XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 06.10. TRƯƠNG NGHI CHIA RẼ LIÊN MINH

Trương Nghi người nước Ngụy, đồng học với Tô Tần, cùng là học trò của Quỷ Cốc Tử. Tài năng của ông, Tô Tần thường tự than là không bằng.
Từ sau khi học Quỷ Cốc Tử, Trương Nghi cũng kiếm sống bằng cách ngược xuôi du thuyết các chư hầu. Có một lần, ông bị người ta vu cho ăn trộm, đánh cho tơi bời. Thấy ông lếch thếch trở về nhà, vợ ông nói:
– Được! Ông suốt ngày đọc sách, du thuyết để đổi lấy cái này hay sao?
Trương Nghi nói:
– Bà xem thử, cái lưỡi của tôi còn không?
Vợ ông cười, nói:
– Còn.
Trương Nghi nói:
– Thế thì còn làm.
Tô Tần lúc này đã du thuyết thành công, đang qua lại giữa 6 nước, loay hoay với việc “hợp tung”, mang tướng ẩn của 6 nước, vẻ vang một thời. Trương Nghi nghĩ: các chư hầu giờ đây toàn nghe Tô Tần,  chỉ có nước Tần là chưa nghe ai. Vì thế, ông lên đường sang nước Tần.
Trương Nghi đến nước Tần, rất nhanh chóng  trở thành sủng thần và thượng khách của Tần Huệ Vương. Huệ Vương bắt đầu cùng ông bàn chuyện đánh 6 nước.
Lúc đó, quan hệ giữa các nước rất phức tạp, hôm nay hai nước liên minh, ngày mai có thể trở nên lục đục, không có bè bạn lâu dài, chỉ có lợi ích lâu dài. Chư hầu và Tần giao hảo, dựa vào lực lượng hùng mạnh của Tần gọi là “liên hoành”; ngược lại, giữa các chư hầu liên hợp với nhau để chống Tần gọi là “hợp tung”.
Được ít lâu, thời cơ đã chin muồi, Trương Nghi thuyết phục Ngụy Huệ Vương và Tần liên hoành, chống lại “hợp tung”. Qua ba năm, Ngụy lại chống Tần để “hợp tung”, Tần lập tức đánh Ngụy, chiếm được Khúc Ốc (nay là đông bắc Văn Hỷ, Sơn Tây), vì thế, Ngụy lại trở lại “liên hoành” với Tần.
Sau đó là câu chuyện nổi tiếng Trương Nghi uy hiếp nước Sở.
Nước Tần đánh Tề, nhưng lại sợ Sở giao hảo với Tề đem quân can thiệp, vì thế cử Trương Nghi tới Sở thuyết phục Sở Vương. Sở Hoài Vương (1) nghe tin Trương Nghi nổi danh thiên hạ, tướng của Tần đến, mang lễ đối với khách quý ra đón, hỏi:
– Ngài đến tiểu quốc chúng tôi có điều gì chỉ giáo?
Trương Nghi nói:
– Đại vương phải cắt đứt quan hệ với Tề, Tần muốn đem 600 dặm đất màu mỡ của Thương, Vu cho đại vương, đưa con gái xinh đẹp của nước Tần đến hầu hạ đại vương. Tần Sở hai nước kết thân, vĩnh viễn là anh em. Đại vương thấy thế nào?
Vua Sở nghe thế, bội phần vui vẻ, lập tức nghe theo. Quần thần đều vỗ tay chúc mừng, chỉ có Trần Chẩn tiến lên, can rằng:
– Tần coi trọng Sở, có một nguyên nhân là Tần Sở giao hảo, đến khi đoạngiao với Tề, Sở sẽ bị cô lập. Nếu Sở không đoạn giao với Tề, Tần có trả 600 dặm đất không? Chi bằng ta giả đoạn giao với Tề, vẫn ngầm có quan hệ, đợi đến lúc lấy được 600 dặm đất mới đoạn giao cũng không muộn.
Sở vương nói:
– Ông im đi. Ông không thấy ta được đất sao?
Sở vương đem tướng ấn giao cho Trương Nghi, lại còn cho ông nhiều tiền tài, đồng thời, đoạn giao với Tề, lại còn cử một tướng theo Trương Nghi đến Tần.
Sau khi  Trương Nghi đến Tần, giả vờ ngã ngựa bị gãy xương đùi, ba tháng không vào triều. Sở Vương nghe nói, nghĩ: Hay là Trương Nghi cho rằng ta chưa thật đoạn giao với Tề? Bèn cử một dũng sĩ đi tới nước Tống, trước mặt vua Tống, lớn tiếng chửi vua Tề. Vua Tề nổi giận, lập tức đoạn tuyệt với Sở, cùng Tần liên hoành.  Sau khi  Tề Tần giao hảo, Trương Nghi mới vào triều, nói với sứ giả của Sở:
– Ta có sáu dặm đất là của riêng, muốn đem cho vua Sở.
Sứ giả của Sở nói:
– Đại vương tôi nói 600 dặm đất của Thương, Vu chứ không phải 6 dặm.
Trương Nghi không nói lại, sứ giả của Sở tức giận bỏ đi.
Vua Sở nghe nói nổi giận, lập tức mang quân đánh Tần. Trần Chẩn tiến lên, nói:
– Đánh Tần không bằng cắt đất hối lộ cho Tần rồi cùng Tần đánh Tề. Như thế có thể giành được đất đai của Tề để bù lại.
Vua Sở không nghe, đánh nhau với liên quân Tần Tề ở Lam Điền (nay là Lam Điền, Thiểm Tây), bị mất 8 vạn quân, thảm bại, bị buộc phải cắt hai tòa thành để chấm dứt cuộc chiến.
Tần thấy đất Kiền Trung (nay ở phía tây Hồ Nam) của Sở muốn dùng đất Vũ Quan để đổi. Vua Sở nói:
– Cứ giữ lấy đất Vũ Quan, đem Trương Nghi ra đổi!
Vua Tần muốn đem Trương Nghi đổi, nhưng không nhẫn tâm nhìn Trương Nghi chịu chết, Trương Nghi nói:
– Cứ để thần đi, thần có cách nói để trở về. Nếu không, chết một mình thần, đại vương được đất Kiền Trung, đó cũng là sở nguyện của thần.
Trương Nghi đến nước Sở, bị vua Sở giam vào ngục tử tù. Trương Nghi ngầm hối lộ cho đại phu Cận Thượng, để Cận Thượng nói với sủng phí của Hoài Vương là Trinh Tụ: “Trương Nghi là người hiểu ý của vua Tần nhất, ông ta mà bị tù, vua Tần tất mang nhiều đất đai, mỹ nữ cho vua Sở. Vua Sở vốn kính sợ vua Tần, con gái Tần đến, tất sẽ là sủng phi mới, phu nhân sợ sẽ thất sủng. Chi bằng phu nhân nghĩ cách nói với vua Sở tha cho Trương Nghi đi.
Trịnh Tụ ngày đêm nói với Hoài Vương:
– Tần rất xem trọng đại vương, đất của chúng ta còn bỏ qua được, Trương Nghi của họ quan trọng lắm. Nếu nay ta giết Trương Nghi, vua Tần sẽ nổi giận sẽ đánh chúng ta, thử hỏi thế có tốt không?
Vua Sở lòng dạ rối bời, cảm thấy là đúng, bèn tha cho Trương Nghi tiếp tục dùng lễ hậu tiếp đãi.
Cùng thời với Tô Tần, Trương Nghi nhân nhớ về người bạn đồng học và sự giúp đỡ của Tô Tần nhưng  lại phá hoại và làm lung lay đại quy mô hợp tung của sáu nước. Từ nước Sở trở về, nghe nói Tô Tần đã chết, ông lập tức nói với vua Tần:
– Hợp tuy giống như liên hợp một đàn dê. Nay duy chỉ có Sở còn đôi chút thế lực, nếu Tần liên hợp với Hàn, Ngụy đánh phía tây, bắc, dù không thắng cũng là để uy hiếp. Mà Tần Sở đánh nhau cũng như hai con hổ vật lộn.
Vua Tần nghe nói rất tin phục, lập tức cử Trương Nghi đi 6 nước làm thuyết khách. Trương Nghi tha hồ thi thố miệng lưỡi, thời gian không lâu đã thành công “liên hoành” giữa Tần và các nước, hoàn toàn phá tan “hợp tung” của sáu nước.
Sau khi  Tần Huệ Vương chết, con là Vũ Vương nối ngôi. Thời Vũ Vương còn là thái tử, rất coi thường xuất thân lưu manh vô lại của Trương Nghi. Quần thần xung quanh lại thi nhau nói với ông:
– Con người Trương Nghi nói không thể tin, chuyên khoác lác, lại giỏi nịnh bợ, ai có thế lực thì hùa theo, là cái đồ vô sỉ chỉ bán chúa cầu vinh, ông ta mà làm tướng quốc của nước ta, sợ thiên hạ chê cười.
Chư hầu nghe nói Trương Nghi ở nước Tần đã thất thế, đua nhau từ bỏ “liên hoành” trở về với “hợp tung”.
Năm Tần Vũ Vương nguyên niên (310 trước CN), Trương Nghi sợ mang họa, bèn nói với Vũ Vương:
– Nước Tề rất hận Trương Nghi, Trương Nghi làm quan ở nước nào, nước Tề sẽ đánh nước đó. Vì thế, Trương Nghi khẩn cầu đến nước Ngụy, khi có chiến tranh giữa Tề và Ngụy, đại vương nhân đó đánh Ngụy, qua Ngụy vào Chu, uy hiếp thiên tử, ra lệnh cho chư hầu, có được không?
Vua Tần đồng ý, trả Trương Nghi cho nước Ngụy. Vua Tề quả nhiên đánh Ngụy. Trương Nghi lại nói cho vua Tề ước hẹn Vũ Vương đánh Ngụy để uy hiếp nhà Chu, Tề bèn lui quân.
Trương Nghi về sau lại làm tướng quốc của nước Ngụy, một năm sau chết ở đó. Tô Tần do “hợp tung” mà mang họa, kết cục bi thảm, còn Trương Nghi ngược lại, được may mắn.
  Chú thích:
(!) Sở Hoài Vương: ở ngôi 328 – 299 trước CN, là con Sở Uy Vương. Năm 318 trước CN, 6 nước “hợp tung” đánh Tần. Sau bị Trương Nghi lừa, mất thầy, mất đất. Năm 299 trước CN bị nước Tần bắt giam, cuối cùng chết ở Tần.
(2) Vũ Quan: nay ở đông nam Đan Phượng, Thiểm Tây,láng giềng Đan Giang là vị trí trọng yếu về quân sự khi Sở tiến quân đánh Tần.
(3_Tần Vũ Vương: ở ngôi 310 – 307 trước CN, có chí “thông tam xuyên quy Chu thất”. Năm 308 trước CN, cử Can Mậu đem quân đánh Hàn, diệt 6 vạn quân. Vũ Vương tính thiện võ, sau cùng Mạnh Thuyết cử đỉnh, gãy xương ống chân mà chết.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét