Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 02. THÁI TỔ “BÔI TỬU GIẢI BINH QUYỀN”

Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận là người đã cướp ngôi của nhà Hậu Chu lên ngôi Hoàng đế, cho nên ông luôn lo lắng sẽ có một ngày một trọng thần của mình sẽ cũng làm một Triệu Khuông Dận “hoàng bào khoác thân” khiến ông trở thành vị vua đoản mệnh thứ sáu.
Sợ hãi chẳng khác gì sợi dây thừng treo cổ luôn luôn ám ảnh, ông không cam chịu đi vào vết xe đổ. Vua tìm tới một người thân tín là Triệu Phổ, nói nỗi băn khoăn của mình:
– Từ cuối đời Đường tới nay, ngôi vua liên tục thay đổi, những cuộc cướp ngôi liên tiếp xảy ra, nguyên nhân cuối cùng là do đâu? Ta nghĩ tình trạng rối loạn khiến quốc gia luôn luôn bất ổn, vậy phải làm thế nào để thiên hạ yên ổn, nước nhà trường tồn?
Từ thời Chu Thế Tông bình định Hoài Nam, Triệu Phổ đã kết bạn với người có địa vị hiển hách một thời là Triệu Khuông Dận, hai người dù những kiến giải chính trị hay quan hệ riêng tư đều rất gắn bó. Vấn đề làm Triệu Khuông Dận lo lắng tất nhiên Triệu Phổ cũng luôn quan tâm. Những suy nghĩ đã có từ trước khiến Triệu Phổ trả lời ngay:
– Xã hội rối loạn đều là do triều Đường có một căn bệnh mãn tính không được chữa trị, quyền lực của các phiên trấn lớn quá, sức mạnh của nhà vua lại hạn chế, dẫn tới tình trạng “quân nhược thần cường”. Muốn thay đổi tình hình này, chỉ có cách là hạn chế quyền bính của họ, khống chế tiềm lực của họ, thu về những tinh binh của họ.
Thoáng nghe, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận hiểu ngay ra vấn đề. Ông không cần Triệu Phổ nói hết, lập tức ngăn lại:
– Nhà ngươi không cần nói tiếp nữa, ta đã hiểu rồi!
Sau đó, Tống Thái Tổ bắt đầu tính toán đến các trọng thần đang nắm binh quyền. Sau biến cố “Hoàng bào khoác thân”, ông đã từng liên tiếp đại phong công thần, Đại tướng  Hậu Chu Mộ Dung Diên Chiêu có công ủng hộ triều Tống được thăng Điện tiền đô điểm kiểm; Hàn Lệnh Khôn được giao bảo vệ biên giới phía bắc kiêm Thị vệ mã bộ quân Đô chỉ huy sứ; Thạch Thủ Tín giữ chức Thị vệ mã bộ quân phó đô chỉ huy sứ (2). Cấm quân là quân chủ lực của triều Tống. Nhà vua bèn bãi miễn chức vụ của Mộ Dung Diên Chiêu, cử ông ra làm Tiết độ sứ ở bên ngoài, từ đó, cũng thôi luôn chức Điện tiền đô điểm kiểm thống lĩnh cấm quân. Đồng thời, nhà vua còn đồng ý bỏ chức vụ của người vốn thân tín là Hàn Lệnh Khôn, cũng cử ông đi làm Tiết độ sứ. Chỉ có Thạch Thủ Tín được Triệu Khuông Dận coi là người đáng tin cậy nên chưa bãi miễn chức vụ.
Triệu Phổ thấy những trù tính chưa được thực hiện một cách triệt để, không yên tâm, nhiều lần khuyên Triệu Khuông Dận thay đổi chức vụ của Thạch Thủ Tín. Nhà vua nghe chỉ cười, nói:
– Họ là anh em của ta, nhất định sẽ không bao giờ phản lại ta.
Triệu Phổ lo lắng, nói với Triệu Khuông Dận:
– Vấn đề không phải là ở con người đó. Năng lực của họ có hạn, không thể chế ngự được những tài năng trong thiên hạ. Vạn nhất bộ hạ của họ làm gì, sao họ kiềm chế được?
Nghe xong, trong ánh mắt của Triệu Khuông Dận như cũng phảng phất nghĩ lại hai lần binh biến đã qua, nhà vua thầm suy nghĩ thấy lời của Triệu Phổ rất có lý, bản thân mình nếu không ra tay, di họa sẽ khôn cùng.
Một buổi tối mùa thu năm ấy, Triệu Khuông Dận  gọi Thạch Thủ Tín cùng những người được coi là “anh em tốt” vào cung dự tiệc. Rượu uống chưa được bao lâu, Hoàng thượng bắt đầu nói những lời gan ruột, ông chân thành nói với mọi người:
– Vừa qua, toàn dựa vào công sức của các vị, ta mới có ngày hôm nay, làm Thiên tử thực là khó khăn, không như còn làm Tiết độ sứ, khi đó ta cứ việc tiêu dao tự tại còn nay không có được một đêm an giấc.
Bọn Thạch Thủ Tín vốn hết sức trung thành, cảm thấy rất lạ lùng, hỏi Triệu Khuông Dận:
– Bệ hạ đã lên ngai vàng, còn có điều gì phải lo lắng?
Tống Thái Tổ cười buồn:
– Cái ngai vàng này, có ai là không muốn ngồi?
Bọn Thạch Thủ Tín lập tức nói:
– Giờ đây mệnh đã thuộc Đại Tống và Bệ hạ, ai dám cả gan nghĩ tới?
Tống Thái Tổ thở dài, nói:
– Các ngươi tuyệt không được nghĩ gì khác. Ta chỉ đề phòng thôi!. Nhưng cũng sẽ có ngày bộ hạ của các ngươi tham giàu sang, cũng đem hoàng bào khoác lên người các ngươi, lúc đó, liệu các ngươi sẽ nghĩ gì, sợ cũng không có cách nào từ chối.
Nghe câu đó, bon Thạch Thủ Tín toát mồ hôi lạnh, vội quỳ xuống đất, khóc mà xin:
– Hạ thần thực là ngu ngốc, không nghĩ tới điều này, mong bệ hạ chỉ cho chúng thần con đường sống để chúng thần tránh được điều độc ác này.
Tống Thái Tổ thấy thời cơ đã tới, bèn nói với các Đại tướng  thân tín của mình:
– Cuộc đời con người ta như bóng câu qua cửa sổ, thật vô cùng ngắn ngủi. Người ta cứ đi tìm vinh hoa phú quý, chẳng qua chỉ là gom góp vàng bạc để sống sung sướng, con cháu cũng được hưởng lây. Đến nay, các ngươi đã đạt được mục đích ấy. Ta cho rằng, chi bằng các ngươi mang binh quyền giao lại, đến một nơi nào đó làm Tiết độ sứ, vui vẻ với vườn tược, làm một ngoi nhà lớn, cùng con cháu làm nên gia nghiệp, bản thân mình thì vui thú cùng ca công vũ nữ, ngày ngày uống rượu ngắm trăng chẳng hơn cuộc sống bây giờ sao? Các ngươi đã là anh em với ta trong quá khứ, từ nay về sau vẫn là thân thiết, quan hệ vua tôi cũng không sinh ra  hiềm khích, như vậy mọi người đều có thể yên tâm, chẳng hơn cứ phải lo lắng như bây giờ?
Lời nói ấy như chân thành anh em, vừa như cảnh cáo giữa nhà vua với các hạ thần. Bọn Thạch Thủ Tín dù có ngốc nghếch cũng hiểu được thâm ý của Tống Thái Tổ, không biết nói gì hơn.
Ngày hôm sau, bọn Thạch Thủ Tín đều cáo bệnh, không dám mang quân luyện tập, dần dần giao lại binh quyền. Tống Thái Tổ lòng như trời biển, với họ đều ban thưởng rất hậu, chỉ giữ lại một mình Thạch Thủ Tín giao cho một chức vụ không có thực quyền ở cấm quân, còn tất cả đều cử ra ngoài làm Tiết độ sứ.
Chuyện này trong lịch sử còn được lưu lại với cái tên “bôi tửu giải binh quyền”. Triệu Khuông Dận sau những chén rượu này, đã thu toàn bộ lực lượng cấm quân về trong tay mình, diệt trừ tất cả những ẩn họa đe dọa ngôi Hoàng đế của mình, thoát khỏi cái vòng nghiệt ngã của thời Ngũ đại Thập quốc.
“Bôi tửu giải binh quyền” nhưng Triệu Khuông Dận chưa hoàn toàn yên tâm. Ông biết quyền lực của các Tiết độ sứ ở các địa phương cũng rất lớn, loạn phiên trấn ở triều Đường là một bài học lớn. Năm 969, Vương Ngạn Chiêu cùng mấy Tiết độ sứ đã cao tuổi tới kinh triều kiến Hoàng thượng, nhà vua đón tiếp theo phép đã định, trong tiệc rượu, ông nói:
– Các ngươi là nguyên lão trọng thần của quốc gia, ở bên ngoài đã lâu, công việc rất quan trọng lại vô cùng bận rộn, ta thực không biết nói gì hơn, không có cách gì để ưu đãi các trọng thần này.
Nghe xong, Vương Ngạn Chiêu nói:
– Thần vốn chẳng có công lao gì, lại được bệ hạ gia ân. Giờ tuổi đã cao, xin được về nhà dưỡng lão, xin bệ hạ ân chuẩn.
Có hai Tiết độ sứ không vừa lòng với chức vụ, lại muốn khoe khoang công lao của bản thân, Triệu Khuông Dận lạnh lùng đáp:
– Việc này đã có từ trước, còn nói lại làm gì nữa.
Ngày hôm sau Triệu Khuông Dận đồng ý cho Vương Ngạn Chiêu về hưu, còn hai người tự cho là có công lao bị bãi miễn chức Tiết độ sứ. Nhà vua chỉ cần tìm hai chức quan nhàn hạ, lưu họ lai kinh thành, thực tế họ sẽ bị kiểm soát rất chặt chẽ.
Sau đó, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận cải cách quan chế một cách triệt để, nhà vua dùng cách “vững gốc yếu cành”, đem quân đội đổi thành hai hệ thống, cấm quân hùng mạnh trực tiếp do triều đình chỉ huy, còn các tướng  quân đứng đầu luôn được điều chuyển, quân đội cũng được luân phiên, như vậy không một ai có thể khống chế được cấm quân, không có cách gì để dùng binh phục vụ cho mục đích riêng của mình. Các địa phương cũng chỉ có “tương binh” (3). Đây là hệ thống quân đội chỉ để đảm bảo trị an, không thể chống lại với quân của triều đình. Các quan thiết lộ, hành chính và tài quyền đều do triều đình cử tới tiếp quản, Tiết độ sứ trở thành không có thực quyền.
Những biện pháp này đã có tác dụng quan trọng chính thức kết thúc thời kỳ quốc gia trong tình trạng phân liệt hỗn loạn. Nhưng những biện pháp này cũng khiến “lính không biết tướng, tướng không quen lính”, làm suy yếu quân đội, miền biên giới luôn bị quấy rối bởi các nước láng giềng, triều đình suy yếu phần lớn là do những thay đổi đó tạo nên.
Chú thích:
(1) Chu Thế Tông (921 – 959), Hoàng đế Hậu Chu thời Ngũ đại. Ở ngôi 954 – 959, người Long Cương, Kinh Châu (nay thuộc Hà Bắc).
Người dịch: Dương Đình Giao

Xem tiếp:























06.20. «  Nhà đầu tư » Lã Bất Vy 
08. Tây Hán 
09. Đông Hán 
10. Tam Quốc 
12. Đông Tấn 
13.00. Nam Bắc Triều 

14.00. Triều Tùy 
15.00. Triều Đường 
16.00. Ngũ đại thập quốc 
17.00. Tống – Liêu - Kim - Tây Hạ 
17.26. « Kim Qua thiết mã » thân khí tật 
18.00. Triều Nguyên 
19.00. Triều Minh 
20.00. Triều Thanh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét