Năm Hán Vũ Đế 71 tuổi, người yếu, nhiều bệnh, biết mình không thể sống lâu, Vua chỉ định con út là Lưu Phất Lăng mới 8 tuổi kế ngôi khi mình chết, lại giao cho Hoắc Quang làm Đại Tư mã, Đại tướng quân, cùng trọng trách phò tá Hoàng đế còn nhỏ tuổi.
Hoắc Quang tên chữ là Tử Mạnh, em khác mẹ của Phiêu kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh. Khi mới 10 tuổi, Hoắc Quang đã được Hoắc Khứ Bệnh đưa từ quê nhà lên kinh đô, làm quan thị chúng của Hán Vũ Đế. Vua rất thích tính trung hậu, thật thà của Hoắc Quang, nhanh chóng đưa ông đứng đầu các quan thị chúng. Khi Hoắc Khứ Bệnh chết, Hán Vũ Đế lại thăng Hoắc Quang làm Phụng xa đô úy (1), Quang lộc đại phu (2). Hoắc Quang làm việc rất cẩn thận, chu đáo, hơn hai mươi năm không có một sai phạm gì. Sau khi Hoắc Quang phụ chính, ông làm việc càng thêm chăm chỉ, cẩn trọng. Ông là người công chính vô tư, thưởng phạt phân minh, quản lý đại sự quốc gia mọi việc đâu vào đấy, vì thế, uy tín của ông ngày càng cao. Chỉ cần nói đến tên Đại Tư mã, Đại tướng quân Hoắc Quang, dân chúng không ai là không khâm phục.
Nhưng trong triều có một số người muốn tranh quyền với ông, cho rằng ông cản trở họ làm được những điều họ muốn nên vô cùng căm tức.
Tả tướng quân Thượng Quang Kiệt là người đầu tiên muốn tranh giành quyền của Hoắc Quang. Hai người là thông gia, con ông ta là Thượng Quang An lấy con gái của Hoắc Quang. Để tranh quyền của Hoắc Quang, Thượng Quang Kiệt nhờ sự giúp đỡ của chị gái Hán Chiêu Đế là Cái trưởng công chúa đem con gái của Thượng Quang An cháu nội của mình mới 6 tuổi gả cho Hán Chiêu Đế. Chỉ sau mấy tháng, đứa con gái 6 tuổi này được lập làm Hoàng hậu. Do mối quan hệ này, Thượng Quang Kiệt được phong làm An Dương hầu, Thượng Quang An được phong làm Tang Lạc hầu, trở thành Hoàng thân quốc thích, không chỉ có địa vị cao sang mà còn thêm cơ hội gần gũi Hán Chiêu Đế.
Cái Trưởng công chúa giúp đỡ Thượng Quang Kiệt, nên Thượng Quang Kiệt muốn tìm cơ hội để báo đáp. Nghe nói Cái Trưởng công chúa có người tình là Đinh Ngoại Nhân, Thượng Quang Kiệt tới gặp Hoắc Quang xin phong tước cho Đinh Ngoại Nhân. Không theo tình riêng, Hoắc Quang nói thẳng với Thượng Quang Kiệt:
– Khi Cao Tổ còn sống đã đưa ra nguyên tắc: không có công không được phong hầu. Đinh Ngoại Nhân không có công lao gì, không có lý do gì để cầu phong cho ông ta.
Thượng Quang Kiệt cầu khẩn:
– Không thể phong hầu, chắc phong cho ông ta là Quang Lộc đại phu thì được?
Hoắc Quang nói:
– Cũng không được. Tiếng tăm của Đinh Ngoại Nhân rất không tốt, không thể cho ông ta chức quan gì.
Thượng Quang Kiệt thất vọng, không vui, tới gặp Cái Trưởng công chúa, thêm dấm thêm ớt nói việc này khiến Cái Trưởng công chúa cũng rất hận Hoắc Quang.
Để phản đối Hoắc Quang, Thượng Quang Kiệt, Thượng Quang An, Cái Trưởng công chúa liên lạc với Ngự sử đại phu Tang Hoằng Dương. Tang Hằng Dương trước đây đã thay Hán Vũ Đế đưa ra độc quyền diêm thiết, lại là chuyên gia về tài chính, có nhiều công lao. Ông ta muốn công lao trở thành vốn liếng, muốn con em mình được làm quan ở triều đình, nhưng Hoắc Quang không đồng ý. Hoắc Quang nói:
– Ngài Tang Hằng Dương có công lao, Hoàng thượng đã thưởng cho ngài. Con em của ngài không được dựa vào công lao của ngài để làm quan. Họ cần dựa vào năng lực của bản thân mình mà sống.
Vì thế, Tang Hoằng Dương cũng rất hận Hoắc Quang.
Thấy Thượng Quang Kiệt và những người cùng cánh với ông ta đều là hoàng thân quốc thích, lại có Cái Trưởng công chúa làm chỗ dựa, Tang Hoằng Dương cho rằng lực lượng này có thể chống lại với Hoắc Quang nên tìm mọi cách làm thân với họ.
Hoắc Quang hàng ngày làm việc rất cẩn thận, chu đáo. Bọn Thượng Quang Kiệt tìm hết cách cũng không thể thấy một sơ hở nào của ông. Do có mối liên hệ với Yên vương Lưu Đán, họ muốn lợi dụng Yên vương Lưu Đán chống lại Hoắc Quang. Một lần, Hoắc Quang đi tới Quảng Minh ở gần Trường An để kiểm tra quân đội, điều một Hiệu úy đến phủ Đại tướng quân giúp việc. Bọn Thượng Quang Kiệt đã dùng danh nghĩa của Yên vương Lưu Đán, làm giả một bức thư, gửi đến Hán Chiêu Đế tố cáo Hoắc Quang. Trong thư nói: Hoắc Quang đi kiểm tra quân đội, chiếm dụng đội nghi trượng của Hoàng đế, diễu võ giương oai, vô cùng kiêu ngạo. Ông ta còn tự đưa ra chủ trương điều một HIệu úy đến phủ Đại tướng quân. Điều đó cho thấy Hoắc Quang có dã tâm lớn, sợ là có mưu làm phản. Thần muốn giao trả đại ấn của Yên vương, về Trường An, nhận nhiệm vụ bảo vệ Hoàng thượng, trấn áp gian thần phản loạn.
Hán Chiêu Đế đọc kỹ mấy lần bức thư tố cáo Hoắc Quang rồi cất đi. Thượng Quang Kiệt sốt ruột muốn hạ bệ Hoắc Quang, vội vào triều hỏi Hán Chiêu Đế xử lý việc này thế nào. Vua trả lời:
– Đợi Hoắc Quang duyệt binh về sẽ nói.
Ngày hôm sau, Hoắc Quang duyệt binh trở về, nghe nói có người tố cáo mình, trốn không dám vào yết kiến Hoàng thượng. Hán Chiêu Đế lên điện, thấy không có Hoắc Quang trong đám văn võ bá quan, hỏi:
– Nghe nói Đại tướng quân đã duyệt binh xong về triều rồi, ông ta đâu?
Tả tướng quân Thượng Quang Kiệt vội trả lời:
– Đại tướng quân vì bị Yên vương tố cáo nên không dám đến.
Hán Chiêu Đế nói:
– Gọi ông ta đến, ta có điều muốn nói với ông ta.
Hoắc Quang nghe nói Hán Chiêu Đế có lệnh gọi vội lên điện. Ông tự bỏ mũ, quỳ, khấu đầu, nói:
– Tội của thần đáng chết vạn lần, xin nghe lệnh Hoàng thượng.
Hán Chiêu Đế xua tay, nói:
– Đại tướng quân đứng lên, đội mũ vào. Ta biết bức thư tố cáo ông là giả, ông không có tội.
Hoắc Quang hỏi:
– Bệ hạ sao biết được bức thư ấy là giả?
Hán Chiêu Đế trả lời:
– Đại tướng quân đến Quảng Minh duyệt binh là nơi ở gần kinh thành, điều Hiệu úy đến phủ Đại tướng quân cũng chưa đến mười ngày, Yên vương ở phương bắc xa xôi, ông ta làm sao biết được việc này? Nếu như ông ta có thể biết, có cử người mang thư ngay, hôm nay cũng chưa thể đến được kinh thành. Lại nói, Đại tướng quân nếu thật muốn tạo phản cũng không dùng đến Hiệu úy. Vì thế ta cho rằng, nhất định có người muốn hãm hại Đại tướng quân mới cho làm giả bức thư này. Ta tuy còn ít tuổi, nhưng cũng thấy được cái sơ hở của nó, quyết không bị mắc lừa.
Lúc đó, Hán Chiêu Đế mới 14 tuổi, vua có thể phân tích vấn đề rất rõ ràng, khiến cho văn võ bá quan trong triều ai cũng khâm phục.
Hán Chiêu Đế không những không trị tội Hoắc Quang, còn hạ lệnh ngay tại chỗ, phải truy tìm kẻ viết thư giả. Thượng Quang Kiệt sợ điều tra lộ âm mưu của mình, khuyên Hán Chiêu Đế:
– Đây chỉ là việc nhỏ, bệ hạ bất tất phải truy xét.
Không nghe lời ông ta, Hán Chiêu Đế còn lệnh phải điều tra gấp.
Thượng Quang Kiệt thấy Hán Chiêu Đế tiếp tục điều tra, sợ âm mưu bại lộ bèn dùng sách lược “lấy công làm thủ”, nhiều lần nói xấu Hoắc Quang trước mặt Hán Chiêu Đế. Mỗi lần nghe, vua đều rất bực tức, nói:
– Đại tướng quân là trung thần, trước khi Tiên đế lâm chung đã dặn dò phò tá ta cai trị thiên hạ. Ông ấy đã giúp cho ta rất nhiều việc tốt, điều này ai cũng có thể thấy rõ. Từ nay về sau, ai còn phỉ báng ông ấy, ta nhất định sẽ trừng phạt thật nặng.
Từ đó về sau bọn Thượng Quang Kiệt mới không dám nói xấu Hoắc Quang nữa.
Nhưng họ còn chưa chịu thua, lại chuẩn bị một âm mưu khác: Cái Trưởng công chúa mời Hoắc Quang uống rượu. Bốn phía sảnh đường đều bố trí võ sĩ, chuẩn bị chờ khi công chúa mời rượu sẽ lệnh cho võ sĩ xông tới, giết chết Hoắc Quang, sau đó sẽ lật đổ Hán Chiêu Đế, lập Yên vương lên làm vua.
Nhưng giấy không gói được lửa, âm mưu này của bọn Thượng Quang Kiệt chưa thực hiện đã bại lộ. Nghe Hoắc Quang tâu lên, Hán Chiêu Đế quyết định giết cả bọn Thượng Quang Kiệt, Thượng Quang An, Tang Hoằng Dương, Đinh Ngoại Nhân. Yên vương Lưu Đán và Cái Trưởng công chúa thấy việc không thuận lợi đều tự sát. Cả bọn phản loạn đều bị dẹp.
Hoắc Quang phò tá Hán Chiêu Đế 13 năm. Vua còn trẻ, mới 21 tuổi đã chết. Chiêu Đế chưa có con. Hoắc Quang và Hoàng Thái hậu bàn bạc, quyết định lập cháu của Hán Vũ Đế là Mạo Ấp vương Lưu Hạ lên làm vua. Không ngờ Lưu Hạ là kẻ hoang dâm vô độ. Người ta nói, ông ta mới lên ngôi có 27 ngày đã làm tới 1.127 việc không nên làm. Vì thế, Hoắc Quang cùng văn võ đại thần bàn bạc, tấu trình Hoàng Thái hậu phê chuẩn, phế Lưu Hạ, lập một người cháu khác của Hán Vũ Đế là Lưu Tuần làm Hoàng đế, đó là Hán Tuyên Đế.
Lúc lên ngôi, Hán Tuyên Đế cũng chỉ mới 18 tuổi. Hoắc Quang lại phò vua 6, 7 năm, dạy cho ông ta biết muốn làm một ông vua tốt cần phải như thế nào.
Năm thứ hai Hán Tuyên Đế Đại Tiết (68 trước CN), Hoắc Quang bị bệnh nặng, mất.
Hán Tuyên Đế cùng Hoàng thái hậu đích thân chủ trì tang lễ vô cùng long trọng, an táng bên cạnh Mậu Lăng, lăng mộ của Hán Vũ Đế.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
1. Phụng xa đô úy: đặt từ thời Hán Vũ Đế, đánh xe cho vua, người được vua rất tin cậy.
2. Quang Lộc đại phu: chức quan làm việc nghị luận trong triều, địa vị cao nhất trong các đại phu.
3. Thượng Quang Kiệt: người Thượng Nhai, Lũng Tây (Thiên Thủy, Cam Túc ngày nay) thời Tây Hán. Lúc nhỏ làm Vũ lâm kỳ môn lang.
Lúc Hán Vũ Đế mất, được phong Tả tướng quân, An Dương hầu, cùng Hoắc Quang phụ tá nhà vua còn nhỏ.
4. Hán Tuyên Đế: ở ngôi 74 – 49 trước CN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét