TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 21.25. TRẬN CHIẾN Ở THIỂM BẮC
Người dịch: Dương Đình Giao
Đang lúc trên những gương mặt của quân và dân ở khu giải phóng còn chưa hết tươi cười, những tiếng chiêng trống hoan nghênh còn vang vọng, những khẩu hiệu đang đỏ rực thì xảy ra cuộc nội chiến lớn. Quân dân ở khu giải phóng bị phái phản động của quân Quốc dân đảng tiến hành những cuộc bắt bớ và tàn sát.
Tưởng Giới Thạch quyết định thực hành “tiến công trọng điểm”, tập trung lực lượng vào căn cứ địa cách mạng Diên An, căn cứ của bộ chỉ huy quân cách mạng. Ngày 11 tháng 3 năm 1947 “Tây bắc vương” Hồ Tông Nam thừa lệnh của Tưởng Giới Thạch đưa 6 sư đoàn, 15 lữ đoàn gồm 15 vạn quân phối hợp cùng Mã Hồng Quỳ và Đặng Bảo San tiến công Diên An.
Dã chiến quân Tây bắc khi ấy gồm 6 lữ đoàn, chưa tới 25.000 quân, bình quân mỗi khẩu súng có chưa được 10 viên đạn, trong khi quân Tưởng Giới Thạch có trang bị rất tốt. So sánh lực lượng hai bên là 10/1, địch mạnh, ta yếu, chẳng có lẽ phải rút lui? Bành Đức Hoài đi lại trước tấm bản đồ dưới ngọn đèn sáng suốt đêm tính toán.
Ngày 13, Hồ Tông Nam chỉ huy không quân và lục quân tiến đánh Diên An, gặp phải sự kháng cự của Dã chiến quân Tây bắc.
Ngày 18, Mao Trạch Đông cùng Trung ương đảng quyết định rút khỏi Diên An, ra lệnh cho Bành Đức Hoài “mỗi tháng phải tiêu diệt được 1 lữ đoàn địch, trong 3 năm phải giành lại Diên An”.
Ngày 19, trời vừa rạng sáng, lữ đoàn 1 thuộc sư đoàn 1 mang danh “Thiên hạ đệ nhất lữ” của Hồ Tông Nam được sự yểm trợ của máy bay tiến quân vào Diên An nhưng chỉ thấy một vùng đất hoang vắng.
Hồ Tông Nam bèn điện báo công với Tường Giới Thạch ở Nam Kinh: “Sau 7 ngày đêm tiến công quyết liệt, lữ đoàn 1 cuối cùng tới ngày 19 đã chiếm được Diên An, bắt được hơn năm vạn tù binh, thu được rất nhiều vũ khí, hiện còn đang kiểm kê.”
Tưởng Giới Thạch vui mừng khôn xiết, lập tức gửi điện khen ngợi, lại thăng Hồ Tông Nam lên Thượng tướng. Nam Kinh, Tây An cùng mở tiệc ăn mừng “Thiểm Bắc đại thắng”.
Diên An tổng cộng có không quá hai vạn quân, thế mà dám nói “tù binh bắt hơn năm vạn, lại còn vũ khí vô số” thì không biết lấy từ đâu?
Hồ Tông Nam hạ lệnh lấy quân của 27 sư đoàn, cho mặc quần áo đủ mọi màu sắc, kiểu cách giả làm tù binh, xung quanh Diên An lại dựng 10 trại tù binh để đánh lừa thiên hạ.
Dã chiến quân Tây bắc sau khi yểm trợ để Trung ương đảng rút khỏi Diên An, do sự sắp xếp của Bành Đức Hoài trú quân ở vùng núi Thanh Hóa cách Diên An 50 km về phía đông bắc, như một “cái túi” chờ quân Hồ Tông Nam để giáng một đòn, vừa hạ thấp oai phong của hắn, vừa lấy lại khí thế cho quân dân khu giải phóng.
Quả nhiên, như hẹn trước, 9 giờ sáng ngày 24, 31 lữ đoàn quân Hồ Tông Nam đồng loạt tiến công. Sơn pháo, bích kích pháo, các loại súng lớn phủ vải bạt, đạn dược chất đầy trên lưng lừa ngựa, không gì không được chuẩn bị sẵn sàng, chỉ sau một giờ đã tiến vào “cái túi” Bành Đức Hoài chờ sẵn.
Sau hai quả tín hiệu đỏ được bắn lên, quân phục kích bắt đầu xuất phát vây hãm quân địch trên chiều dài 7 km, chiều rộng khoảng 2, 3 trăm mét, chỉ trong 1 giờ 47 phút, cuộc chiến đấu đã kết thúc.
Sau khi toàn bộ lữ 31 của Hồ Tông Nam bị tiêu diệt, chúng lại thực hiện cái gọi là “chiến thuật phương hình”, thực hiện thử nghiệm cách đánh chính diện, tiến từng bước nhỏ theo kiểu “lăn ống” để tránh phân tán dễ tiêu diệt, tích cực tìm kiếm Bát lộ quân để quyết chiến.
Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc đã chỉ đạo quân dân Thiểm Bắc thực hiện chiến thuật “kiên bích thanh dã” (gia cố công sự vững vàng và thực hiện vườn không nhà trống), quân Quốc dân đảng không được tiếp tế kịp thời, lại bị Bành Đức Hoài thực hiện chính sách “quấy rầy”, phải chạy đông chạy tây để giữ cho toàn tính mạng, từ béo thành gầy, rồi từ gầy thành ốm yếu, quân lính ngày càng hao mòn, tinh thần ngày càng sa sút.
Người xưa có câu: Cái dũng của quân phải nhìn ngay từ ông tướng. Với lữ đoàn 135 của địch, Bành Đức Hoài đã nhận được những tin tình báo để lên kế hoạch đưa chúng ra xa hơn 10 km để “nuốt sống”.
Ngày 14 tháng 4, Bành Đức Hoài đột nhiên cho quân tập kích lữ đoàn 135, sau 7 giờ chiến đấu, hơn 4.700 quân lữ đoàn 135 bị tiêu diệt, Lữ đoàn trưởng Mạch Tông Ngu bị bắt sống.
Người xưa cũng nói “binh bất yếm trá”. Bành Đức Hoài đưa một bộ phận nhỏ bộ đội tiến lên hướng đông bắc với rất nhiều phiên hiệu khác nhau, nhưng sau đó sử dụng phần lớn quân, chuẩn bị thuyền bè để sẵn sàng vượt sông Hoàng Hà ở phía đông. Bộ quốc phòng Nam Kinh và Hồ Tông Nam vẫn không hề hay biết, Đổng Chiêu, Lưu Kham vẫn mang hai cánh quân gồm 9 lữ đoàn chia làm hai đường tiến về phía tây bắc.
Cùng lúc đó, Bành Đức Hoài đích thân đưa quân chủ lực của Dã chiến quân, ngày 30 tháng 4 bí mật bao vây con đường vận chuyển của Hồ Tông Nam do Bành Long chỉ huy. Quân Hồ Tông Nam mỗi khi hành quân cần rất nhiều lực lượng hậu cần. Nay Bành Long bị vây hãm, trở thành một sự kiện vô cùng nguy hiểm, Hồ Tông Nam vội điện báo xin cho 9 lữ đoàn trở lại phía nam.
Quân của Bành Long gồm lữ đoàn 167 thuộc sư đoàn 1 và 3 đơn vị Tự vệ quân ở Thiểm Tây, trang bị rất tinh nhuệ. Lại thêm Bành Long đang giữ địa hình hiểm yếu, dễ thủ mà khó công, cả bốn phía, quân Bành Long xây dựng thành trì kiên cố, bố trí lưới thép, địa lôi. Hồ Tông Nam coi là một trong “tứ đại kim cương”. Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 167 Lý Côn Lam từng nói Bành Long cố thủ ở đây trong 3 tháng cũng không có vấn đề gì!
11 giờ đêm ngày 2 tháng 5, Dã chiến quân Tây bắc phát lệnh tiến công. Đến 16 giờ ngày hôm sau, cuộc tiến công gặp khó khăn, thương vong rất lớn. Quân Bành Đức Hoài chưa có kinh nghiệm đánh công kiên, lại thiếu trang bị vũ khí nên Bành Đức Hoài ra lệnh ngừng tiến công. Toàn quân mở hội nghị bàn kế đánh địch, thảo luận các phương án tác chiến. Sau khi bàn bạc rộng rãi, cuối cùng, tất cả xác định dùng “đối hào tác nghiệp để công phá trận địa của kẻ địch.
12 giờ ngày 4, đào hào hoàn thành, bộ đội mở đợt tổng công kích mới, chỉ trong 12 giờ đã hạ được thành của Bành Long, tiêu diệt toàn bộ 6.700 quân địch, thu được 14.000 bao lương thực, hơn 4 vạn bộ quần áo, hơn 1.000 lừa ngựa, bắt sống Lữ đoàn trưởng Lý Côn Lam. Ngày 9 tháng 5, cả 9 lữ đoàn địch tháo chạy.
Thắng lợi “tam chiến tam tiệp” (ba lần đánh ba lần thắng) của Dã chiến quân Tây bắc đã tạo nên một bước ngoặt lớn. Quân giải phóng khắp nơi đều có những đối sách thích hợp để giành quyền chủ động tác chiến, tiêu diệt ngày càng nhiều quân Quốc dân đảng. Ngày 21 tháng 4 năm 1948, cuộc chiến đấu giành lại Diên An thắng lợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét