Người dịch: Dương Đình Giao
Để đối phó với lực lượng chống lại nhà Thanh ở Giang Nam, triều Thanh cử Hồng Thừa Trù (1) tướng nhà Minh đã đầu hàng làm Tổng đốc quân sự chỉ huy chiến dịch Tùng Sơn, thu phục Giang Nam.
Khi ấy, ở Tùng Giang có một số nguời cũng đang ấp ủ ý định chống Thanh, đứng đầu là Hạ Doãn Di và Trần Tử Long. Hạ Doãn Di có nguời con trai mới mười lăm tuổi tên Hạ Hoàn Thuần, đồng thời cũng là học trò của Trần Tử Long. Từ nhỏ, Hạ Hoàn Thuần đã đọc nhiều sách vở, giỏi thơ văn, do ảnh hưởng của cha và thầy học nên cũng tham gia cuộc đấu tranh chống Thanh.
Nếu chỉ trông vào mấy nguời đọc sách thì sao tổ chức được nghĩa quân? Hạ Doãn Di có một nguời học trò là Ngô Chí Quỳ, là Tổng binh ở Ngô Tung, trong tay cũng có một số binh lính. Họ thuyết phục Ngô Chí Quỳ cùng nổi dậy chống Thanh. Ngô Chí Quỳ đồng ý, cử một lực lượng làm đội tiên phong tiến đánh Tô Châu. Ban đầu, trận đánh diễn ra thuận lợi, đội tiên phong đã tiến công thành Tô Châu, nhưng về sau, khi vào trận, Ngô Chí Quỳ do dự, không kịp thời tăng viện, kết quả, nghĩa quân đã tiến vào trong thành bị bao vây rồi hy sinh. Quân chủ lực của Ngô Chí Quỳ ở ngoài thành cũng bị đánh bại.
Không lâu sau, quân Thanh bao vây Tùng Giang, cha con Hạ Doãn Di cùng Trần Tử Long bị quân Thanh bao vây, phải về quê ẩn náu. Quân Thanh tới vây bắt, muốn kêu gọi để Hạ Doãn Di tự thú. Hạ Doãn Di không muốn rơi vào tay quân Thanh, tự sát trên sông Hà Đường. Trước khi chết, ông còn dặn dò, muốn Hạ Hoàn Thuần tiếp tục công việc chống Thanh của mình.
Sự hy sinh của nguời cha khiến Hạ Hoàn Thuần vô cùng đau đớn, đồng thời, cũng khiến ông thêm mối thù với nhà Thanh. Ông cùng Trần Tử Long bí mật trở lại Tùng Giang, chuẩn bị tổ chức lại nghĩa quân. Nghe nói ở Trường Bạc Đãng, Thái Hồ có nghĩa quân chống Thanh do Ngô Dị lãnh đạo, đang thời kỳ chỉnh đốn. Hạ Hoàn Thuần đem bán toàn bộ gia sản, hiến cho nghĩa quân rồi làm tham mưu cho Ngô Dị. Hạ Hoàn Thuần còn viết một bản tấu chương, cho nguời tới Thiệu Hưng dâng lên Lỗ vương (2), xin Lỗ vương kiên trì chống Thanh. Nghe nói nguời dâng thư là một thiếu niên, Lỗ vương vô cùng ngợi khen, phong cho Hạ Hoàn Thuần một chức quan.
Thủy quân của Ngô Dị ẩn hiện bên Thái Hồ đánh cho quân Thanh nhiều lần thua trận. Nhưng về sau do có nội phản, nghĩa quân thất bại, Ngô Dị cũng hy sinh.
Qua một năm, Trần Tử Long lại bí mật khích lệ Đề đốc Tùng Giang là Ngô Thắng chống Thanh. Nhưng cuộc binh biến thất bại, Ngô Thắng bị giết, Trần Tử Long cũng bị quân Thanh bắt. Không chịu nhục, trên thuyền áp giải về Nam Kinh, ông nhảy xuống sông tự sát.
Thầy học vừa mất khiến Hạ Hoàn Thuần càng thêm đau đớn, do có nội gián, ông cũng bị bắt rồi bị quân Thanh áp giải tới Nam Kinh.
Ông bị giam giữ suốt hơn tám mươi ngày. Trong ngục, ông làm nhiều thơ và viết thư gửi cho bạn bè. Cái chết không làm ông khiếp sợ. Ông cảm thấy tiếc nuối vì nguyện vọng muốn bảo vệ cho dân tộc, khôi phục Trung nguyên không được thực hiện.
Nguời thẩm vấn Hạ Hoàn Thuần chính là Hồng Thừa Trù, kẻ đã thu phục đất Giang Nam. Biết Hạ Hoàn Thuần là nguời học rộng đa tài, nổi tiếng “Thần đồng” đất Giang Nam, Hồng Thừa Trù đã khuyên nhủ ông đầu hàng nhà Thanh.
Trên phủ đường, Hạ Hoàn Thuần đứng thẳng, ngẩng cao đầu, kiên quyết không chịu quỳ gối. Hồng Thừa Trù giả như không để ý, khuyên:
– Ngươi còn trẻ tuổi, đã có hiểu biết gì mà dám đưa quân chống đối! Chắc là do kẻ xấu xui giục. Xem ra ngươi chỉ là nguời a dua, thật là đáng thương. Chỉ cần ngươi quy thuận, trở về yên tâm với việc đọc sách, ta đảm bảo cho ngươi một chức quan cao sau này.
Hạ Hoàn Thuần biết chắc kẻ đang thẩm vấn mình là Hồng Thừa Trù, cố ý nói:
– Tôi nghe nói có Hanh Cửu (Hồng Thừa Trù tên chữ là Hanh Cửu) tiên sinh vốn là đại trung thần của triều đình. Trong trận Tùng Sơn, ông đích thân cầm quân anh dũng vì nước. Tôi tuy còn trẻ nguời non dạ, đã sớm ngưỡng mộ tấm gương trung liệt ấy. Tôi chỉ muốn hy sinh vì nước giống như ông ta, quyết không đầu hàng!
Một nguời đứng bên Hồng Thừa Trù nghĩ Hạ Hoàn Thuần không biết nguời đang thẩm vấn mình là ai, đã nói nhỏ với ông rằng Hồng Thừa Trù chưa chết mà đã quy thuận nhà Thanh, hiện đang là đại quan. Nguời đang ngồi trước mặt chính là Hanh Cửu tiên sinh đấy.
Hạ Hoàn Thuần nghe xong, tức giận, cười nhạt:
– Hanh Cửu tiên sinh đã sớm bỏ mình vì nước, thiên hạ có ai không biết điều ấy! Tiên Hoàng đế (chỉ vua Sùng Trinh) lúc ấy còn đích thân làm lễ, nước mắt lưng tròng; các đại thần cũng từ xa bái vọng, than khóc tiếc thương. Kẻ tiểu nhân ngồi đây là kẻ nào mà dám mạo nhận đại danh của trung thần, làm ô danh linh hồn nguời, thật là đáng giận!
Hồng Thừa Trù vốn từ ban đầu, coi một đứa trẻ mới mười sáu mười bảy tuổi là dễ đối phó, không ngờ Hạ Hoàn Thuần trước bao nhiêu quan viên văn võ lớn tiếng ca ngợi mình là nguời trung thần báo quốc, vừa hổ thẹn vừa tức giận, giở khóc giở cười. Mặt hắn thoắt đỏ, thoắt trắng, không biết nói thế nào, đến nửa ngày mới đành huơ tay, quát:
– Giải hắn đi!
Hạ Hoàn Thuần bị giam vào trong ngục. Biết Hồng Thừa Trù nhất định không thể tha thứ cho mình, ông không muốn cái chết của mình là vô ích. Trong tù, ông điềm nhiên trước gông cùm, ung dung tự tại, liên tiếp viết nên những tập thơ nổi tiếng “Ngục trung thượng mẫu thư” và tập thơ “Nam quán thảo”. Trong “Ngục trung thượng mẫu thư” ông nói với nguời mẹ về tấm lòng yêu nước trung trinh bất khuất của mình, ông an ủi mẹ:
– Con nguời ai cũng phải chết, điều cần nhất là giá trị của cái chết ấy. Vì nước mà chết, chính là bổn phận của con!
Mùa thu năm ấy, Hạ Hoàn Thuần cùng với hơn ba mươi chí sĩ chống Thanh bị sát hại ở pháp trường Tây Thị, Nam Kinh. Trước khi chết, Hạ Hoàn Thuần sắc mặt không đổi, ngẩng cao đầu. Đao phủ run tay, không dám nhìn thẳng vào nguời thiếu niên anh hùng mới mười bảy tuổi.
Sau khi Hạ Hoàn Thuần chết, có nguời mang thi thể của ông về Tùng Sơn, chôn ở Tiểu Côn Sơn, bên cạnh mộ của Hạ Doãn Di, cha ông. Mộ của cha con họ Hạ luôn được nguời đời sau tới viếng thăm, trở thành một địa chỉ văn hóa. Thơ văn tràn đầy tình yêu nước của Hạ Hoàn Thuần cũng trở thành kho báu trong văn học cổ Trung Quốc, được mọi người quý trọng.
Chú thích:
- Hồng Thừa Trù (1593 – 1665), nguời Nam An, Phúc kiến. Năm 1639, bị bắt rồi đầu hàng nhà Thanh, sau đó từng chủ trì việc tiến công chính quyền Vĩnh Lịch, Nam Minh.
- Lỗ vương (1609 hoặc 1618 – 1662), tức Chu Dĩ Hải, cháu thứ 10 của Minh Thái Tổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét