Trong lịch sử đế vương Trung Quốc, Đường Huyền Tông là một minh quân, thường được gọi là Đường Minh Hoàng. Nhưng ông cũng là một vị Hoàng đế phong lưu tài tử, đã cùng Dương Quý Phi có một chuyện tình lâm li kỳ lạ, được mọi người coi là câu chuyện kinh điển về ái tình từ xưa đến nay.
Ngày 7 tháng 12 năm Khai Nguyên thứ 25 (737), Võ Huệ Phi, người được Đường Minh Hoàng sủng ái qua đời. Từ đó, Lý Long Cơ như người thất thần, trong cung có tới hơn 3000 cung nữ, chẳng lẽ không có ai thay được Võ Huệ Phi chăng? Không có, Lý Long Cơ cho rằng chẳng có ai. Ông vốn thân thể cường tráng, sức lực dồi dào giờ đây cảm thấy chán ngán muôn phần, con người bỗng cảm thấy cái già dần tới, nếp nhăn ngày càng nhiều, tóc bạc ngày càng lắm.
Sự thay đổi ấy không qua được con mắt của một Thái giám tâm phúc là Cao Lực Sĩ. Khi Đường Huyền Tông còn là một vương gia, Cao Lực Sĩ đã là một trợ thủ đắc lực. Khi lên ngôi năm 20 tuổi, Cao Lực Sĩ đã tỏ ra một người trung thành tận tâm, từ việc vui chơi đến mọi chuyện khác, việc gì Cao Lực Sĩ cũng hết sức chiều theo ý muốn của Hoàng đế.
Giờ đây, thấy Lý Long Cơ buồn rầu chán ngán, Cao Lực Sĩ không yên lòng, bèn nói với Hoàng đế:
– Muôn tâu Bệ hạ, người đã chết không thể sống lại được nữa, không thể cứ buồn rầu thương tiếc mãi. Nô tài thấy chẳng lẽ khắp thiên hạ của bệ hạ, không tìm được một người vừa ý bệ hạ sao.
Nghe nói, Lý Long Cơ buồn chán lắc đầu.
Cao Lực Sĩ lại cười, nói:
– Thân biết, bệ hạ thích chỉ có Võ Huệ Phi, nhưng trong thiên hạ quyết không chỉ có một Võ Huệ Phi.
Lần này, Minh Hoàng Lý Long Cơ mở to mắt, hỏi:
– Ai?
Cao Lực Sĩ làm ra vẻ bí mật, nói nhỏ:
– Bệ hạ, thần thấy có phi Dương thị của Thọ vương, thật giống Võ Huệ Phi trước đây như là một vậy.
Nghe Cao Lực Sĩ nói, Lý Long Cơ đã nhớ lại. Hồii đó, tháng giêng năm Khai Nguyên thứ 22, ông cùng Võ Huệ Nương tới Lệ Sơn tắm suối nước nóng chữa bệnh đã thấy Dương phi, khuôn mặt trắng hồng, mắt sáng long lanh, dáng người thanh mảnh, khác nào tiên nữ giáng trần. Nhưng ông cũng biết đây là con dâu của mình, lại có mặt Võ Huệ Phi, làm sao dám ngắm kỹ? Bây giờ, nghe Cao Lực Sĩ nói, ông bỗng thấy trong lòng xúc động, nhưng cũng kịp nói:
– Cô ấy là con dâu, sao thay được Võ Huệ Phi, việc này sao làm được?
Vua cố quên Dương phi, nhưng sau những lời của Cao Lực Sĩ hình ảnh người phi ấy không dứt ra được.
Một ngày mùa xuân năm Khai Nguyên thứ 27 (739), do sự sắp xếp của người em gái là Ngọc Trân Công chúa, Thọ vương phi được mời đến thăm Ngọc Trân. Lúc đang ăn cơm, có một thị nữ tới báo với Ngọc Trân Công chúa:
– Hoàng đế giá đáo!
Thọ vương phi Dương thị nghe lời cấp báo, vội định cáo lui, Ngọc Trân Công chúa nói:
– Hoàng thượng ca ca sau khi xong việc, cưỡi ngựa dạo chơi, muốn tới thăm ta, nói sẽ ăn cơm trưa. Chúng ta đều là người trong nhà, đây cũng đâu phải trong cung, cô không cần phải cáo lui.
Vừa nói dứt lời, Lý Long Cơ đã bước vào. Khi cơm chưa dọn ra, Lý Long Cơ đã ngồi vào bàn. Ngọc Trân Công chúa và Thọ vương phi chia nhau ngồi hai bên. Lý Long Cơ thấy vẻ mặt Thọ vương phi lúng túng, có vẻ bất an, bèn cố tìm lời trò chuyện:
– Nghe nói Thọ vương phi thông hiểu nhiều khúc đàn?
Thọ vương phi rất ngạc nhiên, vội hỏi lại:
– Bệ hạ sao biết được ngọn ngành về thiếp vậy?
Thực ra, Lý Long Cơ sau khi nghe Cao Lực Sĩ nói, không quên được, đã cho người tìm hiểu mọi chuyện về cô: Thọ vương phi tên là Dương Ngọc Hoàn, người Tứ Xuyên, từ nhỏ đã yêu thích âm nhạc, học được rất nhiều khúc đàn điệu múa, năm năm trước, đã làm phi con trai của Đường Minh Hoàng là Thọ vương Lý Mạo (2).
Hôm nay, thấy Hoàng đế hỏi tới âm nhạc, Dương Ngọc Hoàn ban đầu lúng túng, nhưng sau đó, bình tĩnh trả lời:
– Thiếp cũng chỉ học được một ít, chắc cũng chưa được thạo.
Ngọc Trân Công chúa nói:
– Ngọc Hoàn không phải khách sáo, Hoàng đế ca ca cũng rất thạo âm nhạc đấy!
Lý Long Cơ nói:
– Chắc cũng như vậy thôi, chúng ta còn chưa đói, hãy tấu vài khúc nhạc đã.
Ngọc Trân Công chúa vội mang tới một cây sáo. Đường Minh Hoàng Lý Long Cơ cầm lấy cây sáo, trước hết thổi một khúc nhạc. Khúc nhạc này chẳng bao lâu đã làm Ngọc Hoàn hứng thú, quên đi cái lễ giáo giữa công công và con dâu, nói:
– Khúc nhạc này của bệ hạ đã cải biên, đã thay đổi nam cung.
Lý Long Cơ vui vẻ nói:
– Nhà ngươi cũng thông âm nhạc đấy!, ta đã cải biên ngươi thấy thế nào? Ngươi cũng thổi khúc nhạc này xem sao.
Dương Ngọc Hoàn khi đó như nhớ lại những năm tuổi trẻ, nhận lấy cây sáo, bèn tỏ ra người có tài năng, thổi một khúc. Khúc nhạc còn chưa dứt đã khiến Đường Minh Hoàng năm ấy đã 55 tuổi như trở lại thời trai trẻ.
Người này một khúc rồi người kia một khúc, tiếng sáo hay tiếng lòng, âm thanh dìu dặt.
Đường Minh Hoàng cười, Dương Ngọc Hoàn cười, rồi Ngọc Trân Công chúa cũng cười.
Sau đó, Hoàng đế trở về cung, lòng dạ bồn chồn chỉ còn nhớ tới Dương Ngọc Hoàn. Đã có Cao Lực Sĩ bày mưu tính kế, sắp đặt mọi chuyện.
Sau hôm ấy, Thọ vương phi Dương Ngọc Hoàn trở về phủ, cơm không muốn ăn, ngủ chẳng ngon giấc, tình cảm với Thọ vương rạn nứt, lời qua tiếng lại, nói nhất định phải xuất gia.
Ngày 2 tháng giêng năm sau, triều đình đưa tới Thọ vương phỉ một đạo sắc thư, đồng ý để Dương Ngọc Hoàn tới am Vạn Thọ (Thái Chân quan) xuất gia, lấy hiệu là Thái Chân.
Ngày thứ 6 sau khi Dương Ngọc Hoàn xuất gia được bố trí gặp Đường Minh Hoàng Lý Long Cơ ở suối nước nóng Lệ Sơn. Suốt năm năm sau đó, hai người dường như luôn ở bên nhau, cuộc sống ngọt ngào như mật.
Kết thúc 5 năm sống chung, năm 745, Lý Long Cơ công khai tuyên bố sách lập nữ đạo sĩ Dương Ngọc Hoàn làm quý phi (3), cuối cùng, từ thân phận không rõ ràng, Dương Ngọc Hoàn cũng đã được chính danh.
Từ đó, hai người càng thêm thắm thiết. Ngày 7 tháng 7 hàng năm là ngày gặp gỡ Ngưu Lang – Chức Nữ, lễ tình nhân của người Trung Quốc. Buổi tối, Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi tới Trường Sinh điện, cùng vui nhân Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Tình cảm hai người khó nói nên lời. Đêm khuya, họ cùng nhau ngắm dòng sông Ngân Hà lấp lánh, hình dung Ngưu Lang và Chức Nữ bước tới bên nhau, cả hai không ai bảo ai, cùng quỳ xuống, thề cùng Trời Đất: “Trên Trời, nguyện làm chim liền cánh, dưới Đất nguyện làm cây liền cành”. Lời thề này tái hiện trong bài “Trường hận ca” của nhà thơ Bạch Cư Dị đã khiến bao nhiêu người xúc động.
Năm 755, An Lộc Sơn nổi dậy ở đông bắc, phát động phản loạn. Năm sau Đồng Quan thất thủ, Đường Minh Hoàng phải chạy về Tứ Xuyên, khi chạy tới đèo Mã Ngôi, bộ hạ nảy sinh mâu thuẫn, Dương Quý Phi bị thắt cổ chết.
Chuyện tình của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi đã kết thúc, nhưng cái đau khổ kéo dài trong cuộc sống sinh ly tử biệt của họ đã dẫn tới trí tưởng tượng vô cùng phong phú của các tao nhân mặc khách trong suốt những tháng năm lịch sử.
Chú thích:
(1) Lệ Sơn, đông nam Lâm Đồng thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây.
(2) Lý Mạo (? – 775) con tứh 18 của Đường Huyền Tông, năm 725 được phong Thọ vương, năm 23 tuổi, lấy Dương Ngọc Hoàn làm phi.
(3) Quý phi: tên gọi phi tần, vị thế sau Hoàng hậu;
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét