XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 21. 04. PHONG TRÀO YÊU NƯỚC “NGŨ TỨ VẬN ĐỘNG”

   Người dịch: Dương Đình Giao
Ngày 4 tháng 5 năm 1919, ở Bắc Kinh đã nổ ra một cuộc vận động yêu nước phản đế, phong trào nhanh chóng lan ra toàn quốc, được gọi là “Ngũ tứ vận động”. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ của phong trào này là thất bại ngoại giao của Trung Quốc trong Hội nghị ở Pa-ri.
Mùa thu năm 1914, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra ở châu Âu, các nước Anh, Pháp, Đức, Nga lao vào vòng chiến tạm gác lại mọi chuyện ở Trung Quốc. Ở phương Đông, Nhật Bản nhân cơ hội này tiến hành xâm lược Trung Quốc. Họ mượn cớ tuyên chiến với Đức, đưa quân chiếm tuyến đường sắt mà Đức vẫn khống chế và Thanh Đảo. Tỉnh Sơn Đông trước đây phía trước đã bị con sói Đức lăm le, nay lại bị con hổ Nhật chực nuốt mất.
Trước sự bành trướng của quân Nhật ở Sơn Đông, “Đại Tổng thống” Viên Thế Khải có kháng nghị. Nhưng Nhật Bản không thèm để ý tới kháng nghị này, đưa ra  “Hai mươi mốt điều” (1) cho chính phủ Bắc Kinh, được Viên Thế Khải chấp nhận. Người ký bản Hiệp định hèn hạ này là Thứ trưởng ngoại giao Tào Nhữ Lâm.
Tháng 8 năm 1917, chính phủ Đoàn Kỳ Thụy được Nhật xui giục tuyên chiến với Đức, đồng thời Trung Quốc cũng bí mật bồi thường khoản tiền lớn cho Nhật. Nhân cơ hội này, Nhật Bản đề xuất “Hiệp định giải quyết Sơn Đông” độc chiếm Sơn Đông, coi đó là một khoản bồi thường. Đoàn Kỳ Thụy cử Trương Tông Tường cùng Công sứ Nhật Bản ký kết. Trương Tông Tường cũng là một người thân Nhật, được sự vỗ về của người Nhật, ngày hôm đó đã viết vào bản Hiệp định bốn chữ “hân nhiên đồng ý”.
Tháng 1 năm 1919, khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa mới kết thúc, Anh, Mỹ, Pháp, Nhật cùng 27 nước chiến thắng tới khai mạc cuộc Hội nghị ký kết hòa ước với các nước chiến bại. Trung Quốc trở thành nước chiến thắng cũng cử đại biểu tới dự, muốn đề xuất việc thu hồi tất cả đặc quyền của Đức ở Sơn Đông.
Nhưng các nước đế quốc hùng mạnh không thèm đếm xỉa  gì tới quyền lợi của Trung Quốc, ngược lại còn quyết định đem tất cả mọi quyền lợi của nước Đức ở Sơn Đông giao cho Nhật Bản tiếp tục sở hữu. Với Điều ước bán nước nhục nhã này, chính phủ quân phiệt Bắc Dương đã bí mật ra lệnh cho đại biểu Trung Quốc sẵn sàng ký kết.
Tin này truyền về trong nước khiến cả nước chấn động, nó thức tỉnh giới thanh niên trí thức và lập tức  nổi lên làn sóng phản đối.
Tối ngày 3 tháng 5, đại biểu các trường ở Bắc Kinh họp ở Đại học Bắc Kinh (lúc ấy ở Sa Than Hồng lầu) để bàn bạc, chuẩn bị tới ngày 7 tháng 5 sẽ cử hành ngày kỷ niệm Quốc sỉ (ngày 7 tháng 5 năm 1915 là ngày Nhật Bản đưa ra Thông điệp cuối cùng “hai mươi mốt điều”). Tin từ Pa-ri truyền về báo đại biểu Trung Quốc chuẩn bị ký kết Hiệp định khiến giới học sinh phẫn nộ. Tất cả quyết định trước đó ba ngày, kể từ ngày Chủ nhật 4 tháng 5 sẽ tới Thiên An Môn tuần hành phản đối.
Ngày 4 tháng 5 là ngày Chủ nhật. Hơn hai giờ chiều, hơn ba nghìn học sinh của Đại học Bắc Kinh, Cao đẳng Sư phạm và hơn mười trường học khác tập trung ở Thiên An Môn. Học sinh giương cao khẩu hiệu “Quyết tử để lấy lại Thanh Đảo”, “Trừng phạt những kẻ bán nước Tào, Chương, Lục” (chỉ Tào Nhữ Lâm, Chương Tông Tường, Lục Tông Hưng. Lục là người đã cùng Công sứ Nhật Bản ký “hai mươi mốt điều”). Có người diễn thuyết, có người hô khẩu hiệu, có người rải truyền đơn, truyền đơn viết: “Lãnh thổ của Trung Quốc có thể chinh phục chứ không thể chia cắt. Nhân dân Trung Quốc có thể bị giết chứ không thể cúi đầu!” Kêu gọi đồng bảo toàn quốc đứng lên đấu tranh “Ngoại tranh chủ quyền, nội trừ quốc tặc”. Rồi cùng hô: “Trung Quốc tồn vong do chúng ta!”, “Đồng bào, hãy đứng lên!”.
Hành động của học sinh lôi kéo được rất nhiều người qua đường, làm kinh động các giới đồng bào ở Thủ đô. Chính phủ Bắc Dương cho quân cảnh tới “khuyến cáo” “cảnh cáo”, không cho phép tuần hành nhưng tất cả học sinh vẫn giữ nguyên vị trí.
2 giờ 45 phút, đoàn tuần hành tiến về phía nam, tới Đông giao dân cảng,  dự định tới sứ quán các nước đưa kiến nghị, hy vọng các quốc gia phương Tây biết “tôn trọng chính nghĩa”, không ngờ bị tuần bổ ngoại quốc ngăn cản. Quần chúng nổi giận, quyết định tới hỏi tội những kẻ bán nước.  Đoàn tuần hành ào ào xông tới, qua Vương Phủ Tỉnh, Đông Đơn rồi tiến thẳng tới Đông thành Triệu gia lầu, nơi ở của Tào Nhữ Lâm.
Cánh cửa lớn sơn đen nhà Tào Nhữ Lâm đóng chặt, học sinh tuần hành phẫn nộ vì bất lực, một số học sinh nam dũng cảm trèo qua cửa sổ vào trong phá cửa lớn rồi tất cả cùng ào vào. Tào Nhữ Lâm thấy tình thế bất lợi phải trốn chạy qua cửa  sau.
Thật là bất ngờ, Chương Tông Tường đang tới thăm nhà họ Tào, học sinh phát hiện được bèn xông tới phòng khách cho ông ta một trận, sau đó lại phóng hỏa đốt nhà họ Triệu. Quân cảnh vẫn bám theo đội ngũ tuần hành như cái đuôi, thấy nhà cháy bèn bắt hơn ba chục học sinh và dân thường.
Cuộc vận động yêu nước của học sinh ở Bắc Kinh nhanh chóng lan ra toàn quốc. Học sinh ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Thiên Tân, Tây An, Tế Nam và nhiều nơi khác cũng đua nhau bãi khóa tuần hành. Tới ngày 3 tháng 6, công nhân ở Thượng Hải cũng bãi công, nhà buôn thì bãi thị, các nơi đua nhau hưởng ứng. Tất cả trở thành một cuộc phản đối đại quy mô lan ra toàn quốc, khí thế ngất trời không thể dập tắt.
Thượng tuần tháng 6, đại biểu học sinh các tỉnh tới khai hội ở Hồng lầu, Đại học Bắc Kinh, quyết định tới Phủ Tổng thống đưa bản thỉnh nguyện.
Buổi sáng hôm ấy, hơn hai vạn học sinh trung, đại học đã tập trung trước Tân Hoa Môn, hô vang khẩu hiệu, yêu cầu Tổng thống đương thời Từ Thế Xương (2) tiếp kiến.
Từ Thế Xương vốn thuộc dõng dõi nhà Thanh, cổ hủ chậm chạp, thấy tình thế như vậy không dám ra mặt, vội sai Tổng giám cảnh sát trả lời:
  • Tổng thống không có nhà, xin cứ để thỉnh nguyện thư lại rồi trở về nghỉ ngơi!
Học sinh tuần hành không tin, hô lớn “Không gặp Tổng thống quyết không về trường!” suốt cho đến tối mịt. Người càng ngày càng đông, một số công nhân bỏ tiền mua bánh nướng, nước trà cho học sinh ăn uống.
Từ Thế Xương không biết làm thế nào, đành chấp nhận tiếp 10 đại biểu. Sau đó, Đại học Bắc Kinh cử Đoàn Tích Bằng, trường trung học Thành Đức Tây An cử Khuất Vũ, …cùng một số người khác làm đại biểu đi vào Trung Nam Hải, tới điện Cần Chánh gặp Từ Thế Xương.
Đại biểu Đại học Bắc Kinh ban đầu ôn hòa yêu cầu cự tuyệt ký vào Hiệp định ở Pa-ri, yêu cầu trừng phạt những kẻ bán nước, yêu cầu thả các học sinh cùng những người bị bắt. Từ Thế Xương ra vẻ cao ngạo, dạy dỗ:
  • Các anh còn là học sinh tuổi trẻ, chưa hiểu việc. Trung Quốc giờ yếu nhược lắm, không thể làm như thế được. Tụ tập như thế này thật không tốt, các anh cứ yên phận đọc sách, học hành, mọi việc quốc gia sẽ có chính phủ lo liệu!
Những lời của Từ Thế Xương không làm những học sinh vừa lòng, họ đua nhau phát biểu, tranh luận. Từ Thế Xương chỉ biết lim dim đôi mắt ngồi nghe, không biết làm thế nào. Đại biểu Thiểm Tây là Khuất Vũ bước lên phía trước, nước mắt ràn rụa, lớn tiếng:
  • Bây giờ nước đã mất rồi, chúng ta đã trở thành vong quốc nô. Hôm nay mất Thanh Đảo, ngày mai sẽ mất Sơn Đông, rồi sẽ mất tất cả vùng Hoa Bắc! Chính phủ không tiếp nhận yêu cầu của chúng tôi, chúng tôi nhất định thà chết không về!
Nói xong, anh bước vội,  lao đầu vào bức tường trước mặt, máu chảy lênh láng. Các đại biểu vội đỡ anh dậy, các quan viên có mặt lắc đầu lè lưỡi. Từ Thế Chương vội đứng dậy đi vào phía trong.
Tin máu của Khuất Vũ đã chảy trong phủ Tổng thống lan ra ngoài Tân Hoa Môn, các học sinh phẫn nộ, cùng nhau tới gặp đòi Từ Thế Chương giải thích. Quân cảnh vội có mặt ngăn lại, cuộc tranh chấp giữa hai bên thêm quyết liệt.
Đến hơn 1 giờ đêm, Từ Thế Chương cuối cùng phải cử Tổng trưởng Nội vụ gặp đại biểu học sinh trả lời:
  • Vừa qua, Nội các đã họp khẩn cấp, quyết định tiếp nhận yêu cầu của các anh em, đã điện cho đại biểu ở Pa-ri từ chối ký vào bản Hiệp định, thả các học sinh bị bắt, đồng ý để ba người Tào, Chương, Lục được từ chức.
Được sự ủng hộ của nhân dân cả nước, cuộc đấu tranh của học sinh đã giành được thắng lợi, đây cũng là thắng lợi cuối cùng của vận động Ngũ Tứ . Từ đó, cách mạng Trung Quốc bước vào một thời kỳ lịch sử mới.
Chú thích:
  • “Nhị thập nhất điều” là do Nhật Bản đề xuất với chính phủ Trung Quốc năm 1915, bao gồm 21 điều yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ rs dã tâm xâm lược của Nhật Bản.
  • Từ Thế Xương (1855 – 1939), người Thiên Tân, Trực Lệ. Từ sớm đã giúp và có quan hệ mật thiết với Viên Thế Khải. Từng là Quân cơ đại thần triều Thanh, Tổng đốc ba tỉnh. Năm 1918, ứng cử Đại Tổng thống Dân quốc. Năm 1922 hạ đài.
  • Khuất Vũ (1898 – 1993), người Vị Nam, Thiểm Tây. Năm 1926 gia nhập Quốc dân đảng, làm Chấp ủy. Năm 1941 cùng tổ chức Đồng minh cách mạng dân chủ Trung Quốc. Sau khi nước Trung Quốc mới thnahf lập, làm Phó Chủ tịch Dân cách trung ương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét