XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 05.07. CUỘC SỐNG LƯU VONG CỦA TRỌNG NHĨ

  Có người nói rằng, lịch sử thời Xuân Thu trường kỳ là việc các quốc gia  tranh giành và bảo vệ địa vị bá chủ, trong đó điển hình là  nước Tấn ở phương bắc và nước Sở ở phương nam. Nước Tấn xưng bá thời gian dài nhất, mà Tấn Văn Công Trọng Nhĩ là người đầu tiên mở đầu sự nghiệp xưng bá của nước Tấn.
 Sau khi cha của Trọng Nhĩ là Tấn Hiến Công chết, trong cung do tranh giành quyền nối ngôi, xảy ra nội loạn. Thái tử Thân Sinh bị giết chết, bọn tiểu nhân đắc thế, Trọng Nhĩ phải chạy trốn ra nước ngoài. Vào sinh ra tử cùng với Trọng Nhĩ có Hồ Mao, Hồ Yểu, Triệu Thôi, Ngụy Trừu, Giới Tử Thôi… Họ giúp đỡ Trọng Nhĩ, chờ Trọng Nhĩ có thể về nước nối ngôi lập nên sự nghiệp.
Sau khi Trọng Nhĩ rời nước Tấn, gặp chuyện chẳng lành, phải chạy sang nước Tề. Tề Tuyên Công tiếp đãi Trọng Nhĩ vô cùng chu đáo, không chỉ sắp xếp nơi ở, còn cho ngựa xe, ăn uống, lại còn đem một con gái xinh đẹp là Tề Khương gả cho Trọng Nhĩ làm vợ. Về sau, Tề Tuyên Công chết, năm công tử của nước Tề tranh ngôi, thế của nước Tề dần suy bại, tay chân của Trọng Nhĩ cho rằng việc ở lại nước Tề không còn có lợi nữa, bèn bàn nhau rời nước Tề. Nhưng Trọng Nhĩ mê đắm với cuộc sống an nhàn trước mắt, suốt ngày vui chơi với Tề Khương, không nghĩ gì đến việc rời nước Tề. Bọn thủ hạ thấy vậy, bèn không cần khuyên nhủ nữa. Ngụy Trừu thấy không khuyên được, nói mát:
– Chúng tôi nghĩ rằng công tử là người có chí lớn, mới mang hết tài năng cùng công tử chạy đông chạy tây. Bây giờ, ông ấy chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, suốt ngày ôm lấy vợ…
Hồ Yển, cậu của Trọng Nhĩ nói:
– Mọi người không phải lo, muốn cho công tử thức tỉnh, tôi có một cách…
Triệu Khôi hỏi:
– Ông có diệu kế gì?
Hổ Yểu nói:
–  Đây không phải là nơi có thể nói được!
Cả bọn cùng nhau ra một bãi dâu ở ngoài thành bàn kế hoạch để Trọng Nhĩ phải ra đi.
Ai ngờ là “vách có tai”, mấy cô hầu của Tề Khương đang hái dâu, nghe được lời bàn bạc của họ, trở về nói hết với Tề Khương. Tề Khương là người thông minh, có nghĩa lớn, sợ các cô hầu lộ tin tức, không có lợi cho Trọng Nhĩ bèn đem giết họ đi. Sau đó, Tề Khương nói với Trọng Nhĩ:
– Nghe nói chàng sắp rời nước Tề?
Trọng Nhĩ nói:
– Ai nói thế? Ở đây thật là thoải mái, có nàng ở bên cạnh, ta sao lại muốn đi?
Tề Khương khuyên:
– Chàng thử nghĩ xem! Chỉ ham chơi hưởng lạc thật phí đời chàng. Nghe nói Di Ngô đang làm loạn ở nước Tấn, công tử phải  nhân cơ hội này về nước, nhất định có thể giành được ngôi, làm nên nghiệp bá.
Trọng Nhĩ vẫn chưa nghe ra.
Hôm sau, trời mới vừa sáng, Triệu Thôi, Hồ Yểu đến gọi Trọng Nhĩ, Trọng Nhĩ đang ngáy như sấm. Tề Khương gọi Hồ Yểu tới, hỏi ông ta có việc gì. Hồ Yểu đáp:
– Trước đây công tử ở Địch, hàng ngày đều lên xe, cưỡi ngựa, vận động ở bên ngoài, nay đã lâu công tử không luyện tập thân thể, chúng tôi sợ ngài buồn, chúng tôi muốn mời ngài đi săn.
Tề Khương cười, nói:
– Các ngài không giấu được tôi đâu. Việc các ngài bàn, tôi biết cả rồi. Tôi rất kính phục lòng trung thành của các ngài, bản thân tôi cũng khuyên công tử rời nước Tề, nhưng chàng không nghe. Lần này, tôi nhất định giúp các ngài. Tối nay, tôi sẽ mời công tử uống rượu, để cho ông ta say. Các ngài nhân đêm tối, đưa ông ta ra khỏi thành.
Nghe những lời như thế của Tề Khương, Hồ Yểu không khỏi kính phục.  
Nến hồng lay động, đêm rượu đang nồng, người đẹp bên cạnh, Trọng Nhĩ uống rượu thỏa thích. Lại thêm Tề Khương không ngừng chuốc rượu, Trọng Nhĩ sau một hồi đã say khướt, không còn biết gì nữa. Bảy tám người bọn Hồ Yểu đưa Trọng Nhĩ lên xe, đêm ấy ra khỏi thành. Chạy được năm sáu mươi dặm, họ mới đi chậm lại, đó chính là lúc gà đã gáy sáng, mặt trời đã mọc ở đàng đông. Trọng Nhĩ trở mình, cảm thấy bị lắc ghê quá, mở mắt nhìn, mới biết là mình  đang ngủ ở trên xe, không biết đang ở đâu, tức thì nổi giận, mắng:
– Các ngươi định tạo phản à? Sao không bàn bạc gì mà dám đưa ta ra khỏi thành?
Ông ta giật cái giáo trong tay Ngụy Trừu, xông vào Hồ Yểu. Hồ Yểu không né tránh, nói:
– Để cho chuyến đi này của ngài thành công, Hồ Yểu tôi dù có bị ngài giết chết cũng thỏa lòng.
Mũi giáo của Trọng Nhĩ đã đặt sát yết hầu của Hồ Yểu, Trọng Nhĩ nói:
– Nếu chuyến đi này không thành công, ta sẽ lột da ngươi, ăn thịt ngươi!
Hồ Yểu đáp:
– Nếu chuyến đi không thành, thịt của tôi vừa tanh vừa hôi, làm sao mà ăn được!
Mọi người dịu lời khuyên bảo, Trọng Nhĩ không biết làm sao, mới hạ giáo xuống.
Đoàn người lang bạt đến nước Tào, nước Tống, nước Sở, cuối cùng đến nước Tần, thấm thoắt đã sáu năm. Vua của nước Tần là Mục Công quyết định giúp Trọng Nhĩ, cho quân cùng với Trọng Nhĩ về nước làm vua.
Khi vượt sông Hoàng Hà, lên thuyền, Hồ Thúc, người quản mọi hành lý cẩn thận mang theo tất cả đồ đạc. Ông ta quên sao được chuyến đi gian nan, có khi đói bụng, Trọng Nhĩ phải ăn rau rừng, nên mang theo tất cả cơm nguội, dưa muối, giày rách, …Trọng Nhĩ thấy thế cười lớn:
–  Ta nay về nước Tấn để làm vua, muốn gì có nấy, còn mang theo mấy thứ rách nát ấy làm gì?
Nói xong, bảo người vứt hết lên bờ.
Hồ Yểu thấy thế không nén được tiếng thở dài, nghĩ: “Công tử còn chưa giàu có đã quên lúc nghèo khổ trước đây. Sau này, nếu ông ta thích mới ghét cũ, coi chúng ta những người đã từng đồng cam cộng khổ, những người cùng chung hoạn nạn như những thứ rách nát… Chi bằng bây giờ còn chưa qua sông, bỏ ông ta mà đi.
Hồ Yểu đem viên bạch ngọc mà Tần Mục Công cho ông ta, quỳ trước Trọng Nhĩ, nói:
– Bây giờ công tử qua sông là về đến nước Tấn, trong có đại thần, ngoài có nước Tần, tôi cũng yên tâm rồi. Tôi muốn ở lại đây làm ngoại thần của ngài. Xin dâng viên ngọc này để biểu thị tấm lòng của tôi.
Trọng Nhĩ sợ hãi, nói:
– Ta toàn dựa vào sự giúp đỡ của cữu cữu mới có được ngày hôm nay. Bây giờ phải cùng đi để hưởng phú quý, vì sao lại nói ở lại đây?
Hồ Yểu nói:
– Trước đây, công tử trong cơn hoạn  nạn, tôi ít nhiều cũng có tác dụng. Nay ngài về nước làm vua, chắc sẽ có người mới phò tá. Tôi cũng đã cùng  ngài gian khổ nhiều năm nhưng nay cũng đã không còn được như xưa, cũng giống như cái áo cũ, chiếc giày rách kia, về nước liệu có thể dùng được vào việc gì?
Trọng Nhĩ xấu hổ, rơi nước mắt, nói:
– Cữu cữu trách móc rất đúng, ta quả là không tốt.
Ông ta liền ra lệnh cho mọi người mang tất cả mọi thứ lên thuyền, chỉ sông Hoàng Hà, thề:
– Sau khi ta về nước, nếu quên công lao của mọi người, không toàn tâm toàn ý vào việc triều chính thì sẽ bị trời chu đất triệt.
Nói xong, ném viên bạch ngọc xuống sông.
Các đại thần của nước Tấn nghênh đón công tử Trọng Nhĩ, lập ông lên ngôi vua, đó chính là Tấn Văn Công.
Sau khi lên ngôi, Tấn Văn Công chú ý chỉnh đốn chính trị, phát triển sản xuất, an định nhân dân trong nước. Nước Tấn rất nhanh chóng cường thịnh, trở thành bá chủ trong thời gian dài của thời kỳ Xuân Thu.
Người đọc sử thường hay hỏi: Trọng Nhĩ ham muốn nhàn hạ, không lo tiến thủ, làm sao gặp được những người giúp đỡ, ủng hộ như thế? Thực ra, gấp sách lại, suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy Trọng Nhĩ là người khiêm tốn, biết lắng nghe ý kiến người khác, không cho mình là người tài giỏi để tự phụ. Đây có lẽ chính là nguyên nhân khiến ông ta được nhiều người có tài phò tá, cuối cùng lập được nghiệp lớn.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét