BA NGƯỜI LÍNH NGỰ
LÂM
Chương 59
Điều diễn ra ở
Portsmouth ngày 23 tháng 8 năm 1628.
Felten từ biệt
Milady như một người anh sắp làm một cuộc dạo chơi đơn giản từ biệt em gái mình
nên chỉ hôn tay.
Toàn bộ con người
anh ta tựa như vẫn trong trạng thái yên tĩnh thông thường. Duy chỉ có một tia
sáng xưa nay không thấy lấp lánh trong đôi mắt anh ta, giống như đang cơn sốt,
trán anh ta tái hơn ngày thường, răng nghiến chặt, nói năng cộc lốc, nhát gừng,
chỉ ra có một cái gì đầy u ám đang xáo động trong lòng.
Còn ngồi trên con
thuyền đưa vào bờ, anh còn quay mặt hướng về phía Milady, lúc này cũng đứng
trên boong tàu dõi mắt nhìn theo. Cả hai đã khá yên tâm không sợ bị truy đuổi
nữa. Người ta không bao giờ vào buồng Milady trước chín giờ. Và từ lâu đài đến
London phải đi mất ba giờ.
Felten đặt chân lên
bờ, trèo lên một mỏm đá để lên kè, chào Milady lần cuối rồi đi về thành phố.
Được khoảng một
trăm bước, vì địa hình dốc xuống, chàng ta chỉ còn nhìn thấy cột buồm thôi.
Chàng ta chạy ngay
về phía Portsmouth, ở ngay trước mặt chỉ cách nửa dặm đường, mà nhà cửa, các
đỉnh tháp nổi bật lên trong sương mù.
Ngoài khơi
Portsmouth, trên biển san sát những hạm thuyền cột buồm dựng lên trông như một
rừng liễu trụi lá mùa đông đu đưa trong gió.
Felten rảo bước,
vừa ôn lại những suy nghĩ của mình hai năm qua và một thời gian dài sống giữa
những người Thanh giáo, những cái đã khiến chàng ta đi đến chỗ buộc tội sủng
thần của vua Jacques 6 và Charles I(1).
Khi so sánh những
tội ác công khai của viên Thủ tướng đó, những tội ác nổi tiếng khắp châu Âu nếu
có thể nói như vậy với những tội ác riêng tư, không ai biết mà Milady đã gán
cho ông ta, chàng ta thấy trong hai con người chứa trong một Buckingham ấy, kẻ
đáng tội hơn chính là kẻ có đời tư mà quần chúng không hề biết đến. Chính là
thứ tình yêu quá kỳ lạ, quá mới mẻ, quá cuồng nhiệt của anh ta đã khiến cho anh
ta nhìn nhận những lời buộc tội ti tiện và bịa đặt của phu nhân De Winter giống
như qua kính phóng đại người ta nhìn những nguyên tử vi mô bên một con kiến
thành những con quái vật rùng rợn.
Càng đi nhanh anh
ta càng sôi máu. Ý nghĩ phải để mặc phía sau người đàn bà anh ta yêu, đúng hơn
là tôn thờ như một nữ thánh hứng chịu trước một sự báo thù khủng khiếp, sự xúc
động vừa qua, sự mệt mỏi hiện tại, tất cả vẫn còn gây phấn khích cho tâm hồn
anh ta vượt lên trên tình cảm con người.
Felten vào hải cảng
Portsmouth lúc tám giờ sáng. Dân chúng đã đi làm. Tiếng trống khua trên các phố
phường và trên bến cảng. Những toán quân sắp lên tàu đi về phía biển.
Felten đến dinh Đô
đốc, người đầy bụi và đẫm mồ hôi, da mặt bình thường rất tái nay bầm tím vì
trời nóng và giận dữ.
Người lính canh
muốn đẩy anh ta đi, nhưng Felten gọi viên trưởng đồn và rút túi ra một phong
thư mang theo và nói:
- Thông điệp khẩn
của Huân tước De Winter.
Nghe tên Huân tước
De Winter mà ai cũng biết là một trong những người thân cận nhất của Quận công,
viên đồn trưởng ra lệnh cho Felten đi qua, hơn nữa bản thân chàng ta cũng mặc
binh phục sĩ quan thủy quân.
Felten lao thẳng
vào lâu đài.
Đúng lúc anh ta vào
tiền sảnh thì một người đàn ông cũng bước vào, người đầy bụi, thở dốc, để ngoài
cửa một con ngựa trạm quỵ hai gối xuống vì mệt.
Felten và người này
cùng một lúc đều ngỏ lời với Patrích, người hầu tin cẩn của Quận công. Felten
nêu tên Huân tước De Winter. Người lạ không chịu nói ra tên ai và đòi chỉ có
thể xưng tên với mỗi quận công thôi, cả hai đều nài xin được gặp trước.
Patrích vì đã biết
Huân tước De Winter đang có những công vụ và có quan hệ thân thiết với Quận
công, nên ưu tiên cho người nhân danh Huân tước. Người kia buộc phải đợi và dễ
thấy ông ta thầm rủa sự chậm trễ này biết chừng nào.
Người hầu phòng dẫn
Felten đi xuyên qua một phòng lớn, trong đó những đại diện của La Rochelle do
hoàng thân De Xubidơ dẫn đầu đang ngồi chờ, rồi dẫn vào phòng của Buckingham
vừa tắm xong, và lần này cũng như mọi khi ông ta thường chăm chút chải chuốt
cực kỳ cẩn thận.
- Trung úy Felten -
Patrích nói - do Huân tước De Winter phái đến.
- Do huân tước De
Winter à? - Buckingham nhắc lại - cho anh ta vào.
Felten vào. Đúng
lúc ấy, Buckingham ném lên tràng kỷ một chiếc áo ngủ thêu sợi vàng rất sang để
khoác vào người chiếc áo chẽn bằng nhung xanh đính đầy ngọc trai.
- Tại sao Huân tước
không đích thân đến nhỉ? - Buckingham hỏi - Ta vẫn đợi ông ấy sáng nay.
- Huân tước sai tôi
thưa với Đức ông, - Felten trả lời - là ngài rất tiếc không đến hầu Đức ông
được, ngài bị vướng vào chuyện canh gác lâu đài.
- Phải, phải -
Buckingham nói - Ta biết việc ấy, ông ấy có một nữ tù nhân.
- Chính là về việc
nữ tù nhân đó mà tôi muốn thưa chuyện với Đức ông - Felten nói tiếp.
- Vậy thì nói đi!
Điều tôi nói với
ngài chỉ có thể riêng mình ngài nghe thôi ạ.
- Patrích, để mặc
chúng ta - Buckingham nói - Nhưng anh phải đứng chờ chuông gọi, lát nữa ta sẽ
gọi anh.
Patrích đi ra.
- Bây giờ chỉ còn
mỗi chúng ta thôi - Buckingham nói - Ông nói đi.
- Thưa Đức ông,
Huân tước De Winter hôm nọ có viết thư yêu cầu ngài ký lệnh tống xuống tàu một
thiếu phụ tên là Sáclốt Bếchxơn.
- Phải, ta đã trả
lời ông ấy là mang đến cho ta, hoặc gửi cho ta tờ lệnh ấy và ta sẽ ký.
- Lệnh đây, thưa
ngài.
- Đưa ta xem - Quận
công nói.
Và cầm tờ lệnh từ
tay Felten, ông ta đưa mắt xem qua tờ giấy. Thấy đúng tên người đã được thông
báo, ông đặt lên bàn, cầm bút và chuẩn bị ký.
- Xin Đức ông thứ
lỗi - Felten vừa nói vừa ngăn Quận công lại - nhưng Đức ông chắc biết cái tên
Sáclốt Bếchxơn không phải là tên thực của thiếu phụ đó?
- Phải, ta biết,
ông ạ - Quận công vừa trả lời vừa chấm bút vào lọ mực.
- Vậy thì, Đức ông
hẳn biết tên thực của người ấy? - Felten hỏi bằng một giọng cộc lốc.
- Ta biết chứ.
Quận công đưa bút
lại gần tờ giấy. Felten tái người đi:
- Và biết rõ cái
tên thực ấy - Felten hỏi lại - mà Đức ông vẫn ký sao?
- Hẳn rồi -
Buckingham nói - và ký đến hai lần hơn là một lần ấy chứ.
- Tôi không thể tin
nổi - Felten tiếp tục bằng một giọng mỗi lúc một cộc lốc và nhát gừng hơn. Đức
ông biết đó là việc của phu nhân De Winter.
- Ta hoàn toàn biết
rõ, dù ta rất ngạc nhiên anh cũng biết chuyện đó.
- Và Đức ông sẽ ký
lệnh đó mà không hối hận ư?
Buckingham ngạo
nghễ nhìn chàng trai trẻ và bảo chàng ta:
- Ra thế cơ đấy?
Thưa ông, chắc ông biết rõ là ông hỏi ta những câu hỏi kỳ quái đấy và ta có quá
ngốc đâu mà đi trả lời?
- Đức ông hãy trả
lời đi - Felten nói - tình thế có lẽ nghiêm trọng hơn là ngài tưởng đấy.
Buckingham nghĩ
chàng trai trẻ này do Huân tước De Winter phái đến, chắc ỷ thế ông ta mới nói
năng như vậy, liền dịu giọng lại:
- Không ân hận chút
nào và Huân tước cũng như ta, biết rõ Milady de Winter là một đại tội phạm, và
giới hạn hình phạt ở tội lưu đày cũng đã là gia ân cho mụ rồi.
Quận công đưa bút
lên tờ giấy.
- Đức ông, ngài sẽ
không ký cái lệnh đó? - Felten vừa nói vừa tiến một bước gần lại Quận công.
- Ta sẽ không ký
cái lệnh đó - Buckingham nói - Và tại sao vậy?
- Bởi chính ngài sẽ
đổi lại lệnh đó, ngài sẽ trả lại công bằng cho Milady.
- Trả lại công bằng
cho mụ thì phải đưa mụ ra pháp trường Tybum - Buckingham nói - Milady là một kẻ
đê mạt.
- Thưa Đức ông,
Milady là một thiên thần, ngài biết rõ điều đó tôi yêu cầu ngài thả tự do cho
nàng.
- Ồ lại đến thế kia
ư? - Buckingham néi - Ông có điên không mà lại nói với tôi như thế?
- Thưa Đức ông, xin
thứ lỗi cho tôi? Có thể nói sao, tôi nói vậy. Tôi đã kiềm chế. Tuy nhiên, xin
Đức ông hãy nghĩ kỹ việc ông sắp làm, và hãy biết sợ, đừng có quá đáng!
- Hay đấy nhỉ?… Cầu
Chúa tha thứ cho con! - Buckingham kêu lên - Nhưng con tin là hắn ta đang dọa
con!
- Không, thưa Đức
ông. Tôi vẫn đang xin ông. Và tôi nói để ông biết: Một giọt nước đủ làm tràn
bình nước đầy, một lỗi nhẹ có thể dẫn đến sự trừng phạt trút lên đầu kẻ đã được
bỏ qua biết bao tội ác.
- Ông Felten -
Buckingham nói - Ông ra ngay khỏi đây và sẽ bị bắt ngay tại chỗ.
- Đức ông, ông sẽ
nghe tôi nói kết đã. Ông đã quyến rũ thiếu nữ đó, đã làm nhục cô ta, làm cô ta
nhơ nhuốc, ông hãy sửa chữa tội ác của ông đối với cô ta, để cho cô ta ra đi tự
do, và tôi sẽ chẳng đòi hỏi điều gì khác ở ông.
- Ông sẽ không đòi
hỏi gì ư? - Buckingham vừa nói vừa nhìn Felten, hết sức lạ lùng, và nhấn mạnh
từng âm tiết câu vừa nói.
- Quận công -
Felten tiếp tục, càng nói càng phấn khích - hãy coi chừng, toàn thể nước Anh
đều chán ngán những bất công của ông rồi. Quận công, nếu ông lạm dụng vương
quyền mà hầu như ông đã đoạt ngôi rồi, Quận công, ông phải biết mọi người và
Chúa kinh tởm ông. Chúa sẽ trừng phạt ông sau, nhưng tôi, tôi sẽ trừng phạt ông
hôm nay.
- A, thế này thì
quá thể rồi? - Buckingham vừa kêu lên vừa bước một bước về phía cửa.
Felten ngăn lại.
- Tôi nhã nhặn yêu
cầu ông - anh ta nói - hãy ký lệnh trả tự do cho phu nhân De Winter. Nên nhớ đó
là người phụ nữ mà ông đã làm nhục.
- Lui ra ngay! -
Buckingham nói - nếu không ta sẽ gọi người gông cổ anh lại.
- Ông không gọi
được đâu - Felten vừa nói vừa nhảy phắt lại đứng giữa quận công và chiếc chuông
đặt trên chiếc bàn xoay nạm bạc - hãy coi chừng, Quận công, ông đang trong tay
của Chúa đấy.
- Trong tay của quỷ
sứ thì có - Buckingham kêu lên và to giọng để làm mọi người chú ý, tuy không
gọi trực tiếp.
- Ký đi, Quận công,
ký trả tự do cho phu nhân De Winter - Felten vừa nói vừa đẩy tờ giấy về phía
Quận công.
- Ép ta ư? Nhạo ta đấy ư? Patrích đâu?
- Ký đi, Quận công!
- Không bao giờ.
- Không bao giờ ư?
- Cứu ta? - Quận
công kêu to, đồng thời vồ lấy gươm.
Nhưng Felten không
để ông ta kịp rút gươm, anh ta phanh ngực rút con dao mà Milady đã từng tự đâm
mình nhảy xổ vào Quận công.
Đúng lúc đó,
Patrích vào phòng và kêu lên.
- Thưa Đức ông, một
bức thư từ nước Pháp.
- Từ Pháp ư? -
Buckingham kêu lên, quên hết và chỉ nghĩ đến người đã gửi bức thư.
Felten lợi dụng lúc
đó đâm ngập con dao vào sườn ông ta đến tận chuôi.
- A! Quân phản bội
- Buckingham thét lên - mi giết ta rồi.
- Giết người!
Patrích hét lên.
Felten liếc mắt
nhìn quanh để chạy trốn và thấy chiếc cửa mở liền lao sang phòng bên là phòng
những đại diện của La Rochelle đang đợi, chạy xuyên qua và lao xuống cầu thang.
Nhưng ngay bậc đầu
tiên, anh ta gặp phải Huân tước De Winter.
Thấy anh ta tái
mét, nhớn nhác, tay, mặt đều đầy máu, ông vồ lấy cổ anh ta và kêu lên:
- Ta biết mà, ta
đoán ra chậm mất một phút thôi! Ôi, khốn nạn, khốn nạn cái thân ta!
Felten không kháng
cự lại gì cả, ông De Winter trao hắn tận tay cho bọn lính canh giải hắn đến một
sân trời nhỏ nhìn xuống biển, đợi lệnh mới, rồi lao vào phòng Buckingham.
Nghe tiếng kêu của
Quận công rồi tiếng gọi Patrích, người đàn ông mà Felten gặp trong phòng đợi
cũng nhảy bổ vào căn phòng.
Người này thấy quận
công nằm trên ghế dài, tay bịt chặt vết thương.
- La Porte. - Quận
công nói bằng giọng hấp hối.
- La Porte, Hoàng hậu sai ông đến ư?
- Vâng, thưa Đức ông - viên hầu cận
trung thành của Anne Autriche trả lời - nhưng có lẽ đã quá muộn.
- Im nào, La Porte! Người ta có thể
nghe thấy ông đấy! Patrích không được để ai vào. Ôi, ta sẽ không được biết nàng
nói gì với ta mất? Trời ơi, ta chết mất.
Và Quận công ngất đi.
- Tuy nhiên, Huân tước De Winter, các
đại diện, các vị chỉ huy cuộc viễn chinh, những sĩ quan nội phủ dinh Buckingham
đều tràn vào căn phòng. Đâu đâu cũng vang lên những tiếng kêu khóc tuyệt vọng.
Lâu đài tràn ngập tiếng kêu than rền rĩ, chả mấy lúc tin tức đã tràn ra lan
khắp thành phố.
Một phát đại bác báo hiệu vừa xảy ra
một chuyện gì mới và bất ngờ.
Huân tước De Winter bứt tai bứt tóc.
- Chậm mất một phút! Ôi Chúa ơi, bất
hạnh thế này ư?
Quả thật, lúc bảy giờ sáng người ta đến
báo cho ông biết một chiếc thang dây bồng bềnh dưới một chiếc cửa sổ của lâu
đài, ông chạy ngay đến phòng Milady, thấy phòng trống, cửa sổ mở, song sắt bị
cưa, chợt nhớ lại lời dặn mồm mà D'Artagnan đã chuyển đến cho ông qua sứ giả
của chàng, ông run lên lo cho Quận công, vội chạy ra chuồng ngựa, chẳng kịp
đóng yên, vớ con nào, nhảy luôn lên con ấy, phi rạp bụng ngựa sát đất nhảy
xuống sân dinh phủ, chạy vội lên cầu thang rồi gặp Felten ngay cầu thang.
Tuy nhiên Quận công chưa chết. Ông tỉnh
lại, mở mắt, mọi người lại thấy hy vọng.
- Thưa các vị - Ông nói - xin để mình
tôi với Patric và La Porte. A! Ông đấy ư, ông De Winter? Sáng nay ông đã sai
đến tôi một thằng điên quái gở, ông xem nó đã làm tôi ra nông nỗi này đây?
- Ôi, thưa Quận công - Huân tước kêu
lên - Tôi sẽ chẳng bao giờ hết ân hận về chuyện này.
- Và anh đã nhầm đấy, anh De Winter
thân yêu của tôi - Buckingham vừa nói vừa chìa tay cho De Winter -Tôi không
biết con người nào lại được một người khác tiếc thương suốt đời cả, nhưng thôi
mặc chúng tôi, tôi xin anh đấy.
Huân tước vừa đi ra vừa thổn thức.
Trong phòng chỉ còn lại Quận công bị
thương, La Porte và Patrích.
Người ta đi tìm thầy thuốc, nhưng không
tìm được.
- Đức ông, ngài sẽ sống, ngài sẽ sống -
viên hầu cận trung thành của Anne d' Autriche quỳ trước ghế dài Quận công nằm,
nhắc đi nhắc lại.
- Nàng viết cho ta thế nào? -
Buckingham đầm đìa máu cố át đi những đau đớn dữ dội để hỏi về người mình yêu
bằng một giọng thều thào - Nàng viết gì cho ta? Đọc cho ta nghe đi.
- Ồ thưa Đức ông! - La Porte nói.
- Tuân lệnh đi, La Porte, ông không
thấy ta không còn mấy thời gian nữa ư?
La Porte bẻ dấu xi và giơ bức thư trước
mắt Quận công, nhưng Buckingham có cố cũng không phân biệt nổi chữ nữa.
- Đọc đi - Ông nói - đọc đi nào, ta
không trong thấy nữa, đọc mau lên, chả có ta lại còn không nghe được ấy chứ, và
ta sẽ chết mà không biết được nàng viết gì cho ta.
"Quận công.Từ ngày quen biết ông,
tôi đã từng đau khổ do ông và vì ông. Vì vậy tôi cầu xin ông, nếu còn muốn cho
tôi được thư thái, thì hãy chấm dứt việc rầm rộ vũ trang chông lại nước Pháp và
dừng cuộc chiến lại. Cuộc chiến ấy, người ta nói ầm lên rõ ràng là do nguyên
nhân tôn giáo và thầm thì tình yêu của ông đối với tôi là nguyên nhân che giấu
bên trong. Cuộc chiến ấy không những có thể đem lại cho nước Pháp và nước Anh những
thảm họa lớn mà còn cho ông, Huân tước ạ, những bất hạnh mà tôi sẽ ân hận vô
cùng. Người ta đang đe dọa tính mạng ông, xin ông hãy đề phòng, bởi nó rất quý
đối với tôi kể cả lúc tôi sẽ bị buộc phải coi ông như một kẻ thù.
Người được ông yêu mến,
Anne.
Buckingham thu hết tàn lực nghe đọc bức
thư, khi người ta đọc xong, ông như thể thấy trong thư một nỗi thất vọng cay
đắng, liền hỏi:
- Vậy ông không còn một điều gì khác
dặn miệng để nói với ta ư, La Porte?
- Có chứ, thưa Đức ông, Hoàng hậu dặn
tôi nói với Đức ông phải hết sức giữ gìn bởi bà được tin người ta định ám sát
Đức ông.
- Có thế thôi ư, thế thôi ư? -
Buckingham sốt ruột hỏi.
- Bà còn dặn tôi nói với Đức ông bà vẫn
luôn yêu ông.
- Có thế chứ! - Buckingham mừng rỡ -
Đội ơn Chúa! Cái chết của ta sẽ không phải là cái chết của một người xa lạ đối
với nàng.
La Porte đầm đìa nước mắt.
- Patrích - Quận công nói - đem cho ta
cái tráp đựng những nút kim cương ra đây.
Patrích đem tráp ra và La Porte nhận
ngay ra là của Hoàng hậu.
- Bây giờ, mang cái túi xa tanh trắng
thêu tên tắt của nàng bằng ngọc trai ra đây.
Patrích lại vâng lời.
- Cầm lấy, La Porte - Buckingham nói -
đây là những tín vật duy nhất ta có với nàng, cái tráp bạc và hai chữ tắt ấy.
Ông hãy đưa lại cho lệnh bà, và để làm kỷ niệm cuối cùng (ông đưa mắt tìm quanh
xem có vật nào quý), ông mang theo về cho nàng.
- Ông vẫn tìm, nhưng đôi mắt đã mờ đi
vì cái chết gần kề, đôi mắt chỉ còn thấy con dao từ tay Felten rơi xuống và còn
sôi máu tươi trên khắp lưỡi dao.
- Và ông mang theo con dao ấy! - quận
công vừa nói vừa siết chặt tay La Porte.
- Ông vẫn còn có thể bỏ chiếc túi vào
trong cái tráp bạc, và buông con dao vào đấy, ra hiệu cho La Porte mình không
thể nói được nữa. Rồi lần này trong cơn vật vã cuối cùng, ông không thể chống
lại được nữa, và lăn từ ghế dài xuống sàn nhà.
Patrích thét lên một tiếng.
Buckingham muốn mỉm cười lần cuối nữa,
nhưng cái chết đã chặn đứng lại dòng suy nghĩ vẫn còn hằn lại trên trán ông như
một nụ hôn cuối cùng của tình yêu.
Lúc đó, thầy thuốc của Quận công mới
hớt hải chạy tới. Ông ta ở trên tàu đô đốc, nên người ta phải đến tận đấy tìm
ông.
Ông lại gần Quận công, cầm tay ông ta,
giữ một lúc trong tay mình và buông rơi xuống rồi nói:
- Vô ích thôi, ông ấy chết rồi.
- Chết ư, chết ư? - Patric kêu lên.
Nghe tiếng kêu, cả đám người ùa vào
gian phòng, đâu đâu cũng thất kinh và huyên náo.
Thấy Buckingham vừa tắt thở, Huân tước
De Winter chạy ngay đến chỗ Felten mà bọn lính vẫn canh giữ trên chiếc sân trời
nhỏ.
- Quân khốn kiếp? - Ông nói với chàng
trai trẻ mà từ lúc Buckingham chết anh ta đã lấy lại được sự gan góc và bình
thản chẳng bao giờ mất nữa - Khốn kiếp! Mày đã làm gì?
- Tôi trả thù! - gã nói.
- Mày trả thù ư? - Huân tước nói - mày
nói mày đã thành công cụ cho con đàn bà trời đánh thì hơn. Nhưng tao thề với
mày, tội ác này sẽ là tội ác cuối cùng của nó.
- Tôi không hiểu ông định nói gì -
Felten bình tĩnh trả lời - - Và thưa Huân tước, tôi không biết ông định nói về
ai đây. Tôi giết ông De Buckingham bởi ông ta đã hai lần từ chối chính ông
phong tôi chức đại úy. Tôi trừng phạt sự bất công của ông ta, có thế thôi.
De Winter, choáng người, nhìn những
người đang trói hắn ta và không biết nghĩ thế nào về sự vô cảm đến thế.
Tuy nhiên có một điều duy nhất phủ một
đám mây lên vầng trán trong trắng của hắn ta. Mỗi tiếng động hắn nghe thấy, tên
Thanh giáo ngây thơ ấy lại tưởng như nhận ra tiếng chân và giọng nói của Milady
lao vào trong vòng tay hắn để tự cáo buộc mình và cùng chết với hắn ta.
Bỗng hắn giật mình, mắt hắn chăm chăm
nhìn vào một chấm đen trên biển mà đối với người khác thì đó chỉ là một con ó
biển bồng bềnh trên sóng. Nhưng từ nơi sân thượng hắn đang đứng này có thể bao
quát tất cả và với con mắt chim ưng thủy thủ, hắn ta nhận ra cánh buồm của
chiếc thuyền buồm đang hướng về bờ biển nước Pháp.
Hắn tái mặt, đưa tay lên bóp chặt trái
tim đang tan nát và hiểu ra hoàn toàn sự phản bội.
- Thưa Huân tước, xin cho tôi được
hưởng một ân huệ cuối cùng - Hắn nói với Huân tước.
- Ân huệ gì? - Huân tước hỏi.
- Bây giờ là mấy giờ rồi ạ?
- Chín giờ kém mười lăm - Huân tước rút
đồng hồ ra xem nói.
Milady đã khởi hành trước thời hạn một
tiếng rưỡi. Ngay khi nghe tiếng đại bác báo biến cố trọng đại, đã ra lệnh nhổ
neo. Con thuyền đang lướt đi dưới bầu trời xanh ngắt và đã cách rất xa bờ.
- Chúa đã muốn như vậy - Hắn ta nói với
sự nhẫn nhục của một kẻ cuồng tín, tuy mắt vẫn không rời khỏi con thuyền đó và
hắn tưởng như chắc chắn có thể phân biệt rõ cái bóng ma trắng toát ở mạn thuyền
của mụ đàn bà mà vì mụ hắn sắp phải vong mạng.
Ông De Winter nhìn theo con mắt hắn ta,
để xem vì đâu hắn đau đớn và đã đoán ra tất cả.
- Quân khôn kiếp, mày hãy chịu trừng
phạt mình mày trước đã! - Huân tước nói với Felten, mắt vẫn đang bị hút về phía
biển - Nhưng ta thề với mày, trên hương hồn của anh ta mà ta yêu quý biết mấy,
cái con đồng phạm của mày không thoát nổi đâu.
Felten cúi đầu không nói một lời.
Còn ông De Winter, ông bước nhanh xuống
cầu thang và đi về phía cảng.
Chú thích:
(1) Tức Buckingham
BA NGƯỜI LÍNH NGỰ
LÂM
Chương 60
Bên nước Pháp.
Nỗi lo sợ đầu tiên
của Vua nước Anh, Charles đệ nhất, khi được tin cái chết ấy, là sợ cái tin vô
cùng khủng khiếp ấy sẽ làm quân Rochelle mất hết lòng can đảm. Richelieu viết
trong những hồi ký của mình là Vua Anh cố giấu họ càng lâu càng tất, cho đóng
cửa toàn bộ các hải cảng của vương quốc Anh, canh phòng rất cẩn thận không cho
tàu nào ra khỏi, cho đến khi đạo quân mà Buckingham đã chuẩn bị trước đó lên
đường. Nhà Vua, thay vì Buckingham, sẽ đích thân đảm nhiệm giám sát việc khởi
hành.
Nhà Vua còn đẩy
lệnh này nghiệt ngã lên đến mức giữ lại ở Anh quốc sứ thần Đan Mạch đã cáo biệt
vì hết nhiệm kỳ, và sứ thần đương nhiệm Hà Lan phải đưa trở về cảng Flétxinhgơ
những chủ nhiệm tàu Ấn Độ mà Vua Charles đệ nhất trao trả.
Nhưng vì ông chỉ
nghĩ tới việc ban ra lệnh ấy sau biến cố kia những năm tiếng đồng hồ nghĩa là
vào khoảng hai giờ chiều, hai chiếc tàu đã ra khỏi cảng. Một chiếc mang theo
Milady(1). Lúc đầu mụ còn nghi ngờ về biến cố, nhưng khi nhìn thấy cờ đen xõa
trên cột buồm tàu đô đốc, mụ lại càng tin chắc hơn.
Còn con tàu thứ
hai, nó chở ai đi và ra đi thế nào, sẽ nói sau.
Hơn nữa, trong thời
gian đó, chẳng có gì mới ở trận tuyến Rochelle. Chỉ có nhà Vua là vẫn cứ phiền
não như mọi khi, mà có lẽ có đôi chút phiền não hơn ở nơi trận truyến nên quyết
định cải trang đi tham dự các lễ hội Thánh Louis và Thánh Germain và đã yêu cầu
Giáo chủ chuẩn bị cho mình một đoàn hộ tống độ hai mươi ngự lâm quân thôi. Giáo
chủ đôi khi cũng bị lây nỗi phiền muộn của nhà Vua, nên rất vui vẻ cho viên phụ
tá của mình nghỉ phép để đi cùng nhà Vua, ông này hứa sẽ trở về ngày 15 tháng
chín.
Ông De Treville
được Giáo chủ báo trước, liền chuẩn bị hành lý và vì, không rõ tại sao ông lại
biết được cái nguyện vọng tha thiết, thậm chí là nhu cầu khẩn yếu của các bạn
trẻ của mình là được trở về Paris, nên không cần nói cũng biết ông chỉ định họ
tham gia đoàn hộ tống.
Bốn chàng biết tin
sau ông De Treville mười lăm phút, bởi họ là những người đầu tiên được ông
thông báo, lúc này D'Artagnan mới thấy quý sự biệt đãi mà Giáo chủ đã ban cho
chàng được chuyển sang ngự lâm quân, không có chuyện đó chàng đã buộc phải ở
lại trận tuyến trong khi các bạn ra đi.
Không nói cũng rõ
việc nóng ruột trở về Paris có nguyên nhân là mối nguy hiểm mà bà Bonacieux sẽ
gặp phải khi chạm trán với Milady, kẻ tử thù của bà ở tu viện Bêtuyn. Vì vậy
Aramis đã viết ngay thư cho Marie Mítsông, cô thợ may ở Tours vốn có những mối
quen biết rất thần thế, để xin hoàng hậu cho phép bà Bonacieux được ra khỏi tu
viện, rút lui về sống ở Lôren hoặc ở Bỉ. Chẳng phải đợi lâu tám chín ngày sau
Aramis đã nhận được thư trả lời.
"Anh họ thân
yêu của em.
Đây là giấy phép
của chị em cho rút cô bé nữ tì của chúng ta ra khỏi tu viện Bêtuyn, mà anh thấy
không khí ở đấy không hợp với cô bé. Chị em gừi cho anh giấy phép này mà trong
lòng rất vui bởi chị ấy yêu cô bé lắm, và vẫn dành cho cô bé sự giúp đỡ sau
này".
Kèm theo thư là một
giấy phép như sau:
"Bà nhất tu
viện Bêtuyn sẽ trao tận tay người trao cho bà giấy này, nữ tu sĩ mới tới và đã
vào tu viện của bà dưới sự ủy nhiệm và bảo trợ của ta.
Điện Louvre ngày 10
tháng 8 năm 1628
Anne"
Người ta thừa hiểu
mối quan hệ họ hàng giữa Aramis và cô thợ may gọi Hoàng hậu bằng chị đã làm mấy
người bạn trẻ hứng thú đến thế nào.
Nhưng Aramis, sau
hai ba lần đỏ mặt đến tận lòng trắng con mắt trước những câu đùa tục tĩu của
Porthos, đã yêu cầu các bạn mình đừng trở lại chủ đề ấy nữa và tuyên bố nếu còn
nói với chàng dù chỉ một lời về chuyện này, chàng sẽ không sử dụng cô em họ
mình làm trung gian cho những việc loại này nữa.
Vậy là không còn
vấn đề Marie Mítsông giữa bốn chàng ngự lâm nữa, vả lại họ đã có được điều họ
mong muốn, đó là lệnh rút bà Bonacieux ra khỏi tu viện những nữ tu sĩ Cácmel ở
Bêtuyn.
Đúng là, cái lệnh
đó sẽ chẳng giúp được họ bao nhiêu nếu họ vẫn còn ở trận tuyến La Rochelle,
nghĩa là ở đầu kia nước pháp.
Vì vậy D'Artagnan
đã toan xin ông De Treville cho nghỉ phép, bằng cách thổ lộ hết với ông tầm
quan trọng của việc ra đi, thì cái tin nhà Vua sắp đi Paris với một đoàn hộ
tống hai mươi ngự lâm quân và D'Artagnan cùng các bạn được tham gia đoàn, được
chuyển tới mấy người.
Niềm vui thật lớn
lao. Họ sai những người hầu đi trước cùng với hành lý và họ lên đường sáng hôm
sau.
Giáo chủ ra tiễn
Hoàng thượng từ Xuyếcgie đến Môzê và đến đó, nhà Vua và Giáo chủ từ biệt nhau
rất thân tình.
Nhà Vua mặc dầu
muốn càng đi nhanh càng tốt để ngày 23 về đến Paris, nhưng lại thích giải
phiền, nên dọc đường thỉnh thoảng lại dừng lại săn chim ác là, một trò tiêu
khiển trước đây chịu ảnh hưởng của Công tước Luynơ(2) mà nhà Vua vẫn luôn luôn
ham thích. Trong số hai mươi ngự lâm quân, thì mười sáu người rất lấy làm vui
thích mỗi khi dừng lại như thế, còn bốn người kia thì lại không tiếc lời nguyền
rủa. Nhất là D'Artagnan, lúc nào cũng như có tiếng ong ong trong tai, điều đó
được Porthos giải thích:
- Một vị đại phu
nhân bảo tớ, thế là có ai đó đang mong cậu đấy!
Rốt cuộc, đoàn hộ
tống cũng vào Paris đêm 23. Nhà vua cám ơn ông De Treville và cho phép ông được
cho quân mình nghỉ bốn ngày phép với điều kiện không một ai trong số được đặc
ân ấy lộ mặt ở nơi công cộng, nếu không sẽ phạt tội tống ngục Bastille.
Bốn người đầu tiên
được nghỉ phép đương nhiên là bốn người bạn. Hơn nữa, Athos còn được ông De
Treville cho sáu ngày thay vì bốn, lại còn thêm vào đấy hai đêm, họ được đi vào
lúc năm giờ chiều 24, nhưng để làm vừa lòng họ, ông lại tính phép vào sáng ngày
25.
- Ơ hay, lạy Chúa?
- D'Artagnan vốn chẳng bao giờ nghi ngờ điều gì nói - Tôi thấy hình như chúng
ta đang làm rắc rối thêm cái điều hoàn toàn đơn giản. Chỉ cần hai ngày, phi
ngựa chí tử, thay vài ba con (cần cóc gì, tôi có tiền mà) là tôi đã đến được
Bêtuyn, tôi sẽ trao thư của Hoàng hậu cho bà nhất và tôi sẽ đưa kho báu thân
yêu mà tôi vẫn đi tìm không phải về Lôren, cũng không về Bỉ, mà về Paris, ở đấy
giấu tốt hơn, nhất là chừng nào Giáo chủ còn ở La Rochelle. Rồi, một khi đã từ
chiến dịch trở về thì lúc đó, một phần được sự che chở của bà chị họ của nàng,
một phần được đặc ân do những gì chúng ta đã làm cho Hoàng hậu, chúng ta sẽ
được Hoàng hậu ban cho điều chúng ta mong muốn. Các vị cứ ở lại đây, làm gì phải
đi đâu cho nó mệt người vô ích, chỉ cần tôi và Planchet là đã đủ cho một cuộc
viễn chinh quá ư đơn giản đến thế.
Nghe vậy, Athos
điềm tĩnh trả lời:
- Thì bọn mình, bọn
mình cũng có tiền chứ. Bởi mình đã uống hết phần tiền bán kim cương đâu và
Porthos, Aramis cũng đều chưa ăn hết. Chúng mình có thể cho toi đến bốn con mỗi
người ấy chứ. Nhưng nghĩ kỹ đi D'Artagnan - Athos nói thêm bằng một giọng quá u
uất khiến chàng trai nghe cũng phải rùng mình - hãy nghĩ rằng Bêtuyn là một
thành phố, nơi Giáo chủ đã có cuộc hẹn với một người đàn bà đi đến đâu mang
theo bất hạnh tới đó. D'Artagnan, nếu đây là công việc chỉ liên quan đến bốn
người đàn ông chúng ta, thì tôi sẽ để cậu đi một mình. Nhưng cậu lại có chuyện
với con mụ ấy, thì chúng ta phải đi cả bốn đến đó và cầu Chúa phù hộ, cùng với
bốn người hầu của chúng ta, chúng ta sẽ đủ chơi.
- Athos, anh làm
tôi phát hoảng đấy - D'Artagnan nói - Lạy Chúa, mà anh sợ cái gì mới được chứ?
- Sợ tất - Athos
đáp.
D'Artagnan quan sát
vẻ mặt các bạn, thấy đều như Athos cả đều mang dấu lo lắng sâu xa. Thế rồi họ
tiếp tục lên đường, cho ngựa phóng hết cỡ, không nói thêm một lời.
Chiều ngày 25, khi
đi vào Arát, và khi D'Artagnan vừa mới xuống ngựa ở quán Chiếc bừa vàng để uống
một cốc vang, thì một kỵ sĩ cũng vừa từ sân một bưu trạm đi ra, có lẽ vừa thay
ngựa, và cho con ngựa mới phi nước đại về phía Paris. Lúc hắn phi qua chiếc
cổng lớn ra đường phố, gió tốc vạt áo choàng hắn khoác mặc dầu đang tháng tám,
và định cuốn bay chiếc mũ, hắn đưa tay giữ lấy, lúc chiếc mũ vừa rời khỏi đầu,
và kéo sụp xuống mắt.
D'Artagnan mắt vẫn
chăm chăm nhìn con người ấy bỗng tái mặt, đánh rơi cả chiếc cốc.
- Ông sao vậy, ông
chủ? - Lăngsê hỏi.
- Ôi, kìa, lại đây
ngay, các ông, ông chủ tôi bị ốm rồi kìa!
Ba người bạn chạy
ngay đến và thấy D'Artagnan chẳng những không sao, lại còn chạy đến chỗ ngựa
mình. Họ giữ chàng lại ở ngưỡng cửa.
Athos quát:
- Hay nhỉ, cậu định
đi quái quỷ đâu thế này?
- Chính hắn! -
D'Artagnan mặt tái đi tức giận, lấm tấm mồ hôi trán kêu lên - Chính hắn? Cứ để
tôi đuổi theo nó?
- Nhưng hắn là ai?
- Athos hỏi.
- Hắn, cái người
ấy?
- Cái người nào?
- Cái tên trời
đánh, cái tên ác thần của tôi, mà bao giờ gặp nó tôi cũng có nguy cơ gặp tai
họa, cái tên đi cùng con mụ khủng khiếp lần đầu tiên tôi gặp mụ ấy, cái tên tôi
đang đuổi theo tìm nó thì đụng phải anh Athos ấy, cũng là cái tên tôi nhìn thấy
đúng sáng hôm bà Bonacieux bị bắt cóc ấy. Tôi đã thấy hắn, đúng là hắn! Tôi
nhận ra hắn khi gió tốc áo chàng của hắn lên.
- Quỷ sứ đấy! -
Athos mơ màng nói.
- Lên yên, các vị,
lên yên thôi. Ta đuổi theo hắn, và sẽ đuổi kịp hắn.
- Bạn thân mến -
Aramis nói - Nên nhớ hắn đi về phía đối diện chúng ta đang đi, hắn lại có ngựa
mới thay, còn ngựa của chúng ta thì đã mệt, do đó có phi đến quỵ ngựa cũng
chẳng có cơ may đuổi kịp hắn. Thôi mặc xác tên đàn ông đó, chúng ta hãy cứu
người phụ nữ đã.
- Ê, ông ơi! - Một
gã coi ngựa vừa đuổi theo người lạ mặt vừa kêu lên - Ông ơi! Có mẩu giấy rơi ra
từ mũ ông đây này? Ê, ông ơi!
- Anh bạn? -
D'Artagnan nói - Đồng nửa pítxtôn cho mẩu giấy ấy đây?
- Rất vui lòng,
thưa ông, nó đây!
Gã coi ngựa rất vui
gặp một ngày may mắn, trở lại sân lữ điếm. D'Artagnan mở mẩu giấy
ra.
- Thế nào? - Các bạn vừa quây lại vừa
hỏi.
- Mỗi một chữ! - D'Artagnan nói.
- Phải, Aramis nói - nhưng cái tên đó
là tên một thị trấn hay tên làng đấy.
- Armandchie – Porthos đọc -
Armandchie, tôi không biết cái tên ấy?
- Nhưng tên thị trấn hay tên làng cũng
là do tay con mụ đó viết. - Athos kêu lên.
D'Artagnan nói:
- Thôi được rồi, chúng ta cứ giữ cẩn
thận mẩu giấy đó. Có lẽ tôi sẽ chẳng mất toi đồng nửa pítxtôn cuối cùng của tôi
đâu. Lên ngựa, các bạn lên ngựa thôi?
Và bốn người bạn phi nước đại trên con
đường tới Bêtuyn.
Chú thích:
(1) Ở đây, con thuyền đưa Milady về Pháp, lúc đầu tác giả gọi là Sloop,
tiếng Anh là thuyền một buồm. Cuối
(2) Thống tướng Albe Luyn (chức này sau bị Richelieu xóa bỏ) sủng thần
của Louis XIII, người chồng trước của nữ Công tước De Chevreuse mà trong truyện
là người tình của Aramis, thường được gọi là cô em họ.
BA NGƯỜI LÍNH NGỰ
LÂM
Chương 61
Tu viện nữ tu sĩ Cácmel ở Bêtuyn.
Những kẻ phạm trọng tội thường mang
trong mình một loại tiền định cho phép chúng vượt qua mọi hiểm nguy, cho tới
khi Chúa cứu thế đã quá mệt mỏi liền đánh dấu cho tiêu ma cái vận mạng vô đạo
của chúng.
Trường hợp Milady là như thế. Mụ đã lọt
qua được tàu tuần dương của cả hai nước, và đến Bulônhơ bình yên vô sự.
Lên cảng Portsmouth, Milady là một phụ
nữ Anh bị những sự bạo ngược ở Pháp xua đuổi khỏi Rochelle. Lên bờ Bulônhơ, sau
hai ngày vượt biển, mụ lại biến thành một người đàn bà Pháp bị người anh ở
Portsmouth vì mang mối hận thù chống lại nước Pháp quấy nhiễu.
Vả lại Milady có một thứ hộ chiếu có
hiệu lực nhất, đó là sắc đẹp của mụ, dáng vẻ cao quý và sự hào phóng vung tiền
của mụ.
Vượt qua những thủ tục thông thường
bằng nụ cười đáng yêu và những cử chỉ lả lơi tình tứ, viên trấn thủ cảng còn
hôn tay mụ, vì vậy mụ chỉ ở lại Bulônhơ đủ thời gian để bỏ vào bưu trạm bức thư
như sau:
"Kính gửi Đức ông Giáo chủ De
Richelieu, tại mặt trận La Rochelle.
Thưa Đức ông, xin Đức ông yên tâm, Quận
công De Buckingham sẽ không đến nước Pháp được đâu.
Bulônhơ chiều 25.
Milady de…"
T.B. Theo ý muốn của Đức ông, tôi đang
trở về tu viện Bêtuyn, và sẽ đợi lệnh ngài ở đấy.
Quả nhiên ngay chiều hôm đó, Milady lên
đường. Đêm xuống. Mụ dừng lại và ngủ trong một quán trọ, rồi năm giờ sáng hôm
sau, lại ra đi, sau ba tiếng đồng hồ, đến Bêtuyn.
Mụ hỏi thăm tu viện các nữ tu sĩ
Cácmel, và vào ngay đó. Bà nhất ra gặp mụ. Milady đưa cho bà lệnh của Giáo chủ.
Bà tu viện trưởng sai dọn cho mụ một phòng và bữa điểm tâm.
Mọi cái thuộc về quá khứ đã được xóa
nhòa trước mắt người đàn bà đó, và mắt chăm chăm hướng về tương lai, mụ chỉ
thấy cái vận mệnh cao sang mà Giáo chủ sẽ đành cho, chỉ thấy phục vụ Giáo chủ
quá may mắn khiến tên ông không dính dáng gì vào toàn bộ cái vụ việc đẫm máu
đó. Những đam mê luôn luôn mới mẻ làm mụ kiệt quệ sức lực, lại đem lại cho cuộc
đời mụ cái vẻ bề ngoài của những đám mây bay trên trờl phản ánh lúc thì màu
xanh biếc, lúc thì màu lửa đỏ, khi thì màu đen u ám của bão tố và chỉ để lại
trên mặt đất những vết tích của tàn phá và chết chóc.
Sau bữa điểm tâm, bà tu viện trưởng tới
thăm mụ. Ở nhà tu kín chẳng có mấy trò tiêu khiển, và bà nhất hiền lành phúc
hậu đã vội đến làm quen với người khách trọ mới của mình.
Milady muốn làm bà tu viện trưởng vui
lòng. Điều đó thật dễ đối với một người đàn bà thực sự thuộc tầng lớp trên như
thế.
Mụ cố làm ra vẻ dễ thương. Mụ kiều diễm
và quyến rũ bà nhất phúc hậu bằng những câu chuyện rất đa dạng và bằng những
nét duyên dáng trên khắp người mình.
Nữ tu viện trưởng, một tiểu thư xuất
thân từ gia đình quý tộc nên càng thích nghe những chuyện triều đình hiếm khi
lan đến những nơi tận cùng của vương quốc và nhất là phải khó khăn lắm mới vượt
qua được những bức tường của các tu viện, nơi những dư luận thế gian chỉ đến
được ngưỡng cửa là đã thở hắt ra rồi.
Milady, trái lại, lại thông tỏ mọi mưu
mô của giới quý tộc, mà mụ đã từng sống giữa những thủ đoạn đó năm sáu năm nay,
bèn kể cho bà tu viện trưởng phúc hậu kia những thói tục thời lưu của triều
đình Pháp, xen lẫn những cuồng nhiệt quá đáng của nhà Vua. Mụ liệt kê ra cái
biên niên sử đầy bê bối của các vị vương hầu và các phu nhân trong triều đình,
mà bà tu viện trưởng đều biết mặt biết tên, động nhẹ cả tới mối tình của Hoàng
hậu và ông Bôtany, nói rất nhiều để moi người ta nói ra chút ít.
Nhưng bà tu viện trưởng chỉ biết nghe
và mỉm cười, mà không đáp lại.
Tuy nhiên, vì Milady thấy bà có vẻ rất
thích những loại chuyện ấy, liền tiếp tục. Có điều mụ dồn câu chuyện vào Giáo
chủ.
Nhưng mụ rất lúng túng vì không biết bà
nhất thuộc phe nhà Vua hay phe Giáo chủ, nên mụ phải giữ thái độ trung dung
thận trọng. Nhưng bà nhất, về phía mình lại còn thận trọng hơn, chỉ biết kính
cẩn cúi đầu mỗi khi nữ du khách nói đến tên của Giáo chủ.
Milady bắt đầu tin bà ta cũng rất phiền
muộn phải sống trong tu viện. Mụ quyết định thử liều một chút là biết ngay phải
như thế nào. Muốn biết sự kín đáo của bà tu viện trưởng phúc hậu này đến mức
nào, mụ liền nói tới một điều xấu xa lúc đầu còn rất giấu giấu giếm giếm, về
sau thì rõ rành rành của Giáo chủ, kể lại những mối tình của Thủ tướng
Richelieu với các bà De Eghiông, Mariông đờ Lócmơ và một vài phụ nữ phong tình
khác nữa.
Bà nhất nghe chăm chú hơn, dần dần có
vẻ thích thú hơn và mỉm cười.
"Tốt, Milady nghĩ, bà ta có vẻ
thích chuyện mình nói. Nếu bà ta thuộc phe Giáo chủ, ít nhất cũng không thuộc
loại cuồng tín".
Thế là mụ liền chuyển sang những hành
vi bạo ngược của Giáo chủ với kẻ thù của mình. Bà tu viện trưởng chỉ làm dấu
thánh không tán thành cũng không phản đối.
Điều đó khiến Milady khẳng định bà ta
thuộc phái nhà Vua hơn là phái Giáo chủ. Milady tiếp tục, mỗi lúc một thêm thắt
vào.
- Tôi hoàn toàn mô tê mù tịt về tất cả
những chuyện ấy - Cuối cùng bà nhất cũng nói - nhưng dù có ở cách xa triều đình
đến mấy, có đặt ra ngoài những lợi ích của người đời trong vị trí của chúng tôi
đến mấy thì những gì mà bà kể cho chúng tôi nghe cũng là những tấm gương rất
đáng buồn và một trong số những khách trọ của chúng tôi đã từng đau khổ biết
mấy trước những sự trả thù và ngược đãi của Giáo chủ.
- Một trong những khách trọ của bà ư -
Milady nói - Ờ! Chúa ơi! Tội nghiệp người đàn bà đó. Tôi thấy thương cho cô ta.
- Và bà nói có lý đấy, bởi cô ấy rất
đáng thương. Nhà tù, hăm dọa, đối xử tệ hại, cô ấy đau khổ mọi điều. Nhưng suy
cho cùng - bà nhất nói tiếp - Giáo chủ có lẽ có những lý do khả dĩ tin cậy để
hành động như thế, và cho dù cô ta có phong thái của một thiên thần, cũng không
bao giờ nên đánh giá con người theo dáng vẻ bề ngoài.
"Tốt - Milady tự nhủ - ai biết đâu
đấy! Có lẽ ta sắp phát hiện ra được điều gì ở đây, ta gặp may rồi".
Và mụ tạo cho mình một bộ mặt hoàn toàn
ngây thơ.
- Ôi! - Milady nói - Tôi biết chứ.
Người ta vẫn nói, mặt người dạ thú đấy thôi. Nhưng biết tin vào cái gì đây, nếu
không tin vào cái công trình đẹp nhất của Thượng đế! Về phần tôi, có lẽ suốt
đời tôi sẽ bị nhầm. Nhưng tôi sẽ luôn luôn tin vào người nào mà bộ mặt gợi cảm
tình cho tôi.
Bà tu viện trưởng nói:
- Vậy thì bà sẽ tin là thiếu phụ ấy vô
tội mất thôi.
- Ngài Giáo chủ không chỉ truy cứu các
tội ác - Mụ nói - Có một số những đức hạnh ngài còn truy cứu nghiêm khắc hơn cả
tội lỗi nữa đấy.
- Cho phép tôi, thưa bà được biểu lộ sự
kinh ngạc của tôi đấy - Bà nhất nói.
- Và về điều gì? - Milady vờ ngây thơ
hỏi.
- Ồ, về khẩu khí của bà ấy.
Milady mỉm cười hỏi.
- Bà thấy khẩu khí của tôi đáng ngạc
nhiên ở chỗ nào?
- Bà là bạn của Giáo chủ, vì ông ấy
phái bà đến đây, tuy nhiên…
- Tuy nhiên tôi lại nói xấu về ông ấy -
Milady nói tiếp suy nghĩ của bà nhất.
- Ít nhất bà cũng chẳng nói tốt gì cho
ngài.
- Đó là vì tôi không phải là bạn - Mụ
vừa nói vừa thở dài - mà là nạn nhân của ông ấy.
- Tuy nhiên bức thư mà ngài trao cho bà
gửi cho tôi thì sao đây?
- Là lệnh giữ tôi trong một loại nhà tù
mà ông ấy sẽ cho tay chân đến lôi tôi ra.
- Nhưng tại sao bà không trốn?
- Trốn đi đâu được? Bà tưởng có một địa
điểm nào trên trái đất này mà Giáo chủ không với tới được ư, nếu như ngài chịu
khó ra tay? Nếu tôi là một người đàn ông, bần cùng lắm, còn có thê làm như thế,
nhưng một người đàn bà như tôi, bà bảo phải làm gì? Cái cô khách trọ trẻ mà bà
cho ở đây có ý định chạy trốn không?
- Không, đúng vậy, với cô ta, lại là
chuyện khác, tôi tin rằng cô ấy ở lại Pháp là vì một mối tình nào đó.
Milady thở dài:
- Nếu cô ta yêu, cô ta đâu phải hoàn toàn
bất hạnh.
- Như thế có nghĩa - bà tu viện trưởng
vừa nói vừa nhìn Milady thêm thiện cảm - tôi lại gặp thêm một phụ nữ đáng
thương bị ngược đãi ư?
- Than ôi, đúng như thế đấy bà ạ -
Milady nói.
Bà tu viện trưởng nhìn Milady một lúc
với vẻ lo lắng như thể có một ý nghĩ mới vừa nẩy ra trong óc bà.
- Bà không phải là kẻ thù của đức tin
thần thánh của chúng tôi đấy chứ? - Bà nhất lúng túng hỏi.
- Tôi ư? - Milady kêu lên - Tôi mà Tin
lành ư? Ồ, không đâu, xin chúa chứng giám và thấu hiểu cho tôi, trái lại, tôi
còn là một tín đồ Cơ đốc giáo đầy nhiệt huyết.
- Thế thì - bà nhất mỉm cười nói - bà
cứ yên tâm. Ngôi nhà mà bà đang ở đây sẽ không phải là một nhà tù quá khắc
nghiệt, và chúng tôi sẽ làm tất những gì cần làm để bà yêu mến cảnh giam cầm
này. Thêm nữa, bà sẽ gặp ở nơi đây thiếu phụ bị ngược đãi chắc hẳn do một âm
mưu nào đó tiếp theo ở triều đình, cô ấy thật đáng yêu và duyên dáng.
- Bà gọi tên cô ta thế nào?
- Cô ấy được một vị nào đó quyền chức
rất cao gửi gắm tới dưới cái tên là Ketty. Tôi cũng chẳng muốn biết tên khác
của cô ấy là gì.
- Ketty? - Milady
reo lên - Sao! Bà chắc như thế chứ? Rằng cô ấy được gọi tên như thế có phải
không?
- Phải đấy. Ra bà
cũng biết cô ấy?
Milady mỉm cười với
chính mình và với ý nghĩ vừa chợt đến với mình là thiếu phụ đó có thể là thị tì
cũ của mình. Kỷ niệm về cô gái này nối liền với kỷ niệm giận dữ, và một ý muốn
trả thù đã làm Milady biến sắc, nhưng người đàn bà có tới trăm bộ mặt này trong
khoảnh khắc đã lấy lại ngay vẻ bình thản và nhân ái.
- Khi nào tôi có thể
gặp được người thiếu phụ, con người mà tôi đã cảm thấy ngay có rất nhiều cảm
tình ấy? - Milady hỏi.
- Tối nay thôi - Bà
tu viện trưởng nói - nội nhật hôm nay thôi. Nhưng bà vừa dong duổi bốn ngày
trời, chính bà đã nói với tôi như thế, sáng nay bà lại dậy từ năm giờ bà cần
phải nghỉ ngơi đã. Bà đi nằm rồi ngủ đi, đến giờ ăn trưa, chúng tôi sẽ đánh
thức bà dậy.
Cho dù Milady rất
có thể bỏ qua không cần ngủ nghê gì do cuộc phiêu lưu mới đã gây nên những kích
thích cho con tim luôn thèm khát những âm mưu, mụ vẫn chấp nhận nhã ý của bà
nhất. Từ mười hai đến mười lăm ngày nay mụ đã trải qua biết bao nhiêu những cảm
xúc khác nhau đến nỗi nếu tấm thân gang thép của mụ còn có thể chịu đựng được
sự mệt mỏi, thì tâm hồn mụ cũng cần phải nghỉ ngơi.
Mụ cáo từ bà nhất
đi nằm và được êm ru trong những ý nghĩ trả thù dĩ nhiên là hướng tới cái tên
Ketty. Mụ nhớ lại cái lời hứa hầu như vô giới hạn của giáo chủ nếu mụ thành
công trong việc mưu sát. Mụ đã thành công, vậy D'Artagnan phải được để cho mụ
xử.
Điều duy nhất làm
mụ sợ hãi, đó là kỷ niệm về chồng mụ.
Đó là Bá tước de la
Ferơ, mà mụ cứ tưởng đã chết hoặc ít nhất cũng đã đi biệt xứ, và bây giờ mụ lại
gặp lại trong Athos, người bạn thân thiết nhất của D'Artagnan.
Cho nên, nếu đã là
bạn của D'Artagnan, thì hắn phải sẵn sàng tham dự vào những thủ đoạn của gã mà
nhờ thế Hoàng hậu đã phá vỡ được những mưu toan của Giáo chủ, nếu hắn đã là bạn
của D'Artagnan thì hắn phải là kẻ thù của Giáo chủ và chắc chắn mụ sẽ chùm luôn
cả hắn vào việc trả thù mà mụ vẫn hy vọng sẽ bóp chết chàng ngự lâm trẻ.
Tất cả những hy
vọng đó đều là những ý nghĩ êm dịu đối với Milady, được ru bằng những ý nghĩ đó
chẳng mấy chốc mụ đã ngủ thiếp đi.
Mụ được đánh thức
bằng một giọng nói dịu dàng ngay phía cuối gường. Mụ mở mắt và thấy bà tu viện
trưởng đi cùng một thiếu phụ tóc hoe vàng, da rất mịn, đang chăm chú nhìn mụ
bằng con mắt tò mò đầy thiện ý.
Khuôn mặt thiếu phụ
hoàn toàn xa lạ đối với mụ. Cả hai đều vừa chào hỏi xã giao nhau - vừa thận
trọng dè dặt dò xét nhau.
Cả hai đều rất đẹp,
nhưng hai sắc đẹp hoàn toàn khác biệt nhau. Tuy nhiên Milady mỉm cười nhận ra
mình trội hơn nhiều về vẻ quyền quý và những kiểu cách quý tộc. Mà cũng đúng,
áo quần của người mới xuất gia mà thiếu phụ đang mặc không có lợi lắm trong
cuộc thi sắc này.
Bà tu viện trưởng
giới thiệu hai người với nhau. Rồi khi mọi thủ tục đã xong, vì phải làm những
bổn phận của mình ở giáo đường, bà để mặc hai thiếu phụ lại với nhau.
Người phụ nữ mới
xuất gia thấy Milady vẫn nằm, định đi theo bà nhất, nhưng Milady giữ lại.
- Sao vậy thưa bà,
- mụ nói với nàng - tôi vừa mới được thấy bà, mà bà đã định tước mất của tôi
niềm hân hạnh được tiếp kiến bà ư. Xin thú thực với bà, tôi vẫn mong có được
điều đó trong thời gian phải lưu lại ở đây.
- Không, thưa bà -
người mới xuất gia trả lời - có điều tôi e đã đến không đúng lúc: bà còn đang
ngủ và còn mệt.
- Thế à? - Milady
nói - Người đang ngủ có thể đòi hỏi điều gì nào? Đó là được tỉnh giấc khoan
khoái. Bà đã làm cho tôi được tỉnh giấc như thế đấy. Bà hãy cho tôi được thoải
mái hưởng cái thú khoan khoái đó.
- Và cầm lấy tay
nàng, kéo đến ngồi trên chiếc ghế bành cạnh giường ngủ của mình.
Thiếu phụ ngồi
xuống.
- Lạy Chúa! - Nàng
nói - sao mà tôi khốn khổ đến thế! Thế là đã sáu tháng tôi ở đây, không một
chút bóng dáng thú vui, bà đến đây, sự hiện diện của bà làm tôi sắp có được một
người bạn yêu kiều, ấy thế mà, rất có thể, chưa biết lúc nào, tôi sắp rời khỏi
tu viện.
- Sao thế? - Milady
nói - bà sắp ra khỏi đây ư?
- Ít ra tôi cũng
mong như thế - Nàng vừa nói vừa biểu lộ một niềm vui chẳng hề tìm cách ngụy
trang.
- Tôi tin là mình
đã được biết bà đã từng đau khổ vì Giáo chủ - Milady tiếp tục - cái đó cũng lại
thêm một lý do để chúng ta có sự thông cảm với nhau.
- Điều mà mẹ nhất
của chúng ta nói với tôi vậy cũng là sự thật nghĩa là bà cũng là nạn nhân của
lão thầy tu độc ác đó sao?
- Suỵt! - Milady
nói - ngay ở đây, chúng ta cũng đừng nói ông ta như thế. Mọi nỗi bất hạnh của
tôi chính cũng xuất phát từ chỗ đi nói gần như bà vừa nói với tôi ấy trước một
người đàn bà tôi vẫn coi là bạn, ai ngờ đã phản bội tôi. Và chắc bà cũng vậy,
bà cũng là nạn nhân của một sự phản bội?
- Không - thiếu phụ
đáp - mà là sự tận tâm của tôi, tận tâm với một người đàn bà mà tôi yêu, với
bà, tôi đã cống hiến cả đời mình và với bà, tôi sẽ còn cống hiến thêm nữa.
- Và người đó đã bỏ
rơi bà, thế chứ gì?
- Tôi đã từng khá
bất công để tin như thế, nhưng từ hai ba hôm nay tôi đã thu được bằng chứng
ngược lại và tôi đã cảm ơn Chúa về điều đó.
- Tôi đáng bị trả
giá về việc đi tin rằng bà đã quên tôi. Nhưng bà, thưa bà - thiếu phụ tiếp tục
- tôi thấy hình như bà được tự do và nếu như bà định trốn, có điều gì ngăn cấm
bà đâu.
- Bà muốn tôi trốn
đi đâu, không bạn bè, không tiền bạc, đến một miền của nước Pháp mà tôi không
hay biết và chưa bao giờ đặt chân tới ư?
- Ồ! - Thiếu phụ
kêu lên - về chuyện bạn bè thì ở đâu bà chẳng có khi bà tỏ ra hiền hậu, và
trông bà lại đẹp đến thế kia!
Milady vừa nói vừa
nặn ra một nụ cười dịu dàng hơn cho có vẻ thiên thần:
- Điều đó cũng
không tránh cho tôi khỏi bị đơn độc và bị ngược đãi.
- Bà hãy nghe tôi -
thiếu phụ nói - cần phải hy vọng vào trời. Làm điều tốt rồi thế nào cũng có lúc
Chúa thấu hiểu, mà có thể đây cũng là dịp may của bà chăng, tuy tôi hèn mọn và
không thần thế gì, nhưng bà đã gặp tôi, nếu tôi ra khỏi đây, lúc đó, tôi sẽ có
mấy người bạn khá mạnh sau khi đã tiến hành vận động cho tôi, cũng có thể vận
động cho bà.
- Ồ, khi tôi nói
rằng tôi đơn độc - Milady nói về bản thân mình, hy vọng người nữ tu mới xuất
gia cũng phải bật ra về cô ta - không phải tôi không có một số chỗ quen biết
rất cao, nhưng ngay chính họ cũng run sợ trước Giáo chủ. Kể cả Hoàng hậu nữa
cũng không dám chống lại vị thủ tướng khủng khiếp ấy cơ mà.
- Tôi có bằng chứng
Hoàng hậu mặc dầu có tấm lòng nhân hậu tuyệt vời đã mấy lần phải để mặc cho
Giáo chủ trút giận dữ lên những người đã phục vụ mình.
- Thưa bà, xin hãy
tin tôi, Hoàng hậu có thể làm ra vẻ bỏ rơi những con người đó, nhưng ta không
nên tin ở bề ngoài, họ càng bị ngược đãi bà càng nghĩ đến họ, và thường thường
đúng lúc họ trông chờ ở bà ít nhất, họ lại có được bằng chứng về việc bà rất
nhớ đến họ.
- Ôi! - Milady nói
- Tôi tin chứ. Hoàng hậu thật quá tất.
- Ồ? Thế ra bà cũng
quen biết Hoàng hậu ư? - Thiếu phụ cuồng nhiệt reo lên - Hoàng hậu kiều diễm và
cao quý, bà cũng nói về Hoàng hậu như thế ư?
- Nghĩa là - Milady
bị đẩy vào thế phòng thủ nói - về cá nhân tôi, tôi không có được cái vinh dự
quen biết Hoàng hậu, nhưng tôi quen biết khá nhiều bạn bè thân thiết của bà.
Tôi quen ông De Puytănggiơ này, tôi quen ở anh ông Đuyja. Tôi quen ông De Treville.
- Ông De Treville? - Thiếu phụ reo lên
- Bà quen cả ông De Treville?
- Vâng, hoàn toàn, nhiều nữa ấy chứ.
- Đại úy ngự lâm quân của nhà Vua?
- Đúng, đại úy ngự lâm quân của nhà
vua.
- Ồ, vậy thì rồi bà sẽ thấy - thiếu phụ
vẫn reo lên - Vừa mới quen biết nhau xong mà hầu như đã là bạn của nhau rồi.
Nếu bà quen biết ông De Treville, chắc bà đã đến nhà ông ấy?
- Luôn luôn? - Milady nói vậy, vì đã
trót rồi, lại thấy nói dối cũng có kết quả nên định nói dối đến cùng.
- Tại chỗ ông ấy, chắc bà phải gặp một
vài lính ngự lâm của ông ấy?
- Gặp tất cả những người mà ông ấy tiếp
thường xuyên? - Milady trả lời, vì thấy câu chuyện xoay ra có lợi.
- Bà thử kể tên một vài người bà quen
biết xem sao nào, và bà sẽ thấy họ cũng thuộc trong số người bạn của tôi.
- Nhưng - Milady lúng túng nói - Tôi
quen ông De Xuvinhi, ông De Cuốctivrông, ông De Fréjusxắc.
Thiếu phụ để cho mụ nói, rồi thấy mụ
dừng lại nàng hỏi:
- Thế bà không quen một nhà quý tộc tên
là Athos ư?
Milady mặt xám ngoét đi như màu thảm
trải giường mụ nằm, và dù đã rất tự chủ, không tránh khỏi vừa thốt ra một tiếng
kêu, vừa nắm lấy tay người đang trò chuyện với mình, vừa nhìn như muốn nuốt
sống người ta.
- Sao? Bà sao vậy? Ôi, lạy Chúa - Người
phụ nữ đáng thương hỏi - tôi đã nói điều gì xúc phạm đến bà ư?
- Không, nhưng cái tên đó đã tác động
mạnh đến tôi, bởi vì tôi, tôi cũng quen biết nhà quý tộc đó, nhưng tôi lấy làm
lạ khi thấy có người lại quen biết ông ta nhiều đến thế.
- Ồ, đúng! Nhiều! Rất nhiều! Không
những ông ấy mà còn cả các bạn ông ấy nữa: các ông Porthos và Aramis?
- Thật ra, tôi cũng quen cả mấy ông
này! - Milady nói mà cảm thấy lạnh thấu tim.
- Thế thì… Nếu bà đã quen biết họ, hẳn
bà phải biết họ là những người bạn tất và trung thực, và sao bà không ngỏ ý với
họ, nếu bà cần chỗ dựa?
- Nghĩa là - Milady ấp úng - tôi không
thực sự kết giao với bất kỳ ai trong số họ. Tôi biết họ vì được một người bạn
họ, ông D'Artagnan, đã nói rất nhiều về họ thôi.
- Vậy bà quen ông D'Artagnan? - Đến
lượt thiếu phụ nói như thét lên. Nắm lấy tay Milady với đôi mắt ngốn ngấu. Rồi
nhận thấy biểu hiện lạ lùng trong con mắt của Milady:
- Xin lỗi bà, bà quen ông ấy với danh
nghĩa gì?
- Ồ - Milady bối rối - Ồ, danh nghĩa
bạn bè thôi.
- Bà lừa tôi, thưa bà -người nữ tu mới
nói - bà từng là người tình của ông ấy.
- Chính bà mới từng là người tình của
ông ấy - Đến lượt Milady hét lên.
- Tôi ư? - Thiếu phụ nói.
- Phải, bà, bây giờ thì tôi biết bà
rồi: bà là bà Bonacieux.
Thiếu phụ lùi lại hết sức kinh ngạc và
hoảng sợ.
- Ồ! Đừng chối nữa! Trả lời đi! -
Milady tiếp - Được! Thì đúng đấy? - Thiếu phụ nói - Chúng ta là tình địch của
nhau?
Mắt Milady tóe lên ngọn lửa hết sức
hoang dại mà trong mọi trường hợp khác bà Bonacieux đã vội chạy trốn vì hoảng
sợ, nhưng mà nàng cũng đang hoàn toàn lên cơn ghen.
- Nào, bà nói đi - Bà Bonacieux nói với
một nghị lực mà người ta không thể ngờ tới - bà từng là hay đang là người tình
của ông ấy?
- Ồ, không! - Milady hét lên bằng một
giọng không thể ngờ được về sự chân thực - Không bao giờ! Không bao giờ!
- Tôi tin bà, bà Bonacieux! Nhưng tại
sao bà cũng thét lên như thế?
- Sao, bà không hiểu ư? - Milady lúc
này đã bình tĩnh trở lại và lại ứng phó nhanh như trước, mụ hỏi vậy.
- Bà muốn tôi phải hiểu thế nào đây?
Tôi chẳng biết gì cả.
- Thế là bà không hiểu ông D'Artagnan
là bạn của tôi, và ông ấy coi tôi là bạn tâm tình ư?
- Thật thế sao?
- Bà không hiểu là tôi biết hết ư. Từ
việc bắt cóc bà tại ngôi nhà nhỏ ở Saint-Germain, sự thất vọng của ông ấy, của
các bạn ông ấy, đến những việc tìm kiếm vô ích của họ từ khi ấy? Và làm sao tôi
lại không ngạc nhiên được, khi mà tôi đinh ninh mình đang ở trước mặt bà, người
mà chúng tôi thường cùng nhau nói đến, người mà ông ấy làm cho tôi phải yêu
trước cả khi tôi được gặp bà? Ôi! Constance thân mến, thế là tôi đã tìm được
bà, cuối cùng thì tôi cũng đã gặp bà!
Và Milady dang hai cánh tay ra cho bà
Bonacieux đã bị thuyết phục bởi những gì mụ vừa nói, và chỉ còn thấy người đàn
bà mà mới chỉ một phút trước đây nàng còn tưởng là tình địch ấy, một người bạn
thật thà và hết lòng với mình.
- Ồi, thứ lỗi cho
em? Thứ lỗi cho em? - Nàng vừa kêu lên vừa ngả người vào vai Milady - Em yêu
chị biết mấy!
Hai người ôm lấy
nhau trong giây lát. Chắc hẳn, nếu sức lực của Milady có thể lên cao ngang với
nỗi căm hận của mụ thì ôm nhau xong bà Bonacieux đã chết ngạt rồi. Nhưng vì
không bóp chết ngạt được, mụ cười với nàng.
- Ôi người đẹp thân
mến? Cô bé hiền hậu thân mến! - Milady nói - Được gặp cô tôi sung sướng biết
mấy! Nào để tôi nhìn cô nào! - Và vừa nói ra những câu ấy, mụ vừa hau háu nhìn
nàng - Phải, đúng là cô rồi! Chà! Theo như lời ông ấy đã nói với tôi, lúc này tôi
nhận ra cô rồi, tôi hoàn toàn nhận ra cô.
Người phụ nữ tội
nghiệp không thể ngờ tới những gì đang diễn ra vô cùng ghê rợn và hung dữ đằng
sau cái chiến lũy là vầng trán trong trắng là đôi mắt sáng long lanh đến thế
làm cho nàng chỉ thấy thích thú và cảm tình.
- Thế thì chị cũng
biết em đã từng đau khổ thể nào - Bà Bonacieux nói - một khi chàng đã nói với
chị những gì chàng đau khổ, thì đau khổ vì chàng, chính lại là hạnh phúc.
Milady lắp lại một
cách máy móc vì đang nghĩ đến điều khác:
- Phải, chính lại
là hạnh phúc.
- Và rồi, - Bà
Bonacieux tiếp tục - nỗi thống khổ của tôi cũng đến hồi kết thúc rồi, ngày mai,
có lẽ ngay tối nay cũng nên, tôi sẽ gặp lại chàng và thế là quá khứ sẽ không
tồn tại nữa.
- Tối nay ư? Ngày
mai ư? - Nghe những lời nói ấy Milady như hết mơ màng, thét lên - cô muốn nói
sao? Cô đang đợi tin tức của ông ấy à?
- Tôi đợi chính bản
thân chàng.
- Chính chàng! D'Artagnan, ở đây ư?
- Chính chàng.
- Nhưng, không thể thế được? Ông ấy
đang cùng với Giáo chủ vây thành La Rochelle kia mà? Ông ấy sẽ chỉ trở về sau
khi chiếm được thành?
- Chị cứ tưởng thế đấy thôi chứ làm gì
có cái gì lại không có thể với chàng D'Artagnan của em, con người quý tộc trung
thực và cao quý ấy.
- Ồ, tôi không thể tin nổi cô đâu?
- Vậy thì, chị đọc đi!
Trong lúc quá vui mừng và kiêu hãnh,
người phụ nữ trẻ khốn khổ chìa ngay một bức thư cho Milady.
"Nét chữ của bà De Chevreuse rồi!
- Milady tự nhủ - chà, mình vẫn tin chắc chúng thông đồng với nhau về chuyện
này mà?".
Và mụ đọc ngốn ngấu mấy dòng chữ đó:
"Em yêu quý, em hãy chuẩn bị sẵn
sàng, người bạn của chúng ta sắp tới gặp em rồi, và chàng đến gặp em là chỉ để
kéo em ra khỏi cảnh giam cầm mà vì sự an toàn của em buộc phải giấu em ở đấy
Vậy em hãy chuẩn bị lên đường và đừng bao giờ thất vọng về bọn ta.
Chàng Gátxông đáng yêu của chúng ta đến
để tỏ ra là vẫn luôn can trường và trung thành như mọi khi, em hãy nói với
chàng là người ta rất biết ơn chàng về thông báo chàng đã đưa ra".
- Phải, phải, - Milady nói - Phải, bức
thư rất rõ ràng. Cô có biết thông báo đó là về cái gì không?
- Không, em chỉ ngờ rằng chàng đã báo
cho Hoàng hậu về một âm mưu mới nào đấy của Giáo chủ.
- Phải, chắc là như thế! - Milady vừa
nói vừa trả lại bức thư cho bà Bonacieux rồi gục đầu xuống trầm ngâm.
Đúng lúc ấy có tiếng vó ngựa.
- Ồ! Bà Bonacieux vừa reo lên vừa lao
ra cửa sổ - Chàng đã đến rồi ư?
Milady vẫn đang ở trong giường, đờ
người ra vì kinh ngạc.
Bao nhiêu chuyện bất ngờ bỗng đến với
mụ, và lần này thì mụ thật sự hoang mang. Mụ lẩm bẩm:
- Hắn! Hắn ư? Thật hắn ư?
Nhưng mụ vẫn ở lì trên giường, mắt chăm
chăm.
- Ôi! Không phải - Bà Bonacieux nói -
Đó là một người đàn ông, em không quen biết, có vẻ như đang đến đây. Đúng, ông
ta cho ngựa chạy chậm lại, dừng ở trước cửa và giật chuông.
Milady nhảy ngay ra khỏi giường và hỏi:
- Cô có thật tin chắc không phải chàng
không?
- Ồ, vâng, chắc quá đi chứ?
- Cô nhìn nhầm chăng?
- Ồ, em chỉ thấy lông cài mũ và vạt áo
chàng là em đã nhận được ngay ra chàng mà.
Milady vẫn cứ mặc quần áo vào.
- Không sao! Cô bảo người đàn ông đó
đến đây?
- Phải, ông ta đã vào rồi.
- Thế thì hoặc để gặp cô hoặc để gặp
tôi.
- Ôi, Chúa ơi! Sao trông chị có vẻ bồn
chồn thế
- Đúng, tôi xin thú thực, tôi không có
được lòng tin như cô, tôi sợ Giáo chủ đủ thứ.
- Suỵt! - Bà Bonacieux - họ tới đấy!
Quả nhiên, cửa mở và bà nhất bước vào
hỏi Milady:
- Có phải bà từ Bulônhơ đến không?
- Vâng, chính tôi - Mụ trả lời, cố giữ
bình tĩnh -Ai hỏi tôi ư?
- Một người không muốn nói tên ra,
nhưng là người do Giáo chủ phái đến.
- Và muốn nói chuyện với tôi?
- Muốn nói chuyện với một bà từ Bulônhơ
đến.
- Thế thì tôi xin bà, bà để ông ấy vào
đi.
- Ôi lạy Chúa! Lạy Chúa! - Bà Bonacieux
nói - Hay là lại có một tin dữ nào ư?
- Tôi sợ là như thế.
- Vậy em để chị gặp người lạ mặt đó,
nhưng ngay khi người ấy đi khỏi, nếu chị cho phép, em sẽ trở lại.
- Sao lại không chứ! Tôi mong cô đến
đấy.
Milady còn lại một mình, mắt chăm chăm
nhìn ra cửa, một lát sau, có tiếng đinh thúc ngựa vang lên trên cầu thang rồi
tiếng bước chân lại gần, cửa mở, và một người đàn ông hiện ra.
Milady reo lên mừng
rỡ, người đàn ông đó chính là Bá tước De Rochefort, linh hồn tội lỗi của Giáo
chủ.
BA NGƯỜI LÍNH NGỰ
LÂM
Chương 62
Hai giống yêu quái
- Kìa!
Cả Milady lẫn
Rochefort cùng reo lên.
- Thì ra ông!
- Vâng, chính tôi.
- Ông từ đâu đến? -
Milady hỏi.
- Từ La Rochelle, còn bà?
- Từ nước Anh.
- Buckingham sao
rồi?
- Chết hoặc bị
thương nặng(1) vì tôi đã đi trước nên không nắm được điều gì rõ ràng về hắn,
một tên cuồng tín vừa ám sát hắn.
- Chà! - Rochefort
nở một nụ cười - Một sự run rủi quá may mắn rồi! Và Đức ông chắc sẽ hài lòng
lắm! Bà đã báo cho ngài chưa?
- Từ Bulônhơ tôi đã
viết cho ngài rồi. Nhưng làm thế nào ông lại đến được đây?
- Đức ông lo lắng
đã phái tôi đi tìm bà.
- Tôi mới đến từ
hôm qua.
- Và bà làm gì từ hôm
qua đến giờ?
- Tôi chẳng để phí
thời gian đâu.
- Ồ cái đó thì tôi
không nghi ngờ gì rồi?
- Ông có biết tôi
gặp ai ở đây không?
- Không.
- Ông đoán xem.
- Làm sao tôi đoán
nổi.
- Cái cô ả mà Hoàng
hậu đã kéo ra khỏi nhà tù đó.
- Tình nhân của thằng
ranh D'Artagnan?
- Đúng vậy, vợ lão
Bonacieux mà Giáo chủ không biết trốn ở đâu ấy!
- Ồ! – Rochefort
nói - Thế thì lại thêm một sự run rủi có thể sánh đôi với sự run rủi kia rồi.
Giáo chủ đúng thật là may mắn.
- Ông có biết tôi
ngạc nhiên đến thế nào khi tôi thấy mình đối mặt với con mụ ấy không?
- Mụ biết bà à?
- Không.
- Vậy mụ ta coi bà là một người xa lạ?
Milady mỉm cười?
- Tôi là bạn chí thiết của mụ?
- Xin lấy danh dự ra thề đấy -
Rochefort nói - chỉ có nữ Bá tước thân mến của tôi mới làm nổi những kỳ tích
đó.
- Và phen này thì tôi tính sổ được rồi,
ông hiệp sĩ ạ - Milady tiếp tục - bởi vì ông có biết xảy ra chuyện gì không?
- Không.
- Ngày mai hoặc ngày kia, người ta sẽ
đem lệnh của Hoàng hậu đến đây tìm mụ.
- Thật à! Và ai đến?
- D'Artagnan và lũ bạn hắn.
- Đúng là chúng gây ra bao nhiêu
chuyện, phải tống chúng vào ngục Bastille thôi.
- Tại sao còn chưa làm cái việc ấy?
- Bà muốn sao! Giáo chủ có một điểm yếu
nào đó đối với những con người này mà tôi không hiểu nổi.
- Thật à?
- Thật đấy.
- Thế thì ông phải nói với Giáo chủ
điều này, ông Rochefort ạ. Ông hãy nói với Giáo chủ câu chuyện giữa tôi và Giáo
chủ ở quán Chuồng chim câu Đỏ đã bị bốn kẻ ấy nghe trộm, sau khi ngài đi, một
kẻ đã lên chỗ tôi và dùng bạo lực giật mất của tôi tờ thông hành đặc biệt ngài
cho tôi. Nói với ngài chúng đã báo trước cho De Winter về việc tôi sang Anh,
chúng đã làm thất bại nhiệm vụ của tôi cũng như chúng đã từng làm thất bại vụ
nút kim cương. Nói với ngài trong bốn tên, chỉ hai tên là đáng sợ là D'Artagnan
và Athos. Tên thứ ba Aramis là tình nhân của bà De Chevreuse nên để cho tên ấy
sống, biết được bí mật của nó, nó có thể có ích. Còn tên thứ tư, Porthos, một
thằng ngu, một tên hợm hĩnh và ngớ ngẩn, chẳng thèm để ý làm gì.
- Nhưng cả bốn tên ấy lúc này đang ở
chỗ vây hãm La Rochelle kia mà.
- Tôi cũng đã tin thế như ông. Nhưng
bức thư vợ lão Bonacieux nhận được của bà thống tướng, và ả đã khờ khạo đưa cho
tôi xem, trái lại đã khiến tôi biết bốn tên đó đang đến đây để mang ả đi.
- Trời? Làm thế nào đây?
- Giáo chủ nói với ông thế nào về tôi?
- Rằng tôi phải mang những báo cáo bằng
văn bản hoặc bằng miệng của bà trở về bằng ngựa trạm, và khi ngài biết được bà
đã làm được những gì, ngài sẽ thông báo bà phải làm gì.
- Vậy tôi phải lưu lại đây à?
- Đây hoặc quanh đây.
- Ông không thể mang tôi đi cùng?
- Không, lệnh là lệnh. Ở vùng quanh
đấy, việc đó phương hại đến Đức ông.
- Vậy tôi phải đợi ở đây hay vùng quanh
đây?
- Chỉ cần bà nói trước cho tôi biết bà
đợi tin của Giáo chủ ở đâu, để tôi biết chỗ tìm bà.
- Ông này, có lẽ tôi không thể ở lại
đây.
- Tại sao?
- Ông quên bọn kẻ thù của tôi, sớm muộn
gì cũng đến đây ư?
- Đúng vậy, nhưng thế thì con mụ hạ
tiện kia sẽ thoát khỏi tay Giáo chủ ư?
- Vớ vẩn? - Milady nở một nụ cười chỉ
riêng mình hiểu - Ông quên tôi là bạn chí thiết của ả ư?
- Ồ, đúng rồi! Vậy tôi có thể nói với
Giáo chủ, đối với mụ đàn bà này…
- Ngài cứ yên tâm.
- Thế thôi ư?
- Ngài sẽ biết tôi muốn nói gì.
- Chắc là ngài sẽ đoán ra. Còn bây giờ
tôi phải làm gì đây?
- Phải đi ngay đi. Tôi thấy những tin
tức ông mang về bõ công đi sao cho thật nhanh đấy.
- Thế thì đến Liliê xe ngựa tôi gãy
bánh mất.
- Càng tuyệt!
- Càng tuyệt là thế nào?
- Đúng, vì tôi cần cỗ xe của ông mà.
- Thế thì tôi đi bằng gì bây giờ?
- Bằng ngựa trạm.
- Bà nói dễ nghe nhỉ. Một trăm tảm mươi
dặm đấy.
- Thế thì đã sao?
- Được tôi sẽ đi bằng ngựa trạm. Rồi
sau đó?
Sau đó, khi qua Liliê, ông sẽ lệnh cho
gia nhân đánh xe về đây cho tôi.
- Được! Chắc ông có sẵn một tờ lệnh nào
đó của Giáo chủ trong người chứ?
- Tôi có toàn quyền.
- Ông hãy ra lệnh cho bà tu viện
trưởng, bảo bà ta rằng hôm nay hoặc ngày mai ông sẽ cho người đến tìm tôi, và
tôi sẽ phải đi theo người đó.
- Được!
- Ông đừng quên tỏ ra cứng rắn với tôi
khi nói với bà tu viện trưởng. Thì tôi là nạn nhân của Giáo chủ mà. Tôi rất cần
gây được lòng tin với cái bà Bonacieux bé nhỏ tội nghiệp kia.
- Đúng vậy. Bây giờ bà có thể làm cho
tôi một báo cáo về tất cả những gì đã xảy đến không?
- Tôi đã chả kể hết cho ông nghe các
biến cố rồi là gì. Ông có trí nhớ tốt, ông cứ nhắc lại mọi điều tôi đã nói với
ông là được rồi. Giấy tờ nguy lắm.
- Bà nói đúng, có điều tôi phải biết
chính xác tìm bà ở đâu, để tôi khỏi phải chạy đi tìm khắp xung quanh vô ích.
- Đúng, ông chờ tí nhé.
- Bà cần bản đồ không?
- Ồ tôi thuộc vùng này như trong lòng
bàn tay ấy chứ.
- Bà thuộc ư? Vậy bà ở đây khi nào?
- Tôi lớn lên ở đây mà.
- Thật ư?
- Ông thấy đấy, lớn lên ở đâu mà chẳng
có đôi chút ích lợi.
- Vậy bà đợi tôi ở đâu?
- Để tôi nghĩ một chút. À, ở Acmăngchie
ông ạ.
- Acmăngchie là chỗ nào nhỉ?
- Một thị trấn nhỏ trên sông Lítx, tôi
chỉ việc qua sông là đã sang nước ngoài rồi.
- Và trong trường hợp ấy, làm thế nào
để tôi biết được bà ở đâu?
- Ông không cần người hầu của ông đấy
chứ?
- Không.
- Có tin được không?
- Đã được thử thách nhiều.
- Hãy trao nó cho
tôi. Không ai quen biết nó. Tôi để nó lại chỗ tôi đã rời đi, nó sẽ dẫn ông tới
nơi tôi ở.
- Và bà nói đợi tôi Acmăngchie.
- Ở Acmăngchie.
- Bà hãy viết cái tên đó lên mẩu giấy,
sợ tôi quên mất, bởi cũng chẳng có hại gì, một cái tên thị trấn thôi, có phải
không?
- Ồ biết đâu đấy? Thôi cóc cần - Milady
vừa nói, vừa ghi tên đó lên nửa tờ giấy - Thế này là tôi hại tôi đây.
- Tốt - Rochefort vừa nói vừa cầm lấy
mẩu giấy, gập lại và nhét vào mũ - vả lại, bà yên tâm, tôi sẽ làm như lũ trẻ
con và trong trường hợp đánh mất mẩu giấy, tôi sẽ nhắc đi nhắc lại suốt dọc
đường. Giờ thì xong tất cả rồi chứ.
- Tôi nghĩ vậy.
- Tôi kiểm tra lại một chút nhé:
Buckingham bị chết hoặc bị thương nặng. Cuộc trao đổi giữa bà với Giáo chủ đã
bị bốn tên ngự lâm quân nghe trộm. De Winter đã được báo trước việc bà đến
Portsmouth. Tống Athos D'Artagnan vào Bastille. Aramis là tình nhân của bà De
Chevreuse. Porthos là một tên hợm hĩnh. Đã tìm thấy vợ lão Bonacieux. Gửi lại
ngay cho bà cỗ xe càng sớm càng tốt. Cho người hầu của tôi đến hầu bà. Làm như
bà là nạn nhân của Giáo chủ, để bà tu viện trưởng khỏi nghi. Acmăngchie trên bờ
sông Litx. Đủ chưa nào?
- Ông hiệp sĩ thân mến của tôi ơi, đúng
là ông có một trí nhớ thần kỳ. Nhân tiện, thêm một điều…
- Điều gì?
- Tôi thấy có những mảnh rừng nhỏ rất
đẹp nối liền với khu vườn cây của tu viện, hãy bảo họ cho tôi được phép đi dạo
trong những mảnh rừng ấy, biết đâu tôi lại chẳng cần ra bằng lối cổng sau.
- Bà chu đáo lắm.
- Và ông quên một điều…
- Điều gì?
- Hỏi tôi xem tôi có cần tiền không?
- Đúng vậy, bà cần bao nhiêu?
- Tất cả số vàng ông có.
- Tôi có khoảng xấp xỉ năm trăm
Pítxtôn.
- Tôi cũng có ngần ấy. Với một nghìn
Pítxtôn, có thể đối mặt với mọi thứ. Nào ông dốc túi ra đi.
- Đây!
- Tốt, và ông đi chứ?
- Khoảng một giờ nữa. Đủ thời gian để
có chút gì vào bụng.
- Trong thời gian đó tôi sẽ đi tìm một
con ngựa trạm. Tuyệt lắm! Tạm biệt ông hiệp sĩ!
- Tạm biệt nữ Bá tước?
- Cho tôi gửi lời thăm hỏi Giáo chủ.
- Cho tôi gửi lời thăm quỷ Satan.
Milady và Rochefort mỉm cười với nhau
và chia tay. Một giờ sau, Rochefort phi ngựa nước đại ra đi.
Năm giờ chiều hắn đi qua Arratx.
Ở đó hắn đã bị D'Artagnan nhận mặt, vì
vậy đã khơi gợi những mối lo ngại cho bốn chàng ngự lâm, và đã đem lại một động
lực mới cho cuộc hành trình của họ.
Chú thích:
(1) Chỗ này tác giả lại quên vì khi Milady rời khỏì Portsmouth đã thấy
cờ tang trên tàu Đô đốc.
BA NGƯỜI LÍNH NGỰ
LÂM
Chương 63
Giọt nước.
Rochefort vừa đi
khỏi, bà Bonacieux đã trở lại, nàng thấy Milady mặt mũi tươi cười.
- Thế nào! - Thiếu
phụ nói - Điều mà chị lo sợ vậy là đã đến rồi chứ? Tối nay hay ngày mai Giáo
chủ sẽ cho người đến bắt chị?
- Ai bảo em như vậy
nào, cô bé của tôi? - Milady hỏi.
- Em nghe nói từ
miệng của viên sứ giả.
- Lại đây, ngồi gần
chị vào - Milady nói.
- Em đây.
- Hãy khoan, để chị
xem có ai nghe được chúng ta không đã.
- Tại sao phải đề
phòng như vậy?
- Rồi em sẽ biết.
Milady đứng lên đi
ra mở cửa, nhìn hành lang, rồi trở lại ngồi bên bà Bonacieux. Mụ nói:
- Thế là ông ta đã
diễn tốt vai của mình rồi.
- Ai cơ?
- Người tự xưng với
bà tu viện trưởng là phái viên của Giáo chủ đấy.
- Vậy là ông ta diễn trò ư?
- Đúng, cô em ạ.
- Vậy, người đó không phải là…
- Người đó - Milady hạ giọng - là ông
anh của chị.
- Ông anh của chị! - Bà Bonacieux kêu
lên.
- Chứ sao! Chỉ mình em biết bí mật này
thôi đấy nhé, em bé ạ. Nếu em để lộ cho bất kỳ ai là chị nguy đấy, cả em cũng
vậy.
- Ôi lạy Chúa tôi!
Nghe đây, chuyện là như thế này, anh
chị đến cứu chị ra khỏi đây bằng vũ lực, nếu cần, nhưng gặp phải phái viên của
Giáo chủ đến tìm chị. Anh chị đi theo hắn ta, đến một chỗ đường vắng và hẻo
lánh, anh ấy rút gươm ra lệnh cho tên phái viên phải trao hết giấy tờ mang
theo, tên kia định kháng cự, anh ấy đã giết chết hắn.
- Ôi! - Bà Bonacieux rùng mình kêu lên.
Đó là cách duy nhất, em cứ thử nghĩ
xem. Thế là ông anh chị quyết định thay sức mạnh bằng mưu kế, anh ấy lấy hết
giấy tờ ra mắt ở đây như chính bản thân phái viên của Giáo chủ, và trong khoảng
một hai tiếng nữa, một cỗ xe sẽ nhân danh Giáo chủ đến bắt chị.
- Em hiểu rồi, chiếc xe đó là do ông
anh chị gửi đến cho chị.
- Đúng vậy, nhưng chưa hết, bức thư mà
em nhận được và em tin là của bà De Chevreuse.
- Thì sao?
- Là giả.
- Sao lại thế?
- Phải, giả đấy. Đấy là cái bẫy để em
không chống cự lại khi người ta tới tìm em.
- Nhưng là D'Artagnan sẽ đến kia mà.
- Em hãy tỉnh lại đi. D'Artagnan và các
bạn mình bị giữ lại ở cuộc vây thành La Rochelle kia mà.
- Làm sao chị biết được điều ấy?
- Anh chị gặp những phái viên của Giáo
chủ trong quần áo ngự lâm. Họ sẽ gọi em ra cổng, em sẽ tưởng là có chuyện với
các bạn mình, và họ sẽ bắt em đưa về Paris.
- Ôi, lạy Chúa! Đầu tôi đến nổ tung ra
mất vì cái mớ hỗn mang đầy bất công này - Bà Milady lấy hai tay bóp trán nói
tiếp - Tôi cảm thấy nếu việc cứ như thế này tôi phát điên mất - Khoan đã!
- Gì thế?
- Chị nghe tiếng vó ngựa, đấy là ông
anh chị lại ra đi đấy. Chị muốn nói lời chào tạm biệt cuối cùng với anh ấy, lại
đây.
Milady mở cửa sổ và ra hiệu cho bà
Bonacieux ra theo. Thiếu phụ đi đến đấy.
Rochefort phi nước đại đi qua.
- Tạm biệt, anh
trai! - Milady nói to.
Kỵ sĩ ngẩng cao
đầu, nhìn thấy hai người thiếu phụ và vừa phi vừa giơ tay ra hiệu chào Milady
thân mật.
- Ôi cái anh Gioóc
tốt bụng! - Mụ vừa nói đóng cửa sổ lại với vẻ mặt đầy yêu thương và buồn bã.
Rồi mụ trở lại ngồi
vào chỗ cũ như thể đang đắm mình trong những suy nghĩ hoàn toàn riêng tư.
- Phu nhân thân
mến? - Bà Bonacieux nói - Xin thứ lỗi cho em đã cắt ngang dòng suy nghĩ của
chị! Nhưng chị khuyên em phải làm gì bây giờ? Chúa ơi! Chị có nhiều kinh nghiệm
hơn em, chị hãy nói đi, em xin nghe đây.
- Trước hết -
Milady nói - có thể là chị nhầm lắm chứ và D'Artagnan và các bạn của chàng sẽ
thực sự đến với em.
- Ôi! thế thì còn
gì bằng? - Bà Bonacieux reo lên - chẳng lẽ em lại được hạnh phúc đến thế sao!
- Ồ, em nên hiểu,
vấn đề sẽ chỉ đơn giản là thời gian, một thứ chạy đua xem ai đến trước thôi.
Nếu là các bạn em chạy nhanh hơn thì em sẽ được cứu thoát, nếu là bọn tay chân
Giáo chủ thì em chết.
- Ồ, phải, phải,
chết khốn khổ khốn nạn! Vậy phải làm gì? làm gì?
- Có một cách rất
đơn giản, rất tự nhiên…
- Cách gì, chị nói
xem nào?
- Là sẽ đợi, ẩn nấp
vùng quanh đấy và để biết chắc những người đến đây tìm mình là ai?
- Nhưng đợi ở đâu?
- Ồ, không thành
vấn đề. Cả chị nữa, chị cũng định trốn ở chỗ nào cách đây vài dặm để chờ anh
chị đến gặp chị cơ mà. Chị sẽ đem em đi theo, chúng ta sẽ cùng trốn, sẽ cùng
đợi.
- Nhưng người ta
không để cho em đi đâu. Em ở đây gần như một nữ tù nhân rồi.
- Vì người ta tin
là chị đi theo lệnh của Giáo chủ, nên sẽ không tin em vội vã đi theo chị đâu.
- Em không hiểu?
- Thế này nhé. Xe
sẽ đỗ ở cổng. Em sẽ ra tạm biệt chị, em sẽ trèo lên bậc xe để ôm chị lần cuối.
Tên gia nhân của ông anh chị đến đón chị sẽ được dặn trước, hắn ra hiệu cho bọn
xà ích, và chúng ta phi luôn.
- Nhưng còn D'Artagnan, nhỡ chàng đến?
- Chả nhẽ chúng ta lại không biết sao?
- Làm sao biết được?
- Không gì dễ hơn. Chúng ta sẽ cho tên
gia nhân của ông anh chị quay lại Bêtuyn, ta có thể tin ở nó. Nó sẽ cải trang,
sẽ cư trú đối diện với tu viện. Nếu bọn phái viên của giáo chủ đến nó sẽ không
cựa quậy, nếu là D'Artagnan và các bạn, nó sẽ đưa họ đến chỗ chúng ta.
- Nó cũng biết họ ư?
Hẳn rồi. Nó đã từng thấy D'Artagnan ở
nhà chị!
- Ồ phải rồi, phải, chị nói có lý. Như
thế, mọi việc đều ổn cả, mọi việc đều tốt đẹp. Nhưng ta đừng ở xa đây quá.
- Nhiều lắm là bảy tám dặm thôi. Chúng
ta sẽ ở ngay trên biên giới. Giả dụ, có động tĩnh gì, chúng ta ra khỏi nước
Pháp ngay.
- Từ giờ đến lúc đó, ta làm gì?
- Đợi thôi.
- Nhưng nếu chúng đến?
- Xe của ông anh chị sẽ đến trước bọn
chúng.
- Thế khi họ đến đón chị, em lại đang
ăn trưa, ăn tối, không ở gần chị, chẳng hạn?
- Thì làm một việc gì đó.
- Việc gì?
- Nói với bà nhất phúc hậu rằng để cho
chị em mình được gần gũi nhau hơn chút ít, xin bà cho phép được ăn cơm cùng với
chị.
- Liệu bà có cho phép không?
- Có vướng gì đâu mà không cho?
- Ồ phải đấy, làm theo cách ấy thì
chúng ta không rời nhau một giây.
- Vậy thì, em hãy xuống chỗ bà mà xin
đi! Chị cảm thấy nhức đầu, chị đi quanh vườn một lúc.
- Vậy chị đi đi, nhưng em sẽ tìm chị ở
đâu?
- Độ một giờ nữa, ở đây thôi.
- Một giờ nữa ở đây ư, ôi, chị tất quá,
em cảm ơn chị.
- Làm sao chị lại không quan tâm đến em
được? Kể cả em không đẹp và duyên dáng, em chẳng phải là bạn gái của người bạn
tốt nhất chị sao!
- D'Artagnan thân yêu ơi, chàng phải
cám ơn chị đến chừng nào!
- Chị rất mong là thế. Thôi nhé, thỏa
thuận cả rồi, ta đi xuống thôi.
- Chị ra vườn?
- Ừ!
- Chị đi theo hành lang, một cầu thang
nhỏ sẽ dẫn chị xuống.
- Tuyệt lắm, cám ơn!
Và hai người đàn bà mỉm cười duyên dáng
rời nhau ra.
Milady nói thật. Mụ nhức đầu, bởi các
dự định chồng chéo lên nhau như mớ bòng bong. Mụ cần được một mình để sắp xếp
lại những ý nghĩ trong đầu. Mụ thấy tương lai còn mơ hồ. Cần phải có đôi chút
yên tĩnh và bình tâm để đem lại cho những ý nghĩ hãy còn rối rắm một khuôn khổ
rõ ràng, một kế hoạch dứt khoát.
Điều cần gấp hơn cả, là bắt cóc được bà
Bonacieux đưa đến một địa điểm an toàn, và ở đó trong trường hợp cần thiết sẽ
biến thành một con tin. Milady bắt đầu thấy hoảng cho cái kết cục cuộc đấu
khủng khiếp mà mụ càng sống mái bao nhiêu thì kẻ thù của mụ càng kiên gan bấy
nhiêu.
Hơn nữa, mụ còn có cảm giác như cơn
dông ào tới, cái kết cục này đã gần lắm rồi và không thể không khủng khiếp.
- Vậy điều chủ yếu đối với mụ là nắm
lấy vợ lão Bonacieux trong tay. Vợ lão Bonacieux chính là sinh mạng của
D'Artagnan, còn hơn cả sinh mạng của hắn nữa, đó là sinh mạng người đàn bà hắn
yêu, trường hợp xấu nhất, đó là phương sách để thương nghị và chắc chắn sẽ có
lợi thế.
Mà điều ấy thì đã chắc chắn rồi. Vợ lão
Bonacieux, không chút nghi ngờ sẽ đi theo mụ. Một khi đã trốn cùng mụ ở
Acmăngchie, sẽ dễ làm cho người đàn bà đó tin rằng D'Artagnan không đến Betuyn.
Trong vòng mười lăm ngày hoặc hơn thế, Rochefort sẽ quay lại, vả lại trong vòng
mười lăm ngày ấy, mụ sẽ suy tính phải làm gì để báo thù bốn tên lính ngự lâm.
Mụ chẳng làm gì phải buồn phiền, bởi vì nhờ trời, mụ sẽ có được một trò giết
thời gian ngọt ngào nhất mà những biến cố có thể đem đến cho một người đàn bà
có tính khí như mụ, đó là hoàn thiện kế hoạch trả thù.
Trong lúc mơ màng, mụ vẫn đưa mắt nhìn
quanh, sắp xếp trong đầu địa hình của khu vườn, Milady như một vị tướng tài
tiên đoán đồng thời cả chiến thắng lẫn thất bại, và tùy theo thời cơ may rủi
của trận chiến mà tiến lên hay vừa đáp vừa lùi.
Khoảng một giờ sau, mụ nghe một tiếng
nói dịu dàng gọi mình. Đó là tiếng của vợ lão Bonacieux. Bà tu viện trưởng phúc
hậu đã hồn nhiên bằng lòng tất cả, và để bắt đầu, họ sẽ cùng ăn bữa tối nay.
Vừa đến sân, họ đã nghe thấy tiếng xe
đỗ ở ngoài cổng.
Milady lắng nghe:
- Em có nghe thấy
gì không?
- Có, tiếng xe lăn
bánh.
- Xe anh chị phái
đến đấy.
- Ôi! Chúa ơi!
- Kìa, can đảm lên
chứ!
Người ta giật
chuông gọi cửa tu viện, Milady đã không nhầm. Mụ nói với bà
Bonacieux:
- Em lên ngay buồng em, em chắc có ít
đồ nữ trang phải mang theo chứ.
- Em chỉ có những thư của chàng.
- Thế thì đi lấy đi và đến ngay phòng
chị, chúng ta ăn tối thật nhanh vào, có lẽ chúng ta phải đi mất gần hết đêm nay
đấy, phải ăn để giữ sức.
- Chúa ơi! - Bà Bonacieux đưa tay ôm
ngực nói - Tôi hồi hộp đến ngạt thở thế này, tôi không đi nổi mất.
- Can đảm lên, nào, phải can đảm lên
chứ! Nên biết là mười lăm phút nữa là em được cứu thoát rồi và phải nghĩ là
việc em sắp làm là chính vì chàng chứ.
- Ồ vâng, tất cả vì chàng. Chị chỉ nói
một câu thôi mà đã làm em can đảm lên rồi, nào chị đi đi, em theo chị đây.
Milady vội lên ngay phòng mình và đã
thấy người hầu của Rochefort, liền dặn dò hắn.
- Hắn phải ra đợi ngoài cổng nếu không
may, các chàng ngự lâm quân xuất hiện, thì phải đánh xe đi thật nhanh vòng một
lượt quanh tu viện, và đến đợi Milady tại một làng nhỏ ở đầu cánh rừng. Trong
trường hợp này, Milady sẽ đi xuyên qua vườn và đi bộ đến làng đó, vì Milady đã
thuộc lòng vùng này của nước Pháp.
Nếu những chàng ngự lâm không xuất
hiện, mọi việc cứ tiến hành như đã thỏa thuận. Bà Bonacieux lên xe mượn cớ chào
tạm biệt, và mụ sẽ cuốn nàng đi cùng.
Bà Bonacieux vào phòng. Để gạt bỏ mọi
nỗi nghi ngờ của nàng nếu có, Milady nhắc lại mấy câu dặn dò cuối cùng với
người hầu.
Milady hỏi vài ba câu về xe cộ. Đó là
cỗ xe tam mã do một xà ích điều khiển. Tên người hầu của Rochefort phải cưỡi
ngựa chạy trước như một phu trạm.
Milady nghi ngại bà Bonacieux cũng bằng
thừa. Người thiếu phụ tội nghiệp quá ngây thơ trong trắng, đâu có nghi ngờ gì
một con đàn bà phản trắc đến như thế. Vả lại cái danh hiệu nữ Bá tước De Winter
mà nàng đã nghe bà tu viện trưởng nhắc tới đối với nàng hoàn toàn xa lạ, nàng
đâu biết mụ đàn bà lại góp một phần to lớn và tàn bạo đến thế vào những bất
hạnh của đời nàng.
- Em thấy đấy - Milady nói khi tên hầu
đã đi ra - tất cả đã sẵn sàng. Bà tu viện trưởng chẳng hề nghi ngờ gì cả và tin
rằng họ nhân danh Giáo chủ đến đây tìm chị. Cái tên đó sẽ ra những mệnh lệnh
cuối cùng. Em hãy cố ăn lấy một chút; uống một ít rượu vang rồi ta khởi hành.
- Vâng - Bà Bonacieux trả lời như một
cái máy - Vâng, chúng ta khởỉ hành.
Milady ra hiệu cho nàng ngồi trước mặt
mình rót một cốc nhỏ vang Tây ban Nha và gắp cho nàng một miếng lườn gà giò.
- Em thấy không - Mụ bảo nàng - có cái
gì không phù hộ chúng ta đâu. Đêm đang xuống, rạng sáng mai là chúng ta đã tới
nơi trú ẩn, và chẳng ai có thể nghi ngờ nơi ở của chúng ta. Nào, can đảm lên,
ăn một chút gì đi.
Bà Bonacieux ăn như một cái máy vài
miếng và nhấm môi vào cốc rượu vang.
- Nào uống đi - Milady đưa cốc rượu của
mình lên môi - uống như chị đây này.
Nhưng đúng lúc mụ đưa cốc gần tới
miệng, tay mụ bỗng thõng xuống. Mụ vừa nghe thấy tiếng vó ngựa dồn dập từ xa
đang phi nước đại đến gần, rồi hầu như đồng thời mụ nghe thấy cả tiếng ngựa hí.
Tiếng động đó kéo mụ ra khỏi nỗi mừng
vui như một cơn dông bừng dậy giữa giấc mộng vàng, mụ tái người đi và chạy ra
cửa sổ, trong khi đó bà Bonacieux đứng dậy, toàn thân run lên, phải chống tay
vào ghế để khỏi ngã.
Họ không thấy gì nữa mà chỉ nghe thấy
tiếng vó ngựa phi mỗi lúc một gần.
- Ôi Chúa ơi! - Bà Bonacieux nói -
Tiếng vó ngựa đó là gì vậy?
- Là của các bạn hoặc của kẻ thù của
chúng ta - Milady trả lời với một vẻ bình tĩnh đáng sợ - Em ở đâu cứ ở yên đấy,
có thế nào chị sẽ bảo em.
Bà Bonacieux đứng ngây ra, câm lặng,
bất động như một pho tượng.
Tiếng vó ngựa mỗi lúc một rầm rập hơn,
chắc không quá một trăm năm mươi bước, tuy vẫn chưa trông thấy, đó là vì con đường
có chỗ gấp khúc, tuy nhiên tiếng vó ngựa trở nên quá rõ đến nỗi có thể đếm được
bao nhiêu con ngựa qua tiếng móng sắt đổ dồn dập xuống mặt đường.
Milady cố giương
mắt ra nhìn. Trời hãy còn khá sáng để nhận rõ những ai đang phi tới.
Bỗng ở khúc ngoặt mụ
thấy loang loáng những chiếc mũ đính ngự cài lông chim phần phật. Mụ đếm, hai,
rồi năm, rồi tám kỵ sĩ, người nọ cách người kia chừng hai thân ngựa.
Milady rên lên một
tiếng than như bị tắc thở. Mụ nhận ra người đi đầu là D'Artagnan.
- Ôi Chúa ơi! Chúa ơi! - Bà Bonacieux
kêu lên - có chuyện gì vậy?
- Đó là đồng phục bọn cận vệ của Giáo
chủ đấy. Không được để lỡ một giây nào nữa! - Milady kêu lên - Trốn thôi, trốn
thôi.
- Vâng, vâng, trốn thôi? - Bà Bonacieux
lắp lại, nhưng không thể nhấc nổi chân, như bị đóng đinh tại chỗ vì quá đỗi
kinh hoàng.
Có tiếng ngựa chạy ngang qua phía dưới
cửa sổ.
- Lại đây nào? Kìa lại đây chứ! -
Milady vừa hét lên vừa kéo tay thiếu phụ - nhờ có mảnh vườn, chúng ta còn có
thể trốn thoát, chị có chìa khóa đây. Những nhanh lên, năm phút nữa là quá muộn
mất rồi.
Bà Bonacieux cố cất bước, được hai bước
thì quỵ gối xuống.
Milady cố đỡ nàng dậy và lôi nàng đi
nhưng không nổi.
- Đúng lúc ấy mụ nghe thấy tiếng bánh
xe lăn vì thấy các chàng ngự lâm quân, chiếc xe đã chồm lên phóng mất. Rồi ba
bốn tiếng súng nổ vang.
- Lần cuối cùng tôi hỏi đây, cô có muốn
đi không?
- Ôi, Chúa ơi! Chúa ơi! Chị thấy rõ em
không còn đủ sức nữa mà! Chị thừa thấy em không thể bước nổi nữa. Chị trốn một
mình đi.
- Trốn một mình ư? Để cô lại đây ư? Không,
không, không đời nào! - Milady thét lên.
Bỗng mụ đứng sững lại. Một ánh sắc xám
tóe ra trong đôi mắt mụ. Mụ chạy tới bàn ăn, cậy cực nhanh mặt nhẫn lấy ra một
chất gì trong đó đổ vào cốc rưòu của bà Bonacieux. Đó là một hạt màu đỏ nhờ,
tan ra ngay lập tức.
Rồi cầm chiếc cốc bằng bàn tay quả
quyết và bảo bà Bonacieux.
- Uống đi, loại vang này sẽ đem lại sức
mạnh cho em, uống đi em.
Và mụ đưa chiếc cốc lại gần môi thiếu
phụ. Nàng uống theo như một cái máy.
Milady đặt cốc xuống bàn vôi nụ cười
độc địa, nhủ thầm:
- Chà, thật ra ta cũng chẳng muốn trả
thù thế này đâu, những còn làm được thì vẫn phải làm thôi.
Và mụ lao ra khỏi căn phòng.
Bà Bonacieux nhìn theo mụ chạy trốn,
không thể đi theo.
Nàng như người đang mơ thấy người ta
truy đuổi mình mà có cố cũng không bước nổi.
Vài phút trôi qua. Có tiếng đập cổng ầm
ầm khủng khiếp.
Mỗi giây, mỗi phút, bà Bonacieux lại
mong thấy Milady quay lại nhưng không thấy.
Nhiều lúc, hẳn vì hoảng sợ, mồ hôi lạnh
toát ra trên vầng trán nóng bỏng của nàng.
Cuối cùng nàng thấy tiếng kêu kin kít
của cổng sắt mở ra, tiếng ủng và tiếng đinh thúc ngựa vọng lên trên cầu thang.
Rồi tiếng rầm rì đang đến gần, và giữa những tiếng đó nàng nghe như thấy nói
đốn tên ai đó.
Bỗng nàng hét lên sung sướng và lao ra
cửa, nàng nhận ra đó là tiếng của D'Artagnan.
- D'Artagnan! D'Artagnan! - Nàng hét
lên - có phải chàng không? Đây cơ mà, đây cơ mà.
- Constance? Constance - Chàng trai trẻ
đáp - Em ở đâu?
- Chúa ơi!
Ngay lúc đó, cánh cửa căn phòng nhỏ bật
tung ra(1). Nhiều người nhảy bổ vào trong phòng. Bà Bonacieux đã ngã xuống
chiếc ghế băng và không thể cử động nữa.
D'Artagnan ném khẩu súng ngắn còn đang
bốc khói vẫn cầm trong tay và quỳ xuống trước người yêu của mình. Athos cài
súng của mình vào đai lưng. Porthos và Aramis tra gươm trần vào vỏ.
- Ôi, D'Artagnan? D'Artagnan yêu dấu
của em! Vậy là cuối cùng anh đã đến, anh không lừa dối em, đúng là anh đây mà!
- Đúng, đúng anh
đây, Constance ạ! Xum họp rồi!
- Ôi! Thế mà bà ta
cứ nói anh sẽ không đến, em cứ hy vọng thầm. Em đã không muốn trốn mà? Ôi, em
làm thế là đúng quá rồi, em sung sướng biết bao!
Nghe tiếng bà ta
Athos đang ngồi yên liền đứng phắt lên.
- Bà ta, bà ta là ai? - D'Artagnan hỏi.
- Là bạn của em mà, cái bà vì yêu mến
em muốn giúp em thoát khỏi bọn bạo ngược, cái bà đã tưởng nhầm bọn anh là cận
vệ của Giáo chủ, vừa mới trốn khỏi đây.
- Bạn em! - D'Artagnan kêu lên, mặt
trắng nhợt ra hơn cả tấm voan trắng của người tình - em muốn nói đến người bạn
nào vậy?
- Là người có xe đỗ ở ngoài cổng, người
đàn bà nói là bạn anh ấy, D'Artagnan, người đàn bà mà anh đã kể hết với bà ta
ấy.
- Tên mụ, tên của mụ - D'Artagnan hét
lên - Chúa ơi, em không biết tên của mụ ư?
- Có chứ, người ta đã nhắc tới cái tên
đó trước mặt em, khoan đã, nhưng sao lạ thế này… Ôi, lạy Chúa! Đầu tôi quay
cuồng, tôi không thấy gì nữa.
- Giúp tôi, các bạn, giúp tôi với! Tay
nàng lạnh hết rồi - D'Artagnan kêu lên - nàng ấm rồi. Chúa ơi! Nàng bất tỉnh
rồi!
Trong lúc Porthos hết sức gào lên kêu
cứu, Aramis chạy đến bàn ăn lấy một cốc nước, nhưng chàng dừng lại vì thấy mặt
Athos biến sắc đi khủng khiếp, vẫn đứng trước bàn, tóc dựng ngược lên, mắt đờ
ra kinh hoàng nhìn vào một trong những chiếc cốc và đang day dứt bởi một ngờ
vực khủng khiếp nhất.
- Ôi! - Athos nói - Ôi! Không, không
thể thế được! Chúa không cho phép một tội ác đến như vậy!
- Nước, nước, D'Artagnan thét lên -
nước đâu?
- Ô, người phụ nữ tội nghiệp, người phụ
nữ tội nghiệp - Athos lẩm bẩm bằng một giọng xé lòng.
- Bà Bonacieux mở lại mắt dưới những
cái hôn của D'Artagnan.
- Nàng tỉnh lại rồi! - Chàng trai trẻ
reo lên, ôi, lạy Chúa? Lạy Chúa tôi? Con cám ơn Người!
- Thưa bà - Athos nói - Thưa bà, nhân
danh Chúa trời, chiếc cốc uống cạn kia là cho ai?
- Cho tôi, thưa ông… thiếu phụ trả lời
bằng một giọng thều thào.
- Nhưng ai đã rót rượu vang vào chiếc
cốc đó?
- Bà ta - Nhưng, bà ta là ai?
- À, tôi nhớ ra rồi - bà Bonacieux nói
- nữ Bá tước De Winter.
Cả bốn người bạn đều cùng thét lên một
tiếng duy nhất nhưng tiếng thét của Athos át đi tất cả.
Cùng lúc ấy, mặt bà Bonacieux trở nên
xám ngoét, một cơn đau ngấm ngầm đang vật vã nàng, nàng hổn hển ngã vào vòng
tay của Porthos và Aramis.
D'Artagnan nắm chặt bàn tay Athos với
một nỗi lo khó tả, và nói:
- Thế nào! Anh tin.
Chàng nức nở không nói được nên lời.
- Tôi tin tất - Athos cắn môi đến bật
máu để nén tiếng thở dài.
- D'Artagnan? D'Artagnan? - Bà
Bonacieux kêu lên - Anh ở đâu? Đừng rời bỏ em, anh biết rõ là em sắp chết mà?
D'Artagnan rời bàn tay Athos mà chàng
vẫn còn đang co quắp nắm chặt lấy, chạy đến với nàng.
Khuôn mặt rất đẹp của nàng đã hoàn toàn
biến đổi, đôi mắt chong chong không còn nhìn vào đâu nữa, người nàng quằn quại,
trán đầm đìa mồ hôi.
- Nhân danh Chúa trời! Chạy đi, gọi
lên, Porthos, Aramis, xin cấp cứu mau!
- Vô ích thôi! - Athos nói - Vô ích,
với thứ thuốc độc con mụ ấy đổ vào, không có thuốc giải độc đâu.
- Vâng, vâng, gọi cấp cứu, gọi cấp cứu?
- Bà Bonacieux lẩm bẩm - cấp cứu!
Rồi, thu hết sức lực, nàng ôm lấy đầu
chàng trai trẻ, nhìn chàng một lát, như thể tất cả linh hồn nàng đều thu vào
đấy, và nghẹn ngào thét lên một tiếng, áp môi mình vào môi chàng.
- Constance! Constance ơi! - D'Artagnan
thét lên.
Một hơi thở hắt ra từ miệng nàng
Constance, lướt qua miệng D'Artagnan. Hơi thở ấy, chính là linh hồn trong trắng
và trinh bạch và rất đỗi yêu thương đang bay trở về trời.
D'Artagnan chỉ còn ôm chặt một xác
người trong tay.
Chàng trai trẻ thét lên một tiếng và
ngã vật ra cạnh người yêu của mình cũng tái nhợt đi và lạnh ngắt như nàng.
Porthos khóc, Aramis giơ nắm đấm lên
trời. Athos làm dấu thánh.
Vừa lúc ấy một người đàn ông hiện ra ở
trước cửa, hầu như cũng nhợt nhạt như những người ở trong phòng, nhìn khắp xung
quanh, thấy bà Bonacieux đã chết, và D'Artagnan đang ngất đi.
Người này xuất hiện đúng vào giây phút
kinh hoàng tiếp theo những thảm họa lớn.
- Nếu tôi không nhầm - Ông ta nói - đây
là ông D'Artagnan và các ông là ba người bạn của ông ấy, các ông Aramis,
Porthos và Aramis.
Mấy người nghe thấy nói đến tên mình
ngạc nhiên nhìn người lạ mặt. Cả ba đều hình như nhận ra ông ta.
- Thưa các vị - người mới đến nói - các
vị cũng như tôi đều tìm kiếm một con đàn bà mà - Ông ta mỉm một nụ cười ghê sợ
- chắc nó đã qua đây, bởi tôi thấy ở đây có một xác chết.
Cả ba người đều im không nói. Chỉ có
tiếng nói và khuôn mặt là gợi họ nhớ đến một người đã từng gặp, tuy nhiên lại
không thể nhớ rõ đã gặp trong trường hợp nào.
- Thưa các vị - người lạ tiếp tục -
thôi thì vì các ông chẳng buồn nhận ra một người có lẽ các ông đã hai lần cứu
mạng, tôi đành phải xưng tên ra vậy. Tôi là Huân tước De Winter, em chồng của
mụ đàn bà đó.
Cả ba người cùng ồ lên kinh ngạc.
Athos đứng dậy chìa tay ra cho ông ta
và nói:
- Rất hoan nghênh ông, Huân tước, ông
là bạn bè của chúng tôi mà.
- Từ Portsmouth đi sau con mụ đó năm
giờ - Huân tước De Winter nói - Tôi đến Bulônhơ sau mụ ba tiếng, tôi đến Saint
Ômê chậm hơn nó hai mươi phút, cuối cùng đến Liliê, tôi mất hút nó. Tôi đi lung
tung hỏi thăm mọi người thì thấy các ông đang phi ngựa qua rất nhanh. Tôi gọi
các ông, các ông không trả lời. Tôi muốn đi theo, nhưng ngựa tôi đã quá mệt,
không thể đi ngang tầm ngựa của các ông. Và tuy nhiên, hình như các ông mặc dầu
đã đi nhanh đến thế mà vẫn bị quá muộn khi đến nơi, ông thấy đấy - Athos vừa
nói vừa chỉ cho ông De Winter bà Bonacieux đã chết và D'Artagnan thì Porthos và
Aramis đang cố gọi cho tỉnh lại.
- Cả hai đều chết ư? - De Winter hỏi.
- Không, may sao, D'Artagnan chỉ bị
ngất - Athos trả lời.
- Thế thì tốt rồi!
Quả nhiên, đúng lúc đó, D'Artagnan mở
mắt. Chàng rứt ra khỏi tay Porthos và Aramis, như một người mất trí vồ lấy thi
thể người yêu của mình.
Athos đứng lên, bước lại phía bạn mình,
chậm rãi trang nghiêm, trìu mến ôm lấy chàng và vì chàng đang nức nở, Aramis
nói với chàng bằng một giọng đầy vẻ thuyết phục và cao thượng:
- Bạn ạ, hãy đàn ông lên nào, chỉ đàn
bà mới khóc người chết, còn đàn ông phải trả thù cho họ!
- Ồ, đúng - D'Artagnan nói – Đúng! Nếu
là để trả thù, tôi sẵn sàng theo anh!
Nhằm lúc hy vọng trả thù đem lại sức
mạnh tinh thần cho người bạn bất hạnh, Athos ra hiệu cho Porthos và Aramis đi
tìm bà nhất.
Hai người gặp bà ở hành lang, còn đang
hoàn toàn hoang mang, bối rối trước bao nhiêu biến cố. Bà gọi mấy nữ tu sĩ,
trái với tục lệ của tu viện được tiếp xúc với năm người đàn ông.
- Thưa bà - Athos vừa khoác tay
D'Artagnan vừa nói - chúng tôi xin để lại để nhờ bà lo việc nhân đức cho thi
hài của người đàn bà bất hạnh này. Đó là một thiên thần nơi trần thế trước khi
trở thành thiên thần trên thượng giới. Xin bà hãy lo mai táng nàng như một
trong các nữ tu sĩ của bà. Chúng tôi sẽ quay lại cầu nguyện bên nấm mộ của nàng
sau.
D'Artagnan úp mặt mình vào ngực Athos
òa lên nức nở.
- Khóc đi - Athos nói - khóc đi trái
tim đầy tình yêu của tuổi trẻ và sức sống! Ôi, tôi cũng muốn có thể khóc được
như bạn lắm!
Rồi chàng dìu bạn mình đi, âu yếm như
một người cha, an ủi như một tu bĩ, Và cao cả như một người đã từng chịu nhiều
đau khổ.
Rồi cả năm người, theo sau là những
người hầu, lên ngựa tiến về thị trấn Bêtuyn, gặp một quán trọ ở đấy, họ dừng
lại.
- Nhưng chúng ta không truy đuổi con mụ
đó ư? - D'Artagnan hỏi.
- Để sau đã - Athos nói -tôi đã có cách
rồi.
- Nó sẽ thoát mất - Chàng trai trẻ nói
tiếp - nó sẽ thoát mất thôi, và sẽ là lỗi ở anh đấy, Athos ạ.
- Tôi xin đảm bảo về nó - Athos nói.
D'Artagnan rất tin vào lời hứa của bạn
mình nên chàng chỉ lặng lẽ cúi đầu đi vào quán.
Porthos và Aramis nhìn nhau, chẳng hiểu
gì về lời cam đoan của Athos.
Huân tước De Winter thì lại tin chàng
nói thế để làm vơi dịu nỗi đau đớn của D'Artagnan.
Khi đã yên tâm lữ điếm còn năm phòng
trống, Athos nói:
- Bây giờ xin các vị lui về phòng mình.
D'Artagnan cần được một mình để khóc và ngủ. Tôi sẽ lo tất cả. Xin cứ yên tâm.
- Tuy nhiên, tôi thấy hình như - Huân
tước De Winter nói - nếu như phải dùng cách nào để đối phó với con mụ nữ Bá
tước ấy thì việc đó phải liên quan đến tôi, nó là chị dâu tôi.
- Còn tôi - Athos nói - nó là vợ tôi.
D'Artagnan mỉm cười, bởi chàng hiểu
Athos một khi đã tiết lộ ra cái bí mật ấy tức là anh ấy đã tin chắc vào việc
trả thù. Porthos và Aramis nhìn nhau tái người đi. Huân tước thì nghĩ Athos là
một gã điên.
- Các vị về phòng mình đi - Athos nói -
cứ để mặc tôi làm.
- Các vị quá rõ với tư cách là chồng
mụ, thì việc đó liên quan đến tôi Có điều, D'Artagnan, nếu cậu chưa làm mất,
hãy trao lại mẩu giấy đã tuột khỏi mũ thằng cha đó, và trên giấy ghi tên một
làng…
- À! D'Artagnan nói - tôi hiểu rồi, cái
tên ấy do chính tay mụ ta viết…
- Cậu thấy chưa? - Athos nói - vẫn có
Chúa ở trên trời đấy chứ?
Chú thích:(1) Đây
cũng là một sự sơ xuất của tác giả. Vì Milady sau khi đầu độc Constance lao ra
khỏi phòng. Constance không đóng cửa lại. Milady cũng không khóa ngoài, thì làm
sao lại phải đạp cửa tung ra?
BA NGƯỜI LÍNH NGỰ
LÂM
Chương 64
Người khoác áo
choàng đỏ.
Nỗi thất vọng của
Athos đã nhường chỗ cho một nỗi đau bị dồn nén khiến trí tuệ sáng suốt của
chàng lại càng minh mẫn hơn.
Tất cả đều dồn vào
một ý nghĩ duy nhất, mà chàng đã hứa, và trách nhiệm chàng đã nhận. Chàng là
người cuối cùng trở về phòng mình, yêu cầu chủ quán kiếm cho chàng một tấm bản
đồ của tỉnh. Rồi cúi xuống bản đồ tìm kiếm những đường nét đã vạch ra, thấy có
bốn con đường đi từ Betuyn đến Acmăngchie, liền gọi những người hầu.
Planchet, Grimaud,
Mousqueton và Bazin đều có mặt để nhận những mệnh lệnh rõ ràng, chuẩn xác và
nghiêm trọng của Athos.
Mờ sáng hôm sau, họ
phải lên đường mỗi người một ngả khác nhau đến Acmăngchie. Planchet, lanh lợi
hơn cả phải đi theo con đường mà cỗ xe đã biến mất, và bốn người đã bắn theo,
và người ta nhớ ra, đi kèm còn có tên đầy tớ của Rochefort.
Athos giao trách
nhiệm cho họ đi trước, bởi vì, từ khi họ phục vụ bọn chàng, chàng đã nhận ra
những phẩm chất thiết yếu khác nhau của mỗi người bọn họ.
Thế rồi, những
người hầu có hỏi han những người đi đường, cũng ít gây ra nghi ngờ hơn là chủ
của họ và cũng dễ gây được cảm tình hơn đối với những người đó.
Cuối cùng, Milady
đều biết các ông chủ bọn họ, nhưng lại không biết các người hầu. Trái lại, bọn
họ lại biết quá rõ Milady.
Cả bốn phải hội lại
với nhau vào mười một giờ hôm sau, nếu phát hiện được chỗ ẩn náu của Milady thì
ba người phải lở lại canh giữ mụ, người thứ tư trở về Bêtuyn báo cho Athos và
dẫn đường cho bốn người bạn.
Sắp xếp đâu vào đấy
những người hầu lần lượt rút lui.
Athos liền đứng dậy
đeo gươm, khoác áo choàng vào và ra khỏi lữ điếm. Lúc ấy đã gần mười giờ đêm.
Vào giờ ấy ở tình lẻ phố xá thường vắng vẻ. Tuy nhiên, rõ ràng là Athos đang
tìm kiếm một người nào đó mà chàng có thể hỏi một điều. Cuối cùng, cũng gặp
được một người về muộn, liền lại gần người đó và nói với người này mấy câu.
Người này kinh hãi lùi lại, tuy nhiên vẫn chỉ dẫn cho chàng, Athos biếu người
đó một đồng nửa pítxtôn để người ấy dẫn chàng đi, nhưng người này từ chối.
Athos đi sâu vào
trong phố theo hướng người kia chỉ tay.
Nhưng đến ngã tư,
chàng lại phải dừng lại, rõ ràng đang lúng túng. Tuy nhiên, hơn bất cứ chỗ nào,
ngã tư dễ gặp người hơn, chàng dừng lại. Quả nhiên, một lát sau, một tuần đêm
đi qua.
Athos nhắc lại với
anh ta vẫn câu hỏi mà chàng hỏi người gặp trước. Người tuần đêm cũng lộ vẻ kinh
hãi, từ chối dẫn đường cho Athos, và lại chỉ ra con đường mà chàng phải đi theo.
Athos bước theo
hướng đã chỉ và đi đến vùng ngoại ô ở đầu kia thị xã, đối diện với vùng mà
chàng cùng các bạn đã đi vào.
Đến đây, chàng lại
lo lắng và bối rối, lần thứ ba phải dừng lại.
May sao, một người
ăn mày đi qua, lại gần Athos để xin bố thí. Athos ngỏ ý cho một đồng êquy vàng
để hắn ta dẫn chàng đi.
- Người ăn mày do
dự một lát, nhưng nhìn thấy đồng tiền lấp lánh trong bóng đêm, hắn quyết định
và đi trước Athos.
Đến một góc phố,
hắn chỉ cho chàng một ngôi nhà hẻo lánh đơn độc và buồn thảm ở phía xa. Athos
lại gần ngôi nhà đó, trong khi đó người ăn mày, khi đã nhận được tiền công liền
cuốn gói đi ngay.
Athos đi một vòng
quanh ngôi nhà quét vôi đỏ, trước khi nhận ra chiếc cửa ở chính giữa. Không một
chút ánh sáng lọt qua khe cửa, không một tiếng động để có thể coi là nhà có
người ở Ngôi nhà âm u và im lìm như một nấm mồ.
Athos gõ cửa đến ba
lần mà vẫn không ai trả lời. Tuy nhiên, lần thứ ba, có tiếng chân bên trong
đang bước lại gần. Cuối cùng thì cửa cũng hé mở, một người đàn ông cao lớn, nước
da mái(1) râu tóc đen hiện ra.
Athos khẽ trao đổi
với người đó vài câu, thế rồi người đó ra hiệu cho chàng có thể vào nhà. Athos
thấy thế vào liền và cánh cửa đóng lại sau lưng chàng.
Người đàn ông mà
Athos phải từ xa và biết bao vất vả đến tìm kiếm, đưa chàng vào phòng thí
nghiệm của hắn, ở đó hắn đang bận dùng dây thép xâu lại những khúc xương va vào
nhau lách cách của một bộ xương người. Tất cả đều được sắp xếp đúng vào vị trí
chỉ còn cái đầu lâu là đang đặt trên bàn.
Mọi thứ còn lại của
nội thất chứng tỏ chủ nhân quan tâm đến khoa học tự nhiên. Có những bình đựng
đầy rắn dán nhãn tùy theo loài, những con thằn lằn sấy khô, lóng lánh như ngọc
bích nạm trên những khung tranh lớn bằng gỗ mun. Cuối cùng là những bó cỏ dại
thơm nức, mà chắc hẳn có những công năng ít người biết tới, và được treo trên
trần nhà, lõng thõng ở các góc nhà.
Hơn nữa, người đàn
ông cao lớn, không gia đình không vợ con, không kẻ hầu người hạ, sống một mình
trong ngôi nhà.
Athos đưa mắt lạnh
lùng lạnh nhạt nhìn mọi vật trong nhà và theo lời mời, ngồi xuống cạnh người
đó.
Rồi chàng giải
thích lý do chàng đến thăm và công việc chàng yêu cầu hắn làm, nhưng chàng vừa
yêu cầu xong thì người lạ vẫn đang đứng cũng hoảng hết lùi lại và từ chối. Thế
là Athos liền rút trong túi ra một tờ giấy nhỏ, trên đó viết hai dòng kèm theo
chữ ký và con dấu đưa cho con người chưa chi đã tỏ ra ghê tởm ấy xem. Người đàn
ông cao lớn vừa đọc xong hai dòng chữ ấy, nhìn thấy chữ ký và nhận ra con dấu,
liền nghiêng mình tỏ ý không còn gì để bác bỏ nữa và sẵn sàng tuân lệnh.
Athos không yêu cầu
gì hơn. Chàng đứng dậy, chào, đi ra, lại đi theo con đường cũ trở về lữ điếm và
chui vào phòng mình.
Rạng sáng,
D'Artagnan vào phòng Athos và hỏi phải làm gì.
- Chờ đợi - Athos
trả lời.
Mấy phút sau, bà
nhất tu viện cho người đến báo việc mai táng sẽ được tiến hành vào buổi trưa.
Còn về con mụ đầu độc, người ta vẫn chưa có tin tức gì, chỉ biết chắc nó trốn
qua lối vườn, trên cát người ta còn nhận ra vết chân mụ, và cửa ra vườn đóng
nhưng chìa khóa đã biến mất.
Bốn người bạn và
Huân tước De Winter trở về đúng giờ mai táng. Chuông rung hết cỡ, tiểu giáo
đường mở toang cửa, hàng rào nơi dàn đồng ca khép lại, thi hài nạn nhân được
mặc lại quần áo nữ tu mới quy giáo, được đặt chính giữa dàn đồng ca. Ở mỗi bên
dàn đồng ca và đằng sau hàng rào trông ra toàn bộ tu viện là cộng đồng các nữ
tu sĩ dòng Cácmel đứng nghe thánh lễ và hòa giọng mình vào giọng hát kinh của
các giáo sĩ, mắt không nhìn những người phàm tục và cũng không để họ nhìn mình.
Trước cửa tiểu giáo
đường, D'Artagnan lại cảm thấy mình không còn đủ can đảm nữa, chàng quay lại
tìm Athos, nhưng Athos đã biến mất.
Trung thành với
trách nhiệm trả thù, Athos nhờ người đưa ra vườn, ở đó, trên cát, lần theo vết
chân rón rén của con đàn bà đi qua bất cứ nơi đâu cũng để lại vết máu, chàng
tiến đến cái cổng mở ra mảnh rừng, nhờ người ta mở của rồi đi sâu vào rừng.
Lúc này, mọi nghi
ngờ của chàng đều được khẳng định. Con đường mà chiếc xe đã biến mất, chạy vòng
quanh rừng, Athos đi theo con đường đó ít lâu, mắt chăm chăm nhìn xuống đất
thấy những vết máu nhỏ từ vết thương hoặc của kẻ đi theo xe như phu trạm, hoặc
của một trong mấy con ngựa nhỏ giọt xuống nền đường. Đi khoảng độ ba phần tư
dặm, cách Fetxtube khoảng năm mươi bước chân, vết máu loang rộng ra. Nền đường
bị vó ngựa dẫm nát. Giữa mảnh rừng và chỗ này, hơi lui về phía sau một chút,
lại thấy dấu những vết chân thon nhỏ như ở trong vườn, chiếc xe đã dừng lại.
Và Milady đã ra
khỏi rừng và lên xe ở chỗ đó. Hài lòng với việc phát hiện đã khẳng định mọi sự
ngờ vực của mình, Athos trở về lữ điếm và thấy Planchet đang nóng ruột chờ
mình.
Tất cả đều đúng như
Athos đã dự đoán.
Planchet đã đi theo
con đường đó, giống như Athos cũng để ý đến các vết máu, nhận ra chỗ xe dừng
lại, nhưng anh ta còn tiến xa hơn Athos, thành thử đến làng Fetxtube, vào uống
trong một quán ăn, không cần hỏi, anh ta cũng biết được đêm trước, khoảng tám
rưỡi tối, một người đàn ông bị thương đi hộ tống một phu nhân đi du hành trên
một cỗ xe trạm, đã buộc phải dừng lại không thể đi tiếp. Tai nạn được gán cho
bọn trộm cướp đã chặn xe lại ở trong rừng. Người đàn ông ở lại trong làng đó,
người đàn bà thay ngựa và tiếp tục lên đường.
Planchet liền đi
lùng tên xà ích đã đáp chiếc xe ấy và tìm được hắn. Hắn đã đưa vị phu nhân đó
đến tận Frômen và từ Frômen, mụ ta đến Acmăngchie. Planchet liền đi theo lối
tắt và bẩy giờ sáng đã ở Acmăngchie.
Ở đó chỉ có mỗi một
lữ quán, đó là lữ quán của bưu trạm.
Planchet đến đó tự
giới thiệu mình như một gã hầu không có việc làm đi tìm việc. Anh ta chuyện trò
với những người trong lữ quán không đến mười phút đã biết được một người đàn bà
một mình đến đây vào lúc mười một giờ đêm, đã thuê một phòng, và đã cho gọi chủ
quán đến và bảo rằng muốn lưu lại một thời gian trong vùng quanh đây.
Planchet không cần
biết gì hơn. Anh ta chạy đến chỗ hẹn, thấy ba người hầu kia đã đến đúng vị trí,
liền cắt cử ba người canh giữ mọi lối ra của lữ quán, và trở về tìm Athos.
Athos vừa nghe xong những tin tức thu lượm được của Planchet, thì các bạn của
chàng cũng bước vào.
Mặt mũi ai nấy đều
u uất và cau có, ngay cả khuôn mặt hiền dịu của Aramis.
- Phải làm gì bây
giờ? - D'Artagnan hỏi.
- Đợi - Athos trả
lời.
Ai nấy đều trở về
phòng mình.
Tám giờ tối, Athos
hạ lệnh đóng yên cương ngựa, và báo cho các bạn mình và Huân tước De Winter
chuẩn bị sẵn sàng để lên đường Trong giây lát, cả năm người đã chuẩn bị xong.
Mỗi người đều kiểm tra lại vũ khí và nạp thuốc đạn sẵn. Athos xuống sau cùng và
thấy D'Artagnan đã lên ngựa và đang sốt ruột.
- Hãy kiên nhẫn -
Athos nói - ta còn thiếu một người.
Bốn kỵ sĩ nhìn
quanh ngạc nhiên, bởi tìm mãi trong đầu cũng chẳng thấy ai có thể thiếu đây.
Vừa lúc ấy,
Planchet dắt ngựa của Athos đến, chàng nhẹ nhàng nhảy lên yên và nói:
- Chờ tôi đã, tôi
quay lại ngay.
Và chàng phi nước
đại.
Mười lăm phút sau,
quả nhiên chàng quay lại đi cùng có một người đeo mặt nạ, và khoác một chiếc áo
choàng đỏ rộng.
Ông De Winter và ba
người bạn đưa mắt hỏi nhau. Chẳng ai trong bọn họ có thể cho người khác biết rõ
chuyện gì bởi tất cả đều không biết người đó là ai. Tuy nhiên tất cả đều nghĩ
rằng cần phải như thế bởi vì việc đó được làm theo lệnh của Athos.
Chín giờ đoàn người
ngựa được Planchet hướng dẫn, lên đường theo đúng con đường mà chiếc xe đã đi.
Thật là một cảnh
tượng buồn thảm khi sáu con người im lìm phóng ngựa, đắm mình trong những ý
nghĩ riêng tư, tê tái như sự tuyệt vọng, u uất như sự trừng phạt.
Chú thích:
(1) Không có ánh đèn lọt ra. lại giữa đêm làm sao nhận ra được nước da
mai mái? - N
BA NGƯỜI LÍNH NGỰ
LÂM
Chương 65
Phán xử.
Đêm ấy là một đêm
giông tố và u ám, những đám mây lớn cuồn cuợn trên trời, che hết ánh sáng các
vì sao, đến nửa đêm trăng mới mọc.
Đôi khi, qua ánh
chớp lóe lên phía chân trời, cũng thấy rõ được con đường trải ra trắng xóa và
đơn độc. Chớp tắt, tất cả lại tối om.
Thỉnh thoảng Athos
lại phải nhắc nhở D'Artagnan luôn luôn đi đầu đoàn là phải giữ vững cự ly,
nhưng một lúc sau, chàng lại bỏ xa cả đoàn. Chàng chỉ có một ý nghĩ duy nhất là
tiến lên phía trước và cứ tiến phứa lên.
Họ lặng lẽ đi xuyên
qua làng Fetxtube, nơi tên đầy tớ bị thương phải lưu lại, rồi đi dọc cánh rừng
Ritsơbua. Planchet vẫn dẫn đường cho đoàn người đến Hecliê thì rẽ trái.
Nhiều lúc, khi thì
Huân tước De Winter, khi thì Porthos, khi thì Aramis định thử bắt chuyện với
người mặc áo choàng đỏ nhưng mỗi khi hỏi, người này chỉ nghiêng mình không trả
lời. Mọi người bấy giờ đều hiểu rằng chắc phải có một lý do nào đó, nên người
là mặt này mới giữ yên lặng như thế, nên cũng thôi không hỏi nữa.
Hơn nữa, cơn giông
lớn dần, chớp nhoáng nhoàng nối tiếp nhau, sấm bắt đầu gầm thét, và gió rít
trên lông chim và đầu tóc các kỵ sĩ báo hiệu phong ba.
Đoàn người ngựa vẫn
phi nước kiệu.
Ra khỏi Frômen một
quãng, cơn giông bùng nổ. Mọi người phanh áo choàng ra. Còn phải đi ba dặm
đường nữa. Họ đi dưới trời mưa như thác đổ.
D'Artagnan đã bỏ mũ
ra và cũng chẳng mặc áo khoác.
Chàng thấy thích
thú mặc cho nước chảy ròng ròng trên vầng trán nóng bỏng và trên cơ thể đang
rùng rùng lên cơn sốt của mình.
Lúc tốp người đã
vượt khỏi Gôtxkan và sắp tới bưu trạm, một người đàn ông, trú dưới một gốc cây,
lẫn trong bóng tôl, tách ra, tiến ra giữa đường giơ ngón tay đặt lên môi.
Athos nhận ra Grimaud
- Có chuyện gì vậy?
- D'Artagnan kêu lên - mụ ta đã rời khỏi Acmăngchie rồi ư?
Grimaud gật đầu
khẳng định điều đó.
D'Artagnan nghiến
răng.
- Im nào,
D'Artagnan! - Athos nói - chính tôi đã chịu trách nhiệm tất cả cơ mà, vậy phải
để tôi hỏi Grimaud chứ. Nó đi đâu?
Grimaud chỉ tay về
hướng sông Litx.
- Xa đây không? -
Athos hỏi.
Grimaud giơ ra cho
chủ mình ngón tay trỏ đã gấp.
- Một mình à?
Grimaud gật đầu.
- Các vị Athos nói - nó đang ở một mình
cách đây nửa dặm, ở phía đông.
- Tốt lắm - D'Artagnan nói - dẫn bọn ta
đi, Grimaud.
Grimaud vượt qua đường, dẫn đoàn người
ngựa đi.
Đi được khoảng năm trăm bước, thì gặp
một con suối, họ lội qua dễ dàng.
Qua ánh chớp khác lóe lên, Grimaud dang
tay ra chỉ và qua ánh chớp xanh lè, người ta thấy rõ một ngôi nhà đơn độc bên
bờ sông, cách bến đò ngang chừng trăm bước.
Một cửa sổ có ánh đèn.
Athos nói:
- Chúng ta đến nơi rồi.
- Đúng lúc đó, một người nằm dưới một
cái hố đứng dậy. Đó là Mousqueton, gã chỉ cái cửa sổ có ánh sáng và nói:
- Mụ ở đó.
- Bazin đâu? - Athos hỏi.
- Trong khi tôi canh gác cửa sổ, hắn ta
gác ở cổng.
- Tốt lắm - Athos nói - các anh tất cả
đều là những người giúp việc trung thành.
Athos nhảy từ trên lưng ngựa xuống, đưa
dây cương, cho Grimaud tiến đến phía cửa sổ sau khi đã ra hiệu cho mọi người
vòng ra phía cổng.
Ngôi nhà nhỏ được bao quanh bằng một
hàng rào cây xanh cao già nửa mét. Athos bước qua hàng rào đến tận cửa sổ không
có ván chắn gió nhưng có rèm lửng che kín.
Chàng trèo lên bờ đá chân tường để mắt
có thể nhìn qua bên trên tấm rèm.
Dưới ánh đèn, chàng nhìn thấy một người
đàn bà khoác một áo choàng không tay màu tối, ngồi trên một chiếc ghế đẩu bên
đống lửa sưởi đang tàn, khuỷu tay tựa lên một chiếc bàn tồi tàn và đang ôm đầu
trong đôi tay trắng mịn như ngà voi.
- Không thể trông rõ mặt, nhưng một nụ
cười thảm khốc lướt trên môi Athos, không thể nhầm vào đâu được nữa, đó chính
là con đàn bà chàng đang tìm kiếm.
- Đúng lúc ấy, một con ngựa hí lên. Milady
ngẩng đầu lên, nhìn thấy khuôn mặt xanh xao của Athos dán vào ô kính liền thét
lên.
Athos hiểu mụ đã nhận ra mình, liền lấy
đầu gối và tay đẩy bật cửa sổ, các ô kính vỡ ra.
Và Athos như một hồn ma báo oán, nhảy
vào trong phòng.
Milady chạy ra cửa
và mở ra. Nhưng còn xanh hơn và dữ tợn hơn Athos, D'Artagnan đã ở ngay ngưỡng
cửa.
Milady thét lên và
lùi lại. D'Artagnan sợ rằng mụ còn có cách nào đó để trốn thoát, liền rút ngay
súng ngắn ở đai lưng ra, nhưng Athos giơ tay ngăn lại.
- Cứ để yên súng
đấy, D'Artagnan. con đàn bà này cần phải được xét xử chứ không phải bị ám sát.
Cứ đợi đó một lát thôi, D'Artagnan, rồi cậu sẽ được hài lòng. Nào các vị, xin
mời vào cả đây D'Artagnan tuân lệnh bởi Athos nói bằng một giọng long trọng và
với dáng điệu uy quyền của một vị phán quan do chính Thượng đế phái xuống.
- Thế rồi, sau
D'Artagnan, Porthos, Aramis, Huân tước De Winter và người mặc áo choàng đỏ vào
theo.
Bốn người hầu canh
giữ ngoài cổng và cửa sổ.
Milady ngã xuống
chiếc ghế tựa, hai tay dang ra như để cầu xin giải trừ sự hiện diện khủng khiếp
này. Nhận ra người em chồng, mụ thét lên một tiếng kêu hãi hùng.
- Ông muốn gì? -
Milady kêu lên.
Athos nói:
- Chúng ta đòi
Sáclốt Bêchxơn, lúc đầu được mang tên nữ Bá tước de la Fe, rồi tiếp đó là phu
nhân De Winter, nữ Nam tước vùng Sepfin có mặt.
- Là tôi, là tôi
đây! - Milady hoảng sợ tới cực điểm, lẩm bẩm - Ông muốn gì tôi?
Athos nói:
- Chúng ta muốn xét
xử mụ theo đúng những tội ác mụ làm. Mụ sẽ được tự do bào chữa, hãy minh oan
cho mụ nếu mụ có thể. Thưa ông D'Artagnan, xin ông buộc tội trước tiên.
D'Artagnan tién lên
nói:
- Trước Đức Chúa và
trước con người nói chung, tôi buộc tội con đàn bà này đã đầu độc nàng
Constance Bonacieux đêm qua.
Chàng quay lại phía
Porthos và Aramis.
- Chúng tôi xác
nhận - cả hai chàng ngự lâm quân cùng nói.
D'Artagnan tiếp
tục:
- Trước Đức Chúa và
trước con người, tôi buộc tội con đàn bà này đã định đầu độc chính tôi, bằng
rượu vang mụ gửi cho tôi từ Vilơroa với một bức thư giả mạo, như là vang của
các bạn tôi. Chúa đã cứu thoát tôi, nhưng một người đã chết thay tôi, người ấy
tên là Bridơmông.
- Chúng tôi xác
nhận - Porthos và Aramis lại cùng nói.
- Trước Đức Chúa và
trước con người, tôi buộc tội con đàn bà này đã xui tôi giết Nam tước de Wardes
và vì không có ai ở đó để xác nhận việc cáo buộc này là sự thực, tôi xin tự xác
nhận. Tôi đã nói xong.
Và D'Artagnan
chuyển qua cạnh phòng, gần Porthos và Aramis.
- Đến lượt ông,
Huân tước? - Athos nói.
Đến lượt Nam tước
bước lại gần, ông nói:
- Trước Đức chúa và
con người, tôi buộc tội con đàn bà này đã cho người ám sát Quận công De Buckingham.
- Quận công De
Buckingham bị ám sát rồi ư? - Tất cả mọi người tham dự đều kêu lên.
- Vâng - Huân tước
nói - bị ám sát rồi! Theo bức thư mà ông đã báo cho tôi, tôi đã cho bắt giữ con
mụ này và tôi đã giao cho một người giúp việc trung thực canh giữ mụ. Mụ đã làm
cho anh ta sa ngã, đã đặt dao găm vào tay anh ta để giết Quận công. Và lúc này
có lẽ, Felten, tên anh ta, đã bị chặt đầu để trả giá cho tội ác điên rồ của
hắn.
Tất cả các phán
quan đều rùng mình về việc phát giác những tội ác mà mọi người chưa biết này.
- Chưa phải tất cả!
- Huân tước De Winter nói tiếp - anh trai ta, người đã để lại tài sản thừa kế
cho mụ đã chết trong vòng ba tiếng đồng hồ vì một căn bệnh kỳ lạ, để lại những
vết bầm tím trên khắp cơ thể. Mụ chị dâu kia, chồng mụ đã chết như thế nào?
- Khủng khiếp quá!
- Cả Porthos lẫn Aramis đều kêu lên.
- Kẻ giết
Buckingham, giết Felten, giết anh trai ta, ta đòi công lý xử tội ngươi, và ta
tuyên bố, nếu người ta không làm điều ấy cho ta, ta sẽ tự làm lấy.
Và Huân tước De
Winter đến xếp hàng bên D'Artagnan, dành chỗ cho người buộc tội khác.
Milady gục đầu
trong hai bàn tay và cố nhớ lại những ý nghĩ hỗn độn của mụ bởi một cơn choáng
váng dữ dội.
- Đến lượt tôi -
Athos, nói người run lên như một con sư tử run lên trước con rắn độc - Đến lượt
tôi. Trước đây tôi đã cưới mụ đàn bà đó khi nó còn là một thiếu nữ, tôi đã cưới
nó bất chấp tất cả mọi người trong gia đình, tôi cho nó của cải, cho nó danh
phận của tôi, và một hôm tôi chợt thấy mụ đàn bà đó bị đóng dấu chín về tội ô
nhục, mụ đàn bà đó bị đóng dấu bông hoa huệ bên vai trái.
- Ồ! - Milady đứng
ngay dậy - tôi thách tìm lại được cái tòa án đã tuyên phạt tôi tội hình nhục
nhã ấy. Tôi cũng thách tìm lại được người đã thi hành tội ấy.
- Im đi - một giọng
người cất lên - về việc này, thì đã có ta trả lời.
Và người mặc áo
choàng đỏ đến lượt mình lại gần.
- Người này là
người nào, người này là người nào? - Milady kêu lên, như người tắc thở bởi nỗi
kinh hoàng và tóc xổ tung ra, và dựng đứng lên như thể những con vật sống trên
bộ mặt xám ngoét.
Mọi con mắt đều đổ
dồn vào con người đó, bởi trừ Athos, với tất cả, đó còn là một người lạ.
Mà Athos cũng còn
sững sờ như mọi người khác vì chàng cũng không hiểu làm sao mà con người này
lại dính dáng đến tấn thảm kịch khủng khiếp đang ở đoạn sắp kết thúc này.
Từ tốn và trịnh
trọng bước đến gần, chỉ còn cách Milady cái bàn, người lạ mặt bỏ mặt nạ ra.
Milady nhìn người
này một lúc, nỗi kinh hoàng càng tăng thêm, cái khuôn mặt tái nhợt râu tóc đen
ngòm, cái gì cũng khiếp, chỉ duy nhất ngoại trừ vẻ bình thản lạnh lùng. Rồi
thình lình mụ kêu lên:
- Ồ không không -
Mụ đứng dậy và lùi tận sát tường - - Không, không, đây là ma quỷ hiện hình! Đây
không phải hắn! Cứu tôi? Cứu tôi! - Mụ kêu tiếp giọng khản đi và quay mặt vào
tường, như thể mở nổi một lối thoát bằng hai tay mụ.
Mọi nhân chứng
trong cảnh đó đều kêu lên:
- Nhưng ông là ai vậy?
- Xin cứ hỏi mụ đàn bà này - Người đàn
ông mặc áo choàng đỏ nói - bởi vì các ông thấy rõ là mụ ta đã nhận ra tôi?
- Tên đao phủ ở Lilơ, đao phủ ở Lilơ.
Milady sợ đến phát điên, vừa kêu lên
vừa phải bấu chặt hai tay vào tường cho khỏi ngã.
Mọi người giãn ra, chỉ còn mỗi người
mặc áo choàng đỏ đứng ở giữa phòng.
Con khốn nạn quỳ sụp xuống kêu lên:
- Ôi, xin tha chết!
Xin tha chết!
Người lạ mặt để cho
mọi thứ ổn định lại mới nói tiếp:
- Tôi đã nói với
các ông mà, thế nào mụ cũng nhận ra tôi!
- Đúng tôi là đao
phủ của thành Lilơ. Sau đây là chuyện của tôi.
Mọi con mắt đều đổ dồn vào con người
đó, hau háu chờ nghe ông ta nói.
"Thiếu phụ này ngày xưa là một cô
gái cũng đẹp như mụ ta hiện nay. Mụ là nữ tu sĩ ở tu viện dòng thánh Bênêđích ở
Tămplôma. Một giáo sĩ trẻ lòng dạ hồn nhiên và sùng đạo phục vụ tại tu viện
này. Mụ tính chuyện quyến rũ ông ta và đã thành công. Mụ đã cám dỗ một bậc
thánh.
Cả hai thề nguyền mãi mãi bên nhau,
không bao giờ thay đổi. Mối quan hệ của họ không thể kéo dài mà không tổn hại
đến cả hai người. Mụ thuyết phục được ông ta rời bỏ xứ sở, Nhưng để rời bỏ xứ
sở, để cùng nhau trốn đi, để đến được một miền khác trên đất Pháp, để có thể
sống yên ổn, để không ai biết tới, thì cần phải có tiền, mà lại chẳng ai có. Vị
linh mục liền lấy cắp các bình gốm thờ đem bán nhưng họ vừa cùng nhau chuẩn bị
ra đi thì cả hai đều bị bắt.
Tám ngày sau, mụ đã quyền rũ được con
trai viên cai ngục và trốn thoát. Vị linh mục trẻ bị kết án mười năm gông xiềng
và bị đóng dấu chín. Tôi là đao phủ thành Lilơ, như mụ ta đã nói.
Tôi phải đóng dấu phạm nhân và thưa các
vị, phạm nhân chính là em trai tôi.
Thế là tôi thề rằng con đàn bà đã làm
nó chết, còn tệ hơn là kẻ đồng lõa của nó, vì lẽ mụ đã đẩy nó đến chỗ phạm tội
thì ít nhất mụ cũng phải chia sẻ sự trừng phạt. Tôi ngờ nơi mụ trốn, và truy
đuổi, rồi tóm được mụ, tôi gô cổ mụ lại và cũng in dấu sắt nung vào mụ như đã
in vào em trai tôi.
Hôm sau tôi trở lại Lilơ, em trai tôi
cũng lại trốn mất, người ta buộc tội tôi thông đồng và xử tôi bị tù thay chừng
nào em tôi vẫn ngoài vòng pháp luật. Thằng em trai khốn khổ của tôi không biết
việc xét xử đó, nó lại gặp được mụ đàn bà ấy, rồi cùng nhau trốn ở Bery và ở đó
nó được nhận chân mục sư nhỏ.
Mụ đàn bà được coi là em gái nó.
Vị lãnh chúa trong vùng có ngôi nhà thờ
của mục sư đó thấy cô em gái giả vờ đó, đem lòng si mê, đến mức ngỏ lời cầu
hôn.
Thế là mụ bỏ phéng ngay kẻ mụ đã làm
hại để chạy theo kẻ mụ phải làm hại và trở thành nữ Bá tước de la Fe".
Mọi con mắt lại đổ dồn về Athos, mà cái
tên đó mới đích thực là tên chàng. Chàng gật đầu tỏ ý mọi điều người đao phủ
nói đều đúng cả.
- Thế rồi - người này nói tiếp - thất
vọng, điên dại, thằng em trai khốn khổ của tôi quyết định rũ bỏ cuộc đời mà mụ
ta đã lấy đi tất cả danh dự, hạnh phúc, trở lại Lilơ mới hiểu ra tôi đã bị án
quyết tù thay, nên nó đã ra đầu thú và ngay tối ấy đã treo cổ dưới lỗ thông hơi
của xà lim.
Tóm lại, cũng là công bằng đối với
chúng thôi. Những người đã kết án tôi đã giữ lời hứa. Tử thi được xác nhận là
họ trả tự do cho tôi ngay.
Đó là tội ác tôi buộc tội mụ, và đó là
nguyên nhân mụ bị đóng dấu nung.
Athos nói:
- Ông D'Artagnan, ông đòi xử mụ đàn bà
này hình phạt gì?
- Tử hình! - D'Artagnan đáp.
Athos tiếp tục:
- Huân tước De Winter, ông đòi xử mụ
đàn bà này hình phạt gì?
- Tử hình! - De
Winter lặp lại.
- Các vị Porthos và
Aramis - Athos hỏi tiếp - Các vị là các thẩm phán, các vị xử mụ đàn bà này hình
phạt gì?
- Tội tử hình - cả
hai đều trả lời bằng một giọng khàn khàn.
Milady rú lên một
tiếng ghê rợn và lê gối đến trước mấy người xét xử.
Athos giơ thẳng
cánh tay chỉ vào mặt mụ và nói:
- Sáclốt Bêchxơn,
nữ Bá tước de la Fe, Milady de Winter, tội ác của mụ đã làm mệt mỏi người trên
trần thế. Chúa ở trên trời. Nếu mụ biết vài lời cầu nguyện, thì hãy cầu đi, bởi
mụ đã bị kết án tử hình và mụ sắp chết rồi.
Nghe nói vậy, thấy
không còn chút hy vọng nào nữa, mụ đứng thẳng người lên định nói, nhưng không
còn đủ sức. Mụ thấy có một bàn tay mạnh mẽ và không đội trời chung tóm lấy tóc
mụ, lôi mụ đi không thể nào cưỡng lại như định mệnh lôi một con người. Mụ cũng
chẳng thèm chống cự lại nữa và ra khỏi túp lều tranh.
Huân tước De Winter, D'Artagnan, Athos
Porthos và Aramis ra theo phía sau. Những người hầu cũng đi theo chủ và căn
phòng lại đơn độc với chiếc cửa sổ vỡ, cổng mở và ngọn đèn bốc khói đang hắt
hiu cháy trên mặt bàn.
BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 66
Hành quyết.
Đã gần nửa đêm, mảnh trăng khuyết hạ
tuần như nhuốm máu bởi những dấu vết cuối cùng của cơn giông tố, nhô lên sau
cái thị trấn nhỏ Acmăngchie, làm nổi bật trong ánh trăng nhợt nhạt bóng dáng âm
u các ngôi nhà và cái gác chuông cao lênh khênh như một bộ xương người. Phía
trước mặt dòng sông Litx cuồn cuộn chảy như một dòng thiếc nóng, còn phía bờ
bên là một khối đen sì cây cối hiện ra dưới bầu trời giông tố vẫn còn ngổn
ngang những đám mây lớn màu đồng thau, tạo thành một cảnh hoàng hôn giữa ban
đêm. Bên trái nổi lên một chiếc cối xay cũ bỏ hoang, với bộ cánh gió im lìm,
trong chốn hoang phế ấy vang lên tiếng the thé, từng hồi và đơn điệu của một
con cú mèo. Đây đó, trong cánh đồng, bên trái và bên phải con đường mà đám rước
tang tóc ấy đang đi, hiện ra mấy cây thấp, mập giống như những thằng lùn dị
dạng đang ngồi xổm để rình xem mọi người vào cái giờ thê lương ấy.
Thỉnh thoảng một lúc đám chớp lớn lại
sáng lòa khắp chân trời và ngoằn ngoèo trên những đám cây đen ngòm, giống như
một lưỡi đao khủng khiếp phạt đứt bầu trời và mặt nước ra làm hai mảnh. Không
một làn gió nhẹ lướt qua vùng không khí nặng nề. Một sự im lìm chết chóc đè
nặng lên tạo vật. Đất ẩm ướt và trơn tuột vì trời mưa. Cỏ cây như sống lại càng
bốc nặng mùi hương.
Hai người hầu lôi Milady, mỗi người giữ
một cánh tay, đao phủ đi sau, Huân tước De Winter, D'Artagnan, Athos, Porthos
và Aramis bước sau đao phủ. Planchet và Bandanh đi sau cùng.
Hai người hầu lôi Milady tơi bờ sông.
Miệng mụ câm như hến, nhưng đôi mắt mụ lại nói lên một cách hùng hồn khó tả như
thể lần lượt van xin những người mà mụ đang nhìn.
Vì mụ đi trước mấy bước(1) mụ bảo mấy
người hầu:
- Một nghìn Pitxtôn cho mỗi người các
anh, nếu để cho tôi trốn. Còn nếu các anh nộp tôi cho chủ các anh (?) tôi có ở
gần đây những kẻ báo thù sẽ bắt các anh phải trả giá đắt cái chết của tôi.
Grimaud lưỡng lự, Mousqueton run hết cả
tứ chi lên.
Athos nghe thấy Milady nói vậy vội đến
gần ngay. Huân tước De Winter cũng vậy. Ông ta nói:
- Đổi mấy tên người
hầu này đi thôi, mụ ta đã nói với chúng, không tin được chúng nữa.
Planchet và Bazin
được gọi lên thay chỗ cho Grimaud và Mousqueton.
Đến bờ sông, đao phủ
lại gần Milady, trói chân và trói tay mụ lại.
Bấy giờ mụ mới phá
tan sự im lặng kêu lên:
- Chúng bay là
những thằng hèn, chúng bay là những tên khốn nạn giết người. Chúng bay phải tới
mười người để cắt cổ một người đàn bà, hãy coi chừng, nếu tao không được cứu
thì tao sẽ được trả thù.
- Mụ không phải là
một người đàn bà - Athos lạnh lùng nói - mụ không thuộc giống người, mụ là một
loài yêu quái trốn thoát khỏi địa ngục và chúng ta sắp tống mụ trả về đấy.
- Chà các trang nam
nhi đức hạnh! - Milady nói - Hãy coi chừng, kẻ nào động đến một sợi tóc trên
đầu tao, thì kẻ ấy mới là tên sát nhân.
- Đao phủ có thể
giết, nhưng không vì thế mà là một kẻ sát nhân - Người mặc áo choàng đỏ vừa nói
vừa vỗ vào thanh kiếm rộng bản của mình - đây là vị quan tòa cuối cùng, có thế
thôi:
- Nachrichter(2)
như những ông bạn láng giềng Đức chúng ta vẫn nói ấy mà.
Nghe đao phủ vừa
nói như thế vừa trói mình, Milady kêu lên hai ba tiếng man rợ tạo nên một hiệu
quả u ám dị thường bay trong đêm tối và chìm dần trong rừng thẳm.
- Nhưng nếu tao là
tội phạm, nếu tao mắc những tội mà chúng bay cáo buộc - Milady gào lên - thì
phải đưa tao ra trước một tòa án, chúng bay không phải là các quan tòa để có
thể kết tội tao.
- Ta đã đề nghị
Tybum cho mụ - Huân tước De Winter - tại sao mụ lại không muốn?
- Bởi tôi không
muốn chết - Milady vừa hét lên vừa giãy giụa - Bởi tôi còn quá trẻ không chết
được.
- Người đàn bà bà
đã đầu độc ở Bêtuyn còn trẻ hơn bà đấy, thế nhưng người ấy đã chết rồi -
D'Artagnan nói.
- Tôi sẽ vào nhà tu
kín, tôi sẽ bắt mình đi tu? - Milady nói.
- Mụ đã từng ở
trong một nhà tu kín - đao phủ nói - và mụ đã ra khỏi đó để làm hại em ta.
Milady kêu lên một
tiếng hãi hùng và quỵ xuống.
Đao phủ xốc nách mụ
lên và định lôi mụ xuống đò.
- Ôi, Chúa ơi - Mụ
kêu lên - lạy Chúa! Các người định dìm chết ta ư?
Tiếng kêu đó cũng
có đôi chút não lòng khiến D'Artagnan là người hăng hái nhất trong việc truy
đuổi Milady, cũng thẫn thờ đến tựa vào một gốc cây, đầu cúi xuống, lấy hai tay
bịt tai lại, thế nhưng, mặc dù làm vậy, chàng vẫn nghe tiếng mụ hăm dọa và kêu
khóc.
D'Artagnan là người
trẻ nhất trong tất cả bọn họ, nên không sắt đá nổi.
- Ôi! Tôi không thể
nhìn cái cảnh tượng hãi hùng này! Tôi không thể bằng lòng với cảnh người đàn bà
này chết như thế này?
Milady nghe thấy
mấy câu nói đó, mụ lại lấy lại được chút tia hy vọng.
- D'Artagnan! D'Artagnan!- Mụ kêu lên -
chàng nhớ là em đã yêu chàng chứ!
Chàng trai trẻ đứng lên và tiến một
bước về phía mụ.
Nhưng Athos cũng đứng dậy, rút gươm ra
chặn D'Artagnan lại và nói:
- D'Artagnan, nếu cậu tiến thêm một
bước, chúng ta sẽ phải so gươm với nhau đấy.
D'Artagnan quỳ xuống và cầu nguyện.
- Thôi nào, đao phủ - Athos tiếp tục -
làm phận sự của mình đi.
- Xin sẵn sàng, thưa Đức ông - đao phủ
nói - bởi cũng đúng như việc tôi là một tín đồ Cơ đốc ngoan đạo, tôi tin tưởng
vửng chắc rằng tôi rất chân chính khi hoàn thành chức năng của tôi đối với mụ
đàn bà này.
- Tốt lắm.
Athos bước một bước lại phía Milady.
- Ta tha thứ cho bà - chàng nói - về
cái ác bà đã làm đối với ta, ta tha thứ cho bà làm tương lai ta tan nát, hạnh
phúc ta mất mát, tình yêu ta nhơ bẩn và sự cứu rỗi linh hồn ta mãi mãi bị tổn
hại bởi nỗi tuyệt vọng mà bà đã ném ta vào. Hãy chết cho bình yên.
Đến lượt mình, Huân tước De Winter cũng
tiến lên và nói:
- Ta tha thứ cho bà đã đầu độc anh trai
ta, đã ám sát Quận công De Buckingham, ta tha thứ cho bà về cái chết của gã
Felten tội nghiệp, ta tha thứ cho bà về những mưu đồ ám hại chính bản thân ta.
Hãy chết cho bình yên.
- Còn tôi - D'Artagnan nói - xin bà hãy
tha thứ cho tôi, đã dùng một ngón giảo quyệt không xứng với một nhà quý tộc,
khiêu khích bà nổi giận, và đổi lại, tôi cũng tha thứ cho bà việc giết hại
người bạn gái đáng thương của tôi và những sự trả thù tàn bạo của bà đối với
tôi, tôi tha thứ cho bà và cũng khóc thương bà. Bà hãy chết bình
yên.
- I am lost! -
Milady lẩm bẩm bằng tiếng Anh - I must die(1).
Rồi mụ tự đứng dậy
nhìn xung quanh với con mắt rực lửa.
Nhưng mụ không nhìn
thấy gì hết.
Mụ lắng nghe, nhưng
cũng không nghe thấy gì hết.
Mụ chỉ có xung
quanh mình toàn là kẻ thù.
- Tôi sẽ chết ở
đâu? - Mụ hỏi.
- Ở bờ sông bên kia
- Đao phủ đáp.
Rồi đao phủ lôi mụ
xuống đò, khi anh ta vừa bước chân xuống đò, Athos trao cho anh ta một số tiền.
- Cầm lấy - chàng
nói - đây là tiền công hành quyết. Để cho mọi người thấy chúng tôi hành động
như những quan tòa.
- Được thôi - đao
phủ nói - và bây giờ để người đàn bà đến lượt mình cũng hiểu rằng không phải
tôi hoàn thành một việc có tính chất nghề nghiệp mà là nghĩa vụ của tôi.
- Và hắn ta ném số
tiền ấy xuống sông.
Đò xa dần sang bờ
trái sông Litx, mang theo kẻ tội phạm và người hành quyết. Mọi người khác đều ở
lại bên bờ phải và cùng quỳ xuông.
Con đò lướt đi chầm
chậm theo dọc dây chăng qua sông của bến đò, dưới ánh phản quang của một đám
mây nhợt nhạt lúc này đang chiếu xiên ngang mặt nước.
Thuyền đã cặp bờ
bên kia, những bóng người in lên một màu đen trên nền chân trời màu đỏ nhờ.
Milady trong lúc
sang sông đã cởi được thừng trói chân mình. Tới bờ này, mụ nhẹ nhàng nhảy lên
bờ chạy trốn.
Nhưng đất ướt, lên
hết dốc, mụ bị trượt chân ngã khuỵu xuông.
Một ý nghĩ mê tín
chắc hẳn đã tác động mạnh đến mụ. Mụ hiểu rằng trời đã không dung mụ nữa, nên
cứ ngồi nguyên như thế, đầu gục xuống và hai tay chắp lại.
Lúc đó, từ bờ kia
nhìn sang mọi người thấy đao phủ từ từ nâng cao hai cánh tay lên, ánh trăng
phản chiếu trên lưỡi đao rộng bản rồi hai cánh tay hạ xuống, người ta nghe thấy
tiếng rít của lưỡi đao và tiếng kêu của nạn nhân, rồi một khối thịt mất đầu vật
xuống.
Đao phủ liền cởi
chiếc áo choàng đỏ trải ra đất, đặt thi thể nằm xuống, ném cái đầu vào, túm lại
bốn góc khoác lên vai và bước xuống đò.
- Đến giữa dòng
sông Litx, anh ta cho dừng đò lại, nâng cái bọc nặng lên trên mặt sông và hét
lên rất to:
- Xin để cho Chúa
phán xử!
Và anh ta buông cái
xác cho rơi xuống đáy sông, và cho dòng nước khép lại.
Ba ngày sau, bốn
chàng ngự lâm trở lại Paris, và vẫn còn trong thời hạn nghỉ phép. Ngay tối đó,
như thường lệ, họ tới thăm ông De Treville.
- Thế nào? Các vị -
Ông đại úy tử tế hỏi họ - các vị thỏa thích trong chuyến đi chơi xa chứ?
Athos thay mặt cho
tất cả các bạn trả lời:
- Tuyệt diệu ạ!
Chú thích:(1) Mỗi
người hầu giữ một bên cánh tay thì không thể đi trước mấy bước. mà chỉ có thể
đl ngang nhau
(2) Tục lệ cổ của
người Đức khi hành quyết đều hô lên tiếng đó. Nachrichter có nghĩa; "đây
là kẻ đến sau quan tòa"
(3) Tiếng Anh có
nghĩa: Ta thua rồi - ta phải chết thật rồi.
Alexandre Dumas
Ba người lính ngự
lâm
Dịch giả: Nguyễn
Bản
Kết luận.
Ngày mồng sáu tháng
sau, giữ lời hứa với Giáo chủ rời khỏi Paris trở lại La Rochelle, nhà Vua ra
khỏi kinh thành lúc còn rất đỗi bàng hoàng về tin tức vừa lan đến là Buckingham
bị ám sát.
Cho dù đã được báo
trước người đàn ông mình yêu biết bao gặp nguy hiểm. Hoàng hậu, khi người ta
báo tin cái chết ấy, vẫn không chịu tin, lại còn bất cẩn kêu lên:
- Thất thiệt! Ông
ấy vừa viết thư cho ta!
Nhưng hôm sau thì
bà đành phải tin cái tin thảm khốc đó.
La Port cũng như
mọi người khác bị giữ chân lại ở Anh theo lệnh của Vua anh Charles đệ nhất, đã
trở về mang theo món quà cuối cùng, tang tóc mà Buckingham gửi cho Hoàng hậu.
Nhà Vua vui mừng
khôn tả. Ông chẳng tội gì giấu giếm niềm vui, lại còn cố ý làm rùm beng trước
mặt Hoàng hậu, Louis XIII giống như mọi con tim hẹp hòi khác, thiếu sự đại
lượng.
Nhưng rồi nhà Vua
lại trở nên u buồn và cáu bực ngay.
Vầng trán Ngài
không thuộc những vầng trán rạng rỡ được lâu dài. Khi trở lại trận tuyến, Ngài
cảm thấy sắp sửa lại phải sống lệ thuộc, tuy nhiên Ngài vẫn trở lại.
Giáo chủ đối với
Ngài như con rắn biết thôi miên và Ngài là con chim chuyền từ cành này sang
cành khác nhưng không thể thoát ra được.
Vì vậy việc trở lại La Rochelle buồn
sâu sắc. Nhất là bốn người bạn, họ làm cho đồng đội phải ngạc nhiên. Họ đi bên
nhau, đầu cúi xuống, mắt u sầu. Chỉ có Athos thỉnh thoảng ngẩng vầng trán rộng
lên, mắt long lanh, một nụ cười chua chát lướt trên môi, rồi lại như các bạn
mình, phó mặc cho những ý nghĩ mơ màng.
Đoàn hộ tống đi tới một thành phố, ngay
sau khi hộ giá nhà Vua về tới nơi nghỉ lại, bốn người bạn lui về chỗ mình ở
hoặc đến một tửu quán hẻo lánh nào đó, chẳng bài bạc cũng không chè chén mà chỉ
nói nhỏ với nhau, chăm chú nhìn xem có ai để ý nghe mình nói không.
Một hôm nhà Vua dừng lại ở dọc đường
nhìn chim ác là bay, bốn người bạn theo thường lệ, đáng lẽ đi săn cùng, đã dừng
lại trong một tửu quán cạnh đường cái, một người đàn ông phi nước đại từ La
Rochelle tới, dừng lại ở cửa để uống một cốc rượu vang, phóng mắt nhìn vào tận
bên trong nơi bốn chàng đang ngồi tại bàn.
- Ô, ông D'Artagnan! - Hắn nói - chẳng
phải ông, tôi đang thấy đó sao?
D'Artagnan ngẩng đầu lên và reo lên
mừng rỡ. Cái con người mà chàng gọi là con ma của chàng ấy chính là cái thằng
cha căng chú kiết ở Măng, ở phố Phu đào huyệt, và ở Arát.
D'Artagnan rút gươm và lao ra cửa.
Nhưng lần này thay vì chạy trốn, kẻ lạ
mặt nhảy phắt từ ngựa xuống, và tiến đến đối mặt với D'Artagnan.
- Chà, thưa ông
D'Artagnan nói - cuối cùng thì tôi cũng
gặp được ông, lần này thì ông không thoát nổi tôi đâu.
- Tôi cũng có ý ấy đâu thưa ông, bởi
lần này, tôi tìm ông, nhân danh đức Vua, tôi bắt ông. Ông hãy trao gươm cho
tôi, và không được chống cự, sẽ mất đầu đấy, tôi báo cho ông biết vậy.
- Vậy ông là ai? - D'Artagnan vừa hỏi
vừa hạ gươm xuống, nhưng vẫn chưa trao.
- Tôi là hiệp sĩ De Rochefort - người
lạ trả lời - tổng quản của Đức giáo chủ Richelieu, và tôi được lệnh áp giải ông
đến chỗ Đức ông.
- Thưa ông hiệp sĩ, chúng tôi đang quay
về bên chỗ Đức ông - Athos vừa nói vừa tiến lại - và ông sẽ chấp nhận lời hứa
của ông D'Artagnan là ông ấy sẽ đi thẳng một mạch đến La Rochelle.
- Tôi phải giao ông ấy cho lính cận vệ
để giải ông ấy về doanh trại.
- Chúng tôi sẽ làm cái việc ấy, thưa
ông, xin lấy danh dự của các nhà quý tộc mà hứa đấy. Nhưng cũng xin lấy danh dự
của các nhà quý tộc - Athos cau mày nói thêm - Ông D'Artagnan sẽ không rời khỏi
chúng tôi đâu.
Hiệp sĩ De Rochefort liếc nhìn về phía
sau đã thấy Porthos và Aramis đứng xen vào giữa hắn ta và cổng quán, nên hiểu
rằng phải tuân theo bốn người đó.
- Thưa các vị - hắn nói - nếu ông
D'Artagnan bằng lòng trao gươm cho tôi và cũng hứa như ông, tôi bằng lòng việc
ông hứa dẫn ông D'Artagnan tới hành dinh của Đức ông Giáo chủ.
- Tôi hứa với ông như vậy - D'Artagnan
nói - gươm của tôi đây!
- Thế thì càng tốt cho tôi - Rochefort
nói thêm - tôi còn phải tiếp tục cuộc hành trình của tôi.
- Nếu là để gặp Milady - Athos lạnh
lùng nói - sẽ vô ích thôi, ông sẽ không gặp lại được nữa đâu.
- Vậy bà ta ra sao rồi? - Rochefort vội
hỏi.
- Cứ trở về doanh trại rồi ông sẽ biết.
Rochefort lặng lẽ đi một lát đăm chiêu.
Rồi vì chỉ một ngày đường nữa là đến Xuyếcgie, nơi Giáo chủ đến yết kiến nhà
Vua, hắn quyết định nghe theo lời khuyên của Athos và trở về cùng với họ.
Vả lại việc quay trở lại cũng có ích
cho hắn, đó là hắn đích thân giám sát được tù nhân của mình.
Tất cả lại lên đường.
Hôm sau, ba giờ chiều, họ đến Xuyếcgie.
Giáo chủ đợi Louis XIII ở đó. Thủ tưởng và nhà Vua cực lực ve vuốt tán dương
nhau, về dịp may ngẫu nhiên khiến nước Pháp rũ bỏ được một kẻ thù cuồng nhiệt
đang xúi bẩy cả châu Âu chống lại mình. Sau đó, Giáo chủ vì đã được Rochefort
báo cho biết D'Artagnan đã bị bắt giữ, vội đến gặp chàng, nên đã xin cáo từ nhà
Vua và mời nhà Vua ngày mai đến khánh thành công trình xây dựng con đê.
Chiều tối, lúc trở về hành dinh ở Cầu
Đá, Giáo chủ thấy D'Artagnan đứng trước cổng ngôi nhà ông ở, không gươm, cùng
với các bạn mình đều vũ trang đầy đủ.
Lần này, vì ông đang ở thế mạnh, ông
nghiêm khắc nhìn họ và giơ tay, liếc mắt ra hiệu cho D'Artagnan đi theo mình.
D'Artagnan tuân theo.
- Chúng mình đợi cậu đấy, D'Artagnan -
Athos cố tình nói to để Giáo chủ nghe thấy.
Giáo chủ cau mày, dừng lại một lát, rồi
lại đi tiếp không nói một lời.
D'Artagnan theo sau giáo chủ đi vào, và
cửa được canh giữ ngay.
Giáo chủ đi vào căn phòng dùng làm
phòng làm việc và ra hiệu cho Rochefort dẫn D'Artagnan vào.
Rochefort vâng lời và rút lui.
Còn lại một mình D'Artagnan trước mặt
Giáo chủ. Đây là cuộc gặp mặt lần thứ hai với Rochefort và chàng tự thú nhận
chàng đã tin chắc đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng.
Rochefort vẫn đứng tựa người vào lò
sưởi, một chiếc bàn kê giữa ông ta và D'Artagnan.
- Này ông, - Giáo chủ nói - ta đã ra
lệnh bắt ông.
- Thưa Đức ông, người ta đã bảo tôi
vậy.
- Ông có biết tại sao không?
- Không, thưa Đức ông, bởi điều duy
nhất khiến tôi có thể bị bắt giữ, Đức ông còn chưa biết.
Richelieu chăm chăm nhìn chàng trai
trẻ:
- Ra thế, thế nghĩa là thế nào?
- Mong Đức ông vui lòng cho tôi biết
trước những tội mà người ta buộc cho tôi, tôi sẽ nói những việc tôi đã làm sau.
- Người ta buộc ông những tội mà ngay
cả những người có địa vị cao hơn cả ông cũng phải mất đầu đấy! - Giáo chủ nói.
- Thưa Đức ông, là những tội gì?
D'Artagnan hỏi với thái độ bình tĩnh
khiến Giáo chủ cũng phải kinh ngạc.
- Người ta đã buộc tội ông đã thông
đồng với kẻ thù của vương quốc, buộc tội ông đã làm lộ bí mật quốc gia, buộc
tội ông toan làm thất bại những kế hoạch đại tướng của ông.
- Và ai buộc tội tôi như thế thưa Đức
ông? D'Artagnan nói - Và ngờ rằng đó là do Milady - một con đàn bà bị công lý
của đất nước đóng dấu chín, một con đàn bà đã cưới một người đàn ông ở Pháp, và
một người khác ở Anh, một con đàn bà đã đầu độc người chồng thứ hai và toan
tính đầu độc chính tôi ư?
- Ông nói gì thế? - Giáo chủ ngạc nhiên
kêu lên - Và ông đang nói về mụ đàn bà nào thế?
- Về Milady de Winter - D'Artagnan trả
lời - Vâng, về Milady de Winter, mà chắc hẳn Đức ông không biết mọi tội ác của
mụ khi mà mụ ta có vinh dự được hưởng sự tin cẩn của ngài.
- Này ông, Giáo chủ nói - nếu Milady de
Winter phạm những tội ác như ông nói, mụ ta sẽ bị trừng phạt.
- Thưa Đức ông, mụ đã bị trừng phạt
rồi!
- Ai đã trừng phạt mụ.
- Chúng tôi.
- Mụ ở trong tù à?
- Mụ đã chết.
- Chết! - Giáo chủ nhắc lại, chưa tin
nổi những gì mình nghe thấy - Chết ư? Ông không nói mụ ta chết đấy chứ?
- Ba lần mụ định giết tôi, và tôi đã
tha thứ cho mụ. Nhưng mụ đã giết người đàn bà tôi yêu. Thế là các bạn tôi và
tôi, đã bắt, xét xử và kết án mụ.
D'Artagnan liền kể lại việc đầu độc bà
Bonacieux trong nữ tu viện Cácmel ở Bêtuyn, việc xét xử trong ngôi nhà hẻo
lánh, việc hành quyết bên bờ sông Litx.
Giáo chủ đâu phải là người dễ rùng
mình, vậy mà người cứ run lên.
Nhưng rồi bất ngờ một ý nghĩ thầm kín
nảy sinh trong ông, Giáo chủ cho tới lúc này vẫn sa sầm, dần dần rạng rỡ lên,
rồi hoàn toàn trong sáng hơn bao giờ hết.
- Như vậy là - Giáo chủ nói bằng một
giọng dịu dàng trái hẳn với tính chất nghiêm khắc của câu nói - các ông tự cho
mình là quan tòa, không nghĩ rằng những kẻ nào không có nhiệm vụ trừng phạt mà
lại đi trừng phạt đều là những kẻ sát nhân!
- Thưa Đức ông, tôi xin thề với ngài
rằng không giây phút nào, tôi có ý định chống lại ngài để giữ lấy cái đầu tôi.
Đức ông muốn trừng phạt tôi thế nào, tôi cũng chịu. Tôi có thiết sống lắm đâu
mà sợ chết.
- Phải, ta biết điều đó, ông là một con
người dũng cảm - Giáo chủ nói bằng một giọng gần như trìu mến - ta có thể nói
trước với ông rằng ông sẽ bị xét xử, bị kết án nữa đấy.
- Một kẻ khác đã có thể đảm bảo với Đức
ông rằng hắn ta có lệnh đặc xá ở trong túi mình. Còn tôi, tôi vui lòng nói với
ngài rằng xin Đức ông cứ ra lệnh, tôi đã sẵn sàng.
- Đặc xá ông? – Richelieu kinh ngạc
nói.
- Vâng, thưa Đức ông - D'Artagnan nói.
- Và ai ký, nhà Vua ư? - và Giáo chủ
thót lên câu nói ấy với vẻ miệt thị khác thường.
- Đức ông hẳn nhận ra chữ ký của ngài.
Và D'Artagnan đưa cho Giáo chủ mẩu giấy
quý giá mà Athos đã tước được của Milady, và chàng đã đưa cho D'Artagnan dùng
làm bùa hộ mệnh.
Đức ông cầm mẩu giấy và chậm rãi đọc,
nhấn mạnh vào từng vần:
"Theo lệnh của ta và vì quyền lợi
quốc gia, người mang giấy này đã làm điều người ấy phải làm.
3 tháng 12, 1672.
Richelieu"
Đọc xong hai dòng chữ ấy, Giáo chủ như
rơi vào một giấc mơ sâu thẳm, nhưng không trả lại mẩu giấy cho D'Artagnan.
"Ông ta đang suy nghĩ xem dùng cực
hình gì đối với ta đây - D'Artagnan tự nhủ thầm. Được thôi, ta thề là ông ta sẽ
thấy một nhà quý tộc chết như thế nào"
Chàng lính ngự lâm trẻ tuổi đã suy tính
rất tuyệt để chết một cách anh hùng.
Richelieu vẫn suy nghĩ, cuộn vào rồi
lại giở ra tờ giấy trong tay. Cuối cùng ông ngẩng đầu, trừng trừng đôi mắt chim
ưng nhìn vào khuôn mặt trung trực, cởi mở, thông minh, đọc trên khuôn mặt ròng
ròng nước mắt ấy những đau khổ mà anh ta phải chịu từ một tháng nay, và lần thứ
ba hay thứ tư gì đó, ông lại nghĩ rằng thằng bé hai mốt tuổi này hẳn có tương
lai biết mấy, và sự năng động của nó, lòng dũng cảm của nó, trí tuệ của nó sẽ
cống hiến biết bao kế sách cho một người chủ tốt.
Mặt khác, tội ác, quyền lực, và thiên
tài yêu quái của Milady từng đã nhiều lần làm ông hoảng sợ. Ông cảm thấy như có
một niềm vui thầm kín mãi mãi rũ bỏ được kẻ đồng mưu nguy hiểm đó.
Ông chậm rãi xé tờ giấy mà D'Artagnan
đã hào hiệp trao cho ông.
"Ta toi rồi" - D'Artagnan tự
nhủ.
Và chàng cúi gập đầu trước Giáo chủ,
như bảo ông: "Đức ông, ý của ngài đã được mãn nguyện!".
Giáo chủ lại gần bàn, không ngồi, ghi
thêm mấy dòng vào một tờ giấy đã viết kín đến hai phần ba rồi áp dấu.
"Đây là bản án của mình đây -
D'Artagnan thầm nói - Ông ta tha cho mình vào ngục Bastille và việc lề mề xét
xử. Cũng là tiện cho ông ta!".
- Cầm lấy - Giáo chủ nói với chàng trai
trẻ - ta lấy mất của ông tờ giấy khống chỉ, ta trả lại ông một tờ khống chỉ
khác.
Chưa có tên trên tờ chứng chỉ đó đâu,
để tự ông sẽ điền vào.
D'Artagnan lưỡng lự cầm tờ giấy và liếc
mắt nhìn qua.
Đó là giấy phong hàm trung úy ngự lâm
quân.
D'Artagnan quỳ xuống chân Giáo chủ nói:
- Thưa Đức ông, sinh mệnh tôi thuộc về
ngài. Từ nay xin tùy ngài sắp xếp, nhưng ân tình mà ngài ban cho tôi, tôi không
xứng đáng đâu, tôi có ba người bạn đều xứng đáng và cao quý hơn tôi.
- Ông là một chàng trai trung hậu,
D'Artagnan - Giáo chủ ngắt lời, thân mật vỗ vai chàng, sung sướng vì đã chinh
phục được cái bản chất bất trị ấy - Ông thích thế nào thì cứ làm như thế. Có
điều hãy nhớ rằng, tuy tên còn để trống, nhưng là ta cho ông đấy.
- Tôi sẽ không bao giờ quên -
D'Artagnan đáp.
- Đức ông có thể tin chắc như vậy.
Giáo chủ quay lại và lớn tiếng gọi:
- Rochefort!
Hiệp sĩ hẳn vẫn ở đằng sau cánh cửa
liền vào ngay.
- Rochefort! - Giáo chủ nói - Ông xem
ông D'Artagnan này, ta đã nhận ông ta vào số những bạn bè của ta. Vậy hãy ôm
hôn nhau, và hãy khôn ngoan nếu muốn giữ vững cái đầu.
Rochefort và D'Artagnan ôm hôn nhau qua
quýt chút đầu môi, nhưng Giáo chủ vẫn đứng đó đang quan sát họ bằng con mắt soi
mói.
Họ ra khỏi phòng cùng một lúc.
- Chúng ta còn gặp nhau, phải không
ông?
- Khi nào ông thích - D'Artagnan nói.
- Chắc sẽ có dịp thôi - Rochefort trả
lời.
- Hả? – Richelieu mở cửa ra hỏi.
Hai người mỉm cười, bắt tay nhau và
chào Giáo chủ.
- Bọn mình bắt đầu sốt ruột rồi đấy -
Athos nói.
- Tôi đây mà, các bạn! - D'Artagnan trả
lời - không những được tự do mà còn được ân sủng nữa.
- Cậu sẽ kể cho bọn mình nghe chứ?
- Ngay tối nay.
Quả vậy, ngay tối ấy, D'Artagnan trở về
lều Athos, thấy chàng đang uống cạn chai vang Tây Ban Nha, một việc mà tối tối
chàng đều thành kính hoàn thành.
D'Artagnan kể lại mọi chuyện xảy ra
giữa Giáo chủ và mình rồi rút trong túi ra cái chứng chỉ và nói:
- Anh cầm lấy, anh Athos thân mến, cái
đó rất hợp với anh.
Athos mỉm một nụ cười hiền hậu và duyên
dáng:
- Anh bạn ơi - chàng nói - với Athos
thế quá nhiều, với Bá tước de la Fe, lại là quá ít - cậu cứ giữ lấy cái giấy
chứng chỉ đó, nó thuộc về cậu. Than ôi! Lạy chúa? Cậu đã phải mua nó khá đắt
rồi.
D'Artagnan ra khỏi phòng Athos và vào
phòng Porthos, chàng thấy Porthos ăn mặc rất lộng lẫy, áo quần đầy những đường
thêu rực rỡ và đang soi mình trước gương.
- Chà, chà! - Porthos nói - cậu đấy à,
bạn thân mến! Cậu thấy bộ quần áo này có hợp với mình không?
- Tuyệt lắm! - D'Artagnan nói - nhưng
tôi đến để đề nghị với anh một bộ quần áo còn hợp với anh hơn kia.
- Quần áo nào? -
Porthos hỏi.
- Quân phục của
trung úy ngự lâm quân!
D'Artagnan kể cho
Porthos cuộc hội kiến với Giáo chủ và rút tờ chứng chỉ từ trong túi ra:
- Cầm lấy, Porthos
thân mến, anh hãy ghi tên anh vào đấy, và anh hãy là chỉ huy tất của tôi.
Porthos đưa mắt đọc
tờ chứng chỉ rồi trả lại cho D'Artagnan làm chàng hết sức ngạc nhiên.
- Đúng - Porthos
nói - cái đó tôn mình lên rất nhiều nhưng mình sẽ chẳng có đủ thời gian lâu dài
để hưởng cái ân huệ ấy đâu. Trong thời gian chúng ta viễn chinh tới Bêtuyn, ông
chồng của bà Công tước của mình đã chết, thành thử cái két bạc của người quá cố
đang dang hai tay đón mình, bạn thân mến ạ, mình sẽ cưới bà góa ấy. Coi đây,
mình đang thử quần áo cưới mà, hãy giữ lấy chức trung úy, bạn thân mến. Giữ
lấy.
Và Porthos trả lại
cho D'Artagnan.
Chàng trai trẻ lại
vào phòng Aramis.
D'Artagnan thấy
chàng đang quỳ trước ghế đọc kinh, trán tựa vào cuốn sách kinh đã mở.
D'Artagnan kể cho
chàng nghe cuộc gặp gỡ với Giáo chủ, và lần thứ ba rút tờ chứng chỉ từ trong
túi ra và nói:
- Anh, người bạn
của tất cả chúng tôi, ánh sáng của chúng tôi, người che chở vô hình của chúng
tôi, anh hãy nhận cái chứng chỉ này, anh xứng đáng với nó hơn bất kỳ ai bởi sự
thông thái của anh và những lời khuyên của anh luôn luôn đem theo những thành
công may mắn.
- Ôi chao! Bạn thân
mến - Aramis nói - cuộc phiêu lưu cuối cùng của chúng ta đã làm tôi hoàn toàn
chán ngán sự đời và gươm giáo rồi. Lần này, ý nguyện của tôi không thể lay
chuyển nữa. Sau cuộc vây hãm thành La Rochelle này, tôi sẽ vào giáo đoàn truyền
giáo(1). Hãy giữ lấy cái chứng chỉ đó, D'Artagnan, nghề binh đao phù hợp với
cậu, cậu sẽ trở thành một đại úy can trường và bất chấp mọi hiểm nguy.
D'Artagnan rơm rớm
nước mắt tỏ lòng biết ơn và rạng rỡ vui mừng, trở lại chỗ Athos, thấy chàng vẫn
ngồi bàn và đang soi cốc rượu Malaga cuối cùng trước ánh đèn.
- Thế đấy? Họ cũng
vậy, đều từ chối tôi cả?
- Chính là vì không
ai xứng đáng với nó hơn cậu, bạn thân mến ạ.
Và Athos cầm một
chiếc bút ghi tên D'Artagnan lên tờ chứng chỉ rồi trao cho chàng.
- Vậy tôi sẽ không
còn có bạn bè nữa - chàng trai trẻ nói - Ôi thôi! Không còn gì nữa, chỉ còn
những kỷ niệm cay đắng…
Rồi chàng gục đầu
vào hai lòng bàn tay, nước mắt ròng ròng trên hai gò má.
- Cậu còn trẻ -
Athos trả lời - và những kỷ niệm cay đắng của cậu sẽ có đủ thời gian để đổi
thành những kỷ niệm ngọt ngào!
Chú thích:(1)
Lazaristes: giáo đoàn của các giáo sĩ đi truyền đạo ở khắp nơi.
Alexandre Dumas
Ba người lính ngự
lâm
Phần chót.
La Rochelle, mất đi
sự cứu trợ của hạm đội Anh và của sư đoàn mà Buckingham đã hứa hẹn, đã đầu hàng
sau một năm bị vây hãm. Ngày 28 tháng mười năm 1628, người ta ký kết đầu hàng.
Nhà Vua trở về
Paris ngày 23 tháng mười hai năm ấy.
Người ta tổ chức lễ
khải hoàn như thể vừa chiến thắng quân thù chứ không phải thắng người Pháp. Nhà
Vua đi vào ngoại ô Thánh Giắc qua những cổng chào xanh rờn hoa lá.
D'Artagnan đã nhận
chức vụ của mình, Porthos giải ngũ và năm sau cưới bà Coquenard, cái két sắt
thèm thuồng bấy lâu nay chứa những tám trăm ngàn quan.
Mousqueton được
nhận một bộ chế phục lộng lẫy, và lấy làm thỏa mãn vì đã thực hiện được cái
tham vọng suốt đời là được trèo lên phía sau một cỗ xe mạ vàng.
Aramis, sau một
chuyến du hành đến Loren, bất ngờ biến mất và thôi không viết thư cho bạn bè. Mãi
sau, do bà De Chevreuse nói cho hai ba người tình của bà, mới biết chàng đã thụ
giáo ở tu viện Năngxy.
Bazin trở thành
thầy dòng.
Athos vẫn ở lại ngự
lâm quân dưới quyền chỉ huy của D'Artagnan đến năm 1631, sau một chuyến du lịch
đến Loren, chàng cũng rời quân ngũ mượn cớ vừa được thừa hưởng một gia tài nhỏ
ở Rutxiông.
Grimaud đi theo Athos.
D'Artagnan ba lần
đấu với Rochefort và cả ba lần đều làm ông ta bị thương.
- Có thể lần thứ tư
tôi sẽ giết ông đấy - chàng vừa bảo ông ta vừa đưa tay nâng dậy.
- Vậy thì sẽ tốt
hơn cho cả ông lẫn cả tôi là chúng ta dừng lại ở lần này thôi - người bị thương
trả lời - Mẹ kiếp! Tôi là bạn ông hơn là ông nghĩ đấy, bởi ngay từ lần đầu chạm
trán với ông, tôi chỉ cần nói với Giáo chủ một câu là ông đã có thể bị chặt đầu
rồi.
Lần này họ ôm hôn
nhau, nhưng thật lòng và không một chút ẩn ý.
Planchet nhận được
ở Rochefort chức đội trưởng trong đội cận vệ.
Ông Bonacieux sống
rất bình yên, hoàn toàn không biết vợ mình đã ra sao, và cũng chẳng quan tâm
mấy đến việc đó. Một hôm ông ta bất cẩn đi nhắc lại việc đó với Giáo chủ. Giáo
chủ trả lời ông ta rằng Ngài sắp chu cấp cho ông ta để từ nay sẽ không bao giờ
thiếu thốn cái gì nữa.
Quả nhiên, ngày hôm sau, bẩy giờ tối,
ông Bonacieux ra khỏi nhà để đi đến điện Louvre, rồi không bao giờ thấy xuất
hiện lại ở phố Phu đào huyệt nữa. Theo giới thạo tin thì ông đã được nuôi dưỡng
và cư trú ở một vương phủ nào đó do Đức ông hào phóng tài trợ.
Hết
Thư mục:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét