêm còn lại nhưng phải có mặt ở gần ngục Bastille vào sáu giờ sáng hôm sau cùng với hai con ngựa.

Phố Cloche Percée chỉ có ba ngôi nhà. Cuộc tìm kiếm cũng dễ dàng hơn vì hai trong số các ngôi nhà đó không gây khó dễ gì khi mở cửa đó là các nhà liền với phố Saint-Antoin và phố Vua Sicily.

Còn ngôi nhà thứ ba thì lại khác: nó do một người gác cổng người Đức coi giữ, mà gác cổng người Đức lại là kẻ khó nói chuyện phải quấy. Đêm đó, Paris dường như muốn nêu lên những tấm gương đáng ghi nhớ nhất về lòng chung thuỷ của đám gia nhân.

Tha hồ cho ông de Guise đe doạ bằng thứ tiếng saxon trong sáng nhất, tha hồ cho Henri d Anjou đưa tặng đến cả túi đầy vàng, tha hồ cho Charles cố gắng đến độ tự nhận mình là viên trung uý đội tuần tra, gã người Đức trung thực chẳng đếm xỉa gì đến cả lời tuyên bố, cả tiền biếu lẫn những lời đe doạ. Nhận thấy người ta bám dai đến mức khó chịu y bèn luồn qua những thanh chắn sắt một mũi súng hỏa mai. Việc biểu diễn đó chỉ khiến cho ba trong số bốn người khách phì cười - Henri de Navarre đứng tách biệt hẳn ra tựa như việc này không dính líu gì tới ông - vì ngọn súng đó do không thể chúc lên chúc xuống trong những chấn song sắt được nên chỉ có thể nguy hiểm cho kẻ mù nào lại đứng trước nó mà thôi.

Thấy không thể đe doạ mua chuộc hay làm xiêu lòng được người gác cổng, quận công de Guise giả vờ cùng đồng bọn bỏ đi Nhưng cuộc rút lui không kéo dài lâu. Tới góc phố Saint-Antoine, quận công tìm thấy cái mà ông muốn: đó là một tảng đá to như những tảng đá mà Ajax, Télamonv àt Diomède đã từng nâng ba ngàn năm trước đây. Quận công vác tảng đá lên vai quay trở lại và ra hiệu cho những người cùng đi theo ông.

Vừa lúc đó, người gác cổng thấy những kẻ mà y coi là bọn trộm cướp bỏ đi, bèn đóng cổng lại nhưng chưa kịp đẩy then cài Quận công de Guise tranh thủ lúc ấy: tựa như một cỗ súng bắn đá sống động, ông ném tảng đá vào cánh cửa. Ô chốt bay mất, mang theo cả mảnh tường mà nó được chôn vào đó. Cánh cổng mở ra xô ngã gã người Đức. Vừa ngã, y vừa báo động cho đội quân đồn trú trong nhà bằng một tiếng kêu khủng khiếp.

Không có tiếng kêu đó, những người này dễ có nguy cơ bị bất ngờ.

Vào chính lúc đó, de Mole đang cùng Marguerite dịch một bài thơ tình của Théocrite, còn Coconnas đang cùng Henriette uống lu bù rượu nho Syracuse với cái cớ rằng rượu này cũng là của Hy Lạp, không hơn, không kém.

Cuộc mạn đàm khoa học và cuộc mạn đàm ma men bị ngắt quãng một cách thô bạo.

Tắt nến, mở cửa sổ, rồi lao ra ban công, nhận ra có bốn người trong bóng tối, ném lên đầu họ tất cả những thứ gì vớ được trong tay, gây ra những tiếng ầm ĩ bằng cách đập mặt kiếm vốn chỉ với được đến tường... đó là việc mà De Mole và Coconnas lao vào làm ngay lập tức. Charles, người hăng máu nhất trong đám những kẻ tấn công, nhận được một bình đựng nước bằng bạc vào vai. Quận công d Anjou được tặng một chiếc liễn đựng mứt cam và thanh yên, còn quận công de Guise một góc đùi thịt thú rừng.

Henri chẳng được gì. Ông đang thì thầm tra hỏi người canh cổng mà ông de Guise đã trói vào cửa. Y trả lời vẫn bằng câu đáp muôn thuở:

- Tôi không biết gì hết.

Các phu nhân động viên những người bị bao vây và chuyến cho họ các loại đạn dược. Chúng rơi xuống tiếp theo nhau như mưa đá.

- Thề có quỷ sử! - Charles hét lên khi bị một chiếc ghế con rơi trúng khiến mũ ông sụp xuống tận mũi - Mở ra cho ta mau! Nếu không ta cho treo cổ cả lũ chúng bay trên đó bây giờ.

- Anh tôi! - Marguerite nói nhỏ với La Mole.

- Đức vua! - Chàng này nói với Henriette.

- Đức vua! Đức vua! - Nàng này lại nói với Coconnas lúc đó đang lôi một chiếc rương ra cửa sổ, chàng định tiêu diệt quận công de Guise mà dù không biết nhưng chàng đặc biệt muốn cho tiêu Đức vua đấy! Tôi bảo mình kìa!

Coconnas buông chiếc rương ra nhìn với vẻ ngạc nhiên:

- Đức vua à? - Chàng hỏi.

- Ừ, đức vua.

- Vậy thì rút lui đi thôi.

- Ê! De Mole với Marguerite chẳng đã rút rồi là gì! Đi nào.

- Đi bằng lối nào?

- Cứ đi đã bảo mà.

Henriette cầm tay Coconnas kéo đi theo lối cửa bí mật thông sang nhà bên cạnh và sau khi đóng cửa lại cả bốn người trốn đi qua lối phố Tizon.

- Ô hô! - Charles - Ta thấy hình như quân đồn trú đầu hàng thì phải.

Họ đợi vài phút nữa, nhưng không một tiếng động nào vọng tới tai những người bao vây.

- Chúng chuẩn bị mưu đồ gì đây? - Quận công de Guise nói.

- Hay là chúng nhận ra giọng anh tôi và chuồn rồi - Quận công d Anjou bảo.

- Thế thì chúng vẫn phải đi qua lối này chữ - Charles nói.

- Vâng - Quận công d Anjou lại bàn - Nếu như nhà không có hai lối cửa.

- Ông em họ, vác lấy tảng đá và lại nện cửa như ban nãy đi. - Nhà vua sai.

Quận công nghĩ không cần thiết phải sử dụng những cách thức như thế, ông đã nhận thấy cánh cửa thứ hai này không chắc chắn bằng cánh cửa thứ nhất nên chỉ cần một cú đạp ông đã phá tung được cửa.

- Đuốc đâu! Đuốc đâu! Nhà vua kêu lên.

Người hầu tiến lại. Đuốc đã tắt, nhưng họ mang theo tất cả những thứ cần để thắp lại đuốc. Họ thắp lửa, Charles cầm một ngọn đuốc và chuyển ngọn kia cho quận công d Anjou.

Quận công de Guise đi đầu, gươm lăm lăm trong tay.

Henri đi đoạn hậu.

Họ tới tầng một.

Trong phòng ăn, bữa tối đã được dọn lên, hay nói đúng hơn là đã được dọn đi vì chính nó đã trở thành các thứ đạn ném. Các chân nến bị lật đổ, đồ đạc lộn tùng phèo, và tất cả những gì không phải là đồ ăn bằng bạc đều vỡ tan tành.

Họ sang phòng khách. Ở đó cũng chẳng mảy may có chỉ dẫn gì về tính cách các nhân vật hơn ở phòng đầu. Một số sách tiểng Hy Lạp và Latinh, vài nhạc cụ, đó là tất cả những gì họ tìm được.

Phòng ngủ lại còn câm lặng hơn nữa. Một ngọn đèn đêm leo lét trong một quả cầu ngọc thạch treo trên trần nhà, nhưng thậm chí hình như chưa ai bước vào phòng này.

- Phải có một lối đi thứ hai - Nhà vua phỏng đoán.

- Chắc thế - Quận công d Anjou tán đồng.

- Nhưng, ở đâu mới được? - Quận công de Guise hỏi.

Họ tìm khắp nơi mà không sao thấy lối đi đó.

- Tên gác cổng đâu? - Nhà vua hỏi.

- Tôi đã trói nó vào hàng rào - Quận công de Guise đáp.

- Anh tra khảo nó đi.

Chắc hắn không chịu trả lời đâu.

- Chậc, ta sẽ thắp cho hắn một ngọn lửa nhỏ thật khéo quanh chân - Nhà vua vừa nói vừa cười - Và hắn sẽ phải nói thôi.

Henri vội vàng nhìn qua cửa sổ và bảo:

- Không có hắn ở đây nữa rồi kìa.

- Ai thả cho nó? - Quận công de Guise hấp tấp hỏi.

- Mẹ khỉ! - Nhà vua kêu lên - Chúng ta vẫn chưa biết được gì!

- Quả thật như bệ hạ thấy đấy - Henri nói - Chẳng có gì chứng tỏ rằng vợ tôi và chị dâu ông de Guise đã ở trong ngôi nhà này cả.

- Có thế thật - Charless đáp - Thánh thư dạy ta rằng: có ba vật không để lại dấu tích gì: chim trên trời, cá trong nước và đàn bà... không, ta nhầm, đàn ông ở...

- Vậy thì điều chúng ta nên làm nhất là... - Henri ngắt lời.

- Ừ ta phải chăm sóc vết toạc của ta - Charles nói - Còn anh d Anjou, phải đi chùi món sirô cam của anh. Còn anh, Guise, anh phải đi tẩy vết mỡ lợn rừng đi.

Nói đoạn họ ra khỏi nhà mà chẳng thèm đóng cửa lại.

Đến phố Saint-Antoine, nhà vua nói với quận công d Anjou và quận công de Guise:

- Các anh đi đâu?

- Thưa bệ hạ, ông em de Lorraine và tôi, chúng tôi đến nhà Nantouillet, ông ta đợi chúng tôi để dùng bữa tối, bệ hạ có vui lòng đi cùng chúng tôi không?

- Không, cám ơn. Chúng tôi đi về phía ngược lại. Các anh có muốn lấy một người cầm đuốc của ta không?

- Thưa bệ hạ, chúng tôi cảm ơn người - Quận công d Anjou hấp tấp thưa.

- Được hắn sợ ta do thám hắn đấy - Charless thì thầm vào tai Navarre.

Rồi nắm lấy cánh tay ông này, nhà vua phán:

- Đi nào, Henriot, ta đãi chú tối nay.

- Vậy chúng ta không về Louvre - Henri hỏi.

- Không, ta đã bảo mi rồi, đồ ương bướng! Đi theo ta, ta đã bảo đi là đi.

Và ông kéo Henri đi qua phố Geoffroy-Lasnier

HOÀNG HẬU MARGOT
Chương 36

Cách đảo chữ

Giữa phố Geoffroy-Lasnier có một đầu trổ ra của phố Garnier-sur- l Eau và đầu kia phố Garnier-sur- l Eau thông ra giữa phố Barres.

Từ đó, đi vài bước về phía phố Mortellerie, người ta thấy bên tay phải có một ngôi nhà nhỏ đơn độc nằm giữa một khu vườn kín cổng cao tường và chỉ có một cửa ra vào.

Charles rút trong túi ra một chiếc chìa khoá, mở cửa. Cửa chỉ được đóng bằng chốt khoá mở ra ngay lập tức. Sau khi để cho Henri và người hẩu cầm đuốc bước vào, Charles đóng ngay lại. Chỉ có mỗi một cánh cửa sổ con là được thắp sáng. Charles đưa tay chỉ cửa sổ và mỉm cười với Henri.

- Thưa bệ hạ, tôi không hiểu - Ông này nói.

- Chú sẽ hiểu, Henri ạ.

Vua Navarre ngạc nhiên nhìn Charles. Giọng nói, vẻ mặt Charles mang một vẻ dịu dàng khác xa với tính cách thường ngày của diện mạo ông đến nỗi Henri khó mà nhận ra.

- Henriot, ta đã nói với chú rằng khi ta ra khỏi Louvre, ta ra khỏi địa ngục. Khi ta vào đây là ta vào được thiên đường.

- Thưa bệ hạ, tôi vui mừng thấy được bệ hạ coi là xứng đáng để cho tôi cùng đi lên thiên đường với Người.

- Đường đi chật hẹp lắm - Nhà vua vừa nói vừa lách vào một cầu thang nhỏ bé - Thực tế đó để cho sự so sánh càng giống hơn.

- Và vị thiên thần nào canh giữ vườn Địa đàng của Người vậy, thưa bệ hạ?

- Chú sẽ thấy - Charles đáp.

Ông ra hiệu cho Henri nhẹ chân đi theo ông, rồi đẩy một cánh cửa, rồi cánh cửa thứ hai và dừng lại trên ngưỡng cửa.

- Chú nhìn xem - Ông nói.

Henri tiến lại gần và dừng mắt lại trên một trong những bức tranh dễ thương nhất mà ông đã từng được xem.

Một người đàn bà khoảng mười tám, mười chín tuổi đang ngủ đầu tựa lên chân giường của một đứa trẻ cũng đang ngủ, hai tay nàng nắm lấy đôi chân bé nhỏ kê lại gần môi mình trong khi mớ tóc dài gợn sóng của nàng xoã ra như một ngọn sóng óng vàng. Người ta tưởng chừng như đây là một bức tranh của Albane vẽ Đức mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng.

- Ồ thưa bệ hạ, cô gái dễ thương này là ai đây?

- Thiên thần của thiên đường ta đấy Henriot ạ, người duy nhất đã yêu ta chỉ vì bản thân ta thôi.

Henri mỉm cười.

- Đúng, chỉ vì ta, nàng đã yêu ta trước khi biết ta là vua.

- Và từ khi nàng biết rồi thì sao?

- Thế này, từ khi nàng biết - Charles vừa nói vừa thở dài chứng tỏ đôi khi cái cánh vương giả đẫm máu này cũng đè nặng lên ông - Từ khi nàng biết, nàng vẫn yêu, đây, chú cứ thế xét đoán xem.

Nhà vua nhẹ nhàng tiến lại đặt lên gò má đỏ hồng của thiếu phụ một cái hôn nhẹ như cái hôn của con ong với bông huệ. Vậy mà thiếu phụ vẫn tỉnh dậy.

- Charles! - Nàng thì thầm và mở mắt.

- Chú thấy chưa, nàng gọi ta là Charlss. Hoàng hậu cũng còn gọi là ta bệ hạ kia.

- Ô - Thiếu phụ thốt lên - Mình không đến một mình ư, ông vua của em.

- Không Marie ạ. Ta muốn dẫn đến bên em một ông vua còn sung sướng hơn ta, vì hắn không có ngai vàng, bất hạnh hơn ta, vì hắn không có một nàng Marie Touchet. Chúa bù đắp cho mọi sự mà.

- Tâu bệ hạ, có phải là đức vua Navarre chăng? - Marie hỏi.

- Chính hắn, em ạ. Lại gần đây, Henriot.

Vua Navarre tiến lại gần, Charles nắm lấy bàn tay phải của ông và nói:

- Nhìn bàn tay này. Marie, đây là tay một người anh em thân thiết và của một người bạn trung thực. Nếu không có bàn tay này, em có biết không...

- Thưa bệ hạ, sao cơ?

- Này nhé, không có bàn tay ấy thì hôm nay con chúng ta không còn cha nữa, Marie ạ.

Marie vụt kêu lên, nàng quỳ xuống, nắm lấy tay Henri và hôn lên đó.

- Được lắm, Marie, được lắm - Charles nói.

- Thưa bệ hạ, Người đã làm gì để trả ơn ông ta?

- Ta đã trả lại cho hắn bằng thế.

Henri ngạc nhiên nhìn Charles.

- Có ngày chú sẽ biết được điều ta muốn nói, Henriot ạ. Trong khi chờ đợi, đến đây xem.

Và ông lại gần giường nơi đứa trẻ đang ngủ:

- Ê này, nếu cái thằng cu béo núc này ngủ ở Louvre chứ không phải ở đây, trong căn nhà nhỏ phố Barres này, thì điều đó sẽ làm thay đổi biết bao sự việc trong hiện tại và có thể là cả trong tương lai nữa(1).

- Tâu bệ hạ - Marie đáp - Xin mạn phép thánh thượng chứ thiếp thấy con ngủ ở đây ngon hơn.

- Vậy chúng ta đừng phá giấc ngủ của nó - Charles nói - Ngủ mà không mơ màng gì mới tuyệt làm sao!

- Vậy thì, thưa bệ hạ - Marie vừa nói vừa chỉ tay về phía một trong số các cánh cửa thông với gian phòng này.

- Đúng đấy, em Marie, chúng ta ăn tối thôi.

- Charles thân yêu, mình sẽ nói với đức vua em mình tha lỗi cho em nhé.

- Về việc gì?

- Về việc em đã cho những người hầu về rồi. Tâu bệ hạ - Marie nói tiếp với vua Navarre - Người sẽ biết rằng Charles chỉ ưng được tôi phục vụ mà thôi.

- Hản là thế, tôi tin lắm chứ - Henri đáp.

Hai người đàn ông qua căn phòng ăn trong khi bà mẹ, vốn lo lắng và cẩn thận, đắp một mảnh chăn ấm lên cho thằng bé Charles. Nhờ giấc ngủ trẻ thơ mà cha nó thèm muốn, nó vẫn không thức dậy.

Marie tới chỗ hai người:

- Mới chỉ có hai bộ chén đĩa - Nhà vua nói.

- Xin phép cho em được hầu hai hoàng thượng - Marie đáp.

- Nào, chú lại đem đến cho ta những bất hạnh đây, Henriot - Charles nói.

- Sao vậy, thưa bệ hạ?

- Thế chú không nghe thấy đấy à?

- Charles, em xin lỗi.

- Ta tha lỗi cho em. Nhưng ngồi vào đây gần ta và giữa hai chúng ta.

- Xin vâng - Marie đáp.

Nàng mang tới thêm một bộ chén dĩa ngồi vào giữa hai vị vua và lấy thức ăn cho họ.

- Henriot, thật là tuyệt khi ở trên đời còn có nơi mà ta dám uống dám ăn chẳng cần phải có ai nếm thịt rượu của ta trước mắt ta, có phải thế không?

- Thưa bệ hạ, xin hãy tin rằng tôi thông cảm với niềm hạnh phúc của bệ hạ hơn bất kỳ ai khác - Henri mỉm cười và nụ cười của ông phản ánh nỗi lo sợ muôn thuở của tâm trí ông.

- Vậy chú nói với cô ta rằng để cho chúng ta được hạnh phúc mãi như thế này thì cô ta đừng dính líu tới chính trị. Và nhất là cô ấy với mẹ ta đừng có quen biết gì nhau.

Quả thật lệnh bà Catherine yêu quý bệ hạ đến nỗi bà có thể ghen tức với bất kỳ một tình yêu nào khác - Henri trả lời, bằng cách nói tránh trớ, ông tránh được cái niềm tin cậy đó của nhà vua.

- Marie, ta giới thiệu với em một trong những người thông minh khôn khéo nhất mà ta quen. Em có biết không, không phải nói quá chứ ở triều đình hắn đã lừa được tất cả mọi người, có lẽ chỉ có mỗi mình ta là nhìn thấu được, không phải là trong trái tim hắn đâu mà là trong đầu óc hắn.

- Thưa bệ hạ - Henri đáp - Tôi không được hài lòng vì khi bệ hạ phóng đại tầm cỡ của trí óc tôi như vậy thì bệ hạ lại nghi ngờ lòng tôi.

- Henriot, ta chẳng phóng đại cái gì cả. Vả lại rồi có ngày người ta sẽ hiểu rõ chú.

Rồi nhà vua quay về phía người thiếu phụ và bảo:

- Và nhất là hắn làm những câu cách ngôn đảo chữ(2) khéo lắm. Em cứ bảo hắn làm thử với tên em mà xem, ta đảm bảo rằng hắn làm được.

- Ôi, bệ hạ bảo người ta có thể tìm thấy được gì ở tên một người con gái nghèo khổ như em? Liệu có ý nghĩ dễ thương nào có thể rút ra được từ nhóm chữ cái mà số phận tình cờ đã viết nên Marie Touchet cơ chứ?

- Ồ, câu đảo chữ của tên này dễ quá. Thưa bệ hạ, tôi chẳng phải giỏi giang gì cũng tìm được nó.

- A ha! Xong rồi đấy, thấy chưa Marie?

Henri lôi từ trong túi áo chẽn ra tập giấy của ông, xé lấy một trang rồi ông viết vào bên dưới tên

"Marie Touchet"

dòng chữ sau đây:

"Je charme tout"(3)

và đưa tờ giấy cho thiếu phụ.

- Thật ư? - Marie thốt lên - Không thể như thế được!

- Hắn tìm ra chữ gì đấy? - Charless hỏi.

- Thưa bệ hạ, em không dám nhắc lại nữa.

- Thưa bệ hạ - Henri nói - Trong cái tên Marie Touchet nếu thay chữ i bằng chữ j theo lệ thường, thì ta sẽ có được nguyên câu: "Je charme tout".

- Quả thật đúng từng chứ! - Charles kêu lên - ta muốn rằng đó là câu tiêu ngữ về em, nghe chưa Marie? Chưa bao giờ có câu tiêu ngữ nào lại xứng đáng hơn thế. Cám ơn Henriot. Marie sẽ ban cho em câu đó viết bằng kim cương.

Bữa ăn tối kết thúc, chuông đồng hồ tại Nhà thờ Đức Bà điểm hai giờ.

- Marie, bây giờ để thưởng cho lời khen ngợi của hắn em kiếm cho hắn một chiếc ghế phô-tơi để hắn ngủ cho đến sáng, tuy nhiên phải để cho thật xa chúng ta ra vì hắn ngáy khiếp lắm. Rồi nếu em dậy trước thì em sẽ đánh thức ta vì bọn ta phải ở Bastille vào sáu giờ sáng mai. Thôi chào nhé, Henriot, chú cứ tùy ý thu xếp nhé - Ông lại gần vua Navarre, đặt tay lên vai ông này và nói thêm - Nhưng vì tính mạng của chú, nghe rõ chưa, Henri? Vì tính mạng của chú, đừng có ra khỏi nơi đây không có ta, và nhất là đừng về Louvre.

Henri đã ngờ ngợ về quá nhiều điều trong những gì ông không hiểu nổi rồi không thể làm sai một lời chỉ dẫn như thế.

***

Charless IX về phòng mình, còn anh chàng Henri dân miền núi dạn dày lo xoay xở với chiếc ghế. Chắng mấy chốc, ông đã chứng thực cho việc ông anh vợ cẩn thận để mình nằm xa ông ta là đúng.

Tảng sáng ngày hôm sau, Charles đánh thức Henri dậy. Nhà vua sung sướng và tươi cười, người ta chưa bao giờ nhìn thấy ông như thế ở Louvre. Những giờ phút ông ở trong ngôi nhà nhỏ ở phố Barres này là những giờ phút ngập ánh mặt trời.

Cả hai đi qua phòng ngủ, thiếu phụ ngủ trên giường, còn đứa trẻ ngủ trong nôi. Hai mẹ con đều mỉm cười trong giấc ngủ.

Charles ngắm họ một lát với niềm âu yếm khôn cùng. Rồi ông quay về phía vua Navarre nói:

- Henriot, nếu có khi nào chú biết được đêm qua ta đã giúp chú việc gì và nếu khi nào ta gặp điều bất hạnh, chú hãy nhớ tới đứa trẻ đang ngủ trong nôi này.

Rồi ông hôn lên trán hai người, không để cho Henri kịp hỏi, ông nói:

- Tạm biệt, các thiên thần của ta.

Và ông bỏ ra, Henri trầm tư bước theo ông.

***

Những nhà quý tộc mà Charles đã hẹn, giữ ngựa trong tay, đợi họ lại Bastille, Charles ra hiệu cho Henri lên ngựa, ông cũng lên yên, đi ra theo lối vườn Arbalète và theo các đại lộ bên ngoài.

- Chúng ta đi đâu vậy? - Henri hỏi.

- Chúng ta hãy đi xem thử có phải quận công d Anjou về đây chỉ vì phu nhân Condé không thôi - Charles đáp - Và để xem trong trái tim ấy cũng có nhiều tham vọng bằng tình yêu không, ta nghi thế lắm.

Henri không hiểu gì trong lời giải thích, ông đi theo Charles mà chẳng nói năng gì.

Tới khu Marais, vì đứng sau lớp rào có thể nhìn thấy tất cả vùng mà khi đó người ta gọi là ngoại ô Saint-Laurent, Charles chỉ cho Henri qua lớp sương mù có những người quấn mình trong áo lông choàng dày và đội những chiếc mũ trùm lông đang đi ngựa trước một chiếc xe hòm chở nặng. Họ càng tiến lên thì nom họ càng rõ nét và người ta có thể thấy một người khác, mặc một chiếc áo choàng nâu và vầng trán rợp bóng một chiếc mũ kiểu Pháp cùng đi ngựa như họ và nói chuyện với họ.

- Ái chà! - Charles mỉm cười nói - Ta đã ngờ mà.

- Thưa bệ hạ, nếu tôi không nhầm - Henri nói - Kỵ sĩ mặc áo choàng nâu đúng là quận công d Anjou.

- Chính hắn đấy - Charless đáp - Hãy nép vào Henriot, ta muốn hắn không nhìn thấy chúng ta.

- Nhưng còn những người mặc áo choàng xám và mũ trùm lông, họ là ai vậy? Và trong chiếc xe kia có gì vậy?

- Những người đó - Charles đáp - Là các sứ thần Ba Lan, và trong chiếc xe kia có một vương miện - Ông nói tiếp và cho ngựa phi nước đại về phía cổng Temple - Bây giờ đi thôi Henri, ta đã biết được điều ta muốn biết.

Chú thích:
(1) Đứa con hoang đó chẳng phải ai khác ngoài quận công Đ Angoulème nổi tiếng, chết năm 1650. Quả thực, nếu ông ta là con chính thức, ông ta sẽ loại được cả Henri III, Henri IV, Lui XIII, Louis XV. Thay vào đó ông ta sẽ để lại cho chúng ta những ai? Trí óc con người bị lẫn lộn đi trong một câu hỏi như vậy.
(2) Đảo vị trí của các chữ cái trong tên và tạo thành một câu có nghĩa (N. D).
(3) Tôi quyến rũ tất thảy

Xem tiếp:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét