XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 21. 10. TRƯƠNG HỌC LƯƠNG “ĐỔI CỜ” Ở ĐÔNG BẮC

Người dịch: Dương Đình Giao
Sáng sớm ngày 4 tháng 6 năm 1928, trên con đường sắt Bắc Kinh – Phụng Thiên, một chuyến xe hỏa đang chạy về thành Phụng Thiên (nay là Liêu Ninh, Thẩm Dương), lúc 5 giờ 30 phút, trong khi đoàn tàu đang trên đường tới gần ga Hoàng Cô, đột nhiên vang lên một tiếng nổ long trời, chỉ thấy cát đá tứ tung, máu thịt khắp nơi, những toa xe đẹp đẽ bị tan thành nhiều mảnh. Người bị trúng thương trên xe hỏa không phải ai khác, đó là Trương Tác Lâm người đang xưng “Đông bắc vương” ở vùng Đông Bắc. Tạo nên cuộc khủng bố này chính là những người Nhật Bản đã nhiều năm từng  làm hậu thuẫn cho ông.
Trương Tác Lâm tự Vũ Đình, người huyện Hải Thành tỉnh Liêu Ninh. Vốn gia đình ông thuộc họ Lý, nhưng vì làm con nuôi nhà họ Trương nên mang họ Trương. Trương Tác Lâm sinh năm 1875, khi còn nhỏ, đã xưng với chúng bạn là “Đại vương”, ra lệnh, sai khiến, không coi ai ra gì. Ai không nể phục là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, trẻ con hàng xóm đều sợ hãi. Một thời, ông đã bị coi là kẻ vô lại. Cha của ông lại là người nghiện cờ bạc, tài sản trong nhà đều đội nón ra đi. Cho nên, có thời kỳ, ông đã phải đi chăn lợn để giúp đỡ gia đình. Không chỉ không ham học, Trương Tác Lâm còn tỏ ra ghen ghét những người đi học, thường ngăn đường đánh chửi, cản trở họ tới trường.
Từ sớm Trương Tác Lâm đã đi lính, đã từng làm thú y, có thời gian đã làm thổ phỉ. Về sau, được triều đình chiêu mộ, được cử làm Thống lĩnh Phòng doanh tiền lộ tỉnh Phụng Thiên. Hồi cách mạng Tân Hợi, Trương Tác Lâm nhân cơ hội giành được đại quyền cảnh bị ở Liêu Ninh, ít lâu sau, ông một lần nữa lại thay đổi, trở thành người ủng hộ cho Viên Thế Khải, năm 1916, được phong Tỉnh trưởng kiêm Đốc quân tỉnh Phụng Thiên. Với địa vị ngày càng cao, Trương Tác Lâm càng cảm thấy lực lượng của mình là bất khả chiến bại trong các lực lượng quân phiệt lúc bấy giờ, chỉ có Nhật Bản là thế lực ông phải kiêng dè.
Đầu năm 1905, Trương Tác Lâm khi làm  Quản doanh kỵ binh cho triều đình nhà Thanh đã cấu kết cùng Nhật Bản. Với quân đội Nhật Bản, ông được cảm tình, gián điệp Nhật Bản  thường ẩn náu trong nhà ông. Cứ như thế, người Nhật đã giúp ông giành được chức Tuần duyệt sứ Tam tỉnh, cho nên ông mới xưng là Đông bắc vương.
Được sự trợ giúp của người Nhật, thực lực của Trương Tác Lâm ngày một tăng, dã tâm bành trướng cũng từ đó mà nảy sinh. Trong cuộc chiến tranh với Hoản hệ năm 1920 và cuộc chiến tranh với Trực Phụng hai lần vào các  năm 1922, 1924, ông  đã chiếm được  một vùng đất của chính quyền Bắc Kinh.
Năm 1927, việc tiến quân thắng lợi trong chiến tranh Bắc phạt khiến sự thống trị của quân phiệt Bắc Dương bị đe dọa nghiêm trọng, quân Anh Mỹ chuyển sang ủng hộ Tưởng Giới Thạch với ý đồ giúp Tưởng Giới Thạch “thống nhất Trung Quốc”. Điều này khiến người Nhật Bản cảm thấy bất an.
Trương Tác Lâm khi ấy nắm được chính quyền Bắc Kinh, cảm thấy muốn  duy trì sự thống trị của mình, chỉ dựa vào Nhật Bản còn chưa đủ nên muốn quay sang Anh Mỹ. Vì thế giữa Trương Tác Lâm và người Nhật Bản nảy sinh những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 1925, Trương Tác Lâm trước sự công kích của liên quân Tưởng Phùng như kiến trên chảo nóng, quân Nhật Bản cũng gây sức ép, vừa buộc Trương Tác Lâm ký Điều ước Trương – Nhật”, vừa buộc ông ta trở về Đông Bắc, vì ở Đông Bắc, thế lực của Nhật Bản rất mạnh. Nhưng để buộc Trương Tác Lâm đâu có dễ. Trương Tác Lâm còn lưu luyến với đại quyền ở Bắc Kinh, nhất định không chịu.
Ngày 27 tháng 5, Trương Tác Lâm đang ngồi đánh bài, Công sứ Nhật Bản đột nhiên tới thăm, khuyên ông trở về Đông Bắc. Tỏ ra rất không vui, cho mình đã đủ lông đủ cánh, cuối cùng, Trương Tác Lâm cự tuyệt yêu cầu của Công sứ Nhật Bản.
Công sứ Nhật Bản tức giận, với vị thế ông chủ, lên giọng hỏi Trương Tác Lâm:
  • Ông có đánh quân Bắc phạt không?
  • Chẳng qua là đánh không được, tôi sẽ lui về Quan ngoại (vùng Đông Bắc) cũng chưa muộn! Trương Tác Lâm giọng ồm ồm trả lời.
  • Liệu rồi ông có thể về được không? Công sứ Nhật Bản cười, hỏi.
Nghe những lời nhạo báng như thế, Trương  Tác Lâm đáp ngay:
  • Đừng đùa! Quan ngoại là nhà của tôi, muốn về lúc nào thì về, có gì mà không được?
Công sứ Nhật Bản chưa hết giận, cuối cùng, dùng cách mà người Nhật quen dùng:
  • Lính của Trương Tông Xương ở Tế Nam đã giết chết mấy chục kiều dân, hắn là tay chân của ông, ông phải chịu trách nhiệm!
Trương Tác Lâm nghe xong, nổi giận đùng đùng, đứng phắt lên khỏi ghế,  ném cái tẩu thuốc gãy làm hai, nói:
  • Việc này không báo cáo, không điều tra, làm sao nói tôi chịu trách nhiệm. Thật là vô lý!
Nói xong, bỏ mặc Công sứ Nhật Bản, bước ra khỏi phòng khách. Đây chính là nguyên cớ khiến người Nhật quyết tâm trừ bỏ Trương Tác Lâm.
Sau khi tiến sát quân Bắc phạt, Trương Tác Lâm cũng không thể không có có sự chuẩn bị trở về Đông Bắc. Hành động của Trương Tác Lâm hết sức bí mật, nhưng ông ta vô cùng mê tín, gặp việc lớn đều nhờ đến chuyện bói toán. Lần này trước khi trở về Đông Bắc cũng vậy, Trương Tác Lâm tìm đến Trương Bán Tiên, một thầy tướng vốn được ông ta tin cậy để chọn ngày tốt. Trương Bán Tiên nói giờ tốt để khởi hành là 7 giờ. Không cần suy nghĩ, Trương Tác Lâm quyết định 7 giờ ngày 3 tháng 6 năm 1928 sẽ lên dời Bắc Kinh lên đường.
Vào lúc ấy, người Nhật Bản cũng đang tích cực chuẩn bị để tiêu diệt Trương Tác Lâm. Họ đã định ra hai phương án để thực hiện mục đích, một là dùng súng bắn thẳng vào toa xe hỏa, và một là dùng mìn phá hủy toa xe. Để dạt được mục đích mà không để lại dấu vết, họ đã lựa chọn phương án thứ hai. Đề phòng phương án này thất bại, người Nhật còn chuẩn bị kèm theo một kế hoạch bổ sung, nếu toa xe hỏa chỉ bị lật sẽ nhân lúc hỗn loạn cho người mang sẵn dao giết chết Trương Tác Lâm.
Xảm tối ngày 3 tháng 6, Trương Tác Lâm ngồi trên một chiếc xe bọc thép chống đạn do một người Anh  lái tới ga xe hỏa. Trước khi xuất phát, có điều tra đảm bảo an toàn. Sau khi ô tô tới nhà ga, đội bảo vệ nhanh chóng đưa ông ta lên toa xe đã có kiểm tra trước chu đáo. Đây là một đoàn tàu đặc biệt, có hơn hai mươi toa xe quân sự, phía trước toa Trương Tác Lâm ngồi  là toa xe của Từ Hy Thái hậu, phía trước còn có một toa dò đường để đảm bảo  tuyệt đối an toàn. Trước khi khởi hành, Trương Tác Lâm nhận được một mật báo, nói những ngày gần đây ở phía nam đường sắt, người Nhật Bản có những hành động rất khả nghi, sợ có đặt mìn. Nhưng Trương Tác Lâm hoàn toàn không chú ý nên đã tự dẫn tới chỗ chết. Đi cùng đoàn tàu còn có một số cố vấn quan trọng người  Nhật Bản. Khi đoàn tàu qua Thiên Tân, các cố vấn Nhật xuống xe. Trương Tác Lâm biết những người này sẽ báo cáo với Bộ chỉ huy quân Quan Đông về hành tung của chuyến tàu này.
Sáng sớm ngày 4 tháng 6, đoàn tàu vừa tới nơi mà quân Nhật đã bố trí trước, nghe thấy một tiếng nổ long trời, cát đá bay mù mịt, toàn bộ quân lính trên tàu đều chết hết.
Sau khi mìn nổ, Trương Tác Lâm bị văng đi rất xa, yết hầu xuất hiện một lỗ thủng, máu tuôn ra như suối, được người ta dùng xe hộ tống tới Phủ Nguyên soái. Vừa nghe tin, các bác sĩ đã kịp thời tới cấp cứu. Ông nói với vợ:
  • Tôi bị thương nặng lắm, hai chân đều không còn (thực ra chân của ông không đứt), sợ là không qua nổi! Nói với Tiểu Lục Tử (nhũ danh của Trương Học Lương), phải lấy đại sự quốc gia làm trọng, mọi việc phải làm cho tốt. Tôi giờ không thể làm gì được nữa, bảo Tiểu Lục tử mau trở về Thẩm Dương.
Sau đó mấy tiếng đồng hồ, người một thời là Đông Bắc vương qua đời.
Để giữ kín mọi chuyện, quân Quan Đông Nhật Bản xử tử hai người Trung Quốc , cho xác mang quân trang của quân Bắc phạt ngụy tạo ba bức thư của Quốc dân quân Đông Bắc chiêu phủ sứ nói sự việc này do đội viên của Nam phương biện y đội gây ra, rồi tiến hành một cuộc diễn tập đại quy mô nhằm biểu dương lực lượng.
Sau khi Trương Tác Lâm qua đời, Trương Học Lương còn  ở Bắc Bình, Trương Tác Tương chủ trì việc quân chính sợ tin cái chết của Trương Tác Lâm lộ ra, quân Nhật sẽ dùng vũ lực chiếm Đông Bắc nên giữ kín không phát tang, chỉ thông báo cho Trương Học Lương mau chóng trở về Phụng Thiên.
Nhận được tin báo về cái chết của cha, Trương Học Lương rất đau xót, để đề phòng bị người Nhật sát hại trên đường, Trương Học Lương  đã cắt trọc đầu, mặc quần áo của binh lính trà trộn trên một chuyến xe trở về Phụng Thiên. Đến lúc ấy, tin Trương Tác Lâm chết mới được công bố. Ngày 4 tháng 7, Trương Học Lương kế nghiệp cha, trở thành Tư lệnh bảo an của ba tỉnh Đông Bắc, nhân vật tối cao về quân chính ở đây.
Ngày 19 tháng 12, với tinh thần đại nghĩa dân tộc và quyết tâm báo thù cho cha, Trương Học Lương gửi điện báo hợp tác với chính phủ Nam Kinh, ba tỉnh vùng Đông Bắc giương cao lá cờ Thanh thiên bạch nhật.
Sự kiện Hoàng Cô, đánh bom giết chết Trương Tác Lâm dã khiến Đông Bắc nhanh chóng đổi cờ. Đây là một điều quân Nhật Bản không lường tới, Nội các Nhật Bản cũng vì thế mà sụp đổ.

Chú thích:
  • Tuần duyệt sứ: do Chính phủ Bắc Kinh đặt ra, người đứng đầu có quyền lực vượt qua cơ quan quân chính địa phương của Tỉnh.
  • Công sứ Nhật Bản: Phương Trạch Kiêm Cát (1874 – 1965), tốt nghiệp Đại học đế quốc Nhật Bản, tới Trung Quốc làm các chức vụ Tổng lãnh sự, Tham nghị sứ quán, Công sứ.
  • Quân Quan Đông: Năm 1919, ở Lữ Thuận, Nhật Bản thiết laapjTw lệnh quân Quan Đông, nhiều lần can thiệp vũ trang vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Đến thnags 8 năm 1945, quân Liên Xô tấn công vùng Đông Bắc, quân Quan Đông mới bị tiêu diệt.
  • Trương Tác Tương (1881 – 1949) người huyện Nghĩa, Liêu Ninh, xuất thân từ tướng cướp, được triều Thanh thu phục, theo Trương Tác Lâm, hai lần tham gia chiến tranh Trực Phụng.
  • Cờ Thanh thiên bạch nhật: năm 1895, Lục Hạo Đông sử dụng trong khởi nghĩa Quảng Châu, nền màu xan, giữa có hình tròn màu trắng. Năm 1927, sau khi Chính phủ Nam Kinh thành lập, chính thức lấy làm Quốc kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét