XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 20. 05. KHANG HY BÌNH ĐỊNH “TAM PHIÊN CHI LOẠN”

 Người dịch: Dương Đình Giao
 “Tam phiên” là để chỉ  ba Phiên vương (1) Bình Tây vương Ngô Tam Quế, trấn thủ Vân Nam, Quý Châu; Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung trấn thủ Phúc Kiến và Thượng Khả Hỷ trấn thủ Quảng Đông, ba phiên vương dần dùng binh cát cứ, trở thành mối họa uy hiếp triều đình.
Sau khi diệt trừ được Ngao Bái, vua Khang Hy bắt đầu lo đến đại sự, đó chính là việc cần phải dẹp yên “Tam phiên”. Nhà vua đem việc này viết thành chữ, dán trên cột trong cung. Mỗi lần ngẩng đầu nhìn những hàng chữ ấy, vua đều trầm tư khác thường, trong lòng luôn nghĩ: Làm sao xử lý việc này cho hoàn hảo?
Trong “Tam phiên”, Ngô Tam Quế có địa vị cao nhất. Ông ta được phong “Hòa Thạc” thân vương, Bình Tây Đại tướng quân, cai trị vùng Vân Nam, Quý Châu, nơi vẫn được coi là “Thổ Hoàng đế”. Để củng cố quyền lực, Ngô Tam Quế thao luyện quân sĩ, mua sắm thêm nhiều quân giới, ngựa chiến, lại còn cho con cái của các Tướng lĩnh và thủ hạ cùng với con em các nhân vật quyền quý địa phương học tập binh pháp, bồi dưỡng một lớp Tướng sĩ trẻ tuổi.
Ngô Tam Quế là kẻ gian trá, xảo quyệt. Sợ triều đình không tin cậy, ông ta thường tạo ra các cuộc chiến tranh ở vùng các dân tộc thiểu số để tỏ ra vùng biên cương không yên ổn, không thể thiếu vai trò của mình.Thượng Khả Hỷ ở Quảng Đông, Cảnh Tinh Trung ở Phúc Kiến cũng đều  là những kẻ chuyên quyền hống hách, coi mình là trên hết. Chỉ có điều địa vị và quyền thế của hai nguời chưa sánh được với Ngô Tam Quế.
Sau khi cân nhắc, suy tính, cuối cùng, vua Khang Hy quyết định  trước hết phải hạ thủ Ngô Tam Quế.
Một hôm, nhà vua cho nguời tới, nói với Ngô Tam Quế:
– Giờ đây tuổi ngài đã cao, mắt lại có bệnh, không thể cứ vất vả mãi. Công việc ở Vân Nam, Quý Châu sợ không quản lý nổi!
Không lâu sau, triều đình mượn cớ quân nhiều lương ít nên cắt giảm quân số của “Tam phiên”. Ngô Tam Quế thấy tình hình bất lợi bèn chuẩn bị để một ngày nào đó sẽ phản lại triều đình.
Năm Khang Hy thứ 12 (1673), Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ xin về quê ở Liêu Đông dưỡng già, và xin để cho con là Thượng Chi Tín kế thừa quyền chức. Vua Khang Hy chờ dịp này đã lâu lập tức đồng ý để Thượng Khả Hỷ về hưu, nhưng không bằng lòng để con trai kế thừa chức vụ. Được tin này, Ngô Tam Quế nói với các thủ hạ thân tín:
– Thượng Khả Hỷ đề xuất triệt phiên, giữ im lặng cũng không tốt nên ta cũng xin triệt phiên, giống như thế, thử xem hư thực ra sao. Hoàng thượng tuổi còn trẻ, ta nghĩ nhà vua cũng không dám khó dễ với ta.
Sau đó, Ngô Tam Quế viết một bản tấu xin triệt phiên, cho nguời đem tới Bắc Kinh. Cảnh Tinh Trung nghe nói chuyện này, cũng làm một bản tấu, xin triệt phiên.
Vua Khang Hy nhận được các tấu chương, điềm nhiên hạ lệnh triệt phiên, cử các đại thần tới Vân Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông tiến hành kiểm tra.
Ngô Tam Quế không ngờ nhà vua ra lệnh thật, vừa bực tức vừa hối hận, quyết định sẽ khởi binh chống lại. Ông ta mặc hiếu phục triều Minh, đưa quân tới trước mộ vua Vĩnh Lịch (2), quỳ xuống,  tưới rượu trên mộ rồi sụp lạy như giã tỏi, lại gào khóc thảm thiết, gào khóc như chưa hả nỗi tức, lăn cả ra đất, làm sao cũng không chịu đứng dậy. Tiếng khóc thảm thiết khiến quân sĩ cũng cảm động rơi nước mắt, toàn quân đều một không khí tang thương.
Thấy quân sĩ khóc cùng, Ngô Tam Quế nhầm tưởng nhân tâm đứng về phía mình, không giấu nổi nỗi vui mừng. Cũng trong năm ấy, Ngô Tam Quế giương cao ngọn cờ “Phục Minh diệt Thanh”, mang quân tiến về phía bắc. Cảnh Tinh Trung ở Phúc Kiến lập tức hưởng ứng, con Thượng Khả Hỷ là Thượng Chi Tín cũng nổi dậy ở Quảng Đông. Các quân phiệt thuộc tộc Hán ở Hồ Bắc cũng đua nhau khởi binh, hưởng ứng Ngô Tam Quế. Ngô Tam Quế như được thuận gió, chưa qua mấy cuộc chiến đấu đã chiếm được vùng Hồ Nam. Chỉ trong vòng có mấy tháng, quân của Ngô Tam Quế đã chiếm được trọn vẹn sáu tỉnh phía nam.
“Tam phiên” phản loạn, tin Giang Nam thất thủ truyền về Bắc Kinh, triều đình hốt hoảng. Có đại thần chủ trương:
– Phải giết ai muốn triệt phiên, rồi mau cầu hòa!
Hoàng đế trẻ tuổi Khang Hy nghe xong, cười nhạt:
–   Ta không phải là Hán Cảnh Đế, triệt phiên thì có tội gì?
Còn có đại thần nói:
– Ngô Tam Quế binh lực dồi dào, lại có Trường Giang làm ranh giới, khó vượt qua được!
Vua Khang Hy nói:
– Ngô Tam Quế sao có thể chia đôi giang sơn của Đại Thanh?
Rồi nhà vua quyết định,  dốc toàn lực thảo phạt Ngô Tam Quế, kiên quyết trấn áp.
Với Cảnh Tinh Trung, Thượng Chi Tín, nhà vua dùng biện pháp vừa đấm vừa xoa. Một mặt, Khang Hy cho anh em của họ từ Bắc Kinh tới Phúc Kiến và Quảng Đông khuyên nhủ, một mặt đảm bảo sẽ không khiển trách; Nhà vua cũng chuẩn bị quân đội đánh dẹp buộc họ phải đầu hàng khi không còn con đường nào khác. Những cách làm này của Khang Hy quả nhiên có hiệu quả, không lâu sau, hai nguời này đều đầu hàng.
 Cảnh Tinh Trung và Thượng Chi Tín đã đầu hàng như một đòn giáng mạnh vào Ngô Tam Quế. Khi tin này truyền tới, ông ta đang uống rượu, nghe báo cáo, lập tức im lặng không còn thấy tiếng nói cười. Phải một lát sau, Ngô Tam Quế mới cho gọi mưu sĩ tới:
– Hoàng thượng còn trẻ tuổi mà có thể quyết đoán thế này quả là cao minh, ta có thể chấm hết từ nay. Ta như đang trong thế cưỡi hổ!
Nói xong, gạt nước mắt, ném cái chén rồi đứng lên.
Vân Quý vốn là vùng đất khô cằn, sản xuất lạc hậu. Sau khi Ngô Tam Quế phát binh phản loạn, lương thực chủ yếu từ các vùng Tứ Xuyên, Hồ Nam cung ứng. Liên tiếp các địa phương này cũng mất mùa, dân chúng còn chẳng đủ ăn, lấy đâu ra để nuôi quân? Quân của Ngô Tam Quế mấy tháng không được phát lương, đói quá đành giết chiến mã để cầm hơi. Ngô Tam Quế cũng là kẻ tư lợi, phản phúc đã bị mọi người thù hận từ lâu, đến nay, nội bộ cũng phát sinh mâu thuẫn. Trong hoàn cảnh này, nhiều quan quân và binh lính đua nhau bỏ trốn. Quân Thanh thừa cơ tiến công, thu lại được phần lớn lãnh thổ.
Ngô Tam Quế vẫn còn muốn đánh một trận cuối cùng, tháng 3 năm Khang Hy thứ 17  (1678), liền bỏ chiêu bài “phục Minh”, tự xưng Hoàng đế, quốc hiệu “Đại Chu”. Ông ta lấy Hoành Dương làm thủ đô, vội vàng làm lễ lên ngôi. Nhưng tình thế đã nguy cấp, thế trận đã mất, làm sao ông ta còn có thể vui vẻ làm những công việc ấy. Chưa tới tháng 5, Hoàng đế Ngô Tam Quế đã mang bệnh  mà chết.
Ngô Tam Quế chết, cục diện hoàn toàn nằm trong tay quân Thanh. Cháu của Ngô Tam Quế là Ngô Thế Phồn mới 13 tuổi nối ngôi, bỏ Hoành Dương chạy về Vân Nam. Quân Thanh thế như chẻ tre, ráo riết truy đuổi, lấy lại được Hồ Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, tới năm Khang Hy thứ 20 (1681) bao vây Côn Minh. Ngô Thế Phồn bị vây hãm trong thành, không còn con đường nào khác phải uống thuốc độc tự sát, quân Ngô ở khắp nơi đều đầu hàng. Cuộc phản loạn của “Tam phiên” trong suốt 8 năm đến đây bị dẹp yên.
Từ đây, Hoàng đế Khang Hy hạ quyết tâm thống nhất xây dựng đất nước, nhờ sự quyết đoán nhà vua đã ngăn ngừa được sự hỗn loạn và chia rẽ trong cả nước. Sau khi bình định được loạn “Tam phiên” triều Thanh mới củng cố được sự thống trị trên phạm vi cả nước.

Chú thích:
  • Ngô Tam Quế, Cảnh Tinh Trung, Thượng Khả Hỷ cả ba vốn là tướng trấn thủ vùng Liêu Đông triều Minh. Sau khi đầu hàng nhà Thanh, do có công lớn, được vua Thuận Trị phong vương, có những đãi ngộ đặc biệt.
  • Vĩnh Lịch Đế (1623 – 1662) Tức Chu Do Lang, ở ngôi 1646 – 1661, sau bị Ngô Tam Quế bắt và hành hình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét