XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 20. 29. PHONG TRÀO KHÁNG NHẬT Ở ĐÀI LOAN

 Người dịch: Dương Đình Giao
Theo Điều ước Trung Nhật Mã Quan, toàn bộ Đài Loan và các đảo cùng các đảo ở Bành Hồ đều cắt nhượng cho Nhật, cuối cùng, Nhật Bản đã đạt được tham vọng của mình.
Trong thời gian ký Điều ước Mã Quan, Y Đằng Bác Văn đòi triều đình nhà Thanh trong vòng một tháng phải hoàn thành thủ tục giao nộp Đài Loan. Lý Hồng Chương bất lực, nói:
– Công việc không đơn giản, một tháng là quá vội. Phải cần hai tháng. Đài Loan giờ đã trở thành của quý quốc, cần gì phải vội vàng thế?
Y Đằng Bác Văn nói:
– Tuy món ngon đã trước miệng, nhưng chưa ăn thì vẫn chưa yên tâm.
Tin Điều ước Mã Quan được ký kết truyền tới Đài Loan, nhân dân  Đài Loan vô cùng phẫn nộ. Dân thành phố Đài Bắc lập tức cùng nhau bãi thị, tự tập hợp nhau lại, kéo đến trước cửa nha môn Tuần phủ, thị uy phản đối triều đình nhà Thanh. Họ gửi điện báo cho triều đình, nói: “Chúng tôi thề quyết tử để giữ Đài Loan, sống chết cùng Đài Loan. Thà chết chứ không thể mất Đài Loan, quyết không thể sống mà để mất Đài Loan.”
Nhưng triều đình nhà Thanh không chấp nhận, ngược lại, còn ra lệnh cho văn võ bá quan nhanh chóng dời Đài Loan, cử con của Lý Hồng Chương là Lý Kinh Phương (1) làm đại thần phụ trách việc này, hoàn thành những thủ tục giao Đài Loan cho Nhật Bản. Nhưng khi tới Đài Loan, Lý Kinh Phương không dám lên bờ, chỉ đem “Nhượng độ chứng thư” đưa cho Tổng đốc Đài Loan Hoa Sơn Tư giao cho Nhật Bản, rồi để cho ông ta làm những thủ tục giao đất. Sau khi nhận được “Nhượng độ chứng thư”, kẻ xâm lược Nhật Bản đưa quân tiến vào Cơ Long, quân dân ở Cơ Long dũng cảm chống lại. Quân Nhật phải trả giá bằng hơn một nghìn binh lính thương vong mới chiếm được Cơ Long. Tuần phủ Đường Cảnh Tùng đã từng tuyên bố quyết giữ Đài Loan nhưng khi nghe nói quân Nhật đã chiếm được Cơ Long lập tức bỏ Đài Bắc, cùng một số quan lại lên chiếc thuyền ngoại quốc trở về đất liền.
Thái độ của Hòa Đạt Quan hoàn toàn ngược lại. Nhân dân các tộc ở Đài Loan đua nhau tổ chức thành đội ngũ kháng Nhật, có 7, 8 đơn vị tương đối lớn. Nghĩa quân các lộ tiến cử Lưu Vĩnh Phúc (3) làm thống sư. Giữa các nơi họ phối hợp với nhau để chiến đấu với quân Nhật. Trong số nghĩa quân, đơn vị của của Từ Tương, Ngô Thanh Hưng và Khương Thiệu là lớn nhất. Cả ba nguời đều là những thanh niên trí thức yêu nước.
Ngô Thang Hưng và  Từ Tương nghe nói quân Nhật đã chiếm được Đài Bắc, đang chia quân thành hai đường tiến xuống phía nam tới Tân Trúc ở Đài Trung, họ bèn cho quân mai phục ở giữa đường, chuẩn bị chiến đấu. Mấy trăm quân Nhật vừa tới nơi đã bị quân của Từ Tương bao vây đánh chặn. Ban đầu, quân Nhật trong tay có súng đạn đầy đủ vốn coi thường nghĩa quân, muốn sử dụng vũ khí trên tay để tiêu diệt họ bèn nổ súng, nhưng các chiến sĩ nghĩa quân vừa linh hoạt vừa mưu trí lại dũng cảm quên mình đã dũng cảm chống lại. Những vũ khí của quân Nhật không ngăn cản được họ, quân Nhật trở nên hoang mang rối loạn. Chúng đang muốn rút lui, sợ bị nghĩa quân đánh từ sau lưng nên cố gắng bao vây nghĩa quân. Các chiến sĩ nghĩa quân chiếm được  địa hình thuận lợi, đạn không thể bắn tới. Sau hồi lâu xung đột, chỉ huy cùng hơn sáu mươi lính Nhật đã chết. Chạy chưa được bao xa, chúng lại bị nhân dân địa phương phát hiện, từ bốn phía bao vây xông tới. Dù có một bọn Hán gian đưa nguời tới giúp sức, nghĩa quân và quần chúng ở địa phương đã đánh tan quân Nhật trên con đường phía đông.
Quân Nhật ở phía tây cũng gặp sự đánh trả của nghĩa quân Ngô Thang Hưng. Mặc dù hơn hẳn nghĩa quân về sức mạnh nhưng quân Nhật cũng phải trả giá rất lớn mới chiếm được Tân Trúc.
Nghĩa quân của Từ Tương, Ngô Thang Hưng di chuyển tới Chương Hoa, Lưu Vĩnh Phúc đưa quân Cờ đen tới trợ giúp, tinh thần kháng Nhật của nghĩa quân càng lên cao. Từ Tương không kể ngày đêm, dùng mọi cách đánh thẳng vào quân Nhật. Có nguời hỏi ông:
– Gia đình ông đang ở vùng quân Nhật chiếm đóng, đến nay vẫn chẳng có tin tức gì, sao ông không nghĩ cách tìm kiếm?
Từ Tương  điềm nhiên trả lời:
– Nếu Đài Loan không sa vào tay giặc, sao có thể không tìm gia đình mình; nhưng nay Đài Loan đã trong tay giặc, còn bàn tới đi tìm gia đình mình được sao?
Không lâu sau, quân Nhật được tăng viện, bắt đầu tiến công Chương Hoa, nghĩa quân và quân Cờ đen trong thành Bát quái trên núi, từ trên cao đánh xuống, đã đẩy lui quân địch. Đêm hôm ấy, quân Nhật sau một ngày xung trận  đều mệt mỏi ngủ say. Từ Tương và Ngô Thang Hưng đem quân tấn công, quân Nhật vội vàng nghênh chiến nhưng đã bị thương vong rất nhiều. Sớm ngày hôm sau, quân Nhật nhờ Hán gian chỉ đường men theo con đường nhỏ tiến hành bao vây núi Bát quái. Chúng bí mật, dần lên được đỉnh núi, tiếp cận với doanh trại của nghĩa quân. Đến khi phát hiện ra, toàn bộ lực lượng nghĩa quân  đã bị khép chặt trong vòng vây của quân địch. Nghĩa quân và các chiến sĩ quân Cờ đen không chút sợ hãi, dùng đại đao đánh giáp lá cà với chúng. Khắp nơi  vang tiếng kêu thét, xác quân xâm lược chết nằm đầy đất. Đội quân tinh nhuệ nhất của Nhật cũng thương vong hơn một nghìn nguời.  Thiu tướng Sơn Ngân Tín Thành cũng chết tại trận. Khi quân của Ngô Thang Hưng đang lâm trận, quân Nhật liên tục bắn pháo yểm trợ. Ngô Thang Hưng trúng đạn pháo, hy sinh. Các chiến sĩ bất chấp tình thế khẩn cấp, bằng mọi cách bảo vệ thi thể của Ngô Thang Hưng. Trong cuộc chiến đấu bi tráng, mấy trăm nghĩa quân và chiến sĩ quân Cờ đen đã hiến dâng tính mạng. Sau khi cuộc chiến đấu kết thúc, số chiến sĩ của Từ Tương đột vây tới được Đài Nam chỉ còn hơn hai chục nguời.
Sau đó, họ chiêu tập được hơn bảy trăm nghĩa quân tộc Cao Sơn tiếp tục chiến đấu. Lưu Vĩnh Phúc cũng cử tướng Vương Đức Hổ đưa quân tới cùng tham gia, Dương Tứ Hồng cũng đưa quân giúp Từ Tương phản công giành lại Chương Hóa từ tay Nhật. Quân Nhật trong thành án binh bất động, không dám bộc lộ lực lượng. Nhân dân Đài Loan ra sức chiến đấu, liên tiếp giành thắng lợi nhiều trận, tình hình đã có những chuyển biến thuận lợi. Nhưng lương thực và đạn dược dần cạn. Lúc ấy, cao trào giúp đỡ nhân dân Đài Loan kháng Nhật ở đại lục cũng lên mạnh. Mọi người tập hợp tiền bạc, lương thực và vũ khí đạn dược để ủng hộ. Một số chí sĩ yêu nước cũng lên tiếng, tham gia đấu tranh ái quốc chống cắt nhượng đất. Nhưng triều đình nhà Thanh sợ những phong trào này khiến quân xâm lược Nhật không hài lòng, đã dùng chiêu bài “hòa cục” để chống lại, một lần nữa ra lệnh phong tỏa cửa biển, cắt đứt mọi liên hệ giữa đại lục với Đài Loan.
Cuộc chiến đấu kháng Nhật của nhân dân Đài Loan không được hỗ trợ, quân Nhật thì không ngừng được tăng viện, chênh lệch lực lượng giữa hai bên ngày càng lớn. Mùa thu năm ấy, quân Nhật tập trng hơn bốn vạn quân với những  vũ khí mới từ hai phía tiến công Đài Nam. Khi tới Tăng Văn Khê, cách Đài Nam hơn bốn mươi dặm, hai bên xảy ra một cuộc quyết chiến. Quân Nhật huy động toàn bộ lực lượng, điên cuồng pháo kích vào đội hình nghĩa quân. Nghĩa quân các tộc ở Đài Loan chiến đấu dũng cảm đến phút cuối cùng. Tới khi lương thực và vũ khí đã cạn kiệt, Từ Tương nói với thái độ bi phẫn:
– Giá như còn một nghìn viên đạn, chúng ta sẽ có thể kéo dài được thời gian. Tiếc rằng đến giờ, một viên đạn cũng không còn!
Lòng yêu nước giờ chỉ còn là máu và nước mắt, những giọt nước mắt đau khổ không ngừng nhỏ. Họ luôn miệng hô:
  • Đại trượng phu vì nước quên thân, chết mà không sợ hãi.
Những tiếng hô vang lên, họ giơ cao đoản đao, xông vào quân địch, rồi anh dũng hy sinh.
Thấy lực lượng của quân Nhật ngày càng mạnh, khó có thể chống đỡ, Lưu Vĩnh Phúc vượt biển rút về Hạ Môn. Quân Nhật chiếm được Đài Nam, từ đó chia làm nhiều con đường đánh chiếm các nơi khác. Cùng với sự phá hoại của các thế lực bên trong, sau hơn bốn tháng kiên trì đấu tranh chống lại cuộc cắt nhượng đất, nhân dân Đài Loan cuối cùng đã thất bại.

Chú thích:
  • Lý Kinh Phương (1855 – 1934), nguời Hợp Phì, An Huy, xuất thân Cử nhân. Năm 1896, cùng Lý Hồng Chương đi Nga, tham gia ký “Trung Nga mật ước”.
  • Đường Cảnh Tùng (1841 – 1903), nguời Quán Dương, Quảng Tây, Tiến sĩ đời Đồng Trị, thời chiến tranh Trung Pháp, đưa quân tác chiến ở Việt Nam, được cử làm Tuần phủ Đài Loan. Năm 1895, trở về đại lục.
  • Lưu Vĩnh Phúc (1837 – 1917), nguời Khâm Châu, Quảng Đông (nay thuộc Quảng Tây). Năm 1837, tham gia khởi nghĩa Thiên địa hội, năm 1867, tổ chức Quân Cở đen. Năm 1867, vào Việt Nam tham gia chống Pháp, sau được triều đình nhà Thanh thu nạp. Sau Chiến tranh Giáp Ngọ, trú tại Đài Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét