XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 20. 25. TẢ TÔNG ĐƯỜNG THU PHỤC TÂN CƯƠNG

 Người dịch: Dương Đình Giao
Sau “tra biện” trong Thiên Tân giáo án không lâu (1), Tăng Quốc Phiên chết. Từ đó, Lý Hồng Chương trở thành đại thần được tin cậy nhất của triều đình nhà Thanh. Khi đó ở Tân Cương, A Cổ Bá nổi loạn, nước Nga khi ấy cũng chiếm khu vực Y Lê, Lý Hồng Chương lại dâng tấu, nói:
– Từ Tân Cương tới nội địa con đường rất xa, giao thông không thuận lợi. Muốn thu phục Tân Cương phải tốn không ít tiền của, chưa biết được mất thế nào! Ngoài ra, việc giao thiệp với nước Nga còn rất phức tạp. Tăng Quốc Phiên cũng đã từng có chủ trương bỏ Tân Cương, tập trung sức lực để ổn định nội địa. Đó mới là thượng sách.
Vốn là ở phía tây Tân Cương có một tiểu quốc là Hạo Hãn, vốn được triều Thanh phong vương, là phiên thuộc của Trung Quốc. Về sau, nước Nga không ngừng mở rộng sang phía đông, xâm chiếm đại bộ phận lãnh thổ của Hạo Hãn, khiến cho thủ lĩnh của Hạo Hãn là A Cổ Bá không vừa lòng. Nước Nga xui A Cổ Bá xâm chiếm Tân Cương của Trung Quốc để bù vào phần lãnh thổ bị nước Nga chiếm mất. Vào năm Đồng Trị thứ 4 (1865), A Cổ Bá đưa quân xâm chiếm Khách Thập Cát Nhĩ ở phía nam Tân Cương, sau đó dần mở rộng, chiếm toàn bộ khu vực phía nam của Tân Cương. Rồi họ lại tiếp tục mở rộng lên phía bắc Tân Cương, chiếm được Ô Lỗ Mộc Tề, thôn tính các thành trấn phụ cận, tuyên bố thành lập “Triết Đức Sa Nhĩ quốc” (2). A Cổ Bá tự xưng quốc vương, muốn chia cắt lãnh thổ Tân Cương khỏi Trung Quốc. Tân Cương khi ấy là nơi hai nước Nga và Anh đang tranh chấp quyết liệt, cả hai nước đều muốn khống chế A Cổ Bá. Nước Anh và A Cổ Bá đã cùng nhau ký một điều ước thông thương với ý đồ qua đó để khống chế A Cổ Bá, từ Ấn Độ bành trướng sang Tân Cương nhằm ngăn chặn thế lực của Nga. Còn nước Nga lại muốn thông qua việc khống chế A Cổ Bá, từ phía Tây dần từng bước xâm lược Trung Quốc. Nhân khi A Cổ Bá tuyên bố kiến quốc xưng vương, năm Đồng Trị thứ 10 (1871), nước Nga đưa quân xâm chiếm một vị trí quan trọng ở phía tây Tân Cương là Y Lê và vùng phụ cận. Không lâu sau đó, nước Nga lại coi vùng lãnh thổ Y Lê trở thành một bộ phận của lãnh thổ Nga, cử Tổng đốc cho vùng Thổ Nhĩ Sư Thản. Ở đây, họ chính thức thu thuế, hành xử như chủ  quyền quốc gia hoàn toàn gạt bỏ quyền thống trị của triều đình nhà Thanh với vùng Y Lê.
Vậy phải có cách xử lý như thế nào với vùng Tân Cương? Triều đình nhà Thanh có rất nhiều ý kiến bất đồng. Trong tấu chương của Lý Hồng Chương đã đưa ra cách giải quyết dựa trên tình hình ấy.  Cách giải quyết này gặp phải rất nhiều sự phản đối của những nguời yêu nước. Tổng đốc Thiểm Cam Tả Tông Đường đã thể hiện sự tức giận cao độ. Tả Tông Đường là nguời Tương Âm, Hồ Nam, từ nhỏ, ông đã rất chú ý nghiên cứu binh pháp cùng  lịch sử bảo vệ biên cương và địa lý về vùng đất này. Ở nhà mình, ông từng treo một đôi câu đối:  “Thân vô bán mẫu địa, tâm ưu thiên hạ; Độc phá vạn quyển thư, thần giao cổ nhân”. Sau đó, Tả Tông Đường lại giúp việc quân vụ cho Tăng Quốc Phiên, trấn áp cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc và khởi nghĩa của dân Hồi ở Thiểm Cam nên cũng đã có nhiều kinh nghiệm về vùng đất này. Khi Lý Hồng Chương ở triều đình cổ vũ cho việc bỏ Tân Cương, ông đang ở Lan Châu.
Tả Tông Đường lập tức dâng tấu chương, bác bỏ Lý Hồng Chương, nói:
– Tân Cương từ xưa tới nay là lãnh thổ của nước ta, kiên quyết không thể vứt bỏ. Nếu bỏ Tân Cương, thì việc mất Cam Túc, Thiểm Tây vào tay kẻ địch đã ở trước mặt, khi đó, Nội, Ngoại Mông Cổ và Sơn Tây cũng không thể  an toàn, và sau đó, Bắc Kinh cũng sẽ bị uy hiếp. Quan hệ giữa Tây bắc và Bắc Kinh cũng giống như ngón tay và cánh tay là một chỉnh thể, hoàn toàn  không thể chia cắt.
Ông nói tiếp:
– Thần nay tuy đã 65 tuổi, nhưng cũng không thể chấp nhận việc  nước Nga chiếm đóng Y Lê, A Cổ Bá chiếm Tân Cương. Nếu triều đình đồng ý với ý kiến của thần, thần nguyện sẽ mang quân xuất chinh, liều chết chốn sa trường, để lấy lại Y Lê và Tân Cương.
Tấu chương của Tả Tông Đường khiến cả triều đình chấn động, ngay cả những nguời chủ trương bỏ Tân Cương trước đây cũng phải vô cùng khâm phục trước những hiểu biết và ý chí  của ông. Có nguời nói:
– Lời của Tả đại nhân thật cao minh, không thể nào không khâm phục.
Lại có nguời nói:
– Tông Đường thật là “tuổi cao chí lớn, chí ngoài nghìn dặm”. Trời ơi, ai dám nói Trung Quốc không có nguời tài?
Quân cơ đại thần Văn Tường hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Tả Tông Đường, ra sức thúc đẩy việc chuẩn bị để Tả Tông Đường đưa quân Tây chinh. Nguời nắm trọn đại quyền trong triều lúc ấy cũng cho rằng để mất lãnh thổ chẳng vẻ vang gì, đang khi có nguời tình nguyện đưa quân ra trận không nên chần chừ. Vì thế, triều đình cử Tả Tông Đường làm Khâm sai đại thần mang quân đi lấy lại Tân Cương.
Lúc ấy, Hoàng đế Đồng Trị đã mất vì bệnh, Hoàng đế mới lên ngôi là Tải Điềm, niên hiệu Quang Tự. Mùa xuân năm Quang Tự thứ hai (1876), Tả Tông Đường đưa quân dời Lan Châu tiến về phía Tân Cương, đến Túc Châu (nay là Tửu Tuyền,  Cam Túc), ông triệu tập tất cả các tướng lĩnh, nói với họ:
– Chư vị Tướng quân lần đầu tiên đặt chân đến Tây bắc, hoàn cảnh vùng đất này phải chăng chưa hiểu biết tường tận? Ta từ nhỏ đã đọc sách lịch sử, địa lý cùng binh thư nên địa hình rừng núi cũng biết được một hai điều. Miền trung Tân Cương có một dải núi lớn gọi là Thiên Sơn, chia Tân Cương thành hai phần nam bắc, phía nam gọi là Nam Cương, phía bắc gọi là Bắc Cương. Chúng ta tiến quân lần này, được cái giao thông thuận lợi, dễ tới được Bắc Cương, lấy được Ô Lỗ Mộc Tề, sau chiếm được nơi đây làm chỗ đứng chân sẽ mở rộng lấy lại các nơi khác.
Các Tướng lĩnh nhất tề đồng thanh:
– Xin tuân lệnh chỉ huy của ngài.
Tả Tông Đường nói:
– Vậy thì, các chư Tướng nghe lệnh của ta: Đại tướng Lưu Cẩm Đường chỉ huy cánh quân cùng Kim Thuận, đảm nhậm chủ công; Đề đốc Từ Chiếm Bưu cùng cánh quân của Trương Diệu, giữ Cáp Mật, phối hợp cùng Kim Thuận; quân từ Hồ Quảng tới đóng trên tuyến Đôn Hoàng, An Tây, Ngọc Môn phải canh phòng nghiêm cẩn, Ta ở tại Túc Châu chỉ huy, các nơi có việc gì xảy ra phải nhanh chóng bẩm báo.
Sau khi việc bố trí hoàn tất, Tả Tông Đường cho  nguời ngựa vận chuyển lương thực đi trước, sau đó cử hành long trọng nghi thức tế cờ. Toàn quân đứng dưới lá cờ đại có chữ “Tả” tuyên thệ: Không sợ gian khổ hiểm nguy, thề chiến đấu với kẻ địch tới giọt máu cuối cùng, thu phục giang sơn của Tổ quốc.
Sau đó các cánh quân cùng xuất phát, cánh tới nơi được giao trấn giữ, cánh tiến thẳng tới mục tiêu đã được phân công. Chủ tướng giữ Ô Lỗ Mộc Tề là Bạch Ngiêm Hổ, nguời Trung Quốc đã đầu hàng A Cổ Bá, biết quân Thanh sắp tiến công bèn lệnh cho quân lính dưới quyền  quyết tử thủ Ô Lỗ Mộc Tề. Quân Thanh do Lưu Cẩm Đường chỉ huy thừa cơ đêm tối, quân giặc ngủ say, tiến công mãnh liệt, chiếm được trại địch. Bạch Nghiêm Hổ thấy thế trận đã mất bèn tháo chạy đầu tiên. Quân lính thấy chủ tướng đã không còn cũng nhanh chóng tan rã, bại trận. Quân triều đình chiếm lại được Ô Lỗ Mộc Tề rất thuận lợi, sau đó nhanh chóng thu lại được vùng Bắc Cương ngoài Y Lê. Tả Tông Đường đã thực hiện được bước một của kế hoạch, sau đó chuẩn bị tiến quân về phía Nam Cương.
 A Cổ Bá đang đóng quân ở Nam Cương nghe nói Ô Lỗ Mộc Tề và vùng Bắc Cương đã mất vào tay quân Thanh, vô cùng hoảng sợ, vội lệnh cho con là Hải Khắc La giữ Thoát Khắc Tốn, Đại Tổng quản Ái Y Đức Nhĩ giữ thành Đạt Bản, Bạch Nghiêm Hổ giữ Thổ Lỗ Phiên, với ý đồ quyết giữ tới cùng.
Tả Tông Đường dứt khoát hạ lệnh tiến quân đánh Nam Cương, ông nói với các Tướng sĩ:
– Lần tiến quân này là đánh thẳng vào tên xâm lược A Cổ Bá chứ không phải  đánh vào dân chúng Duy Ngô Nhĩ. Ta đóng quân ở đây, quân lính không được gian dâm cướp bóc, cũng không được giết nguời bừa bãi, đối với dân chúng chỉ phân biệt nguời có yêu nước hay không, không được phân biệt theo dân tộc.
Lời của Tả Tông Đường truyền tới các tộc Duy Ngô Nhĩ, ai nghe thấy cũng vui mừng khôn xiết rồi lại truyền đi mãi. Khi quân Thanh tới, họ tự giác chỉ đường cho quân Thanh, báo tin quân giặc, ủng hộ lương thực, còn giúp quân Thanh làm những công việc giải quyết chiến trường.
Được sự ủng hộ của nhân dân, Lưu Cẩm Đường, Trương Diệu, Kim Thuận, Từ Chiếm Báo rất nhanh chóng  chỉ huy quân Thanh đánh tới hội quân ở Thổ Lỗ Phiên. A Cổ Bá nghe nói khắp nơi đã đầu hàng, chỉ trong vòng chưa đầy hai năm quân Thanh đã thu phục được toàn bộ vùng Tân Cương trừ Y Lê. Lúc ấy, quân Nga cùng Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến, quân Anh cũng ủng hộ cho Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều có âm mưu hỗ trợ cho A Cổ Bá. A Cổ Bá lúc ấy quân lính đã tan tác, tình thế đơn độc, không lâu sau bị bộ hạ giết chết.
Bọn Bạch Nghiêm Hổ bỏ chạy về nước Nga, chính quyền “Triết Đức Sa Nhĩ” hoàn toàn sụp đổ. Thực tế đã chứng minh, chính quyền của A Cổ Bạt không được nhân dân ủng hộ, lực lượng cũng mỏng manh. Tiêu diệt nó là mong muốn của mọi người. là xu thế tất yếu, chủ trương lấy lại Tân Cương của Tả Tông Đường là hoàn toàn chính xác.
Sau khi A Cổ Bá thất bại, quân đội Nga vẫn chiếm đóng Y lê không rút lui. Tả Tông Đường quyết định đích thân tới Tân Cương bố trí binh lực, chuẩn bị lấy lại Y Lê. Khi từ Túc Châu tới tiền tuyến, ông cho mang theo một cỗ quan tài, thể hiện quyết tâm một phen sống chết, vinh nhục ở đây, không lấy lại được Y Lê thề sẽ không trở về. Do ảnh hưởng khí phách hào sảng ấy, tinh thần của Tướng sĩ toàn quân lên cao, quyết tâm hy sinh xương máu để thu hồi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhưng triều đình hủ bại lại sợ hãi khi xảy ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa Tả Tông Đường và nước Nga, muốn ngăn chặn  không để xảy ra việc này bèn hạ lệnh triệu hồi Tả Tông Đường. Năm Quang Tự thứ 7 (1881), hai nước Trung Nga cùng ký “Điều ước Y Lê” tuy có lấy lại được Y Lê nhưng phải nhường cho nước Nga một phần đất đai ở Bắc Cương và một phần lãnh thổ từ sông Hoắc Nhĩ Quả Sư về phía tây. Nước Nga còn được nhận số tiền bồi trường chín trăm vạn và quyền được thông thương tới các vùng đất phía tây của Trung Quốc.

Chú thích:
  • Tiên Tân giáo án: năm 1870, một số trẻ em trong nhà Dục anh thuộc nhà thờ Thiên Tân vọng hải lầu chết, nhiều sự việc không hay khác phát sinh. Dân chúng yêu cầu phải trừng trị kẻ ác. Lãnh sự Pháp ra sức trấn áp các quan viên Trung Quốc, từ đó nảy sinh mâu thuẫn gay gắt, triều Thanh cử Tăng Quốc Phiên xử lý việc này.
  • “Triết Đức Sa Nhĩ quốc”, ý chỉ Thất thành quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét