XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 07.01. ĐỐT SÁCH CHÔN NHO

Một ngày của năm 213 trước CN, yến tiệc mở trong cung Hàm Dương, rượu ngon tỏa hương, đàn sáo dìu dặt, thật là một cảnh tượng náo nhiệt. Vốn là ở trong cung, Tần Thủy Hoàng mở tiệc vui lớn, chúc mừng một năm chiến thắng Hung Nô. Văn võ bá quan đều có mặt đông đủ, một số học giả (1) có tên tuổi và địa vị cũng tham gia buổi yến tiệc này.
Trong lúc yến tiệc đang diễn ra, lãnh tụ của các học giả là Chu Thanh Thần nâng cốc, tán dương công đức của Tần Thủy Hoàng:
– Biên giới xưa của nước Tần không đến nghìn dặm, nhờ sự sáng suốt của bệ hạ, tiêu diệt 6 nước, thống nhất Trung Nguyên, đánh đuổi người Man và người Di. Ngày nay, hễ nơi nào có mặt trời và mặt trăng chiếu tới, tất cả đều phục tùng dưới sự thống trị của bệ hạ. Bệ hạ bãi bỏ chế độ phân phong, thiết lập chế độ quận huyện (2), từ đó trừ bỏ được tai họa của chiến tranh, khiến cho nhà nhà khắp thiên hạ  đều được sống những ngày an lạc. Thời thế thái bình như thế, tất có thể được truyền đời đời. Uy đức của bệ hạ, thật là từ cổ xưa tới nay, đến Tam Hoàng Ngũ Đế cũng không theo kịp.
Tần Thủy Hoàng nghe những lời tán dương của Chu Thanh Thần, lòng sung sướng, liên tục gật đầu, nói với Chu Thanh Thần:
– Nói phải lắm! Nói phải lắm!
Nhưng những lời tán dương này đã khiến cho một số học giả mang tư tưởng cũ không vừa ý. Có một người là Thuần Vu Việt thấy Chu Thanh Thần nói phân phong là không tốt, chế độ quận huyện mới tốt rất khó chịu. Ông tiến lên mấy bước, chậm rãi nói với Tần Thủy Hoàng:
– Bệ hạ! Thần nghe  người ta nói, ngôi vua của hai đời Ân Chu truyền được hơn một nghìn năm, họ phân phong cho con cháu và công thần làm chư hầu, giống như các vì sao xoay quanh mặt trăng là triều đình trung ương, chế độ như vậy là rất tốt. Nay bệ hạ thống nhất Trung Nguyên, con cháu không có một chút địa vị và thực quyền. Vạn nhất nếu như sau này xảy ra chuyện như Điền Thường (3) ở nước Tề, nghịch tử loạn thần mưu chiếm ngôi vua thì có ai cứu vãn được tình thế? Thần có nghe người đời trước nói: “Làm việc không theo khuôn mẫu cũ mà muốn được bền lâu là không thể được. Nay Chu Thanh Thần lại phỉnh nịnh bệ hạ, làm tăng thêm những sai lầm của bệ hạ. Thần thấy ông ta không phải là trung thần. Bệ  hạ nên nghĩ lại việc phân phong cho con cháu mới phải.
Thuần Vu Việt một lần nữa lại đề cao việc phân phong, Tần Thủy Hoàng nghe mà trong lòng thấy chán nản, liền cho các quan bàn bạc để thử xem cuối cùng chế độ phân phong tốt hay chế độ quận huyện tốt. Lúc này, Lý Tư đã được phong tới chức thừa tướng, phản đối những lời sằng bậy của Thuần Vu Việt, ông ta nói với Tần Thủy Hoàng:
– Xưa và nay, thời đại không giống nhau, hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, chúng ta quyết không thể đem chế độ cổ xưa thực hiện vào ngày nay. Nay thiên hạ đã an định, pháp lệnh đã thống nhất, dân chúng đang nỗ lực làm ruộng, làm nghề; người đọc sách cần cố gắng học tập chế độ pháp lệnh hiện hành. Vì thế, nay nếu còn một số người đọc sách, cứ ôm lấy những thứ cũ kỹ, không dám vứt bỏ, chỉ dựa vào những thứ ghi chép trong sách cũ để công kích chế độ chính trị bây giờ, như thế rất không có lợi cho sự thống trị của bệ hạ, cần phải nghiêm cấm. Thần đề nghị: những sách vở sử quan thu giữ, phàm là không thuộc lịch sử nước Tần, toàn bộ đều đem đốt, Thi Kinh, Thượng Thư không phải do các học giả được triều đình bổ nhiệm cất giữ mà do các tư gia cất giữ, cũng đều đốt hết để ngăn chặn nguồn gốc tư tưởng hỗn loạn.
Tần Thủy Hoàng cảm thấy đúng sự việc phải như thế, nếu cứ nghe những người có tư tưởng cũ tuyên truyền cho chế độ cũ thì cản trở cho sự thống trị của mình. Vì thế, ông ta quyết định tiếp thu những ý kiến của Lý Tư, hạ lệnh đốt sách. Biện pháp cụ thể là: trừ một số sách về y dược, bói toán, trồng trọt, phàm là những sách về lịch sử không phải do sử quan nước Tần viết, Thi Kinh, Thượng Thư và những sách của Bách gia chư tử không phải do nhà quan cất giữ mà do dân gian cất giữ, nội trong 30 ngày, đều phải đến nộp cho quan địa phương để thiêu hủy. Sau đó, ai còn  bàn luận về nội dung của sách cổ, xử tử hình; ai mượn những đạo lý thời cổ để công kích chính trị đương thời, cả nhà đều bị xử tử. Các quan biết sự việc mà không tố cáo cũng xử tội như vậy. Lệnh ban bố 30 ngày, ai còn giữ sách chưa đốt bị thích chữ lên mặt, phạt đi làm khổ sai xây dựng Trường thành trong 4 năm. Phàm những ai muốn học tập pháp luật chỉ được học ở chỗ các quan, không được lén lút học theo sách cổ của thời đại trước.
Sau khi lệnh đốt sách được ban ra, các quan lại ở quận huyện không dám lơ là, lập tức nghiêm chỉnh tuân theo mệnh lệnh nhà vua mà chấp hành. Họ cử rất nhiều sai dịch và binh lính đến từng nhà, từng hộ dân chúng để thu sách. Trong một thời gian rất ngắn, nơi nơi đều xuất hiện ngọn lửa rừng rực đốt sách, thiêu đốt tất cả những sách vở thời cổ từ các bản khắc đến các bản viết trên tre, gỗ, khiến cho văn hóa Trung Quốc bị tàn phá nghiêm trọng. Lịch sử ngoài nước Tần và những ghi chép tư tưởng, học thuật của bách gia chư tử, phàm là bất cứ sách gì, thu được đều đốt sạch. Rất nhiều sự thực lịch sử và tư tưởng học thuật từ đó bị thất truyền. Đây là một hành động cường bạo làm suy tàn nền văn hóa Trung Quốc của Tần Thủy Hoàng.
Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đốt sách khiến nhiều người đọc sách vô cùng căm giận. Không chỉ có những người có tư tưởng cũ phản đối hành động tàn bạo của ông ta, ngay cả một số học giả có nhiều chức tước, bổng lộc của triều đình cũng đều bí mật bàn bạc, nói Tần Thủy Hoàng áp chế dư luận, tàn phá văn hóa quá mức.
Năm sau xảy ra việc đốt sách, tức năm 212 trước CN, có hai phương sĩ (4) là Hầu Sinh và Lư Sinh  đi tìm thuốc trường sinh bất tử cho Tần Thủy Hoàng, lén lút bàn với nhau:
–         Cái con người Tần Thủy Hoàng vô cùng tàn bạo, lại tự phụ. Sau khi  ông ta diệt 6 nước, thống nhất Trung Nguyên, tự cho mình là ông vua tài giỏi nhất từ trước tới nay. Ông ta chỉ dựa vào những hình phạt tàn bạo để thống trị thiên hạ, các đại thần không ai dám nói thật, ông ta không tín nhiệm ai, mọi việc lớn nhỏ đều do ông ta tự quyết định. Người tham lam quyền thế như ông ta, chúng ta không thể tìm thuốc tiên cho được!
 Họ bí mật bàn bạc rồi đem toàn bộ tiền bạc bỏ trốn.
Tần Thủy Hoàng nghe nói người đọc sách nói xấu sau lưng mình, Hầu Sinh và Lư Sinh còn dám bỏ trốn, vô cùng tức giận, quyết định phải nghiêm khắc trừng trị họ.
Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho ngự sử đại phu đi điều tra những người đọc sách nói xấu sau lưng mình. Người bị bắt thẩm vấn không chịu nổi những hình phạt tàn bạo, để gỡ tội cho mình, người nọ đổ lỗi cho người kia, khai đi khai lại, tìm ra hơn 460 phương sĩ và nho sinh có nghi ngờ. Tần Thủy Hoàng nổi giận, cũng không cần thẩm vấn cẩn thận để xác minh hư thực, cho người đào một cái hố lớn ở ngoại thành Hàm Dương đem toàn bộ chôn sống. Kỳ thực trong số 460 người đó, phản đối Tần Thủy Hoàng thực sự chỉ có một số ít, phần lớn đều là chết oan. Đây là việc giết người đọc sách một cách tàn bạo của Tần Thủy Hoàng.
Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn nho, hạn chế tự do tư tưởng của mọi người, tạo nên một tổn thất to lớn với văn hóa truyền thống,là một sai lầm to lớn trong cuộc đời của ông ta.

Người dịch: Dương Đình Giao

Chú thích:
  1. Học giả (bác sĩ): Thời Xuân Thu-Chiến Quốc đã có tên gọi này, các nước Tề, Ngụy, Tần thời Chiến Quốc là một chức quan. Thời Tần làm cố vấn cho Hoàng đế, tham gia nghị chính, chế lễ nghi, điển thủ thư tịch.
  2. Nước Tần từ Thương Ưởng biến pháp bắt đầu thiết lập quận huyện. Sau khi Trung Quốc thống nhất, toàn quốc có hơn 30 quận và hơn một nghìn huyện. Chế độ quận huyện có lợi vì chính phủ trung ương khống chế được chính phủ địa phương.
  3. Điền Thường: quý tộc nước Tề đời Xuân Thu, từng làm Tể tướng của Tề Giản Công, sau giết Giản Công, lập Tề Bình Công. Đến lúc đó, chính quyền hoàn toàn rơi vào tay họ Điền.
  4. Phương sĩ: thời cổ đại, người có phương thuật cầu thành tiên. Bắt đầu có từ đời Chu, phát triển vào đời Chiến Quốc, mạnh vào đời Tần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét