XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Sử ký, Quyển 36 — Trần, Kỷ thế gia

Trần Hồ Công Mãn, là con cháu của Đế Thuấn nhà Ngu. Ngày xưa khi Thuấn còn là dân thường, được Nghiêu đem hai con gái gả cho làm vợ, sinh sống ở Quy nhuế, con cháu dùng tên nơi ấy làm họ, đặt ra dòng họ Quy. Thuấn mất, truyền thiên hạ cho Vũ, còn con trai của Thuấn là Thương Quân được phong là vua một nước chư hầu. Vào đời Hạ Hậu, phong quốc nhà Ngu khi còn khi mất. Đến khi Châu Võ Vương diệt Ân Trụ, bèn cho tìm con cháu ĐếThuấn, ra Quy Mãn, mới phong cho ở đất Trần, nhằm lo việc tế tự Đế Thuấn, tức Hồ Công.
Hồ Công chết, con là Thân Công Tê Hầu lên ngôi. Thân Công chết, em là Tương Công Cao Dương lên ngôi. Tương Công chết, con của Thân Công là Đột lên ngôi, tức Hiếu Công. Hiếu Công chết, con là Thận Công Ngữ Nhung lên ngôi. Thận Công nhằm vào đời Châu Lệ Vương. Thận Công chết, con là U Công Ninh lên ngôi.
Công năm thứ 12, Châu Lệ Vương chạy đến đất Trệ.
Năm thứ 23, U Công chết, con là Hi Công Hiếu lên ngôi. Hi Công năm thứ 6, Châu Tuyên Vương tức vị. Năm thứ 36, Hi Công chết, con là Võ Công Linh lên ngôi. Võ Công năm thứ 15, chết, con là Di Công Thuyết lên ngôi. Năm ấy, Châu U Vương tức vị. Di Công năm thứ 3, chết, em là Bình Công Tiệp lên ngôi. Bình Công năm thứ 7, Châu U Vương bị Khuyển nhung sát hại, nhà Châu dời đô sang đông. Tần bắt đầu đứng vào hàng chư hầu.
Năm thứ 23, Bình Công chết, con là Văn Công Ngữ lên ngôi.
Văn Công năm thứ nhất, cưới con gái nước Thái, sinh ra con là Đà. Năm thứ 10, Văn Côngchết, con trưởng là Hoàn Công Bảo lên ngôi.
Hoàn Công năm thứ 23, Lỗ Ẩn Công lên ngôi. Năm thứ 26, Vệ giết vua là Châu Hu. Năm thứ 33, Lỗ giết vua là Ẩn Công.
Năm thứ 38, tháng giêng, ngày giáp tuất và kỷ sửu, Trần Hoàn Công Bảo chết. Hoàn Công có em trai là Đà, vì mẹ Đà là con gái nước Thái, nên Thái giết Ngũ Phụ cùng Thái tử Miễn để đưa Đà lên ngôi, tức Lệ Công. Hoàn Công đang mang bệnh thì loạn xảy ra, quốc nhân tản mác, nên cáo phó đến hai lần.
Lệ Công năm thứ 2, sinh ra con trai là Kính Trọng Hoàn. Quan Thái sử nhà Châu đi ngang Trần, Trần Lệ Công nhờ dùng Châu dịch bói hậu vận đứa bé, được quẻ quán chi bĩ, giải nghĩa rằng: “Tức hào quang chói nước, tốt ở nơi làm khách nhà vương. Người này sẽ thay Trần làm vua chăng? Không ở Trần, mà ở nước khác chăng? Không phải bản thân, mà đời con cháu chăng? Nếu ở nước khác, hẳn là họ Khương. Họ Khương là con cháu Thái nhạc. Không gì đồng thời cực thịnh, hay chỉ khi nước Trần suy, người này mới phát đạt chăng?”
Lệ Công cưới con gái nước Thái; con gái nước Thái có hành vi bừa bãi với  người Thái, còn Lệ Công cũng nhiều lần đến Thái làm chuyện dâm đãng. Năm thứ 7, Thái tử Miễn vốn vì Lệ Công mà chết còn 3 người em, lớn là Dược, thứ là Lâm, út là Xử Cữu, họ cùng nhau xúi Thái dùng mỹ nữ dụ Lệ Công, rồi hợp với Thái giết Lệ CôngDược được tôn lên ngôi, tức Lợi Công. Lợi Công là con của Hoàn Công. Lợi Công ở ngôi được 5 tháng, chết; em kế là Lâm kế vị, tức Trang Công. Trang Công năm thứ 7, chết, em út là Xử Cữu kế vị, tức Tuyên Công.
Tuyên Công năm thứ 3, Sở Võ Vương chết, Sở bắt đầu cường thịnh. Năm thứ 17, Châu Huệ Vương cưới con gái nước Trần làm Vương hậu.
Năm thứ 21, Tuyên Công về sau có người thiếp rất được yêu chiều, sinh con trai là Khoản; vì muốn Khoản kế vị, bèn giết con trưởng là Thái tử Ngự Khấu. Ngự Khấu vốn thân với Công tửHoàn, Hoàn sợ họa đến thân, chạy trốn sang Tề. Tề Hoàn Công muốn dùng Hoàn làm Khanh, Hoàn nói: “Thần là bề tôi cơ lữ, được trú náu dưới hiên là đã may mắn lắm; đã nhờ ân huệ nhà vua, chẳng dám đương cao vị.” Hoàn Công sai Hoàn làm Công chính. Ý Trọng nước Tề muốn gả con gái làm vợ Trần Kính Trọng, xem bói, quẻ giải: “Chính là phượng hoàng cùng lượn, hợp nhau véo von. Con cháu Hữu quy được họ Khương dưỡng dục. Năm đời phát đạt, một hàng với Chính khanh. Đến tám đời sau, quý chẳng ai sánh.”
Năm thứ 37, Tề Hoàn Công đánh Thái, Thái thua; Tề xuống phía nam xâm Sở, tiến đến Thiệu lăng, Hoàn Công đi ngang Trần. Đại phu nước Trần là Viên Đào Đồ không muốn quân Tề kéo qua Trần, lừa khiến Tề hành quân ra lối Đông đạo. Đường Đông đạo hiểm trở, Hoàn Công tức giận, bắt trói Viên Đào Đồ. Năm ấy, Tấn Hiến Công giết con là Thái tử Thân Sinh.
Năm thứ 45, Tuyên Công chết, con là Khoản lên ngôi, tức Mục Công. Mục Công năm thứ 5, Tề Hoàn Công chét. Năm thứ 16, Tấn Văn Công đánh bại quân Sở ở Thành bộc. Năm ấy, Mục Công chết, con là Cung Công Sóc lên ngôi. Cung Công năm thứ 6, Thái tử Thương Thần nước Sở giết cha là Thành Vương tự lên thay, tức Mục Vương. Năm thứ 11, Tần Mục Công chết. Năm thứ 18, Cung Công chết, con là Linh Công Bình Quốc lên ngôi.
Linh Công năm thứ nhất, Sở Trang Vương tức vị. Năm thứ 6, Sở đánh Trần. Năm thứ 10, Trần giảng hòa với Sở.
Năm thứ 14, Linh Công cùng các Đại phu Khổng Ninh và Nghi Hành Phụ đều tư thông với Hạ Cơ[1], mặc cả áo lót của Hạ Cơ đùa cợt nơi triều đường. Tiết Dã can rằng: “Vua tôi mà dâm loạn, dân há rồi chẳng học theo ư?” Linh Công nói lại với hai Đại phu, hai người xin giết Tiết Dã, Linh Công chẳng ngăn, thế là Tiết Dã bị giết. Năm thứ 15, Linh Công cùng hai Đại phu yến ẩm ở nhà Hạ thị. Linh Công đùa với hai người rằng: “Trưng Thư là con nhà ngươi.” Hai người nói: “Cũng là con của ngài.” Trưng Thư nổi giận. Linh Công tan tiệc ra về, Trưng Thư phục kích nơi cổng chuồng ngựa, bắn nỏ giết chết Linh Công. Khổng Ninh và Nghi Hành Phụ đều trốn sang Sở, Thái tử Ngọ của Linh Công trốn sang Tấn. Trưng Thư tự lập làm Trần Hầu. Trưng Thư vốn là Đại phu nước Trần. Hạ Cơ, vợ Ngự Thúc, là mẹ Trưng Thư.
Thành Công nguyên niên, mùa đông, Sở Trang Vương nhân cớ Hạ Trưng Thư giết Linh Công, dẫn chư hầu đánh Trần. Báo với Trần rằng: “Chớ kinh động, ta đến chỉ diệt Trưng Thư mà thôi.” Sau khi giết Trưng Thư, mượn dịp đặt Trần làm nước phụ dung[2] hòng chiếm hữu. Quần thần ai cũng chúc mừng, riêng Thân Thúc vừa đi sứ sang Tề quay về thì không. Trang Vương hỏi nguyên cớ, đáp: “Ngạn ngôn có chuyện rằng, có người dắt bò đi ngang ruộng người khác, bị chủ ruộng đoạt lấy bò. Băng ruộng tuy là tội, nhưng đoạt bò người ta chẳng còn quá hơn ư? Nay nhà vua vì Trưng Thư làm nghịch tặc giết vua, trưng binh chư hầu tòng nghĩa đánh dẹp, trong chốc lát đã muốn đoạt đất thủ lợi cho mình, thì sau này sẽ lấy gì hiệu lệnh thiên hạ? Nên không chúc mừng.” Trang Vương nói: “Phải.” Bèn cho đón con trai của Trần Linh Công là Thái tử Ngọ từ Tấn về nước tôn lên ngôi, tái lập vua cho Trần như trước, tức Thành Công. Khổng Tử xem sử chép đến đoạn Sở khôi phục Trần, nói: “Hiền thay Sở Trang Vương! Vứt một nước thiên thừa vì trọng một lời nói.”
Năm thứ 28, Sở Trang Vương chết. Năm thứ 29, Trần bội thề với Sở. Năm thứ 30, Sở Cung Vương đánh Trần. Năm ấy, Thành Công chết, con là Ai Công Nhược lên ngôi. Sở vì Trần có tang, bãi binh rút lui.
Ai Công năm thứ 3, Sở vây đánh quốc đô Trần, nhưng rồi lại tha. Năm thứ 28, Công tử Vi nước Sở giết vua là Giáp Ngao tự lập làm Sở Linh Vương.
Năm thứ 34; trước đấy, Ai Công cưới con gái nước Trịnh, bà Trưởng Cơ sinh Điệu Thái tử Sư, Thiếu Cơ sinh Yển. Lại còn hai người thiếp được yêu chuộng, lớn sinh Lưu, nhỏ sinh Thắng. Lưu được Ai Công thương yêu, đem phó thác với em mình là Tư đồ Chiêu. Ai Công mang bệnh suốt 3 tháng, Chiêu giết Điệu Thái tử và lập Lưu làm Thái tử. Ai Công nổi giận, muốn giết Chiêu, Chiêu khởi binh vây Ai Công, Ai Công thắt cổ tự tử. Chiêu rốt cuộc lập Lưu làm vua Trần. Tháng 4, Trần cho sứ giả đến Sở cáo phó. Sở Linh Vương được tin Trần có loạn, bèn giết sứ giả của Trần; và sai Công tử Khí Tật khởi quân đánh Trần. Trần Quân Lưu chạy sang Trịnh. Tháng 9, Sở vây quốc đô nước Trần. Tháng 11, Sở diệt Trần, cho Công tử Khí Tật làm Trần Công.
Khi Chiêu giết Điệu Thái tử, con trai của Thái tử là Ngô trốn sang Tấn. Tấn Bình Công hỏi Thái sử Triệu rằng: “Trần rồi sẽ mất chăng?” Đáp: “Trần dòng Chuyên Húc. Họ Trần phải nắm quyền bính ở Tề rồi Trần mới mất. Từ đời Mạc đến đời Cổ Tẩu, chẳng ai hại được mệnh trời trao. Thuấn lại bồi thêm công đức, nên cho đến đời Toại, đời nào cũng giữ được ân phúc. Đến đời Hồ Công, được Châu ban tính, hòng tế tự vua Ngu. Hơn nữa, con cháu những nhà nhiều đức, hẳn còn được tế tự trăm đời; thế tộc Ngu chưa dứt, chẳng vẫn còn ở Tề đấy ư?”
Sở Linh Vương diệt Trần được 5 năm, Công tử Khí Tật giết Linh Vương tự lên thay, tức Bình Vương. Bình Vương khi mới lên ngôi, muốn hòa thân với chư hầu, bèn cho tìm con trai của Điệu Thái tử là Ngô lập làm vua Trần, tức Huệ Công. Huệ Công lên ngôi, lấy năm Ai Công chết làm nguyên niên, nên năm tức vị là năm thứ 5.
Năm thứ 7, Trần bị hỏa tai. Năm thứ 15, Ngô Vương Liêu phái Công tử Quang đánh Trần, chiếm Hồ và Thẩm rồi rút về. Năm thứ 28, Ngô Vương Hạp Lư cùng Tử Tư đánh bại Sở và chiếm đóng Dĩnh. Năm ấy, Huệ Công chết, con là Hoài Công Liễu lên ngôi.
Hoài Công năm thứ nhất, Ngô phá Sở, vua Ngô đóng ở Dĩnh, cho mời Trần Hầu. Vua Trần muốn đến, Đại phu nói: “Ngô chỉ mới được đắc ý đây; Sở Vương tuy đang chạy trốn, nhưng nhiều ân tình cũ với Trần, chẳng thể phản bội.” Hoài Công bèn cáo bệnh thoái từ Ngô. Năm thứ 4, Ngô lại cho mời Hoài Công. Hoài Công sợ, đến Ngô. Ngô giận vì trước đây không đến, giữ lại, và rồi chết ở Ngô. Trần bèn lập con của Hoài Công là Việt, tức Mẫn Công.
Mẫn Công năm thứ 6, Khổng Tử đến Trần. Ngô Vương Phù Sai đánh Trần, chiếm 3 ấp rồi đi. Năm thứ 13, Ngô lại đến đánh Trần, Trần cấp báo với Sở, Sở Chiêu Vương đến cứu, đóng quân ở Thành phụ, quân Ngô rút lui. Cũng năm ấy, Sở Chiêu Vương chết ở Thành phụ. Lúc ấy Khổng Tử còn ở Trần. Năm thứ 15, Tống diệt Tào. Năm thứ 16, Ngô Vương Phù Sai đánh Tề, thắng Tề ở Ngải lăng, sai người đến triệu Trần Hầu. Vua Trần sợ, đến Ngô. Sở đánh Trần. Năm thứ 21, Điền Thường nước Tề giết vua là Tề Giản Công. Năm thứ 23, Bạch Công Thắng nước Sở giết Lệnh doãn Tử Tây, Tử Kỳ, đánh úp Huệ Vương. Diệp Công đánh bại Bạch Công, Bạch Công tự sát.
Năm thứ 24, Sở Huệ Vương phục quốc, rồi đem quân bắc phạt, giết Trần Mẫn Công, thế rồi diệt Trần đoạt nước. Năm ấy, Khổng Tử chết.
Kỷ Đông Lâu Công, là dòng dõi con cháu vua Vũ nhà Hạ Hậu. Vào đời Ân, con cháu nhà Hạ có lúc được phong, có lúc tuyệt. Châu Võ Vương diệt Ân Trụ, cho truy tìm con cháu của Vũ, tìm ra Đông Lâu Công, phong cho ở đất Kỷ nhằm lo việc thờ tự nhà Hạ Hậu.
Đông Lâu Công sinh ra Tây Lâu Công, Tây Lâu Công sinh ra Đề Công, Đề Công sinh ra Mưu Thú Công. Mưu Thú Công nhằm vào đời Châu Lệ Vương. Mưu Thú Công sinh ra Võ Công, Võ Công ở ngôi 47 năm thì chết, con là Tĩnh Công lên ngôi. Tĩnh Công năm thứ 23, chết, con là Cung Công lên ngôi. Cung Công năm thứ 8, chết, con là Đức Công lên ngôi. Đức Công năm thứ 18, chết, em là Hoàn Công Cô Dung lên ngôi. Hoàn Công năm thứ 17, chết, con là Hiếu Công Cái lên ngôi. Hiếu Công năm thứ 17, chết, em là Văn Công Ích Cô lên ngôi. Văn Côngnăm thứ 14, chết, em là Bình Công Úc lên ngôi. Bình Công năm thứ 18, chết, con là Điệu Công Thành lên ngôi. Điệu Công năm thứ 12, chết, con là Ẩn Công Khất lên ngôi. Tháng 7, em của Ẩn Công là Toại giết Ẩn Công tự lên thay, tức Hi Công.  Hi Công năm thứ 19, chết, con là Mẫn Công Duy lên ngôi. Mẫn Công năm thứ 15, Sở Huệ Vương diệt Trần. Năm thứ 16, em của Mẫn Công là Át Lộ giết Mẫn Công tự lên thay, tức Ai Công. Ai Công ở ngôi 10 năm thì chết, con của Mẫn Công là Sóc lên ngôi, tức Xuất Công. Xuất Công năm thứ 12, chết, con là Giản Công Xuân lên ngôi. Lên ngôi được một năm, nhằm vào năm Sở Huệ Vương thứ 44, Sở diệt Kỷ. Kỷ mất sau Trần 34 năm.
Kỷ là nước nhỏ yếu, sự việc không đáng tường thuật.
Con cháu của Thuấn, được Châu Võ Vương phong ở Trần, đến đời Sở Huệ Vương bị diệt, có Thế gia kể lại. Con cháu của Vũ, được Châu Võ Vương phong ở Kỷ, cũng bị Sở Huệ Vương diệt, có Thế gia kể lại. Con cháu của Tiết là nhà Ân, Ân có Bản kỷ kể lại. Ân bị diệt, Châu phong con cháu Ân ở Tống, bị Tề Mẫn Vương diệt, có Thế gia kể lại. Con cháu của Hậu Tắc là nhà Châu, bị Tần Chiêu Vương diệt, có Bản kỷ kể lại. Con cháu của Cao Đào, có người được phong ở Anh và Lục, bị Sở Mục Vương diệt, không còn phả hệ. Con cháu của Bá Di, đến đời Châu Võ Vươngđược phong ở Tề, gọi là Thái Công Vọng, bị họ Trần diệt, có Thế gia kể lại. Con cháu của Bá Ế, đến đời Châu Bình Vương được phong ở Tần, bị Hạng Vũ diệt, có Bản kỷ kể lại. Còn Thùy, Ích, Quỳ, Long, con cháu chẳng rõ được phong ở đâu, không tìm ra. Mười một người này đều bề tôi tiếng tăm gây nhiều công đức vào thời Đường truyền cho Ngu; con cháu 5 trong số đó về sau đều làm đến Đế vương, số còn lại hiển danh làm chư hầu. Đằng, Tiết, Sô được phong vào các đời Hạ, Ân, Châu, nước nhỏ, không đủ quan trọng, nên không luận đến.
Vào đời Châu Võ Vương, tước hầu tước bá có trên ngàn người. Từ đời U Vương, Lệ Vương về sau, chư hầu xâm đoạt, thôn tính lẫn nhau. Các nước loại như Giang, Hoàng, Hồ, Trầm quá nhiều để tính, nên cũng không được tìm hiểu để thuật vào truyện trên.
Thái sử công nói: Đức của Thuấn đáng gọi là tuyệt cùng! Nhường ngôi cho Hạ, mà con cháu tiếp tục cúng tế, xuyên suốt Tam Đại. Đến khi Sở diệt Trần, thì Điền Thường lại nắm được quyền chính ở Tề, cuối cùng lập nước, trăm đời không tuyệt, con cháu sinh sôi thêm, chẳng khi nào không có đất đai. Còn con cháu Vũ được Châu phong ở Kỷ, nhỏ bé quá, chẳng đáng kể đến. Sở Huệ Vương diệt Kỷ, con cháu khác là Việt Vương Câu Tiễn mới nổi lên.
[1] Sử ký Chính nghĩa: Hạ Cơ là con gái của Trịnh Mục Công, vợ Trần Đại phu Ngự Thúc.
[2] Nguyên văn “huyền Trần”, hiểu cho đơn giản là đặt Trần làm một huyện. Nhưng thời điểm trong lịch sử chưa có quận huyện, nên “huyền Trần” hiểu là biến Trần thành vùng đất lệ thuộc vào mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét