XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 20. 15. ĐẠI KHỞI NGHĨA BẠCH LIÊN GIÁO

 Người dịch: Dương Đình Giao
Bạch Liên giáo khởi phát từ cuối triều Nguyên, sau khi lật đổ triều Nguyên, Hoàng đế khai quốc triều Minh là Chu Nguyên Chương vốn là một lãnh tụ của quân Hồng Cân, khi giành được thiên hạ lên làm Hoàng đế, địa vị đã thay đổi bèn hạ lệnh cấm Bạch Liên giáo vì sợ quần chúng tập hợp trong tổ chức bí mật này làm ảnh hưởng đến sự an toàn của triều Minh. Nhưng Bạch Liên giáo vẫn bí mật tồn tại. Qua gần ba trăm năm đến đời Càn Long triều Thanh, khi nhà vua bốn lần tuần du khuếch trương chiến quả, lại nhiều lần dụng binh, khiến đời sống dân chúng bất an. Từ đó, Bạch Liên giáo có điều kiện tiếp tục phát triển.
Nhận được tin báo cáo Bạch Liên giáo hưng khởi trở lại, triều đình vô cùng sợ hãi, lập tức hạ lệnh cho Tổng đốc các nơi bắt các tín đồ Bạch Liên giáo. Quan lại các nơi muốn nhân cơ hội này kiếm chác bèn lấy chiêu thanh trừng Bạch Liên giáo, bắt một số nguời chẳng có liên quan gì, ra sức tra khảo để vơ vét tiền của. Phàm là những ai chịu đưa tiền đều được tuyên bố vô tội rồi thả ngay; không chịu đưa tiền sẽ bị khép tội tống ngục, thậm chí chém đầu. Có nguời đang sống đập đầu vào tường mà chết. Dân chúng không còn đường sống, càng ngày càng nhiều nguời tham gia Bạch Liên giáo.
Quan ở Hồ Bắc bắt nguời nhiều nhất, Bạch Liên giáo ở đó cũng phát triển mạnh nhất . Nguời phát động khởi nghĩa đầu tiên là Tề Lâm, thủ lĩnh của Bạch Liên giáo ở Bạch Thành, huyện Tương Dương. Đáng tiếc, sự việc bị Huyện lệnh ở đây phát giác, quan phủ bèn bắt Tề Lâm, chém đầu đem bêu ở ngoài thành để thị chúng.
Tín đồ Bạch Liên giáo vẫn ngấm ngầm chuẩn bị khởi nghĩa, sự đàn áp không khiến họ khiếp sợ, ngược lại, ngọn lửa càng bùng phát. Vợ của Tề Lâm là Vương Thông Nhi được cử làm thủ lĩnh. Vương Thông Nhi quyết tâm theo chí của chồng để báo thù, cùng quan phủ một phen không đội trời chung.
Tháng 3 năm Gia Khánh (1) nguyên niên (1796), Vương Thông Nhi triệu tập các tín đồ Bạch Liên giáo ở Tương Dương, mở hội ở Hoàng Long Đương. Hơn một vạn nguời mặc áo trắng (y phục của Bạch Liên giáo) la hét vang trời, sau đó cùng uống rượu thề: “hữu họa tương cứu, hữu nan tương tử”. Mọi người cùng nhau lấy kéo cắt tóc, biểu thị quyết tâm sống chết đấu tranh với triều đình.
Vương Thông Nhi đem các tín đồ Bạch Liên giáo bố trí thành năm doanh, cử những nguời giàu có mà đắc lực làm trợ thủ cho mình. Vương Thông Nhi tự xưng là “Tổng giáo sư” chỉ huy toàn bộ đội quân này. Thế là cuộc khởi nghĩa của đại quân Bạch Liên giáo đã nổ ra ở huyện Tương Dương.
Vương Thông Nhi đầu quấn khăn trắng, nguời mặc quần áo trắng, yên ngựa mạ bạc trắng, tay cầm song đao chỉ huy nghĩa quân. Bà võ nghệ siêu quần, lại anh dũng thiện chiến, mỗi lần xung trận đều ở vị trí tiên phong, mặt giáp mặt với kẻ thù. Ban đầu, quân Thanh chưa biết bà là một con người lợi hại, thấy một nguời đàn bà mới ngoài hai mươi tuổi, quan Tổng binh của quân Thanh hung hăng:
– Bắt lấy gian phụ, phải bắt sống lấy nó!
Quân lính nghe lời chủ tướng xông tới bao vây.
Vương Thông Nhi nghe thấy mỉm cười, quất ngựa xông thẳng vào đám quân Thanh. Chỉ thấy Bà đứng trên mình ngựa như lơ lửng giữa trời, hai tay múa hai thanh đao lóe sáng. Máu chảy đầu rơi, quân Thanh rối loạn bỏ chạy. Hai quan Tổng binh của quân Thanh cũng bị giết, máu thịt trộn lẫn, không kêu nổi một tiếng. Thấy tình hình bất lợi, quân Thanh cho rằng Vương Thông Nhi có pháp thuật kỳ lạ đành bỏ chạy.
Về sau, nghĩa quân Tương Dương đánh Hà Nam, vào Thiểm Tây, tiến về Tứ Xuyên, tung hoàng nam bắc, thanh thế ngày càng lớn. Bạch Liên giáo ở các nơi đua nhau nổi dậy hưởng ứng, nơi gọi nghĩa quân Thái Bình, nơi xưng nghĩa quân Đạt Châu, nơi xưng nghĩa quân Đông Hương (Thái Bình tức Vạn Nguyên,  Đạt Châu tức huyện Đạt,  Đông Hương tức Tuyên Hán, đều thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) cùng với nghĩa quân Tương Dương hỗ trợ lẫn nhau, trong đó, nghĩa quân Đạt Châu  ở Lão Doanh Loan đã chiến đấu rất  dũng mãnh lập nhiều chiến công.
Lão Doanh Loan là nới triều Thanh đóng quân để vây hãm quân Bạch Liên giáo, phòng bị rất nghiêm cẩn. Trong doanh có trọng binh đồn trú, bên ngoài có làm hàng rào gỗ, ngoài hàng rào gỗ có chiến hào, phía ngoài hào lại có binh lính phòng vệ, từ trong ra ngoài vô cùng chặt chẽ. Thống sư quân Bạch Liên giáo ở Đạt Châu là Từ Thiên Đức (2) biết lực lượng của triều Thanh hùng hậu, khó có thể đánh thắng, quyết định phải dùng mưu trí. Ban đầu ông chủ động khiêu chiến, sau một thời gian ngắn, làm như không đánh nổi bèn rút lui. Quân Thanh thắng lợi, quả nhiên nảy sinh chủ quan.
Tối hôm ấy, năm nghìn chiến sĩ nghĩa quân tay cầm trường mâu, mặt đều bôi đen hoặc đỏ bao vây quanh doanh trại của quân Thanh.
Sớm ngày hôm sau, sương mù dày đặc. Chỉ nghe tiếng hiệu lệnh, nghĩa quân từ bên ngoài mai phục sẵn nhất loạt bắn những quả cầu lửa đốt cháy doanh trại quân Thanh, sau đó nhanh chóng dùng móc, giật đổ hàng rào bằng gỗ rồi vượt qua hào nước xông thẳng vào trại địch. Quân Thanh đang say giấc chợt tỉnh, còn chưa kịp mặc quần áo đã trở thành tù binh của nghĩa quân.
Từ đó, thanh thế của Bạch Liên giáo vang động toàn quốc, các tỉnh Xuyên, Sở, Thiểm, Cam, Duyện, … đều trở thành căn cứ của Bạch Liên giáo. Chính phủ triều Thanh vô cùng sợ hãi, vội điều binh khiển tướng, đầu tiên là bao vây nghĩa quân ở Đạt Châu hòng tiêu diệt.
Tháng 5 năm Gia Khánh thứ 2, nghĩa quân Đạt Châu bị quân Thanh cùng hương dũng (3) ở địa phương bao vây ở núi Bạch Tú, Tứ Xuyên, tình hình vô cùng nguy cấp. Biết tin này, Vương Thông Nhi lập tức đưa nghĩa quân từ Tương Dương tới cứu viện.
Nghĩa quân từ Tương Dương chia làm ba sắc đỏ, trắng và lam, bộ binh tiến trước, kỵ binh theo sau khẩn trương tới nơi, từ phía sau quân Thanh tiến công. Nghĩa quân Đạt Châu từ trên núi đang bị bao vây thấy được cứu viện, tinh thần hăng hái, la hét vang trời ào xuống tiến công trại địch. Nghĩa quân Thái Bình và nghĩa quân Đông Hương cũng lần lượt tới trợ chiến. Quân Thanh và hương dũng địa phương chống lại không nổi, bỏ chạy tán loạn. Nghĩa quân các nơi thắng lợi, cùng hội quân ở núi Bạch Tú. Trong cuộc hội quân này, họ cùng bàn định, hẹn nhau  có sự liên hệ mật thiết để phối hợp khi cần thiết.
Không lâu sau, quân Thanh điều động lực lượng bao vây nghĩa quân. Vương Thông Nhi và Diêu Chi Phú thấy lực lượng chênh lệch, bàn nhau chưa thể cùng quân Thanh quyết chiến, tạm lui ra bên ngoài, tích trữ lương thực, tập hợp thêm lực lượng. Trong quá trình chuyển quân, họ cũng thấy cần thiết phải chiếm được một tòa thành để làm căn cứ tiến thoái. Năm Gia Khánh thứ 3, Vương Thông Nhi đem quân tiến công Tây An, nhưng do lực lượng quá chênh lệch nên thất bại. Họ phải thay đổi chiến thuật, rút lui về Hồ Bắc để tránh bị quân Thanh truy đuổi.
Một hôm, Vương Thông Nhi cùng Diêu Chi Phú đưa quân rút về Vẫn Tây (nay là tây bắc Hồ Bắc) thì gặp một  vách núi trên ngã ba sông gọi là Diêm Vương Biên. Họ đang chuẩn bị vượt qua vách núi bằng một con đường mòn để tiến vào khu rừng già.
Nhưng quân Thanh và hương dũng địa phương đã kịp thời bao vây. Hai bên cùng quyết tâm lao vào một trận tử chiến. Vương Thông Nhi và Diêu Chi Phú quyết định chiếm lấy đỉnh núi. Họ cùng các tướng sĩ quyết chiến xông vào kẻ địch, hai bên cùng đánh giáp lá cà. Quân Thanh và quân hương dũng vừa đánh vừa bao vây. Quân khởi nghĩa do phải hành quân nhiều ngày liên tiếp, sức lực đã suy yếu, mấy lần xung phong đều không phá được vòng vây.
Nhưng họ vẫn ngoan cường chiến đấu, đạn dược và tên hết, họ dùng đá làm vũ khí, từ trên núi lăn, ném vào quân Thanh. Khi quân Thanh và quân Hương dũng xông lên, Vương Thông Nhi không còn đường lui, nhìn thẳng vào kẻ địch rồi gieo mình từ trên vách núi. Diêu Chi Phú cùng các nghĩa quân cũng làm theo. Họ quyết giữ tinh thần thà chết không chịu khuất phục khiến quân Thanh hết lòng cảm phục.
Sau khi Vương Thông Nhi cùng mọi người hy sinh, cuộc chiến đấu của quân khởi nghĩa vẫn chưa dừng lại. những nguời còn sống tiếp tục chiêu binh mãi mã, sau đó không lâu lại phát triển đội ngũ lên tới hơn hai mươi vạn nguời. Triều Thanh đã huy động lực lượng tôi đa trong suốt mười năm, mãi tới năm Gia Khánh thứ 10 (1805) mới đàn áp được các nghĩa quân của Bạch Liên giáo. Nhưng triều Thanh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sự thịnh trị của triều Thanh mãi mãi sẽ không thể trở lại.
Chú thích:
  • Gia Khánh (1760 – 1820), ở ngôi 1796 – 1820, con của Cao Tông.
  • Từ Thiên Đức ( ? – 1801) nguời Đạt Châu, Tứ Xuyên.
  • Hương dũng: cũng gọi hương đinh lực lượng vũ trang địa phương do quan phủ hoặc địa chủ tổ chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét