XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 05.13. CÂU TIỄN NẰM GAI NẾM MẬT

 Cuối đời Xuân Thu, nước Ngô và nước Việt thường xuyên tranh bá, năm 493 trước CN, Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai đánh bại. Vợ chồng Câu Tiễn đành phải đến ở nước Ngô làm con tin, ăn thì toàn cám bã, rau dại, mặc thì toàn quần rách áo nát, cam chịu cực kỳ nhục nhã.
Suốt 3 năm, Phù Sai mới tha cho Câu Tiễn về nước Việt. Sau khi  về nước, Câu Tiễn quyết tâm gắng sức tự cường nước Việt để báo mối thù lớn. Ông sợ mình ham thích cuộc sống an nhàn trước mắt, mai một ý chí báo thù, tự sống một cuộc sống gian khổ. Buổi tối, ngủ trên đống rơm, còn trong phòng treo một cái mật đắng, trước khi ăn cơm, ông đến nếm mật để không quên nỗi sỉ nhục trong quá khứ. Câu Tiễn còn đích thân đi cày ruộng, còn vợ thì se tơ dệt vải để động viên trăm họ nỗ lực phát triển sản xuất, làm cho đất nước thêm giàu có. Ông quy định bảy năm không thu thuế để thêm phần tích lũy cho dân chúng, khiến mọi người yên tâm sản xuất. Để tăng dân số, tăng thêm sức lao động, bổ sung nguồn lính, ông ra lệnh không cho thanh niên lấy vợ già, không cho ông già lấy vợ trẻ. Thanh niên nam nữ không chịu thành thân, cha mẹ sẽ bị xử phạt. Sinh được con gái, quan phủ sẽ thưởng. Sinh được con trai, quan phủ sẽ nuôi dưỡng. Vất vả suốt mấy năm, đất nước dần từ yếu thành mạnh, thực lực cũng tương đối hùng hậu.
Còn Ngô vương Phù Sai thì sao? Từ sau khi đánh  bại được nước Việt, ông ta trở nên kiêu ngạo, thấy Câu Tiễn thường sai sứ sang Ngô triều kiến, tiến cống, tỏ lòng trung thành, ông ta càng như ở trên mây. Lão thần Ngũ Tử Tư đã nhắc ông ta:
– Từ khi đại vương cho Câu Tiễn về nước, ông ta đang tích trữ lương thảo, chúng ta không thể coi thường được!
Nhưng Phù Sai nào có nghe.
Câu Tiễn nghe nói Phù Sai đang sửa chữa đài Cô Tô, liền cho Văn Chủng đưa đến những súc gỗ vừa dài vừa to. Phù Sai thấy có gỗ quý, thật là vui mừng ra mặt, lập tức hạ lệnh làm theo kích thướng của số gỗ này, thay đổi kiểu dáng thiết kế cung điện, tăng thêm nhân công lao dịch. Qua 8 năm, Cô Tô đài mới xây dựng xong, lãng phí không biết bao nhiêu nhân lực, vật lực, tài lực, thật là tốn người tốn của.
Câu Tiễn lại bảo Văn Chủng và Phạm Lãi đưa hai người con gái đẹp của nước Việt là Tây Thi và Trịnh Đán sang cho Ngô Vương. Phù Sai từ khi được hai người con gái đẹp, ngày đêm say đắm, rất ít khi hỏi đến việc nước.
Một năm, thời tiết nước Việt xấu, phải mượn lương của nước Ngô. Phù Sai thấy Câu Tiễn trung thành với mình, không nghe Ngũ Tử Tư phản đối, đồng ý cho nước Việt  mượn lương. Nước Việt đem số lương này chia cho dân chúng. Năm sau, nước Việt gặp thời tiết thuận lợi, Câu Tiễn lại đem số thóc trả cho nước Ngô. Phù Sai thấy Câu Tiễn biết giữ chữ “tín”, lại thấy những hạt thóc đem trả mẩy chắc, bèn lệnh cho dân chúng dùng để làm giống. Mùa xuân, dân nước Ngô gieo hạt, nhưng rất lâu vẫn không thấy nẩy mầm, kết quả là thất thu. Vốn là thóc của nước Việt đem trả cho nước Ngô đều đã đem luộc. Tuy thế, Phù Sai vẫn cho rằng đất đai của nước Ngô không thích hợp với giống của nước Việt.
Năm 484 trước CN, Ngô vương Phù Sai đem quân đánh Tề, Ngũ Tử Tư lại phẩn đối. Ông nói:
– Tôi nghe nói Câu Tiễn từ sau khi về nước, cùng với dân chúng đồng cam cộng khổ, lại cử Phạm Lãi ngày đêm luyện binh, âm mưu báo thù, đây có thể là cái họa lớn của đại vương.
Phù Sai vẫn không nghe, đích thân mang quân đi đánh Tề.
Trận này thắng lợi, Phù Sai khải hoàn trở về. Việt vương Câu Tiễn đích thân đến chúc mừng. Phù Sai vô cùng vui vẻ,  đích thân mở tiệc chiêu đãi Câu Tiễn, nhân đó, tuyên bố cho Câu Tiễn một phần đất phong để thưởng. Thấy cảnh ấy, Ngũ Tử Tư lại bước tới phản đối, khiến Phù Sai rất tức giận.
Sau đó, Phù Sai cử Ngũ Tử Tư đi sứ đến nước Tề. Ngũ Tử Tư thấy tương lai nước Ngô khó tránh được họa mất nước, bèn đem con trai của mình gửi gắm một đại thần nước Tề nuôi duỡng, đổi họ là Vương Tôn Thị, sau mới trở về nước Ngô. Phù Sai nghe nói việc này, lập tức cho người mang đến cho Ngũ Tử Tư  một thanh bảo kiếm, buộc ông tự sát. Ngũ Tử Tư phải dùng kiếm tự xử. Trước khi chết, ông dặn dò:
– Ngô Vương không nghe lời nói thẳng nên nước sẽ mất, hãy khoét đôi mắt của ta, treo trên cửa thành, ta muốn nhìn thấy quân nước Việt tiến vào nước Ngô.
Phù Sai giết Ngũ Tử Tư, cử Bá Phỉ giữ chức tướng quốc.
Năm 482 trước CN, Phù Sai cùng với các chư hầu Tấn, Lỗ đến Hoàng Trì hội minh. Câu Tiễn cho rằng cơ hội đã đến, bèn đem năm vạn quân đánh nước Ngô. Qua ba năm giao chiến, quân Việt hạ được thành nước Ngô, bắt sống được thái tử nước Ngô. Phù Sai đang ở Hoàng Trì nghe được tin này, vội mang quân về nước, cho người đi cầu hòa với nước Việt. Câu Tiễn thấy thực lực của nước Ngô còn mạnh, ngay lúc ấy khó đánh bại, bèn đồng ý giảng hòa, rút quân khỏi nước Ngô.
Sau 4 năm, Việt vương Câu Tiễn lại đem quân đánh Ngô. Ngô Vương nghênh chiến ở Lạp Trạch (phía nam kinh đô nước Ngô), quân hai bên bày thế trận cách nhau một dòng sông. Việt Vương chia quân thành hai cảnh tả hữu, nhân đêm tối, hai cánh quân luân phiên tiến công, gào thét xung trận. Quân Ngô chỉ có thể chống đỡ một cách bị động. Lúc này, Câu Tiễn mới chỉ huy quân Việt vượt sông, tiến công mãnh liệt vào đại bản doanh của quân Ngô. Quân Ngô lập tức hỗn loạn, trận tuyến sụp đổ, đại  bại tháo chạy.
Quân Việt thừa thắng đuổi theo, liên tiếp đánh bại quân Ngô. Phù Sai bị bao vây ở Dương Sơn (nay ở phía tây huyện Ngô, tỉnh Giang Tô), đành phải cầu hòa. Bá Phỉ đã đầu hàng từ sớm. Phạm Lãi và Văn Chủng cho rằng trong thời khắc quan trọng này không thể chùn tay, họ nói:
– Đại vương đã nằm gai nếm mật gian khổ gắng sức tự cường, nuôi quân đã 22 năm, bây giờ phải kiên quyết tiêu diệt Phù Sai, nhất định không để lưu họa về sau.
Phù Sai lúc này mới hối hận không nghe lời nói phải của Ngũ Tử Tư, đành tự sát. Trước khi chết, ông ta còn dặn:
– Sau khi  ta chết, các ngươi dùng khăn che lên mặt  ta, ta thực không dám gặp lại Ngũ Tử Tư.
Năm 473 trước CN, Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Không lâu sau, ông lại vượt sông Hoài lên phía bắc, hẹn với các nước chư hầu Tề, Tấn, Tống, Lỗ ở Trữ Địa (nay ở phái nam huyện Thằng, tỉnh Sơn Đông) hội minh. Chu Nguyên Vương thừa nhận dịa vị lãnh tụ các chư hầu của Việt vương Câu Tiễn. Như vậy, Việt vương Câu Tiễn đã trở thành bá chủ. 
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét