XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 21. 19. TRƯƠNG TỰ TRUNG XẢ THÂN VÌ NƯỚC

 Người dịch: Dương Đình Giao
Trương Tự Trung là vị tướng nổi tiếng về lòng yêu nước trong cuộc kháng chiến kháng Nhật. Ông sinh năm 1891 ở  Lâm Thanh, Sơn Đông, vốn có chí hướng muốn trở thành luật sư. Nhưng mắt nhìn thấy đất nước Trung Quốc bị ngoại xâm chà đạp, năm 23 tuổi, ông “xếp bút nghiên theo việc đao cung”.
Năm 1931, sau khi phát động “sự biến 18 tháng 9”, chỉ trong thời gian  chưa đầy vài tháng, quân Nhật đã chiếm được ba tỉnh phía đông và Nhiệt Hà. Nhìn thấy một phần lớn lãnh thổ của Tổ quốc rơi vào tay địch, dòng máu trong ông sôi sục, bao phẫn nộ chứa chất trong lòng khiến ông đã xin ra tiền tuyến chống Nhật.
Ngày 9 tháng 3 năm 1933, quân Nhật cho hai lữ đoàn tiến công Hỷ Phong khẩu một cửa ải trên Trường Thành hướng về nơi Vạn Phúc Lâm đang đóng giữ. Không chống cự được, Vạn Phúc Lâm đành rút lui. Cùng ngày hôm đó, quân đoàn  29 chấp hành mệnh lệnh tới thay thế Vạn Phúc Lâm để giữ Hỷ Phong Khẩu trên Trường Thành. Rạng sáng ngày 10, bộ binh Nhật được sự yểm trợ của không quân và pháo binh tiếp tục cuộc tiến công toàn diện vào Hỷ Phong Khẩu. Quân Trung Quốc giáng trả rất quyết liệt khiến quân Nhật thương vong nặng nề, tinh thần dao động  phải rút về Bình Tuyền.
Đây là trận thắng có ý nghĩa quan trọng vì từ sau sự biến 18 tháng 9, lần đầu tiên quân Nhật đã thua trận trước sự kháng cự ngoan cường của quân đội Trung Quốc, nó như khiến nỗi nhục của người Trung Quốc được vợi bớt. Lúc ấy, tờ “Ích Thế báo” ở Thiên Tân đã nhiệt liệt ca ngợi cuộc chiến đấu này, viết : “Cuộc chiến đấu của Lộ quân 19 đã khiến thế giới hiểu về người Trung Quốc, trận đánh ở Hỷ Phong Khẩu đã khiến người Trung Quốc chúng ta hiểu rằng có thể thắng được kẻ địch”, rồi “người Trung Quốc chúng ta đời đời không quên những người anh hùng  ở Hỷ Phong Khẩu”.
Nhưng trước sức tiến công điên cuồng của quân Nhật, Tưởng Giới Thạch đã thực hiện chính sách nhẫn nhục thỏa hiệp. Ngày 31 tháng 5 năm 1933, chính phủ Quốc Dân đảng cùng Nhật ký  “Hiệp định Đường Cô” nhục nhã thừa nhận sự chiếm đóng của quân Nhật ở ba tỉnh và Nhiệt Hà. Lúc này, Trương Tự Trung đang cùng Tống Triết Nguyên giữ tỉnh Sát Háp Nhĩ với chức vụ chủ trì sự vụ quân chính.
Sau khi “sự biến ngày 7 tháng 7” bùng nổ, quân Nhật phát động cuộc chiến tranh toàn diện xâm lược Trung Hoa. Tống Triết Nguyên có ảo tưởng sẽ có thể giải quyết vấn đề bằng hòa bình, hy vọng thông qua đàm phán để duy trì tình trạng hòa bình ở Bình Tân. Quân Nhật cũng do chưa tập kết đầy đủ quân đội nên cũng giả vờ chấp nhận đàm phán. Vì thế, Tống Triết Nguyên cùng các tướng lĩnh trong đó có Trương Tự Trung cũng trở thành những người tin vào điều đó, tiến hành đàm phán cùng quân Nhật.
Ngày 21 tháng 7, quân Nhật đã hoàn tất việc tập kết quân đội ở Bình Tân, lập tức cắt đứt cuộc đàm phán hòa bình, pháo kích thành Uyển Bình và nhà ga Trường Tân, nơi quân Trung Quốc đóng quân. Do còn ảo tưởng hòa bình nên Tống Triết Nguyên lúc này hành động thiếu kiên quyết, mắc hết sai lầm này tới sai lầm khác khiến các nơi từ Nam Uyển tới Uyển Bình đều lần lượt sa vào tay giặc, Bắc Bình không còn cách nào để phòng thủ. Vì thế, Tống Triết Nguyên đã triệu tập một cuộc hội nghị khẩn cấp, quyết định điều chuyển toàn bộ lực lượng, giữ Trương Tự Trung tạm thời ở lại trấn giữ Bắc Bình. Quân Nhật vừa đấm vừa xoa với ý đồ thuyết phục Trương Tự Trung nhượng bộ nhưng vấp phải thái độ cự tuyệt của ông.
Tháng 11 năm 1937,  quân đội của Trương Tự Trung từ sư đoàn 38 đã phát triển  thành quân đoàn 59. Trở về nơi cũ, ông đã nói với các tướng lĩnh dưới quyền một câu: “Tôi về lần này là để chết cho Tổ quốc!”
Tháng 3 năm 1938, quân Nhật từ Hoa Bắc tiến xuống phía nam, áp sát Lâm Nghi. Cùng lúc đó, sau khi Tân Phổ và Nam Kinh thất thủ, quân Nhật ở Hoa Trung cũng vượt sông, bắc tiến. Ý đồ của quân Nhật là quân hai phía sẽ gặp nhau ở Đài Nhi Trang, sau đó cùng tiến công Từ Châu. Nhưng lúc đó,  giữ Lâm Nghi chỉ có đoàn bộ binh số 5 thuộc quân đoàn 40 của Bàng Bính Huân. Vì thế, quân Nhật đã chiếm ưu thế về binh lực khi tiến về Lâm Nghi. Bàng Bính Huân liều chết giữ thành, sau mấy ngày thì không giữ nổi, liên tục gọi điện xin chi viện.
Tư lệnh chiến khu Lý Tông Nhân chấp hành lệnh của Trương Tự Trung đưa quân đoàn 59 tới Lâm Nghi cứu viện.
Ngày 15 tháng 3, được sự yểm trợ phối hợp của máy bay, pháo binh và xe tăng, quân Nhật tiến công mãnh liệt. Tướng sĩ của Quân đoàn 59 anh dũng chiến đấu không kể máu xương được mấy ngày, sau cùng phải đánh giáp lá cà với quân địch. Đến ngày 20, quân Nhật thương vong tới trên một ngàn, thương vong của Quân đoàn 59 cũng tới hơn bảy ngàn, tới một nửa chỉ huy do thương vong phải thay thế, nhưng tinh thần anh dũng hy sinh thì không hề giảm sút. Tất cả đều chung một lời thề: Phải cho bọn quỷ biết người Trung Quốc lợi hại như thế nào.
Tham mưu trưởng Từ Tổ Di thấy Quân đoàn 59 thương vong trầm trọng lệnh cho họ rút về phía sau để củng cố lực lượng. Nhưng Trương Tự Trung
đề nghị xin được chiến đấu thêm một ngày một đêm nữa. Ông nói với Tham mưu trưởng:
  • Quân của tôi thương vong rất lớn, quân Nhật thương vong cũng lớn, quân tôi rất gian khổ, quân Nhật cũng chịu gian khổ, chỉ cần kiên trì, có thể năm phút cuối cùng sẽ chiến thắng được kẻ địch.
 Quân Nhật cuối cùng phải rút lui trên toàn tuyến. Trong trận Lâm Nghi, quân Trung Quốc đã đập tan kế hoạch hội quân của quân Nhật, chiến dịch Đài Nhi Trang đã đặt cơ sở cho việc tiêu diệt một sư đoàn quan trọng của quân Nhật. Trương Tự Trung đã lập chiến công hiển hách được thăng chức làm Tổng tư lệnh Tập đoàn quân số 33 kiêm Tổng tư lệnh binh đoàn chiến khu 5.
Thời gian tháng 4 và 5 năm 1940, mục tiêu tiến công của quân Nhật là Vũ Hán, chúng tập trung 7 sư đoàn hơn mười vạn quân, cùng hơn hai trăm khẩu pháo lớn nhỏ, khi thế như vũ bão tiến công vào Chiến khu 5. Ngày 1 tháng 5, khi chiến cuộc sắp bắt đầu, Trương Tự Trung gửi cho các tướng lĩnh một bức thư, trong thư có đoạn viết: “…chỉ cần quân địch tới, chúng ta quyết cùng nhau hy sinh… Chúng ta quyết tâm hy sinh vì dân tộc, vì quốc gia, biển không thể khô, đá không thể mòn, quyết tâm của chúng ta không thể thay đổi!”
Quả nhiên, quân Nhật đã đưa Quân đoàn 13 được máy bay và trọng pháo yểm trợ tiến công vào Tập đoàn quân số 33. Hai bên giao tranh trong nhiều ngày, quân Trung Quốc thương vong trầm trọng, cuộc chiến đấu dần rơi vào bất lợi. Tối ngày 6 tháng 5, trong hội nghị với các cấp chỉ huy, Trương Tự Trung đề xuất: để thay đổi cục diện bất lợi, ông sẽ đích thân chỉ huy cuộc vượt sông. Vì thế, sáng sớm ngày 7, hai đoàn của sư 74 hướng tới Táo Dương. Ngày 10, quân Nhật điều chuyển binh lực, chia làm ba đường, tiến công Trương Tự Trung. Trương Tự Trung và binh lính chỉ trông vào máu xương của mình  giao tranh được mấy ngày, tiêu diệt được khoảng nghìn quân Nhật.
Chính vào lúc đó, Trương tự Trung lại nhận được một bức điện của cấp trên, yêu cầu “bỏ kẻ địch ở chính diện, vòng lại đánh địch ở phía sau”. Trương Tự Trung hiểu  đánh địch ở cả hai phía sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không thể không phục tùng lệnh cấp trên, ông đã lệnh cho các chiến sĩ tiến về cửa Quán Tử.
Sáng sớm ngày 16, quân Nhật qua tin tình báo biết được điều này đã chuẩn bị giao chiến với toàn bộ quân của Tập đoàn quân  33, chúng điều hơn ba mươi chiếc máy bay, hơn hai mươi khẩu pháo tiến công vào trận địa của quân Trung Quốc rồi chia là ba đường Tây, Nam, Bắc bao vây. Trận địa trước mặt đã trở thành biển máu, những sĩ quan tùy tùng đều khuyên Trương Tự trung dời khỏi chiến trường, nhưng ông kiên quyết không nghe.
Thương vong ngày càng nhiều, vai trái, đầu của Trương Tự Trung đều bị thương, máu chảy ròng ròng trên mặt. Mọi người xin ông cho băng lại, nhưng ông lắc đầu từ chối, vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu.  Bỗng nhiên ông cảm thấy  một cơn đau chói khắp cơ thể cơ hồ như trời đất sụp đổ. Ông ngất đi trên mặt đất. Một lát sau, tỉnh lại, thấy các vệ sĩ ở xung quanh mới hiểu rõ mọi chuyện. “Các anh đi mau đi. Tôi sẽ có cách.” Ông hít một hơi dài, nói những lời cuối cùng: “ Đối với quốc gia, đối với dân tộc, đối với cấp trên, lương tâm tôi hoàn toàn thanh thản. Mọi người hãy báo thù cho tôi.”
Hai mắt ông từ từ khép lại.
Người anh hùng đã mất, nhưng tinh thần của ông mãi trường tồn. Mọi người qua lễ truy điệu và an táng thể hiện lòng kính trọng và cảm phục ông. Cho tới nay, Bắc Kinh, Thiên Tân, Vũ Hán, … còn có những tấm bia kỷ niệm mang tên ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét